CON NGƯỜI: PHẦN LỊCH SỬ LÃNG QUÊN (3)

 

Xem Các Bài CON NGƯỜI: PHẦN LỊCH SỬ LÃNG QUÊN

 

 

Sự tăng trưởng của ý chí cá nhân là dữ kiện quan trọng nhất  trong lịch sử tiến hóa của con người; nó là 'trái cấm' mang lại sự hiểu biết điều ác và điều thiện. Xem xét kỹ bản chất của ý chí cá nhân, ta sẽ thấy nó biểu lộ dưới hình thức là lòng ham muốn của một ai để bắt buộc khung cảnh chung quanh uốn theo mục đích và ý tưởng của họ. Khi ta nhớ tính chất này thì theo dõi cách làm việc của lòng ham muốn là chuyện không khó. Nhưng còn một yếu tố khác phải được xem xét. Đoạn trước ta có ghi rằng lúc con người mới xuất hiện trên mặt đất, họ thấy ngoài loài thú  còn có nhiều sinh vật trong thể thanh đã ở đó rồi. Chúng là tinh linh - elementals bởi chúng liên kết với ngũ hành mà nhà huyền bí học dùng để phân chia vạn vật. Khi hiểu ra nguyên tắc phân chia này ta sẽ thấy việc không lạ lùng,  không khác chi hóa học với các nguyên tố của nó. 
Sự phân loại diễn ra theo cách khác hẳn tuy cũng có tính khoa học y vậy. Con người không thể thu thập hiểu biết nào về  trọn một vật chỉ dựa vào hình thể bên ngoài, trừ phi nó tác động lên một trong các ngũ quan của họ. Một vật muốn hiện hữu ở ngoài phải gợi được phản ứng của một trong các ngũ quan. Khi nhân loại phát triển thêm những giác quan khác thì nhiều điều khác sẽ được khám phá, như ai trong trường hợp đặc biệt do tự mình làm tăng trưởng sớm hơn, và do chủ ý luyện tập đã  biết vào lúc này.
Tinh linh còn được gọi bằng nhiều tên khác, chúng gồm hai loại riêng biệt. Loại đầu tiên gồm sinh vật thường được gọi là linh hồn các chất khác nhau, là trung tâm lực của chất cõi thanh mềm dẻo, có ý thức phần nào, chất này tựa như tấm phim có tráng hóa chất ghi nhận ấn tượng của mỗi tư tưởng mà con người phát ra trong trí. Loại kia là sinh vật có tính cá nhân nhiều hơn, với óc thông minh phát triển một chút và là loài thấp hơn người mà về sau sẽ thành người, cho tới khi con người biết sinh sản, điều ta sẽ bàn về sau.
Ta được biết rất ít về tinh linh, và những điều đưa chỉ là nhằm cho vài hiểu biết về các nguyên tắc chung của sự tiến hóa. Dầu vậy, cần ghi là các  sự sống vừa kể trong thiên nhiên chỉ là một trong muôn vàn hình thức mà nguyên lý sống trong vũ trụ tìm cách thể hiện. Nhà sinh vật học biết  là tác động của sự sống có thể sinh ra ngay tức khắc nhiệt, ánh sáng và điện; và ta phải nói rằng sự phát  triển của ba lực đó, có không phải chỉ trong vài trường hợp mà luôn luôn có ở bất cứ đâu, là do tác động của nguyên lý này. Mỗi hạt nguyên tử trong thiên nhiên được thấm nhuần và có nguyên lý sống tràn khắp. Vũ trụ là một tâm thức vĩ đại, và tất cả mọi vật từ hạt nguyên tử nhỏ bé nhất tới đấng cao cả nhất mà ta biết hay có thể tưởng ra, chỉ là sự biểu hiện giới hạn của tâm thức này. Vì thế có vô số các sự sống khác nhau, sự biểu lộ giới hạn trên thế giới thay đổi theo tình trạng và điều kiện của nó.
