TÂM THỨC SAU KHI CHẾT (2)

 

 

 - Thưa Tôn Sư, Narayan nói với vị Thakur giữa cuộc tranh cãi sôi nổi với Babu đáng tội, ông ta đang nói gì vậy, và ai mà có thể nghe ông nói mà không chán ghét chứ ? Ông nói rằng khi con người qua đời thì chẳng còn gì của họ lưu lại, và thân xác họ thì chỉ giản dị là tan rã thành cát bụi, và vật mà chúng ta gọi là linh hồn mà ông gọi là tâm thức tạm thời, sẽ tự tách ra, biến mất như hơi nước nóng khi nước nguội dần.
- Anh thấy vậy rất lạ lùng ư ? vị Chân sư hỏi. Babu là một Châvrâka (người  thuộc một phái duy vật xứ Bengal) và ông chỉ nói cho anh hay điều mà bất cứ người Châvrâka nào cũng sẽ nói như thế với anh.
- Nhưng người Châvrâka hiểu lầm. Có nhiều kẻ tin rằng con người thật không phải là xác thân vật chất bao phủ họ, mà nó sống trong tâm, trong chỗ của tâm thức. Ngài muốn nói rằng trong mọi trường hợp tâm thức có thể rời linh hồn sau khi chết hay sao ?
Vị Thakur trả lời một cách lặng lẽ.
- Nó có thể là vậy trong trường hợp của ông, vì ông tin chắc vào điều mà ông nói.
Narayan nhìn vị Thakur kinh ngạc và luôn cả kinh sợ, còn Babu - người luôn luôn cảm thấy đôi chút dè dặt khi đứng trước mặt vị Thakur - nhìn chúng tôi với nụ cười đắc thắng. Narayan tiếp tục.
- Nhưng làm sao có chuyện đó ? Kinh Veda dạy rằng tinh thần của tinh thần thì bất tử, và linh hồn con người không chết trong Thượng đế. Có ngoại lệ nào không ?
- Không có ngoại lệ nào cho những luật căn bản của thế giới tinh thần, nhưng có những luật cho người mù và luật cho ai sáng mắt.
- Con hiểu, nhưng trong trường hợp này, như con đã nói với ông rồi, việc tâm thức của ông biến mất hoàn toàn lúc cuối thì chẳng khác gì với sự sai lầm của người mù. Người này vì không thấy mặt trời nên phủ nhận sự hiện hữu của nó, mà dù vậy họ vẫn sẽ thấy mặt trời với nhãn quan tinh thần sau khi chết.
- Họ sẽ không thấy chi cả, vị Chân sư đáp. Bây giờ họ phủ nhận mặt trời nên sẽ không thể thấy nó ở bên kia cửa tử.
Thấy Narayan có vẻ bực bội, và ngay cả chúng tôi, đại tá Olcott và tôi, chăm chú nhìn ngài chờ đợi câu trả lời xác định hơn, vị Thakur ngần ngại nói tiếp.  
- Anh nói về tinh thần của tinh thần là nói về Atmâ, tức lầm lộn tinh thần này với linh hồn của con người phàm là hạ trí. Đương nhiên là tinh thần thì bất tử, vì nó không có khởi thủy do đó sẽ không có chung cuộc; nhưng cuộc thảo luận ta đang có không bàn về tinh thần, mà ta đang nói về linh hồn ngã thức của người phàm. Anh lẫn lộn nó với điều trước (Atmâ), còn Babu phủ nhận cả hai, linh hồn và tinh thần, nên hai bạn không hiểu nhau.
- Con hiểu ông ta, Narayan bảo.
- Nhưng anh không hiểu ý tôi, vị Chân sư ngắt lời. Để tôi cố gắng nói rõ hơn. Điều anh muốn hiểu là như vầy. Việc mất tâm thức hoàn toàn  và cảm xúc về mình có thể có chăng sau khi chết, ngay cả trong trường hợp của người duy vật khăng khăng ? Phải thế chăng ?
Narayan đáp.
- Thưa vâng, bởi ông bác bỏ hẳn mọi chuyện mà với chúng con là chân lý không chút nghi ngờ, là điều mà chúng con hết lòng tin tưởng.
