BA NGƯỜI LÍNH

 

(Xem Ba Người Lính từ Trang Đầu Tiên trong Mục Sách Dịch)       

Kỳ 12 (PST 68) 

 

Winfred Brandon
We Know These Men

 

 

Những học viên khác thích thú với óc mù quáng của anh, và rất vui với những khi có cuộc tranh cãi. Có chừng trên dưới một trăm người giống như anh, những ai đến từ miền quê xa xôi lạc hậu.
Potter có bề ngoài không dễ coi, thân hình cao lớn xương xẩu trông kỳ quặc với bộ quân phục. Vì khi chết anh đang mặc bộ đó nên anh mang qua cõi bên này như ấy là y phục của mình. Lúc nào không nhắm mắt đối với lời chỉ dẫn, dạy cho anh cách tạo hình bằng lực của tư tưởng, thì anh đứng lên phản đối, trong khi những bạn học cùng ý với anh hoan hô và làm anh say sưa với cảm nghĩ rằng mình cao hơn ông thầy.
– Mấy ông là kẻ có tội, còn đây là Địa ngục dành cho mấy ông. Ôi, tội cho những con chiên lạc đàn ! những 'con chiên' này là để gọi bình sĩ nào chú tâm theo dõi lời chỉ dạy.
'Các anh đang nghe lời của quỉ dữ. Những người này tìm cách làm anh thờ phượng chính cái trí của anh. Họ kêu anh sáng tạo. Phạm thánh biết chừng nào ! Chỉ có một đấng Sáng tạo, là Thiên Chúa quyền năng.
Tới đây ông thầy sẽ ngắt lời.
– Đương nhiên, nhưng chúng ta không biết được Thượng đế ngoại trừ việc ta thấy được điểm linh quang của ngài nơi linh hồn người, là tạo vật của ngài.
– Nói vậy là báng bổ thần thánh, Potter sẽ gào lên. Ai bảo mình không thể biết được Thượng đế là đã có lỗi rồi. Tôi đây muốn khuyến cáo mấy anh, chiến hữu của tôi, là nếu không tránh xa những con cháu này của Baal (nhân vật được xem là quỉ dữ theo Cựu Ước), mấy anh sẽ không bao giờ thấy được Thượng đế. Mấy anh sẽ bị thiêu đốt với lửa cháy đời đời trong hỏa ngục, là chỗ đọa đầy cho những ai đùa với quyền năng của bóng tối.
Tới đây Potter rũ liệt vì xúc cảm quá độ của mình và phải bị làm cho ngủ một lúc để bài giảng được tiếp tục. Những ai tin theo anh sẽ quây lại chung quanh, và cầu kinh xin được dẫn dắt khỏi chỗ địa ngục này để vào Đất Hứa.
Ông thầy nào đang giảng, là Morton hoặc ai khác, sẽ nói.
– Ta có thể làm được gì với người như thế ? Chúng ta có hàng triệu người giống vậy ở cõi này; có người đã ở đây một thế kỷ hay lâu hơn, vẫn còn chờ được ngồi bên tay trái của Chúa Cha của họ, và hân hoan với ý nghĩ rằng ai không nghĩ giống họ sẽ bị đầy vào hỏa ngục. Những người này và ai giống vậy là linh hồn lạc hậu nhất trong số những người qua đây. Ngay cả tội phạm và người ham chuyện sắc dục có thể tiến lên cảnh cao hơn theo với thời gian; nhưng các trường hợp này vô vọng, bởi họ không chấp nhận bất cứ giải thích nào theo khoa học về sự sống.
Potter có mục tiêu khi muốn đến gặp Chúa Trời, ngoài việc nhận ơn phước mà Thượng đế của anh đang chờ để ban rải cho anh. Potter sẽ van nài xin cho người anh yêu quí. Nàng phải được cứu rỗi và anh sẵn lòng đảm nhiệm việc ấy. Anh ước ao được làm thiên thần hộ mạng cho nàng; khi ấy anh có thể bảo vệ nàng khỏi những hiểm nguy trong cuộc sống hiện tại của nàng, hiểm nguy riêng cho các minh tinh màn bạc xinh đẹp như nàng. Việc trì hoãn không được trình bầy dự định này với Chúa Trời làm anh phát điên, và anh thấy phải dùng hết khả năng của mình ngay bây giờ, tống khứ kẻ địch là những ai đứng giữa anh với Thượng đế.
Những người về phe anh la ó rầm rộ khi anh bị làm cho ngủ thêm. Không cách chi biện luận được với họ, và bảo họ rằng Potter đã dùng hết sạch năng lực trí tuệ của anh cho lời tranh cãi hùng hăng, và cần nghỉ cho lại sức, y như người trần phải ngủ để cơ thể phục hồi sau khi làm việc tay chân mệt nhọc, chỉ vô ích.
