TÍNH TINH THẦN

TínhTinh Thần

 

 

Định Nghĩa
Ta định nghĩa tinh thần bằng cách nói nó không phải là gì. Có hai điều thường bị lầm với tinh thần, một là lòng sùng đạo và hai là quyền năng tâm linh. Một người có thể hết sức mộ đạo, đầy lòng sùng kính mà không có chút tinh thần nào trong tâm, cũng như khả năng nhìn thấy vật ở cõi thanh hay nghe (thông nhãn, thông nhĩ) thì không có tinh thần gì hơn việc nhìn và nghe ở cõi trần.
Nói riêng về hiện tượng tâm linh đang có nhiều vào lúc này, tùy theo mức phát triển mà ta có tâm thức chuyển từ cảnh giới vật chất sang tâm linh hơn, và rồi dẫn sang cõi tinh thần. Sự khai mở tâm linh trong khối đông dân chúng đi song song với sự khai mở tinh thần nơi ai đã tiến xa. Điều này là lý do cho sự tăng trưởng lớn lao của hiện tượng tâm linh, và sự gia tăng cao độ của những quyền năng tâm linh thấp thấy ở châu Atlantis khi xưa. Chúng tái hiện trong dân gian vào lúc này theo vòng xoắn ốc cao hơn của sự sống, nhưng lần này hy vọng là sẽ mang lại điều tốt đẹp.
Nét tinh thần cũngkhông phải là điều mà ta hiểu như là ‘đức hạnh’ hay ‘tốt bụng’, mà nó là khả năng cảm biết phần tinh túy tinh thần vô hình dạng. Sự Sốnglà Một, là Tình Thương, khi cảm biết sự kiện này là ta có ý thức tinh thần.
Chữ ‘tinh thần’ có nghĩa rộng rãi, nó là nỗ lực trùm khắp nhằm làm đời sống con người được tốt đẹp hơn, nâng cao họ và có sự hiểu biết; nó còn muốn nói lòng dung hòa, bao trọn về mặt tôn giáo, và tất cả những trào lưu tư tưởng liên quan đến sự phát triển huyền bí của con người.

Kế tiếp, không nhất thiết là việc gia nhập một trường bí giáo là dấu hiệu học viên đang sống đời tinh thần hay có phát triển tinh thần. Công việc của vị Chân sư là thực hiện phần Thiên cơ mà ngài đảm trách, và đi tìm những ai có thể giúp ngài. Chân sư tìm người trong số ai thông minh hiểu biết, những ai yêu thương đồng loại và không có tham vọng tinh thần, muốn được nổi bật cái tôi. Ai không biết chút gì về ý niệm Chân sư và đệ tử hay TTH, mà thương yêu và hết lòng phụng sự nhân loại và có thể dùng trí năng của mình giúp đời, thì có lẽ gần tới chứng đạo (initiation, còn dịch là điểm đạo) hơn là ai nhiệt tình trong trường bí giáo này hay kia.
Các trường bí giáo mà hai trường được biết tới nhiều nhất, là trường của hội Theosophy và Arcane School, đã làm tròn một phần việc thiết yếu và quan trọng. Ta chớ quên rằng chúng khiến nhân loại quen thuộc với ý niệm về Chân sư và đường Đạo; vì vậy chúng đặt ra mục tiêu có sức thúc đẩy và giúp ích nhiều. Tuy nhiên Chân lý được trưng ra và mức tiến hóa của người khiến cho có sự hiểu lầm, bẻ cong. Điều ấy không thể tránh được, nhưng khi việc trình bầy một điểm trên đường tiến hóa bị làm cong quẹo khiến sức thu hút  của nó không có nghĩa tiến bộ, mà chỉ nhằm nuôi dưỡng lòng kiêu hãnh cá nhân, và ý thành đạt riêng tư, thí dụ như bàn luận vô ích về ai được mấy lần chứng đạo, thì nhất thiết đó không phải là tinh thần.
Kế tiếp, không phải điều chi có chữ ‘tinh thần’ đều là tốt đẹp, mà có điều được gọi là ước vọng tinh thần ích kỷ. Chuyện thấy khi con người có quyết tâm muốn được giải thoát nhưng với sự cứng lòng dửng dưng. Sự lạnh lùng này làm con người bị giam hãm trong vỏ kết cứng, khó phá tan hơn nhà tù bình thường trong đời của người ích kỷ trung bình. Ước vọng tinh thần ích kỷ này thường là tội lớn cho những ai được gọi là ‘huyền bí gia’, và ta phải cẩn thận xa lánh. Nhân đây ta chữa lại một sai sót trong quyển Tiếng Vô Thinh Phần II, câu 191, ghi chú sai lầm trong sách nói rằng những ai mà dân gian gọi là Độc Giác Phật Pratyeka Buddha có lòng ích kỷ chỉ muốn đoạt giải thoát cho riêng mình. Về sau, HPB cho biết đã trích dẫn sai và muốn ghi chú được sửa lại. Quả thật có người muốn mình được mau giải thoát mà không màng đến ai khác, nhưng vị Độc Giác Phật không phải thế, bởi quả vị của các ngài được biết là ngang hàng với Phật Thích Ca.

