TÂM THỨC SAU KHI CHẾT

 

 

Nghiên cứu sách vở TTH về điều gì xẩy ra sau khi chết có thể làm chúng ta hoang mang, vì chi tiết từ các nguồn tin cậy làm như chỏi nghịch, khác nhau hoàn toàn, về điều này ý nghĩa một chuyện xưa có thể áp dụng ở đây. Chuyện kể ngày nọ có đệ tử tới hỏi đức Thế Tôn rằng.
– Bạch Phật, con nên tin ai đây ? Có người bảo con điều này đúng, người nọ bảo điều khác, và cả hai tin chắc là họ đúng cả.
Đức Phật đáp.
– Này con, con đừng tin vào lời nói của ai, ngay cả lời của Ta, trừ phi con thấy điều đó hợp với lòng mình. Nhưng, lúc đó cũng đừng tin nó vội mà hãy xem như là giả thuyết hợp lý cho tới khi con có thể tự chứng nghiệm lấy cho con.
Vậy trong phần tìm hiểu dưới đây bài sẽ theo lời khuyên này. Ta sẽ xét hai nguồn tài liệu, thứ nhất là từ HPB và các Chân sư, thứ hai là từ các nguồn khác.

I. Theo quyển Mahatma Letters to A.P. Sinnett, thư 68 và 70c:
- Khi chết, con người mất tri thức vào lúc ấy tựa như ánh nến bị thổi tắt phụt, và chỉ có tri thức trở lại khi bước vào cõi Devachan. Nói khác đi, trọn thời gian ở cõi trung giới sau khi chết, con người ở trong tình trạng vô thức (unconscious) không còn nhớ chút gì. Quãng thời gian ở cõi trung giới dài ngắn khác nhau tùy người, trung bình là 150 năm và có thể dài hơn thế ... Chỉ có vị đạo đồ hay phù thủy là biết thể xác mình đã chết.
HPB trong CW IX t. 164 nói thêm tình trạng này tựa như con người bị choáng váng sững sờ,  cảm giác có khi bị đập mạnh vào đầu, tạm thời mất tri thức. Cõi trung giới có thể tượng trưng như phòng thay y phục của diễn viên, nơi họ cởi bỏ y trang của vai thủ diễn trong vở kịch vừa xong, để trở lại là con người thật hay chân nhân. Với tất cả người bình thường, việc trút bỏ hai thể tình cảm và hạ trí diễn ra trong  tình trạng vô thức.

II. So sánh với các tài liệu đã đưa ra trên PST, ta lại có chi tiết sau:

● Chuyện Vòng Tái Sinh VTS– tác giả H.K.Challoner.
Vì chuyện đã in thành sách, đăng trên PST và trang web nên xin ghi ra đầy đủ cho bạn dễ tham khảo; sách t.1-2, PST 33 t. 27-28, trang web PST – Lời Mở Đầu.
Nhóm có bốn người nhưng một cô bạn đã chết (t.1),  tuy nhiên người khác trong nhóm có khả năng xuất hồn có thể tiếp xúc được với cô và mang tin về cho nhóm. Chính cô cũng tiếp xúc với nhóm khi cần (t. 2)
Trong phần khác của sách VTS t. 324-334, trang web PST – Cửa Vào Đời Sống Mới, có ba chuyện trích từ quyển The Science of Seership - tác giả G. Hodson cho thấy cả ba nhân vật mà ông tiếp xúc sau khi họ qua đời đều tỉnh thức và sinh hoạt nơi cõi tình cảm. Hai người có phần trí tuệ và tinh thần phát triển cao nói rằng họ tiếp tục công việc đã làm ở cõi trần, nhưng nay là làm ở cõi tình cảm. Một người phụ trách lớp học ở cõi này ta gọi là lớp đêm, dành cho người còn sống học khi họ qua cõi trung giới trong lúc ngủ. Sự việc có lớp đêm nơi cõi tình cảm đã được nhiều nguồn xác nhận, với một học viên đã ghi thành sách những kinh nghiệm khi dự các lớp này, xin đọc PST 29 t. 1, 15.

