HUYỀN THUẬT VÀ LỜI NÓI
Ở mức tiến hóa này của con người, đa số lời được thốt ra không có mục đích hay có động cơ mà khi phân tích ta sẽ thấy nó hoàn toàn đặt vào phàm ngã. Mặt khác, khi càng tiến bước trên đường học hỏi chân lý, người chí nguyện càng phải chú ý nhiều hơn vào lời nói của mình. Điều này cần thiết vì ba lý do.
– Đầu tiên là do mức phát triển của mình, anh có thể tăng cường lời nói theo cách sẽ làm anh ngạc nhiên nếu nhìn được nơi cõi trí. Anh tạo hình rõ ràng hơn người trung bình, vì vậy hình tư tưởng của anh được linh động mạnh hơn và nó làm phận sự của mình chính xác hơn, khi anh gửi nó đi bằng lời nói.
– Kế tiếp, bất cứ lời nào thốt ra và hình tư tưởng sau đó được tạo nên (trừ phi theo mục đích thanh cao và không dựa trên động lực của phàm ngã), thường có khuynh hướng tạo nên rào cản bằng chất liệu cõi trí đứng giữa anh và mục đích. Chất liệu này hay bức tường ngăn cách phải được tiêu tan trước khi anh có thể tiến xa hơn, và tiến trình này là nhân quả không thể tránh được.
– Chót hết, lời nói nhiều phần là một cách liên lạc ở cõi trần; nơi những cõi thanh mà anh làm việc và trong cách liên lạc với những người phụng sự khác, lời nói đóng vai trò nhỏ bé hơn nhiều. Khi đó cảm nhận bằng trực giác và viễn cảm (thần giao cách cảm) sẽ là cách liên lạc thấy rõ giữa người chí nguyện và người đệ tử; và khi điều này đi kèm với lòng tin tưởng hoàn toàn, thiện cảm và nỗ lực hợp nhất cho công việc thì ta có được cơ cấu mà vị Chân sư có thể làm việc, và qua đó tuôn lực của ngài.
Vị Chân sư làm việc qua các nhóm (lớn hay nhỏ), và công việc dễ dàng cho ngài nếu sự tương tác giữa các thành viên vững vàng và không bị gián đoạn. Một trong những nguyên nhân gây khó khăn thường xẩy ra cho việc làm của nhóm, và do đó chặn đứng tạm thời sự tuôn lực từ Chân sư, bắt nguồn từ việc sử dụng lời nói sai lầm. Nó làm nghẽn đường kinh lúc ấy nơi cõi trí.
Ba yếu tố trên được nêu ra vì cách làm việc theo nhóm có tầm quan trọng rất mực, và có nhiều kỳ vọng đặt vào chuyện ấy. Nếu trong bất cứ một tổ chức nào nơi cõi trần mà vị Chân sư có thể có được một nhân, gồm ba người tương tác với nhau phụng sự vô tư lợi, thì ngài có thể cho ra kết quả rõ rệt trong khoảng thời gian ngắn hơn là có thể làm được với một nhóm lớn, tích cực, gồm người có thể chân thành và hăng hái mà không tin tưởng hay hợp tác với nhau, và không giữ gìn lời nói.
Nếu một ai hiểu được ý nghĩa của lời nói, học cách nói, khi nào nên nói, nói sẽ đạt được việc gì, và chuyện gì xẩy ra khi thốt lời, là anh trên đường tới mục đích. Ai biết dùng lời nói mình đúng cách là người có tiến bộ nhiều nhất. Đây là điều mà tất cả những vị lãnh đạo các phong trào bí truyền nhận biết, thí dụ là đức Pythagoras và trường của ngài tại Crotona, cũng như nhiều trường bí giáo khác ở Âu và Á châu, có luật là tất cả ai mới nhập môn và dự bị không được phép mở lời trong hai năm đầu vào trường; và sau khi học cách giữ yên lặng trong thời gian đó, họ được cho cất lời vì đã học sự nín thinh đặc biệt.
Ta cũng nên biết rằng mỗi diễn giả tài ba là người làm một việc hết sức huyền bí. Một thuyết trình viên giỏi dang, thí dụ vậy, làm việc tương tự như vì Thái dương Thượng đế mà ở mức độ nhỏ hơn. Ngài làm gì ? Ngài suy nghĩ, tạo dựng, làm linh hoạt. Theo cách đó, thuyết trình viên chọn vật liệu mà họ sẽ dùng cho bài nói chuyện của mình và làm linh hoạt nó. Từ chất liệu tư tưởng trong thế giới họ thu góp chất liệu mà họ muốn dùng cho mình.