Tầm Quan Trọng
Vì sao tinh thần quan trọng ? vì ta chỉ thực sự tiến bước khi phát triển nét tinh thần trong tâm. Vào thời đại ta đang sống đây, trí năng được coi trọng, cho là có giá trị cao nhưng sự thực không phải vậy, và ta cần có cái nhìn đúng tầm mức về vai trò của trí thông minh trên đường tiến hóa.
Trí năng có tiềm năng cũng như có giới hạn của nó. Có những điều cao hơn mà trí năng không thể hiểu được, cũng như có những điều thuộc về tâm thức tinh thần không thể được diễn tả bằng lời. Việc này dễ hiểu, khi nói tới trí năng là nói tới sự chia rẽ, phân biệt, chủ thể và khách thể, người quan sát và vật được quan sát. Như thế, với ý niệm Sự Sống là Một, không còn có chủ thể và khách thể, thì cái trí không sao thấu đáo mà để hiểu, ta phải dùng quan năng cao hơn là trực giác, Bồ đề tâm.
Do đó, trí thông minh không phải là tột mức của cuộc tiến hóa, cũng như điều thu hút những đấng Cao Cả không phải chỉ là một cái trí phát triển, mà là nét tinh thần nơi một người. Thuần trí năng không mà thôi là bước thấp thuộc về cõi trần, để rồidẫn tới Bồ đề tâm là quyền năng tối thượng. Nét cao cả của một người biểu lộ ra bằng mức phát triển tinh thần còn trí năng thuần túy được Chân sư xem thuộc về phàm trần, là vật chất như thể xác.Bởi thế, tiêu chuẩn của người đời khác với của bậc Chân sư, khuynh hướng trong nhân giantin rằng trí năng phát triển là dấu hiệu đáng trọng, nhưng đối với các ngài sự cao cả được đo bằng mức phát triển tinh thần mà không phải trí năng.
Nói thêm nữa thì vị đạo sư chánh đạo không phải luôn luôn là người có hiểu biết uyên thâm, quảng bác, mà lòng thanh khiết, tình thương cho muôn loài, làm việc với thiên nhiên, với Karma mớilà những điều cho ngài quyền năng. Trí thông minh không mà thôi sẽ khiến con người thành thuật sĩ tả đạo; vì trí não đơn độc thường đi kèm với lòng kiêu căng và tính ích kỷ; còn trí thông minh đi kèm với nét tinh thần làm nâng cao con người. Bởi  nét tinh thần ngăn cản lòng kiêu hãnh và tính háo danh.
Phân tích ra thì khoa học có tính phân cách do việc học hỏi những phần khác nhau của thiên nhiên, nhưng thực sự nó không có tính chia rẽ vì thường không có tranh chấp giữa các ngành khoa học, cũng như không có sự tranh dành giữa các khoa học gia. Về mặt ấy khoa học gia khác biệt sâu xa với người sùng đạo. Lý do cho việc này là khoa học gia chân chính, bởi có phàm ngã hòa hợp các thể và trí năng phát triển làm việc trên cõi trí, nên rất gần với chân ngã. Hạ trí nẩy nở và chế ngự trong phàm ngã, nhưng sự cận kề với chân ngã làm bớt đi thái độ phân cách.
Ngược lại, người sùng đạo thiên về tình cảm và làm việc theo cách thức có tính chia rẽ nhiều hơn, nhất là vào cuối thời đại Song Ngư như hiện nay. Ta không nên lầm lẫn người mộ đạo với ai có khuynh hướng thần bí mystic, và ai cảm biết một viễn ảnh huy hoàng; với ai đã tiến xa hơn nữa, họ thêm vào viễn ảnh này sự hiểu biết của một trí năng đã được tập luyện.
Đây là những ai mà cái trí hướng tới sự tốt lành cho đa số, đã thoát khỏi mọi ý về lòng chia rẽ. Họ không nhất thiết là người sùng đạo theo nghĩa thông thường mà là người có thiện chí, trí tuệ phát triển cao và phong phú. Họ không còn tham vọng cá nhân và tính ích kỷ, mà được linh hoạt do tình thương nhân loại và ý muốn phụng sự con người. Ai như thế là người có nét tinh thần.
Do vậy, ý nghĩa thực của sự tăng trưởng tinh thần thì rộng hơn, và bao trùm hơn là sách vở nói tới trong tôn giáo hay tổ chức truyền bá sự thực về chuyện tâm linh. Người sống theo tinh thần có phàm ngã đã hòa hợp nên mạnh mẽ, và các tính chất như uy lực, mục tiêu và ý chí là những tính chấtthiêng liêng biểu lộ nơi ai đã phát triển. Ai có phàm ngã như thế có thể sinh hoạt trong bất cứ môi trường nào, và việc làm của họ có nét tinh thần vì nó dựa trên lý tưởng cao hơn, nhắm tới điều tốt lành cho đa số và có sự hy sinh cái ngã.
Ba điều này: lý tưởng, phụng sự cho nhóm và hy sinh là đặc tính của ai mà phàm ngã càng lúc càng nhậy cảm hơn với chân ngã, với đặc tính của chân ngã là hiểu biết, tình thương và hy sinh. Ấy là lý do vì sao mọi trường bí giáo đúng nghĩa đều nhấn mạnh về động cơ. Ai là cá nhân mạnh mẽ và về sau điều không tránh được là phát triển tâm thức nhóm, vào một kiếp nào đó, họ tìm đường vào trường bí giáo và được hướng dẫn theo đường lối khiến cho tính cách của chân ngã khai mở, làm chủ và sử dụng phàm ngã.
Mặt khác, đặc tính nổi bật của ai mà phàm ngã chưa trụ vào chân ngã, hay được chân ngã làm chủ là tính thống trị, tham vọng, lòng kiêu hãnh và thiếu tình thương cho tất cả, tuy có lòng thương yêu những ai cần cho họ hay cho sự thoải mái của họ.

