CÕI DEVACHAN
Mở Đầu.
Chi tiết về cõi Devachan, nơi con người ngơi nghỉ trước khi tái sinh, được trình bầy rải rác trong các tài liệu TTH, chính yếu là trong cuốn The Mahatma Letters to A.P. Sinnett, những bài viết của H.P.B. trên tạp chí The Theosophist và Lucifer, rồi được đúc kết trong quyển The Key to Theosophy. Để giúp bạn đọc trong việc tìm hiểu về đề tài này, dưới đây là phần lược dịch các bài viết trích từ hai tạp chí nói trên, ngoài ra bạn có thể tìm đọc quyển The Key và về sau, loạt bài dịch quyển Mahatma Letters sẽ cho thêm dữ kiện.
Các bài này được viết nhằm trả lời thắc mắc của người tây phương về cõi Devachan, chúng có tính triết lý và dùng nhiều chữ về triết lý. Để bài được dễ hiểu, những chữ này được thay bằng chữ giản dị hơn cũng như vài ý trừu tượng được lược bỏ tuy lý thú, vì vậy xin bạn tìm đọc nguyên tác Anh văn để có thêm chi tiết.
Có một điểm hay được nhắc tới trong bài này mà cũng hay thấy trong những bài viết khác của HPB xin giải thích để bạn nắm được trọn ý, cùng theo dõi tư tưởng của bà được rõ ràng hơn. Ấy là hai chữ ‘subjective’ (thường dịch là chủ quan) và ‘objective’ (khách quan) ở đây có nghĩa rộng hơn thế, muốn hiểu đúng nghĩa hai chữ và cách dùng chữ của HPB, ta phải hiểu theo ý của bà tức hiểu theo nghĩa trong triết lý bí truyền.
Con người tinh thần không có sắc tướng hay phái tính khi xuống các cõi thấp khoác lấy các thể, và tới cõi trần thì có phái tính, là người nam hay người nữ với các đặc tính riêng trong một kiếp. Đó có thể là người nam M chuyên viên điện toán, hay là người nữ F là chủ bút tờ báo. Cá nhân M hay F chỉ là vậy do sự tái sinh, do khung cảnh cõi trần, chúng có tính khách quan và giả tạm (nam / nữ, chuyên viên / chủ bút, cha, mẹ, vợ, chồng v.v.). Khi qua đời và linh hồn lên những cõi cao thì kinh nghiệm được tinh lọc, các thể bớt vật chất dần và linh hồn trở lại tính chất đúng của nó, hay chủ quan, là tinh thần vô sắc tướng. Linh hồn không còn là anh M vạm vỡ thông minh hay cô F duyên dáng kín đáo, không còn phái tính hay các tính chất liên quan đến phàm ngã M và F nói trên.
Vì vậy, chữ ‘objective’ (khách quan) nên được hiểu thêm là những gì liên quan đến sự biểu lộ của linh hồn nơi cõi trần, có tính vật chất, sắc tướng; và ‘subjective’ (chủ quan) nói về linh hồn ở cõi cao gần với thực tại tinh thần hơn, là điểm linh quang của Thượng đế thay vì là M hay F. Con người phát triển ngày càng gần với tinh thần thì kinh nghiệm và tâm thức có tính chủ quan nhiều hơn, còn khi đồng hóa với phàm ngã thấy mình là M hay F thì cảm nhận có tính khách quan.
Để hiểu về tình trạng của bất cứ loại đời sống tinh thần nào, ta cần phải vượt lên trên cảm nhận thông thường chỉ về vật chất. Người ta không thể nhìn sự việc của tinh thần bằng con mắt xác thịt, và không thể thấu đáo rõ ràng hiện tượng tinh thần chỉ bằng cách suy nghĩ dựa vào cảm nhận của ngũ quan. Thí dụ khi nói rằng Devachan là nơi có có sự mãn nguyện tinh ròng không pha trộn gì khác, và là hạnh phúc có ý thức mà không có sinh hoạt nào, không có việc theo đuổi điều chi hay có thành đạt, thì có câu hỏi là ‘Làm sao sự hiện hữu có ý thức mà không có sinh hoạt hay theo đuổi nào lại có thể là sự vui hưởng hay mãn nguyện ?’
