BA NGƯỜI LÍNH

Kỳ 5 (PST 61)

Xem trọn bộ Ba Người Lính

Một hôm Carol ngừng lại bên giường, và hỏi anh có biết chàng binh nhì trong đại đội của anh tên Gordon Brainard.
– Ồ, có chứ, anh ta trong đơn vị của tôi. Tôi thấy anh lúc tôi bị trúng đạn.
– Anh muốn nói là anh ấy ...
Cô không thể nói thẳng ra.
– Phải, cái ngày tôi bị thương ở chân. Anh ta và hai người nữa trong đơn vị của chúng tôi.
Chiếc khay trong tay cô có phần ăn còn lại của bữa trưa của một bệnh nhân rơi loảng xoảng xuống nền nhà, và cô nhìn Flanagan trân trân.
– Hắn là bạn của cô ư ?
– Phải.
Trí não cô gái trở lại bình thường một cách chậm chạp, và làm như cô chỉ mới hiểu câu hỏi của anh, cô gắng gượng lắm mới nói được:
– Phải.
Rồi cô nhìn xuống cái khay và bát đĩa vỡ, và một âm phát ra như tiếng rên mà Flanagan không bao giờ quên được. Một người điều dưỡng khác đi ngang qua, tưởng lầm âm thanh ấy, pha trò một câu. Flanagan muốn nói điều gì đó để tỏ ý thông cảm mà không tìm ra lời.
– Tôi không biết ... anh chỉ có thể nói như thế.
Làm như Carol cũng không nghe anh nói gì. Cô chỉ ý thức một điều – là nay không còn Gordon trên cõi đời này nữa.

Cuộc đời của chính cô đã ngưng cùng với đời anh. Kể từ lúc anh rời nhà vào đại học, và hai người hứa hẹn với nhau, cô đã gắn liền tương lai của mình với của anh. Khi xong một học kỳ, anh về nhà nghỉ hè và kể lại kinh nghiệm của mình, chuyện học, chơi thể thao, những buổi hội hè; và luôn luôn chấm dứt với lời rằng xa cô thì không có gì thực sự vui thú nữa; và cứ như thế, từ lúc anh xong năm chót và bắt đầu việc làm về thương nghiệp của anh. Thư của anh viết đầy về cô – về họ. Cô đã chờ và cuối cùng tự hỏi anh có thực sự cần cô chăng để đến với cô.
Cô biết trong những ngày đó mình chưa hề thực sự hạnh phúc, ngoại trừ vài khoảnh khắc, khi anh về nhà nghỉ hè ngắn ngủi, hay trong những lần viếng thăm chớp nhoáng vào dịp Giáng sinh. Dần dần cô mất niềm tin với anh nhưng vẫn tiếp tục hy vọng. Gordon làm đời cô được tràn đầy tuy anh làm cô phải xấu hổ khi gia đình thắc mắc về việc hứa hôn kéo dài. Bạn bè nói đùa thì cô phải nghĩ ra câu trả lời dí dỏm để làm họ không hỏi nữa.
Chiến tranh đã chấm dứt tình trạng khó ăn khó nói ấy. Tính ra cô vui với công việc cực nhọc và đáng sợ này hơn trong bao năm qua, vì trong những giờ phút vụng trộm có được với nhau, khi anh trở về từ chiến tuyến dữ dội ngoài mặt trận, cô hiểu rằng Gordon đã thực sự yêu quí mình. Cô hiểu được cá tính anh thiếu gì và cũng vì vậy mà anh làm cô phải đau khổ, nhưng điều ấy chỉ làm tình yêu của cô đối với anh mạnh hơn mà thôi.
Nhưng bây giờ ...
Khi cô đứng nhìn sàn nhà trơ trụi, nhìn lại mấy năm qua cô hiểu rằng cuộc đời đối với cô đã tới ngõ cùng. Nay chỉ còn sự chờ đợi – chờ đợi cho tới khi chờ đợi chấm dứt.
Nhưng điều này không thể được ! Sự xáo trộn bất thình lình này ! Thế giới mà không có Gordon !
Cô cảm thấy một niềm công phẫn. Vậy có Thượng đế hay không, đấng đã cho phép có việc là Gordon bị tử trận ?
Rồi  miệng cô nở nụ cười khô khan. Thượng đế làm cho chiến tranh xẩy ra thì cô còn hy ...
Oh, cô thật là trẻ con biết bao !
Nhưng bây giờ làm sao cô có thể tiếp tục sống ? Không chừng cô có thể được cho thôi việc và hồi hương ... Không. Chuyện gì khác cũng còn hay hơn chuyện này. Ngoài ra, cô là Carol Carlisle, hai mươi sáu tuổi, là một thiếu nữ. Cô phải làm công chuyện mà cô tới Pháp để làm nó.
Cô đã giúp những người lính sắp chết tin là còn có sự hiện hữu sau khi chết. Chuyện đó có hay không ? Liệu có một Gordon ở đâu đó trong cuộc đời mà cô đã nói cho những người lính hấp hối tin vào không ?
Cô ngước lên và bắt gặp ánh mắt của Flanagan. Nó làm cô nhớ lại hiện trạng ngay lúc này. Cô là điều dưỡng viên trong một bệnh viện ở căn cứ tại Pháp.