Sống Tinh Thần
Ngày kia, con người sẽ hiểu và nhận thức rằng mọi cách hiện hữu, biểu lộ và tiếp xúc đều là tinh thần và quan trọng như nhau đối với chân ngã hay linh hồn quan sát. Nói rộng ra, các ý niệm ăn chay, sống độc thân có tính tương đối và không hề cũng như không nên là tiêu chuẩn cho đời sống tinh thần. Vậythế nào là một đời sống tinh thần?
Có hai nguyên lý cốt yếu về Sự Sống có tính tuyệt đối mà ta nên biết. Ấy là:
- Sự Sống là Một, hay còn có thể diễn giải cách khác là Sự Sống là Thượng Đế, và
- Luật quan trọng nhất trong đời là Thương Yêu. Tình thương ở đây không có nghĩa cảm xúc hay ý chiếm hữu (mình là của em / của anh !), mà là một trạng thái, là hiểu biết do nhận thức.
Đời sống tinh thần là cách sống phản ảnh hai tính chất này. Có lời khuyên nói rằng nó là mộttrạng thái hơn là sự thành đạt, vì vậy có khi ta không nên làm việc ráo riết, căng thẳng, khó nhọc hầu đạt tới tâm thức ấy. Nó là tình trạng có định hướng, hướng đi đúng đắn thay vì là nỗ lực nhọc nhằn, mạnh mẽ hầu đạt tới tiêu chuẩn mà ta nghĩ là linh hồn - hay thẩm quyền nào khác - đặt để cho ta.
Nhiều phần là căng thẳng, sự tranh đấu trong nội tâm phát xuất từ cái ngã đang phấn đấu; cảm tưởng ấy có sức lôi cuốn và lên tiếng mạnh mẽ làm ta không lắng nghe được tiếng nói lặng lẽ và dịu dàng của linh hồn mang lại bình an và sự chói sáng, không sinh ra ảnh hưởng nào cho đời sống của ta. Sự việc có nghĩa con người nghĩ nhiều về cái tôi của mình vì vậy  cách đáp ứng là ngưng sự phấn đấu dữ dội, mà quên mình càng nhiều càng tốt, và mang lại hứng khởi và niềm hoan hỉ cho người khác, làm ngơ phản ứng của ta với lòng dửng dưng thiêng liêng.
Nhìn ở cõi thanh thì nhận thức tinh thần này biểu lộ qua hào quang một ai túa rải ra ngoài, và hòa dần với khoảng không bao quanh con người, tan biến vào đó mà không có một bìa cứng làm ranh giới giữa ta với người. Nếu bìa hóa cứng thì nó có tác động là nhốt họ trong nhà tù là tư tưởng hay điều quan tâm của chính họ; bìa sinh ra do một trong hai việc, hoặc đó là một cái trí rất cứng ngắc hoặc là việc chỉ biết về mình. Thành kiến dù không làm hào quang thể trí cứng lại ở bìa, cũng làm họ hoàn toàn không nhậy cảm; còn tánh ích kỷ làm bìa thể tình cảm cứng lại. Cách chữa thật hiển nhiên, là ta hãy loại bỏ thành kiến, ý cố định khăng khăng.
Vì thế, đây là lý do của lời khuyên có ‘Một tinh thần cởi mở’ trong bài Những Nấc Thang Vàng. Ai quá chú trọng vào chính mình thường không đáp ứng với nhu cầu và cảm xúc của người khác, và bởi vậy họ không được hạnh phúc. Đổi lại, khi tâm thức khởi sự đồng hóa với mọi Sự Sống, vỏ che chở do lòng ích kỷ bị phá hủy, nói khác đi, cầu nối giữa tâm thức người và người vũ trụ được tạo nên do trí năng được tinh lọc và mất đi lòng ích kỷ. Dấu hiệu của sự tăng trưởng tinh thần là ta dần không còn chú trọng tới chính mình. Theo quan điểm tinh thần không có gì lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, mà tất cả đều đáng yêu, đều quan trọng; nói khác đi không có sự chia rẽ giữa người với ta hay là giữa ta với vạn vật, bởi ai đã mở ý thức tinh thần biết rằng Sự Sống là Một. Trong thiền, ý này được mô tả như là giọt nước hòa vào đại dương mà vẫn giữ tính cá biệt của nó, xin đọc thêm bài Thư Gửi từ Ashram, PST 75.
Dấu hiệu khác nữa của việc sống tinh thần là ta bớt có lòng hối hận và lo lắng. Cả hai làm tiêu hao năng lực trong người và năng lực dành cho việc ta phải làm. Hối hận có nghĩa năng lực tâm linh hướng vào chuyện nào đó trong quá khứ là điều không còn thay đổi được nữa, và lo lắng có nghĩa đường lực tuôn vào một hệ quả tưởng tượng trong tương lai, mà kinh nghiệm cho biết nhiều phần việc xẩy ra không tệ như ta nghĩ. Phân tích thêm sẽ thấy cội rễ của ý hối hận là lòng ích kỷ, và của sự lo lắng là sợ hãi điều không biết do tưởng tượng mà ra.