Bước kế là khôn ngoan tạo nó thành hình. Họ xây dựng nên hình và khi làm xong tuôn tinh thần, sinh lực vào vật khiến nó rung động, là vật sống động. Khi một diễn giả hay thuyết trình viên làm được vậy, họ luôn luôn có thể làm cử tọa mê say, và cử tọa sẽ luôn luôn học hỏi được nơi họ; thính giả sẽ nhận ra ý mà hình tư tưởng được tạo để truyền đạt.
Trong đời sống thường nhật khi mở lời nói chuyện là ta cũng làm y vậy, tuy nhiên việc hay xẩy ra là trong lời nói anh tạo nên một điều thường là không đáng công, và làm linh hoạt nó với loại năng lực sai, thành ra hình thay vì có lực xây dựng, linh hoạt, trợ giúp, lại thành một lực hủy diệt trong đời. Nếu nghiên cứu vũ trụ học trên thế giới, ta sẽ thấy là việc tạo tác được thực hiện bằng âm thanh hay lời nói. Kinh Thiên Chúa giáo ghi rằng ‘Ban đầu là ngôi Lời và ngôi Lời là Thượng đế’; theo kinh Ấn giáo, thần Vishnu được gọi là ‘The Voice’, tạo nên vũ trụ bằng bài hát của ngài.
Trong sự biểu lộ nơi cõi trần, người ta biết nhau bằng lời nói; bằng sự kín miệng, bằng điều ta nói, và bằng những gì ta không nói, và kẻ khác phán xét ta bằng tính chất lời trò chuyện của ta. Ta nghĩ về người khác theo điều họ nói vì lời nói của họ làm lộ ra loại chất liệu tư tưởng mà họ dùng, và tính chất của năng lực mà họ tuôn vào lời. Ta sẽ hiểu điều này hơn khi ngắm trời đêm và các vì sao. Tính chất của các vì Thái dương Thượng đế khác nhau được thấy qua những chòm sao mênh mang, và tính chất của vì Thái dương Thượng đế của ta được thấy qua hình tư tưởng vĩ đại tạo nên bằng năng lực lời nói của Ngài, và được làm linh hoạt bằng tình thương đặc biệt của Ngài.
Khi Thượng đế cất lời, vũ trụ được tạo lập và vào lúc này Ngài còn đang nói, chưa đưa ra hết điều muốn nói và do vậy hiện tại có vẻ như chưa hoàn thiện. Khi câu trong tâm tưởng Ngài được nói xong, ta sẽ có một thái dương hệ gồm các thành phần toàn hảo sống trong đó.
Qua lời nói, tư tưởng được gợi nên và thành ra hiện diện; nó được mang ra từ sự trừu tượng và từ tình trạng mơ hồ, được vật chất hóa nơi cõi trần, sinh ra vật thật rõ ràng ở cõi ether nếu ta có thể thấy được. Lời nói quả là một lực kỳ diệu theo đúng nghĩa đen, và vị đạo sư hay ai thông hiểu huyền thuật (magic), có hiểu biết về các lực, quyền năng của sự lặng thinh và của lời nói, có thể sinh ra hệ quả nơi cõi trần. Có một ngành huyền thuật dùng hiểu biết về các chú ngữ và công thức để khơi động những năng lực ẩn dấu của thiên nhiên, và triệu thỉnh thiên thần làm việc cho mình.
Lời nói là một trong các chìa khóa mở cửa liên lạc giữa người và sinh vật cõi thanh. Nó cho đầu mối để khám phá các thực thể bên kia bức màn ngăn cách cõi trần và thế giới khác. Tuy nhiên, chỉ ai đã học giữ sự lặng thinh, biết khi nào nên nói, mới có thể vượt qua bức màn và tiếp xúc với chúng. Quyển The Secret Doctrine ghi rằng huyền thuật là việc tiếp xúc với thần thánh bằng ngôn ngữ của các vị ấy, do đó, ngôn ngữ của người trung bình không thể đến các ngài.
Luật của lời nói là luật của vật chất, và ta có thể áp dụng những luật quản trị chất liệu cõi trần qua việc dùng chữ, vì nó liên quan đến việc sử dụng vật chất ở những cõi khác. Khi mở lời thì con người hành xử như là mặt trời ở giữa thái dương hệ, bởi theo luật Thu Hút, ta đem vào chính mình những gì mà ta cần.
