HÔN NHÂN 3
Hôn Nhân 3
Một trong những bài học lớn quan trọng nhất của con người là cuộc sống lứa đôi, nhưng vài trường phái về huyền bí học không có thiện cảm với hôn nhân, cho rằng nó là chướng ngại cho tiến bộ tinh thần. Dầu vậy ta cần nói ngay đây là quan niệm sai lầm. Tình trạng độc thân có thể hữu ích trong vài trường hợp nào đó nhưng nó không phải là một luật chung, vì có lời dạy rằng sống một mình thường khi sinh ra tính ích kỷ sâu đậm. Do đó hôn nhân không những có thể chữa được khuynh hướng ấy, mà còn là môi trường hữu ích để dạy nhiều bài học giá trị nếu được hiểu đúng đắn. Mục đích của học viên khi muốn hiểu về hôn nhân dĩ nhiên là không mang tính ích kỷ mà có tính vị tha, anh ý thức rằng thái độ sai lầm về hôn nhân là một trong những nguyên do lớn lao nhất sinh ra đau khổ trong đời, và khi dẫn dụ làm con người thay đổi được thái độ ấy, thì sẽ cải thiện được nỗi đau khổ thật sâu kín trong nhiều trường hợp.
Chuyện đầu tiên ta cần nhận biết là có rất ít người thành hôn vì động cơ thực sự không ích kỷ, sự kiện này thấy rõ trong lời nói thường ngày. Họ bảo:
– Tôi muốn thành hôn vì tôi yêu.
– Tôi muốn lập gia đình tại muốn có bạn.
– Tôi thành hôn vì muốn có con.
– Tôi lập gia đình chỉ vì không muốn ở cu ky một mình.
Tuy đây là những động cơ hết sức tự nhiên và thuận tính người, tất cả đều có không ít thì nhiều lòng ích kỷ, bởi ý nào cũng có chữ “Tôi muốn”. Thật lòng mà nói ta không thể quên sự kiện là về một nghĩa nào đó, ai thành hôn trong lúc tâm hồn đầy thương yêu lãng mạn lại là người ích kỷ hơn hết, vì thường thường động cơ ẩn trong ý này là:
– Tôi muốn trọn tâm hồn và thể xác của người tôi thương chỉ cho riêng tôi mà thôi.
Khi ham muốn dựa trên lòng ích kỷ thì kết quả thường là thất vọng, lý do là tâm hồn tràn ngập tình thương yêu lãng mạn hay khiến người ta mù quáng đối với cá tính thật của người họ thương. Thế nên hôn nhân do mê say đắm đuối dễ là kết quả của việc thiếu óc xét đoán, và họ chỉ nhận ra như thế khi hết yêu, nhưng rồi lại quên ngay khi yêu. Chúng ta đều biết là có nhiều người thiếu óc phán đóan, tới mức họ có thể lẫn lộn giữa tình cảm lãng mạn và sự tương hợp tính tình với lòng hiểu biết thật sự. Nếu đã thành hôn họ có thể ly dị với lý luận rằng người bạn không đúng là tri âm tri kỷ của mình, mà quên rằng đã có lúc họ yêu thương say đắm người ấy. Và rồi đã hết yêu lần này rất có thể họ sẽ yêu thương trở lại nữa. Lắm cuộc ly dị không hẳn có nguyên cớ về tình dục, mà nhiều phần là do sự thiếu suy xét, cái nghiêm trọng bội phần. Nếu người si dạị như vậy chỉ cần kiểm soát ham muốn tình dục, và ngưng chìu theo lòng si mê thì hôn nhân không nhất thiết phải đổ vỡ, nhưng họ ngưng dùng óc phán đoán, và tin rằng mình không thể sống mà không có nhau, thì dĩ nhiên tai hoạ trong hôn nhân chắc chắn sẽ xảy ra.
Động Cơ Thanh Cao Hơn Cho Hôn Nhân.