Người phụ trách trường hợp Potter là ông Thầy Morton. Ông không bị tử trận, nhưng ông đã chứng kiến hết mọi cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ tham dự, vì ông đã ở cõi trung giới hơn ba trăm năm. Ông hiểu chiến tranh nghĩa là gì, bởi công việc của ông là tiếp dẫn linh hồn những thanh niên bị đẩy rời khỏi thân xác trước khi họ có thể thực sự sống đời mà họ được sinh ra dưới trần. Các thanh niên này, luôn luôn hăm hở muốn trở lại cuộc đời dưới thế, tự họ là vấn đề khó khăn. Ý nghĩ phải chờ đợi và chuẩn bị một cuộc đời khác làm họ bực bội. Họ nóng lòng muốn bắt đầu trở lại, nhập vào một thể xác và tiếp tục sống.
Những thanh niên này là trường hợp khó nhất, vì họ được nhận quá ít hoặc không chút chỉ dẫn nào về tâm linh. Họ cảm thấy rằng cuộc đời chỉ là khoảng thời gian giữa việc sinh ra rồi chết đi, thế nên điều duy nhất họ mong ước là có một thời gian vui chơi thỏa thích, sự nghiệp thành công. Việc giáo dục của họ, trường công lẫn trường tư, không đặt nền tảng vững chắc nào cho một đời sống sau khi chết. Một số ít người nhờ gia đình mà có được giáo dục về tôn giáo thì cũng gần như hoàn toàn không hiểu biết gì về tương lai của mình. Ho được dạy giáo điều về sự bất tử, nhưng không được cho giải thích nào về điều ấy nghĩa là gì. Nay người ta phải dạy họ cái trí là phần bất tử của con người, và linh hồn, hay điểm linh quang, hay chính sự sống, ngụ trong cái trí.
Cố nhiên các thanh niên này bị thất vọng khi biết là nay tự họ phải có tiến bộ, như tự họ phải làm mọi chuyện cho mình trong lúc sống dưới trần. Họ phải chấp nhận sự kiện là mọi việc tuân theo luật nhân quả ở khắp những cảnh giới của sự sống, và người ta không cần trí thông minh siêu việt để hiểu vài nguyên lý của cõi tình cảm, và thành công hay thất bại tùy thuộc vào sức mạnh ý chí; cũng như cách sống sa đọa trong kiếp dưới trần làm suy yếu ý chí và khiến đời sống sau khi chết hóa tệ hại. Đây là những điều dễ hiểu và tất cả được nêu ra rõ ràng trong kinh điển của nhiều tôn giáo, tuy nhiên người ta lại chồng chất vào đó những cấm kỵ cổ xưa, mê tín dị đoan, và lời chỉ dạy có động cơ là lòng tham muốn quyền lực trong các giáo phái, khiến cho hiểu biết làm như bị thất truyền.
Morton giảng về sự tiến hóa, nó luôn luôn cái trí đưa con người tiến lên, ở cõi trần hay cõi trung giới, cộng với niềm tin vào Luật của Sự Sống.
- Tất cả chúng ta đều trên con đường và mỗi người ở đúng chỗ của mình. Đừng trách móc trời đất về sự thất bại của mình. Anh là kết quả của tất cả những gì anh đã là trước đây. Con người không thể chết. Một khi hiểu được điều này, anh có thể bắt đầu học cách sống.
'Còn có những cõi bên ngoài cõi này, như một số ít người học hỏi huyền bí học biết vậy; nhưng ở đây, trên cõi này, là nơi anh quyết định tương lai của anh. Đây là nơi mà mọi linh hồn phải tới khi xong kiếp dưới trần và thể tình cảm thoát ra khỏi thể xác. Bất cứ hứa hẹn hay niềm tin nào nói rằng anh có thể nhẩy rào và không phải qua cõi này, đều phải loại bỏ. Anh chỉ có thể học làm chủ sự sống ở đây bằng sự tự chủ mà thôi. Có ba con đường mở ra cho anh:
- Hoặc anh vẩn vơ, sống đời hoàn toàn biếng nhác.
- Hoặc anh có thể học làm chủ cái trí của mình tới mức anh có thể tái sinh, khoác lấy thân xác vật chất, sống trở lại dưới trần.
- Hoặc anh có thể học tập, cải thiện chính mình, rồi khi chán chường nơi đây, anh sẽ được chỉ cách thức để lên cõi tinh thần có làn rung động cao hơn nơi đây. Chỗ ấy thuần sự an lạc, không phải giải quyết những trường hợp trí tuệ điên cuồng, yếu kém, không có trẻ thơ phải chăm lo, và không phải tiếp nhận binh sĩ tử trận.
