1001 CHUYỆN

BÀI 13

PST 53

Xem Mục 1001 Chuyện

– Chủ trương ‘về nguồn’ trong văn hóa, tôn giáo fundamentalism có liên hệ ra sao với ảnh hưởng của Bảo Bình và tân kỷ nguyên hở Bo ?
– Tâm lý trở ngược quá khứ, ‘về nguồn’, cho rằng chỉ có giai đoạn ban đầu của một tổ chức hay tôn giáo mới là đúng thực, và không chấp nhận những hiểu biết và thay đổi về sau. Chẳng hạn sau khi Vatican II có quyết định thánh lễ nay cử hành bằng quốc ngữ (Việt, Anh, Pháp v.v.) mà không phải là tiếng Latin như trước đây, hay như khi có những tài liệu khác về MTTL được bá Alice Bailey đưa ra, vài nhóm có phản ứng ngược lại là không nhìn nhận chúng, vẫn cử hành thánh lễ bằng tiếng Latin, hoặc chỉ đọc sách của bà Blavatsky, và không muốn biết đến bất cứ sách vở nào khác. (Một chi tiết thú vị nên biết về việc thay đổi ngôn ngữ khi cử  hành thánh lễ bằng tiếng bản xứ, ấy là từ nhiều thế kỷ khi dùng tiếng Latin, sự việc tạo nên một hình tư tưởng mạnh mẽ, tuộn lực vào đó dẫn tới nhiều kết quả. Nay sang kỷ nguyên mới, hình tư tưởng sinh ra từ lâu cần được phá hủy, một cách là dùng ngôn ngữ khác với làn rung động khác, hình tư tưởng cũ không được lực nuôi dưỡng sẽ lần mòn chết đi, mang theo các ý niệm, tâm tình cũ, nhường chỗ cho cái mới.)
Đề tài này đã được nới tới trong bài Ngã Lá PST 52 nên chỉ cần ghi thêm một điểm nhỏ, ấy là ta có nói kỷ nguyên Bảo Bình đã bắt đầu với nhiều năng lực mới, nền văn minh đang thay đổi sang một giai đoạn mới, có những đặc tính khác với thời đại qua, các đặc tính này cần được nhận biết, và con người cần có nỗ lực thích ứng về một số mặt như chính trị, tôn giáo. Nó có nghĩa khi muốn duy trì sinh hoạt tôn giáo, hoặc tư tưởng, thích hợp cho những thế kỷ trước hơn là cho thời hiện đại, con người sẽ gặp thất bại về lâu về dài. Nói rõ hơn là khi có một lực được phát ra thì lập tức một phản lực mạnh y thế nẩy sinh, tác động ngược chiều. Bởi ấy là chuyện tự nhiên sẽ có, nên ta phải cảnh giác để nhận ra nó nơi chính mình và người khác, hầu không phạm lỗi ngăn chặn cuộc tiến hóa.
Ý tưởng cố định về tôn giáo, nghi lễ bất lợi là vậy, mà về mặt chính trị nó dẫn đến chủ nghĩa quốc gia hẹp hòi thay vì tinh thần quốc tế bao trùm, do đó chúng đều bị đòi hỏi phải thích nghi với thời đại mới. Con người cần vun trồng óc sáng suốt và thái độ uyển chuyển, dầu vậy cũng có những người không muốn hòa hợp, hay không thể theo kịp với thay đổi của cuộc sống. Khi ấy thái độ đúng đắn là thông cảm và chờ đợi, người bạn chưa sẵn sàng để tiếp nhận tư tưởng, và không thể làm gì hơn được. Nguyên tắc bất biến là không thể dùng lực ép buộc, cho dù có động lực hay mục tiêu tốt lành.
Cho riêng cá nhân, tinh thần quốc tế có một ý nghĩa đặc biệt nên được nói rộng thêm, ấy là mỗi người đều có mang trong cá tính mình ít nhiều dân tộc tính, bởi ta chớ quên rằng mỗi người sinh vào một sắc dân, hay quốc gia nào đó là do nhân quả của mình. Dù biết hay không biết điều này thì ảnh hưởng cũng có đó, và nằm ngoài tầm kiểm soát của ta, chẳng hạn ảnh hưởng của sắc dân tác động lên một số luân xa trong thể sinh lực, và ở giai đoạn tiến hóa này của con người, ta không hiểu mà cũng không thể làm chủ.
