LỜI CHỈ TRÍCH

Lời  Chỉ  Trích

 

 

Sự kiện hạ trí phát triển nhiều dẫn tới việc óc phân tích nẩy nở, và khi tình thương chưa đủ mạnh để hướng dẫn, con người chưa đủ sáng suốt, khôn ngoan thì họ dễ có khuynh hướng chỉ trích hơn là nhận xét vô tư. Chúng ta được khuyên cảnh giác với khuynh hướng này vì nhiều lẽ. Thứ nhất là trong sinh hoạt chi bộ TTH hay ít nhất trong nhóm học chung, nhiều người hội họp tạo môi trường và cơ hội cho tính này biểu lộ, làm hại nhóm. Thứ hai khi cùng nhau làm việc, có sự khuyến khích mọi thành viên trong nhóm hòa hợp với nhau ‘như các ngón tay của một bàn tay’, và ‘điều nào làm người này vuimừng thì phải làm người kia mừngvui’, và đi sâu hơn nữa thì ‘các đệ tử phải như sợi dây đàn trong tay vị Chân sư, phát ra âm thanh hòa hợp dưới sự điều khiển của ngài’. Trong bài dưới đây ta xem xét vài điều về óc chỉ trích để mong tìm cách cho chi bộ và nhóm học thực hiện điều kiện trên.

