CHUYỂN HƯỚNG DỤC VỌNG
Ai mà tư tưởng có sự ganh tị, giận hờn nhỏ nhen, thiếu khoan dung và những tật không đẹp khác hiển nhiên không thể đạt được ý thức rộng lớn hơn. Các khuyết điểm này tựa như bụi trên tấm gương là cái trí, gây trở ngại khiến không có phản chiếu trong trẻo. Chúng cũng là những tật cản trở Tình Thương, vì mục tiêu mà người học đạo chân thành nhắm tới là sự ý thức rõ ràng tình thương.
Tình Thương này không phải là tình cảm vu vơ, là ý niệm mơ hồ, nhưng là một tâm thức rõ rệt mà giá trị của nó chỉ những ai đã kinh nghiệm rồi mới có thể đo lường được. Nó là một trạng thái của tâm trí đối với mọi sinh linh, đạt được nhờ óc tưởng tượng và ý chí muốn thương yêu. Vậy tự nhiên là bước đầu tiên hầu có được lòng yêu thương là ý ham muốn đạt được nó. Thế nhưng làm sao ý ham muốn đó hiện hữu khi nó bị các ham muốn ngược lại đẩy ra ? Nó không thể có được, hoặc bằng cách nào đi nữa chỉ có ở một mức nào đó mà thôi.
Chuyện làm ta hiểu ý nghĩa thực sự của câu hay nghe nói là 'thanh tẩy dục vọng'; nó chỉ có nghĩa là chuyển hướng hay thay đổi dục vọng và nhất là không có nghĩa đè nén nó. Việc diệt hết mọi lòng ham muốn chẳng những theo nghĩa bóng là trở thành vật vô tri gỗ đá, mà còn đi ngược với luật căn bản của trọn thiên nhiên.
Theo nghĩa huyền bí, trọn vũ trụ thành hình như là kết quả của lòng ham muốn của đấng tối cao. Trọn diễn trình tiến hóa từ vi trùng cực nhỏ đến vì Hành tinh Thượng đế đều là kết quả của động lực ham muốn. Vì theo khoa học huyền bí, ngay cả Thượng đế cũng mong muốn tiến hóa, và do vậy chưa tới đỉnh của sự tiến hóa của ngài. Và như thế theo cái nhìn của luật vũ trụ quan trọng này, lời khuyến dụ 'Hãy diệt mọi ham muốn' mà ta thấy trong nhiều sách vở thì vừa có hại, không có tính khoa học mà còn nói ngược lại chính mình.
Xem xét kỹ thêm, ai muốn loại trừ dục vọng phải trước tiên có ý muốn làm vậy. Quả thật, dù muốn thế mấy ta không thể tránh được việc lòng ham muốn là cái thúc đẩy cho mọi hành động. Hơn thế nữa, nó là ý muốn đi tìm một hình thức đặc biệt của hạnh phúc ta làm, hay nghĩ vào lúc đó mà ta ham muốn. Nói khác đi, động lực cho mọi hành động là việc đi tìm hạnh phúc; mà bởi ta không hề tìm nó đúng chỗ hoặc ao ước hình thức đúng đắn của hạnh phúc là điều hằng hữu và vô điều kiện, ta phải 'thanh tẩy' hay chuyển hướng dục vọng tới mục đích này, nếu muốn đạt tới ý thức rộng lớn hơn.
Ta cũng không thiển cận khi nói rằng chỉ nhờ học hỏi chuyện tâm linh mà con người tự động tránh được hết mọi tâm tánh nhỏ nhen kể ở trên, đó là chưa nói đến các tật khác nghiêm trọng hơn nữa. Nhưng câu hỏi là làm sao loại trừ chúng nếu đó là ước nguyện thật lòng; vì về một mặt mà nói, người ta sẽ không giữ trong lòng chi hết nếu không muốn giữ chúng.
Thí dụ, nếu người này ghét người kia, đầu tiên họ làm vậy hiển nhiên vì họ muốn ghét kẻ ấy, và nếu lòng ghét bỏ không được duy trì sống động bằng lực của lòng ham muốn, thì nó sẽ tàn lụi dần. Nhưng giả dụ là người đó phân tích lòng ghét bỏ của họ, lột bỏ hết mọi ảo ảnh và rồi trực diện với chính mình, họ sẽ thấy mình chỉ là người ưa vặn vẹo đầu óc, tự dằn vặt. Tóm tắt là họ chất chứa cảm xúc khó chịu của tâm trí. Và như vậy dù nhiều hay ít, mọi hình thức ghét bỏ và thiếu lòng nhân khác chỉ là cảm xúc khó chịu tương tự của tâm thần.
