ASHRAM HAY TÂM PHỤNG SỰ #2

ASHRAM

hay Tâm  Phụng  Sự

 Xem Ashram: Tâm Phụng Sự 1 

Huyền bí học là việc học hỏi về năng lực và lực, ta sẽ áp dụng định nghĩa này vào việc tìm hiểu về Ashram hay tâm phụng sự. Phần một đã đăng trên PST 62, và một số ý dưới đây đã ghi trong PST 28 và 29, xin mời bạn xem lại.

1. Tống  Quát
Có bẩy cung với bẩy loại năng lực khác nhau thì cũng có bẩy ashram chính với bẩy tính chất riêng biệt, tương ứng với bẩy cung. Mỗi ashram chính do một vị Chohan (sáu lần chứng đạo - initiation như đức K.H. hay đức M.) đứng đầu và gồm các ashram phụ do các vị Chân sư (năm lần chứng đạo như đức D.K.) đảm trách. Chúng khác biệt ở chỗ là ashram của vị Chohan có mức rung động cao so với ashram của vị Chân sư.
Bẩy ashram chính đáp ứng với bẩy loại năng lực và là tụ điểm cho bẩy cung. Chúng không được tạo cùng lúc mà lần lượt nhau cái này sau cái kia, những cung nối tiếp nhau theo chu kỳ linh hoạt trong ba cõi, và khi linh động ở cõi trần thì bẩy ashram được tạo ra. Chúng đã hình thành trọn vẹn từ bao ngàn năm về trước. Những ashram chính cùng với các ashram phụ, tổng cộng 49 ashram, truyền và phân phối lực bẩy cung vào bẩy trung tâm lực của địa cầu, rồi từ đây lực đi vào nhân loại, và vào bẩy luân xa trong con người.
Cường lực của ashram đương nhiên tùy thuộc vào vai trò, cấp bậc và kinh nghiệm của vị Chân sư ở trung tâm.Ngài càng tiến hóa, càng có nhiều năng lực từ Thiên đoàn tuôn vào ashram. Vì vậy, ashram  của vị Chohan thường dành cho người đã phát triển nhiều, đủ sức chịu  được mức rung động cao và biết sử dụng đúng cách năng lực mạnh mẽ trong đó. Nói khác đi, người phụng sự thường tiếp xúc và  được huấn luyện trong ashram của vị Chân sư trước khi chuyển qua ashram  của bậc Chohan, nơi có áp lực mạnh mẽ  của Thiên đoàn.
Dù lớn, dù nhỏ, ashram luôn được tổ chức theo cách chung là đấng cao cả lập ashram sẽ có ba phụ tá thân cận ngài, liên hệ mật thiết và chia sẻ sự hiểu biết của ngài về phần việc phải làm và cách thực hiện nó, cùng giúp ngài chăm sóc các nhóm viên. Một ashram gồm hai phần là nội tâm và ngoại tâm.  Nội tâm gồm người tiến hóa xa, phụ trách những phần việc khó và ngoại tâm gồm người mới tập theo bước Chân sư.
Kinh thánh cho hình ảnh về hệ thống làm việc của một ashram, 12 tông đồ là nội tâm trong đó có ba vị gần gũi đức Christ nhất. Nội tâm nói chung gồm các linh hồn không còn cái tôi và như vậy có tự do tinh thần; ngoại tâm là các linh hồn còn vướng bận ít nhiều cái tôi. Ashram cao nhất là của đức Sanat Kumara theo cùng sắp xếp trên, ngài có ba vị Độc Giác Phật là phụ tá, tiếp theo là những Chân sư đứng đầu các cung. Nay hẳn bạn có thể đoán ra Thiên đoàn là ashram của vì Hành tinh Thượng đế.
