ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

Đời Huyền Bí của HPB (tt)

 

Xem Mục ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY

 12B. R. Casava Pillai
Tháng 5- tháng 10, 1882
Nellore, Bombay và Darjeeling, Ấn độ

Năm 1881 ở Nellore tôi may mắn tiếp xúc được với một người chela (đệ tử) khi ấy đang ở chặng đầu của việc phát triển tinh thần của anh. Anh thuộc giai cấp Vaishnava và đã sống một thời gian ở miền bắc với một vị Chân sư trước năm 1881, lìa xa hẳn cha mẹ và gia đình. Anh là chela hàng cao, và tình bạn của anh với tôi đã khiến tôi quen biết được huynh Damodar K. Mavalankar, hội viên của Hội, vào đầu năm 1881. Cũng vào lúc ấy, gương mặt quen thuộc và thiêng liêng của Guru tôi (ngài Koot Hoomi) hay hiện ra trước mặt tôi, và thường hơn trong giấc mơ, với dung mạo thanh nhã và có ý hài lòng hơn.
Vào đầu năm 1882 dưới sự bảo trợ của người chela mà tôi nói ở trên, khi đó anh có mặt tại trụ sở hội ở Bombay, có sắp xếp để thành lập chi bộ Nellore. Theo lời thỉnh cầu của hội viên ở đây, bà Blavatsky và ông Olcott tới Nellore (tháng 5-1882) và chi bộ  bắt đầu sinh hoạt. Trong lúc hai vị sáng lập có mặt tại đó, tôi nhận được lần đầu tiên một thư của đức M. gửi cho tôi và một số hội viên khác, ghi chỉ dẫn về việc điều hành chi bộ này. Bốn người chúng tôi có mặt trong phòng Asptani, bà Blavatsky ngồi viết ở bàn và chúng tôi đều ngồi.
Khi nghe bà nói là cảm thấy Guru của bà hiện diện trong phòng, tất cả chúng tôi nhìn lên và trong vòng một hay hai phút, một thư từ trần nhà rơi xuống trước mặt chúng tôi giữa ánh sáng ban ngày khoảng ba giờ trưa. Không có dụng cụ hay cửa bí mật nào lúc đó.
Cũng ngày hôm ấy khoảng một tiếng sau, có khoảng hơn một tá người hiện diện gồm cả hội viên và người không phải là hội viên, đề tài câu chuyện là làm sao để biết một ngày tháng nào, và rồi một người trong bọn chúng tôi (tôi tin đó là ông G. Subbia Chetty) đề nghị là xin bà Blavatsky cho chúng tôi một quyển lịch almanac, người khác góp ý là quyển lịch này phải không có sẵn ở Nellore. Xong tất cả bọn chúng tôi đều ngỏ lời hỏi xin. Bà Blavatsky nói bà sẽ thử làm, và một Vị đại đệ tử, đức D.K. đang có mặt gần đây trong thể tình cảm của ngài.
Tất cả chúng tôi đều ngồi trong cùng một phòng, và hàng hiên bên cạnh mở ra mái nhà và không có gì ngoại trừ trời xanh trên đầu. Rồi  bà nói to xin Vị đại đệ tử tặng chúng tôi một quyển lịch almanac. Trong vòng ba hay bốn phút sau có quyển ’Almanac for  1882 and Diary Phoenix’ ném vào chúng tôi với sức khá mạnh, như thể được ném từ trời xanh trên đầu; bà Blavatsky đưa tôi quyển lịch và tôi vẫn còn giữ nó tới nay.
Trong thời gian ở tại Nellore, bà cho tôi hay là các Vị Huynh Trưởng có nói chuyện với bà về tôi, và rằng các ngài đã theo dõi tôi lâu từ trước; tôi thưa là có biết như vậy. Cuộc trò chuyện này xẩy ra trước mặt một số hội viên khác trong đó có ông T. V. Charlu và C. Kotiah Chetty Garu. Sau việc ấy tôi nghĩ kỹ về sự hiện hình của Chân sư trước mặt tôi trong giấc mơ và khi khác, nên tôi bắt đầu trụ tâm thức vào dung mạo đẹp đẽ của Chân sư hết sức tôn kính mà tôi biết là đức K.H.