1. Bản Chất và Ảnh Hưởng
Óc chỉ trích có liên hệ với lòng chia rẽ.Chúng ta dễ dàng nhìn nhận sự hợp tác trên lý thuyết nhưng thấy khó mà áp dụng. Nó còn là dấu hiệu của thái độ xem xét sự việc theo vẻ ngoài hơn là bản chất bên trong, nhìn kỹ những chi tiết bên ngoài và theo quan điểm của điều không cần thiết, chẳng hạn đánh giá khả năng, tư cách theo y phục và lời ăn tiếng nói của một người. Chủ trương này là cản trở thực sự cho sự tiến bộ chẳng những của ai thốt lời chỉ trích, mà luôn cả cho nhóm mà họ thuộc về.
Chỉ trích luôn luôn có tính phá hoại, bất kể do ai phát ra. Dầu vậy, lời nhận xét cần có thay đổi về thái độ, được đưa ra với tình thương, chắc chắn thuộc về loại khác. Lời chỉ trích cho thấy ta có phản ứng cá nhân và tự nó ngăn cản con đường của chân ngã, và tùy theo lời chỉ trích mà ta có thể đo lường mức phát triển của mình.
Óc chỉ trích sinh ra huyễn tưởng nhiều hơn bất cứ điều gì khác, và nhiều hơn là ta ý thức; tuy nhiên khi người ta tập biểu lộ hằng ngày lòng vô hại và sự tốt lành trong tư tưởng và lời nói,  huyễn tưởng sẽ chấm dứt. Do huyễn tưởng ta không thấy được người khác như họ thực sự là, vì ta nhìn người chung quanh qua huyễn tưởng do lòng chỉ trích tạo nên.
Chuyện xưa trình bầy cùng ý này rất thú vị.Đại ý có người một hôm mất đồ và nghi là hàng xóm lấy trộm của mình.Từ lúc có ý nghĩ này họ thấy mọi hành động của hàng xóm đều khả nghi, có hậu ý không lành.Sau đó họ tìm được vật bị mất, thấy là mình nghi lầm hàng xóm, tin rằng người sau có tâm địa ngay thẳng.Ý tưởng này làm họ thay đổi quan niệm về hàng xóm, thấy mọi hành động của người sau đều chính trực.
Câu chuyện cho bài học về nhiều điều. Khi ta thốt ra lời chỉ trích thì nó trở thành một hình tư tưởng, nằm trong hào quang của ta và do vậy án ngữ, nhuộm mầu quan điểm, làm ta không hề thấy chính kẻ khác, mà chỉ thấy họ qua ảo ảnh do lời chỉ trích tạo nên, tựa như nhìn ra thế giới chung quanh qua cặp kính mầu. Tiếp nữa, điều chỉ trích, nếu moi móc sẽ thấy được và con người thật bị che dấu mắt ta không nhìn ra.
Để kiểm chứng xem nhận xét này xác thực tới đâu, ta hãy thử trong vài hôm cẩn thận ghi lại đề mục trong tất cả những lần trò chuyện hằng ngày với người xung quanh.
– Ta có bàn về thực tại hay về thất bại tạm thời của một ai trong khi biểu lộ tính thiêng liêng ?
k– Phản ứng của ta với người khác nói chung là tốt lành hay là chê trách ?
– Ta có dễ thấy điều hay và làm ngơ khuyết điểm cùng lỗi lầm ?
– Ta có lập tức thích thú khi có sai lầm hay sơ sót nêu ra, hay ta giữ kín trong tâm lỗi của người khác, thương yêu huynh đệ hơn vì sự yếu đuối của họ, và từ chối không phê bình hay chỉ trích họ, dù chỉ là với ta ?
Ta hãy đặt những câu hỏi này cho mình và cho nhóm. Cho nhiều người, khởi điểm của huyễn tưởng là ở đây và bao lâu mà cửa ngõ chưa được đóng kín, ta không tránh khỏi huyễn tưởng cá nhân. Đó là những gì ?
Cho một chi bộ hay nhóm, lời chỉ trích là khó khăn đầu tiên và quan trọng nhất họ gặp, hoặc là ý thốt ra lời hay không lời. Chỉ trích có thể dựa trên nhiều điều, nhưng thường sinh ra do lòng ganh ghét, tham vọng không thành, hay sự hãnh diện về tài trí của mình. Mỗi người trong nhóm thường rất dễ phê phán, một phần vì họ không có trách nhiệm, không biết những vấn đề thực sự mà nhóm và người đứng đầu gặp phải, và do vậy dễ chỉ trích. Ta nên nhớ rằng lời chỉ trích là độc chất mạnh, trong bất cứ chuyện nào cuối cùng ai mở lời chỉ trích cũng bị phương hại vì lời nói có đích nhắm, và càng làm hại hơn cho ai bị chỉ trích, thường là người đứng đầu. Nếu người này có động cơ trong sạch, tình thương chân thành và lòng xả kỷ thì những thể thanh của họ có thể không hề hấn gì, nhưng thể xác bị ảnh hưởng rõ ràng.
Sự chỉ trích không lời rất nguy hiểm vì nó có chủ ý mạnh, cho dù có nhắm vào cá nhân hay không. Ý liên tục phát ra và như dòng suối đều đặn tuôn đi, người ta thấy hãnh diện là họ nắm vững vấn đề hay tình trạng, và tin rằng mình ở vị thế  hiểu đúng và có thể có hành động đúng đắn nếu được cho cơ hội.
Khi chỉ trích được nói lên thành lời, ai liên hệ có thể phụ họa và do vậy trợ lực làm nó mạnh hơn nữa, tư tưởng được nhóm hướng tới mục tiêu với kết quả là gây hại cho thân xác của người đứng đầu nhóm. Ở đây ta chỉ giới hạn vào cảnh thành viên trong nhóm ngồi không mà phê phán, và lời ngồi lê đôi mách của ai không có gì làm và tán gẫu. Chẳng những độc chất tích tụ có thể gây ra cái chết hay sự đau khổ cho người đứng đầu, mà nó còn có thể giết chết sự sống của nhóm và khiến cho nỗ lực của người trong nhóm có thể bị lỡ dỡ, trong khi nếu có sự hợp tác và thời gian để phát triển, sẽ thành tác nhân xây dựng mà Thiên đoàn có thể sử dụng và làm việc xuyên qua đó.
Trách nhiệm của người trong nhóm vì vậy rất lớn, mà ấy là điều họ ít khi nhận biết hay gánh vác, cũng như họ không ý thức ảnh hưởng tai hại cho ai là đích nhắm mà lời chỉ trích của nhóm hướng vào, khi nhiều người cùng một ý trụ vào một hay hai cá nhân.

