CON NGƯỜI: PHẦN LỊCH SỬ LÃNG QUÊN

 

 

Thắc mắc 'Con người từ đâu đến và đi về đâu' là thắc mắc muôn đời. Nó được lập lại  trong mỗi thế hệ, và mỗi thế hệ nỗ lực tìm câu trả lời theo hiểu biết của mình. Khi Hội được thành lập năm 1875, đã có một số tài liệu được trưng ra nhắm đến việc trả lời điều này, trong đó hai tác phẩm được biết tới nhiều nhất là cuốn Esoteric Buddhism của ông Sinnett và bộ Secret Doctrine của HPB. Dầu vậy, có một cuốn sách khác  cho giải đáp phần nào mà nay đã bị lãng quên, tuy nội dung vẫn còn giá trị là quyển Man: A Fragment of Forgotten History, do hai đồng tác giả, một đông phương và một tây phương viết ra năm 1884, là Mohini Chatterjee và Laura Holloway. Sách có cùng nguồn như quyển Buddhism, là từ cùng một vị Chân sư, vì vậy ai đã đọc qua quyển BuddhismThe Mahatma Letters sẽ dễ dàng theo dõi chi tiết trong quyển Man.
Bàn về tài liệu này HPB nhận xét:
- Sách  'Man' được đưa ra sau quyển Buddhism là nỗ lực đưa ra triết lý cổ xưa theo quan điểm lý tưởng, muốn diễn dịch những gì quan sát được ở cõi thanh, trình bầy phần nào các huấn thị bằng cách thu thập từ tư tưởng của một vị Chân sư, nhưng không may tác phẩm đã bị hiểu lầm. Sách cũng nói về sự tiến hóa của các giống dân ban đầu trên trái đất và chứa đựng vài trang tuyệt hay có tính cách triết lý. Nhưng sách không làm trọn nhiệm vụ của nó, vì không có những điều kiện cần image1thiết cho việc diễn dịch đúng đắn các hình ảnh thấy ở cõi thanh. Và do vậy bộ Secret Doctrine có những điểm chỉnh lại các sai lầm trong quyển Man.
Bà nói thêm:
- Tới đây ta phải có lời rằng không một nhà TTH chân chính nào, từ người ít hiểu biết nhất đến ai thông thạo nhất, có quyền nói mình không hề sai lầm với bất cứ điều gì họ nói hay viết về các đề tài huyền bí. Điểm chính là nhìn nhận rằng về nhiều mặt, như sự phân loại các nguyên lý trong con người hay vũ trụ, thứ tự cuộc tiến hóa, và nhất là về các câu hỏi siêu hình, ai trong chúng ta muốn chỉ dạy kẻ khác ít hiểu biết hơn mình, thì đều dễ bị sai sót. Do vậy mà những quyển Isis Unveiled, Buddhism, Isis Unveiled, Man đã có lỗi lầm, cũng như nhiều phần sẽ có trong bộ Secret Doctrine.
'Đây là điều không thể tránh được, vì muốn cho một tác phẩm dù lớn dù nhỏ viết về đề tài cao siêu bí ẩn được hoàn toàn tránh khỏi sơ sót, thì nó phải do một vị đạo sư viết từ trang đầu tới trang cuối, nếu không phải là chính một vị Avatar (hóa thân). Chừng ấy ta mới có thể nói 'Đây thật là một tác phẩm không sai lầm chút nào !' Nhưng bao lâu mà người viết chưa toàn thiện thì làm sao tác phẩm của họ được như thế ? 'Việc tìm kiếm chân lý diễn ra không tận cùng !' Ta hãy yêu quí và ao ước chân lý chỉ vì đó là chân lý, mà không phải vì sự vinh quang hay lợi ích phần nào ta có thể hưởng được khi tỏ lộ nó. Vì ai trong chúng ta có thể nói rằng mình có được trọn chân lý, dù chỉ về một điều nhỏ trong Huyền bí học ?'
Điều cần nhớ trước khi đọc sách là cả hai quyển Man'Secret Doctrine nói chính yếu về lịch sử con người trên trái đất ở vòng thứ tư của dẫy hành tinh là vòng hiện thời, mà không bàn tới các vòng khác, bầu khác trong dẫy, những dẫy khác trong thái dương hệ, và luôn cả thái dương hệ.