 

CHƯƠNG  XIV

 Bệnh nhân của tâm điểm chú ý là Morris Rosenberg.
Anh chàng nhỏ con hoàn toàn bị tán loạn tâm thần vì cái chết của Hanson và những người khác trong đơn vị của anh, bị khủng hoảng không còn thể tác chiến và được mang về đây.
Nay anh đã bình phục đủ để đi lại tới lui và nói chuyện với những thương binh khác. Anh không có óc khôi hài hoặc dí dỏm, và không có tin tức gì nhiều để tiết lộ, nhưng anh vui vẻ, thân thiện và ưa chuyện vãn. Anh có thể tìm ra chuyện để nói và thích nói điều ấy. Nó có thể chỉ là chuyện vãn dài dòng về thời tiết ảm đạm, hoặc nói dông dài về cách mà anh bất tỉnh lúc đồng đội bị tử trận. Anh có thể nói nhiều về cách anh xử sự với bạn mình, khi Hanson và anh còn là một toán thậm thụt làm trò phi pháp. Anh kể chuyện không hề mệt mỏi về nhiều thành tích đã làm trước khi nhập ngũ. Khi một thương binh chán với những lời ba hoa vô hại của anh thì Morris sẽ tìm người khác sẵn sàng bỏ giờ nghe anh một chốc.
Anh không thể nằm yên và càng không thích đọc chồng báo Mỹ cũ. Anh phải nghe giọng nói của chính mình. Anh biết người nghe chuyện chán anh, nhưng làm như nó không hề ngăn lại cơn độc thoại của Morris.
Carol là một trong những điều dưỡng viên chăm lo cho anh. Morris không biết sự liên hệ của cô với Brainard, và khi anh nói hoài không dứt câu chuyện của mình và của đơn vị, thỉnh thoảng anh có nhắc tới tên những bạn trong đơn vị. Một hôm, chẳng bao lâu sau khi Carol nghe Flanagan thuật về cái chết của Gordon, cô đang làm bổn phận của mình một cách máy móc thì nghe Rosenberg nói với người ở giường bên cạnh, một thương binh là binh nhì người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan, về những người cùng ở trong hầm trú ẩn của anh.
– Coi này, có hai người học thức ở chung với tụi tôi. Anh không hòa được với loại người như thế. Họ làm thinh như hến. Nhóm tụi tôi bình thường nhưng hai người đó không phải là người cởi mở. Brainard là số một khi ra trận, nhưng anh ta giống như ai có gia đình gốc Mỹ lâu đời, họ kênh kiệu lắm. Anh hiểu tôi muốn nói gì chứ, họ đối xử với anh đàng hoàng nhưng anh không nhập bọn được với họ.
Carol nghe thấy tên Gordon và không còn lắng nghe coi Rosenberg nói gì. Cô có thể mường tượng ra Gordon phải nghe câu chuyện vô tận, vô nghĩa của anh chàng chán ngắt, nhỏ con này.
Rosenberg thấy cô và tưởng lầm sự chú ý của Carol. Anh gọi to:
– Này, cô ơi ! Tôi giúp gì được cho cô không ?
– Vâng, xin anh lại đây một tí.
Anh nở nụ cười nhẹ và với vẻ trịch thượng một chút, anh đi lại gần cô.
– Tôi muốn biết Gordon bị thiệt mạng như thế nào.
Cô trấn tĩnh mình để bây giờ nghe chuyện. Cô biết mình phải có thể cho gia đình của Gordon hay về cái chết của con trai họ. Cho chính mình thì thà là cô không biết còn hơn, và để cho tâm tưởng còn mãi hình ảnh của anh như lần cuối cô nhìn thấy anh, khi anh ôm cô trong vòng tay, trong một trong những lần gặp mặt ngắn ngủi mà chỉ cần vài lời, anh đã làm cô hiểu rằng hai người được sinh ra là để cho nhau.
Tự nhiên là Rosenberg chỉ biết rằng cô điều dưỡng viên dịu dàng nhất ở đây đã ngỏ ý muốn nói chuyện với anh; anh thấy mình phồng lên một chút vì kiêu hãnh khi đi tới cô, biết rằng hằng chục cặp mắt đang theo dõi hai người.
– Anh ra ngoài đi chơi một vòng nhé ? Tôi nghĩ tôi có thể rảnh việc được nửa tiếng.