Hỏi như vậy chỉ nhấn mạnh thêm ý tưởng sai lầm có trong thắc mắc ấy, và tương tự như ta hỏi ‘‘Làm sao sự hiện hữu có ý thức mà không chơi thể thao và đi săn bắn lại có thể là sự vui hưởng ?’ Ham muốn của thú tính trong bản chất con người không có tính trường cửu, còn các đòi hỏi của trí não thì khác với đòi hỏi của xác thân. Trong đời sống vật chất, ý mong muốn có sự thay đổi luôn tái đi tái lại trong trí tưởng tượng làm ta nghĩ rằng không thể có sự vui thỏa liên tục nào mà không có bận rộn theo đuổi chuyện chi và vui thú việc gì. Để ý thức hoàn toàn cách mà tâm thức tinh thần có thể liên tục trong một thời gian dài đáng kể làm con người tinh thần chú tâm không phải chỉ vui vẻ mà còn thích thú, thì hẳn chỉ ai trong đời ở cõi trần đã phát triển các quan năng bên trong mới làm được, những quan năng còn tiềm ẩn nơi đa số người.
Sự kiện là những gì tốt lành đã được làm linh hoạt ở cõi trần sẽ phát triển cao độ nơi cõi Devachan, chẳng hạn ta có thể có sự tăng trưởng kiến thức hết sức lớn lao cho linh hồn nào đã khởi sự ‘theo đuổi’ hiểu biết ấy của đời dưới thế. Nguyên tắc là không gì có thể xẩy ra cho linh hồn trong cõi Devachan mà phần căn bản đã không được gợi nên trong đời dưới trần, tình trạng của đời sống nơi đó là không thể có động lực từ bên ngoàivà tư tưởng lạ đến với họ; còn một khi mầm tư tưởng đã gieo thì luồng tư tưởng khởi động linh hoạt, và sự phát triển của nó trong cõi Devachan có thể diễn ra vô tận, vì quan năng thứ sáu (trực giác) và nguyên lý thứ sáu (bồ đề tâm) là thầy dạy cho ta. Trong những điều kiện ấy không có sự cô lập như trí phàm hiểu. Đừng lo rằng chân nhân dưới sự chỉ dẫn của nguyên lý thứ sáu của nó sẽ bị chán nản mà sẽ hạnh phúc như tưởng tượng của người trần về thiên đàng cực lạc.
Hiểu lầm về cõi Devachan có là vì có ngộ nhận với ý nghĩa của vài từ ngữ. Học viên tây phương khi nghiên cứu triết lý bí truyền mà không quen thuộc với cách suy nghĩ và diễn giải của các vị thầy, hay lạc trong vòng luẩn quẩn khi bắt đầu học hỏi. Điều cần làm đầu tiên là học quan niệm bí truyền về Tinh thần, Vật chất v.v. lý thuyết căn bản về Thực tại và Không Thực tại, Sắc tướng - cụ thể (Rupa) và Vô Sắc tướng – trừu tượng (Arupa), giấc mơ và sự thức tỉnh.
Đặc biệt họ cần nắm vững càng nhiều càng tốt sự phân biệt giữa ‘khách quan’ và ‘chủ quan’ trong sự cảm nhận theo ngũ quan của người sống và cảm nhận tâm linh của người trong cõi Devachan. Nói khác đi, khi chưa một là linh hồn sống trong cõi Devachan thì ta không thể cảm thông với cảm xúc hay cảm nhận của họ. Bởi lẽ do sự tiến hóa và khi đã phát triển trọn vẹn và luyện tập ý chí có ý thức, vị đạo sư được giải thoát có thể qua chân nhân của mình biết được hết những gì liên quan đến ai sống trong cõi Devachan, cảm xúc như họ cảm xúc và chia sẻ hoàn toàn cảm nhận vượt bực của ngũ quan, mang xuống cõi trần ký ức y hệt không bị biến đổi.