Chuyện không may là đa số người không phân tích đủ để thấy như vậy; bằng không có lẽ họ sẽ tìm cách loại trừ chúng, vì chỉ có ai khùng điên mới bám lấy cảm xúc không vui. Mặt khác họ có thể không muốn làm việc ấy và trong trường hợp đó ta sẽ phải dùng những phương thức trí tuệ khác, lý do là tâm tánh con người khác nhau rất xa, phương pháp này tự nhiên là không thích hợp cho hết mọi người.
Giá Trị của Quan Điểm.
Một phương pháp như thế dùng cách thay đổi quan điểm, bởi có được quan điểm rõ ràng là có thuốc ngừa cho hầu hết mọi chuyện. Khi ta làm cho người ta nhận thức, thực sự mà không phải chỉ là lý thuyết, rằng tất cả hiềm thù nhỏ nhen, ganh tị, oán ghét và bao tật khác quá nhiều không kể ra hết được, chỉ là xấu xa và không đáng với con người, thì có thể là chúng sẽ tự biến mất. Bởi nói cho cùng, lý do mà nhiều người để cho mình cảm thấy bao tình cảm không đẹp là tại vì họ nghĩ mình phải cảm biết chúng, và không cảm biết thì sẽ là dấu hiệu của sự yếu đuối.
Ý này thấy rõ hồi thế chiến I, khi hằng ngàn người gọi là tín đồ Thiên Chúa giáo thù ghét kẻ địch của mình, vì tưởng tượng là mình phải có thái độ đó với kẻ địch, và làm khác đi là yếu đuối và không yêu nước. Phải chi họ nhận thức là trong tình trạng khác thường như vậy, lòng ghét bỏ là việc phí phạm không hay năng lực tình cảm, hẳn họ sẽ nghĩ chuyện không đáng cho mình làm và ngưng lòng thù ghét ... dĩ nhiên chuyện cũng là vậy với những tình cảm ít mạnh mẽ hơn.
Thí dụ ai bị chê bai nghĩ rằng họ phải oán ghét lời chê bai đó, vì không giận là tỏ ra không có tư cách. Thành ra lòng kiêu hãnh bị tổn thương của họ sinh ra ý muốn có lòng hờn giận, và cảm xúc này còn hoài cho tới khi nào ý muốn mất hết lực của nó và tan biến. Nếu thay vào đó họ chuyển hướng tình cảm vào việc tha thứ, hẳn người ấy sẽ làm tròn chỉ dạy là thanh tẩy lòng ham muốn. Thực vậy, không lỗi nào trên đời mà không đáng được tha thứ, và ấy là điều mà học viên cần nhận biết, nếu họ mong ước đạt được ý thức rộng lớn hơn.
Giá Trị của Lòng Khoan Dung Chân Thật
Để tới đích ấy họ cần phát triển lòng khoan dung trọn vẹn, tính này sinh ra cũng nhờ có một quan điểm có sẵn. Trước tiên họ cần chấp nhận như là sự kiện tuyệt đối lời vừa trình bầy ở đoạn trước, tức động cơ cho mọi hành động là việc tìm kiếm hạnh phúc; và khi làm vậy rồi thì nhận thức rằng tất cả những ai gọi là kẻ có tội thì chỉ là những kẻ đi tìm hạnh phúc theo cách sai lầm.
Mà không phải chỉ có thế, vì họ cũng cần nhận biết rằng cách 'sai lầm' đó lại là cách đúng cho kẻ ấy, vì chỉ khi đi sai nhiều đường chót hết người ta mới lo việc tìm đường đúng. Thái độ như vậy đối với lỗi lầm làm mất đi mọi chướng ngại, và cũng thanh tẩy tâm trí của ai chịu suy nghĩ như thế. Ngược lại, lòng thiếu khoan dung làm hoen ố tấm gương phản chiếu, và bởi đó là một hình thức tệ hại của lòng ghét bỏ, nó ngăn cản những tia của tình thương.