- Được lắm, vị Chân sư nói. Cho điều ấy thì tôi sẽ trả lời xác định như sau, mà anh nên nhớ, câu đáp không ngăn tôi tin tưởng mạnh mẽ như anh vào huấn thị của chúng ta, xem khoảng thời gian giữa hai kiếp sống chỉ là tạm thời. Dù khoảng entr’acte này dài một hay một triệu năm giữa hai hồi của cuộc sống mộng ảo, đời sống sau khi chết có thể giống y hệt như trạng thái của ai bị mê man bất tỉnh, mà không vi phạm các luật căn bản nào. Do đó Babu đúng hoàn toàn trong trường hợp riêng của ông.
- Nhưng làm sao được như thế, đại tá Olcott nói, vì luật về sự bất tử không có ngoại lệ nào như ngài nói.
- Hẳn nhiên là không có ngoại lệ nào, nhưng chỉ trong trường hợp của những việc thực sự hiện hữu. Người như bạn đã học hỏi Mândukya Upanishad và Vedânta-sara lẽ ra không nên hỏi những câu thế này, vị Chân sư trả lời với nụ cười khiển trách.
- Nhưng chính kinh Mândukya Upanishad, Narayan ấp úng thưa, dạy chúng con là giữa Buddhi và Thượng trí, như là giữa Ishvara (Thượng đế) và Prajnâ, trên thực tế không có khác biệt gì hơn giữa một khu rừng và cây trong rừng, giữa hồ và nước trong đó.
- Đúng lắm, vị thầy đáp, vì một hay ngay cả một trăm cây mất đi nhựa sống, và ngay cả khi bị nhổ bật rễ, không thể ngăn khu rừng vẫn là khu rừng.
- Vâng, Narayan nói, nhưng trong lối so sánh này, Buddhi là rừng và Thượng trí là cây, và nếu nguyên lý đầu bất tử, thì làm sao Thượng trí, có cùng tính chất như Buddhi, mất đi tâm thức của nó trước khi bắt đầu kiếp mới ? Khó khăn của con nằm ở đó.
- Chẳng có gì là khó khăn, ngài bảo, nếu anh ráng đừng lẫn lộn ý tưởng trừu tượng về tổng thể với sự biến đổi vô chừng về hình thể của nó. Hãy nhớ rằng khi nói về Buddhi ta có thể nói nguyên lý có sự bất tử vô điều kiện, nhưng ta không thể nói được y vậy với Thượng trí, hay Hạ trí. Cả hai điều trước và sau đều không có sự hiện hữu riêng rẽ bên ngoài Linh hồn Thiêng liêng (Atmâ), vì một cái là thuộc tính của phàm ngã (hạ trí), và cái thứ hai (thượng trí) thì y hệt như cái đầu chỉ thêm sự phản chiếu của Buddhi vào nó. Nói về Buddhi thì đó sẽ là tinh thần không có nét cá nhân nếu không có Thượng trí là điều nó mượn từ phàm ngã, và là điều nhào nặn nó và khiến nó có vẻ như phân biệt với Đại Hồn trong suốt chu kỳ tái sinh của con người
Vì vậy, nếu nói rằng Buddhi - Thượng trí không thể chết, và không thể mất tâm thức hoặc trong vĩnh cửu hoặc trong giai đoạn tạm thời ngưng nghỉ, thì anh hoàn toàn đúng; nhưng nếu áp dụng ý này cho các tính chất của Buddhi- Thượng trí thì nó y như anh biện luận rằng nếu linh hồn của đại tá Olcott bất tử vậy nét đỏ trên gò má ông cũng bất tử.
Thế thì rõ rệt là anh lẫn lộn thực tại hay Sat với biểu hiện của nó. Anh quên rằng khi chỉ hòa hợp với Hạ trí, ánh sáng của Thượng trí trở thành câu hỏi về thời gian, như tính bất tử và tâm thức sau khi chết của phàm ngã một ai trở thành các tính chất có điều kiện, tùy thuộc vào điều kiện và niềm tin mà họ tạo ra trong lúc còn sống.  Karma tác động không ngừng nghỉ, và chúng ta gặt được ở cõi sau kết quả của điều mà ta đã gieo trong kiếp này.
- Nhưng nếu phàm nhân của con thấy nó ở trong tình trạng hoàn toàn không có tâm thức sau khi thể xác chết đi, thì sự trừng phạt có ở đâu cho các lỗi lầm mà con phạm phải trong đời ? Đại tá hỏi, vuốt râu nghĩ ngợi.