Khi ý chí của con người khơi dậy thì nó tác động theo đường có ít kháng lực nhất. Bất cứ tư tưởng nào được gợi nên trong tâm người thì nó lập tức tìm thấy sự biểu hiện hữu hình trong thế giới tinh linh bao quanh  họ, do năng lực sống động của nó. Cùng với việc ý chí cá nhân ngày càng mạnh, các ấn tượng của tư tưởng trên tinh linh bắt đầu càng lúc càng bền vững. Tuy vào lúc ta đang nói đây chưa có sự xung đột giữa con người với nhau, nhưng mỗi người do cá tính của mình có những ham muốn  riêng của họ, và tác động của những ý chí khác nhau lên các sinh vật thấp này sinh ra xung đột đầu tiên trên trái đất.
Ngày nay, các tinh linh ấy có phận sự rất quan trọng trong thiên nhiên. Được uốn nắn bởi ý chí của hết tất cả những thế hệ con người trước kia, giờ chúng trở thành tác nhân cho karma, ngăn cản ai chưa phải là vị đạo sư có sự phát triển vượt qua những giới hạn của mẫu chủng họ. Khi theo với thời gian các ấn tượng hấp thu đủ lực và đều đặn, sự  xung đột diễn ra theo đường có  ít kháng lực nhất. Lúc ấy tinh linh cao hơn cảm biết áp lực của ý chí ngược lại nơi con người, và bởi chúng tiến hóa hơn nhiều, không dễ bị ấn tượng chi phối, cuộc xung đột hóa mạnh hơn. Sự xung đột gia tăng cường độ khi người ta thành đối tượng cho sự tấn công. Những điểm quan trọng này sẽ được nói thêm ở phần khác.
Tinh linh cao tiến hóa thành người, cho tới lúc việc sinh và tử trên đời diễn ra do ý chí cá nhân. Chuyện dễ hiểu là khi con người bắt đầu có ưa thích riêng của mình, nỗ lực tập thể cần cho việc phát triển tinh linh bắt đầu phân tán, và việc sinh sản của người đi kèm với việc thân xác ta hóa thô trược hơn vì con người trở thành con vật có ăn uống. Đây là câu chuyện con người rơi vào việc sinh sản. Họ ‘rơi’ do việc sử dụng ý chí của mình. Nhưng sự phát triển về mặt vật chất chỉ có thể xem là sự sa đọa về một khía cạnh mà thôi, khía cạnh kia thì sự rơi vào vật chất này là đường cong cần thiết của sự tiến bộ xoắn ốc, buổi bình minh của một ngày tươi sáng hơn mà nhân loại chưa từng thấy. Và ta làm được sự hoàn nguyên này nhờ Minh Triết, cái tinh thần chân thực của người.
Đề tài ‘sa’ vào vật chất tự nhiên gợi nên vấn đề tự do ý chí, ta không cần thảo luận chi tiết về câu hỏi này, mà chỉ vạch ra rằng ý chí con người được tự do bao lâu mà mỗi cá nhân hành động với động cơ là để có hạnh phúc. Tuy nhiên điều ấy tùy thuộc vào một nhu cầu tiên khởi là nhu cầu của bản chất mình; nhưng ngay cả khi ấy ý chí được tự do, vì nhu cầu của bản chất một ai  không phải là áp đặt từ bên ngoài vào mà là một luật thường hằng nằm trong cái tôi.
Dầu vậy, nếu cho rằng tự do ý chí muốn nói ta có khả năng chấm dứt sự sống và hủy diệt mình thì tự do ấy phải bị từ chối không chút ngần ngại. Sự lạm dụng ý chí như vậy không có chỗ trong vũ trụ. Ở mỗi lúc trong đời ý chí con người được tự do, họ chỉ làm điều gì mà họ thích, nhưng có luật quản trị cách nó thể hiện. Tựa như toán học có thể truy lại quá khứ, và tiên đoán chuyển động tương lai của một thiên thể từ dữ kiện mà việc quan sát các vị trí liên tiếp nhau cung cấp, thì ta có thể tưởng ra một loại toán học cao có thể tính toán lịch sử cuộc sống đã qua và tương lai của một người theo tài liệu có được. Tương lai của một người không tùy thuộc vào sự tính toán ấy, không khác nào sự chuyển dịch của một hành tinh chẳng hề bị chi phối bởi sự tính toán của thiên văn gia.