Nhìn như vậy thì thấy rõ cách hữu hiệu nhất để bảo vệ hôn nhân, là khiến con người có lý tưởng cao hơn, với hình thức là một động cơ bớt vị kỷ khi thành hôn. Phải mất nhiều năm mới được như vậy, nhưng ta chớ quên rằng bầu tư tưởng là chuyện có thật, một khi con người chấp nhận, sống theo và truyền bá tư tưởng nào đó, với thời gian kẻ khác sẽ tự động làm theo. Ngay cả với tình trạng hiện nay, ít nhất người ta cũng đang thay đổi hay thanh lọc lại lý do để thành hôn. Họ bắt đầu ý thức ngày càng nhiều, rằng lập gia đình vì thương yêu lãng mạn là việc làm không khôn ngoan, và lấy một người bạn có sự quyến rũ vừa đủ về tình dục, làm cho cuộc sống lứa đôi được dễ chịu thì tốt hơn.
Dầu vậy ai nghĩ như trên chỉ là thiểu số mà cho dù họ nghĩ thế, đa số là nạn nhân hạnh phúc của số mạng. Hoặc họ chưa hề biết thương yêu sâu đậm, hoặc có thương yêu như thế nhưng vào lúc không tiện có hôn nhân. Chỉ những ai thương yêu say đắm vào lúc thuận tiện có hôn nhân, mới bị ràng buộc vào chuyện vợ chồng trước khi họ ý thức một cách sáng suốt, rằng hết yêu thì dễ hơn là yêu. Nhưng nhìn theo quan điểm huyền bí thì dĩ nhiên có vấn đề nhân quả cho những vướng mắc như vậy. Người trong trường hợp đó phải giải trừ loại karma mà chỉ có hôn nhân mới cho ra điều kiện cần thiết, dù là karma tốt, xấu hay lẫn lộn cả hai. Khi đó tình yêu lãng mạn là phưong tiện được sử dụng để mang lại karma cho họ.
Ta vừa nói việc nên có động cơ để bớt lòng ích kỷ và do đó cao thượng hơn để thành hôn, và không cần phải cố gắng ta cũng có thể tưởng tượng ra được chúng là gì. Động cơ đầu tiên trí óc nghĩ ra là ước nguyện tạo các thể thích hợp cho linh hồn tái sinh, nhưng dĩ nhiên muốn vậy thì cần phải có óc suy xét mạnh mẽ. Người đàn ông nào nói: “Tôi sẽ lập gia đình với cô gái đầu tiên mà tôi yêu”, nhưng lập gia đình với ý vừa nói rất có thể không có được kết quả mong muốn. Cô gái có thể mang những đặc tính mà con cô không nên thừa hưởng, hay không có tính chất mà con cái nên thừa hưởng. Khi đó anh bạn của chúng ta cần phải có lòng xả kỷ đủ để bỏ qua ý muốn lập gia đình với cô gái đó, và tìm người bạn đời khác thích hợp hơn cho mục đích vị tha của anh.
Dầu vậy phải nhìn nhận rằng đòi hỏi con người thành hôn vì động cơ cao thượng tuyệt vời này, mong họ có sự quên mình là điều khó thấy, chỉ trừ rất ít trường hợp. Thế thì cái tốt nhất mà ta có thể hy vọng là một sự dung hòa. Ai không sẵn lòng thành hôn vì động cơ hoàn toàn vô ngã, có thể thanh lọc mình tới một mức nào đó với lòng không vị kỷ và minh triết. Ai ý thức được rằng hôn nhân không phải là thiên đàng, mà là trường huấn luyện cho việc nuôi dưỡng nhiều đức tính, là đã sẵn sàng tiến bước về hướng thích hợp.
Về sau, nếu muốn vun trồng những đức tính này để trở thành dụng cụ tốt đẹp hơn cho những đấng cao cả, thì họ sẽ thanh lọc động cơ của mình tới mức cao hơn, hơn thế nữa khi làm vậy là họ cũng tập cho mình vững chãi hơn đối với những thất vọng trong đời. Họ sẽ ý thức trước tiên và hơn hết thảy là tình vợ chồng không phải là cây hoa tự nó lớn được, mà là cây kiểng nếu không được chăm sóc cẩn thận sẽ héo úa và chết đi. Không mấy người có karma tốt lành đến độ tình yêu tự nó cũng lớn mạnh không cần vun trồng, mà ngay cả khi được vậy, sự kiện hai người mê mẩn đắm đuối chỉ biết có nhau cũng là chuyện nguy hiểm, vì nó có thể sinh ra lòng ích kỷ gấp đôi. Ai chỉ yêu có một người và làm ngơ những kẻ khác, sẽ tự nhiên không muốn có tâm thương yêu hết mọi người, điều mà người học hỏi huyền bí học nhắm tới. Thế nên chính karma tốt có thể khiến cho tiến bộ chậm lại.