Dầu vậy, lắm kẻ nghĩ là họ thực tình có lòng khoan dung nhưng nếu thành thật trực diện với chính mình, có thể họ khám phá nhiều tính không khoan dung ẩn nấp không được nhận ra. Họ có thể thấy là tuy khoan dung với chuyện lớn họ lại không khoan dung với chuyện tương đối nhỏ hơn. Có những người dù khoan dung với ý kiến về tôn giáo, lại mạnh mẽ không khoan dung với ý kiến về chính trị. Rồi có người khoan dung hoàn toàn với quan điểm của ai ở ngoài nhóm riêng của họ, lại thật là không khoan dung với bất cứ quan điểm khác biệt của ai trong nhóm của mình.
Lại còn có người nhất định không thích ai đó vì kẻ này có thói quen mà họ không ưa. Chẳng hạn có một nhân vật nổi tiếng mà không hút thuốc, khi được nghe là một nhà yogi có thể hút bốn mươi điếu xì gà liên tiếp mà không hề hấn gì, đã giận dữ phán:
- Tệ hại thì thôi.
Mà tại sao thiếu khoan dung như vậy ? Tuy chúng ta không hoan nghênh bất cứ sự quá độ nào, nhưng ai có thể hút số lượng xì gà nhiều như vậy mà không bị ảnh hưởng gì thì ít nhất đã có được sự kiểm soát lớn hơn đối với cơ thể, so với ai chỉ hút một điếu thôi là cũng bị say thuốc rồi ! Như vậy, không kể những điều khác, lòng không khoan dung có thể làm ta mù quáng không nhận ra điều tốt lành ẩn kín trong nhiều việc xem ra không lành. Và cho dù huấn thị 'Hãy nhìn thấy sự tốt lành trong mọi việc' đã hóa nhàm, nó cũng vẫn là phương tiện giá trị trong việc có được lòng khoan dung và chuyển hướng dục vọng.
Bởi thực sự có điều tốt lành trong mọi vật nếu ta biết chỗ để tìm, và có ước muốn đi tìm nó, và lẽ tự nhiên ai không khoan dung sẽ từ chối không chịu làm vậy, vì ý muốn của họ dù không được ý thức, hướng tới việc không tìm sự tốt lành trong những việc ấy, lỡ nó đi ngược với ý kiến riêng mà họ ưa thích. Và như thế ta trở lại lần nữa việc cần phải có sự 'thanh tẩy' hay chuyển hướng dục vọng.
Khoan Dung và Sáng Suốt
Lòng khoan dung thật sự và vô biên thì trên thực tế là một loại dửng dưng thiêng liêng. Ai khoan dung đúng nghĩa không cần phải tha thứ, vì họ tha thứ mọi lỗi lầm trước khi nó phạm phải. Tính dửng dưng này hoặc sinh ra từ tâm thức cho rằng mọi giận hờn đều tệ hại – vắn tắt là không đáng cảm thấy – hoặc từ lòng dễ dãi như của cha mẹ đối với con cái. Biết rằng các con trẻ người non dạ, cha mẹ không mong chờ chúng xử sự khéo léo như người lớn. Tuy bề ngoài bổn phận làm cha mẹ khiến họ la rầy con và đôi khi có vẻ bực dọc, nhưng trong lòng họ không cảm thấy thực tình có bực bội gì.
Nay ta đã nói khi trước sự kiện huyền bí là có linh hồn thơ trẻ và linh hồn già dặn hơn, hoặc nói rõ ràng hơn thì có cái tôi non dại và cái tôi trưởng thành. Như vậy, mong đợi người trước cư xử giống người sau là vừa khờ dại và thiếu khoan dung, như mong trẻ con hành xử giống người lớn. Người chí nguyện muốn tập tánh khoan dung cần xem đây như là chỉ dẫn để giúp họ có được tính này.
Nhưng có thể có lời phản đối kêu lên. Độc giả có thể nói.
- Có lòng khoan dung tuyệt vời như vậy thì hay lắm, nhưng nếu chúng ta không hề tỏ ra oán giận thì chuyện đầu tiên mà một linh hồn thơ trẻ có thể làm là lợi dụng ta một cách không công bằng.
Lời phản đối này dầu vậy được trả lời rõ ràng trong câu chuyện ngụ ngôn nhỏ của người Ấn Độ.