Thánh Ngữ OM
Khi chữ được xướng lên với chủ ý nằm sau nó, âm tác động như là yếu tố làm xáo trộn, làm lơi ra vật chất thô trược của các thể trí, tình cảm và xác thân. Khi được đọc với ước nguyện tinh thần mạnh mẽ đi kèm, nó tác động như là phương tiện thu hút và thu thập những hạt vật chất trong sạch để thế chỗ những hạt đã bị thải ra trước đó. Ta nên giữ hai hoạt động này trong trí khi xướng thánh ngữ lúc tham thiền. Thánh ngữ khi được dùng theo cách này có giá trị thực tiễn, và kết quả là tạo nên các thể tốt lành cho linh hồn sử dụng.
Ta cần thêm rằng âm phát ra chỉ thực sự có hiệu quả khi con người đã học cách ngăn chặn những âm nhỏ hơn. Chi nào âm mà họ gửi đi vào ba cõi giảm khối lượng, bớt hoạt động thì mới khiến âm được nghe và hoàn thành mục đích của nó. Chỉ khi khối lời thốt ra được giảm bớt, và con người tập giữ thinh lặng trong lời nói thì sức mạnh của thánh ngữ mới cảm được nơi cõi trần. Chỉ khi nào nhiều tiếng nói của bản chất thấp trong người và của khung cảnh chung quanh được làm im lặng, thì tiếng vô thinh mới phát ra cho ta biết. Chỉ khi nào âm của bao xúc động tàn đi do ta sửa đổi tình cảm, thì nốt trong trẻo của đấng là Chủ tình cảm mới nghe được.
Xướng Thánh Ngữ.
Khi một nhóm đông người cùng xướng lên nó cũng tạo nên kết quả sau như với cá nhân:
– Phá hủy vật chất ngăn trở.
– Tạo đường thông
– Tác động lên các huyệt đạo của con người
Kết quả có thể vô cùng mạnh mẽ nếu người xướng có khả năng hoạt động ở cõi trí và dùng các huyệt; vào lúc này đây là những điều chưa thể có được cho đa số người, và một phần quyền năng của Thiên đoàn nằm ở việc các Ngài có khả năng làm vậy. Hiện giờ các buổi tham thiền chung thường gồm các người chí nguyện hăng hái đi tìm sự tỏ ngộ, mai sau việc sẽ thay đổi thành đó là nhóm người phụng sự, làm việc một cách thông minh và xây dựng với nhau để tới mục tiêu.
Đông người cùng xướng Thánh ngữ là một trong những phương pháp thông thường nhất, và là cách trực tiếp nhất để tạo đường thông cho việc truyền năng lực. Cách này hữu hiệu cho cá nhân và do đó cũng hết sức hữu hiệu cho nhóm, và nguy hiểm cũng y vậy. Hiệu quả của việc xướng thanh chung tùy thuộc vào việc tập thể có xướng thanh đúng cách theo đúng nốt, đúng nhịp; những điều này ấn định phẩm chất của lực tuôn xuống. Lực tác động lên mỗi cá nhân trong nhóm, mà còn ảnh hưởng vùng xung quanh và môi trường, như kích thích tương tự tất cả các loài trong thiên nhiên, vì loài người tạo đường liên kết giữa cái cao và cái thấp, và cùng với loài thiên thần tạo thành nơi gặp gỡ của các lực cho sự sống.
Nói riêng về việc kích thích các huyệt, khi nhóm cùng xướng Thánh ngữ thì một đường thông được tạo ra, lực tuôn xuống làm thể tình cảm của người trong nhóm tạm thời nở lớn, và huyệt tim của họ được khơi động mạnh mẽ. Nhờ vậy người ta có thể vươn lên cảnh cao và nhận ân lành theo cách mà nếu tham thiền và xướng thanh riêng rẽ sẽ không thể làm được. Việc dùng óc tưởng tượng ở đây có tầm quan trọng thực sự, và tạo nên liên kết giữa óc tưởng tượng với trực giác. Lời khuyên là ai tham thiền phải học cách tưởng tượng nhiều hơn.
Việc xướng tập thể một số chú ngữ được dùng cho các mục đích đặc biệt, thí dụ như:
– Làm tinh lọc một thành phố
– Từ hóa (magnetisation) vùng đất sẽ được dùng làm nơi chữa bệnh.
– Thanh lọc trí não của tập thể người để họ có thể nhận sự tỏ ngộ cao hơn
– Chữa lành những ai họp lại với nhau cho mục đích ấy.
– Chi phối các lực thiên nhiên để mang lại kết quả ở cõi trần (xin đọc chuyệnVị Lama Cầu ĐảoPST 47).