● Chuyện Hành Trình một Linh Hồn - tác giả Peter Richelieu rất được độc giả hâm mộ, và chuyện Ba Người Lính - tác giả Winfred Brandon, cả hai có trên báo và trang web PST.
Hai chuyện mô tả cảnh sống của người đã chết nay sống thường trực nơi cõi trung giới với tri thức linh hoạt.
Một chuyện khác tên Raymond - tác giả Sir Oliver Lodge cũng cho hình ảnh tương tự. Tóm tắt thì Sir Oliver Lodge là vật lý gia tiếng tăm của Anh, ông có con trai Raymond gia nhập quân đội trong thế chiến I và thiệt mạng năm 1915. Gia đình tìm cách tiếp xúc với con qua người đồng và khi gặp lại nhau, Raymond thuật lại cho gia đình hay về cảnh sống ở cõi bên kia. Sự kiện khoa học gia Oliver Lodge viết sách về đời sống sau khi chết đã gây nên tiếng vang đáng kể hồi sau thế chiến I, nay bạn dễ dàng đọc sách này trên internet. Những lời mô tả của Raymond tương đồng với chi tiết đưa ra trong hai quyển nói trên. Raymond cho cha mẹ hay là sau chấn động ban đầu, nay anh đã làm quen với đời sống mới với đầy đủ tri thức.
Một chi tiết nhỏ mà đáng nói ở đây là Raymond nhận xét rằng lính tráng ai bị mất tay, chân trong cuộc chiến, khi qua đời sang cõi tình cảm họ đầy đủ tay chân trở lại, tuy phải cần một chút thời gian. Chính Raymond lúc sống mất mấy cái răng mà nay anh có đủ như trước ! Xét kỹ thì điều này không có gì lạ khi ta hiểu hình thể bên kia là do hình tư tưởng con người thường có về mình mà ra.

● Sách Old Diary Leaves vol. 1 tác giả Henry S. Olcott, t. 239-40.
Ông Olcott thuật chuyện một triết gia đã qua đời nhưng mải mê với việc học hỏi nên tiếp tục sinh hoạt ở cõi trung giới, thay vì đi vào cõi Devachan. Triết gia là nhà thông thái, trong một thời gian họ cộng tác với HPB và ông Olcott để viết quyển Isis Unveiled. Lời kể của ông Olcott cho thấy triết gia thức tỉnh với trí tuệ linh hoạt, sống động, tiếp tục nghiên cứu như ông đã làm khi còn sống. Ông Olcott được cho hay thực tế là triết gia không ý thức mình đã bỏ xác.

● Chuyện Vị Chân Sư I (The Initiate) - tác giả Cyril Scott (PST 31 t. 9 và trang web).
Linh mục Wilton nhờ Thầy J.M.H. cảm hóa nên được giác ngộ trước khi qua đời. Ngài hóm hỉnh cho Scott hay rằng ngài thấy ông trong thể tình cảm, quan sát tang lễ của mình đầy mãn nguyện. Thầy liên lạc với ông và mang tin về, nhờ vậy đánh tan mọi ý tưởng phân ly. Ông bảo ngài:
- Sự việc khác xa điều tôi tưởng ... Chuyện gì cũng lạ lùng hết. Có một lúc lâu tôi không biết là mình đã qua đời, nhưng rồi tôi nhớ lại mọi chuyện Thầy đã nói tôi nghe ... Mẹ và bà vợ quí của tôi ở đây, cả hai thương tôi rất nhiều rồi đôi khi Thầy lại ghé thăm. Đó là chuyện lạ hơn hết thẩy vì Thầy vẫn còn 'tại thế' như người ta hay nói. Làm sao hiểu được, bởi chúng tôi mới là người thực sự đang sống.
Ngài giải thích với Scott:
- Mỗi đêm khi ngủ ai cũng chết, và sống lại và buổi sáng. Người thường không nhớ mình đi đâu nhưng ai được huấn luyện về khoa huyền bí biết rõ về phần mình; chỉ người như vậy nhớ được hết mọi chuyện đầu đuôi vì do sự luyện tập, họ nối được bộ óc xác thịt với thể tình cảm.