Ashram cung hai có phần việc là giáo dục, và ashram những cung khác có phận sự khác, có nghĩa không phải mọi ashram đều là những trung tâm đưa ra chỉ dạy, cũng như không phải tất cả chúng quan tâm chính yếu đến sự khai mở tâm thức nơi con người, và với nhu cầu  của nhân loại. Đây là điều đáng ghi nhớ bởi còn nhiều loại tâm thức sâu xa và có tầm quan trọng thật sự đối với Thiên đoàn, đi từ thấp đến vượt xa trên cao loài người, và người ta hay quên việc ấy.
Định nghĩa khác nói rằng Ashram là một xoáy lực, với năng lực chính phát xuất từ vị Chân sư đứng đầu và lực từ các đệ tử hay thành viên trong đó.Trên thực tế Ashram là một hình tư tưởng tinh thần sống động, được vị Chân sư và những người phụng sự có liên hệ với ashram làm linh hoạt.Ashram chân thực không phải là chuyện cho hạ trí cụ thể luận bàn. Nó là trạng thái tâm trí của một nhóm tinh thần mà không phải tâm để có sáng tỏ phương pháp làm việc ở cõi trần. Trong ashram có đủ mọi trình độ, từ người tiến xa nhất tới người sơ cơ. Việc quan trọng cho mỗi ai trong ashram là liệu họ có thể nâng cao tâm thức cùng sự đáp ứng có ý thức lên tới làn rung động của ashram, để họ không cản trở sinh hoạt đã định cho ashram.
Óc phân tích và phê bình khó thể hiểu được ashram đích thực. Nó là tiêu điểm nhận năng lực, bao gồm những gắng công của ai thấy chung một viễn ảnh, cùng hiểu phần bí ẩn của sự sống và những luật lệ quản trị hành động. Ashram không phải là nơi để tham thiền, thành viên trong ashram không ngồi tham thiềnchung. Mỗi người  khi tiếp xúc với ashram phát triển  được khả năng luôn sống trong bầu cảm nhận trực giác. Đây là bầu năng lực  được tạo ra do có chung mục đích, nó là kết hợp của việc sắp đặt và năng lực tập trung  của Thiên đoàn. Ashram là nơi mà tinh thần là thực tại, nơi phát xuất nguyên nhân của hành động với kết quả thành hình ở cõi trần.

2. Thành Lập
Lòng sùng bái  của một người đối với vị Chân sư riêng biệt nào không hề là chuyện quan trọng đối với ngài hay ashram  của ngài. Sự thành lập nhóm để phụng sự hay ashram không hề dựa trên lòng sùng mộ, yêu mến riêng tư hay bất cứ chọn lựa cá nhân nào. Quyết định nhận người chí nguyện vào một ashram tùy thuộc vào mối liên hệ đã có từ lâu giữa vị Chân sư và ứng viên, khả năng có thể biểu lộ các tính chất  của sự sống mà nhân loại cần, và sự thể hiện rõ ràng tính chất một cung.
Một người manh nha đặt nền tảng từ kiếp này cho ashram mà họ sẽ lập trong tương lai, qua việc làm cho mình có từ lực thu hút về mặt tinh thần và đồng thời phát ra ảnh hưởng làm người khác cảm biết, họ khởi sự tập hợp quanh mình một nhóm nhỏ làm nhân cho ashram. Dần dần từ lực và ảnh hưởng được cảm nhận trong môi trường  của người phụng sự, gợi nên đáp ứng  của kẻ khác. Chẳng những vậy, làn rung động mà họ phát ra khiến vị Chân sư chú ý và người phụng sự tìm ra đường vào ashram, theo sinh hoạt mà anh tỏa ra, tương tự với sinh hoạt của ashram.
Anh tiếp tục làm việc tập hợp những ai anh có thể giúp, và ai nhận biết anh như là kẻ mà họ chọn làm người trợ giúp và hướng dẫn họ. Như thế một ashram được thành lập, mỗi cái có làn rung động theo một cung, và mỗi cái mất nhiều thì giờ và kiếp sống do chọn lựa và gây ảnh hưởng.