Sẵn đang nói về đề tài này ta có thể bàn một chút về sự cần thiết của điều ác, và lời cáo buộc luôn có đối với trường phái tư tưởng Á đông rằng nó yếm thế. Không có gì phải nghi ngờ về sự cần thiết có tính chu kỳ, để dòng tiến bộ của con người đi tới mức giới hạn tột cùng rồi quay trở về nguồn sinh ra nó, phong phú hơn và tinh khiết hơn sau chặng đường dài. Triết gia sẽ không hối tiếc điều này khi nhớ rằng mỗi lần đi xa hơn trạng thái tinh thần an lạc, là nhân loại tiến gần đến mục tiêu sau cùng và sự chỗi dậy vinh quang.
Lên tiếng than phiền chỉ vì cần phải đạt trạng thái toàn hảo hơn và cao hơn bằng con đường không có mấy vui thú, là lộ ra sự vô minh cùng lòng ích kỷ; vô minh đối với viễn ảnh huy hoàng chờ đợi sự trở về, và ích kỷ khi than vãn về những đau khổ riêng làm phong phú trọn tổng thể lớn lao là thiên trí, cái trí vũ trụ, do thể hiện các ý tưởng nằm trong đó có tính vĩnh cửu tiềm tàng.
Tư tưởng triết học luôn có tính lạc quan, chỉ có quan điểm cong quẹo về sự vật mới sinh ra lòng bi quan. Nét tinh thần sống động, căn bản của các hệ thống Á đông chắc chắn khuyến cáo ta chớ nên chìm vào sự trì trệ do hưởng lạc thú và đời sống vật chất nặng nề; nhưng nó không vì thế mà xem chính sự sống là điều xấu. Ngược lại, các vị thầy Á đông nhất quyết rằng đời sống dưới trần của ta đóng một phần quan trọng trong mục đích lớn lao, là tiến lên những trạng thái toàn thiện ngày càng cao ở mỗi nấc.
Phật giáo và phái Veda là hai hệ thống mà lời chỉ trích này thường nhắm vào nhất. Tuy nhiên việc hiểu biết đúng đắn luật nhân quả như  được hiểu trong hai hệ thống này sẽ làm mất đi hiểu lầm ấy; mọi việc xẩy ra, tốt, xấu hay không tốt không xấu, sinh ra do tác động của luật vĩnh cửu nằm trong chất liệu trường cửu mà cũng là sự an lạc tuyệt đối. Chủ thuyết hư vô - nihilism của Âu châu tân thời (cuối thế kỷ 19) là chủ thuyết bi quan đích thực duy nhất. Cũng sự hiểu lầm cho rằng Niết Bàn là sự tịch diệt đã gán cho các tôn giáo Á đông tính bi quan.
Ta không thể lướt qua đề tài này mà không nói tới một ý tưởng rất quan trọng phát sinh từ việc sử dụng ý chí riêng. Sự tập trung lớn lao năng lực vào cái ngã mà việc sử dụng ý chí đòi hỏi, và phản ứng tự nhiên của nó lên vật mà ý chí hướng tới, và sự kháng cự của vật đối với cái ngã, bắt buộc con người nhận biết thật mạnh mẽ ý niệm rằng có một sự hiện hữu bên ngoài họ. Sự gia tăng ý chí này làm mờ đi rất mau tâm thức của họ về trạng thái tinh thần mà họ đang rời bỏ.
Sự gia tăng lòng tư lợi làm phá hủy lòng vô úy - không sợ hãi - sinh ra từ trạng thái vô ngã, có hòa hợp thương yêu với mọi vật chung quanh. Khi chưa gặp những điều nguy hiểm lạ lùng bắt đầu tấn công từ mọi phía, con người không thấy cần phải có ai bảo vệ mình, không cần có một đại diện trung gian giữa chính họ và Hóa Công sinh ra họ là Luật Bất Biến. Ý tưởng về lực nẩy sinh nơi họ cùng lúc với ý về sự nguy hiểm, và lòng hãi sợ là bạn đường rất tự nhiên của điều sau. Nó thúc đẩy họ tạo cho mình một niềm tin vào quyền lực nào đó bên ngoài - một quyền lực mà họ sợ và tùy thuộc vào đó, và như vậy đặt nền móng cho tất cả những giáo phái nhân tạo mà cho tới ngày nay lan tràn trên thế giới qua nhiều sai lầm của chúng. Người sơ khai nhìn quanh mình và tin rằng nguồn quyền lực nằm trong vầng thái dương, nguồn của ánh sáng và năng lực sinh ra sự sống. Họ kinh sợ nó và do vậy tìm cách hòa giải với nó.