– Nghi lễ chứng đạo.
Con người sẽ được phép có các hiểu biết này trở lại, và nhờ vậy ta sẽ đạt tới sự vinh quang cùng một nền văn minh như mơ ước của ai thấy được tương lai của nhân loại.
Âm thanh hay lời nói và việc dùng chữ được các triết gia thời xưa, và càng ngày càng được những nhà tư tưởng hiện đại, xem là phương tiện cao nhất mà con người dùng để uốn nắn chính mình và môi trường quanh ta. Tư tưởng, lời nói và hoạt động sinh ra nơi cõi trần là bộ ba làm con người thành như họ là, và đặt họ vào chỗ họ đang đứng.
Mục đích của tất cả lời nói là khoác y phục cho tư tưởng và vì thế khiến người khác biết đến tư tưởng của ta. Khi thốt lời ta gợi nên tư tưởng và làm nó hiện diện, và mang ra điều chi ẩn dấu trong ta thành biểu lộ nghe được. Lời nói tỏ lộ, và chánh ngôn có thể tạo một hình thể nhằm mục đích tốt lành, cũng y như ngôn từ sai lầm có thể sinh ra một hình thể có mục tiêu xấu. Dầu vậy, ta không biết điều ấy và ngày này sang ngày kia ta không ngưng nói một cách vô trách nhiệm; ta dùng chữ, ta tăng bội âm thanh và bao quanh mình với những hình thể do chính ta tạo ra.
Vậy chuyện thiết yếu là trước khi lên tiếng ta nên nhớ đến lời chỉ dạy:
– Bạn phải có sự hiểu biết trước khi có được lời nói.
Đã suy nghĩ về điều này, giờ ta hãy chọn chữ đúng để diễn tả tư tưởng đúng, phát âm đúng cách, có đúng giá trị, và cho mỗi chữ mà ta phát ra có tính chất đúng thật. Khi đó lời thốt ra tạo nên hình tư tưởng thể hiện ý tưởng mà ta có trong trí. Cũng khi ấy lời nói của ta không có sự lạc điệu mà sẽ thêm khối lượng của nó vào chữ có sức kết hợp, là phần việc mà cuối cùng con người phải thốt ra. Lời nói sai lầm gây chia rẽ và theo đà tiến hóa, lời nói đúng đắn và xác đáng sẽ ngày càng được vun trồng vì ta sẽ nghĩ nhiều trước khi thốt ra lời, như một đấng Cao Cả nói ‘Khi tham thiền ta chữa lại lời nói sai.’
Phân Loại
Lời nói có ba loại.
– Mỗi lời nói tầm phào sẽ cho ra kết quả. Nếu tốt lành và tử tế thì không cần phải làm gì. Bằng ngược lại, hệ quả sẽ tới ngay không trì hoãn lâu.
– Lời nói ích kỷ phát ra với hậu ý mạnh mẽ, tạo nên bức tường chia cách; mà muốn hạ bức tường này thì cần thời gian lâu dài, cũng như cần nhiều thì giờ để bỏ đi tính ích kỷ. Vậy hãy xem xét động cơ trong lòng, và dùng chữ sao cho hòa hợp sự sống nhỏ bé của ta với thiên cơ rộng lớn.
– Lời nói có tính thù ghét gây hại cho ai mà nó nhắm tới, lời ngồi lê đôi mách độc hại được truyền đi vì tạo nên thích thú - những lời ấy bóp chết tâm hồn, chặn đứng mầm sống, và do đó mang lại cái chết. Nếu thốt ra giữa thanh thiên bạch nhật, hệ quả chính xác sẽ trở lại; khi nói thầm lén và không đúng, chúng tăng cường thế giới ảo ảnh mà người nói ra lời ấy sống trong đó, và cầm giữ họ không thoát ra được.
Nếu thốt ra với dụng ý làm tổn thương, gây đau khổ và giết hại, chúng sẽ quay về ai đã gửi chúng đi, sinh ra tổn hại, giết chóc.
– Tư tưởng tầm phào, ích kỷ, độc ác và ghét bỏ khi phát ra lời sẽ tạo nên nhà tù, làm độc mọi suối nguồn của sự sống, dẫn đến bệnh tật, thiên tai và trì trệ. Bởi thế, hãy trở nên ngọt ngào, dễ thương và tốt lành. Hãy giữ sự lặng thinh và rồi ánh sáng sẽ tràn vào.