Vị Thakur trả lời.
- Triết lý của chúng ta dạy rằng sự trừng phạt chỉ đến với chân nhân trong kiếp tới, còn ngay sau khi chết chúng ta chỉ nhận lấy phần thưởng cho những đau khổ trong kiếp sống dưới trần, đau khổ mà ta không đáng phải lãnh nhận. Như vậy, các bạn có thể thấy là trọn sự trừng phạt nằm ở việc không có phần thưởng, trong việc mất hết tâm thức về hạnh phúc và sự ngơi nghỉ.
Karma là con của phàm nhân sinh ra, kết quả của hành động thuộc cá tính hữu hình của họ, và thuộc luôn cả tư tưởng và chủ ý của cái tôi tinh thần. Cùng lúc ấy nó là bà mẹ dịu hiền, chữa lành thương tích nhận được trong đời vừa xong trước khi tác động lên chân nhân này và gây ra thương tổn mới cho nó. Trong đời người trần không có rủi ro hay đau khổ nào mà không là kết quả và là hệ quả trực tiếp của tội lỗi sinh ra trong kiếp trước; nhưng bởi không nhớ được chút gì về điều ấy trong kiếp hiện thời, và không cảm thấy có lỗi, và do vậy tin là bị đau khổ oan ức, con người đáng được an ủi và nghỉ ngơi trọn vẹn ở bên kia cuộc đời. Đối với chân nhân của chúng ta, sự Tử luôn luôn là kẻ cứu chuộc và là thân hữu. Hoặc đó là giấc ngủ an lành của trẻ thơ, hay giấc ngủ đầy mộng mơ hoan lạc.
Tôi hỏi, muốn gợi lại những câu hỏi đầu của Narayan.
- Theo con nhớ thì những lần tái sinh định kỳ của chân nhân được kinh Upanishad so sánh như đời sống dưới trần lúc ngủ lúc thức. Phải thế chăng?
- Phải, nó như vậy; ấy là sự so sánh rất hay.
- Chắc chắn là nó hay rồi, tôi nói, nhưng con không hiểu mấy. Sau khi thức dậy, người ta chỉ bắt đầu một ngày mới, với linh hồn cũng như xác thân y như chúng là hôm qua; trong khi đó cho mỗi lần tái sinh, chẳng những diện mạo bên ngoài, phái tính và ngay cả cá tính, tất cả nét đạo đức của họ theo con thấy, đều thay đổi hoàn toàn. Lại nữa, làm sao điều so sánh này có thể gọi là đúng khi sau khi tỉnh dậy, chẳng những người ta nhớ rất rõ điều mình đã làm hôm qua, nhiều ngày trước, mấy tháng trước và ngay cả nhiều năm trước, còn trong kiếp hiện tại, họ không nhớ lại chút gì về một tiền kiếp, dù đó là kiếp nào đi nữa.
Lẽ tự nhiên sau khi tỉnh dậy, một người có thể quên đã nằm mơ thấy gì, nhưng vẫn còn nhớ là mình đã ngủ và đã sống trong giấc ngủ ấy. Còn nói về kiếp trước thì ta không thể nói được là mình đã sống nó. Thầy dạy ra sao về điều này ?
- Có vài người nhớ được chuyện, vị Thakur trả lời một cách bí ẩn, không trả lời thẳng ngay vào câu hỏi của tôi.
Tôi cười to đáp lại.
- Con hơi nghi điểm này, nhưng với người trần bình thường thì họ không được vậy. Thế thì với chúng con, chưa đạt tới bậc có thần thông, làm sao hiểu được so sánh đó ?
- Bạn có thể hiểu được nó khi hiểu kỹ hơn đặc tính của ba loại giấc ngủ.
- Thầy đưa ra chuyện không dễ làm cho chúng con, đại tá vừa cười vừa nói. Các nhà sinh lý học bị rối mù với câu hỏi này nên chỉ càng làm nó rối rắm thêm.