– Được chứ. Anh trả lời mau mắn, mặt lộ vẻ hân hoan thích thú. Chà, may mắn rồi đây ! Nữ điều dưỡng như thế này lại có cảm tình với anh và muốn có hò hẹn.
Carol cho anh biết chỗ đi gặp nàng và lúc nào, và Morris thích thú quá đã kể cho nhiều người khác là anh có cái hẹn với một bà hoàng.
Khi Carol gặp anh, Morris sán lại gần và cầm lấy cánh tay cô. Carol tìm cách thoát ra và với giọng giữ cho vững hết sức mình, cô xin anh thuật lại cái chết của Gordon Brainard để có thể làm thỏa lòng cha mẹ của anh và giúp họ được yên tâm về anh.
Ra chuyện cô muốn gặp anh chỉ là vậy ! Phải sống trở lại trọn khung cảnh kinh khiếp ấy.  Thiệt là hụt hẫng ! Thôi đành phải làm chứ sao.
Anh bảo cô là anh không chứng kiến việc xẩy ra thế nào, vì anh đang bận đánh nhau. Anh chỉ biết là mình được cứu và mang ra khỏi chiến trường.
Gia đình Gordon biết anh ta chết ra sao thì có lợi gì ? Nó đâu làm anh chàng sống lại.
– Không, Carol trả lời, nhưng họ sẽ được an ủi nếu biết là anh chết trong khi thi hành nhiệm vụ của mình.
– Oh, phải rồi, anh ta chết đúng vậy. Brainard luôn luôn là người đầu tiên xung phong và không hề ngưng lại trong lúc lâm chiến.
Cô điều dưỡng này thật chán mớ đời ! Kêu anh rời khỏi khu bệnh binh thoải mái để bì bõm lội sình. Sình ! Lầy ! Bộ anh chưa thoát khỏi nó sao ?
Carol đưa anh trở về bệnh viện, một anh chàng Morris rất ư là lặng lẽ. Anh về giường ngủ, có cảm tưởng là cô gái này không xem anh như một người đàn ông, tức không thấy anh có hấp dẫn gì. Anh muốn làm tình với một người đàn bà, muốn mình là người tình. Anh muốn quên là có chiến tranh. Từ khi vào bệnh viện anh vẫn luôn hy vọng là có thể khiến được một cô điều dưỡng thương yêu anh. Khi cô điều dưỡng này mời anh đi dạo với cô, anh tưởng mình đã khơi mào được chuyện gì, nhưng cô không hề nhìn anh trong suốt buổi đi hai người đi cạnh nhau. Anh cảm thấy mình bị xúc phạm. Cô là một trong những người Mỹ kênh kiệu, tệ như Brainard và Cummings. Cả bọn cho là họ cao hơn ai có cha mẹ là di dân tới Hoa Kỳ.
Thành ra Rosenberg nằm trên giường và quyết định rằng khi về nước anh sẽ theo chủ nghĩa Xã Hội. Người Mỹ nào thì cũng hoặc theo đảng Cộng Hòa hoặc đảng Dân Chủ mà thôi. Anh sẽ cho những kẻ kênh kiệu ấy sáng mắt ra.
Carol suy nghĩ mông lung nên không để ý tới Rosenberg và tâm tình của anh. Khi nào vết thương của Flanagan khá hơn cô sẽ hỏi anh để biết điều cô muốn biết.
Bây giờ ban ngày dường như bất tận và ban đêm là sự kinh hoàng cho tới khi cô có được thuốc ngủ, khiến cô nửa có được sự yên ổn và nửa là đầu óc mụ mị. Lúc này cô ước phải chi mình có tin tưởng thật sự vào ý tưởng cổ xưa về Thiên đàng mà cô tin hồi nhỏ.  Niềm tin thật kỳ cục ! Gordon mà thành thiên thần thì quái đản biết bao !
Tới nay thế giới đã thay đổi biết chừng nào. Làm như cô ưa thích cái tôi của mình cách mấy ngày trước. Cô tiếp tục làm công việc như trước đây, mà có vẻ như cô đang ở trong khoảng không trống vắng. Thế giới riêng của cô đã ngưng lại rồi. Sẽ không còn có thư nào gửi cho cô, điện thoại hoặc có lời gọi thình lình ‘Binh nhì Brainard muốn được gặp cô’.
Giờ đây anh đã xa cách cô mãi mãi ở nơi lặng lẽ kéo dài đến thiên thu. Một người, trong hằng ngàn người đàn ông đang chết, đã làm đời cô tan vỡ.