Nay PST xin lược dịch quyển 'Man', nhằm giúp ai muốn tìm hiểu nguồn gốc con người theo triết lý bí truyền. Đọc quyển này trước sẽ cho bạn ý niệm tổng quát về đề tài, và bởi ý niệm ấy được khai triển thành chi tiết phong phú trong bộ Secret Doctrine, bạn sẽ thấy sau đó việc đọc bộ sách này dễ hiểu hơn. Như với bất cứ bản dịch nào, lời khuyên là bạn nên tìm đọc nguyên tác Anh văn có sẵn trên internet, để có nội dung đầy đủ.
Đây là tài liệu về triết lý bí truyền nên bạn sẽ gặp nhiều chữ lạ, tuy bản dịch cố gắng giản lược tối đa những ý niệm và từ ngữ khó hiểu mà vẫn giữ  ý chính. Ta không tránh được các danh từ Phạn ngữ cũng như các ý niệm căn bản của Theosophy. Vì thế xin bạn kiên nhẫn làm quen với chúng, điều gì thoạt tiên lạ lùng chưa rõ sẽ lần lần minh bạch hơn về sau, và vốn liếng từ ngữ thâu thập được nơi đây sẽ giúp bạn rất nhiều khi đọc bộ Secret Doctrine và các sách của HPB, A.A.Bailey.
Để giúp bạn, trước khi vào chuyện có một bản danh mục ngắn, liệt kê những chữ chính sẽ gặp và giải nghĩa vắn tắt theo bà Blavatsky. Cũng những chữ này, sách của vài tác giả sau HPB sẽ cho giải thích khác, nên tùy bạn chọn lựa theo hiểu biết của mình là cái nào đúng.
- Bầu (Globe): xin xem dẫy hành tinh
- Dẫy hành tinh (Planetary chain, chữ khác là Ring): một thái dương hệ có bẩy dẫy hành tinh, mỗi dẫy có bẩy bầu ở những cảnh giới khác nhau:
- bầu 1 và bầu 7 ở cõi hạ trí
- bầu 2 và bầu 6 ở cõi trung giới
- bầu 3 và bầu 5 ở cõi ether
- bầu 4 ở cõi trần đậm đặc.
Như vậy ở cõi cao, mỗi cõi có hai bầu tương ứng với nhau, riêng cõi trần có một bầu duy nhất. Với nhãn quan hiện thời ta chỉ thấy được bầu 4 là bầu vật chất của mỗi dẫy, và không thấy được sáu bầu kia ở cõi cao hơn.  Mỗi dẫy chỉ có một bầu hữu hình là bầu 4, như dẫy hành tinh tên Mars có Mars – Hỏa tinh là bầu 4, dẫy hành tinh địa cầu có địa cầu là bầu 4, dẫy hành tinh Venus có Venus – Kim tinh là bầu 4 v.v. Nói rõ hơn, Mars và Venus thuộc hai dẫy khác, mà không nằm trong dẫy địa cầu.
- Dhyan Chohan:  Chữ  này có nhiều nghĩa tùy trường hợp, nghĩa chung thì đó là các bậc tiến hóa rất cao.
- Giống dân chính hay mẫu chủng (Root Race): Mỗi vòng trên trái đất có bẩy mẫu chủng xuất hiện tiếp nhau. Theo luật thì vào một lúc chỉ có ba mẫu chủng hiện diện, ta đang có mẫu chủng 3 Lemurian (người có mức tiến hóa rất thấp như thổ dân Úc, bushmen ở Phi châu), mẫu chủng 4 Atlantis thấy nhiều ở Á châu và mẫu chủng 5 Causasian là người tây phương, sinh sống chung với nhau.
Mỗi mẫu chủng lại có bẩy chi chủng (sub-race, branch), như người Nhật là chi chủng thứ bẩy của mẫu chủng thứ tư. Sách viết chi chủng thứ sáu của mẫu chủng thứ năm hiện đang ra đời rải rác khắp thế giới.
- Manvantara:    giai đoạn linh hoạt của một thái dương hệ, dẫy và bầu hành tinh v.v.
- Nguyên lý (principle): có nhiều định nghĩa, giản dị thì có thể nói  là những tính chất của người, như sinh lực, tình cảm, trí năng, bồ để tâm (Buddhi) v.v. với bẩy quan năng và bẩy thể tương ứng. Thể xác không được xem là một nguyên lý.