Trong giai đoạn đầu của việc phát triển tinh thần, người ta được các đặc tính này trợ giúp mà đồng thời, cũng gây cản trở phần nào, theo nghĩa họ được tính chất cao của sắc dân và quốc gia gợi hứng, nhưng bị giới hạn do các thói suy nghĩ thường có. Thí dụ người Mỹ được xem là ‘The Ugly American’, người Anh là ‘phớt tỉnh Ăng let’, người Việt thì ‘gì cũng cười’.
Nói theo huyền bí học, ảnh hưởng của dân tộc tính biểu lộ qua việc người một nước rung động theo tần số như người trí thức trung bình, hiểu biết của thế hệ của họ; có quan niệm, tình cảm, xu hướng bị nhuộm mầu phần lớn theo cái nhìn của những người đồng thời với họ. Ngay cả với linh hồn tiến hóa cao, thói thường của thế hệ khi đó xem như bóp nghẹt ý muốn của họ mong có được hiểu biết bí truyền. Người như vậy bị dằng co giữa hai điều, tuy nhiên muốn tiến trên đường đạo, việc phải có là sự can đảm tinh thần, thế nên ai hoàn toàn bị dân tộc tính chế ngự hẳn sẽ rớt đài ngay ở thử thách đầu tiên.
Lý do thật dễ hiểu, huyền bí học quan tâm đến những ý niệm căn bản và bao trùm trọn nhân loại, nó không đi kèm với chủ nghĩa hẹp hòi cho rằng tôn giáo, hay quốc gia của mình là nhất. Huyền bí học đòi hỏi người ta vượt lên trên dân tộc tính và phát triển ý thức quốc tế, đây là mục tiêu cuối cùng phải đạt được. Cùng một ý đó, các chân sư khuyến khích việc du lịch để nhờ vậy con người phát triển tinh thần quốc tế, có tình huynh đệ đại đồng. Chuyện đáng ao ước là có tinh thần này đi kèm với chủ trương toàn cầu hóa hiện nay, thay vì toàn cầu hóa chỉ vì lợi nhuận thúc đẩy.
– Đúng rồi, khuynh hướng toàn cầu hóa bị phản đối nhiều thì có ý nghĩa gì không ? Bà con biểu tình la ó quá chừng chừng.
– Khuynh hướng toàn cầu hóa là một đáp ứng khác đối với lực của Bảo Bình, về mặt tích cực thì tinh thần quốc gia hẹp hòi được thay bằng tinh thần quốc tế, mà bởi con người chưa có kinh nghiệm, những bước đầu chưa được diễn ra tốt đẹp, thí dụ là xáo trộn hiện nay về mặt kinh tế do chủ trương toàn cầu hóa. Tuy nhiên khi học về cuộc tiến hóa, điều cần thiết là nhìn toàn cảnh, trọn sự việc mà không trụ vào chi tiết. Đó là cách nhìn của đức Văn Minh - Mahachohan, nhìn sự sống qua các nền văn minh nối tiếp nhau.
Chẳng hạn vai trò của nền văn minh tây phương là chiến thắng vật chất, nó là bước tất nhiên khi những nền văn minh trước đó thiên về tâm linh (văn minh Ấn Độ), huyền thuật (văn minh Ai Cập), và mỹ lệ (văn minh Hy Lạp). Con người không thể sống bằng trăng sao, mây gió cho nên hoạt động mạnh mẽ để khám phá vật chất, là điều bổ túc cho sinh hoạt các thời đại trước. Tất cả những giai đoạn này đều có giới hạn riêng rẽ và thiếu sót của chúng, lấy thí dụ khi trí não được dùng chính yếu để tìm hiểu việc xẩy ra ở cõi trần, thì dễ dàng đi tới khuynh hướng duy vật. Nền văn minh cơ giới của tây phương thiên về vật chất nhiều trong những bước đầu, và có ít nét tâm linh nên kết quả không tốt đẹp, thiếu quân bình.