Nhân Quả Xấu trong Hôn Nhân.
Vậy thì chẳng phải nhân quả tốt mà nhân quả xấu trong hôn nhân là điều nên suy ngẫm. Tại sao nhiều người thành tâm muốn học hỏi huyền bí học lại có cuộc hôn nhân không được tốt lành ? Trong một số trường hợp, đó là vì chân nhân thúc đẩy họ vào cuộc sống lứa đôi loại sẽ khiến họ học một số bài học, và cùng lúc trả bớt nhân quả xấu. Nhưng chuyện khó hiểu là nhiều người như vậy có bạn đời chống đối hẳn với khoa học huyền bí, và tất cả những gì có liên quan xa gần với nó. Đặc biệt các bà thấy mình thành hôn với quí ông như thế, ta thường nghe các bà than vãn:
– Tôi muốn dành nhiều giờ hơn để đọc cho thông, nhưng ông nhà tôi kịch liệt phản đối. Hễ có mặt ông là tôi không dám hé môi nói tới huyền bí học.
Tuy nhiên trở ngại càng lớn thì công vượt qua nó càng đáng khen. Việc học hỏi lâu dài, đi nghe giảng, thảo luận hào hứng chắc chắn có ích lợi của chúng. nhưng ai chỉ đọc kỹ một cuốn sách hay và cố công thực hành chỉ dạy trong sách, có thể làm ta tiến bộ nhanh hơn, và cho ra sự hiểu biết bên trong lớn lao hơn, so với người đọc nhiều chỉ để thu thập kiến thức trong sách và thông thạo lý thuyết mà thôi. Qúi bà có ông nghịch ý mình hãy tự hỏi:
– Chân nhân thực sự muốn tôi học hỏi điều chi, khi chồng tôi không có thiện cảm với ý muốn của tôi ?
Câu trả lời đầu tiên và hiển nhiên nhất là tánh kín đáo tế nhị, mà xui xẻo thay đó là tánh đông người nhiệt tâm lại thiếu. Chuyện hay thấy là khi bà tìm ra được triết lý khiến họ rất đỗi thỏa mãn, người đầu tiên mà họ muốn thuyết phục là ông chồng, nhưng có thể ông lại chưa sẵn sàng để tiếp nhận huyền bí học. Hơn nữa thường khi họ lại trình bày theo cách sai hẳn, cũng như nói về MTTL trước khi có hiểu biết thông suốt để làm người khác tin được. Lòng nhiệt thành đầy cảm xúc không phải là kiến thức hay lý luận chặt chẽ, và thường làm quí ông bực bội vì họ quen với cách nói chuyện có đầu đuôi. Thế thì bà vợ có thể bị ông chồng phản bác thẳng thừng ngay ở câu đầu tiên, và bà chỉ biết đáp gượng gạo:
– Tôi ăn nói không rành, nhưng nếu ông nghe ông X hay bà Y giảng thì chắc chắn ông sẽ tin ngay.
Rồi sau đó có thể có những câu nói bóng gió, gián tiếp hướng về người chồng làm ông cáu kỉnh thêm, cuối cùng dẫn tới đòi hỏi là đừng đề cập tới huyền bí học trước mặt ông nữa… (như đã viết ở trên). Nói cho cùng, để công bằng thì không hẳn đề tài làm ông khó chịu, mà chính là cái cảm xúc hay thấy nơi người học khoa này. Tới đây ta có bài học thứ hai mà quí bà trong trường hơp này có lẽ cần phải học, đó là kiểm soát cảm xúc của mình theo một số cách. Không chừng đó chính là lý do bà được thúc đẩy thành hôn với ông chồng mà bà xem là thiên về vật chất, ông có thể tác động như là cái thắng kềm tính sôi nổi, và là sự giúp đỡ rất cần thiết nằm dưới ngụy trang. Hơn thế nữa, ngay cả việc bà theo đuổi huyền bí học trong trường hợp này có thể là một hình thức thụ hưởng cho riêng mình, và nếu được ông chìu ý bà có thể lãng quên phận sự của mình, trở thành ích kỷ mê mải vào việc chỉ là niềm vui trí óc và tình cảm, mà không là gì hơn.