- Pralaya: giai đoạn ngơi nghỉ hay tan rã của một thái dương hệ, dẫy và bầu hành tinh, mọi hoạt động dừng lại, sự sống ở trong trạng thái tiềm ẩn, yên ngủ và chỉ được khơi dậy khi hệ bắt đầu linh hoạt lần kế.
- Thất nguyên (septenary): mọi việc từ lớn tới nhỏ đều gồm bẩy phần, như con người có bẩy thể, bẩy nguyên lý, bẩy quan năng; thái dương hệ có bẩy dẫy hành tinh v.v.
- Tinh linh (elementals): sinh vật ở cõi ether nên vô hình đối với ta, thuộc về các hành như mộc, thủy, hỏa, thổ và ether. Hành thổ thì có chú lùn, hành thủy của thủy tiên, hành khí là phong tiên v.v.
- Vòng (Round): nói về một lần sự sống đi qua các bầu của một dẫy hành tinh trong thái dương hệ, còn gọi là chu kỳ sống (life cycle); trong cuộc tiến hóa sự sống đi qua mỗi dẫy bẩy lần tức bẩy vòng. Hiện thời trái đất đang ở giữa vòng thứ tư. Trong ba vòng đầu, trái đất thành hình và cứng dần, nó hóa đặc ở vòng tư, và lần lần trở lại hình dạng thanh nhẹ ban đầu ở ba vòng cuối, ta gọi tiến trình chót là trái đất được tinh thần hóa.

 

Chương I
Dẫn Nhập

Trước khi bàn tới câu hỏi về sự tiến hóa của con người, ta hãy ghi vắn tắt con người là gì theo triết lý bí truyền. Sách vở TTH viết rằng con người gồm có   bẩy nguyên lý, nhưng trong nhiều trường hợp sự phân tích đã bị hiểu lầm tai hại. Nó cho ấn tượng là con người bẩy phần thì giống như củ hành rất phức tạp, từ đó ta bóc ra lớp này sau lớp kia để rồi cuối cùng không còn gì sót lại, và những nguyên lý khác nhau tạo nên con người được xếp lại với nhau theo cách phối hợp hóa học và cơ học nào đó. Dây nối kết những nguyên lý khác nhau này có thể  được gọi là đơn vị tâm thức, cá tánh hay chân thần.
Mục đích của chúng tôi không phải là mô tả chi tiết các nguyên lý khác nhau của con người. Bạn đọc nào đã quen với việc phân chia con người thành ba phần thân xác, linh hồn và tinh thần, sẽ không gặp khó khăn trong những trang sau. Xác thân, phần vật chất chứa đựng con người, có nguyên lý sự sống là điều làm linh hoạt con người và vạn vật như thú cầm, cây cỏ và những hình thái khác không cần nói tới ở đây. Linh hồn có  thể thanh, khi thấy bên ngoài cơ thể thì đó là thể phách, thể tình cảm và hạ trí. Phần tinh thần gồm thượng trí, và  chân nhân chịu ảnh hưởng của Đại Hồn, là điều căn bản thường hằng của mọi sự sống. Để cho giản tiện, ta hay phân chia con người thành xác thân và tinh thần, hay con người cảm quan và siêu cảm quan. Về đề tài này, vị Tôn sư đáng kính của chúng tôi nói:
- Như con người có bẩy phần thì vũ trụ cũng vậy, tiểu vũ trụ bẩy phần tương ứng với đại vũ trụ bẩy phần, nhưng tựa như giọt nước mưa và khối mây mà từ đó nó rơi xuống, và theo với thời gian nó sẽ trở về… Bất cứ khi nào có câu hỏi về sự tiến hóa hay phát triển trong nơi loài nào, hãy luôn nhớ trong trí là mọi việc tuân theo luật thất nguyên, có sự tương đồng và tương quan theo luật này trong khắp thiên nhiên.
Việc phân chia theo thất nguyên diễn ra vô giới hạn, và mỗi thất nguyên tự nó trọn vẹn, và hiểu được một loạt như thế làm ta dễ theo dõi chuyện  dựa vào luật Tương đồng. Cho mỗi thất nguyên thì cái đầu và cái chót sẽ là Tinh thần và Vật chất, hay Vật chất và Tinh thần tùy ta nhìn theo mặt đi lên hay đi xuống. Diễn trình tiến hóa thì vô tận, và nguyên lý chót luôn luôn tác động nhằm trở về nguyên lý đầu mà ở cõi cao hơn, bởi nếu vòng cung tiến hóa trở lại vào chính nó thì diễn trình chấm dứt. Vì thế biểu tượng thích hợp cho đường tiến hóa thì không phải là vòng tròn, mà là đường xoắn ốc tiến lên mãi.