Ứng Dụng
Sống tinh thần có nghĩa là thể hiện năng lực mà ta thu nhận nay đóng góp cho toàn khối. Ta được khuyên hằng có thói quen sống tinh thần. Con người thường biết rất nhiều mà không thực hành đúng mức hiểu biết của họ, hiểu biết và khả năng tinh thần không trở thành biểu hiện thực tế trong cuộc sống hằng ngày. Sự thực là chúng cần được thể hiện ra ngoài thành cách sống tinh thần, là cách xử sự trong đời họ. Khi được vậy, sự sống bên trong và bên ngoài cùng phản ảnh một điều, tức hòa hợp làm một với nhau.
Đó là tiến trình phải theo, là cách vị Chân sư làm việc với đệ tử của ngài. Tới một giai đoạn nào đó, ngài nhận biết người chí nguyện thực hiện được sự hòa hợp này và cho họ huấn luyện, khiến có sự hòa hợp nhiều hơn nữa, gia tăng thêm khả năng. Con đường càng lúc càng mở rộng ra hơn, và tham thiền mang một ý nghĩa mới khi càng lúc ta càng đi sâu vào đời sống tinh thần.

●Tham Thiền
Để hiểu về tham thiền, ta cần bắt đầu ngay từ khởi điểm là Thượngđế. Kinh sách  ghiThượngđế chìm đắm trong thiền, và sự sống, muôn vàn sinh linh; trọn vũ trụ sẽ tan biến khi ngài ra khỏi cơn thiền. Vị Chân sư thiền định về phần Thiên cơ mà ngài đảm trách, về điều chi ngài và Ashram của ngài có thể làm để khiến Thiên cơ thành tựu. Mà sự thiền định của những bậc Cao cả có ý nghĩa gì cho ai thất học, sống trong ổ chuột và vùng đèo heo hút gió trên địa cầu ? Người phụng sự phải đáp ứng nhu cầu tinh thần cũng như vật chất của khối đông quần chúng ít suy nghĩ, và có thể họ hữu dụng nhất khi làm việc về mặt kinh tế, cho trợ giúp cần thiết về kinh tế.
Nói cách khác, công việc của ai ở mức phát triển còn thấp, của người chí nguyện là chứng tỏ cho khối đông chưa hiểu biết rằng sống tinh thần và hiểu biết tinh thần đúng nghĩa, bao gồm mọi mặt của đời sống thể hiện nơi cõi trần, mà không phải chỉ là tư tưởng về đạo giáo hay triết lý. Tham thiền, do đó, ở mọi mức từ người chí nguyện đến bậc đạo đồ có sự hữu dụng là nhờ vậy, theo mức riêng của mỗi người, họ có thể ứng dụng Thiên cơ cho khối đông quần chúng khác nhau, và theo đó Thiên cơ đi từ bậc Chân sư trong Thiên đoàn qua Ashram của ngài tới người phụng sự và đến toàn thể nhân loại. Dù ở mức thấp nhất trên ‘hệ thống quân giai !’ này, mỗi chúng ta đều chia sẻ một phần trong cuộc tham thiền to lớn ấy.