Làm vậy không phải là vô ích, bởi trong vòng bốn tới năm ngày tôi có được câu đáp cho lời cầu nguyện của mình. Vị Mahatma đáng tôn kính từ phút ấy thường cho tôi huấn thị trong giấc mơ - không hẳn là giấc mơ mà là trạng thái nửa mơ nửa tỉnh, và bởi không biết tả làm sao nên tôi gọi đó là giấc mơ. Trong một lần như vậy, tôi nghĩ là vào cuối tháng năm, tôi tha thiết cầu nguyện với ngài là cho tôi có được diễm phúc thấy ngài bằng xương bằng thịt. Sau khi suy xét một chốc, ngài trả lời rằng tôi phải băng qua dãy Himalaya một mình.
Tôi rời Madras vào chiều ngày 11-9, 1882 bằng xe lửa chở thư và đến trụ sở hội ở Bombay ngày 13-9.  Chiều hôm đó với sự hiện diện của bà Blavatsky, bà Coulomb, ông Tukaram Tatya, Damodar K. Mavalankar và một hội viên khác mà tôi không biết tên, tôi nhận được một thư rơi từ trần nhà xuống ngay đầu mình. Thư do Guru của tôi gửi để trả lời bức thư của tôi mà ai cũng thấy (ngoại trừ ông Tukaram Tatya lúc ấy ra khỏi phòng) để gần tượng Phật trên kệ trong phòng. Thư đó biến mất trước mặt chúng tôi.
Tối hôm ấy lúc tôi đi ngủ trong phòng ông Olcott với tất cả cửa phòng đều đóng và có đèn sáng, tôi giật mình thấy là hình dạng thể tình cảm của Guru mà tôi tôn kính tột bực làm như từ trong bức tường cứng chắc bước ra; tôi sấp mình trước mặt ngài và Guru ban phước cho tôi, muốn tôi đi gặp ngài bên kia dãy Himalaya, nói bằng tiếng Telugu thành thạo. Cuộc nói chuyện giữa chúng tôi thiêng liêng quá nên không thể ghi lại ở đây. Ngài biến mất theo cùng cách như khi hiện ra.
Sáng hôm sau là ngày 15-9, tôi và bà Blavatsky khởi hành lên miền bắc, ông bà Coulomb, Damodar K. Mavalankar, ông Tukaram Tatya và một hội viên nữa (tất cả đi bằng ba xe) theo chúng tôi ra sân ga.
Trên đường đi vào ngày 15-9 qua khỏi Bhosawal Junction giữa hai trạm Chandani và Khandwa, tôi thấy những cây cầu bắc ngang qua một phụ lưu của sông Tapti đã bị nước sông cuốn trôi, và khoảng ba cây số đường bị hư hại. Rồi chúng tôi phải xuống xe lửa và qua sông bằng thuyền. Một số hành lý của bà Blavatsky đựng y phục  và những vật cần thiết khác bị để quên trên thuyền do sơ suất, và tất cả chúng tôi lên xe lửa ở bờ bên kia sông mà không biết là hành lý bị để lại sau lưng. Khi qua khỏi trạm Khandwa, tôi nghĩ, bà Blavatsky khám phá là thiếu một số hành lý nên bà cùng người giúp việc là Babula xuống tầu cùng với các vật.
