HẬU THÂN ĐỨC PHẬT

Hậu Thân Đức Phật


I. Bảy Nguyên Lý.

Đức Thích Ca có hậu thân cũng như một số các vị Chơn Sư khác. Muốn hiểu rõ sự cấu thành hậu thân ngài ta cần nắm vững bảy nguyên lý của con người, bảy năng lực trong thiên nhiên và bảy cấp độ của sự biểu lộ tinh thần và trí tuệ. Ba thành phần của con người tùy theo những cách phân loại khác nhau có thể được chia làm nhiều nhóm nhưng phần cuối và phần đầu của sự phân chia ấy luôn luôn giống nhau. Con người chỉ có bấy nhiêu thể với đủ mọi tính chất, và sự tạo thành những thể ấy không hủy đi nét điều hòa của toàn đơn vị. Như vậy, khi khoa Bí truyền chia con người làm bảy phần, phái Vệ Đà chia năm, nhóm khác nữa lại gộp chung làm bốn.

Với câu hỏi: “Làm sao một linh hồn có thể sống nhiều đời sống cùng một lúc mà vẫn giữ trọn đặc tính của Chơn thần trong chu kỳ sống ?(manvantara) (1) “, nhà huyền bí có thể trả lời dễ dàng trong khi với người thường thì thực khó hiểu. Bảy nguyên lý là sự biểu lộ của một tinh thần bất khả phân chia, nhưng vào lúc cuối của chu kỳ sống chúng hợp làm một trên cõi cao nhất, và khi đó sự hợp nhất mới thực sự xảy ra. Trên con đường trở về, các tính chất của Chơn thần đều có khả năng họat động ở một trong bảy cõi hợp với chúng. Trái đất của chúng ta có đủ điều kiện cho bảy cõi này, nên thể vía và thượng trí của vị Chân sư tuy hợp nhất với Atma và Bồ đề vẫn có thể tách rời khỏi Chân thần để sống một cách riêng rẽ ở cõi trần, do lòng thương xót muốn độ nhân loại của ngài. Các thể ấy mượn hình hài tạm và hoàn thành hai việc cùng một lúc: thanh toán nhân quả riêng của chúng và hướng dẫn vô số linh hồn tới bờ giác.

Khi Đức Phật nhập Niết Bàn thì cái tâm thức nguyên khởi vốn ngụ trong thân xác ngài đi đâu ? Vào Niết Bàn hay là sẽ chuyển vào hậu thân của ngài ? Câu trả lời sẽ là cái tâm thức “bị giam cầm” có thể là sự hiểu biết do quan sát và kinh nghiệm mang lại, nhưng cái tâm thức “bên ngoài thân xác” không phải là kết quả mà là nguyên nhân. Nó là một phần của toàn khối, là một tia sáng của sự sáng do đó vô cùng không thể bị giới hạn, không thể nói nó trụ nơi này, vật này hay nơi kia, vật kia. Chỉ phần ảnh hưởng của nó thuộc về cõi sắc tướng vì dù tư tưởng là năng lực ảnh hưởng vật chất về nhiều mặt, nhưng chính tâm thức theo triết lý Đông phương là tính chất cao nhất của Bồ đề, không thuộc về cõi vật chất. Lúc con người qua đời, nếu đó là bậc tiến hóa cao, tính chất của người ấy sẽ chuyển hóa thành nguyên lý, cái tôi có ý thức sẽ trở nên Tâm thức mà không còn dấu vết là cái Tôi, có nghĩa tâm thức không còn bị giới hạn hay ảnh hưởng bởi ngũ quan, thời gian hay không gian. Bởi vậy, nó không cần phải tách khỏi hay từ bỏ thể Bồ đề mà nó là một phần, để phản chiếu trong thể vía của hậu thân và cũng không cần trụ vào nơi nào. Ngủ mơ là một thí dụ của điều này ở trình độ chúng ta. Nếu tâm thức hoạt động khi thể xác và bộ óc ngủ say, thì năng lực hoạt động ấy còn mạnh hơn bao lần khi nó không còn vướng bận gì đến bộ óc, được hoàn toàn tự do.