Họ cho rằng tia sáng mạnh nhất là tia mầu đỏ, và tìm vật tương ứng để dùng trong việc thờ  phượng; và vật càng khó đạt thì giá trị cúng bái của nó càng cao nơi tín đồ. Điều này dẫn tới việc dùng máu như là vật dâng cúng thích hợp nhất, và nó chẩy tràn trề trên bàn thờ. Tính bạo hành là biểu lộ tệ hại nhất cho sự xuống dốc tâm linh nơi con người, và nó quay ngược trở lại trên con người từ tinh linh là sinh vật mà con người có bổn phận phát triển.
Khi bổn phận này bị làm ngơ và sự tách riêng các quyền lợi được nhấn mạnh, con người bắt buộc phải  nhận ra sự đối kháng của tinh linh. Cùng với tính bạo  hành gia tăng nơi con người, các tinh linh này cũng tăng mạnh theo cách của chúng, và chúng nổi giận vì bị con người - về một mặt là kẻ bảo hộ chúng - bỏ quên, tinh linh tự động đáp ứng với lòng tức bực. Nay con người không còn có thể trông mong vào lòng thương yêu hay sự hòa hợp để hướng dẫn kẻ khác, vì chính họ không còn được thúc đẩy chỉ bằng ảnh hưởng của chúng; lòng mất tin tưởng đã làm hư hoại sự cân xứng của cái ngã bên trong và tinh linh - không thể cảm biết mà chỉ đón nhận ấn tượng đến với chúng - mau lẹ thích ứng với điều kiện thay đổi.
Lập tức thiên nhiên có biểu lộ khác đi, ở đâu mà lúc trước là sự vui vẻ và tươi mát thì nay có dấu hiệu buồn rầu và tàn tạ. Ảnh hưởng trong không khí từ trước đến giờ không cảm biết nay khởi sự được ghi nhận; người ta cảm thấy có sự ớn lạnh vào buổi sáng, giữa trưa thiếu sức nóng và chiều tối thì có cảm giác chết chóc khắp nơi, làm con người  bắt đầu nhìn nó lo ngại. Bởi thay đổi nơi đối tượng phải đi với  thay đổi nơi chủ thể. Bao lâu chưa tới mức này thì không có gì làm con người sợ chính mình và khung cảnh quanh họ.
Và khi càng lúc càng đi sâu vào vật chất, con người mất ý thức về những sự sống có hình thái thanh nhẹ hơn, và gán hết những sự chống đối mà họ kinh nghiệm cho các nguyên nhân không biết. Sự xung đột tiếp tục dâng lên mạnh hơn, với hệ quả do sự vô minh nơi con người là họ thành nạn nhân dễ dàng. Tuy nhiên có ngoại lệ trong giống dân khi đó cũng như ngày nay, là những ai có khả năng cảm nhận tinh tế vượt mức, hay tiến xa so với việc chìm sâu hơn vào vật chất. Khi sự việc diễn ra chỉ họ là có thể cảm biết và nhận ra ảnh hưởng của các sinh vật sớm nhất này trên địa cầu (tinh linh).
Rồi tới khi thỉnh thoảng việc hiện hình làm con người kinh hoảng và tưởng đó là điềm xấu. Nhận ra nỗi sợ hãi do hiểu lầm này của con người, cuối cùng tinh linh thể hiện sự nguy hiểm mà con người lo sợ, và chúng hợp lực với nhau để làm họ kinh hãi. Chúng có được đồng minh mạnh mẽ là thể tình cảm, thoát ra khi xác thân chết đi như ta sẽ thấy tiếp đây; hợp lực của hai vật này bắt đầu biểu lộ về đêm, vì con người sợ đêm tối, coi đó như là đối nghịch với thần bảo hộ cho người là vầng thái dương.