Vị đạo sư không nói lời nào có thể làm tổn thương, gây hại hay sinh ra đau khổ, vì ngài đã học được ý nghĩa của lời nói trong lúc sống giữa những thăng trầm của đời. Ngài không mất thì giờ than thân hoặc tìm cách biện minh, vì biết rằng luật đã đặt ngài vào nơi đang hiện diện, và nơi mà ngài có thể phụng sự hữu hiệu nhất; cũng như đã học rằng khó khăn trở ngại luôn luôn do con người tự gây ra cho mình, và là kết quả của tâm tánh, thái độ của ta.
Nếu cơ hội đưa tới thúc đẩy ngài biện minh thì ngài hiểu đó là cám dỗ phải tránh. Ngài hiểu rằng mỗi chữ thốt ra, mỗi hành động được thực hiện và mỗi ánh mắt, tư tưởng đều cho tác dụng hoặc dữ hoặc lành cho người. Hiển nhiên vì thế mà có quá ít người thành công và bao người thất bại.
Chú Ngữ (Mantram)
Có nhiều loại chú ngữ khác nhau tùy theo cung, tính chất, công dụng. Chú ngữ được dùng để điều khiển tinh linh, hay triệu thỉnh và hợp tác với thiên thần. Loại đầu dễ tìm và dễ sử dụng, lịch sử ghi nhiều trường hợp về điều này, và ngày nay trong dân gian vẫn có người biết cách hô phong hoán vũ. Loại sau khó hơn vì sự việc đòi hỏi không những xướng lên chú ngữ mà còn thêm điều khác, và đây là hiểu biết được giữ gìn cẩn mật. Lý do là theo luật trong huyền bí học, chỉ những ai có đời sống trong sạch và động cơ không ích kỷ mới có thể tiếp xúc được với thiên thần; trong khi đó việc tiếp xúc với tinh linh diễn ra theo cách khác. Lại nữa âm thanh chỉ là bước đầu nhằm triệu thỉnh thiên thần, sau đó việc hợp tác cần loại chú ngữ khác, bởi thiên thần không dùng và hiểu lời nói như ta hiểu (xin đọc thêm bài Ngôn ngữ của Thiên thần, PST 32). Chú ngữ sẽ sinh ra lực, làn rung động và những điều này mở đường cho sự thông hiểu giữa đôi bên.
Việc triệu thỉnh thiên thần hay kêu gọi tinh linh chỉ được an toàn khi người ta có khả năng sử dụng hai thành phần này một cách khôn ngoan, bởi lực có được có thể là lực làm tan rã và sinh vật họ tiếp xúc là tác nhân gây hủy hoại, đây là vai trò của chúng trong công trình tạo tác. Ai không có khả năng làm vậy mà dùng chú ngữ để triệu thỉnh thiên thần, sẽ thấy là lực mà các vị ấy mang tới có tính tàn phá, sinh ra hệ quả nghiêm trọng cho thể này hay kia của họ.
Nguy hiểm xẩy ra dưới dạng có kích thích quá độ nếu đó là lực của thiên thần, hoặc ngược lại là việc bị thất thoát sinh lực do tiếp xúc với tinh linh; lực bị rút ra từ các thể của họ và trong cả hai trường hợp có thể làm tử vong nếu con người không có hiểu biết cần thiết để bảo vệ, làm chủ và sử dụng các tác nhân này. Sự việc được trình bầy vì các chú ngữ có đó cho ai biết sử dụng khi công việc đòi hỏi, ai đã chuẩn bị cho mình và làm việc không vị kỷ để trợ giúp nhân loại.
Các chú ngữ này được biết tới từ thời châu Atlantis và đưa tới hệ quả tai hại lúc đó, vì bị kẻ có đời sống không trong sạch dùng cho mục đích ích kỷ và xấu xa. Họ dùng tinh linh để gây hại cho kẻ thù của mình; kêu gọi các thiên thần bậc thấp để dùng năng lực các vị này cho tham vọng của họ; họ không tìm cách hợp tác với luật Trời mà dùng luật cho ham muốn của mình nơi cõi trần. Thiên đoàn khi đó thấy là sự nguy hiểm quá lớn vì cuộc tiến hóa của thiên thần và loài người bị đe dọa, nên các Ngài dần dần rút chú ngữ khỏi tâm thức của nhân loại, chờ tới khi lý trí được phát triển phần nào và cái trí tinh thần được nẩy nở hơn.
Vì lý do ấy hai đường tiến hóa lớn (thiên thần và loài người) và đường tiến hóa thứ ba tiềm ẩn (tinh linh) bị phân cách, đóng cửa với nhau, tuy rằng mục tiêu ban đầu là sự phát triển song song. Việc ngăn cách ba chiều này tiếp tục cho đến hiện nay, bởi cung bẩy đang trở lại nên có sự cho phép thiên thần và loài người tiến lại gần với nhau hơn, nhưng đường tiến hóa của tinh linh chưa được phép.