'Ở đây có vài người trong bọn chúng tôi có thể lên đến cõi an lạc ấy nếu muốn, nhưng chúng tôi hiến mình cho việc trợ giúp người không thể tự lo cho mình. Chúng tôi vui lòng làm công tác ấy bao lâu mà sức lực của mình tương xứng với phần việc. Các chính trị gia của các anh và ai tạo nên chiến tranh lại làm cho việc trở nên bất khả. Chúng tôi chỉ có phần năng lực hạn chế của trí tuệ để cho ra giúp người. Nếu người trần cứ tiếp tục sát hại hằng triệu thanh niên và đẩy họ sang cõi này trước khi họ hết kiếp, chúng tôi sẽ không sao đối phó được với thảm kịch. Để tự cứu mình chúng tôi sẽ phải bỏ công việc ở đây và đi lên cõi tinh thần hầu bảo tồn lấy chính chúng tôi.
‘Khi trước kinh sách cổ gọi cõi này là 'Địa Ngục'. Các nhà tiên tri, vấn linh có thông nhãn gọi nó là chỗ của linh hồn chưa siêu thoát, và quả thật họ mô tả rất đúng. Khi tư tưởng hiện đại thoát khỏi gông cùm đáng sợ của mê tín dị đoan, có những linh hồn sang bên này đã hiến thân để mang lại ánh sáng và dẫn đường, tạo trật tự và tinh thần khoa học. Chúng ta nợ họ một món nợ không sao lường được. Bây giờ cõi này được tổ chức, có trật tự, và tiến bộ. Những ai không thể vượt lên trên bản năng thú tính của mình bị cầm giữ nơi đây. Những linh hồn chỗ này đi tiên phong trong việc tiến bộ về trí tuệ và tinh thần.
‘Ở đây giống như thế giới của anh nơi cõi trần, là một số nhỏ phải gánh lấy gánh nặng cùng dẫn dắt số đông. Nhưng lúc này chúng ta đã tới giờ phút nguy ngập nhất từ nhiều thế kỷ qua. Chẳng những các anh áp dụng khoa học thành động cơ phá hoại cho người trần, mà các anh còn làm cho cõi trung giới thành Địa Ngục trở lại. Anh chưa gặp các nạn nhân chiến tranh của các anh trong bệnh viện của chúng tôi vì chúng tôi muốn tránh cho anh thấy cảnh ấy, họ là những người qua đây với tâm trí tán loạn vì ấn tượng kinh khủng trong giây phút cuối đời về sự tàn sát, nó làm trọn ký ức trước đó biến sạch. Họ cứ sống tái đi tái lại không dứt cảnh khủng khiếp trong những giờ phút cuối đời, và do năng lực tư tưởng của mình, tạo nên hình ảnh kinh khủng mà họ không thể quên.
‘Chúng tôi làm gì được cho họ ? Chúng tôi tìm cách chế ngự tâm trí họ, làm phước bằng cách khiến họ chìm vào hư vô, quên đi mọi việc, ngủ thiếp trong vài giờ.  Phải chi ai thuyết phục trơn tru về những cách mới tàn sát hàng loạt trong chiến tranh được cho thấy những nạn nhân này, thấy cảnh giết chóc mà tâm trí bị quay cuồng của họ tạo nên, may ra họ sẽ kinh sợ cho chính số phận của mình, khi tới lúc phải chia sẻ chuyện kinh hoàng mà họ đã gây ra.
‘Chúng tôi, những kẻ đối phó với sự tàn phá của chiến tranh ở cõi bên này, không có ảo tưởng chút nào. Đạo đức con người đã bị suy đồi từ năm mươi năm nay. Óc tham lam, lòng ưa thích quyền lực, thái độ coi khinh tình yêu nam nữ, đạo đức sụt giảm, và ý muốn tìm giải pháp dễ dàng cho mọi chuyện, đã làm cho dân Mỹ thành người khác xa với cha ông của họ. Ở đây chúng tôi nhận các anh như các anh là.
‘ Tôi đã biết và chỉ dạy bẩy thế hệ của dân tộc tôi ở đây. Tôi không có ảo vọng nào, và tuy vậy không phải là tôi không có hy vọng. Tôi đối đầu với sự thật là chúng ta đã thất bại trong sứ mạng cao cả của quốc gia, về việc mang lại thời đại giác ngộ và tiến bộ mới. Nay chúng ta gạt nó qua bên để can dự vào sự thù ghét và tranh trấp của Cựu Thế Giới (Âu Châu), mà ai lập nên Mỹ quốc đã rời bỏ quê cha đất tổ của mình để tránh chuyện ấy. Anh còn trẻ, kiếp của anh bị cắt ngắn vì cuộc chiến này. Anh nóng lòng muốn trở lai trần. Để chi ? Anh có biết không ?
‘Ở đây, nếu anh chịu ở lại và làm việc với chúng tôi, chúng tôi có thể bảo đảm là anh có một đời hữu dụng. Anh sẽ không có được khoái lạc do ngũ quan mang lại, nhưng còn những hoan lạc khác về mặt tinh thần mà anh sẽ thấy làm cho đời rất hạnh phúc. Chúng tôi không thể yêu cầu anh quên mình vì nòi giống. Chúng tôi chỉ có thể nói là có ai đó phải phụng sự, và chúng tôi tin rằng anh sẽ thấy việc phụng sự xứng đáng với sự hy sinh của anh.’