Có ý nói nhân loại có thể đã chiến thắng vật chất mà do vậy đã thảm tử Mỹ Lệ, thí dụ khu ổ chuột ở bất cứ thành phố nào đích thực là địa ngục trên dương thế. Tuy nhiên việc chiến thắng vật chất là điều cần thiết để có được phát triển mọi mặt, giúp con người trở nên toàn thiện, và bước đường tương lai hết sức quan trọng là liên hợp vật chất và tinh thần. Để giúp về việc ấy thì nhiều kẻ tái sinh trong thời đại này có khả năng hướng nội nhiều hơn, hiểu được các vấn đề liên hệ đến những cảnh cao. Ai có khuynh hướng đó được hướng dẫn và nếu nhậy cảm, có thể vì vậy được lợi ích rất nhiều.
– Trong đời có nhiều cảnh ngộ khó nghĩ như sinh con khuyết tật, hay bị tê liệt không sử dụng được cơ thể. Mình nên xử sự ra sao cho hợp với hiểu biết về MTTL khi gặp trường hợp ấy ?
– Cưng có nhận ra khi hỏi vậy là đang đi tim lời giải thích về ý nghĩa cuộc sống ? Cưng thấy hoang mang với bao việc xẩy ra và muốn có hướng dẫn trong cuộc đời. Mình thử xem MTTL cho hiểu biết gì về cuộc sống vào đầu thế kỷ 21, và sẽ chỉ trưng ra vài thí dụ để dẫn tới ý tổng quát. Nói về vấn đề khuyết tật, do tiến bộ của khoa học mà nhiều khuyết tật khi xưa có thể làm trẻ sơ sinh thiệt mạng, nhưng ngày nay trẻ được cứu sống. Kết quả là càng lúc càng có nhiều trẻ sinh thiếu tháng và cơ thể chưa phát triển đầy đủ, hoặc trí não, cơ thể bị tật cũng được giữ cho sống còn. Nếu để tự nhiên thì thiên nhiên sẽ đào thải, nên việc kéo dài sự sống theo lối đó là thí dụ cho việc con người làm biến đổi rõ rệt, hay can thiệp mạnh mẽ vào tiến trình của thiên nhiên.
Cha mẹ và xã hội tự hỏi tại sao lại có khó khăn như vậy cho trẻ cũng như cho thân nhân liên hệ, còn với người học hỏi huyền bí học thì có một số giải thích cho chuyện. Ta có thể nghĩ là khi khuyết tật quá nặng hoăc cơ thể hoặc tâm trí, con người dường như không học hỏi được gì, nhưng làm sao ta biết là Chân nhân của trẻ học bài học gì trong thân thể ấy ? Linh hồn biết mọi nhân duyên đã mang tới cảnh ngộ này, và nó đang học hỏi cùng tăng trưởng theo luật nhân quả. Dù bề ngoài dường như không có tiến bộ nào, chắc chắn linh hồn học được một số bài học và đó là lý do chúng ta tái sinh. Khi nhân quả nặng nề được trang trải xong, chung cuộc linh hồn hiểu lý do của sự việc và kinh nghiệm ấy còn hoài sau khi kiếp sống đã xong. Tuy không hiểu nhưng ta nên tin chắc, rằng luôn luôn có mục đích của linh hồn nằm sau mỗi tình trạng đó.
Chúng ta ưa thích có thành công khi nỗ lực làm việc gì, ở đây thành công chân thực là tình thương được khơi dậy và dành cho trẻ khuyết tật nhiều ít ra sao, sự chấp nhận và hợp tác của ai liên hệ như cha mẹ, thân nhân được trọn vẹn chăng, và linh hồn bên trong có được nuôi dưỡng, giúp đỡ tới mức nào. Mục đích thật của tình trạng như vậy có thể là đôi bên cha mẹ và trẻ có nỗ lực chung, nhằm khêu gợi năng lực tinh thần trong mỗi ai liên hệ, để nhờ đó sinh ra hòa hợp trong cảnh bất hòa, và hóa giải được xung đột khi xưa.