Sách ghi rằng trong khoảng năm trăm năm tới đây, hai đường tiến hóa của thiên thần và con người sẽ có ý thức hơn về nhau, và do vậy sẽ hợp tác tự do hơn. Việc tâm thức lớn mạnh sẽ dẫn tới sự tìm kiếm phương pháp để liên lạc. Khi nhu cầu liên lạc được thấy là thành tâm nhằm mục tiêu xây dựng, chú ngữ sẽ được cho phép lan truyền trở lại với hy vọng sẽ có lợi ích cho cả hai loài. Nhân loại sẽ cho thiên thần sức mạnh và quan điểm về sự sống hữu hình (có điều ấy vì thiên thần là lực, sử dụng lực thay vì hình thể ở cõi thấp), và thiên thần cho con người niềm hoan lạc, từ lực (magnetism) chữa bệnh. Các ngài trông coi việc phân bố sinh lực, prana, từ lực trong khi con người chăm lo về trí tuệ.
Tác Động.
Chú ngữ rất có hiệu quả khi dùng cho tập thể mà cũng có thể rất nguy hiểm. Mỗi tôn giáo, Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Ấn giáo cho tới việc thờ cúng thần linh tồi tệ nhất, đều nhấn mạnh tới giá trị và sự hữu hiệu của việc có nghi lễ chung để tiếp xúc với Thiêng liêng. Kết quả luôn luôn sẽ tới không tránh được, thể hiện bằng cảm giác an lành, thanh thoát mà tín đồ cảm thấy trong nhà thờ Thiên Chúa giáo, hay sự phấn khích bừng bừng, xoay tròn liên tục của người Sufi, và sự múa may la hét của người Zulu. Sự khác biệt nằm ở khả năng hấp thụ lực của tín đồ, giữ nó lại trong người; những việc này tùy thuộc vào mức tiến hóa của họ, và việc họ làm chủ tới đâu tình cảm và lý trí của mình.
Chuyện nên nhớ khi dùng chú ngữ lúc tham thiền tập thể là âm thanh và nhịp điệu sẽ tạo nên đường thông giữa người xướng và Năng lực mà họ muốn tiếp xúc, là Thiên thần, Chân sư v.v. Đường thông này đi từ cõi trần lên cõi tình cảm, hay có thể cao hơn tới cõi trí, và Năng lực ở các cõi này có thể tuôn sự sáng hay năng lực loại này hay kia vào những ai tiếp xúc với các Ngài. Đường thông tạo thành con kinh qua đó có sự tiếp xúc, trọn tiến trình hoàn toàn có tính khoa học, dựa trên làn rung động và sự hiểu biết về động lực học.
Sự việc tùy thuộc vào cách tạo hình chính xác, nhờ hiểu biết huyền bí về khoảng không. Câu nói bí ẩn ‘Thiên nhiên không thích sự trống không’ là hoàn toàn đúng. Khi xướng thanh đúng đắn các âm, nó tạo ra đường thông hay khoảng không giữa cái cao và cái thấp, khiến lực tràn qua đường thông theo cách làm việc của luật không tránh được, và đi tới đích. Tà thuật là việc sử dụng sai lầm hiểu biết này, khi xướng thanh phù thủy tà đạo thu hút lực liên can với tà lực ở cõi cao, sinh ra hệ quả nơi cõi trần. Bằng ngang với hành động này là chuyện ta có thể thu hút lực lớn hơn của sự sáng và sự lành, để áp dụng cho đường tiến hóa.
Có chú ngữ được dùng để thanh tẩy, tinh lọc bằng cách khơi dậy ngọn lửa làm thanh tẩy các thể, nơi chốn, căn nhà hay đền thờ; chú ngữ khác làm từ hóa các địa điểm linh thiêng, hay từ hóa bùa chú, linh vật. Ngoài ra chú ngữ còn được:
– Đức Manu - Bàn Cổ dùng khi cần chuyển di lục địa, hay làm đất chìm xuống biển.
– Vị Bodhisatva - Bồ tát, vị Huấn sư Thế Giới dùng để kích thích ngọn lửa bên trong nơi mỗi người.
– Đức Mahachohan - Văn Minh dùng khi làm việc với trí tuệ.
Nhịp Điệu chung khi Tham Thiền.