Mục đích ta nhắm tới làm cho Thiên cơ hóa rõ ràng hơn trong tâm người, để chứng tỏ rằng Thiên cơ dựa trên sự tham thiền ở mức địa cầu như tham thiền của Vì Hành tinh Thượngđế, mà khi đi dần tới việc biểu lộ, nó đáp ứng nhu cầu của mọi nhóm và mọi cấp của con người; và quan trọng hơn nữa, ta chứng tỏ rằng chữ ‘tinh thần’ nói về mỗi một giai đoạn trong cuộc sống không sót chi cả.
Nó có nghĩa tinh thần còn là điều chi vượt khỏi mức thành đạt hiện nay, là điều chi tượng trưng cho viễn kiến, là điều thúc đẩy con người tới mục tiêu cao hơn mức đã tới. Hàng giáo sĩ trên thế giới vạch ra lằn phân biệt rõ ràng giữa điều chi là con người và điều chi là tinh thần, giữa vật chất và điều chi không phải vật chất. Khi làm vậy họ tạo nên tội lỗi và gây rối rắm lớn lao cho đời sống và hiểu biết của con người. Họ khiến ước vọng của người có nét ích kỷ, vì không chỉ dạy nhân loại rằng tham thiền và lời cầu kinh chỉ là các giai đoạn của việc hợp tác với Thiên cơ. Tính cá nhân được nuôi dưỡng và ý niệm về nhóm bị lạc mất. Nhưng nay đã tới lúc ý nghĩa thật của tham thiền cần được biết tới, và có thể được con người áp đặt lên chính sự suy nghĩ của họ.
Ai chí nguyện muốn phụng sự cần biết rõ mình đang đứng ở đâu, trách nhiệm của mình về tham thiền là gì, và phải tìm ra môi trường nào mà vận mạng muốn đặt để họ làm việc cho nhân loại. Chuyện không dễ làm, bởi con người thường có tham vọng tinh thần (một người bạn dùng chữ ‘ham làm đạo trưởng’ để chỉ về tánh này), và phí phạm thì giờ làm chuyện không phải là thiên trách của họ, vì làm vậy thỏa mãn lòng kiêu hãnh tinh thần trong tâm. Có một điều ta nên biết về cách làm việc của các bậc Thầy. Các ngài thường ẩn danh, lặng lẽ đứng đằng sau hoạt động, nhường sự chói sáng, vinh danh, khen thưởng, tên tuổi lẫy lừng cho ai khác.
Vậy thì ta cần cho chữ ‘tham thiền’ có ý nghĩa rộng rãi hơn là trước đây, và diễn giải ra:
–  Tập trung tư tưởng là một phần của việc tham thiền
–  Soạn kế hoạch kỹ lưỡng để giúp ai cần, và tất cả sự suy nghĩ nhằm làm cho kế hoạch hữu ích và hữu hiệu là tham thiền.
–  Cởi mở để đón nhận hứng khởi tinh thần và do vậy hợp tác với Thiên đoàn là tham thiền.