- Ấy là bởi họ làm chuyện mà họ không biết gì, tâm lý gia là người có bổn phận trả lời câu hỏi này, mà trong số các khoa học gia Âu châu của các bạn không có mấy ai như thế. Một tâm lý gia tây phương chỉ là tên gọi khác của nhà sinh lý học, với sự khác biệt là họ làm việc với nguyên tắc có tính vật chất nhiều hơn.  Gần đây tôi đọc một quyển sách của Maudsley cho thấy rõ ràng là họ tìm cách chữa dứt bệnh tâm thần mà không tin rằng có linh hồn.
Tôi nói.
- Nghe thật lý thú, nhưng nó làm chúng ta đi lạc khỏi mục tiêu ban đầu của câu hỏi mà ngài có vẻ ngần ngừ không muốn làm sáng tỏ cho chúng con, Thakur Sahib. Nó làm như ngài xác nhận và còn khuyến khích lý thuyết của Babu. Xin nhớ cho là ông bảo không tin vào đời sống sau khi chết, đời sống bên kia cửa tử, và phủ nhận việc có thể có bất cứ loại tâm thức nào với lý do là ta không nhớ chi cả về kiếp trước ở cõi trần.
- Tôi nhắc lại rằng Babu là một Châvrâka, người chỉ lập lại điều gì ông được dạy. Tôi không xác nhận hay khuyến khích hệ thống của người duy vật, mà xác nhận sự thật trong ý kiến của ông về điều liên can đến trạng thái riêng của ông sau khi chết.
- Vậy ngài có muốn nói là người như Babu là ngoại lệ so với luật chung ?
- Không đâu. Giấc ngủ là luật chung và không thay đổi cho người cũng như cho mỗi một sinh vật nào khác trên trần, nhưng có nhiều giấc ngủ khác nhau, và lại có nhiều hơn các giấc mơ khác nhau.
- Nhưng không phải ông chỉ phủ nhận đời sống sau khi chết và những giấc mơ của nó. Ông bác bỏ hết thẩy sự sống bất tử, cũng như là sự bất tử của chính linh hồn ông.
- Trong trường hợp đầu, ông xử sự theo kinh điển của khoa học tây phương đương thời (chuyện viết vào đầu thập niên 1890), dựa theo kinh nghiệm của ngũ quan chúng ta. Về mặt ấy ông chỉ có lỗi với những ai không đồng ý với ông. Trong trường hợp hai ông lại đúng hoàn toàn. Khi không có tâm thức bên trong trước đó và niềm tin vào sự bất tử của linh hồn, linh hồn không thể hòa hợp Buddhi. Nó vẫn chỉ là hạ trí.
Mà cho riêng hạ trí thì không có sự bất tử. Muốn sống đời có ý thức ở cõi bên kia sau cái chết, con người phải có niềm tin vào cõi ấy lúc còn sống nơi cõi trần. Đó là hai căn bản của Huyền bí học mà trọn Triết lý của chúng ta xây dựng trên đó về tâm thức sau khi chết và sự bất tử của linh hồn.
Chân nhân chỉ nhận được điều chi nó đáng được nhận. Sau khi thể xác bị hủy hoại thì chân nhân bắt đầu hoặc là một khoảng thời gian tỉnh thức trọn vẹn, hoặc một giấc ngủ rối rắm, hoặc giấc ngủ không có mộng mơ. Theo các nhà sinh lý học của các bạn, những người tìm thấy rằng nguyên do của những giấc mơ là do tiềm thức sinh ra trong lúc thức, vậy tai sao ta không nhìn nhận cũng nguyên do ấy cho những giấc mơ sau khi chết ?
Tôi xin nhắc lại điều mà kinh Vedânta-sara dạy chúng ta:  Cái chết là giấc ngủ. Sau khi chết, trước con mắt tinh thần của ta bắt đầu diễn ra chuyện mà ta thuộc nằm lòng trong lúc còn sống ở cõi trần, và đôi khi do ta sáng tạo ra, nó là sự thể hiện trong thực tế niềm tin chân chính của ta, hay là ảo ảnh do ta tự sinh ra. Những điều này là quả sau khi chết của cây sự sống. Lẽ tự nhiên tin hay không tin vào sự kiện là có sự bất tử của tâm thức không thể ảnh hưởng thực tế đã có rồi. Nhưng niềm tin hay không tin của cá nhân riêng rẽ không thể làm gì khác hơn là ảnh hưởng sự kiện này, ảnh hưởng kết quả của nó đối với cá nhân như thế. Nay tôi hy vọng là các bạn hiểu ra.