Tầu chạy lên phương bắc để lại bà phía sau, còn tôi đi một mình trong toa hạng ba. Nên tôi phải gặp lại bà ở Allahabad vào ngày 18-9.  Ngày 17 khi tôi còn cách Allahabad vài trạm ở phía nam, với chỉ có hai hay ba hành khách khác trong toa, tôi may mắn thấy một lá thư rơi xuống mình từ trên trần của toa xe. Khi ấy bà Blavatsky phải ở đâu đó giữa Sahagpore và Jabbalpore, cách xa tôi khoảng 250 dặm. Thư này có nét chữ quen thuộc của Mahatma của tôi, nói về một bức thư mà tôi gửi ở Bombay và biến mất khi đặt cạnh tượng đức Phật.
Khi gặp bà Blavatsky tại Allahabad, cả hai chúng tôi cùng Babula bắt đầu đi lên phương bắc và tới Chandernagore vào sáng ngày 19 bằng xe lửa chở thư. Ở đó tôi rời bà Blavatsky cùng người giúp việc của bà và băng qua sông Hughly bằng thuyền sang bờ bên kia, và đi bộ chừng 5 dặm tới trạm Nalhati, rồi lấy xe lửa chở thư đi tới Siliguri. Tôi đến đó sáng sớm ngày 20, xong đi xe lửa tới Darjiling vào buổi chiều và gặp ông Dharbagirinath tối hôm đó, đúng vào lúc tôi cần nhất để theo đường lên phương bắc.
Hai chúng tôi đi cùng với nhau cho tới ngày 28. Chúng tôi đi chung, hoặc cỡi ngựa hoặc đi bộ qua Bhutan, Sikkim v.v. Chúng tôi viếng thăm nhiều chùa, tôi phải băng qua rồi băng trở lại sông Ranjit hơn hai lần, đi bằng cầu treo cũng như là bằng phà.
Trong những lần đi như vậy, khoảng ở Pari hay Parchong ở biên giới phía bắc của Sikkim, tôi may mắn và có phước được sấp mình trước chân hai Chân sư đáng tôn kính nhất là đức K.H. và đức M. trong xác thân của hai ngài. Đây cũng chính là những Vị mà tôi đã thấy trong thể tình cảm trong giấc mơ của tôi từ năm 1869 rồi năm 1876 tại Madras, và ngày 14-9, 1872 tại trụ sở hội ở Bombay. Ngoài ra, tôi cũng gặp vài chela cao cấp và trong số đó là đức D.K. nay là bậc Chân sư.
Chiều ngày 26-9 cả hai chúng tôi nghe là bà Blavatsky và ông Ramswamy Iyer đã tới Darjiling và ngụ tại nhà ông Parvati Churn Roy (phó thẩm phán); chúng tôi tới gặp hai vị ở đó. Tôi rời bà và các thân hữu tại Darjiling lúc mười giờ sáng ngày 28, đi xe lửa tới Siliguri và đến đó lúc bẩy giờ tối. Ngày 29 tôi lên xe đi Calcutta và đến nơi vào ngày 30. Tôi về đến Madras sáng ngày 9-10, 1882 Vào ngày 10-10, 1882 tôi đến thăm ông G. Muttu  Swamy Chetty, thẩm phán tòa tiểu hình, Madras, cho ông và hai con trai của ông hay là tôi đã gặp các Mahatma. Ngày 11 tôi gặp bạn là ông T. Velayuam Mudellir, học giả Tamil tại Madras và cũng cho ông hay là thấy các ngài.
Khi trở về Nellore và tới sở ngày 16, một buổi họp các hội viên chi bộ Nellore được triệu tập, nhân dịp đó tôi cho các huynh đệ hay làm sao tôi đã thấy thể tình cảm của Guru tôi tại trụ sở hội ở Bombay, cũng như làm sao tôi đã có phước được cho phép gặp và tiếp xúc với các Mahatma đáng tôn kính nhất.
Để kết luận, tôi muốn nói rằng nhờ ơn phước của Guru tôi mà tôi được trực tiếp trao đổi thư từ với ngài và nhận được mấy thư của ngài từ năm 1882 và gần đây nhất tháng giêng năm 1885 tôi vẫn còn nhận trực tiếp từ ngài một thư cho phép công bố câu chuyện về chuyến đi của tôi.