Vị Chân sư theo diễn trình tự động như một vì Thượng đế khi thành lập ashram. Ngài tham thiền, tượng hình; do quyền năng tư tưởng có chủ đích và  được hướng dẫn, ngài thu hút về mình những ai có phần trí tuệ đồng nhịp với ngài do cung, liên hệ nhân quả, mức tiến hóa và tình thương nhân loại. Điều quan trọng người phụng sự nên biết là ngài muốn thực hiện việc chi qua ashram, và họ có suy nghĩ, chú tâm cùng làm việc theo đường tương tự như ngài.
Do luật huyền bí vị Chân sư bị cấm không được tạo áp lực nào hay dùng quyền năng chi để chi phối tâm trí của ai mà ngài kết hợp vào mình. Ngài không thể áp đặt ý chí mình lên người phụng sự; ước muốn, nguyện vọng, mong mỏi của Chân sư phải không là yếu tố hướng dẫn bắt buộc trong đời ai có tiếp xúc với ngài.Chân sư có thể làm tâm trí họ chú ý tới điều mà ngài cảm biết là cần trong những lúc có khủng hoảng trên thế giới.Ngài có thể diễn tả cho họ thấy điều mà ngài nghĩ là cần làm, nhưng người phụng sự quyết định và thực hiện hay không.
Thành viên thuộc về một ashram vì có ý tưởng tương tự, cho dù họ cảm nhận và biểu lộ chúng không rõ ràng như ngài, và thấy viễn ảnh mờ nhạt. Tùy theo khả năng  của nhóm làm việc do sự thúc đẩy tinh thần mà vị Chân sư thành công ra sao trong việc thực hiện kế hoạch  của ngài, dùng nhóm hay ashram như là phương tiện. Theo luật thiêng liêng ngài không thể làm việc một mình; ngài có thể gợi hứng, chỉ dạy, kêu gọi hợp tác và hướng dẫn việc phải làm, mà không thể đi xa hơn. Người phụng sự chi phối công việc của Thiên đoàn vào lúc này, do đó điều sau cùng mà vị Chân sư phải đạt là không có lòng bực bội ! Không một vị đạo đồ nào có thể thành lập một ashram đúng thực bao lâu mà chưa diệt hết khả năng có thể hiểu lầm, bầy tỏ sự bực dọc và chỉ trích, bởi việc sử dụng sai lầm quyền năng tư tưởng  của vị Chân sư có thể là một lực phá hoại mạnh mẽ. Ngài phải có thể tin tưởng nơi chính mình trước khi ashram  của ngài có thể làm việc theo đúng hướng và an toàn.
Ashram hiện diện ở mọi mức độ tâm thức trong ba cõi của Chân nhân.Vài Chân sư chú tâm vào trí năng trong hình thể nên ashram của các ngài liên quan đến trí tuệ, và gồm các bậc La hán phần lớn thuộc cung ba và năm.Những vị đạo đồ này làm việc đặt nền móng, hay sự khai mở trí năng trong hình thể. Đây là công việc có tầm quan trọng lớn lao mà ít được nhận biết, do vậy cuộc sống của các ngài là sự hy sinh lớn lao. Các ngài đặc biệt  làm việc với tâm thức của hạt nguyên tử là vật chất tạo nên hình thể của những loài dưới người. Các ngài làm việc rất ít với nhân loại, ngoại trừ một số người tiến xa về mặt khoa học. Ashram như thế chỉ thu hút ai thuộc cung ba và năm.

3. Tính Chất.
Vị Chân sư thu thập các đệ tử lập nhóm thành ashram không phải để chỉ dạy họ, hay chuẩn bị cho những người này  được chứng đạo như sách vở thường ghi, mà ngài tụ họp họ lại để thực hiện mục tiêu  của ashram, là kế hoạch của Chân sư. Người chí nguyện hay đệ tử tự mình chuẩn bị cho việc chứng đạo bằng cách tu tập, tham thiền và phụng sự. Sách vở ghi sai lầm về điều này mà ta cần chỉnh lại nơi đây, như nói rằng:
– Để có chứng đạo thì người chí nguyện cần phụng sự nhân loại hay Chân sư, hoặc
– Muốn được thu nhận làm đệ tử thì người ta cần phụng sự.