2. Thực Tập
● Lòng vô tư.
Điều này đặc biệt khó cho ai thông minh, vì họ ý thức điều họ biết là đúng và mong muốn người khác chấp nhận, làm theo, cùng nhìn nhận sự hơn người của họ. Kẻ như thế bực bội khi thấy người thân cận hay ai trong nhóm xử sự, giải quyết vấn đề một cách thiếu thông minh, theo quan điểm của họ. Nhưng hãy tự hỏi vì sao ta lại tin rằng ta đúng, và quan điểm của ta chắc chắn thích hợp ?Không chừng cái nhìn và quan niệm, cách diễn giải sự việc của ta mới cần điều chỉnh, và động cơ cùng thái độ của ta nên thanh cao, thanh khiết hơn. Hơn nữa, cho dù những điều ta biết là điều cao cả nhất, tuyệt nhất đối với ta, cách tốt hơn hết vẫn là mỗi ai đi theo đường của mình và để người khác được tự do theo đường của họ. Nói theo ngôn ngữ đương thời là bạn hãy lo chuyện của mình mà thôi, mind your own business, và để yên người khác; còn kinh Bhagavad Gita diễn tả chân lý này bằng câu ‘Làm thiên trách–dharma của mình thì tốt hơn là làm thiên trách của người khác’.
Thái độ không can thiệp như vậy và việc từ chối không thốt lời chỉ trích, không hề ngăn việc giúp đỡ nhau một cách xây dựng khi hoạt động trong nhóm; nó không bác bỏ việc biểu lộ tình thương hay sự hợp tác với nhau. Trong một nhóm luôn luôn có cơ hội để tập lòng vô tư. Mỗi một nhóm thường có một hay vài người gây ra vấn đề cho chính họ và cho người trong nhóm. Không chừng bạn là người như vậy mà không biết, không chừng trong số thân hữu chung quanh bạn biết có huynh đệ gây khó khăn cho kẻ khác. Không chừng bạn có thể thấy rõ ràng điểm yếu, khuyết điểm của nhóm, và ai là kẻ tạo nên điều ấy, trì kéo nhóm làm nó không thực hiện đúng mức chuyện nó có thể làm.
Nhận xét ấy tự nó vô hại, chẳng sao, miễn là bạn tiếp tục thương mến, phụng sự và ngăn không chỉ trích. Thái độ hăng hái sửa sai người huynh đệ, chỉnh họ khi có lỗi, hay tìm cách áp đặt ý và quan điểm mình vào người khác là sai lầm, tuy việc bầy tỏ ý tưởng và cho đề nghị luôn luôn là điều hợp lẽ. Một nhóm, chi bộ gồm các linh hồn độc lập và tự do, gác qua bên quyền lợi cá nhân để làm việc chung, và tìm cách kết hợp với nhau thành phương tiện phụng sự nhân loại. Khi nhóm có sự hòa hợp thì những Vị làm việc bên trong mới có thể sử dụng nhóm như là một  phương tiện, để hoặc giao phó một phần việc cho nhóm như thế làm, hoặc dùng nhóm cho công việc mà ngài phụ trách. Bởi vậy, lời khuyên là ta lo chuyện của mình, tiếp tục đi con đường của ta, và để yên người khác theo đuổi đường của họ.
Vài câu hỏi về lòng vô tư được đưa ra mà xin khuyến khích bạn trả lời thành thật và can đảm. Nếu làm vậy bạn sẽ học được nhiều và sẽ giúp lớn lao cho sự phát triển của mình.
– Bạn có biết lòng vô tư tinh thần đúng đắn là sao ?
– Khi có ai bất đồng ý kiến với mình, hay khi bạn không ưa thích thái độ, ý tưởng hay đề nghị của một ai, việc đầu tiên bạn làm là gì ? Bạn có yêu thương người ấy ? Bạn có giữ yên lặng ? Bạn có bàn với ai khác về họ ? Bạn có tìm cách chỉnh họ ? Tại sao bạn làm thế ?
– Nếu có lòng vô tư thì đó là kết quả của sự tập luyện hay đó là chuyện tự nhiên đối với bạn ? Nó có phải chỉ giản dị là việc tự bảo vệ mình ?hay là cách dễ nhất để có được bình an ? hay đó là thành quả tinh thần ?
Một trong những lý do khiến óc chỉ trích nên tránh là bởi nó không có tình thương, vì lẽ đó nhìn theo chánh đạo thì nó có động cơ sai lầm và mục tiêu ích kỷ. Điều này đúng cho cá nhân lẫn cho nhóm.