12C. Parbati Churn Roy
Tháng 9 - tháng 10, 1882,  Darjeeling, Ấn độ

Tôi rất chú ý đến phong trào Thông linh học Spiritualism ngay từ lúc ban đầu nó từ Hoa Kỳ tới Ấn Độ. Việc bà Blavatsky đến Bombay năm 1879 và chuyện kể về những điều kỳ lạ mà bà làm đã kích thích trí não tôi chú ý thêm tới sự việc. Tôi cho là người Ấn dễ tin và mê tín nên tôi không chấp nhận là thật điều gì người Ấn nói, mà lại sẵn sàng chấp nhận như thế khi người tây phương nói. Có lần tôi tính đi Bombay để thỏa mãn óc hiếu kỳ, nhưng vì lý do này hay kia, chính yếu vì lòng hoài nghi của tôi ngày càng tăng, tôi đã không thực hiện ý định ấy. Dầu vậy tôi không thể an lòng, có gì đó trong tâm luôn thúc giục tôi tiếp tục việc tìm kiếm tinh thần nên tôi mong ước có được cuộc chuyện trò với bà Blavatsky.
Mới đầu chính phủ Anh tại Ấn nghi ngờ bà là gián điệp cho Nga, nhưng chẳng những không phải là gián điệp, bà còn là người thán phục phép cai trị của Anh quốc. Theo ý bà, đây là chính phủ tốt nhất mà Ấn Độ có thể có trong hoàn cảnh hiện nay của nó.
Vào mùa thu 1882, bà Blavatsky cùng với một số hội viên tới Darjeeling, vùng đồi núi ở Bengal, trong chuyến đi lo việc hội. Vài người bạn Ấn tìm chỗ cho bà trú ngụ đã hỏi xem tôi có thể tiếp đón bà vài ngày trong nhà của tôi. Đã từ lâu tôi muốn có cơ hội gặp bà và không gì đáng ao ước hơn là làm vậy ngay trong nhà của mình, thế nên tôi sẵn lòng ưng thuận lời hỏi xin này.
Tuy tôi theo cách sống của người của Anh, tôi lại không biết gì về thói quen, phong tục người Anh vì vậy có hơi lo lắng về cách tiếp đãi bà Blavatsky trong lúc bà ngụ tại nhà tôi. Tuy nhiên sự lo lắng ấy tan biến ngay vào lúc tôi gặp bà. Không có ai giản dị hơn, không mầu mè, cởi mở và không điệu bộ hơn HPB. Bà có đầy từ tâm và lòng tốt cho người khác.
Y phục của bà đơn giản, bình thường; thức ăn uống cũng đơn giản hết mức. Buổi sáng tôi có bữa điểm tâm gồm cà phê, sữa và bánh mì. Sau bữa sáng bà rút vào phòng và làm việc ở đó cho tới một giờ trưa, đọc và viết. Bà ăn cả bữa trưa lẫn bữa tối chỉ qua loa và dùng rất ít thịt. Giờ trà (giữa bữa trưa và bữa tối) thì tôi lại có cà phê, sữa và bánh mì. Thực tế là hai bữa ăn chính của bà là bữa điểm tâm và giờ trà.
Như mọi người đều biết, bà hút thuốc nhiều và rất thiện nghệ trong việc quấn điếu thuốc. Bà luôn luôn mặc áo rộng, đôi khi choàng lên một áo mầu vàng như sư cô Phật giáo mặc. Bà hay có xâu chuỗi trong tay và lần hạt theo lời cho riêng bà không thành tiếng.