 

CHƯƠNG  XV

 Trong dẫy giường dài không có ai thư thái hơn Flanagan, vì anh tin chắc là chẳng bao lâu anh sẽ được hồi hương.
Về nhà !
Điều đó có nghĩa gì với anh ?
Một buồng ngủ nhỏ trong ngôi nhà cũ trên con đường xập xệ.
Có lẽ còn không được vậy, vì căn phòng mà anh ngụ và đâm ra ưa thích ấy, cho dù có bàn ghế không đẹp mắt, không chừng đã có người khác tới mướn từ lâu rồi.
Anh nghĩ tới thành phố New York như là nhà. Nhà là tượng Nữ thần Tự Do trong cảng, tay giơ ngọn đuốc lên cao, là con tầu trên các dòng sông, tầu kéo, phà, thuyền lớn, xà lan và tầu bè qua lại trên sông nước; thợ thuyền trên bến tầu. Nhà là cao ốc nhấp nhô ở đường chân trời, đường ở khu phố xưa cũ kỹ, và đường xe lửa trên cao ồn ào. Thực sự thì nhà là hết thành phố, luôn cả công viên và đại lộ Thứ Năm, những cao ốc chung cư khổng lồ và sông Hudson xinh đẹp; những cây cầu và xe điện ngầm, thùng báo góc đường, xe taxi và xe hơi, xe hàng. Hơn hết thẩy, đó là vương cung thánh đường và nhà thờ trong giáo xứ của anh, nơi anh đi xưng tội và rước lễ.
Là công dân của New York tuyệt biết chừng nào !
Luôn luôn anh cảm thấy hân hoan khi thấy người sửa chữa vệ đường, hay khi xe chữa lửa hú còi vang dội chạy ráo riết trên phố. Anh có hãnh diện của ai sở hữu hết mọi điều, luôn cả cách hữu hiệu mà cảnh sát giao thông làm công việc khó khăn của họ.
Anh có chân trong hội quán chính trị của khu anh ở, đi dự những cuộc họp và có ý kiến về tư cách của các ứng viên. Đôi khi anh còn bàn luận với bạn cùng chỗ làm về nhu cầu có cải tổ này hay kia trong thành phố.
Đương nhiên anh không có ảo tưởng nào về địa vị của mình trong đời. Anh không thể ra lệnh cho ai. Anh chỉ là dân thường trong hàng ngũ công dân và sẽ chẳng bao giờ có thể ra lệnh gì.
Ít khi anh thật sự quan tâm về tình trạng của nước nhà. Anh là công dân của thành phố New York, trung tâm của thế giới. Phần còn lại của Hoa Kỳ làm như chỉ là hậu cảnh dở dang lôi thôi của New York. Anh luôn luôn nói về những thành phố khác như là phố chợ quê mùa.
Anh đã tới những khu nghỉ mát ở bãi biển gần nhà và đi xe điện sang những tiểu bang lân cận trong những chuyến đi ngắn, tuy nhiên dân cư ở những nơi này làm như có phần nào là người ngoại quốc đối với anh. Vì tính tình dè dặt ít nói, anh không hề giao du với người ở những nơi khác, ngay cả những ai anh gặp trong trại lính và từ khi sang đất Pháp.
Anh thường bực mình với Brainard và Cummings khi hai người này khen những đô thị khác thành phố của anh. Họ thường chỉ trích New York như là không phải Mỹ. Nghe vậy làm anh nổi giận, nhưng anh không hề nói gì thêm về chuyện này. Hai người đó học đại học và tưởng là họ biết hết mọi điều. Sao đi nữa, họ theo đạo Tin Lành nên về lâu về dài chuyện họ nghĩ không có giá trị gì. Ai là dân New York thì là nhất.
Đó là điều duy nhất không đúng ý về người yêu của anh; cô sinh ở miền quê, ở thị trấn tên Fairview phía trên của tiểu bang. Mà có lẽ thành hôn với cô gái vùng quê lại tốt. Người như vậy không hư hỏng, họ bình thường và tự nhiên hơn, biết cách xử sự trong đời hơn. 
Flanagan nằm với hình ảnh thành phố của anh trôi nổi trước mắt, cảm nghĩ về quê nhà tràn ngập tâm trí anh. Ngày mà anh bước xuống cầu tầu lên bờ và nhìn thấy gương mặt hớn hở của Molly tìm kiếm anh sẽ tuyệt biết mấy ! Anh sẽ khập khiễng đi, có khi còn phải dùng nạng, và cô sẽ khóc trong tay anh. Trời ! Làm sao cô có thể chờ cho tới khi đó ?
Rosenberg tìm cách làm thân với anh, nhưng Flanagan chỉ trả lời cụt ngủn và không tỏ ý đáp ứng. Anh không muốn nghe Morris và không tìm cách che dấu việc ấy.