 Các trích dẫn trên đây cho thấy con người giữ tri thức sau khi chết; ta sang cõi trung giới sinh hoạt trong thể tình cảm, và như vậy nói khác với chỉ dạy từ nguồn I. Thế thì Bạch Phật, con nên tin ai đây ?! Có dung hòa nào giữa hai chỉ dạy dường như đối nghịch nhau chăng ?
Xem ra có thể có nếu ta xét đến nguồn tài liệu III là các sách của bà A.A.Bailey.
Trước tiên ta cần nhắc lại vài nguyên tắc căn bản. Một trong những mục đích của cuộc tiến hóa là con người phát triển tiềm năng và làm chủ các cõi trong vũ trụ, nói rộng ra là theo đà tiến hóa, con người sẽ dần thức tỉnh ở các cõi, và chẳng những vậy, đạt tới mức duy trì tâm thức khi đi từ cõi này sang cõi kia. Nó có nghĩa con người khi phát triển tâm linh đầy đủ sẽ tỉnh thức ở cõi trung giới lúc bước từ cõi trần sang nơi đây, làm việc ở đó và khi trở về cõi trần còn nhớ lại điều mình đã làm nơi ấy, tức có sự liên tục tâm thức. Nó tựa như sau ngày làm việc ở sở, ta về nhà và giữ trong ký ức chuyện mình đã làm ban ngày ở sở, tâm thức còn nhớ đủ không suy suyển, không có gián đoạn nào khi thay đổi từ sở về nhà, và ta hoàn toàn thức tỉnh trong lúc ở sở cũng như sau đó ở nhà.
Vào lúc này, có thể chia tâm thức con người làm ba loại khi qua đời:
- Với người chưa tiến hóa, chết thực ra là giấc ngủ và là sự quên lãng, cái trí chưa đủ thức tỉnh để phản ứng cũng như ký ức gần như trống rỗng.
- Với người trung bình, cái chết là tiếp tục của sự sống trong tâm thức, anh theo đuổi các điều ưa thích và khuynh hướng đời mình. Tâm thức và sự tỉnh táo của người ấy vẫn vậy, anh không hề thay đổi. Anh không cảm thấy khác biệt mấy, được chăm lo ở bên kia và thường khi không biết rằng mình đã chết.
- Người tiến hóa cao, có sự tỉnh thức và không ở lại cõi trung giới hay chỉ ở thời gian ngắn.
Như vậy tình trạng vô thức khi qua đời như cho biết trong tài liệu I, là nói chung cho người chưa tiến hóa. Với ai đã phát triển tri thức, điều nhắm tới là làm họ tỉnh thức và sinh hoạt nơi cõi tình cảm khi bỏ xác và sang cõi này. Mỗi giây phút mơ màng không thức tỉnh là thời gian uổng phí, thế nên luôn có nỗ lực thúc đẩy, khuyến khích cho ta thức tỉnh và sinh hoạt; chẳng hạn trong chuyện Hành Trình một Linh Hồn là khi tới ngày giờ thuận tiện, người ta được cho biết về các trường học nơi cõi tình cảm để theo học. Sự kiện thời gian trung bình của ta ở cõi tình cảm là 150 năm, và ở cõi Devachan là 1.500 năm thì ấy là thời gian dài đáng kể. Nếu không thức tỉnh mà chỉ mơ màng trong khoảng thời gian này thì quả là sự uổng phí lớn lao cho sự tiến hóa của ta. Có một chi tiết lý thú liên quan đến sự cần thiết phải thức tỉnh nơi cõi này và cõi trí, xin ghi ra như sau.
Trong quyển CW VIII, p. 392 (PST 38, t. 2), HPB giải thích với Charles Jonhston rằng ai quá thiên về thuyết duy vật, không tin vào đời sống sau khi chết thì theo luật, họ sẽ không có đời sống bên kia cửa tử. Ông Johnston thắc mắc:
- Làm sao điều mà con người không tin lại ảnh hưởng được họ ? Hoặc có đời sống sau khi chết hoặc không có, dù người ta tin hay không chứ.
- Niềm tin của họ ảnh hưởng theo cách sau. Đời sống sau khi chết được tạo nên bởi ước vọng của họ, và sự phát triển tinh thần sẽ nẩy nở ở cõi tinh thần. Đời sống sau khi chết tùy thuộc vào mức tăng trưởng tinh thần của con người, và nó chỉ là cái bổ túc làm cho toàn vẹn đời sống ở cõi trần. Mọi ước ao tinh thần chưa được thỏa mãn, ham muốn về một đời sống thanh cao hơn, những mơ tưởng, nguyện ước thanh cao nhất sẽ kết thành hoa trái trong đời sống tinh thần. Thời gian ở cõi Devachan là 'ngày' của linh hồn tựa như kiếp sống dưới trần là 'đêm' đối với nó. Nhưng nếu anh không có ước vọng, không mộng mơ thanh cao, không tin vào đời sống sau khi chết, thì anh không có vật liệu gì để xây dựng đời sống tinh thần, nên linh hồn anh trống không là vậy.
- Lúc đó người ta ra sao ?
- Anh sẽ tái sinh ngay lập tức, gần như không lưu lại bên kia khoảng thời gian nào, không có thức tỉnh ở cảnh giới đó.
Sách An Outline of Modern Occultism - tác giả Cyril Scott t. 87-88 cho giải thích cặn kẽ sự việc trên. Ông viết có kẻ nghĩ rằng con người không có khả năng để hiểu chuyện tâm linh - agnostic;  và nhiều ai như vậy tin tưởng mạnh mẽ rằng không có Trời, Phật, linh hồn hay đời sống sau khi chết. Theo quan điểm huyền bí học, sự cứng đầu như vậy cho hệ quả rất bất lợi khi họ qua đời.
Chuyện diễn ra như sau cho ai cực lực phủ nhận việc có sự sống sau cái chết. Khi bỏ xác họ sẽ thiếp ngủ trong hình tư tưởng do chính mình tạo ra, bị tách lìa khỏi tâm thức của linh hồn cũng như là khung cảnh chung quanh, cho tới khi hình tư tưởng ấy tan rã như HPB giải thích cho ông Johnston ở trên. Đó là karma của sự tin tưởng khăng khăng mù quáng, và ý bác bỏ này thường là karma của việc lạm dụng hiểu biết bí truyền trong quá khứ.
Nếu chỉ là một số nhỏ người như thế trong xã hội thì không có gì đáng nói, tuy nhiên vào một lúc trong thế kỷ 19, có đông người duy vật bướng bỉnh tin theo cách ấy và con số ngày càng gia tăng. Để ngăn ngừa hệ quả bất lợi, vị Chân sư cung 5 khi đó gợi hứng cho phong trào Thông Linh học - Spiritualism phát triển. Theo quan điểm của Ngài, bỏ phí nhiều năm tháng để say ngủ thì rõ rệt là làm chậm trễ sự tiến hóa, mà nhiều người tự tạo điều kiện này cho mình lại không phải là linh hồn chưa phát triển. Họ có thể rất hữu ích nơi cõi cao, thành ra viễn ảnh ngủ mê man là điều nên tránh càng xa càng tốt. Nếu họ khăng khăng ngoan cố thì tốt hơn họ nên ngoan cố về chuyện có thể giúp ích, thay vì là chuyện có thể gây trở ngại. Óc duy vật không bao giờ giúp được cho con người hay cá nhân để có hạnh phúc hay tiến bộ, còn Thông Linh học có thể làm được cả hai.