 

CHƯƠNG XXXIX

Vài người trong khối thính giả có thể tin được điều mà Morton nói với họ. Những người ấy có thể chịu được chấn động của cái chết trong chiến trận; vậy tại sao các bạn đồng đội của họ không làm được ? Họ đâm ra chán chường và nghĩ mấy ông Thầy chỉ 'hù' để khiến họ ở lại đây và chia bớt công việc giảng huấn. Ai nấy quyết định là họ sẽ không giúp kẻ nào khác ngoài chính mình. Ai cũng đã bị chi phối chặt chẽ bởi quân ngũ nên có khuynh hướng là dứt bỏ mọi ràng buộc và sống cho chính họ mà thôi.
Cummings ở trong thiểu số người chấp nhận những gì đưa ra cho họ là sự thật giản dị. Nhiều học viên đi xa tới mức phá ra cười và đùa giỡn với ý niệm người ta có thể bị điên loạn sau khi chết.
Morton đối đầu ngay với việc cười giỡn này.
- Có gì ngộ nghĩnh mà các anh vui như thế ? Có lẽ các anh nghĩ chúng tôi kể chuyện không đúng. Chúng tôi sẽ cho các anh thấy đúng những gì vừa được tả.
Khi đó, các giảng viên, với sự tập trung ý chí của cả nhóm, mang ai chê bai đến những nơi mà bạn đồng ngũ kém may mắn của họ đang được chăm sóc.
Khi các học viên được mang trở về, họ yên lặng và có thái độ hoàn toàn khác hẳn. Họ có vẻ mặt của ai đã nhìn vào Địa Ngục.
- Các anh đã thấy những ai đáng thương mà tôi đã xin các anh giúp đỡ. Nay các anh biết chiến tranh thực sự có nghĩa gì ở bên này. Các anh có thể tìm cách quên nó, nhưng anh sẽ thấy không làm được. Ai có đầu óc chỉ hơn người khờ khạo chẳng thể nào quên được những chuyện anh vừa thấy. Anh có thể bỏ mặc những kẻ đáng thương ấy hoặc có thể giúp họ. Họ sẽ cần một thế kỷ hay lâu hơn nữa để có được sự kiểm soát tâm trí như xưa, và được bình thường trở lại, nhưng họ cần chúng ta hơn hết vào lúc này.
‘Chúng tôi, những linh hồn già dặn, không thể tiếp tục việc này mãi mà không có được trợ giúp. Cõi trần có thể làm được nhiều điều. Mỗi thị trấn, thành phố hay làng xóm có thanh niên tử trận trong cuộc chiến này, bằng cách tập trung tư tưởng của đông người hướng về các thanh niên, có thể mang lại đôi chút bình an cho những linh hồn này, ai không thể quên và vẫn còn sống lại giây phút chót đầy kinh hoàng của họ.
‘Những bài diễn văn, cây thánh giá trắng, tượng đài sẽ được dựng nên, không giúp được gì cho họ cả. Và các anh, sau những gì đã chứng kiến, liệu linh hồn thanh niên là anh có thể sống trở lại lầ nữa trong thế giới chỉ lo việc binh đao ? Liệu các anh có sẵn lòng để cho thân xác và tâm trí mình bị rủi ro trong một nền văn minh sẽ dùng anh như con cờ trong bàn cờ chinh phục ? Anh sẽ có lợi gì nếu tái sinh trong một thế giới như vậy ? Hãy suy gẫm kỹ những câu hỏi này trước khi anh quyết định về tương lai.’
Các thanh niên bây giờ lặng thinh; họ không còn có thể đùa cợt và càng không thể mỉm cười. Cũng không còn sự chê bai các giảng viên và không còn lời chế nhạo ông Thầy. Họ đã kinh hoảng với những điều vừa thấy.