Trên đây chỉ là mới kể sơ vài điều, chưa nói tới tham thiền lớn lao có tính sáng tạo khiến cho có sự tiến hóa, và đưa mọi hình hài sắc tướng vào sự vinh quang và chói lọi nhiều hơn. Chót hết, và có lẽ ý quan trọng nhất nên biết về thiền là thực tại của tâm thức tinh thần không sao có thể mô tả bằng lời, người ta chỉ có thể có được nhận thức bằng cách tự cảm biết mà thôi, và thiền giúp nhiều cho việc đạt tới cảm biết ấy.
Có nhiều cách tham thiền tùy mức phát triển và nhu cầu của mỗi người, thế nên mỗi ai phải tự tìm cho mình, vì nó phải là sự thể hiện của hiểu biết tinh thần của riêng họ.

● Thói Quen Tinh Thần
Ta được khuyến khích tập có thói quen tinh thần, biến chúng thành đáp ứng theo bản năng. Khi làm được việc ấy, người chí nguyện có thể biết là mình sẽ tự động làm hay nói đúng chuyện, và quan trọng hơn nữa, người khác cao hơn nhận biết là họ có thể trông cậy nơi anh. Khi được tập luyện kỹ trong kiếp này, chúng sẽ trở lại sớm sủa với ta trong kiếp tới ngay từ tuổi thơ, biểu lộ cung cách của người chí nguyện.
Vài thói quen tinh thần đã được chỉ dạy rộng rãi, sách vở nói đến nhiều, thí dụ như bát chánh đạo, ngoài ra là những ý khác như lòng vô hại harmlessness trong mọi hành động của mình, tánh dửng dưng thiêng liêng v.v.
Con người có thể nói rằng bổn phận gia đình khiến họ khó mà sống đời tinh thần và phụng sự, nhưng họ không nhận biết là với óc tế nhị và thương yêu có hiểu biết, cảnh nhà của họ có thể và phải là sân trường mà họ đắc thắng. Ta quên rằng không có cảnh ngộ nào mà trong đó tinh thần con người có thể bị đánh bại, hay trong đó người chí nguyện không thể tham thiền, suy nghĩ, trò chuyện, nếu họ chịu quan tâm đủ, và biết ý nghĩa của sự hy sinh và thinh lặng. Hoàn cảnh và môi trường không sinh ra trở ngại thực sự cho đời sống tinh thần.

Kết
Tính tinh thần vì vậy chỉ có được bằng sự trưởng thành của linh hồn, tức minh triết qua nhiều kiếp mà không đạt được do học vấn tức trí năng. Người đã phát triển tính tinh thần nhiều khi không có học vấn cao nhưng phong thái, cách xử sự  lộ ra một nội tâm đáng kính phục. Đời sống tinh thần khi hiểu rõ thấy khác rất xa với quan niệm thông thường.hay nói khác đi thước đo cho những gì có tính tinh thần thì không phải theo tiêu chuẩn quen thuộc, mà trên hai nguyên lý ta đã ghi là Tính Duy Nhất của muôn loài, và Tình Thương cho tất cả.
Ta cũng có thể dựa trên hai nguyên lý này để  xem cách xử sự, tư tưởng của mình có tính tinh thần nhiều hay ít, và theo đó thay đổi cho thích hợp. Đây là một thói quen mà ai cũng có thể làm được, và là một bước giúp ta biến cuộc sống thành có tính tinh thần nhiều hơn.
Bước đầu tiên ai cũng có thể làm là thay đổi tư tưởng, tập nhìn mọi việc theo quan điểm tinh thần. Bạn có thể so sánh các bản kinh Tân Ước để hiểu thêm tinh thần là sao. Sách thánh John được xem là viết theotâm thức của vị đã đắc đạo, không có bi thương, khác với tâm tình của ba sách thánh Mark, Luke và Matthew. 

Theo: Discipleship in the New Age. A.A.Bailey