CON NGƯỜI: PHẦN LỊCH SỮ LÃNG QUÊN (2)

 

Xem Các Bài CON NGƯỜI: PHẦN LỊCH SỬ LÃNG QUÊN

 

Tổ tiên trước nhất của ta, những người đầu tiên khoác lấy xác thân vật chất và là con cháu của người ở cõi cao, sinh ra trong điều kiện mà ta không hiểu, tuy ta thâu lượm chi tiết từ những ai còn giữ gìn hiểu biết, những phần mà nay họ truyền cho ta. Cái nôi của giống dân đầu tiên của con người vật chất thuộc vòng này là bắc cực, vào thuở ta đang nói đây nó gần như ở xích đạo. Từ lúc ấy hai cực và đường xích đạo đã đổi chỗ. Thiên văn gia có thể ngạc nhiên và không chừng bác bỏ lời này với sự chê trách, nhưng sự kiện là độ nghiêng của trục trái đất với mặt phẳng ecliptic đã thay đổi, và các khám phá về sau sẽ hỗ trợ cho chủ trương của chúng tôi. Nhà địa chất học, với hiểu biết được dồi dào thêm nhờ khám phá các lớp than ở vĩ tuyến rất cao, có lẽ sẽ thấy khẳng định này cho gợi ý.
Trước khi tiếp tục, ta cần nhắc lại là các thời đại khác nhau trong lịch sử tiến hóa của con người nói ở đây, là những giai đoạn trong đó vô số kẻ đã sống rồi mất dạng trên địa cầu, và ấn tượng ghi lại về đề tài này chỉ nhằm cho ra các nét chính mà không đi vào chi tiết. Sách mô tả lịch sử cuộc tiến hóa của con người từ thể tinh thần tới vật chất. Tuy nhiên ghi lại sự phát triển của hết tất cả bẩy giống dân chính và thất nguyên của nó là các chi chủng thì không thực tế.
Các điểm chính trong phần sau sẽ cho phép bạn đọc tự mình tìm ra chi tiết. Trong suốt mọi chuyện luật Tương Đồng được theo sát, tức điều gì đúng cho một chi chủng của mẫu chủng này thì cũng đúng trên cõi cao hơn cho chi chủng tương ứng của mẫu chủng tiếp theo.

 

Chương III
Đi Vào Vật Chất

Khi truy lại sự tiến triển của con người hữu hình từ con người vô hình nói trong chương trước, ta cần nhớ luôn trong trí là vào đầu mỗi vòng, diễn tiến luôn luôn nhắc lại; nhưng với mỗi giai đoạn tiếp theo thời gian của tiến trình này hóa ngắn dần. Thiên nhiên thấy lập lại ở cõi cao hơn thì dễ hơn là làm lại từ đầu. Sự dễ dàng khi lập lại điều chi mà thiên nhiên đã hoàn thành trước đó rồi được thấy qua sự phát triển của bào thai con người, cái mầm phôi thai trải qua trọn sự tiến hóa chỉ trong một khoảng thời gian ngắn là bẩy tháng, vì nhân loại như là một khối đã qua hết tất cả những bước khi đạt tới vị trí hiện giờ. Sự phát triển ngũ quan của con người và việc khoác lấy thể xác tạo nên việc đi vào vật chất, hay sự tiến hóa vật chất. Trong chương này ta sẽ phác họa tổng quát sự tiến hóa vật chất của giống dân chính hữu hình đầu tiên.
Khi nói về người sơ khai, ta không hàm ý những người đầu tiên trên trái đất, mà là những người hữu hình đầu tiên.Nhắc lại thì có bẩy giống dân ở cõi trung giới, mỗi giống dân như thế phát triển một giác quan trung giới cho tới khi giống dân thứ bẩy có bẩy giác quan phát triển tới hết mức mà điều kiện hiện thời cho phép. Ai chỉ có ngũ quan thì khó mà tưởng tượng hai giác quan còn lại ra sao, nhưng chớ quên rằng tình trạng hiện thời của ta chưa được hoàn hảo. Giống dân thứ bẩy của trái đất hẳn cũng khó mà tưởng tượng làm sao chúng ta có thể hiện hữu mà chỉ có ngũ quan.