Có nhiều người dù không ý thức, trong quá khứ đã dùng huyền bí học như là cái cớ để hóa ra ích kỷ một cách trắng trợn, thế nên theo luật nhân quả, họ bị ép buộc vào hoàn cảnh khiến cho việc học hỏi hết sức khó khăn. Nhưng một điều hiển nhiên là dù hoàn cảnh không thuận tiện ra sao đi nữa, ông chồng khó tính, chống đối tới bực nào, không có gì có thể hoàn toàn chận đứng sự phát triển bên trong, cái mà người học đạo thành tâm nhắm đến. Thật vậy, môi trường càng thiếu sự thông cảm chừng nào, thì càng thuận lợi cho việc vun trồng tâm thức làm nó dễ chịu hơn. Thay vì trách móc luật nhân quả đã sinh ra khung cảnh đó, người học đạo nên ý thức đó là luật tuyệt đối công bình và tốt lành, và nên có lòng yêu quí luật thay vì nóng nảy đối với nó. Vắn tắt thì một Chân Sư dạy rằng hãy học yêu mến luật.
Karma Xấu cho Các Ông.
Ta vừa xem qua vài khó khăn của các bà gặp phải trong đời sống lứa đôi khi muốn học đạo, và dĩ nhiên quí ông cũng đối đầu với trở ngại tương tự nhưng có lẽ nhẹ hơn. Vài ông do nhân quả có thể thấy người vợ bực bội khi ông ưa thích huyền bí học, hoặc do lòng ganh tị hoặc do tin rằng nếu một người trong lứa đôi có sở thích không được người kia chia sẻ, thì gây ra cách bịệt tâm tình. Hay cũng có thể là người vợ như thế lúc xưa đã tập ma thuật và nhận hậu quả, nên ngày nay đâm ra sợ hãi khi nghe nói đến huyền bí học, bảo rằng ai tập việc ấy sẽ thành bất bình thường hay ngay cả điên loạn nữa. Dù có thái độ ấy và bất cứ lý do hời hợt nào đưa ra để chống đối, nếu các ông thật lòng muốn tìm hiểu sẽ có thể đoán ra bài học mình phải học.
Một phương pháp hữu ích là trước khi đi ngủ hãy định trí cầu xin chân nhân tỏ ý rõ ràng, và ý định của chân nhân có thể đến như là ấn tượng ta có, khi buổi sáng thức dậy. Trong nhiều trường hợp chỉ cần suy luận diễn dịch một chút là ra, khi khác thì mối dây nhân quả bị ẩn dấu nên chỉ bằng cách xin được soi sáng như vừa nói, thì người ta mới mong có được tỏ ngộ. Tuy nhiên một điều có thể nói chắc, là tình thương thật sự cộng với minh triết sẽ giải quyết được nhiều khó khăn, và một số lớn các bà sẽ thôi không chống đối sở thích trí tuệ chỉ của riêng ông, nếu ông làm cho bà thấy rằng nó không ngược lại với việc tâm đầu ý hợp,
Để đi tới mục đích này ông cần hiểu rõ bản chất người nữ. Ông chớ bao giờ nên quên một điều rất hiển nhiên, là việc bầy tỏ tình thương mang ý nghĩa rất nhiều cho đàn bà hơn là cho đàn ông, tuy rằng có ngoại lệ. Ông cần biết là nhiều phụ nữ thấy chẳng những bao nhiêu tình cảm âu yếm cũng không đủ, mà ngay cả lời thương yêu hay thư từ cũng vậy. Khi hiểu ra ông nên hành động theo, và điều ấy vừa làm cho bà vui mà cũng đồng thời tạo thói quen xử sự cho ông. Đối với một số người việc tạo thói quen nghe có vẻ lạ, nhưng ai tập cho mình biểu lộ thương yêu khi trong lòng không có ý đó, là tự đặt kỷ luật cho mình, việc sẽ giúp họ có được tâm từ.
Nói cho đúng thì nhiều bà có thể bảo rằng sự biểu lộ ngoài ý muốn này không phải là tình thương, và bà có thể tức giận nói:
– Tôi không muốn được vuốt ve mơn trớn, trừ phi ông thật tình muốn làm vậy.