- Con bắt đầu hiểu. Người duy vật, do không tin điều chi không thể được ngũ quan và điều họ gọi là lý luận khoa học kiểm soát, và bác bỏ mọi hiện tượng tâm linh, xem sự sống nơi cõi trần như là sự hiện hữu duy nhất có ý thức. Vì vậy, họ sẽ chỉ nhận được điều chi họ xứng đáng được nhận. Họ sẽ mất phàm ngã; họ sẽ ngủ một giấc ngủ vô thức cho tới khi tỉnh giấc trở lại. Hiểu như vậy có đúng không ?
- Gần đúng. Bạn có thể thêm vào đó là phái Veda nhìn nhận có hai loại hiện hữu của tâm thức, một loại trần thế và một loại tinh thần. Về sự sống ở cõi phàm, do sự ngắn ngủi của nó và tính hay thay đổi, tâm thức ấy không gì hơn là ảo tưởng của ngũ quan ta. Sự sống của ta nơi cõi tinh thần phải được xem là chuyện thực vì chính ở những nơi ấy mà cái tôi bất tử, bất biến, bất tận sống, tức chân nhân ta. Trong khi đó với mỗi lần tái sinh, nó khoác lên người một phàm ngã mới khác hoàn toàn, một cái tôi tạm thời và ngắn ngủi mà mọi chuyện trong đó rồi sẽ bị hủy hoại không để lại dấu vết, ngoại trừ phần tinh thần lúc đầu.
- Nhưng Thakur, xin thứ lỗi cho con, phàm ngã  của con, cái tôi có ý thức ở cõi trần, sẽ hư hoại không còn dấu vết ư ?
- Theo chỉ dạy của chúng tôi, chẳng những nó sẽ hư hoại, mà phải hư hoại toàn phần, chỉ trừ cái nguyên lý trong đó (Thượng trí) do kết hợp với Buddhi đã trở thành tinh thần thanh khiết, và nay hợp với Buddhi thành một tổng thể bất khả phân ly. Nhưng trong trường hợp của người duy vật cứng lòng, chuyện có thể xẩy ra là không phần nào trong phàm ngã họ tiếp xúc được với Buddhi dù có hay không có ý thức. Buddhi sẽ không mang vào cõi vô hạn nguyên tử nào của phàm ngã như thế. Cái tôi tinh thần của bạn thì bất tử, nhưng nó chỉ mang được vào cõi của nó những gì xứng đáng được bất tử từ phàm ngã kiếp này, tức chỉ là phần hương thơm của bông hoa tàn héo chết đi.
- Hoa ấy có phải là phàm ngã ?
- Hoa  đó, cũng như là tất cả những hoa trong quá khứ và tương lai đã nở và sẽ nở về sau trên cùng chân nhân, như các hạt trong xâu chuỗi, là con cái sinh ra từ cùng một gốc là Buddhi, sẽ trở thành cát bụi. Con người của bạn thì không phải là, như chính bạn lẽ ra phải biết, thân xác bạn đang ngồi trước mặt tôi, không phải là Hạ trí - Thượng trí,  mà là kết hợp Thượng trí - Buddhi.
- Nhưng điều này không giải thích cho con rõ tại sao ngài nói đời sống sau khi chết bất tử, vô tận và thực, và cuộc sống nơi cõi trần chỉ là bóng mờ. Theo con hiểu, dựa theo chỉ dạy của ngài, ngay cả sự sống sau khi chết cũng có giới hạn của nó, và tuy dài hơn cảnh sống nơi cõi trần nhưng vẫn đi tới chung cuộc.
- Nhất định vậy. Chân nhân con người đi trong cõi vĩnh cửu như quả lắc đong đưa qua lại giữa thời khắc sống và chết; nhưng nếu các thời khắc này, tức khoảng thời gian của sự sống dưới trần và sự sống sau khi chết, có giới hạn của nó, và ngay cả số lần ngơi nghỉ trong vĩnh cửu giữa lúc ngủ và lúc thức, giữa ảo ảnh và thực tại, có khởi đầu cũng như là chung cuộc, thì hành giả tinh thần chính nó lại vĩnh cửu.