Nhân đây ta nói phớt qua một đề tài khác là việc cầu hồn, muốn tiếp xúc với người đã khuất qua trung gian đồng cốt. Ta được dạy rằng những cuộc tiếp xúc này nếu có thì nhiều phần là không phải ta tiếp xúc với chính người đã khuất mà với vỏ của họ (xin đọc bài Hiện Tượng các Vỏ, PST 66 để hiểu thêm về vỏ). Khi con người sắp bước vào cõi Devachan và ta tiếp xúc với vỏ của họ, nó giống như một ai muốn ngủ mà cứ bị quấy rầy, gọi dậy nhiều lần; họ bị cản trở không cho đi theo đường lẽ ra phải đi của họ. Trên thực tế sự việc gây hại cho ai đã khuất nên ấy là điều cần tránh.

Bài Cửa Vào Đời Sống Mới ghi ra chi tiết diễn trình cái chết nên ta không đi sâu vào chuyện ở đây, xin bạn đọc coi lại. Điểm cần nhấn mạnh là ba cái chết xác thân, tình cảm, hạ trí, diễn ra với sự thức tỉnh ngày càng nhiều hơn sau mỗi kiếp. Chuyện phải là vậy vì con người tiến hóa dần và hạ trí từ từ nẩy nở. Họ không còn mơ màng nửa mê nửa tỉnh không hay biết, khi chuyển từ thể xác sang thể tình cảm và rồi thể trí, mà mỗi thay đổi như vậy trở thành như cái chết của xác thân, tức là biến cố rõ rệt. Với ai phát triển trí tuệ và có ước nguyện thanh cao, con người thật tỉnh thức hoàn toàn trong diễn trình. Và bởi não bộ vật chất không còn, trí năng không còn phải làm việc qua đó nên bây giờ nó hóa mạnh mẽ hơn.
Cuối cùng, tới lúc mà người đệ tử chủ ý rời trần trong lúc thức tỉnh hoàn toàn, có hiểu biết khi thải bỏ từng thể của mình. Chân nhân làm chủ ngày nhiều hơn, khiến cái chết đến là do ý chí của nó, và con người biết đích xác việc họ đang làm.
Như thế ban đầu ai chưa nẩy nở tâm linh có thể mê man không có tri thức lúc qua đời như tài liệu I nói, nhưng theo cuộc tiến hóa dần dần họ phát triển đến mức có sự liên tục tâm thức qua nhiều cõi, hệ quả là về sau cái chết diễn ra có ý thức. Đi xa hơn nơi người phát triển cao độ, họ còn có thể cảm biết và thấy trước lúc sẽ lìa đời. Cảm nhận có được đôi khi do tiếp xúc với chân nhân, và ý thức ước muốn của nó.
Nay ta đi sang một chi tiết khác về cõi tình cảm. Sách vở ghi rằng cõi tình cảm không phải thực tại mà là cõi ảo, nó chỉ có do ảo tưởng con người tạo ra mà khi ta thức tỉnh thì ảo tưởng tan biến, không còn cõi tình cảm. Áp dụng vào thực tế, điều ấy có nghĩa ai tiến hóa xa càng lúc càng trụ tâm thức nơi cõi tinh thần, càng ngày họ càng không ý thức sinh hoạt và phản ứng của cái tôi. Lý do là vài tính chất của phàm ngã được làm chủ và thanh tẩy đến mức chúng chìm sâu vào tâm thức, trở thành bản năng và con người không còn ý thức đến chúng. Việc tựa như ai say ngủ không còn ý thức đến sinh hoạt đều đặn của cơ thể đang ngủ như nhu động của ruột, nhịp tim.