Khi vòng tiến hóa bắt đầu tiến sang mặt có sự sống hữu hình, nhân loại phải phát triển ở cõi trần bẩy giác quan trung giới mà tiền nhân của nó đã có, cái này sau cái kia. Nói riêng về giống dân thứ nhất, nó có bẩy chi chủng như mọi giống dân khác, và mỗi chi chủng phát triển một trong bẩy giác quan tới mức có thể đạt được dựa theo sự  phát triển của vật chất. Chi chủng thứ bẩy có trọn bẩy giác quan vật chất  phát triển tới một mức nào đó. Chi chủng thứ nhất của giống dân thứ hai khởi sự với giác quan phát triển đầu tiên, ở điểm nó ngưng lại nơi giống dân thứ nhất, và đưa nó lên một bước cao hơn. Chi chủng thứ hai làm tương tự với giác quan kế, khến cho mỗi giác quan đạt mức toàn hảo cao hơn với mỗi chi chủng của giống dân tiếp theo, cho tới giữa giống dân thứ ba thì có con người như ta biết hiện nay, tuy chưa phát triển bằng.
Những giống dân tiếp sau đưa sự tiến hóa càng lúc càng cao theo cùng thứ tự. Cái mẫu chung của một giống dân thì luôn luôn được duy trì trong các chi chủng khác nhau, với mỗi bước được phát triển nhiều hơn nơi cõi trần, và có sự mất mát tương ứng giác quan trung giới nào đó mà tiền nhân con người nơi cõi trung giới sở hữu.
Theo cách ấy con người bắt đầu tiến bước ở cõi trần bằng cách phát triển một trong bẩy giác quan. Chi chủng đầu của giống dân thứ nhất hữu hình chậm chạp có được nhãn quan, điều cần nói là giác quan này gồm luôn trong chính nó sáu giác quan kia trong trạng thái tiềm ẩn, hay tiềm năng. Cùng lúc với sự tăng trưởng của giác quan mới này là sự tăng trưởng tương ứng của thiên nhiên bên ngoài. Giác quan trung giới của con người cõi thanh chỉ cảm nhận được phần tương ứng ở cõi trung giới của mọi vật hữu hình như ta biết hiện giờ. Người trung bình thời nay thấy rất khó nhận biết làm sao mà thiên nhiên như ta biết lúc này chỉ hiện hữu như là bóng mờ hồi đó, và cùng lúc có tính chất thật và hữu hình. Nhưng cần nhớ là khi ai mơ màng cảm nhận vật ở cõi trung giới, họ không thấy nó có gì kém thực tại. Với nhãn quan sơ khởi, thế giới chậm chạp bắt đầu có tính chất khác, thiên nhiên  bên ngoài từng chút một có hình dạng thấy được như ta hiểu, tuy không đi kèm với tính chất nào khác mà ta luôn liên kết với vật hữu hình.
Lúc này chưa có tính chất của vật tương ứng với những giác quan khác, người ta vẫn chưa biết có chúng. Với những người sơ khai này, lá cây không xào xạc, hoa không có hương thơm, cũng như họ không thấy các mầu sắc khác nhau. Nhãn quan là giác quan duy nhất được phát triển, họ không có ý niệm về khoảng cách hay sự cứng chắc. Tuy nhiên giác quan này lúc ban đầu không có giới  hạn về khoảng cách. Con người trước nhân loại ngày nay có thể thăm dò bí ẩn của mặt trời và bầu trời, và có thể theo dõi các vì sao mà viễn vọng kính không thấy được.
Chi chủng thứ nhất, với nhãn quan mới phát triển, không thể cảm biết sự tối đen vì không có vật gì hoàn toàn đục. Ánh sáng có cường độ thay đổi, nhưng con người ban đầu chưa có hiểu biết về sự tương phản giữa ngày và đêm như ta biết hiện nay. Thị giác trong giai đoạn ấy chưa phát triển đến mức có cảm nhận về mầu sắc.Nhân loại đầu tiên không nhận ra các mầu khác nhau của cầu vồng, còn cây cỏ và thú vật không có mầu khác nhau đối với họ như là đối với ta hiện giờ. Sự tiến hóa của cảm nhận về mầu sắc có liên kết chặt chẽ với sự tiến hóa của các mẫu chủng và chi chủng.