Tội nghiệp cho Rosenberg không hiểu được người như vậy. Flanagan có tư tưởng riêng của mình, từ hồi nào tới giờ vẫn không chơi với ai, nhưng nay cả hai nằm trong bệnh viện và họ là những kẻ duy nhất còn sống sót của đơn vị, vậy tại sao không chơi với nhau ? Thế mà, sau hai ba lần tìm cách trò chuyện không xong, anh ta đành chịu và tránh xa Flanagan.
Bất cứ khi nào Flanagan muốn nói chuyện thì anh hỏi xin gặp linh mục tuyên uý và tỏ hết tâm tình của mình cho ông. Linh mục tuyên uý lắng nghe và hiểu lòng anh. Còn với bác sĩ, Flanagan cho là họ thiên vị, và tin chắc họ không chữa trị đúng cho cái chân của anh. Bác sĩ lắng nghe lời cằn nhằn của anh về chuyện vết thương lâu lành, nhưng họ có quá nhiều việc phải làm nên không để ý tới lời chỉ trích ngầm của anh. Khoảng thời gian tốt nhất là khi cô điều dưỡng của anh tới và trò chuyện với anh.
Carol có trực giác mạnh nên cảm nhận được nam tính tiềm tàng bên trong chàng binh nhì nhỏ con mà dẻo dai này. Ngoài ra, anh đã từng quen biết Gordon; chỉ mình điều ấy cũng đủ làm anh khác với mọi người. Lại nữa, Flanagan đàng hoàng hết sức. Cách xử sự của anh có hơi nhát mà có duyên của nó khi anh được chăm sóc. Anh có thể khó tánh với bác sĩ nhưng với điều dưỡng thì anh luôn luôn tỏ ra biết điều, và có vẻ giữ cho mình càng ít làm phiền càng tốt. Ngay khi anh có thể tự mình làm được chuyện gì nhỏ nhặt thì anh làm ngay.
– Công việc của cô thiệt lớn lao ở đây, anh bảo với Carol như vậy. 
Anh không nối kết việc cô hỏi thăm về Gordon Brainard với sự thay đổi nơi cô mà anh thấy từ khi ấy, nhưng anh rủa trận chiến trong đầu vì sự đòi hỏi làm tan nát tim người của nó đối với sự chịu đựng của con người. Những cô gái dễ thương, như cô này, đang rã rời vì công việc. Nỗi vui duy nhất mà anh có là khi Carol nhét một tờ báo cũ ở New York vào tay anh. Ngay cả mục quảng cáo cũng làm anh vui.
Một đêm, khi đã tắt đèn, lúc Flanagan nằm tính toán cơ may để được lên tầu nay mai đi về New York, Carol dùng đèn bấm đi tới bên giường anh. Cô mang cho anh thức uống ấm giống như sữa, nhưng trước khi anh uống xong, cô ngồi xuống bên giường và xin anh kể cho hay Gordon Brainard đã tử trận ra sao. Gương mặt cô chìm trong bóng tối, nhưng có gì đó trong giọng nói của cô có vẻ lạ lùng, anh nghĩ vậy.
Flanagan cho cô hay rằng Brainard té xuống và lập tức Cummings chạy ào tới bên anh. Rồi một trái đạn bắn tới làm người của Cummings tung tóe thành bao mảnh vụn. Chính anh thì được Chris Goerstch cứu mang về đơn vị. Anh kể làm sao Chris đã vác anh trên lưng đi về giao thông hào. Lính Đức mới đầu đẩy lui phòng tuyến của họ, nhưng lính được tăng viện và anh nghe là phe Đức đã bị đẩy lui trở về vị trí ban đầu của họ. Chỉ là bổn cũ soạn lại, anh phê bình – người ta bị thiệt mạng, bị thương và không bên nào chiếm được điều gì.
Carol ngồi yên trong bóng tối và lắng nghe.
Có bao nhiêu đời phụ nữ đã bị tan vỡ ở đây ? Họ không hề được kể tới. Chỉ có sự mất mát của lính là được chính thức ghi nhận.
Flanagan thấy hơi sợ một chút khi kể xong câu chuyện ngắn ngủi của anh và rồi lặng thinh sau đó. Khi Carol nhận ra là anh lính này không còn gì để nói cho cô nghe về Gordon, cô cám ơn anh và chúc anh ngủ ngon.
Với trực giác của người dân Celt, nay Flanagan biết được bí ẩn của cô. Cô mới lạ làm sao ! Cô tiếp tục làm công việc của mình như trước. Cô không vắng mặt ngày nào. Thôi, anh tội nghiệp cho cô. Brainard là người đàng hoàng và luôn luôn chịu chơi, điều ấy anh nói chắc được. Anh nằm đó suy nghĩ về Brainard, và bất thình lình thấy Brainard bên cạnh, nói chuyện với anh.