Nhưng lời nói dễ hiểu này phát xuất từ lòng kiêu hãnh hơn là lý luận. Điều hợp lý là một hành động được thực hiện chỉ để làm vui lòng người khác, thì đáng khen hơn là hành động làm chỉ để mình hài lòng mà thôi, cái sau làm là do lòng ích kỷ còn cái trước là do tình thương. Như thế nếu ta thay lòng kiêu hãnh bằng lý luận thì có thể biện luận thêm:
– Ông chồng nào muốn làm vợ sung sướng bằng vài cái âu yếm vuốt ve, khi tự trong tâm không muốn, hẳn phải có lòng thương bà sâu đậm và trong sạch, hơn là người âu yếm vuốt ve bà chỉ để cho ông được vui.
Chuyện dễ thấy là người đàn bà nào có thể nhìn sự việc theo cách ấy, phải là người có sự khôn ngoan trên mức trung bình. Không bao giờ nên để cho lý luận này xẩy ra, vì chỉ có ông chồng nào rất đỗi vụng về khi tỏ ra không ích kỷ, mới khiến vợ mình đâm nghi ngờ ý định hoàn toàn vị tha của ông.
Hệ Quả của Đời Tu Viện.
Chuyện không tránh khỏi là có một số người tập huyền bí học theo môn phái này hay kia, vẫn còn giữ ý nghĩ rằng mọi liên hệ giữa hai phái bắt buộc phải là chuyện đi ngược với phần tinh thần, nó không thể nào đi kèm với cái ‘tâm trong sạch', và phải không còn tình dục người ta mới mong có tiến bộ về mặt huyền bí. Nếu xét theo phân tâm học ta thấy ngay thái độ này là do có ẩn ức và bị kềm chế, nhưng chúng chỉ là ảnh hưởng mà không phải là nguyên do chính. Muốn tìm hiểu cái sau ta phải trở ngược lại vài kiếp trước. Nghiên cứu bằng thông nhãn tiết lộ rằng một số lớn những ai kiếp này bị thu hút về huyền bí học, thì trong một kiếp trước đã từng là nam hay nữ tu sĩ, và như vậy trong tiềm thức họ bị hệ quả của việc ấy chi phối, tức đời sống trong tu viện và kỷ luật ở đó. Ngoài ra ai làm tu sĩ không nhất thiết là do động cơ trong sạch nhất thúc đẩy, thường khi là do lòng sợ hãi, sợ thế gian, sợ những đau khổ thử thách trong đời. Như ta biết, đối với đời sống trong tu viện bất cứ điều gì liên quan đến tình dục, tình cảm nam nữ đều bị xem là tội lỗi, chỉ có một cảm tình được chấp thuận và khuyến khích, đó là tình thương Thượng đế và các thánh theo tôn giáo tây phương.
Kết quả của chủ trương này là trong kiếp hiện tại người ta có mặc cảm về tình dục, như chống đối mạnh mẽ hôn nhân, có tính câu nệ giả đạo đức đối với tình dục, hay trong trường hợp quá đáng thì hết sức khe khắt về bất cứ biểu lộ tình cảm nào giữa hai phái. Sao đi nữa, vì ai đi trên đường đạo chẳng chóng thì chầy phải đối đầu và hiểu rõ tình dục, người có cái tôi rất mạnh sẽ bắt buộc phải lập gia đình, cho dù có mặc cảm và ẩn ức. Nếu là phụ nữ không chừng họ bị các ông nồng nhiệt theo đuổi không nản lòng, khiến cuối cùng, họ buông xuôi đầu hàng vì mệt mỏi. Có khi dù là nam hay nữ, họ yêu thương say đắm tới mức muốn thành hôn, nhưng hy vọng có thể giảm tới mức tối thiểu chuyện chăn gối khi sống chung. Không cần phải nói, hy vọng biến thành thất vọng vì đó là nhân quả riêng của họ, và họ bắt buộc hoặc phải trực diện với bổn phận của mình dù không muốn, hoặc vợ chồng có bất hòa triền miên. Nếu phàm ngã mạnh hơn chân ngã thì có thể dẫn đến ly dị hay ly thân, còn nếu chân ngã sai khiến được phàm ngã, nói khác đi con người lắng nghe tiếng nói tâm linh, thì học được bài học chân ngã muốn có trong kiếp này, là tập thái độ hợp với thiên nhiên hơn, hợp lý hơn và quên mình hơn về tình dục.