Thuở xưa có một con rồng cư xử như rồng, do lòng tàn ác nó hoặc ăn thịt người, hay cấu xé làm họ bị thương tích nặng nề, nên chẳng bao lâu nó trở thành mối kinh hoàng cho trọn khu vực. Ngày kia có một vị Yogi giỏi dang sau khi xem xét câu chuyện, đến với con rồng và nói:
- Bạn này, có việc gì thế ? Há bạn không biết là sẽ tới lúc bạn phải trả Karma nặng nề cho những chuyện sai lầm này ư ? Hơn nữa, phạm lỗi này khiến bạn bị chậm trễ việc giải thoát chính mình. Đừng ăn thịt ai nữa !
Rồi nhà yogi từ tốn bỏ đi. Vài tuần sau, ông trở lại con đường này và thấy con rồng ở trong cảnh thực đáng thương, thân hình bị đâm chém chẩy máu và mụn nhọt thê thảm. Ông hỏi.
- Bạn ơi, tôi thấy gì thế này ? Sao lại đầy thương tích vậy ?
Con rồng đáp.
- Ô Mahatma, con nghe lời dạy của ngài, và xem kết quả đây. Vì con ngưng không ăn thịt người nữa, họ quay sang làm thịt con, tới ném đá con, lấy dao và những khí cụ khác đâm chém cho tới khi con dở sống dở chết.
Nhà yogi mỉm cười đầy lòng từ, đưa tay vuốt nhẹ và kỳ lạ thay các vết thương đuợc chữa lành. Đoạn ông dặn.
- Này con, ta dặn con đừng ăn thịt người, mà không dạy con là đừng la rống làm họ sợ hãi lui ra. Trong khi con, cái tôi trước của con, tạo nên karma xấu do sự hung dữ của chính mình, nay do sự hiền dịu nơi chính con, con đã cho phép họ sinh ra karma xấu, thế là cũng không phải vì ngay cả tính hiền dịu cũng phải đi kèm với óc khôn ngoan.
Dụ ngôn này chỉ cần lời phê bình nhỏ, vì hiển nhiên là trong nhiều trường hợp, lòng khoan dung trọn vẹn chỉ nên cảm thấy trong tâm, vì biểu lộ ra ngoài có thể gây hại rõ ràng. Thí dụ lời dạy trong kinh thánh là khi ta bị tát má này thì đưa má kia ra làm ai ít hiểu biết cho là vừa không thực tế vừa vớ vẩn, vì họ không biết đến triết lý đông phương, và không ý thức ý nghĩa thực bên trong.
Đương nhiên đó không phải là câu hỏi theo nghĩa đen là đưa má kia ra để bị đánh tiếp, tuy làm vậy có thể gây kinh ngạc cho vài người, mà có nghĩa là đưa má kia ra trong lòng; nói ngắn gọn là lấy tình thương đáp lại lòng hung bạo. Giống như ta có thể la mắng con cái mà vẫn thương yêu chúng, với người lớn phạm lỗi ta có thể phải giả vờ không tha thứ một lúc dài, dù trong tim đã tha thứ họ từ lâu. Hơn thế nữa, làm khác đi có thể khiến lòng khoan dung của ta nhuốm tính ích kỷ.
Bởi lòng khoan dung trọn vẹn là một loại tính dửng dưng, ta có thể trở thành dửng dưng với điều tệ hại nơi người khác tới mức không còn muốn giả bộ điều mà ta không cảm thấy trong lòng. Khuyết điểm của tính dửng dưng này là một trong những điều tự nhiên ta cần phải tránh.
Rồi còn có phải hình thức tinh tế của lòng kiêu ngạo ta cần xét tới. Ai thật tình có lòng khoan dung, nhất là khi họ có tiếng là khoan hòa, có thể luôn muốn tỏ ra là mình khoan dung cho dù làm khác đi có thể có lợi cho ai khác. Vì giống như con rồng do tính hiền dịu của mình đã cho phép người khác sinh ra karma xấu cho chính họ, mà nếu cố gắng một chút thì điều ấy có thể được ngăn cản.
Vậy ta thấy là trong một vài trường hợp, ngay cả đức tính lớn lao như lòng khoan dung trọn vẹn cũng có thể trở thành tiêu cực, thì cách chữa là tăng cường nó bằng đức tính tích cực hơn là óc Khôn Ngoan và Tình Thương.
Trích:
A Greater Awareness, Cyril Scott.