 

CHƯƠNG  XVI

Khi Flanagan trấn tĩnh với sự bất ngờ và chấn động, anh thấy hình dạng của Brainard giống y như đã biết lúc anh ta còn sống, có lẽ mắt có tia nhìn rõ ràng hơn, và có cái gì giống như ánh sáng chiếu ra chung quanh thân hình cao thước tám ấy. Flanagan tin chắc đấy là linh hồn của anh lính mà anh đã thấy ngã gục.
Tôn giáo của anh đã chuẩn bị cho anh điều này; anh được dạy trong đạo vài điều về đời sống sau khi chết. Anh cũng biết rằng mình có thông nhãn và thông nhĩ từ hồi nào đến giờ, nhưng anh ráng làm ngơ những kinh nghiệm ngoại cảm (extra–sensory perception esp) của mình, và không hề cho ai khác hay chuyện ấy.
Khi anh bình tĩnh lại và được tự nhiên, anh bắt đầu nghe điều Brainard nói.
– Flanagan ! Flanagan, anh nghe tôi nói không ? Brainard đây. Tôi không có chết. Thân xác tôi bị giết chết nhưng tôi không chết. Flanagan, tôi muốn nói chuyện với anh. Ráng nghe tôi đi.
Flanagan sợ phải nói lớn tiếng vì mấy người khác có thể bị đánh thức dậy, nhưng anh muốn biết coi Brainard tới để nói chuyện gì.
– Flanagan, làm ơn làm phước, ráng nghe tôi đi.
Flanagan tìm cách nói thầm trong trí, tức suy nghĩ từng chữ thật rõ ràng làm như anh phát âm hết sức rõ mỗi chữ.
– Brainard, tôi nghe anh đây. Anh muốn gì ?
– Nghe này, Flanagan, tôi có một người bạn ở đây, cô điều dưỡng Carlisle. Tôi với cô đã hứa hôn với nhau. Tôi muốn cô biết là tôi còn sống. Anh có hiểu không ?
– Hiểu.
Và Flanagan lập lại những chữ của Brainard như anh đã nghe.
– Đúng rồi. Anh nói giùm với cô là tôi sẽ trở lại đây vào tối mai nhé ?
– Được, tôi sẽ nói.
– Cám ơn, ông già.
Có một hình người khác và sáng nhiều hơn đến bên cạnh Flanagan, nhưng lạ lùng quá, người này có vẻ như mặc quân phục thời Nội Chiến, không phải quân phục của Lực lượng Hoa Kỳ tại Âu châu hay của bất cứ đồng minh nào. Người lạ này nói.
– Anh thấy không ? Nhiều người thấy và nghe được chúng ta bằng thần giao cách cảm của trí tuệ.
– Tôi cứ tưởng đó là chuyện nói dóc.
– Có nhiều chuyện là gạt gẫm. Tuy nhiên tất cả các tôn giáo đều phát nguyên từ những mặc khải có được bằng những cách như vậy.
Hai hình bóng này đi xa dần trong khu và Flanagan dõi nhìn theo.
Kể chuyện này cho cô điều dưỡng Carlisle nghe à! Liệu cô có tin anh chăng, hay cô sẽ nghĩ là cơn sốt làm anh ăn nói quàng xiên như thế ? Để anh ngậm nhiệt kế thì biết ngay chứ gì.