Có một người chẳng xúc động gì với trọn sự việc - Potter. Anh không ngần ngại nói rằng chiến tranh là sự thịnh nộ của Thượng đế nhằm trừng phạt thế giới cho đến khi con người biết và tránh lầm lỗi của mình. Thái độ cho rằng mình đúng của Potter đối chọi hẳn với phản ứng của người khác khiến không ai còn theo anh. Tình huynh đệ nơi người đã thắng lòng mê tín dị đoan và niềm tin mù quáng.
Một kẻ khác yên lặng mà luôn luôn chú tâm theo dõi - Dent Cummings. Anh nắm được cái nguyên lý của mọi điều anh thấy và nghe. Anh thấy rõ ràng là trọn nhân loại sẽ bị diệt vong nếu ở cõi trần người ta không bắt đầu tìm hiểu về đời sống nơi cõi trung giới. Chuyện gì sẽ đánh thức được họ đây ? Anh nhớ một câu trong kinh thánh đã biết khi xưa nói rằng 'Người ta sẽ không tin ai từ cõi chết trở về'. Anh biết điều ấy đúng. Con người đã tôn thờ chính mình đến mức họ không còn tin được vào điều gì khác. Con người không còn có thể đạt tới mức hiểu được cảnh giới bên ngoài ngũ quan của mình.
Dù vậy, điều mà Cummings có thể nghĩ ra là làm sao nói cho người sống biết về hiểm nguy của họ. Từ hồi nào đến giờ anh không quen chung đụng nhiều người, nay anh lại cô độc hơn bao giờ hết. Ba má anh bận rộn giao du với bạn của họ và không quan tâm đến vấn đề của lính hay bất cứ chuyện gì ngoài chuyện của mình và nhóm bạn bè của hai người. Lòng trung thành và tình lân lý khi xưa của người Mỹ nay thay đổi ra sao rồi ? Khi hỏi ba anh thì ông đáp:
- Chúng ta không có dự phần chi trong cuộc chiến này. Chúng ta không còn quan tâm chút nào đến chuyện của thế giới. Ba má dự tính sẽ lên cõi tinh thần khi con đã quen với đời sống ở đây. Ba má đã xa đời sống cõi trần lắm rồi, và chỉ mong có cuộc sống an lạc, yên tĩnh ở những cõi cao, cạnh bên nhau.
Cummings kinh ngạc. Còn có gì ích kỷ và thẳng thừng hơn ? Hai ông bà sẽ được vui sướng và có thể đi tới nơi không còn phải ý thức nhiều vấn đề tàn nhẫn mà thế chiến để lại. Anh lại càng cô đơn hơn nữa, hóa trầm tư hơn; và trong những giờ phút lặng lẽ của tâm hồn, trí anh quay về Doris. Anh tự hỏi nàng sẽ nghĩ gì về những chuyện này. Cuối cùng anh hỏi Morton là có cách nào đưa tin cho bạn. Ông Thầy đáp.
- Vài người nơi cõi trần có thể thấy chúng ta hoặc nghe ta nói, một số ít hơn nữa có khả năng làm được cả hai chuyện; nhưng cách liên lạc này thường bị tắc nghẽn vì đông đảo bạn bè, thân quyến muốn chuyển lời thăm hỏi và trấn an gia đình rằng họ được yên ổn nơi đây. Vì vậy chúng ta không thể tìm được người đồng nào để chuyển thông tin hữu ích. Sao đi nữa, dư luận có thiên kiến về thông nhãn và thông nhĩ nên chúng tôi không còn hy vọng thay đổi được gì với tâm trí duy vật nặng nề của người Mỹ. Tính ra Âu châu tiến xa hơn chúng ta về mặt này.
Ông suy nghĩ một lúc rồi nói thêm:
- Có một người mà tôi mới gặp lúc gần đây trong một chuyến đi xem xét. Anh chàng này có thông nhãn và thông nhĩ ở cõi trung giới. Cựu quân nhân và là thương binh. Tôi nhớ tên anh ta là Flanagan. Có người lính khác gọi anh ta như thế.