Cuộc tiến hóa, hay sự biểu lộ của Đại Hồn vĩnh cửu qua muôn vàn hiện tượng, diễn ra theo chu kỳ và chỉ có thể  hiểu được bằng cách xem xét chúng trong một khoảng thời gian ấn định rõ ràng, riêng biệt. Trong thế giới hiện tượng, ta thấy rằng không một thời điểm nào có thể  được nghĩ đến mà không xét tới điểm trước nó. Thế nên chuyện hiển nhiên là một vật hiện hữu vào bất cứ lúc nào cũng phải luôn luôn đã hiện hữu trước rồi, dưới hình thức này hay kia.
Lời dạy là hình thức có trước như vậy làm sinh ra hình thức sau, xem xét thêm cho ta thấy là nguyên nhân và hệ quả khác nhau chỉ về hình thức, mà có  tính chất như nhau, cũng như hệ quả luôn luôn tự nó chứa sẵn nguyên nhân. Một trong các tiền đề căn bản của hệ thống triết lý đông phương nói rằng hệ quả là diễn tiến của nguyên nhân theo với thời gian.
Chu kỳ nói ở trên lại phân ra làm nhiều tiểu chu kỳ, tùy theo sự phát triển của bẩy nguyên lý và vô số phân chia theo thất nguyên  của nó. Tài liệu hiện có của triết lý bí truyền chỉ tiết lộ một chương trong quyển sách lớn về cuộc tiến hóa, nói về giai đoạn sinh hoạt của địa cầu gọi là manvantara. Vào lúc khởi thủy của giai đoạn này, thế giới vật chất tức hữu hình của nhân loại chậm chạp thành hình từ tình trạng tinh thần vô sắc tướng, và khi đến tột đỉnh sẽ tan biến trở lại vào tinh thần.
Cuộc tiến hóa mà chúng ta là sản phẩm đòi hỏi phải có bẩy bầu hành tinh mới diễn ra trọn vẹn, tương ứng với bẩy nguyên lý của thế giới con người. Nói về cuộc tiến hóa của trọn hệ thống thì nó quá bao la và phức tạp, không thể được mô tả trong giới hạn hợp lý nào; thay vào đó chỉ một phần nhỏ của nó có thể được trình bầy, và học viên tìm hiểu phần còn lại, dùng luật Tương đồng mà suy ra.
Ta có nói giai đoạn manvantara của hành tinh cũng như là của trọn sự hiện hữu trong nó, được chia làm vô vàn thất nguyên. Khi ghi nhớ điều này và sự kiện khác là diễn trình tiến hóa đi theo hình xoắn ốc, thay đối giữa giai đoạn linh hoạt tức manvantara và giai đoạn ngơi nghỉ tức pralaya, đề tài hóa ra dễ hiểu hơn. Cho câu chuyện nơi đây, ta có thể mường tượng diễn trình tiến hóa như hình xoắn ốc có bẩy đường cong.  Ban đầu từ cõi tinh thần xuất hiện và mỗi đường cong tự nó lại là một hình xoắn ốc khác. Ta chỉ nói về diễn tiến của tiến hóa con người trên địa cầu, tuy nhiên ai muốn có thể áp dụng ra vô cùng tận theo phép loại suy.
Từ thuở ban đầu sự sống đã đi qua trọn dẫy hành tinh ba lần hay ba vòng (Round), nay là lần thứ tư và nó đi tới bầu hành tinh thứ tư trong dẫy, tức là địa cầu. Chính trong vòng thứ tư này mà con người theo như ta biết, mới phát triển. Triết lý bí truyền  chỉ đưa ra phần đại cương rất đỗi sơ sài về sự tiến hóa của con người, và không nói gì về các vòng, ta chỉ biết rằng hiện tại ta đang ở vòng thứ tư.