Do đó ai đọc sách nẩy lòng phụng sự để đạt tới mong ước cá nhân, trong khi thái độ đúng đắn là phụng sự không vì mục đích riêng tư, và chỉ điều ấy mới dẫn ta đến đích. Bởi thực tế là:
– Vì con người phụng sự, họ được thâu nhận làm đệ tử.
– Vì phụng sự, họ phát triển và đạt chứng đạo.
Người trong ashram thuộc nhiều trình độ và cung khác biệt, vậy các yếu tố nào liên kết mọi  người lại với nhau ? Họ được nối kết bởi cùng một viễn ảnh, một nhịp rung động tuy không phải mọi người làm một việc theo cùng cách thức và cùng lúc, và tại sao ?Bởi đó là cách thức hoạt động của Thiên đoàn.Những yếu tố chính kết hợp thành viên trong ashram, khiến nó thành khối có sự đoàn kết là như sau.
● Vị Chân sư ở giữa có sự hiểu biết trực tiếp về công việc mà Thiên đoàn làm cho cuộc tiến hóa. Ngài thấu hiểu Thiên cơ, và Thiên cơ cho ra nốt chính của sinh hoạt thuộc một ashram vào bất cứ thời điểm nào, chu kỳ nào.
● Sự nhất quán về mục tiêu, đồng qui thuận về công việc làm sinh ra mối liên hệ rất chặt chẽ về mặt tâm linh, và mỗi thành viên của ashram đóng góp hết sức mình vào việc phải làm.Phàm ngã không có ở đây mà nói thi vị là nó được để bên ngoài ashram. Ashram hiện hữu trên cõi bồ đề hay cõi của trực giác, và không thể có sự tranh cãi hay nhấn mạnh vào ý kiến cá nhân, vì không một rung động nào  của phàm ngã có thể thâm nhập vòng ngoài hay hào quang một ashram.
● Việc sắp đặt và phân chia công việc về chuyện phải làm được thực hiện bằng cách tham thiền, suy gẫm.Vị Chân sư đứng đầu ashram không nói ‘Con làm điều này’, hay ‘Con làm điều kia’, mà do việc suy gẫm chung Thiên cơ mở ra và mỗi thành viên thấy theo cách huyền bíhọ  được cần ở đâu vào bất cứ lúc nào, và họ phải đặt năng lực hợp tác ở đâu. Đó là sự cảm nhận thiên cơ và tự mình tìm cách thực hiện nó không cần ai thúc đẩy.
● Lòng tuân phục huyền bí - occult obedience.
Chữ ấy thường  được hiểu như là việc thi hành lệnh và qui luật do một thẩm quyền áp đặt lên chúng ta từ bên ngoài vào, nhưng hiểu đúng nghĩa thì không phải vậy, và đó cũng không là cách huấn luyện của chánh đạo. Sự tuân phục cho người phụng sự, cho ai đi trên đường Đạo là phản ứng lẹ làng đối với thiên cơ phát xuất từ Thiên đoàn, và gần như là tự động thi hành phần việc đòi hỏi phải làm.Anh tự giao cho mình việc ấy mà không phải là vị Chân sư ra lệnh. Sự chấp thuận phần việc cho mình thì giản dị là bằng chứng cho thấy người phụng sự là thành viên củaThiên đoàn, làm việc cho lợi ích  của nhân loại.