Với ai chấp thuận gánh nặng và từ chối không chịu để con được nuôi trong viện, mà dành đời mình thương yêu chăm sóc con, họ học được bài học kiên nhẫn vô hạn. Điều này dĩ nhiên cũng áp dụng vào tình trạng mà một ai trở thành hoàn toàn lệ thuộc vào người khác, do tai nạn hay đau ốm, bẩm sinh. Đó là cơ hội cho cả hai học hỏi, và nếu nhìn ra được như vậy, đôi bên sẽ thôi không cảm thấy tức tối, thầm trách nhau, cảm nghĩ này hay thấy trong cảnh như thế ở hai bên liên hệ.
Ra ngoài đề một chút thì cho ai do ‘định mạng’ không thể sống đời hoạt động bình thường, tình trạng này có thể là kết quả của hành động khi xưa, nên giờ là cơ hội cho ta chấp nhận bài học cần phải học, mà tốt hơn nữa người ta có thể ý thức rằng cái trí khi có định hướng đúng đắn, sẽ thành dụng cụ mạnh mẽ để giúp người khác, nhất là khi tư tưởng có tình thương đi kèm, và có óc khôn ngoan hướng dẫn. Nhiều người nhận ra rằng cảnh ngộ còn có thể xem như là đặc ân, cơ hội trời cho để có thêm sáng suốt, tăng trưởng nội tâm, và biểu lộ tư tưởng bằng tình thương.
Ai hiểu và làm được vậy thì họ chuyến biến được sự yếu ớt của mình thành ưu điểm, có hình thức độc đáo cao hơn mức thường tình. Con người bị bắt buộc phải quay vào nội tâm, tìm sức mạnh nơi chính mình để đương đầu với thử thách, thay vì nhờ vào những điều kiện bên ngoài như địa vị, thế lực. hiểu ra được bài học cần phải học và chấp nhận nó, thì kết quả đầu tiên là có bình an trong lòng, dẫn tới sự vui vẻ trong cuộc sống. Sự an vui từ đây tỏa ra xung quanh, khiến ai tiếp xúc với người đã ý thức cũng được ảnh hưởng một cách tốt đẹp và như vậy, người không thể có hoạt động bình thường vẫn có thể phụng sự ở mức độ khác.
Nói sang tuổi già, cơ thể suy yếu mất khả năng, già lão không phải là chuyện đáng sợ mà có thể là điều hay, vì ở tuổi hưu, tâm trí không còn bận tâm nhiều tới những đòi hỏi của thế tục nữa mà cảm thấy là cần suy niệm nhiều hơn và làm ít đi. Con người quay vào bên trong, nhìn lại chính mình và tìm hiểu ý nghĩa thật của những chuyện xẩy ra trong đời mình, chuẩn bị cho việc sống khôn ngoan hơn khi trở lại thế giới lần sau.
– Em thích diện chút chút, Bo à, như son phấn một tí cho tươi thắm, nhưng mỹ phẩm quảng cáo làm trẻ mãi không già thì hơi khó tin. Cách nhìn đúng đắn về tuổi già là sao ?
– Nếu nói rằng cưng sống mãi thì đâu có tuổi già, đâu còn sợ tuổi già. Ý này có được khi mỗi phút giây cưng tự biết mình đang sống trong hiện tại vĩnh cửu. Người ta phải nhận sự già lão bằng nhiều hình thức, thí dụ như chích Botox ! Nhiều người bám vào ý tưởng là ‘giúp đời’, ‘giúp người khác’, nhưng thực ra là muốn tiếp tục giữ quyền uy và thế lực mà việc làm đó mang lại; họ không nhận ra động lực thực sự khi họ ‘giúp đời’. Kết quả là họ không có được hiểu biết của sự chuyển hóa con người bên trong, mất đi cơ hội vô giá của sự tăng trưởng nội tâm.