Nhiều học viên tây phương xem ra vượt khỏi được niềm tin thô sơ ban đầu của họ, tuy nhiên học hỏi đặc biệt về triết lý Á đông là điều không thể thiếu để giúp họ nắm được ý nghĩa các diễn giải của Á đông. Nói khác đi, họ có thể phát triển đủ để phê bình ý tưởng mà họ thừa hưởng (tức văn hóa, tôn giáo tây phương), mà chưa đủ để nắm vững ý nghĩa của các nhà tư tưởng Á đông. Ta cần nhớ khác biệt ngôn ngữ là một yếu tố quan trọng, như được thấy qua chuyện kể câu trả lời của một người Á đông khi viếng thăm tây phương và được kêu so sánh Thiên Chúa giáo với Phật giáo. Họ đáp:
- Làm vậy cần một có một quyển danh mục glossary, vì Thiên Chúa giáo không có ý niệm về những từ ngữ của chúng tôi, hay không có từ ngữ cho các ý niệm của chúng tôi.
Mỗi nỗ lực nhằm giải thích triết lý của Huyền bí học mà dùng từ ngữ nghèo nàn của khoa học và siêu hình học tây phương cho ai không biết các từ ngữ của chúng tôi, thì dễ đưa tới sự hiểu lầm tai hại dù đôi bên có thiện ý. Thế thì ai theo thuyết nhị nguyên, khẳng định linh hồn hiện hữu vô tận, độc lập với Đại Hồn và tin vào Thượng đế cá nhân (có hỉ nộ ái ố như người phàm), sẽ cho sự sống thực trong mơ, như lời gọi cảnh sống nơi cõi Devachan, là không nhất quán. Lẽ tự nhiên người tây phương suy nghĩ theo lối khác sẽ thấy hoang mang khi được nghe rằng đời sống cõi Devachan là thực tại dù đó là giấc mơ, còn đời sống cõi trần lại chỉ là giấc mộng thoảng qua tuy được tưởng tượng như là thực tại. Không khoa học gia nào tin vào một Thượng đế cá nhân, triết gia Hồi giáo hay người Thiên Chúa giáo nào tin rằng sự vĩnh cửu bắt đầu khi Thượng đế cá nhân thổi linh hồn vào xác thân, hiểu được chúng tôi. Cũng như không ai trong ba người tượng trưng cho ba niềm tin này, có thể hiểu sự hữu lý hoàn toàn của triết thuyết về đời sống cõi Devachan mà không gặp khó khăn hết sức to tát.
Khi nói rằng trạng thái cô lập của ai trong cõi Devachan có tính chủ quan, chữ này không đề cập tới sự chủ quan rốt ráo, nó chỉ muốn nói tới mức độ mà cái trí tây phương – không quen triết lý đông phương - có thể nghĩ bàn; với người sau điều gì cũng là chủ quan mà không có sự phân biệt vượt qua tất cả cảm nhận của ngũ quan. Nhà huyền bí học nói rằng mức chủ quan tăng dần càng lúc càng thật hơn khi nó càng lúc càng xa hơn vật nơi cõi trần, để tới Thực tại tột mức là Đại Ngã.
Khi nói rằng cuộc sống trong cõi Devachan ‘chỉ là một giấc mơ’ thì ta nên đồng ý về định nghĩa của giấc mơ. Huyền bí gia sẽ trả lời rằng có giấc mơ thế này và có giấc mơ thế kia. Khác biệt giữa giấc mơ sinh ra do các nguyên nhân sinh lý bên ngoài, và giấc mơ phản ứng lại rồi tới phiên nó sinh ra cảm nhận và cảm xúc vượt hơn ngũ quan. Họ phân giấc mơ làm hai loại, một cái là hiện tượng và cái kia là nguyên nhân, còn nhà sinh lý học hoàn toàn không đủ khả năng để hiểu thành phần cấu tạo của vong linh đã bỏ xác phàm, và do vậy cũng không hiểu bản chất những ‘giấc mơ’ của vong linh.