Hệ quả của đời sống trong tu viện còn có thể biểu lộ theo cách tế nhị hơn. Có thể có ham muốn cuồng nhiệt về tình dục cộng với cảm nghĩ có lỗi cũng mạnh mẽ y vậy khi được thỏa mãn, mà nó cũng có thể biểu lộ như là đồng tính luyến ái. Các tu sĩ nam nữ vì không có liên hệ tình dục - điều là chuyện tự nhiên - trong khi họ là người có nhiệt tình nồng nàn, có thể dùng cách này hay cách khác để thay thế cho việc giao hợp bình thường, cho dù nó ngược lại với mọi qui luật trong tu viện. Vì vậy họ tái sinh với khuynh hướng đó và trong nhiều trường hợp, hôn nhân không chữa tật ấy được, bởi tật chìm quá sâu trong tiềm thức.
Ai có cảm tình ta nói ở trên, có sự chán ghét hay cảm thấy có lỗi đối với hành động hết sức tự nhiên về tình dục, thì có thể có lòng ích kỷ trong chuyện gối chăn khi lập gia đình, trừ phi họ nhìn nhận và thật tâm giải quyết nó. Bao lâu mà người ta coi liên hệ tình dục là ngược với chuyện tinh thần, thì thái độ ấy cho họ cớ dễ nghe để giữ tính ích kỷ loại đó. Bằng ngược lại nếu họ hiểu ra cái nguyên nhân bí ẩn gây nên tâm tính trên, và cho rằng nó chẳng là gì khác hơn hệ quả của đời sống trong tu viện, thì hiểu biết ấy có thể giúp họ thay đổi được tâm tính. Nói khác đi họ hãy nhận thức rõ ràng và trọn vẹn, là không bao giờ karma đặt để ai vào cảnh ngộ nào mà không có bài học để học, và nhiều việc mà họ xem là chống lại phần tinh thần, thì lại có liên hệ với bài học quan trọng nhất mà họ phải học.
Không cần phải nói, những bài học này có rất nhiều và thay đổi theo nhu cầu mỗi người, dầu vậy ta có thể đúc kết thành ý chính là ‘Thực hành tính vô ngã trong mọi việc ở đời’, hay sửa đổi câu ngạn ngữ xưa thành ‘Chuyện gì đáng làm thì đáng làm một cách không vị kỷ'. Trong bất cứ trường hợp nào ta không nên có ảo tưởng về hôn nhân và trách nhiệm của nó. Tình bạn trong trắng (platonic) có thể rất tốt trong một số trường hợp hiếm hoi, nhưng ai chọn cách ấy để nhắm tới cái họ tưởng là mục tiêu tinh thần, thì thường khi không có hiểu biết đúng đắn. Bất cứ việc gì có tính tự hành hạ mình, hay khổ hạnh lạ lùng là dấu hiệu mất thăng bằng, và không đồng nghĩa với nét tinh thần chân chính cùng tiến bộ thực sự bên trong.
Nay xin kể câu chuyện đôi bạn trẻ tuổi đầy lý tưởng nhưng mất thăng bằng, thành hôn với nhau và mong muốn phụng sự những đấng Cao Cả.
Người Muốn Làm Đệ Tử.
Thuở xưa có một lứa đôi như vậy ở tuổi thanh niên, và chắc chắn có nhiều cô cậu khác giống như họ, bị ảnh hưởng bởi những ý tưởng sai lầm về sự thanh khiết, tin rằng chỉ ai diệt dục hoàn toàn mới chứng tỏ là có thể phụng sự đúng nghĩa. Thế nên hai cô cậu ngồi kề bên nhau, cầm tay và mơ màng nhìn vào mắt nhau, họ không dám làm gì hơn nữa vì nghĩ rằng như thế là tội lỗi, bởi đọc trong sách vở là phải diệt mọi ham muốn. Và rồi anh nói với cô:
– Phụng sự nhân loại một mình là chuyện tuyệt vời, nhưng có bạn lòng để cùng phụng sự thì tuyệt vời hơn nữa.
Cô đáp lại:
– Em hiểu lắm, và tất cả những gì anh muốn thì em cũng muốn theo…
Ngày kia anh bảo:
– Em yêu, nay chúng ta đã thành hôn sáu tháng và chống được mọi cám dỗ, ta đã chứng tỏ là mình xứng được làm đệ tử các Thầy. Đôi ta hãy lên đường tới gặp nhà hiền triết ẩn cư trong rừng bên kia núi.