Vào lúc ban đầu khi mới có thị giác, con người không nhận ra bất cứ mầu nào trong quang phổ. Đối với họ mọi vật  xem ra hoàn toàn không mầu, là mầu trắng, nhưng trước khi chi chủng thứ nhất của mẫu chủng hữu hình thứ nhất lên tới tột đỉnh, và nhường chỗ cho các chi chủng sau, họ phân biệt được mầu đỏ. Mỗi chi chủng phát triển và nhận ra thêm một mầu trong quang phổ, theo thứ tự mà họ xuất hiện, bắt đầu với mầu đỏ. Mỗi chi chủng kế tiếp phải học có trở lại cảm nhận mầu sắc của cầu vồng, với thời gian liên tục giảm bớt, và mỗi lúc nhận ra được một loạt nhiều loại mầu sắc hơn.
Tổ tiên khi trước không nhận ra mầu ngoài ba mầu chính, là đỏ, vàng và xanh lục, hai mầu đầu thấy rõ, mầu thứ ba chỉ tới một giới hạn. Việc mắt của ta ngày nay thấy được nhiều mầu, là do sự kiện ta vừa khám phá trở lại rồi còn thêm vào đó hiểu biết mà các giống dân khi trước đã sở hữu. Vào giai đoạn cuối của chi chủng này, thị giác con người từ trước tới nay không bị giới hạn, bắt đầu cảm thấy giới hạn của khoảng cách và tính đục. Điều này có là do ảnh hưởng của một giác quan mới chớm, đánh dấu sự xuất hiện của chi chủng tiếp theo. Giác quan mới là xúc giác làm thay đổi đáng kể cách cảm nhận sự vật, và khi có sự kết hợp hai giác quan, các ý niệm mới như sự cứng chắc, khoảng cách, nhiệt độ, bắt đầu phát triển.
Ta đừng quên rằng vào cuối giai đoạn này, thính giác bắt đầu lộ ra cho dù rất yếu, nhưng nó chưa phát triển mấy cho đến lâu về sau như sẽ thấy. Chi chủng thứ hai thừa hưởng thị giác và về phần nó thì phát triển xúc giác, giác quan này ngay từ đầu có mức rộng hơn nhiều so với về sau. Mới nghe thì có vẻ khó hiểu, nhưng ai quan sát cách người khiếm thị phát triển thính giác và xúc giác của họ tới mức tinh tế và sắc bén khác thường, sẽ hiểu việc có nhiều giác quan làm cùn nhụt sự bén nhậy của bất cứ giác quan riêng biệt nào.
Với con người thuở ban sơ, xúc giác giống như khả năng linh thị (psychometry) mà một số người có thông nhãn có, tuy mạnh mẽ hơn. Sự kiện là giác quan này được phát triển bên trong cao độ tới mức nó cho thấy phần bên trong cũng như bên ngoài của vật mà nó nhìn. Qua xúc giác, một nguồn vui mới được mở ra, và một dây liên kết mới được thiết lập giữa con người và chung quanh họ. Khi giác quan này rồi tới giác quan kia phát triển, dây liên kết này rồi kia được thành lập theo cách ấy, và màn ngăn cách này rồi kia thành hình, ngăn cản dần tầm nhìn của ký ức tinh thần. Do việc tiếp tục liên kết với các vật hữu hình, con người thích ứng với nơi trú ngụ mới cho tới chót tư tưởng họ không đi xa  hơn nữa.
Xúc giác  khởi mầm ở chi chủng thứ nhất, có được sự phát triển giới hạn ở chi chủng thứ hai. Khi đến sự tiến hóa  của chi chủng thứ ba, con người không còn là sinh vật chỉ ở cõi thanh, mà nay là sinh vật tương đối đã vật chất hóa, có vài giác quan sơ khai, trong số đó chỉ riêng thính giác là mới có và là đặc tính của chi chủng này.