Huyền bí gia, do biết rằng cảm quan tinh thần không hề ngủ hay tiềm ẩn, mà luôn luôn ở trong ánh sáng của Thực tại, nói là trong lúc ngủ, Manas hay hạ trí, có thể cảm biết chuyện nơi cõi thanh mà nó không biết lúc thức tỉnh ở cõi trần.
Ta hãy lấy thí dụ, có người con mất cha mà anh rất đỗi yêu quí. Trong giấc mơ anh có thể thấy và trò chuyện với ông và trong khoảng thời gian ấy, anh cảm thấy hân hoan không ý thức về cái chết của ba, làm như ba vẫn còn ở trên trần. Khi tỉnh dậy anh sẽ tiếc là giấc mơ không kéo dài. Anh có đúng chăng ? Huyền bí gia nói rằng anh sai, chỉ vì không biết đến sự kiện là phần tinh thần hay chân ngã của anh có cùng bản chất và cấu tạo như của ba anh – mọi chân ngã đều như vậy – và sự thu hút tương tác với nhau của các chân ngã trong trường hợp đặc biệt này được tăng cường, do tình phụ tử của hai phàm nhân.
Thực tế là hai chân ngã không hề bị phân rẽ với nhau, sự tử bất lực không thể cắt đứt mối liên hệ tâm linh khi hai bên được liên kết bằng tình thương tinh thần thanh khiết. ‘Giấc mơ’ trong trường hợp này là thực tại, và thực tại theo người trần hiểu thì là ảo ảnh maya do vô minh. Vì thế, gọi sự thiếu hiểu biết của người con trong những giờ phút anh thức tỉnh dưới trần là ‘giấc mơ’, là ‘ảo ảnh’ thì đúng lý và hợp lẽ hơn là gọi sự tương tác thật sự giữa hai linh hồn là ‘giấc mơ’.
Như vậy, khi chân ngã bị thu hút do ái tính của nó đến các chân ngã khác mà nó yêu thương nhất, nó kết hợp với, và vui hưởng trong lúc qua đời, sự hiện diện của tất cả những ai mà nó thương yêu, giống như khi còn sống. Sự tương tác này là việc thật sự xẩy ra và có thật.
Hạ trí không vào được cõi Devachan, mà chỉ có phần tinh túy của nó đi vào nơi ấy, đóng vai trò như là bối cảnh cho giấc mơ sẽ có và sự phát triển diễn ra. Phần ‘vỏ’, phần trọng trược rơi rớt lại sau và sẽ tàn tạ dần rồi biến mất theo thời gian. Phần đi vào cõi Devachan là như hương hoa hơn là chính bông hoa. Bông hoa héo tàn, mục rữa và trở thành cát bụi nhưng hương hoa thì không bao giờ tàn, và có thể được triệu hồi làm sống lại bao thời đại sau, tức tái sinh.
Những Trạng Thái Khác Nhau của Devachan.
Trong cõi Devachan, người ta không chứng kiến hay cảm biết nỗi đau khổ của những người mà họ thương yêu còn đang sống dưới trần, bằng không nỗi hoan lạc sẽ thành biển cay đắng vô bờ trước cảnh tượng ấy. Niềm an lạc của ai sống trong cõi Devachan được trọn vẹn, cho dù ai hoài nghi không phân biệt được giữa một bên là thực tại và bên kia là ảo ảnh maya do chính ngũ quan của ta tạo ra. Ai ở Devachan sẽ gặp được những người mà họ thương yêu dưới trần, vậy có câu hỏi rằng nếu trong số những người này có kẻ không xứng đáng vào Devachan thì sao ?