Ấy là khi người ta tiến thoái tới lui nhịp nhàng theo các lực của thiên nhiên. Nó là hành động trực tiếp, đồng loạt của một nhóm người, sinh ra kết quả là sự liên hợp (alignment) và ảnh hưởng cho các thể. Diễn tiến là:
– Thân hình cá nhân, hay khối các thân hình xoay theo bán kính của đường lực
– Nó khiến cho vật chất trong các thể của mọi người trong nhóm điều chỉnh lại.
– Nó hòa - theo hình sắp xếp để tạo quân bằng - hào quang của mỗi đơn vị trong nhóm lại với nhau, khiến các hào quang cá nhân hợp thành hào quang nhóm, nhờ vậy cho phép lực tuôn chẩy nhịp nhàng theo một hướng riêng, sinh ra hệ quả riêng biệt.
Con người biết điều này từ thuở xa xưa cho dù họ không hiểu phương pháp, diễn tiến và kết quả một cách khoa học, hay có ghi chép rõ ràng ngoại trừ các trường hay nhóm bí giáo. Hiểu biết truyền lại còn thấy qua việc người Phi châu hay thổ dân các nơi nhẩy múa theo điệu trống bập bùng, và kinh thánh ghi vua David nhẩy múa trước mặt Thượng đế.
Việc lắc lư thân hình theo một nhịp điệu, và vung thân hình theo các chiều hướng khác nhau, theo âm của nhạc cụ phát ra, sinh ra ảnh hưởng lạ lùng và rõ ràng lên vật chất của hai thể thanh. Cử động theo nhịp khiến cho:
– Lực nhận được bằng cách này được hướng tới một hay các huyệt trong cơ thể.
– Chất liệu trong hai thể tình cảm và trí hoàn toàn được điều chỉnh và hòa hợp trở lại, cho kết quả có thể biểu lộ qua xác thân.
– Có ảnh hưởng đến sự liên hợp của ba thể, hoặc chúng bị đảo lộn, sắp xếp không đúng, hoặc được sắp xếp đúng trở lại và tiếp xúc được với thể thượng trí (chân thân).
Đây là một trong những mục tiêu chính của cử động theo nhịp đúng thực; chúng được truyền đi qua bao thế kỷ và bị biến dạng tới mức kém là loại vũ đương thời hạng thấp. Vũ hiện đại có phần là sự biểu lộ sai lạc của việc tới lui theo nhịp. Ảnh hưởng chính của nhịp là hướng của lực nhận được theo cách vũ này đi vào thể tình cảm và vào chất liệu thấp nhất của thể ấy. Kết quả nơi cõi trần là cơ quan sinh dục có sự kích thích tệ hại nhất. Ngược lại, cử động theo nhịp diễn ra đúng đắn cho ảnh hưởng là ba thể thấp liên hợp với thể thượng trí (chân thân), và khi có liên hợp - gồm ước nguyện mạnh mẽ đi kèm với lòng mong mỏi nồng nhiệt - kết quả là lực tuôn tràn từ trên xuống. Điều này làm ba huyệt chính được sinh động, và có sự tỏ ngộ rõ ràng.
Khi trọn con người linh hoạt như vậy bằng một ước vọng cao duy nhất, khi hào quang của họ hòa đều và tạo thành một đường kinh chung cho lực tràn xuống, hiệu quả sẽ được tăng bội hết sức lớn lao và vòng ảnh hưởng có thể bao trùm thế giới. Thí dụ cho mức lớn rộng này là lễ Wesak Đức Phật hiện vào trăng tròn Phật đản, vẫn còn được cử hành rộng rãi ở Ấn Độ và Tây Tạng ngày nay, khi Thiên đoàn họp thành con kinh để truyền năng lực và ân lành từ những cõi có đức Phật. Ngài xử sự như tụ điểm cho năng lực ấy, để nó đi xuyên qua hào quang mình rồi tuôn tràn xuống nhân loại, nhờ đường kinh của Thiên đoàn gồm các đấng Cao Cả và đệ tử các Ngài.
Đường kinh này thành hình do việc dùng âm thanh và nhịp điệu cùng lúc với nhau. Khi chú ngữ được xướng lên kèm với di chuyển chậm rãi, chừng mực, đường kinh tạo ra sẽ vươn lên tới nơi mong muốn. Hình kỷ hà tạo ra ở cõi cao (là kết quả của những chuyển động hình kỷ hà của các Vị tụ họp ở nơi hành lễ tại Himalaya) là những đường tuyệt diệu dẫn đến tâm ban phép lành cho con người, thiên thần v.v. từ bất cứ cõi cao nào. Ai có thông nhãn thấy hình có vẻ mỹ lệ ngoài sức tưởng tượng, và sự đẹp đẽ ấy được tăng cường bằng hào quang rực rỡ của những đấng Cao Cả tụ họp chỗ ấy.