Cùng lúc với sự phát triển của con người qua những vòng, địa cầu cũng trải qua sự phát triển tương tự.  Mỗi vòng cho thấy ý niệm con người về không gian có thêm một chiều đo, như vậy trước khi vòng thứ tư kết thúc, chiều đo thứ tư sẽ trở thành chuyện thông thường trong tâm thức con người, và sự sống  phát triển thêm trong mỗi vòng. Nói về khoảng thời gian cho mỗi lúc dài ngắn ra sao, điều ta ghi nhận là trong thất nguyên, các giai đoạn ngắn dần theo tỉ lệ cố định cho tới lúc tối thiểu ở giai đoạn thứ tư, rồi tăng dần trở lại theo cùng cách thức cho đến lúc nó đạt tới tối đa ở bầu thứ bẩy.
Không một ai ngoại trừ các vị Đạo sư ở cấp nào đó có thể  thoát khỏi sự thu hút của địa cầu cho tới khi cuộc tiến hóa trên bẩy dẫy hành tinh kết thúc, nhưng cũng có ngoại lệ là ai do nỗ lực riêng của mình vượt xa đồng loại trong một chuỗi đã hoàn tất, và do vậy phát triển nguyên lý thứ năm là trí tuệ ở cõi cao hơn tuy hiện thời ta đang ở vòng thứ tư. Những người này được gọi là người của vòng năm. Trong phạm vi bài này ta không tìm hiểu về bí ẩn của các hành tinh khác.
Nói riêng về các vòng, HPB giải thích thêm.
- Ta biết rằng trước và sau một vòng có giai đoạn ngơi nghỉ pralaya, khoảng thời gian ngưng hoạt động là khoảng cách giữa hai vòng tiếp nhau, cho đến khi lúc sự sống bắt đầu chu kỳ mới. Sự kiện ta đang ở vòng thứ tư mà có   người vòng năm và vòng sáu hiện hữu, như  Đức Phật Thích Ca là người vòng sáu, Plato và vài triết gia, nhân vật cao cả là người vòng năm, có thể  gây hiểu lầm. Vậy ta nên hiểu ra sao điều ấy ?
Một Chân sư chỉ dạy và xác định rằng có những người vòng năm như thế hiện đang có mặt trên địa cầu, Vị khác giảng giải: 'Vài hạt mưa thì chưa đủ làm trên mùa mưa tuy chúng báo trước việc đó', và 'Không, chúng ta không ở vòng năm, nhưng người vòng năm đã có  mặt trên trần từ vài ngàn năm qua'. Việc giản dị chỉ là mỗi vòng cho ra phát triển mới và luôn cả sự biến đổi trọn vẹn về cấu tạo tinh thần, trí tuệ, tâm linh và vật chất nơi con người. Tất cả những nguyên lý này tiến hóa trên đường đi lên mãi. Vì thế, nhân vật như Khổng Tử và Plato - có phần tinh thần, trí tuệ, tâm linh thuộc về những cõi cao của sự tiến hóa - hiện hữu ở vòng thứ tư của chúng ta, như người bình thường sẽ tiến đến mức ấy ở vòng năm theo cuộc tiến hóa ấn định, cao vô số lần hơn nhân loại hiện thời. Tương tự vậy, Đức Phật Thích Ca - hiện thân cho Minh Triết - lại cao hơn và vĩ đại hơn tất cả những người ta vừa nói thuộc vòng năm, và chuyện kể Ngài cùng Vị Sankaracharya của Ấn được gọi là người vòng sáu. Điều lý thú là Rahula (La Hầu La) con Đức Phật là người vòng bốn, muốn nói di truyền học không tác động ở đây.  Có nghĩa yếu tố ấn định tính chất của xác thân thì không phải là vật chất tức các di truyền tử, mà là tinh thần.

 

Chương II

Tất cả những tài liệu đang có về con người bắt đầu từ một khởi điểm chung, là lúc ban sơ của con người trong thể chất hữu hình. Không tài liệu nào, ngay cả những ai bàn nhiều về phần tinh thần của con người, kể tới điều quan trọng nhất, kỳ diệu nhất, đã có rất lâu trước khi con người khoác lấy xác thân vật chất trên địa cầu, là giai đoạn dài miên man của con người tinh thần, nói khác đi là khoảng thời gian con người hiện hữu trong các thể thanh vô hình, mà vận mạng là từ từ chìm sâu vào vật chất, và về phần lớn tự quyết định tương lai của họ.