Do vậy, thời gian cuộc sống sau khi chết của họ  -  khi không còn bị điều chi che dấu, họ trực diện với sự thật và ảo ảnh ngắn ngủi của cuộc sống dưới trần đã rời xa họ - tạo nên hay làm thành trong tâm tưởng của ta cái thực tại duy nhất. Những lần ngơi nghỉ đó, cho dù giới hạn, giúp cho chân nhân hai việc khi cái sau không ngừng làm mình toàn thiện, lầm lũi đi không nao lòng dù rất chậm chạp trên con đường dẫn tới sự biến đổi chót của nó, khi cuối cùng đạt tới mục tiêu và nó trở thành Đấng Thiêng Liêng.
Chúng chẳng những giúp cho việc đạt tới đích này, mà nếu không có những lần ngơi nghỉ hữu hạn đó  chân nhân có thể không bao giờ đạt tới. Chân nhân là kịch sĩ, và bao lần tái sinh khác nhau của nó là các vai của kịch sĩ. Tôi chắc bạn sẽ không gọi những phần này, và lại càng không phải những y trang, là phàm nhân. Tựa như kịch sĩ, linh hồn bắt buộc phải thủ các vai; nhiều vai như thế trong chuỗi luân hồi cho đến tận cõi Paranirvana (Đại Niết Bàn) thường là không dễ chịu với nó, nhưng tựa như con ong đi thu góp mật từ mỗi bông hoa và để phần còn lại nuôi sống trùn trong đất, chân nhân của ta hay cái ngã tinh thần, thu thập chỉ phần tinh túy của đức hạnh và tâm thức từ mỗi phàm nhân mà do Karma khiến nó phải khoác lên người; tới cuối hết tất cả những đức hạnh này hòa hợp làm một vì khi ấy nó trở thành bậc toàn thiện, vị Dhyan Chohan.
Phàm nhân nào mà từ đó chân nhân không thể thu được tinh túy gì thì thật không may. Tự nhiên là chúng không thể sống hữu thức lâu hơn kiếp dưới trần.
- Thế ra sự bất tử của phàm nhân vẫn là câu hỏi mở, và ngay cả sự bất tử cũng không phải là vô điều kiện ?
- Ồ không, bạn hiểu lầm tôi rồi, Chân sư nói. Điều tôi muốn nói là sự bất tử không áp dụng cho điều gì không hiện hữu; vì tất cả mọi điều hiện hữu trong Sat, hay có căn nguyên của nó trong Sat, sự bất tử cũng như là điều vô tận. Phần tinh túy của mọi điều này, là tinh thần, lực và vật chất, không có thủy hay chung, nhưng hình thể mà ba điều là một này thụ đắc lúc tái sinh, gọi là áo khoác bên ngoài, thì không là gì mà chỉ là ảo ảnh của nhận thức con người. Ấy là lý do chúng tôi gọi cuộc sống sau khi chết là cái thực tại duy nhất, và cuộc sống ở cõi trần, kể luôn cả phàm nhân, chỉ là điều tưởng tượng.
- Tại sao trong trường hợp này ta không gọi giấc ngủ là thực tại, và sự thức tỉnh là chuyện mơ màng ?
- Tôi đưa ra so sánh chỉ để làm việc dễ hiểu hơn cho bạn. Theo quan điểm phàm trần thì nó hoàn toàn đúng.
- Ngài nói là đời sống sau khi chết dựa trên nền tảng là sự công bằng tuyệt đối, và có sự đền bù tương xứng cho mọi đau khổ nơi cõi trần. Ngài nói chân nhân chắc chắn nắm lấy ngay cả cơ hội nhỏ nhất để dùng các đặc tính tinh thần trong mỗi lần tái sinh. Vậy làm sao ngài có thể nhìn nhận  là chân nhân của Babu đây,  cá tánh của ông, hết sức thật thà và thanh cao, tốt bụng vô cùng, do tất cả những điều ông không tin, sẽ không có được sự bất tử và sẽ hư hoại như bông hoa khô xác thành tro bụi ?
- Ai, ngoại trừ chính họ, vị Chân sư đáp, lại khiến mình phải chịu số phần như thế ? Tôi biết Babu từ khi ông là chú bé con, và tôi chắc chắn là điều mà chân nhân thâu thập được sẽ rất dồi dào trong trường hợp của ông. Tuy óc vô thần và duy vật của ông không phải là điều giả vờ, ông vẫn không thể chết mãi mãi vì trọn cá tính của mình.