Chi chủng này có được ba giác quan là thị giác, xúc giác và thính giác; hai cái trước là giác quan vật chất do hai chi chủng đầu đã vật chất hóa chúng, còn giác quan sau thì vừa là tinh thần vừa vật chất. Giác quan mới này được thừa hưởng từ hai chi chủng đầu, trước tiên thì nó thuần tinh thần, cũng như  việc truyền tư tưởng là khả năng tinh thần của mẫu chủng thứ năm, mẫu chủng hiện thời, nhưng sẽ trở thành khả năng vật chất cho người thuộc mẫu chủng thứ sáu. Bao lâu mà một giác quan chỉ là tinh thần, nó không thể là tính chất chung của mẫu chủng; nó hoặc được sở hữu bởi ai có cấu tạo khác với người thường, hoặc bởi ai được huấn luyện rõ ràng để sở đắc nó. Nhưng khi trọn mẫu chủng tiến lên tới mức của những người này, giác quan đó không có tính tinh thần nữa, mà trọn hết mẫu chủng nói chung có được nó như là điều thừa hưởng về mặt sinh lý.
Thính giác của chi chủng thứ ba thuộc mẫu chủng thứ ba có mức hết sức rộng lớn khi so với thính giác  của chúng ta, tới độ thấy khó tin. Tai tinh thần có được sự phát triển nhiều nhất, và thính giác cõi trần có sự nhậy cảm rất cao.Dân cư ban đầu này trên trái đất nghe được ngay cả tiếng nhạc tự nhiên của lá mọc mầm. Khi mầu này rồi mầu kia được thêm vào bông hoa lúc ban đầu, tiết điệu nhịp nhàng của nó được thính giác nhận biết. Nơi ai lắng nghe tiếng nhạc ấy,  nó hẳn phải giống như niềm vui thích ngày nay của ai có cảm nhận về âm nhạc được phát triển nhiều  khi lắng nghe tiếng nhạc tuyệt vời của một hòa tấu khúc hay ca khúc. Một nỗi vui thích mới được thêm vào cuộc sống, và con người nhìn ngắm thế giới chung quanh với sự mãn nguyện và hài lòng ngày càng tăng.
Vật chất thô trược ngăn cản không cho ta cảm được nhiều vui thú của thiên nhiên ngoài âm nhạc, như ai tinh luyện giác quan hay có giác quan tinh tế biết. Thuở đó, tai tinh thần đã phát triển hoàn toàn, và sự hòa hợp giữa phần tinh thần và vật chất nơi con người làm cho giác quan này có thể nhậy bén hơn trong bất cứ mẫu chủng nào trước kia nói chung. Nhưng hiện tại có người chẳng những vẫn còn giữ được thính giác có khả năng như tổ tiên con người ở mẫu chủng ba, mà do sự tập luyện không ngừng đã phát triển giác quan này ở mức hoàn thiện đáng kể hơn nữa. Những người siêu phàm này, như thấy tại Ấn Độ và các nơi khác, nói xuyên qua không gian, và ai làm chủ được thính giác tâm linh có thể nghe được họ nếu muốn. Khoảng cách không là vấn đề với đôi tai tinh thần, và linh hồn có thiện cảm tinh thần với nhau sẽ đáp ứng lời kêu gọi của nhau từ bất cứ nơi đâu trên trái đất.
Chi chủng thứ tư bắt đầu với ba giác quan đã phát triển nhiều là thị giác, xúc giác và thính giác. Khứu giác, đặc biệt thuộc về chi chủng này, mới thoạt đầu là giác  quan vừa tinh thần vừa vật chất. Khả năng tinh thần của khứu giác có nhiều tính chất liên kết với thị giác, xúc giác và thính giác. Ngay cả các nhà vạn vật học cũng biết làm sao mà giác quan này nơi một số côn trùng đảm nhiệm các vai trò của gần hết những giác quan khác; và ta không cần nhắc đến tầm quan trọng của khứu giác nơi một số loài vật, nhất là chó.Sự tiến hóa của giác quan này thêm một lớp áo nữa cho thiên nhiên, xác nhận thêm việc người xưa nói đến củ hành như là biểu tượng cho sự tiến hóa. Vật mà trước kia chỉ được thấy, sờ chạm và nghe, nay lần đầu tiên có mùi.