Cái chết đánh dấu khởi điểm của đường cong là chỗ mà ta đang tả sự tiến hóa của con người. Hai mẫu chủng  đầu không có sự tử; khi kiếp sống đã thể hiện trọn vẹn, cảm giác lắng xuống nghỉ ngơi và họ tan vào cõi tinh thần. Con người sơ khai không có cảm giác gì về thể xác già lão; không có gì đặt để là họ phải tàn tạ; cũng như không có gì nói rằng mọi người phải chết. Không có gì bắt buộc là họ phải làm như vậy, họ có đặc quyền là chọn muốn sống hay chết, như đặc quyền của con người thời nay là được nhìn rõ ràng, hay muốn mù quáng và bóng tối. Tất cả mọi người không ai phải chết. Ngay cả người Do Thái ám chỉ tới điều này qua ngôn ngữ ẩn dụ của họ rằng giống dân ban đầu không chết. Tiên tri Enoch ‘bước đi cùng Thượng đế’, và không chết. Vài người đây đó trong mỗi thời đại thoát được cái chết bằng việc khôi phục lại cách dùng những quyền năng tinh thần của họ, và chế ngự được các thành phần trong bản chất của họ, những điều muốn kéo họ xuống tới sự tử.
Những bậc thầy vĩ đại của mọi thời, bừng nở trên cây nhân loại như là bông hoa tuyệt diệu nhất, về một mặt có thể nói là đã thoát khỏi sự tử. Quả đúng là lớp vỏ xác thịt bao bọc con người nay tan biến, nhưng con người bên trong gồm chân nhân và các nguyên lý trí năng và ý chí, vẫn giữ sự toàn vẹn của nó và cái chết chỉ lấy đi phần thô trược bao phủ vàng ròng là các nguyên lý cao hơn trong bản chất con người. Do tình thương sâu đậm đối với nhân loại, các bậc cao cả này tiếp tục, như là các đấng cứu thế chân thực, chỉ dạy và dẫn họ tới những điều thanh cao hơn.
Thế giới không thấy được các đấng ấy, bởi một màn dầy bằng vật chất nặng nề giới hạn tầm nhìn của người, làm ta không thấy sự hiện diện tuyệt vời của các ngài. Dầu vậy, thỉnh thoảng ở vài mốc thời gian có cá nhân xuất hiện, mà tuy ở trong thân xác, vẫn có thể trò chuyện với các Vị ấy, và truyền cho thế giới minh triết của các ngài. Còn có những người khác do sự phát triển bất toàn của mình, không thể trò chuyện có ý thức với các vị thầy tinh thần này, nhưng dưới ảnh hưởng của các ngài, xử sự  trên trần như là vì sao băng rực rỡ với óc thông minh và lòng nhân ái, và truyền dòng sống tinh thần vào nhân loại do tình thương không ích kỷ và lòng hy sinh của họ, tuy không ý thức cái động lực hướng dẫn mình.
Về một mặt thì tất cả những vị cao đồ thoát được sự tử. Diễn trình dẫn tới điểm tiến hóa này được biết là thuốc trường sinh theo ngôn ngữ của thời trung cổ. Cơ thể con người luôn luôn hợp với ham muốn và ước vọng bên trong của họ. Nếu lòng ham muốn và thèm khát phàm trần lần lượt được loại bỏ nơi con người, cơ thể họ - vật luôn thay đổi các hạt nguyên tử tạo hình - ngưng thôi không thu hút vật chất cần để tạo thể thích hợp cho dục vọng thấp; khi thắng được các điều này rồi, cơ thể càng lúc càng thanh nhẹ cho tới cuối, dấu vết chót hết của lớp vỏ vật chất được bỏ lại và cá nhân trỗi dậy như là tinh thần quang vinh.