●Một yếu tố khác để có sự đoàn kết trong nhóm và sự đồng nhịp chính xác khi làm việc, là ashram hoàn toàn không có chỉ trích.Thành viên trong đó không có khuynh hướng chỉ trích, và không để ý chút nào tới đời sống cá nhân bên ngoài của người trong nhóm, khi họ sinh hoạt trong ba cõi.Lời chỉ trích mà ta thường thấy ngoài đời chỉ giản dị là sự nhấn mạnh phàm ngã, là thái độ hướng tới phần vật chất trong đời một ai. Chuyện cần là phải có cái nhìn rõ ràng giữa những thành viên trong ashram với nhau; họ biết khả năng và giới hạn  của mỗi ai trong nhóm và do đó, biết họ có thể bổ túc điểm nào cho nhau, và cùng nhau tạo nên một nhóm toàn hảo để phụng sự thế giới
● Ashram là trạng thái tâm linh của nhóm người theo đuổi chuyện tinh thần, tất cả hướng tư tưởng về nó và do vậy bắt được viễn ảnh rõ rệt của tương lai ngoại trừ phương pháp làm việc dưới trần. Điều sau này tùy sáng kiến và khả năng của người nhận công việc. Ashram không có nơi chốn gồm người đủ mọi quốc tịch với tính chất khác biệt nhau, thuộc nhiều cung và ở mọi trình độ. Họ có thể đang sống ở cõi trần hay đã rời bỏ thân xác, làm việc ở cõi cao giữa hai kiếp sống.
Điều nối liền cả nhóm là sự nhậy cảm với một lý tưởng. Ashram là cao điểm tiếp nhận năng lực nên ashram đích thực ngụ ở cõi bồ đề, từ đó năng lực mạnh mẽ thu hút ai cảm ứng với nó, đồng thời người chí nguyện do nỗ lực phụng sự cũng thu hút năng lực này; cả hai tác động lên nhau theo luật ‘Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu’. Mục đích tối hậu của mỗi ashram là Chân lý, các hoạt động của ashram cố gắng thể hiện Chân lý mọi lúc ở mọi trình độ. Người phụng sự không ngừng bước vào tâm sự sáng và cố làm việc theo mức hiểu biết của mình, càng ngày anh tỏ ra càng hữu dụng hơn rồi cả nhóm hiểu ra việc phải làm, và cuối cùng làm xong việc ấy.

4. Công Việc
Mục tiêu hàng đầu  của ashram là hoàn tất một giai đoạn, một chặng  của công việc, để làm thế vị Chân sư tạo một kho tư tưởng thuần khiết và mỗi  người trong ashram sẽ góp phần vào đó. Trên sao dưới vậy, nếu  người phụng sự chịu ảnh hưởng của vị Chân sư thì kho tư tưởng của ngài cũng nhận ảnh hưởng của Đấng là Chân sư của ngài, và bởi Chân sư cũng đang tiến hóa, kho ấy sẽ dần phát triển và nẩy nở thêm khi ngài có nhiều kinh nghiệm hơn, cũng như hoàn hảo từ từ khi minh triết của ngài lớn mạnh, và khả năng thực hiện thiên cơ của ngài tăng trưởng. Đây là chuyện mà chúng ta hay quên, là Chân sư cũng là linh hồn đang học hỏi để tiến hóa. Ngài thêm vào kho tư tưởng viễn ảnh của mình, còn người phụng sự thêm vào đó kinh nghiệm trong nhiều kiếp và mộng mơ thanh khiết của anh.
Muốn bắt được luồng thu hút mạnh mẽ của kho tư tưởng ấy, con người cần phát triển bản năng tinh thần tới một mức cần thiết. Bản năng tinh thần trong đời sống tâm linh tựa như phản xạ, bản năng tự động của thân xác hằng ngày trong đời sống hằng ngày, và một trong những bản năng tinh thần là trực giác.Vai trò của trực giác quan trọng khi ta nhớ là ashram trụ ở cõi bồ đề, và đặc tính của cõi ấy là trực giác.
Tư tưởng và khả năng suy tư là hai điều hết sức quan trọng với người trong ashram, vì Thiên đoàn làm việc về mặt tinh thần với những nguyên lý trường tồn, bất diệt và ít coi trọng phần vật chất dễ hư hoại, vô thường.Thế nên vùng hoạt động của các ngài bắt đầu từ cõi thượng trí đi lên, sử dụng năng lực cõi này với cõi bồ đề.Như vậy, người phụng sự phải học cách làm việc bằng tư tưởng trừu tượng, và sử dụng trực giác tới mức cùng.Nói khác đi, họ làm việc bằng năng lực và năng lực ở cõi tinh thần, thay vì với hiện tượng nơi cõi vật chất. Trí tuệ khai mở dođó là một yếu tố khác cho ai muốn làm việc trong ashram.