Anh ráng ngủ, nhưng mấy điều vừa thấy và nghe cứ lập lại trong đầu. Mong sao cô điều dưỡng ấy chịu tin anh, chấp nhận câu chuyện của anh. Anh phải thú thật là không vui cho lắm với chuyện phải làm. Anh biết người có học nghĩ ra sao về mấy chuyện này. Họ gọi chúng là mê tín, hoặc do tiềm thức gợi nên. Anh suy tính phải mở đầu ra sao để nói với cô điều dưỡng, hầu làm cô không chế diễu.
Trông Brainard có vẻ buồn quá, anh nghĩ, chắc vì bị xa lìa bạn gái của mình. Chắc chắn là vậy, vì anh được dạy là người ta có hạnh phúc ở đời sau. Mà có lẽ chỉ có người Công giáo là được hạnh phúc. Nhiều phần Brainard là người vô thần.
Khi anh thiếp ngủ, anh vẫn chưa nghĩ ra được cách nào rõ ràng để cho cô hay.
Carol thức trắng đêm. Cô không còn tự chủ được và đột nhiên suối nước mắt tuôn tràn với não cân căng thẳng. Chung quanh có người nên cô nại cớ để đứng lên khỏi giường, ra khỏi căn phòng chung của các nữ điều dưỡng, và đi ra ngoài sân.
Cô vừa đi vừa khóc. Rồi cô lảo đảo, té xuống và nằm quị trên mặt đất ướt sũng. Cô không còn muốn làm gì để làm chủ nỗi đau khổ của mình. Tiếng khóc và rên rỉ miệng cô phát ra nghe như giọng lạ lùng đối với tai cô. Carol lấy tay đập xuống nền đất, điên cuồng trong phút giây này. Cô không còn biết thời khắc nữa.
Cuối cùng hết hơi, cô nằm lặng trong bùn như những người lính bị tử thương nằm trên bãi chiến trường.
Sau một lúc, cô cảm thấy mù mờ là mình được an tĩnh. Cô nghĩ hẳn đó phải là phản ứng tự nhiên đối với cơn khóc than vật vã của mình. Óc cô như mụ đi, và cô không biết chút gì là mình đã đi bao xa hoặc đang ở đâu.
Cuối cùng, tâm trí cô bắt đầu tỉnh lại. Cô quì gối lên và nhìn vào ánh sáng xám ở chân trời. Chẳng bao lâu là tới phiên trực của cô. Cô có điên hay không mà hành động như vầy ?
Carol vội vàng đứng dậy và chạy về bệnh viện. Lỡ ai thấy cô thì sao ? Cô giải thích ra sao về hình dạng tóc tai của mình ? Cô biết vắng mặt ban đêm sẽ làm người ta nghĩ gì. Đã có quá nhiều cô điều dưỡng đi chơi đêm với các thương binh trong lúc bình phục, điều đó làm cô không tránh khỏi lời bàn tán sẽ lan ra.
Khi lẻn được về phòng, cô cởi bỏ đôi dép ướt và áo lấm bùn và đi tắm trước khi có ai thức dậy. Cô còn tìm được một áo ngủ sạch, khô, mặc vào rồi chui lên giường.
Chẳng bao lâu cô được gọi đi trực. Đầu tưởng như sắp vỡ đôi còn chân cô gần như đứng không vững. Ngay cả bàn tay làm như cũng không còn hồn. Khắp người thấy yếu đuối, mệt nhọc. Giọng nói cô hóa phẳng lì và mắt chỉ chực chẩy nước mắt dưới đôi mi sưng húp. Carol có cảm tưởng như thân thể đã bị ngọn lửa nào đó thiêu huỷ. Tuy vậy, cô chậm chạp thay y phục, không còn chút hăng hái nhậm lẹ thường khiến cô là người đầu tiên sẵn sàng cho phiên trực sáng.