Buổi tối ngày bà đến, đúng ra là ngay vào lúc bà bước qua thềm cửa vào nhà tôi, tôi bắt đầu lên tiếng chê bai tất cả những chuyện tinh thần mà khen đến tận mây xanh tư tưởng của người duy vật và người theo thuyết bất tri (agnostism). Bà mỉm cười và đưa tay chạm vào một khung kính cửa sổ, sinh ra một âm nhẹ nhàng ngân vang, và kêu tôi giải thích. Cố nhiên tôi không giải thích được hay có thể tìm ra giải thích nào trong bất cứ sách khoa học nào của tôi.
Bà cho ra giải thích mà tôi không hiểu gì hết. Nay tôi còn nhớ là bà nói về akas (ether). Bà cũng truyền từ đầu ngón tay của mình điều giống như dòng điện tới đầu của anh họ tôi là ông Kali Mohun Das, viên chức tại tòa Tối Cao Calcutta, mà không chạm vào đầu ông. Ông bảo có cảm giác nóng bỏng ở đầu chỉ do ngón tay của bà chỉ về nó. Tôi xem kỹ tay bà và thấy các đầu ngón tay cách đầu khoảng năm hay bẩy phân.
Ngày hôm sau khi bà Blavatsky đến nhà ‘Willow Dale’ của tôi, lúc chúng tôi ngồi ăn trưa thì nghe có tiếng ngân nhẹ nhàng trong không như tiếng chuông. Vừa nghe tiếng ấy thì bà vội vàng đứng dậy khỏi ghế, nói ‘Tôi bị gọi, tôi bị gọi,’ và hối hả đi về phòng mình. Khi bà đi ra khỏi phòng ăn, một tiếng động khác giống như tiếng đầu tiên lập tức vang lên ngay trên đầu bà. Bà vào phòng đóng cửa lại và ở trong đó một lúc.
Trong cuộc trò chuyện vào buổi tối ngay hôm bà đến, bà Blavatsky hỏi tôi có biết gì về Theosophy. Tôi đáp là không và bà  tặng bà sách Hints on Esoteric Theosophy của ông A. O. Hume, và The Occult World của ông A. P. Sinnett. Ở trang đầu quyển sau bà ghi hàng chữ ‘Tặng người huynh đệ hoài nghi và hay tranh cãi.’ Tuy bà đến nhà tôi chưa đầy bốn mươi tám tiếng đồng hồ, tôi đã bắt đầu tranh luận với bà. Lòng thán phục nền văn minh của Anh quốc làm tôi chê bai nền văn minh của Ấn Độ. Tôi cũng không có thiện cảm gì với sự cô lập của Tây Tạng, không cho người ngoại quốc nào đến thăm nước họ, và tôi mong cho người Anh tới chiếm đóng và mở cửa nước ấy cho mọi người. Bà rất bực dọc về thái độ khi ấy của tôi và nói rằng tôi không xứng đáng là con cháu của tiền nhân Aryan vĩ đại.
Những chuyện thuật trong sách Occult World  không thể giải thích được bằng bất cứ luật thiên nhiên nào đã biết, những luật mà các khoa học gia tài giỏi của tây phương biết được  và vì thế, tôi biện luận là ta không thể chấp nhận là chúng có thực. Tuy trong lòng tôi có thúc đẩy để tin là sách thuật lại chuyện đã thực sự xẩy ra, tôi ngần ngại với trực giác của mình nên nói với bà Blavatsky rằng tôi không thể làm hội viên hội Theosophy vì tôi không thể tin vào các Mahatma. Về điểm này bà nói ai muốn làm hội viên không nhất thiết phải tin vào các Mahatma. Rồi bà đưa cho tôi các điều lệ, trong đó tôi đọc thấy ba mục đích của Hội:
● Tạo một tình huynh đệ đại đồng không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, phái tính, giai cấp hay mầu da.
● Khuyến khích việc học hỏi tôn giáo, triết lý và khoa học
● Nghiên cứu những luật thiên nhiên chưa giải thích được, và những quyền năng tâm linh còn ẩn tàng con người.