Từ con người tinh thần, họ trở thành dân cư của địa cầu và từng chút một họ làm chủ nơi đây theo nghĩa vật chất. Tuy bị giới hạn vào những điều kiện trên địa cầu, họ lần lượt trải qua nhiều cảnh sống với mức độ khác nhau trước khi hiểu được vũ trụ mà họ là một phần.
Nói về thuở ban sơ của con người, có lời giảng giải:
- Khi một thái dương hệ mới bắt đầu cuộc tiến hóa các vị Dhyan Chohan đến trước tinh linh (là sinh vật sau này tiến thành người), ở trên trái đất như là lực tinh thần tiềm ẩn, không linh hoạt cho tới khi có   sự tiến hóa của người ... Lúc ấy các ngài trở thành lực tích cực, giao tiếp với tinh linh để phát triển từng chút một hình hài trọn vẹn của nhân loại.
Việc con người tinh thần mang lấy xác thân vật chất, trở thành hữu hình nơi cõi vật chất, thường được gọi là 'tinh thần đi vào vật chất', và đó chỉ là một yếu tố trong vấn đề to lớn về sự tiến hóa của con người, yếu tố khác là xác thân của họ. Bản chất con người gồm hai phần là tinh thần và vật chất nên cuộc tiến hóa của họ cũng vậy. Về mặt tinh thần con người phát sinh từ các vị Dhyan Chohan, về mặt vật chất họ sinh ra từ hình thái cao nhất của loài thú hiện hữu vào lúc con người bắt đầu kết nối với vật chất.
Trước khi con người xuất hiện, trái đất đã có nhiều loài sinh sống nơi đây, chúng là:
- Ba loài tinh linh mà ta không thể nhận biết, và
- Kim thạch, thảo mộc, thú cầm.
Dầu vậy, không nên cho rằng vào lúc ấy ba loài sau này có hình dạng như ta biết hiện nay. Ngược lại, sự kiện là tất cả hình dạng và đặc tính của chúng mà ta biết đã tăng trưởng theo với sự phát triển của người. Có một luật chung nói rằng vào lúc một loài cao hơn xuất hiện thì sự phát triển của tất cả những loải thấp hơn bị chậm lại. Theo luật ấy, những loải thấp hơn không tiến mấy hay tiến rất ít từ khi con người bắt đầu cuộc tiến hóa của mình.
Ở đây ta không bàn về loài tinh linh vì người bình thường không biết gì về chúng. Nói về ba loài kia, nếu đi sâu tìm hiểu kỹ ta sẽ thấy chúng tiến rất ít trong giai đoạn có người. Loài kim thạch tiến ít nhất, thảo mộc tiến hơn một chút và thú cầm tiến nhiều nhất trong cả ba. Khi con người tinh thần bắt đầu có xác thân, loại hình thể thú cao nhất tiến thêm một nấc cao hơn để đón nhận con người.
Ta không nên có ấn tượng là hình hài vật chất đã có sẵn, chờ con người tới khoác vào; sự kiện là các thực thể tinh thần khi khoác lấy xác thân đã làm cho hình hài có sẵn của thú tiến hóa thành loại cao hơn. Tình trạng của những loài thấp vào lúc chúng chiếm ưu thế trên địa cầu - tức trước khi con người tới - nằm ngoài tầm hiểu biết của ta hiện giờ. Điều có thể  ghi là những biến đổi nơi các loài thấp không phải là biến đổi mà nhà địa chất học hay cổ đại học nghiên cứu, vì những quan sát của họ bị giới hạn chỉ vào cõi vật chất, hay cõi trần mà ta biết. Điểm khác là các thực thể đang tiến hóa trong những loài thấp sẽ không thành người trong giai đoạn linh hoạt này của địa cầu.
Các ghi nhận trên mở đường cho việc xem xét tình trạng con người khi họ mới xuất hiện trên trái đất trong dẫy hành tinh này. Như ta biết, nói cho sát thì nhân loại đầu tiên của trái đất là con người tinh thần, mà không phải là người sống trên mặt đất. Các nguyên lý thấp nhất của họ thấy ở cõi trung giới mà chưa đi xuống thấp hơn; họ là người chỉ theo nghĩa như hạt giống là cái cây, và đi xa hơn nữa thì năng lực tiềm ẩn là hạt giống ấy.