Ở đó, năng lực tiên khởi phát xuất từ vị Chân sư đứng đầu, rồi mỗi người trong nhóm có năng lực riêng của mình đáp ứng lẫn nhau và với ngài, khiến cho kết quả trên cá nhân là cả phần xấu và tốt được tăng cường. Nhìn theo cách ấy, trong ashram có nhiều năng lực tác động lên nhau, và đặc biệt vị Chân sư phải cẩn thận sao cho các thể của họ không bị khích động quá mức vì được tiếp xúc với làn rung động cao của ngài, tựa như lửa quá nóng khiến bánh khô cứng lại thay vì nở ra xốp nhẹ. Công việc của ngài là điều hòa các lực khác nhau và gợi hứng phần việc phải làm.
Có hai việc song song ở đây.Về cơ cấu ta đã nói đến nội tâm và ngoại tâm, về mặt năng lực ta có năng lực đến từ Thiên đoàn và lực đi phát ra lúc người trong ashram phụng sự. Như vậy sự tương quan giữa các điều này là nội tâm, gồm Chân sư với các đệ tử lớn, theo sự điều khiển của ngài tiếp nhận năng lực đến, và ngoại tâm gồm đệ tử trẻ nhận lực đi, phân phát nó, hướng nó ra thế giới bên ngoài theo đúng thiên cơ. Nội tâm bận rộn với viễn ảnh, đường lối của thiên cơ và sự thực hiện nó nơi cõi trần; ngoại tâm học hỏi các điều trên và thi hành, cụ thể hóa, và trách nhiệm của người ở vòng ngoài cùng là cảm được nhu cầu, tìm ra phương pháp đáp ứng nhu cầu cùng biết hợp tác với hai tâm trên. Tùy nơi người sau mà ta có sự thành công của một ashram ở thế giới bên ngoài.
Ta thấy ngay là theo đường lối ấy, sự hiểu biết về thiên cơ trong ashram chỉ có khi con người đủ khả năng tiếp xúc với kho tư tưởng của Chân sư, nhưng anh không được ngừng ở đó để mãi mãi tùy thuộc vào kẻ khác, tiếp nhận cảm hứng của người ấy truyền lại cho mình. Anh phải học cách tự mình tiếp xúc và bắt được tư tưởng thiêng liêng, đi sâu vào chuỗi suy tư của Đấng quản trị địa cầu Sanat Kumara.
Bằng cách nào ?Bằng cách tham thiền.Nhưng ấy là chuyện phụ ở đây, điều muốn nói là tham thiền là một nét chính của ashram.Chân sư làm việc bằng cách tham thiền với đề tài là Thiên cơ, và mỗi ashram của ngài là một tâm tham thiền mà người phụng sự góp phần bằng việc tham thiền của anh.Với người ở vòng ngoài, đó là mối ưu tư về hiện tình thế giới, về những vấn đề của nhân loại.

5. Sự Hiển Lộ của Ashram.
Các tính chất của ashram đã được trình bầy, nhưng ta sẽ không có sự lộ diện của ashram dưới trần cho tới khi nào nhóm gồm người có khả năng diễn giải đúng những sự kiện huyền bí, và biết giữ kín chuyện trong ashram. Ta cần phân biệt nét tinh thần đúng nghĩa và chuyện tào lao tinh thần. Vào lúc này sách vở đưa ra nhiều chi tiết về các đấng Cao cả nên có niềm tin là khi ai tỏ ra rành rẽ những chuyện nhỏ nhặt, không quan trọng về đời sống và phương pháp  của các Chân sư, điều ấy muốn nói người đó có hiểu biết tinh thần và đạt mức phát triển cao. Chuyện ấy  không đúng chút nào mà xét cho cùng, sự kiện hàm ý người bạn có cảm biết hời hợt về những giá trị sai lầm, và 90 % thông tin mà họ có là sai và không quan trọng chi hết.