Cummings sững sờ. Ra thế, hiển nhiên đó phải là Flanagan !
Morton kể lại chuyện ông gặp trong một rạp chiếu phim.  Khi Cummings tỏ ý ngạc nhiên là ông tới chỗ như vậy, Morton đáp.
- Chúng tôi thường xuyên có những chuyến đi xem xét như thế. Chúng tôi đến xem kịch trường, phim ảnh, hí viện, phòng trà ca nhạc, khu nghỉ mát ở bãi biển của các anh. Chúng tôi xem sự trưng bày tạp chí, nhật báo và sách vở. Chúng tôi lắng nghe chương trình phát thanh. Còn có cách nào khác để chúng tôi xét đoán ảnh hưởng đã nhào nắn tâm trí của ai cuối cùng sẽ qua bên này ?
‘Chúng tôi ý thức rất rõ sự đồi trụy được thương mại hóa xem như là giải trí tại nước chúng ta hiện giờ. Ngay cả âm nhạc, hội họa và điêu khắc cũng trở thành phương tiện cho sự tục tĩu được coi như là nghệ thuật đương thời. Chúng tôi không có cách nào khác để hiểu tâm hồn của ai mà chúng tôi phải tìm cách phát triển nhân tính. Anh không bị hư hỏng vì những khuynh hướng này, anh có sức mạnh thắng được làn sóng rác rưởi của trí tuệ phủ ngập thanh thiếu niên trong thời đại của anh.’
Cummings lạ lùng với sự khinh miệt và chê trách mà ông Thầy nói thẳng không tìm cách che đậy. Morton mỉm cười khi thấy Cummings lộ vẻ ngạc nhiên.
- Chúng tôi không phải là thần thánh. Chúng tôi là người phàm, với đủ mọi tình cảm và xúc động mạnh mẽ của con người. Chúng tôi nỗ lực làm chủ tình cảm cũng như tư tưởng, nhưng chúng tôi có lòng nhân và không thể dửng dưng với sự trào lưu đương thời là gạt bỏ mỹ lệ, sự phong nhã, vẻ thanh cao khỏi cuộc đời. Người khôn khéo và ai gọi là giới trí thức còn hạ thấp sự yêu thương là điều duy nhất có thể cứu độ nhân loại. Nơi nào trong xã hội mà có người khôn khéo sành đời thì nơi đó có đam mê tình dục và lòng chán đời. Chúng tôi không thể giả vờ khoan dung đối với những biểu lộ cho sự suy đồi đạo đức ấy.
‘ Chúng tôi biết có người vẫn lên tiếng ca ngợi lễ nghi khuôn phép và mỹ lệ, nhưng tiếng nói họ bị dập tắt bằng sự la lối ồn ào của đám động. Nào, chúng tôi không thể chấp nhận tiêu chuẩn của du đãng. Nơi đây chúng tôi tìm cách cứu vớt linh hồn của ai đáng được cứu vớt. Vì tất cả đáng được cứu vớt, chúng tôi trưng ra viễn ảnh tốt đẹp nhất cho họ thấy, và nếu họ chọn điều tệ nhất thì chúng tôi chỉ có thể để họ đi theo con đường đã chọn cho mình.’
Cummings không ngạc nhiên khi nghe những lời ấy. Anh đã xa lánh sự tôn thờ điều xấu xa đang len lỏi vào văn hóa của thế giới tây phương.
Bây giờ anh có thể làm gì ? Có thể giúp cách nào để chặn lại làn sóng ?
Nói cho thế giới biết sự thật ! Phải chi có cách làm việc này thì không chừng số ít người giác ngộ sẽ nắm lấy cơ hội và quảng bá nó cho hết thẩy mọi người.
Nhưng trọn câu chuyện xem như chỉ là ảo mộng - bởi nó tuyệt diệu biết bao !
Dầu vậy, anh không thể gạt bỏ ý nghĩ này và bám vào một điểm như là khởi đầu – Flanagan.