Bẩy giống dân thuần tinh thần của dẫy này, có trước khi con người khoác lấy xác thân, là những người mà khoa học gia không biết gì về lịch sử của họ, và tự nhiên là bác bỏ. Khoa học gia sẽ lập tức bênh vực cho luận cứ của mình với khẳng định rằng thế giới chưa thể sống được vào giai đoạn trước thời kỳ đồ đá; nếu ta nói trái đất là chỗ ở của loài người trước thời kỳ băng giá thì chỉ chọc giận hiểu biết của họ về địa chất.
Ta nên nhớ chữ 'có thể sống được' khi áp dụng vào trái đất thì có nghĩa giới hạn vào định nghĩa của ta về con người ban sơ và nhu cầu của họ. Lại nữa, sự kiện căn bản cho ý niệm ta nêu ra ở đây, là với sự tiến hóa của bẩy giống dân tinh thần có trước con người với xác thân, nói rằng trái đất thích hợp cho họ cư ngụ. Bẩy thần linh của Ai Cập là biểu tượng cho bẩy giống dân ban sơ này, cùng với bẩy thiên sứ của Do Thái giáo và bẩy thánh nhân Rishis của Ấn chỉ là một.
Giống dân đầu tiên không có ngôn ngữ, nếu các giống dân sau có tiếng nói ấy là vì họ được tạo ra theo 'hình ảnh' của thần linh. Không dân tộc nào mà không có truyền thống này, và không duy trì nó. Các giống dân tinh thần ấy tới phiên họ được phát triển và chỉ dạy bởi các thần linh ở mức cao hơn bất cứ ai mà con người đã đạt tới.
Ta không nên hiểu lầm chữ  'tinh thần' ở đây, nó muốn nói tới không phải ai quá vãng, nhưng là ai chưa phát triển trong vật chất, chưa là một phần của thế giới vật chất mà luật vũ trụ đặt để họ. Nói khác đi, họ không tượng trưng cho nguyên lý nơi con người tiến bộ sau khi phần vật chất nặng nề được trút bỏ, mà là người có vận mạng từ cõi cao đi xuống cõi vật chất theo cách tự nhiên, tựa như sâu trong kén biến hình thành bướm.
Vào lúc này ta chỉ cảm biết thiên nhiên nhờ vào ngũ quan, mai sau khi nguyên lý sáu và bẩy phát triển dẫn tới việc có quan năng sáu và bẩy, sẽ còn nhiều điều được khám phá trong thiên nhiên. Những người đầu tiên có trên trái đất là các mầm linh hoạt chuyển dịch luôn, Ai Cập gọi họ là các 'bầu có cánh', hay 'con bọ rầy'. Từ các mầm này qua bao thời gian sinh ra bẩy giống dân bằng thể thanh, là tổ tiên của con người trên mặt đất - gọi là tiên nhân vì họ có trước con người. Mầm sống sơ khai này ở trạng thái sớm nhất của họ chỉ có một bản năng là di động, dường như xê dịch tới lui không mục đích, không có mục tiêu nào như thấy trong các hình thái thấp của sự sống quanh ta.
image2Có những người có trình độ tinh thần và vật chất phát triển đến mức nó cho phép họ cảm biết cách làm việc bên trong của luật vũ trụ, sự phát triển này có  được nhờ hiểu biết về tính chất song đôi của bẩy quan năng tinh thần và vật chất. Ta biết rất ít về những vị đó nên gần như không thể thuyết phục người khác nhìn nhận sự hiện hữu của người như thế. Điều có thể nói thêm là vào lúc con người sơ khai xuất hiện, ngoài thú vật (tự nhiên là không giống như ta biết hiện thời) là các tinh linh. Chúng tượng trưng cho nguyên mẫu  (prototype) ở cõi trung giới của cây và các loài thảo mộc khác, và nguyên mẫu tương ứng cho khoáng chất và kim khí. Chúng không có  ý niệm về sự tiến hóa và chỉ có một cảm xúc là bản năng mù quáng. Rồi cũng có tinh linh thuộc loài khác sẽ tiến thành người như ta sẽ thấy về sau.

Mohini Chatterjee và Laura Holloway
Man: A Fragment of Forgotten History
(còn tiếp)

Xem Các Bài CON NGƯỜI: PHẦN LỊCH SỬ LÃNG QUÊN