Có nhấn mạnh về sự không quan trọng của lời tuyên bố nào nói rằng họ có chi tiết như thế, vì các Chân sư bị những hình tư tưởng và ý tưởng khờ dại của người chí nguyện đầy thiện ý gây ngăn trở nhiều, trong việc làm của các ngài và sự tự do trợ giúp nhân loại theo mong muốn  của ngài. Các Chân sư rất ít khi giống như hình ảnh, chi tiết mà sách vở đưa ra và thường được người chí nguyện chuyền cho nhau biết. Trọn chuyện tào lao về huyền bí học và thông tin sai lầm này là điều chính chi phối đa số nhóm tâm linh.
Do tâm thức con người đã mở rộng, việc hoạt động công khai của ashram trong thế giới trở thành chuyện khả hữu, nhưng trước tiên ta cần ý thức sự hy sinh vô kể của các Chân sư khi làm vậy. Mức phát triển tinh thần càng cao chừng nào, chuyện hiện hữu nơi cõi trần càng khó chừng ấy. Thí dụ bậc Chân sư năm lần chứng đạo như đức D.K. không phải tốn sức nhiều khi tiếp xúc với người trần so với bậc Chohan như đức K.H. hay đức M.
Lý do là ngài D.K. gần người trần hơn vì còn giữ xác phàm, mặt khác bậc Chohan là tụ điểm của ashram hùng mạnh, nên việc thích ứng của ngài với điều kiện vật chất cõi trần hóa khó khăn hơn. Ta có thể nói giai đoạn một của sự hiển lộ sẽ bắt đầu từ năm 2025; khoảng thời gian trước đó từ sau thế chiến II đến 2025 là giai đoạn chuẩn bị, phương pháp được thử nghiệm và có việc tìm tòi kỹ thuật. Vì thế, mọi ai đáp ứng với Thiên đoàn hiện đang ở trong chu kỳ sinh hoạt mạnh mẽ.
Ta được nghe bước đầu tiên là sự xuất hiện của vài ashram nơi cõi trần dưới sự điều khiển các vị Chân sư, làm công chúng nhìn nhận sự kiện là có Thiên đoàn nói  chung, và những hiểu biết bí ẩn được giảng dạy. Khi giai đoạn này thành công thì nhiều việc quan trọng khác có thể diễn ra, bắt đầu là việc đức Chúa tái hiện.
Như thế, ashram và người trong đó thực hiện kế hoạch của Chân sư, đáp ứng với nhu cầu nhân loại đúng nơi và đúng lúc. Cái nhìn của ashram hay Thiên đoàn có thể không giống cái nhìn của nhân loại, bởi Thiên đoàn chú tâm vào điều cần cho sự tiến bộ của giống dân vào một thời điểm nào đó. Thí dụ nhân loại tin điều quan trọng là hòa bình và mặt vật chất được đầy đủ, còn Thiên đoàn biết nhu cầu chính yếu là sự nhìn nhận việc chia rẽ khờ dại giữa các quốc gia, và con người phải vun bồi thiện chí.
Cho nên điều sau là mục tiêu mà người phụng sự trong ashram dồn hết sức mình để làm việc, họ ráng trình bầy các chân lý ấy dưới dạng làm nhân loại chấp nhận được và nẩy sinh hành động tương ứng, có nghĩa họ phải biểu lộ nhu cầu thực sự bằng hình thức hợp với khả năng ghi nhận của thế giới vào thời điểm này.
Công việc của một ashram như vậy đòi hỏi người trong đó phát triển trực giác và óc trừu tượng cao độ, cùng với một cá tính điều hòa, ba phần thân tâm trí nẩy nở, và thuận theo sự hướng dẫn của Chân nhân. Thành ra với câu hỏi cuối bài là làm thế nào để bước vào một ashram, câu trả lời tất nhiên sẽ là Học hỏi, Tham thiền và Phụng sự.

Theo:
- The Rays and the Initiations, A.A. Bailey