Vậy thì chính yếu mà nói, cái chết là sự kiện về tâm thức như chỉ dẫn trong chuyện linh mục Wilton ở trên cho thấy, lúc này ta thức tỉnh ở cõi trần, phút sau đó ta rút sang cảnh giới khác và dần thức tỉnh nơi ấy. Bao lâu tâm thức con người còn đồng hóa với phần hình thể, nghĩ rằng ta là xác thân này thì cái chết sẽ còn gây kinh hoàng cho ta như từ xưa đến nay. Nhưng theo cuộc tiến hóa, khi ta biết mình là linh hồn, và khám phá là ta có thể trụ tâm thức hay ý thức vào bất cứ hình thể hay cảnh giới nào theo ý muốn, ta sẽ không còn phải chết.
Nay phối hợp hai ý:
1. Cái chết là sự kiện về tâm thức, và
2. Người tiến hóa cao, đã phát triển trí năng cao độ, làm chủ tình cảm thì khi chết không còn gì phải tinh lọc nơi cõi tình cảm, họ sẽ lướt qua mà không dừng lại ở cõi này một khoảng thời gian, đi thẳng lên cõi trí.
Ta sẽ đi tới kết luận lạ lùng mà hợp lý và không tránh được, ấy là tuy cõi tình cảm rất thật với con người vào lúc này, sẽ tới lúc ta nhận ra đó là ảo ảnh và không có cõi tình cảm. Dầu vậy ấy là chuyện về sau còn lâu, sự việc được ghi ra chỉ để cho cái nhìn tổng quát về đường tiến hóa mà không quan trọng cho ta ở mức hiện giờ.
Kế tiếp, xin nói thêm điều khác liên quan đến hiện tượng đồng cốt. Ta được dạy tránh xa hình thức đồng cốt mê man:
- Một phần vì trong đa số trường hợp ấy là sự tiếp xúc với các vỏ mà không phải là thân nhân đã quá vãng,
- Phần nữa đã ghi ở trên là không nên làm rộn ai sắp vào cõi Devachan, và
- Kế tiếp là người đồng thường chỉ sinh hoạt ở cõi trung giới, nơi mà hiểu biết tinh thần xem là huyễn tưởng, mộng mị không thật.
Lý do chót  là làm vậy có hại cho người đồng như giải thích dưới đây.
Tự do ý chí là đặc điểm nơi con người cần được tôn trọng hoàn toàn. Như vậy khi người đồng mê man để cho vong linh nhập vào sử dụng thể của họ, cho dù đó là vỏ, họ đã để cho ý chí của mình bị thực thể khác khuất phục và ấy là điều hại rất lớn cho chính họ. So sánh thì có sự khác biệt lớn lao khi HPB để cho các đạo sư sử dụng thân xác của bà trong giai đoạn viết quyển Isis Unveiled, hay khi đức Jesus để cho thầy Ngài là đức Chúa (đức Di Lặc) sử dụng thân xác và giảng đạo 3 năm tại Palestine. Hai trường hợp nhường xác này diễn ra khi hai vị là chủ nhân của xác vẫn thức tỉnh, chỉ bước ra khỏi thân thể, đứng ngoài quan sát sự việc.
Do đó trong tương lai cách tiếp xúc sẽ khác đi, thay cho việc người đồng mê man là người trung gian (medium) thức tỉnh, giúp liên lạc giữa người trần và linh hồn nơi cõi trí. Người trung gian là ai có thông nhãn (clairvoyance) nơi cõi trí, có thể tiếp xúc với linh hồn ngụ ở cõi trí trong lúc họ có ý  thức hoàn toàn. Như thế có hai khác biệt sau:
- Đồng cốt mê man  →  tiếp xúc nơi cảnh thấp cõi trung giới.
- Người trung gian thức tỉnh  →  tiếp xúc diễn ra nơi cõi trí.
Một khi có được ý niệm về những cảnh sống khác nhau sau cái chết, ta sẽ dễ dàng thấy là mọi chuyện có thứ tự lớp lang, ý nghĩa đầy đủ cả, và Con Đường Tiến Hóa  thành diễn biến hợp lý của những chuyện do luật thiên nhiên kiểm soát, đúng về cả lý thuyết và thực hành.