Chi chủng thứ năm phát triển vị giác. Thoạt tiên thân xác con người không cần thực phẩm để hỗ trợ sự sống, và cho tới lúc chi chủng thứ tư phát triển khứu giác, con người vẫn không cần ăn mà thu hút chất bổ dưỡng chỉ bằng sự thẩm thấu không khí.  Chỉ khi thân xác họ cô đặc lại, hóa trọng trược mà việc tu bồi cơ thể phải làm bằng cách đem thức ăn vào bao tử. Hai mẫu chủng đầu không thấy cần phải cung cấp thực phẩm bù cho sự  hao mòn của các mô. Nói cho sát thì con người chỉ trở thành sinh vật có ăn uống trên trái đất trong vòng bốn vào cuối mẫu chủng hai.
Hai giác quan mà chi chủng sáu và bẩy phát triển nằm ngoài tầm hiểu biết của ta, do việc ta chỉ mới phát triển năm giác quan tuy ở mức cao hơn nhân loại ở bất cứ giai đoạn nào khi trước, và có hai giác quan chót ở tình trạng rất sơ khai. Vào thuở đó các giác quan không có gì lấy làm khó chịu, sự thực là không giác quan nào ở mức ban đầu tạo ra cảm giác gì khó chịu cho con người. Khó chịu là kết quả của sự bất hòa hay vi phạm trật tự thiên nhiên, và chỉ có thể xẩy ra khi những cảm quan đã liên kết đủ với vật bên ngoài.
Thí dụ sự đau đớn của xác thân sinh ra do việc sử dụng lầm các giác quan, mà không phải do việc dùng chúng.Huyền thoại trong kinh thánh, nói rằng Thượng đế chúc dữ trái đất khi Adam phạm tội, có ý nghĩa sâu xa. Ấy là con người trong tình trạng tự nhiên không biết lạm dụng giác quan hay cơ quan nào, và vì thế không có đau đớn gì liên kết với việc dùng chúng.
Trong giai đoạn thơ ấu, tuy các giác quan nhậy cảm nhiều hơn so với sau này, trẻ con không kinh nghiệm nhiều như người lớn cảm giác đau đớn mà ngũ quan có thể sinh ra. Thí dụ trẻ có thể chịu được mùi hôi mà không bực bội mấy. Thị giác của em rõ ràng hơn, và thấy xa hơn người lớn, nhưng mắt em không thể nhìn ra các sắc tinh tế của mầu. Thính giác có tầm lớn hơn so với về sau, em có thể khám phá ra nốt cao hơn, và âm trầm hơn người lớn, nhưng em không nhận được bán âm và những âm tinh tế hơn.
Lúc mới sinh, những bộ phận khác nhau có sức mạnh rất đáng kể, và sử dụng chúng cho nỗi vui to lớn nhất. Âm khó nghe đối với tai người thường khi lại có sức thu hút với thính giác của trẻ. Ta có thể suy luận thêm và nhận ra sự khác biệt giữa tính chất các giác quan nơi người lớn và trẻ nhỏ. Người ta cũng biết trẻ con thích hương vị mạnh và không thích những gì lạt lẽo; quan sát đời sống trẻ thơ cho thấy rõ  là thiên nhiên ưa chuộng vẽ ra các đường nét chính trước tiên rồi sau đó điền vào chi tiết. Khuynh hướng của sự tiến hóa cao hơn của các giống dân luôn luôn là sinh ra càng lúc càng nhiều biến thể của giác quan thuộc mẫu chủng ấy.Mỗi bước tiến lên thì các giác quan mất đi cường độ mà có thêm về các biến thể và được phong phú hơn.