 

CHƯƠNG XL

Những lúc tuyệt nhất là khi Molly ở nhà suốt ngày chủ nhật. Cô sẽ dành một phần trong ngày để vá và mạng sau khi họ đi lễ nhà thờ về. Hai người đồng ý quên hết mọi chuyện khác vào ngày chủ nhật, và xem đó là ngày để nghỉ ngơi - nghỉ ngơi theo nghĩa là quên đi chuyện tìm việc của Flanagan, cũng như sự mệt nhọc của Molly ở sở làm.
Họ hạnh phúc dù chỉ có ít điều sở hữu: gian phòng nhỏ nhìn ra khu xóm tồi tàn; nhưng chỗ này được giữ hết sức ngăn nắp và Molly có tài làm cho nó dễ coi với ít đồ đạc của mình. Hai người tin chắc về nhau nên họ cảm thấy hài lòng. Dù tương lai có thách đố ra sao đi nữa, họ vẫn tin tưởng là mình đủ sức đương đầu với nó. Khi thành hôn được vài tuần, sự tự nhiên và tuyệt diệu của việc kết đôi làm hai người chắc chắn ấy là duyên số trời định của họ. Điều ấy cho cả hai có thêm tin tưởng vào cuộc đời và làm họ không sợ hãi tương lai.
Những niềm vui giản dị như đi dạo chơi trong công viên hoặc tới thăm bảo tàng viện làm họ rất vui. Họ thích ngồi xe bus tới cuối của thành phố. Hai anh chị không có tiền đi giải trí nhưng xoay sở và thấy có biết bao điều cho họ nhìn ngắm, thán phục, trầm trồ, và thảo luận. Báo hằng ngày cho họ tin thế giới, và Flanagan thích theo dõi mục thể thao. Trời vẫn còn lạnh khi đi ra ngoài nên họ thấy căn phòng  là cái tổ ấm áp sau khi từ đường phố giá lạnh bước về.
Thỉnh thoảng họ tới vương cung thánh đường và ở đó, cùng nhau quì gối, dâng lời tạ ơn cho hạnh phúc đã ban cho họ.  Nay Flanagan được mạnh hơn và dùng nạng khéo léo hơn. Có lần trong lúc đi tìm việc, anh ngừng lại một chút ở góc đường để xem lại địa chỉ muốn tìm, và anh kinh ngạc nghe có người gọi tên mình. Flanagan nhìn quanh, nghĩ rằng mình nghe lầm. Đột nhiên, anh thấy hình dạng của Hanson lù lù hiện ra ngay trước mặt.
Kể từ khi nói chuyện với Cummings trên tầu hồi hương, Flanagan đã cẩn thận đóng hết không màng đến hình ảnh và âm thanh không thuộc cõi trần, khi anh biết có nhiều linh hồn tử sĩ Hoa Kỳ chung quanh, cũng như những hình bóng khác mà anh không biết về sự hiện diện của họ, vì họ không mặc đồng phục của lực lượng binh sĩ Hoa Kỳ tại Âu châu
Anh không lạ gì với linh hồn của Hanson vì trong chuyến hải hành từ Pháp về, hắn là kẻ to mồm gây bực mình nhất cho cả Flanagan và linh hồn tử sĩ. Nay hắn lại có đây ! Flanagan quyết định sẽ không nói tiếng nào với hắn nên không đáp lại lời gọi tên mình. Cảm tưởng anh có là Hanson càng khả ố hơn bao giờ hết.
Anh lầm lũi tiếp tục đi và tới cao ốc mà anh muốn tìm, nhưng Hanson đi theo bên cạnh. Anh muốn quay ra, nhưng rồi quyết định làm cho xong và nộp đơn tìm việc. Đây là việc kế toán, bởi mới đây anh vừa học xong ngành ấy. Khi anh bước vào thang máy, Hanson vẫn còn ở bên cạnh anh, và dường như thích thú với cảnh anh xoay sở với cây nạng.