Cưng nên lưu ý khuynh hướng ấy, nó có thể là cạm bẫy vì việc giúp đời chân thật không bắt buộc phải có hoạt động cụ thể, hữu hình mà có khi ngược hẳn lại. Minh triết đông phương biết rằng sự tĩnh quan trọng như sự động, và tuổi già là thời gian cho sự rút lui, tham thiền, tổng hợp hiểu biết thụ đắc nhờ kinh nghiệm, và con người phụng sự trong những năm cuối đời bằng tư tưởng. Như thế khi cơ thể suy yếu mất khả năng, già lão thì không phải là điều đáng sợ mà có thể là điều hay, vì ở tuổi hưu, tâm trí không còn bận tâm nhiều đến những đòi hỏi của thế tục nữa, ta cảm thấy cần suy niệm nhiều hơn và làm ít đi. Con người quay vào bên trong, nhìn lại chính mình và tìm hiểu ý nghĩa thật của những chuyện xẩy ra trong đời mình, chuẩn bị cho việc sống khôn ngoan hơn khi trở lại thế giới lần kế.
– Trong ngày em bận rộn như đi làm, đi chợ, nấu cơm, vì vậy hay nhủ thầm là nếu có nhiều giờ hơn thì chắc em sẽ làm được bao chuyện khác có ích, như làm thiện nguyện, học thêm, tham thiền, có hoạt động sáng tạo v.v. Nghĩ thế có đúng không ?
– Nói vậy thì cũng giống như có người biện luận, ‘Phải chi tôi không bị vướng mắc chuyện này chuyện kia, không có gắng nặng thê nhi - bổn phận chăm sóc cha mẹ, chắc chắn tôi có giờ học hỏi nhiều điều và tiến bộ hơn’.
Có lẽ ai cũng có mộng ước và lý tưởng cao đẹp, câu hỏi là nó có thực sự hữu ích cho mình hay không. Nói khác đi, những việc ấy có phải là bài học linh hồn cần học trong kiếp này chăng ? Học bài học cần phải học, làm việc cần phải làm để phát triển khả năng tinh thần mới là điều quan trọng, đó là lý tưởng của linh hồn muốn tiến bộ, và lắm khi nó khác với ý của phàm nhân, là chú trọng vào sự thỏa mãn ao ước của cái tôi hơn là tăng trưởng tinh thần.
Nếu nhìn được bề trong thì sự thực là khi chu toàn bổn phận (hay thiên trách, dharma) mà cuộc sống đặt để ta vào, ta sẽ tiến bộ mau lẹ hơn là khi được tự do không vướng bận. Bởi điều mà ta cho là ngăn cản, cầm chân trong đời và sinh chuyện não lòng, thực ra có thể là cơ hội cho phép giải quyết, trang trải nợ xưa. Chỉ bằng cách nhìn nhận và hóa giải thì trở ngại mới tan biến, và con đường khai thông cho phép tiến tới. Gánh nặng do đó có thể là ân phước trá hình mà ta không biết vì thiếu khôn ngoan.
Không phải ai cũng muốn hay có khả năng làm thế, nhưng hiểu biết cách làm việc của cuộc sống khiến ta sinh lòng cảm phục ai quyết trang trải karma. Có nhiều hình thức cho việc hóa giải, thí dụ như khuyết tật giới hạn và bó buộc khả năng, nhưng nhìn theo bề trong thì đó là linh hồn dũng mãnh, chọn giải pháp đòi hỏi có nỗ lực lớn nhất do đó rất đáng kính phục.
Dù ở cảnh ngộ nào, vai trò tự nhiên của mỗi người trong cuộc sống như làm cha - mẹ, chồng - vợ, còn gọi là karma, có thể là cách mà chân nhân khai thông, trang trải nợ cũ để khi tiến bước về sau ta gặp ít cản trở hơn. Có một điều lạ lùng mà rất thật, là khi con người nhất quyết nhận lãnh karma thì mọi việc tự nó sắp xếp, mang lại kết quả tốt lành.
–  Tốt lành mà có đúng như ao ước không ?
– Chà, đúng như ao ước chứ, nhưng đó là ước vọng của chân nhân mà không phải của phàm nhân. Bài học là nhìn sự việc theo quan điểm tinh thần, làm phần việc phải làm lúc này, kiếp này, phân biệt được ý muốn của linh hồn với ham muốn của cái ngã. Bằng cách ấy cưng rút ngắn vòng tái sinh, đi mau, thoát kiếp luân hồi và đó nên là mục đích tối hậu của mỗi người.
– Nghe Bo mệt quá, em đi từ từ thôi:
Em không dám đi mau,
Sợ chàng chê hấp tấp,
Số gian nan không giầu !

..............................................