Đối với tổ tiên của chúng ta nhiều vật xem ra giống hệt nhau, nhưng với vị giác của ta lại có khác biệt rõ ràng. Chuyện cũng  y vậy về mầu sắc, âm thanh và cho mỗi một giác quan khác. Thực phẩm tràn đầy vào lúc này cho vài ý niệm về điểm vị giác ta phức tạp như thế nào, khi so sánh với nhu cầu giản dị của ngay cả người thời trung cổ.Nói thêm về đề tài này, hãy thử nghĩ đến hiện tượng gọi là giác quan kép, xẩy ra khi nhiều giác quan được thỏa mãn cùng lúc bởi cùng một vật. Người sành ăn sẽ cho hay việc thưởng thức gia tăng ra sao khi món ăn có cả hương lẫn vị thơm ngon; còn ảnh hưởng của âm nhạc tăng bội khi đi kèm với độ sáng thay đổi.
Ta đã nói về hai loại giác quan, một của người ở cõi thanh và một của con cháu họ nơi cõi trần, và chưa nói tới loại giác quan tinh thần cao hơn nữa mà triết gia Ấn gọi là Tanmatras. Nói tổng quát thì chúng là giác quan trừu tượng, khi giác quan và vật hòa với nhau làm một. Ngày nay con người ở cõi thấp nhất trong các cõi có ngũ quan thô trược, còn khi ở trong thể tình cảm thì họ sử dụng giác quan thuộc cõi này; về mặt đó họ ở cùng vị thế như tổ tiên khi xưa ở trong cõi trung giới. Cao hơn giác quan trung giới là giác quan tinh thần đúng nghĩa, và vị Mahatma cao cả nhất, bậc thầy trong thiên nhiên là người  mà bẩy giác quan này  với  ba phần tinh thần, trung giới và phàm trần được phát triển cao độ. Do công phu luyện tập mà các Vị duy trì được phần tuyệt hảo của tất cả những giống dân đã qua, và kết hợp nó với sự tiến bộ của riêng mình trong lúc nhân loại tiến bước trên đường đi xuống.

 

Chương IV
Người Tiền Sử.

Phần mô tả trên tuy sơ sài nhưng đủ chính xác cho mục tiêu của loạt bài này, là diễn trình tiến hóa làm sinh ra con người ở cõi trần, và thực ra là sinh ra chính cõi ấy. Ta đã thấy cách con người sinh ra từ trạng thái tinh thần và chậm chạp đi vào cuộc sống hữu hình, do việc làm vật chất hóa phần tương ứng với bẩy giác quantinh thần, trong đó có ngũ quan mà ngày nay ta đã phát triển thuần thục, và hai giác quan còn lại ở trong tình trạng tiềm ẩn, chỉ là tiềm năng.
Ta ghi rằng trong giai đoạn của mẫu chủng đầu, mục tiêu phát triển của con người và địa cầu tiến đến một mức mà tuy không hoàn toàn là tinh thần, cũng chưa phải là vật chất theo nghĩa ta gán cho chữ ấy.  Sang mẫu chủng hai với bẩy chi chủng của nó, dòng tiến hóa đi chậm lại với sự phát triển của vật chất. Nhưng vào lúc ấy con người vẫn chưa đặc lại đủ tới mức cho con cháu ngày nay nói được là họ thuộc về loài người; họ vẫn còn là nửa sương khói với vài tính chất mà nay ta có thể xem là con người, thực ra về mặt thể chất thì họ chưa hẳn là người chút nào. Ngay cả ở mẫu chủng hai, thể sương khói của họ không có bệnh tật gì và sự hòa hợp hoàn toàn giữa các phần trong cơ thể cho nó mùi hương của sức khỏe toàn hảo.
Thú vật – tựa như cây cỏ, bông hoa – trong giai đoạn đầu của sự hiện hữu có mùi, và con người là bông hoa thơm khi sống đời tự nhiên. Dù qua bao thời đại sống không khỏe mạnh, lạm dụng các quan năng tự nhiên và sống luông tuồng, ngày nay con người là một con vật trẻ trung có mùi thơm, chỉ cần nước sạch để tắm rửa cho cơ thể sạch và hơi thở của ta tươi mát như của con bò, con vật duy nhất ngoại trừ con cừu về vài mặt nào đó, chưa hoàn toàn thoái hóa. Điều này có thể làm sáng tỏ phần nào câu hỏi tại sao nhiều nước xem con bò là vật linh thiêng, hay sao đi nữa xem nó theo cách đặc biệt. Ta biết bò được tôn kính tại Ấn Độ và cổ Ai Cập, mà tại những nước ăn thịt bò, con vật này cũng đóng phần quan trọng trong các huyền thoại.