Đây là đề tài lớn rộng và vào lúc này với mức tiến hóa đang có của đa số người, ta chỉ có thể trình bầy phớt qua, nhưng khi con người phát triển cao hơn, số người bước vào đường Đạo nhiều hơn và có đông các vị đạo đồ hơn so với hiện giờ, và khi có con số lớn những ai liên hợp được với thể thượng trí của mình, ta sẽ có việc áp dụng khoa học những luật về âm thanh và nhịp điệu. Tính đến nay, lễ Wesak là sự việc to lớn trên địa cầu có liên can trực tiếp đến nhân loại về hai mặt này.
Nói rộng hơn nữa về tương lai theo ba đường sinh hoạt chính - của đức Manu, đức Bodhisatva, và đức Mahachohan - sẽ có các nhóm riêng biệt sử dụng các chú ngữ và thánh ngữ, và hành lễ theo luật về nhịp điệu.
– Phần việc của đức Manu là về chính trị, cai quản, ai theo con đường này sẽ lo việc nước, chuyện đại sự quốc gia; hoặc họ tham gia chính quyền hoặc ở trong quốc hội lo chuyện lập pháp hoặc là quan tòa xét xử. Tất cả sẽ bắt đầu công việc của mình bằng các nghi lễ lớn tiến thoái nhịp nhàng. Nhờ sự di chuyển tới lui đồng nhịp và xướng thanh, họ tìm cách tiếp xúc với tâm thức của đức Manu và Ashram của Ngài để thực hiện rõ ràng hơn kế hoạch và chủ ý của đức Manu. Khi làm các thể của mình liên hợp và tạo nên đường kinh cần thiết, họ sẽ lo thực hiện công chuyện của mình sau khi cắt cử một hay hai người trong nhóm làm tụ điểm soi sáng. Hai người này dành hết sức mình vào việc tìm hiểu ý định của đức Manu và nhân viên của Ngài, đối với các vấn đề nhóm này đang có.
– Phân bộ của Vị Bodhisatva cũng theo diễn trình tương tự vậy, với cơ cấu đã được tổ chức sẵn. Người giáo sĩ sẽ là tâm điểm, và sau khi cộng đồng giáo dân đã có nghi lễ và sự nhịp nhàng, giáo sĩ xử sự như là tác nhân truyền lại hiểu biết từ trên cao xuống; nhưng ta có điểm khác biệt đáng nói. Ấy là hàng giáo sĩ trong tương lai đó không phải là tổ chức gồm toàn phái nam. Mọi người khi ấy đều là giáo sĩ, và người thường có thể giữ vai trò giáo sĩ khi được chọn vào đầu cuộc lễ. Điều kiện duy nhất phải có là khả năng liên hợp với cõi cao, và hợp tác với tất cả mọi người hiện diện nơi hành lễ.
– Sang phạm vi của đức Mahachohan, Vị đứng đầu con đường thứ ba của cuộc tiến hóa, ta cũng thấy hoạt động tương tự. Không đại học hay trường học nào mà không cử hành nghi lễ tạo sự liên hợp trước khi bắt đầu lớp. Lần này giáo sư là tụ điểm cho đường thông tin từ nơi quản trị sinh hoạt của trí tuệ. Theo cách ấy ta có sự kích thích cho thể trí của học sinh, việc củng cố đường kinh giữa thượng trí và hạ trí được trợ giúp lớn lao. Trực giác cũng được phát triển và được tiếp xúc.
Trên đây là vài nét sơ sài phác họa chuyện ngày kia sẽ thành sự kiện diễn ra ở cõi trần, chứa đựng nhiều điều cho ta suy nghĩ, suy luận, và gợi ý cho ai muốn tìm tòi. Ta được khuyến khích mở rộng chân trời và gia tăng tầm mắt, cho dù sự hiểu biết của ta về các sự kiện này còn sai lầm và khả năng hấp thu có lắm sơ sót.
Theo
– A Treatise on Cosmic Fire, A.A. Bailey.
– A Treatise on White Magic, A.A. Bailey.
– Letters on Occult Meditaion, A.A. Bailey.
– Xin đọc thêm bài Huấn Thị I cũng trong số này, và một phần của bài đã đăng trên Thư gửi từ Ashram, PST 46
Xem Các Bài Liên Quan.