Ý kết thúc và có lẽ quan trọng nhất trong bài là ta cần dùng nhiều nguồn tài liệu khác nhau để khai triển chỉ dạy đưa ra trong sách vở TTH. Việc muốn nói người học hỏi MTTL cần giữ tinh thần cởi mở khi nghiên cứu, tránh thái độ cho rằng chỉ có sách của HPB là đầy đủ, đáng tin tưởng, khăng khăng chỉ dùng sách ấy và gạt bỏ hiểu biết trong sách khác. Nghĩ vậy thì tựa như tin rằng chỉ có vật lý theo Newton là đúng, còn tất cả những khám phá, lý thuyết về vật lý tìm ra sau Newton thì không đáng tin.
Thực tế là chẳng những sau HPB đã có thêm chỉ dạy mới đưa ra trong các sách của A.A.Bailey và nhiều tác giả khác như ta thấy ở trên, mà còn có tiên đoán là tới năm 2025, sẽ có thêm một loạt hiểu biết bí truyền khác lần lượt trưng ra cho thế giới. Trí năng con người đang phát triển mau lẹ thì ấy hẳn là chuyện tất nhiên, thời đại mới cần chỉ dẫn mới cho hợp với tâm thức của tân kỷ nguyên, dù rằng Minh Triết Thiêng Liêng MTTL bất biến. Sự việc còn nhắc lại ý đã được nêu ra nhiều lần, là phong trào TTH sử dụng nhiều phương tiện để trình bầy MTTL cho thế giới, mà hội TTH chỉ là một trong các phương tiện ấy, nó không phải là phương tiện duy nhất được các đấng Cao Cả dùng. Vì vậy, ta sẽ rõ nghĩa nhiều điều khi bổ túc các chỉ dạy trong sách của HPB với những nguồn tài liệu đáng tin khác.

Bài đọc thêm:
- Cửa Vào Đời Sống Mới, trang web PST hay sách Vòng Tái Sinh, từ trang 287.
- An Outline of Modern Occultism, Cyril Scott, t. 86-88.
- Nói Chuyện cùng HPB, PST 38 t. 2 (Collected Writings vol. VIII, p. 392).
- Hiện Tượng và Vỏ, PST 66.
- Esoteric Healing, A.A.Bailey.