Câu đáp là ngay cả trong trường hợp ấy, dù đó là người còn sống hay đã qua đời, và ngay cả khi họ ở địa ngục (nói theo quan niệm đời thường, còn thì thiên đàng hay địa ngục không có nơi chốn, mà là trạng thái tâm linh, là phản ứng của một ai với hoàn cảnh chung quanh họ), hình ảnh của họ vẫn có đó tạo nên hạnh phúc cho ai trong cõi Devachan, còn chính người sau thì vẫn không hay biết gì về cảnh sống của người trước. Với người còn sống, tâm thức của họ có thể hòa vào linh hồn khác đang ở trong Devachan khi có mối thiện cảm mạnh mẽ giữa hai người có cùng cảm xúc cao thượng, hay cùng mục tiêu về trí tuệ, hay cùng ước vọng tinh thần.
Giả thử một người cha có hai đời vợ và thương yêu cả hai bà cùng con cái của mình thì chuyện gì xẩy ra, khi mỗi người vợ chỉ thương yêu con mình và không hòa thuận với người vợ kia; thêm vào đó tất cả mọi người trong chuyện xứng đáng được hưởng hạnh phúc trong cõi Devachan ?
Như đã ghi nhiều lần, cái trí trong cõi Devachan chỉ có thể cảm nhận ý tưởng tinh thần cao nhất của nó, tức nó không thể nhận biết những cảm xúc thô lậu hay việc gì bất hòa không vui, bằng không Devachan không còn là thiên đàng cực lạc và trở thành địa ngục, phá vỡ niềm hoan lạc thuần khiết. Vậy thì nói chung, mỗi người trong cõi Devachan có quanh mình những ai họ đã từng thương yêu dưới thế, và kinh nghiệm thương yêu ở đây sẽ tăng cường cho đời sống dưới trần trong những kiếp về sau. Cho ai còn thắc mắc, mỗi nhân vật trong thí dụ trên của ta đến phiên họ có đời sống riêng và các mối dây liên hệ khác, như con cái tới phiên chúng có vợ có chồng v.v. vậy trong cõi Devachan một cá nhân có nhiều hình ảnh vào cùng lúc tượng trưng họ cho những ai khác thương yêu người ấy và có sự liên hệ. Bởi mỗi người dù không đáng kể thế mấy đi nữa trên trần, vẫn tự họ có ý niệm riêng về hạnh phúc, hoan lạc, ao ước và do đó, có quyền cũng như là có nhu cầu tuyệt đối có thiên đàng hay cõi Devachan riêng của mình.
Trí óc người tây phương gặp khó khăn với ý niệm về cõi Devachan, bởi họ ít có khái niệm gì về đời sống bên kia ngoài cảnh sống ở cõi trung giới và cõi hạ trí, tức những cõi tâm linh thấp. Ngược lại, Phật giáo cho rằng có nhiều Devachan với các mức độ khác nhau, triết lý Phật giáo công truyền chia ai đã quá vãng làm ba thành phần.
1. Những ai còn nhiều ham muốn và ở cõi trung giới.
2. Ai đã tiến sang bước cao hơn nhưng vẫn còn giữ hình thái của mình trong cõi hạ trí, và
3. Những ai đã thành vô sắc tướng và ngụ ở cõi Devachan cao nhất, trong cõi vô sắc tướng hay thượng trí. Trình độ nào là tùy thuộc vào mức tinh thần và ước nguyện của mỗi linh hồn.