● Có Tình Thương
Nó thể hiện qua việc loại trừ khỏi tâm trí tư tưởng chỉ trích và không tốt lành, hầu cho ta đạt tới thái độ dửng dưng thiêng liêng đối với chuyện thoảng qua, với cá nhân phù du, với sự rối loạn thấy ở khắp nơi, để nỗ lực hòa vào thái độ của Thiên đoàn. Muốn làm được vậy người ta cần chú trọng vào mặt tâm thức, xem xét cẩn thận chuyện xẩy ra bên dưới vẻ ngoài.Nhân loại cần được giúp đỡ và những ai có chút phát triển, đủ nhậy cảm để tiếp nhận ấn tượng tâm linh, được các bậc Thầy cõi cao ảnh hưởng để kích thích khối đông quần chúng không ý thức. Họ được sử dụng theo ý đó vì về mặt lý thuyết ấy là những người vô hại, nhưng thực ra  đầy thành kiến và phán xét vội vàng.
Các bậc Thầy phải dùng phương tiện có sẵn trong tay, và bị cản trở lớn lao do phẩm chất của ai như thế; hiểu biết này cho thấy sự thanh lọc cái trí quan trọng ra sao cho ai muốn hợp tác với các ngài. Để làm cho mình hữu dụng, ta được khuyên là loại trừ thành kiến, định kiến có sẵn, sự phán xét vội vàng, và lòng tự mãn về sự chính đáng và óc phán xét của mình, nói chung là mọi ý chỉ trích.
Tiến thêm bước nữa là nghĩ đến người trong nhóm với tình thương, giản dị chỉ có thế. Nhìn về mặt bên trong việc được mô tả là thể sinh lực của nhóm sẽ được linh hoạt bởi ánh sáng của tình thương, có năng lực chói sáng; nó trở thành một tụ điểm năng lực trong thể sinh lực của nhân loại và luôn của địa cầu. Khi mỗi người đóng góp phần mình và phần năng lực của mình vào khối sinh lực chung, làm vậy một cách ý thức và thông minh, khi đó ta trở thành là huyền bí gia chân thực, làm việc với năng lực dưới sự hướng dẫn của Thiên đoàn.
Tình thương dẫn đến sự hòa đồng với bạn trong nhóm, bạn cùng trên đường phụng sự. Chẳng những đó là sự hòa hợp với mục tiêu của nhóm, hay sự hòa nhập với các nguyên tắc chính của nhóm như tình huynh đệ đại đồng, mà nó còn có nghĩa là sự nhập mình với thành công, thất bại, khó khăn và vấn đề của nhóm. Đó không phải là sự hợp tác của kẻ bên ngoài tới trợ giúp, mà là sự hợp tác của người có liên kết chặt chẽ với vấn đề và với ai giải quyết chúng, tới mức không có cảm tưởng là họ tách biệt đứng riêng, không có phản ứng chỉ trích và không có nhận xét trịch thượng.      