Tôi không có gì phản đối mục đích đầu, nhưng chống báng mạnh mẽ những gì liên hệ đến hai mục đích sau. bà Blavatsky nói rằng nếu tôi tin việc thành lập một Hội nhằm quảng bá tình huynh đệ đại đồng là điều quan trọng thì vậy là đủ, và tôi có thể để qua bên hai mục đích kia cho tới khi nào tôi tin rằng chúng quan trọng. Bởi nghĩ rằng nếu tỏ ra dửng dưng, tôi sẽ làm phật lòng một phụ nữ mà do cách suy nghĩ của bà, làm việc cho điều tốt lành cho nhân loại mà lại đang là khách trong nhà của tôi, nên tôi ký đơn gia nhập hội, và HPB trao bằng hội viên hội Theosophia cho tôi.
Trước khi bà Blavatsky đến nhà tôi, tôi có mời hai người bạn từ Calcutta lên ở chơi với tôi vài ngày trong lúc tòa nghỉ họp. Một trong hai người này là anh họ của tôi ông Bhuban Mohan Das, chủ bút tờ Brahmo Public Opinions,và người kia là ông Tariny Kumar Ghose, tốt nghiệp đại học Calcutta. Người trước là thành viên lãnh đạo của tổ chức Sadharan rahmo-Somaj thuộc phái hữu thần (theisticism), còn người sau rất thông thái và theo thuyết bất tri (agnotism). Khi hai người khách này đến thì nhà thiếu phòng và bà Blavatsky phải chịu nhiều bất tiện, nhưng bà chẳng màng. Tuy vậy, hai người bạn tôi không thích sự có mặt của bà vì họ xem bà như là kẻ mạo danh. Và tuy tôi không thấy cách xử sự của bà có gì đáng phàn nàn, tôi bắt đầu nghi ngờ lý trí của mình, nhất là khi tôi tin hai người bạn có suy nghĩ rất đúng đắn. Tôi dần dần tin là tốt hơn HPB nên rời khỏi nhà tôi.
Một buổi tối khi cảm nghĩ của tôi chống lại các Mahatma bị kích thích bởi những lời chê bai, chỉ trích từ hai người bạn theo phái hữu thần và bất tri nói ở trên, tôi có cuộc tranh luận gay gắt hơn hết với ông Nobeen - một người bạn của HPB. Chuyện tranh cãi là như vầy: tôi bắt đầu bằng ý là các Mahatma sai lầm khi không chịu ra mặt trước công chúng và giải thích triết lý của các ngài bằng cách làm thí nghiệm như khoa học tây phương làm. Nếu những gì người ta nói là các ngài có thể làm được là đúng, thì chắc chắn sự thật không có gì phải sợ khi được đưa ra trước công chúng, nói cho cả thế giới hay.
Đáp lại ông Nobeen đưa ý là những chân lý mà các Mahatma giảng thì quá cao siêu không thể hiểu thấu và không được quí chuộng bởi những ai chưa học tập và có sự chuẩn bị; nó như học sinh không biết gì về hóa học và vật lý sẽ không sao lãnh hội được những giảng giải cao nhất của hai khoa học này, hay như ai chỉ biết làm bốn phép tính trong toán học sẽ không thể thấu triệt loại toán cao hơn trong lý thuyết phức tạp về toán như thuyết về xoáy lực; thế thì ai không biết gì về những bí ẩn thuộc thế giới tinh thần sẽ không thể hiểu được chỉ dạy của những Mahatma. Và như thế, ngay cả khi các ngài xuất hiện ra công chúng và biểu diễn quyền năng của mình, người ta cũng sẽ xem các ngài không hơn gì kẻ làm trò ảo thuật, biết tráo tay làm mọi người thắc mắc kể luôn các khoa học gia.