Sự bất tử về một mặt có nghĩa người ta thoát khỏi cái chết, và về mặt khác nó có nghĩa tránh được cái chết trong một thời gian rất dài. Làm sao làm được việc ấy ? Ta biết rằng một trong các yếu tố chính của sự trường thọ là ý ham sống mạnh mẽ. Nhiều thí dụ hằng ngày cho thấy con người qua được những cơn bệnh hiểm nghèo chỉ vì có lòng ham sống mạnh mẽ, và để làm tròn bổn phận nào đó chưa xong. Ý muốn sống, khi chỉ dựa trên động lực là hưởng thụ ích kỷ cuộc đời, sẽ không bao giờ đủ mạnh để cho con người đi xa; thực vậy, ý chí mạnh mẽ tìm ra thuốc trường sinh thì hoàn toàn không ích kỷ. Cá nhân hy sinh sự tiến bộ của riêng mình ở những mặt khác hầu cho họ có thể tiếp tục làm việc cho sự tốt lành của nhân loại.
Ta có thể ngạc nhiên khi nghe rằng có những người làm điều tốt lành mà nhân loại nói chung không hề biết tới họ, nhưng lý do mà việc làm của các nhân vật như thần thánh này không được người đời hay biết, là vì họ tác động lên những nguyên lý cao của con người (tức làm việc ở cõi cao). Khả năng tạo tác của năng lực chúng ta thay đổi tùy theo cõi mà chúng tác động. Một người thợ nề, lao động từ sáng đến chiều, tạo ra công mà khi tính thành tiền sẽ được rất ít so với một giờ làm việc của nhà khoa học. Sự khác biệt về ảnh hưởng sinh ra nơi cõi trần và ở cõi trí tuệ, do một lượng năng lực cho sẵn, như vậy rõ ràng.
Ai quen thuộc với luật về động năng tâm linh biết rằng công sinh ra do một lượng năng lực cho sẵn ở cõi trí thì tới phiên nó lại ít hơn vô kể so với công do cùng lượng năng lực tác động nơi cõi tinh thần, cái nguyên lý cao nhất trong con người. Vì vậy mong đợi các bậc thầy tâm linh làm việc với chúng ta ở cõi trần, là không hợp lý gì hơn đề nghị rằng Einstein làm thợ giầy.
Ta phải đưa ra một sự kiện ở đây là ý ham sống phải đủ mạnh để thắng được khuynh hướng mà cơ thể thừa hưởng, muốn lập lại tiến trình sinh lý của tổ tiên. Chuyện rõ ràng từ đó là yếu tố thứ hai trong vấn đề không phải là một cơ thể cường tráng về mặt thể chất do được nuôi dưỡng phủ phê, mà là thân xác khỏe mạnh và cùng lúc không có khuynh hướng thể chất phát triển mạnh mẽ, tức không cần thiết phải vạm vỡ, bắp thịt cuồn cuộn; điều chính yếu là có ý chí mạnh hơn  bản năng thể chất.
Việc hiển nhiên là bất cứ sự gia tăng sức mạnh nào của cơ thể đòi hỏi có sự gia tăng ý chí tương ứng để điều khiển nó. Sự kiện ý chí làm chủ thân xác được đánh dấu bằng việc phá bỏ khuynh hướng này rồi kia của thú tính. Trước tiên tất cả những ham muốn do con người tạo phải được loại bỏ như rượu, chất kích thích, ăn thịt, và nói chung mọi thèm khát ăn uống quá độ và muốn thỏa mãn các ao ước không lành mạnh. Kế tiếp là ham muốn tình dục.
Những khuynh hướng khác phải loại trừ theo mức độ vật chất của chúng, như lòng tham lam, sợ hãi, ganh tị, hãnh diện đời thường, không có lòng từ thiện,  thù ghét, tham vọng, và chót hết sự tò mò hay tham lam trí truệ. Tiến trình kéo dài nhiều năm là cái chết chậm, và khi ai được bất tử nhờ thuốc trường sinh thì không còn gì cho họ trên trần, thế nên xét về mọi mặt thì họ đã chết.
Sự tử, tuy tự nhiên với ta như sự sinh hay tuổi già, lại luôn được bao phủ trong một màn kinh sợ u ám. Nó là cái bóng làm hư đi phong cảnh tươi đẹp nhất của ta, và cho ra sự ảm đạm trong những chuyện vui vẻ nhất của cuộc đời. Nó là độc chất ẩn dấu trong ly hưởng thụ ngọt ngào nhất, là điều bí ẩn không giải thích được của sự sống làm mờ đi ánh mắt tinh anh nhất, và gây hoang mang cho trí tuệ khôn lanh nhất. Nhưng các lượn sóng đen của đại dương không bờ bến này làm  trí tuệ mạnh nhất của con người cảm thấy vô vọng, lại không cản ngăn được khả năng đã khơi dậy của tinh thần con người.