Người còn trong thể tình cảm luôn luôn còn trong vòng thu hút của từ lực hạ giới, và linh hồn phải làm cho mình thoát khỏi sự thu hút của hạ trí tuy thanh bai hơn mà mạnh mẽ không kém, trước khi nó có thể lên đến trạng thái Devachan ở cõi vô sắc tướng cao hơn. Do vậy, có những mức độ thiên đàng hay Devachan khác nhau. Ở cõi cao này người ta vẫn có ai mà ta thương yêu ở cùng, nhưng chỉ có rất ít người lên tới cõi này, bỏ qua những cảnh dưới. Ngoài ra lại còn nhiều người trong cõi Devachan có mức đạo đức và tính thiện cao nhất khi sống trên đời, nay do lòng ưa thích nghiên cứu về trí tuệ và đặc biệt là công việc trí tuệ còn dang dở của mình, đã ngụ trong cõi sắc tướng nhiều thế kỷ, ở trong cõi Devachan hoàn toàn cô lập. Đúng nghĩa là vậy, vì người khác và thân nhân yêu quí đã biến mất so với lòng đam mê mạnh mẽ và thuần tinh thần, khi theo đuổi chuyện trí tuệ.
Lấy thí dụ ai say mê học hỏi, khi sắp qua đời tư tưởng chót của họ là thất vọng, vì cái chết có thể làm gián đoạn công việc nghiên cứu của họ. Đây là dục vọng tiếng Ấn gọi là Tanha, lòng khát khao chưa được thỏa mãn và nó phải tiêu tan trước khi linh hồn có thể bước sang tình trạng vô sắc tướng hoàn toàn. Mỗi hoàn cảnh đều có đáp ứng tương xứng, và nó được tạo ra do tư tưởng cuối cùng của người sắp chết. Học giả nào khi sống dùng trí năng Manas nhiều, ưa thích phát triển óc thông minh vật chất cao nhất của mình, vẫn triền miên đắm đuối vào những bí ẩn của thế giới vật chất; họ sẽ bị cầm giữ bằng từ lực vào việc làm của mình và những học giả khác do sức thu hút trí tuệ, ảnh hưởng các người này rồi tới phiên mình bị ảnh hưởng lại, tuy nhiên theo cách khác hẳn với chuyện xẩy ra trong buổi cầu hồn và với đồng bóng, cho tới khi năng lực tiêu tán và Buddhi thành ảnh hưởng duy nhất còn lại.
Luật này cũng áp dụng cho mọi hoạt động, dù là đam mê hay cảm xúc, lôi kéo linh hồn vào những liên hệ của kiếp người khi tái sinh. Linh hồn quá vãng phải qua những nấc thang kế tiếp nhau, đi từ cõi trần lên dần tới các cõi thanh. Khi đạt tới cõi thiên đàng giới hạn, tương ứng với mức phát triển của họ, linh hồn vui hưởng ở đó thực tại tinh thần sống động cho tới khi phần Karma được giải quyết trọn, và bắt đầu có sự thu hút về kiếp tới ở cõi trần.
Vì vậy trong cõi Devachan, linh hồn bị ảnh hưởng và tới phiên nó ảnh hưởng, tình trạng tâm linh của bất cứ ai có liên hệ thân cận với nó mà mạnh đến nỗi vẫn còn qua những cõi thấp bên kia. Liên hệ này sẽ được cảm nhận về mặt tinh thần, dù rằng đôi bên vẫn cách xa nhau.
Trí não tây phương do gắn liền với vật chất hữu hình cụ thể, có thể thấy khó hiểu với ý này. Tuy nhiên nếu có thể tưởng tượng linh hồn như là tinh thần thanh khiết, không có hình dạng, mầu sắc, và ngay cả trọng lượng, với ký ức có được là do sự hòa hợp của trí năng Manas với các thể thấp, thì họ có thể trả lời cho thắc mắc của mình. Theo triết lý bí truyền, diễn tiến này không được xem như là sự dập tắt ngã thức mà là sự mở rộng vô bờ của nó. Linh hồn không tan biến mà kết hợp với Đại Hồn, và tâm thức của nó thành có thể không những nhớ lại những cảnh của phàm nhân trên trần, mà luôn cả phàm nhân của những kiếp qua. Nói tóm lại là từ cảnh giới hạn nó trở thành có tâm thức vô hạn. Nhưng điều này chỉ tới vào cuối cuộc tuần hoàn, lúc giai đoạn nghỉ ngơi bắt đầu cho trọn cuộc tiến hóa.