Sau khi uống xong tách cà phê sáng, có bộ máy nào đó trong người cô bắt đầu làm việc. Cảm giác trống rỗng trong lòng không còn và cô có thể đi lại mà không cần gắng công cho lắm. Cô biết mình xanh xao và mắt cho thấy là đã khóc thầm trong đêm. Nhưng không ai nói gì. Thỉnh thoảng một điều dưỡng viên sẽ ở cả đêm cạnh một thương binh hấp hối, viết những thư chót của anh gửi cho thân nhân ở nhà, và cô gái mệt nhọc, làm việc quá sức này sau khi viết xong chữ chót và nghe làn hơi cuối của anh lính, sẽ khóc quay về phòng. Nước mắt không có gì là chuyện lạ ở đây. Không ai phê bình gì về đôi mắt mọng đỏ của Carol.
Trí não cô chậm hơn bình thường và ngón tay cô băng bó vết thương cũng bớt khéo léo hơn vào sáng hôm ấy. Cô cũng không còn lời khuyến khích hằng ngày cho các bệnh binh. Khi đi tới Flanagan, anh thấy ngay lập tức cô đã có chuyện gì. Nay anh mau mắn muốn cho cô cái tin sẽ làm thay đổi mọi việc cho cô.
– Cô à, cô có theo đạo Thiên Chúa không ?
Carol cột cho xong miếng băng quấn chung quanh chân của anh.
– Dạ có.
– Vậy cô có tin là chúng ta sống sau khi chết ?
Carol ngần ngừ. Cô có tin vậy không ? Nói thực thì cô không tin trong lòng. Anh chàng này sao thắc mắc quá vậy ?
– Tôi chắc là giống như mọi người, tôi có hơi nghi ngờ một chút.
Flanagan ngần ngại rồi đánh bạo nói.
– Có thật đó, chúng ta còn sống sau khi chết.
Cô ngước nhìn anh.
– Sống sau khi chết à ?
– Phải.
Cô mỉm cười. Đó là nụ cười cay đắng và rầu rĩ nhất mà anh chưa hề thấy trên mặt phụ nữ. Làm như cô quan tâm đến miếng băng hơn là lời đáp của anh cho câu hỏi của cô.
Sau đó anh không biết tiếp tục ra sao. Cô ngước lên và bắt gặp đôi mắt ưu tư của anh.
– Có chuyện gì thế ?

 

Wilfred Brandon - We Know These Men
(còn tiếp).

Geese

Thông Báo
Hiện PST đang cần hình của hội quán Hội Thông Thiên Học Việ
t Nam trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, trước 75 để đưa vào sách Theosophical Encyclopedia, ấn bản thứ hai. Rất mong quí độc giả trợ giúp bằng cách nếu có hình mặt tiền của hội quán xin vui lòng scan và gửi file theo email về cho báo. Xin đừng gửi hình bằng bưu điện vì nếu thất lạc thì rất đáng tiếc. Nếu quí vị biết ai khác có hình xin cho PST hay để liên lạc, ngoài ra PST cũng mong có được tất cả những hình ảnh khác về hội Việt Nam bằng cách scan hình như vừa nói.