Kết Quả
Khi người trong nhóm chủ ý thực hành những điều trên, nhóm sẽ dần trở nên hòa hợp với nhau nhiều hơn, có chủ đích rõ rệt hơn và do vậy có thể thực hiện được nhiều việc, mang lại thành quả rõ ràng. Cho cá nhân thì mục đích nhắm tới là loại bỏ khuynh hướng chỉ trích lẫn phê phán, và sẵn lòng phụng sự bất cứ nơi nào cần nhất.
Điều hay thấy là khi thức tỉnh, người ta cố gắng dùng tình thương để đảo ngược óc chỉ trích, nhưng việc không tự nhiên diễn ra mà đó là sự cố công làm cho mình dễ thương, kềm giữ để không thốt ra điều mà óc phê phán muốn nói, và tự chế để không làm theo ý kiến mà cái trí đưa ra. Sự kềm giữ ấy cho ra hàng rào hay khoảng cách.
Với đa số người chí nguyện, hành động thường không có tình thương chân thật mà nhiều phần chỉ là nỗ lực riêng để không có thái độ chỉ trích. Họ chú tâm làm điều mà đa số biết là  thái độ đúng đắn, và không có hay có ít tình thương khi làm như vậy. Vì vậy, việc được nhắm tới là ai hiểu biết được kêu gọi có nỗ lực thương yêu. Chuyện trước tiên cần được tạo trong một nhóm người làm việc chung, nhắm tới đích chung như chi bộ hay nhóm học, là tình thương và lòng tin tưởng lẫn nhau. Bởi nếu không có hai điều này thì không có hòa hợp tư tưởng. Nơi đâu không có tình thương và lòng tin tưởng lẫn nhau thì nhất định ta phải hữu ý tạo chúng.
Như trên có ghi, ta không nên lẫn lộn óc chỉ trích với sự phân tích tự do. Trong bất cứ nhóm nào luôn luôn có kẻ không nhìn đúng vấn đề, mục đích, không phân biệt được chuyện quan trọng và không quan trọng; họ đặt nhiều việc và người lên trước bổn phận và trách nhiệm tinh thần của họ, và như thế cho kẻ khác lý do xem ra chính đáng để chỉ trích. Có khi lời chỉ trích thực rachỉ là việc nhìn nhận một sự kiện, nó có nghĩa ai phê phán đã đạt tới mức lời nhận xét của họ dựa trên tình thương, nhiều tới độ nó không sinh ra ảnh hưởng cá nhân nào cho họ, và cho người khác trong nhóm. Lời phê bình giản dị chỉ là sự nhìn nhận đầy tình thương về giới hạn.
Chuyện chỉ thành sai lầm khi nhận xét như vậy được dùng để gợi nên lời chỉ trích nơi ai chưa hiểu biết, và đem ra thảo luận. Ai đã có kinh nghiệm sẽ chú tâm lo làm tròn phần việc của mình, họ có thể bị đau khổ khi bạn trong nhóm không hiểu và không kềm chế cái trí gây hại, nhưng họ lẳng lặng tiếp tục công chuyện, cho hiệu quả và không để cho mình bị hành vi người khác chi phối. Anh biết rằng ngày kia người trong nhóm sẽ thoát khỏi sự sai lầm của họ và trong lúc này, anh lặng lẽ ra công chữa lại ảnh hưởng đó. Về mặt ấy, việc làm của anh hóa khó hơn nhưng anh biết là mọi người đang trên đường tới sự hiểu biết.
Anh cũng biết là hiện tại, người trong nhóm nhìn thấy nơi anh và luôn cả nơi các bậc Thầy những đặc tính nổi bật nơi họ, vì sự thật là chúng ta nhìn thấy nơi kẻ khác điều gì có trong ta, ngay cả khi nó không có đó chút nào, hay có cùng mức như vậy.Ai làm việc, sinh hoạt trong nhóm cần phân biệt giữa óc phân tích đúng nghĩa và điều gọi là lời chỉ trích.Bậc Thầy không chỉ trích thành viên thuộc Ashram của ngài, mà tìm cách phân tích cho họ thấy những điểm mà họ có thể gây cản trở cho công việc của Ashram. Có một khác biệt căn bản giữa nhận xét có tính xây dựng và lòng ưa thích vạch ra lỗi người khác.