Khi linh hồn đi từ lần tái sinh này sang lần kế, và lần lượt đi qua những cảnh Devachan thấp sau mỗi lần qua đời, các dây ràng buộc trong mỗi lần sinh phải yếu đi rồi cuối cùng không tác động nữa, trước khi nó có thể tái sinh. Những liên hệ ấy được ghi lại bất hoại trong chất Akasha (Akashic Records - Thiên Ảnh Ký), và luôn luôn có thể được xem lại khi linh hồn phát triển quyền năng tinh thần của mình, nhưng ảnh hưởng của chúng lên con người dần dần bớt đi. Việc này thực hiện được ở cõi Devachan là giai đoạn ngơi nghỉ giữa hai kiếp sống, và khi dây ràng buộc từ lực hay còn gọi là tâm linh kết nối kẻ trong cõi Devachan với những linh hồn khác trong kiếp vừa qua, như thân quyến, bạn hữu suy yếu dần, con người được tự do đi theo con đường chu kỳ của họ.
Nếu không có việc tiêu tán riêng hệ riêng tư này, mỗi linh hồn trên đường tiến hóa của mình sau bao thời gian sẽ bị vướng mắc vào mạng lưới các mối dây đã có trong những kiếp qua với vô số cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái v.v. từ bao kiếp trước. Tức một mớ bòng bong rối rắm vĩ đại. Cái triết lý mỗi người chỉ có một kiếp sống trên trần, và không kể đến những cõi thanh ngoài cõi vật chất, đã làm cho trí óc phương tây không hiểu được sự khác biệt giữa tính cá nhân của linh hồn, và hình hài sắc tướng thay đổi của nó trong những kiếp khác nhau, với phàm ngã hoàn toàn riêng biệt và dị biệt.
Âu châu biết nhiều về nguyên tử và hóa học, mà có rất ít ý niệm về Devachan. Nếu những giải thích trên đây về sự sống, rằng thiên nhiên không hề trừng phạt ai ngoài thế giới ảo ảnh ta đang sống, vẫn không được chấp nhận, và có phản đối việc hình ảnh người mà ta thương yêu khi còn sống sẽ theo ta vào cõi Devachan, cho đó là không chân thực, thì cách hợp lý nhất là người như vậy đừng quan tâm đến triết lý bí truyền và cõi Devachan.
Những chân lý cao cả, mục tiêu lớn nhất cho linh hồn sẽ mãi mãi là cuốn sách đóng kín với tâm trí loại ấy. Devachan thay vì là sự ngơi nghỉ đầy hoan lạc, là ốc đảo thiên đàng trong hành trình khổ nhọc của Chân thần tới sự tiến hóa cao hơn, lại trở thành là chính sự tử, là cực điểm. Ta phải trực nhận sự cần thiết hữu lý của chuyện, cảm biết bằng trực giác thành quả và diễn tiến của sự công minh tuyệt đối là hoàn toàn phù hợp với luật trời, mà không cần được dạy hay được hướng dẫn nếu ta không muốn mất thì giờ với ý nghĩa sâu xa của nó. Chúng tôi không hàm ý không hay, tuy nhiên khi tâm trí tây phương chống đối lại sự trình bầy các triết lý của chúng tôi, thì chúng tôi cảm thấy bắt buộc phải nhắc nhở rằng họ có tự do chọn lựa.
H.P. Blavatsky.
Trích từ:
- The Theosophist, vol. IV, No. 8, May 1883
- The Theosophist, vol. IV, No. 11, August 1883
Hay:
- Collected Writings 4, p. 443.
- Collected Writings 5, p. 74.