Gần như không thể đưa ra một ý niệm đúng đắn về con người đã từng hiện diện lúc xa xưa đó. Chỉ ai có thông nhãn hay ai có khả năng tưởng tượng rất cao mới có thể thấy được. Nhân loại hiện thời không sao hiểu được hình ảnh một người hoàn toàn trong suốt, bộ máy của trọn cơ thể thấy rõ ràng và tư tưởng có đường nét rõ rệt như bàn tay của họ. Ta cũng đề cập vắn tắt rằng trước khi con người biết ăn uống, họ tiếp thu chất bổ dưỡng chính từ không khí. Trong một thời gian dài họ không có phát triển về gương mặt như bây giờ làm cho họ có thể có miệng, phần chiếm quá nhiều chỗ so với gương mặt tương đối nhỏ. Miệng có tỉ lệ quá khổ, nói chung không cân xứng và gần như luôn luôn trưng ra dấu rõ rệt về sinh lý rằng đây là sinh vật ăn thịt.
Mẫu chủng thứ ba đánh dấu sự khởi đầu của tình trạng mới về sự việc.Cuộc tiến hóa, từ trước đến giờ đi qua các lớp vật chất từ cõi thanh đến cõi trần, từng chút một sinh ra thể hữu hình càng lúc càng trọn vẹn hơn.Diễn trình liên tục của việc phân hóa, là kết quả của cuộc tiến hóa, nay tới giai đoạn từng người cá biệt. Trước thời điểm này luật quản trị sự tiến hóa chưa tới đủ mức phức tạp để sinh ra khác biệt trong trường hợp từng cá nhân một, và chỉ tới mẫu chủng thứ ba luật vũ trụ này mới áp dụng cho mỗi người tới mức đáng kể, dưới hình thức ý chí cá nhân.
Ta đừng cho rằng vào lúc khởi đầu của mẫu chủng thứ ba thì ý chí riêng do sự kỳ diệu nào đó bung ra sẵn sàng đầy đủ. Thiên nhiên không thích nhẩy vọt chuyện lớn cũng như chuyện nhỏ, trong sự sống vật chất   hay tinh thần. Vật chất phát triển chậm rãi nhưng thấy được là làm mờ dần ý thức con người về bản chất tinh thần của mình, và vào lúc ta đang xem xét, sinh ra điều kiện thích hợp trên địa cầu cho sự hiện hữu của sinh vật, với các nguyên lý tâm linh trong sinh vật  quân bằng  với các nguyên lý vật chất, ở mức nhận biết được.
Hai thế giới, vật chất và tinh thần, nay sẵn sàng cho các mục tiêu của con người, cũng như con người sẵn sàng cho chúng. Chính ở giai đoạn này mà một số lớn người phải rút lui khỏi cuộc tiến hóa, vì không thể thích ứng mình với khung cảnh thay đổi của sự sống. Luật Karma, hay việc áp dụng chặt chẽ của luật về diễn trình bất khả vi phạm từ nhân tới quả của hành vi con người, bắt đầu tác động. Tất cả những ai không thể hòa hợp mình với việc làm của luật bị bắt buộc phải rút lui, vì không thích hợp để sống trong điều kiện cao hơn, chỉ ai thích ứng nhất thì mới sống còn.
Ta không nói gì về các trường hợp thất bại này của thiên nhiên, chắc chắn đó là đề tài học hỏi lý thú nhưng không thuộc vào chuyện đang  bàn. Giống như ai chưa đạt tới mức tối thiểu của việc tiếp tục hiện hữu là trường hợp ngoại lệ, thì trong thời đại hay và trong tất cả các thời đại khác, có vài người tiến xa hơn mức phát triển trung bình đạt được ở giống dân ấy; họ tiến xa nhờ lực phát triển của riêng mỗi người.
(còn tiếp)

Mohini Chatterjee và Laura Holloway
Man: A Fragment of Forgotten History

Geese