Nhìn Nhận Sự Kiện.
Việc nhìn nhận sự kiện là một trong những bổn phận đầu tiên của ai muốn phụng sự. Trong việc trợ giúp nhân loại và như là một phần của nhóm, của Ashram, sự kiện là có những người được đặt vào vai trò có thế lực để thực hiện thiên cơ, chịu ảnh hưởng  của bậc Thầy, và điều ấy cần được nhận biết trước tiên. Nó phải công nhận không phê bình, tránh việc liên tục nhìn ra giới hạn của họ, thông cảm với vấn đề họ gặp, có sự hòa đồng về mục tiêu và tuôn tràn ‘tình thương hiểu biết’ đến họ, và biết ấy là những người chí nguyện tiến xa hơn ta.
Hiểu biết hay sự sáng và tình thương còn là bức tường bảo vệ, ngăn không cho tư tưởng chỉ trích đi vào, hay tăng thêm làn sóng chỉ trích mà người đời tuôn đến họ. Vài câu hỏi giúp cho ta hiểu rõ thái độ của mình về điều này.
– Ta có lòng vô tư khi làm việc với bạn chung quanh, bất kể mức tiến bộ của họ cao thấp ra sao ?
–  Ta có duy trì tinh thần hợp tác cần có ?
– Ta có nhìn nhận thực sự giới hạn của ta và của bạn trong nhóm cùng ta phụng sự ? Rồi chung bước với họ tiến lên, lặng lẽ không lời chỉ trích ?
– Ta có ý thức rõ rệt vị thế của mình ? Ai ta có thể giúp đỡ, và ai mà ta noi gương, trợ giúp và thông cảm ?
Ảnh hưởng vô hình của lời chỉ trích được quan sát thấy là ai có tánh châm chọc, hay chê bai thì thể trí của họ có nhiều hình móc câu, làm người khác khó chịu. Còn ảnh hưởng của tư tưởng chê trách từ nhiều người phát ra hướng đến cùng một đối tượng thấy rõ qua khó khăn của bà Blavatsky khi làm nhiệm vụ của mình. Bà tả lại:
– Bạn không thể tưởng tượng cảm giác ra sao khi có quá nhiều tư tưởng và dòng năng lực đối nghịch hướng đến chống bạn; nó giống như hàng ngàn mũi kim đâm vào…
Với ai nhậy cảm và có khả năng tâm linh như bà, sự việc còn tệ hơn nữa, vì điều không may là HPB biết những tư tưởng không thân thiện này do ai phát ra, và đây là phản ứng của bà:
– Tôi luôn luôn ráng nhắm mắt để không thấy và không biết.
Một lý do khác để tránh óc chỉ trích là tính ấy dẫn hàng rào ngăn trở và làm mất giờ. Ta được khuyên tập phân biệt óc chỉ trích với khả năng phân tích và áp dụng sự phân tích. Kế đó, học phân tích sự sống, hoàn cảnh và con người theo góc cạnh về công việc, mà không phải theo quan điểm cá nhân của ta; cũng như phân tích theo góc cạnh của Ashram, mà không phải góc cạnh của cấp trên hay thầy giáo ngoài đời. Sự thực là chương trình phụng sự không thành, và nhiều người chí nguyện bị cản trở vì lời chỉ trích nhiều hơn so với yếu tố nào khác.
Óc chỉ trích muốn nói cái trí cho rằng đường lối và cách diễn giải của nó là đúng, là thật; và của người khác là không thật, là sai lầm. Nghĩ như vậy là theo đường chia rẽ mà để chữa lại, ta đi theo sự hòa hợp là cách của tinh thần và không theo đường của trí năng.
Vì các lý do này, ta được khuyến khích giữ cho tâm có thiện chí, để không còn chỗ cho tính chỉ trích và chuyền đi lời trò chuyện có tính phá hoại. Một nhóm phụng sự muốn làm việc theo theo đường tinh thần và chân chính thì càng lúc càng nên nhấn mạnh tính vô hại – harmlessness. Chẳng những làm vậy giúp người trong nhóm tránh được tránh hai điều trên, mà còn chuẩn bị đường cho sự sống tuôn vào, do việc nó phá tan những gì ngăn trở sự lan ra tự do của tình thương.
Tánh vô hại là một trong những bước dẫn tới đường Đạo, và là cách đối phó với lời chỉ trích.Thoạt nghe thì có vẻ như đây là chuyện nhỏ, và không quan trọng trên đường Đạo. Nhưng khi thực hành thì việc tích cực có lòng vô hại dẫn tới chánh tư duy (vì dựa trên tình thương thông minh), chánh ngôn (vì có sự tự chủ), và chánh mạng (vì dựa trên hiểu biết về Luật trời), và ta sẽ thấy rằng nó sẽ đòi hỏi mọi nỗ lực trong người, cùng mất nhiều thời gian mới thành đạt.
Nói riêng về việc người đứng đầu nhóm bị chỉ trích thì nên phản ứng ra sao ? Họ không nên có phản ứng, mà nên tiếp tục việc làm của mình, lặng thinh và khi có cơ hội thì nói lên sự thật với tình thương, và kiên nhẫn chờ đến khi thành viên trong nhóm học được bài học hợp tác, và hiểu được những vấn đề mà tất cả ai đứng đầu nhóm phải đối diện. Giờ phút ấy lâu hay mau sẽ tới.

Theo:
Discipleship in the New Age, vol 1.Alice A. Bailey,
Reminiscences of H.P.Blavatsky and The Secret Doctrine, Countess Constance Wachtmeister et al.

Xem Các Bài Liên Quan