- Nhưng, thưa ngài Thakur,  không phải ngài đã chính mình xác nhận là ý kiến ông đúng về tình trạng của ông bên kia cửa tử, và không phải là những ý kiến đó tạo nên niềm tin vững chắc của ông là sau khi chết mọi dấu vết của tâm thức sẽ biến mất ?
- Tôi đã xác nhận nó, và tôi xác nhận nó lần nữa. Khi đi xe lửa bạn có thể ngủ quên và ngủ suốt dọc đường khi xe ngừng ở nhiều trạm; nhưng chắc chắn là có một trạm mà bạn sẽ thức dậy, và mục tiêu chuyến đi của bạn sẽ đạt được với tâm thức đầy đủ.
Bạn nói là mình thỏa mãn với sự so sánh cái chết như giấc ngủ của tôi, nhưng xin nhớ là người bình thường có ba loại giấc ngủ, ngủ không mơ, ngủ với mộng mơ nửa vời, và chót hết là ngủ với giấc mơ thật sống động, rõ ràng tới nỗi lúc ấy nó trở thành thực tại tuyệt vời cho ai đang ngủ. Vậy tại sao không nhìn nhận rằng chuyện y vậy cũng xẩy ra cho linh hồn khi thoát ra khỏi thân xác ?
Sau khi linh hồn tách rời thể xác, tùy theo công trạng của nó nhưng chính yếu là tùy theo niềm tin  mà linh hồn bắt đầu một cuộc sống có ý thức hoàn toàn, hay một cuộc sống có ý thức nửa mơ nửa tỉnh, hay giấc ngủ không mộng mị tương tự như trạng thái không sống.
Đây là sự thực hiện diễn trình mà tôi nói, diễn trình trước đây được người duy vật soạn và chuẩn bị. Nhưng có người duy vật thế này và lại có người duy vật thế khác. Một người xấu, hay giản dị chỉ là kẻ ích kỷ cao độ, thêm vào việc hoàn toàn không tin lòng dửng dưng vô cùng với đồng loại, thì không cần phải nói sẽ bỏ phàm ngã của mình mãi mãi bên thềm tử vong. Họ không có phương tiện để kết nối mình với chân nhân, và đường dây liên kết hai bên bị đứt lìa theo với hơi thở cuối cùng; nhưng người duy vật như ông bạn Babu đây của ta sẽ chỉ ngủ một trạm mà thôi.
Sẽ tới lúc anh nhận ra được chính mình trong vĩnh cửu và sẽ tiếc là đã mất một ngày trong sự sống vĩnh cửu. Tôi thấy bạn phản đối, tôi thấy bạn sắp nói rằng có hàng trăm, hàng ngàn kiếp con người mà chân nhân đã sống qua, tương ứng với chỉ dạy trong kinh Veda như là sự biến mất hoàn toàn của mỗi phàm ngã.
Câu trả lời của tôi là như vầy.  Hãy so sánh sự vĩnh cửu với một kiếp đơn độc của người gồm nhiều ngày, tuần, tháng và năm. Nếu ai đó còn giữ ký ức mạnh mẽ lúc tuổi già họ có thể dễ dàng hồi nhớ mỗi ngày hay năm nào quan trọng trong đời trước đây của mình, nhưng ngay cả trong trường hợp ấy họ cũng quên vài chuyện, không phải là cá tính của họ vẫn y thế trong suốt đời của họ chăng ?  Đối với chân nhân, mỗi kiếp sống riêng rẽ là tựa như một ngày riêng rẽ trong đời người.
- Thế, tốt hơn nên nói rằng sự tử chẳng là gì khác ngoài việc sinh vào một cuộc đời mới, hay tốt hơn nữa thì đó là việc trở về vĩnh cửu ?
- Nó thực sự là vậy, và tôi không có gì phản đối cách nói đó … Hiểu biết chân chính về triết lý của chúng tôi sẽ cho thấy rằng đời sống bên kia nấm mồ là nơi không có giọt lệ, không có tiếng thở dài, không có thành hôn hay sống đời vợ chồng và là nơi mà người hiểu biết thực hiện được sự toàn thiện của họ.

Trích: Lucifer, October, 1892. HPB.