II. Bí ẩn của Hậu Thân Đức Phật.

Đức Thích Ca trong kiếp sống của ngài vẫn phải học hỏi để được truyền dạy những bí ẩn của sự sống như mọi linh hồn khác, cho tới ngày ngài rời Hy Mã Lạp Sơn đi truyền đạọ. Với Đức Jesus cũng vậy, không có gì được biết từ năm mười hai tuổi đến năm ba mươi tuổi khi ngài bắt đầu giảng đạo. Đức Thích Ca trong giai đoạn học hỏi đã tuyên hứa giữ kín phần Triết lý Bí truyền được giảng cho ngài, nhưng bởi lòng thương xót vô biên chúng sinh còn mê muội, cùng những khổ nạn của loài người vốn là kết quả của vô minh, dù không muốn ngài đã lỗi thề, giảng dạy nhiều hơn phần được phép giảng. Khi thuyết về Nhãn Pháp, ngài để lộ vài triết thuyết vượt quá giới hạn cho phép, và khiến chúng bị hiểu lầm. Trong cố gắng loại trừ thần thánh giả hiệu, ngài đề cập tới vài điều bí truyền của thế giới vô sắc tướng khi nói về bảy con đường dẫn tới Niết Bàn.

Nhưng đôi khi, chân lý tiết lộ một phần gây hại nhiều hơn khi chân lý hoàn toàn giữ kín. Triết thuyết của ngài trình bày cái vỏ của chân lý bí truyền mà thiếu tinh thần sống động bên trong đã có ảnh hưởng tai hại: chúng tăng không hiểu nó trọn vẹn và phái Nam tông loại bỏ thuyết ấy. Tuy lòng từ ái vô cùng và tình thương bao la với muôn loài vạn vật là căn nguyên cho lỗi lầm không cố ý của ngài, nhưng luật nhân quả không kể đến những điều ấy. Đạo Phật tuy đưa ra một hệ thống luân lý cao đẹp và một triết lý về vạn vật trong vũ trụ không gì sánh bằng, nhưng nó cũng khiến những linh hồn còn non tin rằng lời ngài giảng là tất cả, ngoài ra chẳng còn gì và  chỉ một lòng tin vào chữ nghĩa, kinh sách. Hơn thế nữa, lời giảng làm xáo động nhiều linh hồn hiểu biết trước đây theo phái Bà la môn chính thống.

Bởi vậy, khoảng năm mươi năm sau khi tịch diệt, vì lòng từ và cũng để tròn nhân quả, Đức Phật từ chối Niết Bàn và tái sinh lần nữa thành Samkara, vị Tôn Sư cao cả nhất của phái Vệ Đà tại Ấn. Triết thuyết của Samkara - dựa trên chân lý vĩnh cửu giống như Đức Phật đã làm- là gạch nối giữa phần siêu hình học ẩn mật của Bà la môn chính thống, với phần giảng dạy của Phật giáo về vỏ ngoài của triết lý bí truyền không kèm theo tinh thần bên trong. Như thế, Samkaracharya có phải là Đức Phật trong thân xác mới chăng ? Người đọc có thể rối trí nữa khi biết rằng thể vía của Samkara chính là thể vía của Đức Phật nhưng thể Atma lại khác với Đức Phật. Sự việc có được nhờ ba thể của Chân nhân (Thượng trí, Bồ đề và Atma) có thể được chuyển di sang thân xác mới hữu hình và vô hình. Khi thân xác này hữu hình ta có một Đức Phật, nếu vô hình sẽ là vị Nirmanakaya (2). Đức Phật đã nhập Niết Bàn nhưng thể vô hình của ngài được giữ lại, sau khi thể xác bị thiêu hủy lúc tịch diệt. Thể ấy được giữ gìn bao lâu nhân lọai đau khổ còn cần đến nó, và có nhiều lần Đức Phật trong thể ấy (dùng phương pháp mà chúng ta hoàn toàn không biết) hợp với các Đấng Hóa thân (3) và các tiên thánh, làm việc xuyên qua các ngài.

Samkara tự ngài là một vị Phật, nhưng ngài không hề là hậu thân của Phật Thích Ca, chỉ thể vía của Phật Thích ca về một phương diện huyền bí có liên hệ với Samkaracharya. Chân ngã của Đức Thích Ca có thể mang hình hài mới nhưng Chân nhân của ngài dù điểu khiển thể thanh (của Phật Thích Ca) và thể xác (của Samkara) khác xa Chân nhân của vị Phật mà thể xác là Samkara. Chân nhân thứ hai này có phần việc riêng của nó trong vũ trụ.

 

H. P. Blavatsky
Collected Writings - vol. XIV

  1. Manvatara:  Chu kỳ sống khi sự sống biểu lộ, tương phản với Pralaya: chu kỳ lặng khi sự sống ngừng biểu lộ.
  2. Nirmanakaya:  Danh hiệu những đấng cao cả từ chối không nhập Niết Bàn mà tự nguyện ở lại thế gian cứu độ người.
  3. Avatar:  Hóa thân, sự biểu lộ của những nguyên lý thiêng liêng. Đức Phật là hóa thân của Minh Triết cũng như Đức Christ là hóa thân của Tình Thương.