Tôi mất bình tĩnh và bắt đầu nói lớn tiếng, giận dữ còn ông Nobeen vẫn trầm tĩnh và chững chạc. Tôi vừa có lời chê bai các Mahatma thì có tiếng chuông ngân nhẹ thánh thót, giống như đã nghe hôm sau khi bà Blavatsky đến, vang trên đầu chúng tôi. Khi nghe vậy bà Blavatsky,  lúc ấy đang ngồi yên lặng trong ghế bành ở phòng bên cạnh lắng nghe cuộc tranh luận, muốn chúng tôi đóng cửa thông hai phòng. Cửa được đóng ngay. Chúng tôi bị chấn động vì hiện tượng tiếng chuông nên chấm dứt sự tranh cãi. Một lát sau cửa được mở ra trở lại theo ý HPB. Bà không cho chúng tôi hay việc gì xẩy ra trong phòng khi cửa đóng, nhưng mọi người tin là Guru bà đến gặp bằng thể tình cảm của ngài. Sáng hôm sau HPB rời nhà tôi. Tôi nài nỉ bà ở lại nhưng bà đáp là được lệnh phải ra đi, và việc bà ngụ tại Willow Dale gây bất tiện cho các bạn mà tôi mời lên chơi trước khi biết bà đến.
Khi bà Blavatsky đi rồi, tôi thấy áy náy trong lòng. Dù tôi có ý hoài nghi và các bạn tôi có lời chê bai, khinh rẻ, tôi không thể gạt bỏ ấn tượng là cách xử sự của bà khác xa ai là kẻ mạo danh; và bà hăng hái lẫn chân thành về mục đích mà bà cố công hướng tới; và không có động cơ trần tục nào liên kết với việc làm của bà. Tôi mong muốn được biết nhiều hơn về bà nhưng lại e sợ là người bạn theo thuyết bất tri sẽ coi tôi là thằng ngốc, là kẻ dại khờ. Tôi cũng xấu hổ nếu gặp lại HPB sau cuộc cãi vã không hay giữa tôi và ông Nobeen, nó là nguyên do rõ nhất làm bà rời nhà tôi.
Vài hôm sau khi HPB đã dời sang nhà khác là nhà ông Nobeen và gia đình, một buổi trưa bạn tôi là ông Tariny và tôi đến thăm bà. Căn nhà này so với nhà tôi thì nhỏ hơn nhiều và nằm ở khu chật chội trong thành phố, và tôi có thể thấy ngay là bà phải chịu rất nhiều bất tiện ở đó. Bà đang ở trong phòng bận rộn viết lách lúc chúng tôi đến, nhưng khi nghe có mặt chúng tôi bà đi ra phòng khách và trò chuyện đủ mọi đề tài. Có vẻ như bà rất vui trong khung cảnh mới.
Bấy giờ là giờ trà, ông Nobeen đãi trà mọi người, ngoài chúng tôi còn có vài người khách khác ở đó. Không có đủ chỗ cho tất cả ngồi vào bàn, bà Blavatsky, ông Tariny và tôi dùng trà ở bàn còn ông Nobeen và những bạn khác uống trà ngoài hàng hiên đằng trước chúng tôi. Họ ngồi trên sàn nhà cách chúng tôi khoảng ba tới bốn thước.
Khi trà đã xong và bạn tôi với tôi tính ra về, HPB xin chúng tôi ở lại thêm một chốc vì bà cảm thấy sắp có tin từ Tây Tạng. Chúng tôi nán lại với ý háo hức mong chờ, rồi mấy người bạn ngoài hàng hiên kêu to ‘Có thư, có thư !’ Chúng tôi lập tức hướng mắt ra hàng hiên và thấy một lá thư đứng thẳng trong tách trà của ông Nobeen; theo ý  bà Blavatsky ông mang thư đến chỗ chúng tôi. Thư ghi ‘Babu Nobeen’ theo cùng thủ bút như thư tôi thấy trong phòng bà Blavatsky ở nhà tôi !

 (The Esoteric World of Madame Blavatsky, Daniel Caldwell - còn tiếp)