Ghi Chú:
Đây là bài lược dịch và khi để qua bên vài chi tiết có tính chuyên môn, có ba điểm đáng nói trong bài.
1. Trong PST 67, bài Tâm Thức Sau Khi Chết 1 nêu thắc mắc là sau khi chết, con người sống với ý thức trọn vẹn hay tạm thời mất ý thức. Bài này cho trả lời rõ ràng:
Sau khi thể xác bị hủy hoại thì chân nhân bắt đầu hoặc là một khoảng thời gian tỉnh thức trọn vẹn, hoặc một giấc ngủ rối rắm, hoặc giấc ngủ không có mộng mơ.
Và:
… người bình thường có ba loại giấc ngủ, ngủ không mơ, ngủ với mộng mơ nửa vời, và chót hết là ngủ với giấc mơ thật sống động, rõ ràng tới nỗi lúc ấy nó trở thành thực tại tuyệt vời cho ai đang ngủ. Vậy tại sao không nhìn nhận rằng chuyện y vậy cũng xẩy ra cho linh hồn khi thoát ra khỏi thân xác ?
Sau khi linh hồn tách rời thể xác, tùy theo công trạng  của nó nhưng chính yếu là tùy theo niềm tin  mà linh hồn bắt đầu một cuộc sống có ý thức hoàn toàn, hay một cuộc sống có ý thức nửa mơ nửa tỉnh, hay giấc ngủ không mộng mị tương tự như trạng thái không sống.

2. Ta đừng quên rằng trong các bài viết của HPB và chỉ dạy của Chân sư, sự việc không được trình bầy theo diễn biến hay thứ tự chặt chẽ, tức A rồi tới B kế tiếp, mà nhiều phần là chỉ dẫn tổng quát, cho ý niệm khái lược hàm ý học viên phải tự mình tìm ra chi tiết, điền vào khoảng trống giữa hai phần. Thí dụ huấn thị nói về điều B, điều F và rồi L, và chuyện mà học viên phải làm là tìm ra những bước C, D, E, giữa hai điều B và F và cũng y vậy tìm ra các bước G, H, I, J và K để hiểu hết nghĩa.
Áp dụng cách này vào đoạn chót của bài trên:
… Hiểu biết chân chính về triết lý của chúng tôi sẽ cho thấy rằng đời sống bên kia nấm mồ là nơi không có giọt lệ, không có tiếng thở dài, không có thành hôn hay sống đời vợ chồng và là nơi mà người hiểu biết thực hiện được trọn tiềm năng tốt lành của mình.
Ta sẽ thấy nó muốn nói chính yếu tới  thời điểm linh hồn vào cõi Devachan hơn là giai đoạn con người vừa qua đời và bước vào cảnh sống nơi cõi trung giới. Có óc phân biện là điều cần thiết nếu ta muốn hiểu đầy đủ và hiểu đúng các chỉ dẫn đưa ra trong sách vở TTH.

3. Điểm chót và có lẽ quan trọng hơn hết là xin đề nghị bạn đọc nguyên tác Anh văn để nắm trọn ý. Có ba lý do cho việc này, thứ nhất là bài được viết vào những ngày đầu của Hội, từ ngữ chưa thống nhất cũng như chưa có từ ngữ chuyên  môn, vì vậy nghĩa của bài thay đổi tùy theo nghĩa ta gán cho từ ngữ. Thí dụ chữ Manas ở đoạn này có thể có nghĩa là ’hạ trí’, ở đoạn khác nghĩa ’thượng trí’ lại dường như đúng hơn, tức bạn nên tự mình đọc để phán đoán lấy.
Thứ hai là bài viết có nhiều ý nghĩa thâm sâu,  đọc lần thứ hai có thể làm bạn hiểu khác lần đầu, và khi từng trải có kinh nghiệm cùng sáng suốt hơn, bạn đọc lại thì nhiều phần là sẽ khám phá ra ý mới mà ban đầu chưa biết. Thứ ba là mỗi người do mức phát triển của mình sẽ hiểu bài theo cách khác nhau, và do đó dịch cũng sẽ khác vì bài dịch phản ảnh sự hiểu biết của người dịch, có thể đúng mà cũng có thể sai; nếu chỉ dựa vào bài dịch là bạn tự giới hạn mức hiểu biết của mình vào mức của người dịch. Chắc không nên làm thế.