Cô trả lời:
– Không, tốt hơn anh hãy đi một mình vì em cảm thấy mệt mỏi hôm nay, em sợ không đi bộ nổi đoạn đường xa như vậy. Hơn nữa, em nghĩ mình không xứng đáng bằng anh vì bản chất phụ nữ thường yếu mềm.
Thế thì sau vài lời âu yếm, người thanh niên ra đi một mình. Anh đến cúi gập người chào nhà hiền triết và thưa:
– Bạch Tôn Sư, con đã thanh lọc trí não và thắng được cám dỗ của xác thân, cho dù thành hôn với người con vô cùng yêu mến. Nay con ao ước được trở thành đệ tử của ngài và học những gì cần học để phụng sự nhân loại.
Nhà hiền triết nhướng đôi mày rậm nhìn anh một lát rồi hỏi:
– Hãy học làm phận sự của anh.
Và thanh niên hỏi:
– Vâng, nhưng phận sự con là gì ?
Nhà hiền triết trả lời:
– Về nhà gặp vợ anh và hỏi cô thì rõ.
Nói xong ông khoát tay bảo anh về rồi tham thiền tiếp. Chàng thanh niên có hơi hoang mang, thất vọng, quay trở về làm như lời dặn của ông. Cô vợ e ấp nhìn anh và bảo:
– Làm sao em có thể cho anh hay điều chính anh không biết, em không được khôn ngoan và mạnh mẽ như anh.
Cậu trai suy nghĩ hồi lâu, nát óc mà cũng không hiểu hiền triết muốn nói gì. Cuối cùng anh lên đường lần nữa, gặp lại ông và thưa:
– Bạch Thầy, con vâng theo ý thầy nhưng nhà con cũng không biết gì hơn nên con lại phải tới đây.
Nhà hiền triết hỏi một câu chẳng ăn nhập đầu đuôi gì cả:
– Vợ anh khỏe ra sao ?
Thanh niên đáp :
– Nhà con xanh xao mệt mỏi, có vẻ không tươi tắn như thường ngày.
Nhà hiền triết nói:
– Mà anh không thể đóan tại sao ư ?
Cậu trai chỉ lắc đầu thưa:
– Thưa Thầy, cái đó cần bác sĩ thuốc men mà con thì không biết gì về chữa bệnh.
Nhà hiền triết trả lời:
– Này chú em, già đây nghĩ cả hai anh chị vừa ngốc nghếch vừa yếu mềm, và không ai trong anh chị có đủ khả năng phụng sự nhân loại. Vì anh chị giống như người không biết bơi, mà muốn cứu kẻ biết bơi đuối sức sắp chết chìm. Hãy biết rằng gia đình là nơi bắt đầu cho mọi việc phụng sự, và ai muốn phụng sự nhân loại nói chung phải bắt đầu bằng cách làm tròn phận sự của mình đối với vợ nhà, làm thỏa mãm điều mà bản chất tự nhiên của cô đòi hỏi.
Đúng vậy, bất cứ phận sự gì mà con người phải làm tròn, thì nên làm với hết khả năng mình theo luật pháp và tập tục qui định, cho dù đó là việc quét đường hay bổn phận làm chồng. Chẳng phải người khôn ngoan mà người khờ dại mới nói như sau, ‘Chuyện này hay chuyện kia là trở ngại cho việc phụng sự’, và khi nghĩ như vậy sẽ tìm cách tránh né bổn phận của mình, hay quay sang làm việc khác cái này rồi cái nọ mà không hề được thỏa mãn.
Hãy quay về với vợ con. Do thiếu sáng suốt và bị tham vọng tinh thần làm mê hoặc, con đã mong đợi nơi cô quá nhiều. Hơn nữa việc con giữ mình trinh khiết trong sạch, chẳng phải là kết quả của sức mạnh mà đúng hơn là của sự yếu đuối, bởi quá tin vào những gì con tưởng lầm trong sách vở.
Tới đây nhà hiền triết ra hiệu cho anh lui ra và tham thiền trở lạị.
CYRIL SCOTT
Theo ‘The Greater Awareness'
Xem Bài Liên Quan: Giá Trị của Hôn Nhân