Ý niệm về sự tử, giống như mọi ý niệm khác của con người, chịu thăng trầm theo chu kỳ, nhưng điều chắc chắn là đời sống ta càng vật chất chừng nào, ta càng bám víu bao nhiêu vào sự hưởng thụ của xác thân, thì cái chết càng hóa ra kinh khủng chừng ấy. Các biểu tượng khác nhau của sự tử vào những giai đoạn khác nhau, sẽ cho ra hiểu biết giá trị khi được tìm hiểu đúng cách. Bắt đầu với lúc thần chết gieo rắc kinh hoàng trên đường đi của mình, cho tới khi sự tử được xem như thiên thần làm ngưng sự đau khổ của nhân loại, có sự tiến hóa luôn và tư tưởng lớn mạnh dần. Sự tử là điều bất hạnh, như tật nghiện rượu, vô đạo đức, nó là sáng tạo của con người, một hình thức nhân tạo làm hủy diệt họ, như ý của họ về ăn, uống, đi hay ngủ.
Xin hiểu rằng chúng tôi không có ý muốn nói là con người, trong bất cứ cảnh ngộ nào, có thể kéo dài sự sống của mình mãi mãi; nhưng họ có thể cởi bỏ lớp áo bên ngoài một cách hữu ý và thông minh; và với sự dễ dàng, suông sẻ như con tằm rời khỏi kén, hay  như chim non chui ra khỏi trứng. Họ có thể cởi bỏ thân xác hao mòn và tái tạo nó như là với y phục mà không gặp bất tiện gì hơn.
Cái chết nơi các giống dân đầu có một đặc tính mà nay đã mất. Trước khi có trách nhiệm cá nhân, cái chết chỉ đánh dấu việc đi từ sự sống hữu hình này qua sự sống hữu hình kế, với thời gian ngơi nghỉ ngắn ở giữa. Vì không có ham muốn riêng nào, con người tuân theo luật chung, và không sống đời ở cõi tinh thần (Devachan) như chúng ta ngày nay sống với các lực tinh thần thể hiện, lực mà ta sinh ra trong cuộc đời dưới thế nhưng không tác động được do giới hạn của cõi vật chất. Nói khác đi, lúc ban đầu không có thiên đàng hay địa ngục cho loài người.
Điều kiện ngày nay hoàn toàn khác hẳn. Sự lớn mạnh của ý chí cá nhân làm mỗi người có khối dục vọng riêng của họ; sự tiến bộ của họ ở cõi trần từ điểm này tùy thuộc vào nỗ lực cá nhân. Lấy thí dụ ai bị thu hút nhiều về đời sống vật chất thì dễ thấy là khi chết đi, lòng ưa thích chuyện phàm tục sẽ khiến họ có khuynh hướng lưu lại cõi trần, và do vậy cản trở chân nhân đi từ sự sống cõi này sang cõi kia. Sự tranh chấp ấy sinh ra cõi dục vọng gọi là ‘Kama Loka’, và năng lực sinh ra trong trạng thái đó, tác động từ một tâm là phàm ngã con người, tạo nên vật ta gọi là vỏ (elementary, shell). Vỏ không phải là sinh vật độc lập vì nó thiếu sức tăng trưởng, và bắt buộc phải tan rã khi linh hồn tiến lên cõi cao hơn là Devachan (xin đọc PST 66).
Ta không đi sâu vào chi tiết về vỏ ở đây, chỉ ghi rằng khi vỏ được mô tả như thể do con người thải ra, thì không nên nghĩ rằng các thể khác biệt được phân rẽ với nhau do tiến trình tan rã theo hóa học, hay do sự tách rời theo cơ học (như tách các lớp của củ hành). Khi linh hồn  đi tử cõi này lên cõi kia, sự việc làm cho các thể bị thải bỏ.
(còn tiếp)

Mohini Chatterjee và Laura Holloway
Man: A Fragment of Forgotten History