- Bồ tèo, anh có cây nạng thiệt bảnh nghe ! Tôi không may chẳng được sống sót như anh, lính Đức mắc dịch làm tôi chầu trời.
Khi rời khỏi thang máy và bước vào văn phòng mà anh chủ ý đến, Hanson vẫn kè kè bên cạnh, nghe hết cuộc phỏng vấn sau đó. Lúc anh ra tới đường phố trở lại, Hanson đi theo, chế nhạo và nói.
- Tìm việc ! Chà, tôi thì cần gì ! Uncle Sam đâu sao không lo cho anh ?
Flanagan biết Molly đang chờ anh ở một chỗ dưới phố, nơi họ đi ăn tối không đắt tiền, và anh tự hỏi làm sao có thể tống khứ vong linh này. Anh giả bộ đi vào tiệm bán thuốc lá, làm như muốn mua hàng. Hanson đi theo, nói oang oang. 
- Ước chi tôi có thể ở trong thân xác của anh và châm một điếu thuốc lá. Bây giờ có Rosenberg thì tôi chỉ được cái ăn. Tôi muốn được hút thuốc.
Flanagan rời cửa hàng trước khi người bán hàng có thể tiếp anh. Giờ anh thấy là không cách nào đẩy Hanson đi chỗ khác. Cuối cùng anh quẹo góc đường, đứng dựa một bên tường của cao ốc. Hanson đứng đối diện thiếu điều muốn đè anh. Flanagan nay nhớ lại cách mình có thể nói chuyện với Brainard và Cummings chỉ bằng cách nghĩ ra những chữ một cách rõ ràng, chậm rãi. Bây giờ anh thử làm vậy.
- Coi này, Hanson, anh làm rộn tôi đủ rồi. Anh muốn gì ?
- Úi chu choa ! anh thấy được tôi !  Nói coi, Flanagan, anh thấy tôi hả ?
- Phải, và tôi có thể nghe được anh. Anh muốn gì ở tôi ?
- Tôi chỉ muốn giao du thăm hỏi. Cảnh sống của người chết không hợp ý tôi. Tôi muốn có một thân xác. Đó là điều tôi muốn, và nỗi vui thú mà tôi có trước khi qua cõi chán phèo này của vong linh.
- Tôi không thể làm gì được về chuyện ấy. Bây giờ tôi muốn anh để cho tôi yên.
- Mèn ơi ! Bồ cái coi. Đi chỗ nào chơi cho vui hè.
Flanagan gần như hết kế. Anh không biết làm sao mà một vong linh có thể ám nhập được người sống, nhưng anh đã nghe việc vong linh thấp kém nhập vào người trần và anh đoán Rosenberg đã là nạn nhân của Hanson. Anh biết viện tâm thần có đầy những bệnh nhân bị vong linh tệ hại xâm nhập, và anh đâm sợ sự hiện diện của vong linh này.
Anh không dám đi tới chỗ hẹn với Molly mà có thằng quái quỉ này tò tò đi theo. Khi họ bắt đầu cất bước trở lại một khúc ngắn, Hanson nói.
- Anh đi đâu vậy ? Nghe nè, mình đi coi hát đi.
Flanagan nhận ra là không chừng anh có thể tách rời được Hanson bằng cách vào rạp xi nê. Anh để ý tìm rạp, mua vé, và sắp bước vào thì Hanson kêu to với anh.
- Coi kìa, coi ai trong rạp kìa ! Một ông Thầy cũng đi xem phim !

 

Winfred Brandon
We Know These Men
(còn tiếp)