1001 CHUYỆN

BÀI  11

PST 51

Xem Mục 1001 Chuyện

– Bo ơi, tình hình thế giới không được khả quan gây ra nhiều lo âu, mình nên nhìn sự việc ra sao cho đúng ? Em tin vào Minh Triết Thiêng Liêng nhưng thấy cuộc sống cho nhiều ưu tư hơn là hy vọng. Làm thế nào để được bình an đây ?
– Có người nói hiểu biết MTTL khiến mình cảm thấy lạc quan trong cuộc sống, vì ý thức rằng không có gì mất mát, không có gì uổng phí mà cuộc sống càng lúc càng được viên mãn hơn. Sự sống và sự chết khi nhìn theo quan điểm tinh thần, mất đi tính cách quyết liệt (tranh sống) hay nét thương tâm, bất công, khiến con người được bình an hơn.
Lo lắng có khi là do không hiểu biết, lấy thí dụ chữ Jihad đang được nhắc tới nhiều ở Palestine. Khác với quan niệm phổ thông mà có phần sai lạc nói rằng Jihad là thánh chiến, trong Hồi giáo chữ Jihad chỉ có nghĩa là nỗ lực, gắng công, tranh đấu. Nó còn một nghĩa khác hoàn toàn không được nhắc đến trong báo chí tây phương, đó là Hồi giáo tin rằng cuộc tranh đấu với cái ác trong tâm, chống lại với cám dỗ làm điều chẳng lành, thì quan trọng hơn sự tranh đấu với những kẻ thù bên ngoài. Đó là cuộc đại thánh chiến, cuộc chiến trong lòng mỗi chúng ta. Nó vượt lên trên các xung đột nhỏ với người khác, và như thế không khác gì câu nói trong kinh Phật, 'Thắng trăm thành không bằng thắng chính mình'. Hồi giáo tin tưởng rằng cuộc Jihad chính yếu nhất, là sự tranh đấu tinh thần của tâm linh con người, vươn lên để hòa nhập vào Thượng đế, rằng chiến tranh bên ngoài chỉ là phương tiện phòng vệ tạm thời để bảo đảm có an toàn, sống cuộc sống thuận theo ý trời. Tức Jihad theo đúng nghĩa là tranh đấu để có giác ngộ, nhưng giống như nhiều việc khác khía cạnh này đã bị lợi dụng về mặt chính trị.
Hiểu như vậy thì sẽ thấy Hồi giáo có những quan niệm rất gần các tôn giáo khác. Giống như Phật giáo có kinh Pháp Cú tức những câu nói pháp, Hồi giáo cũng có những chuyện ghi lời dạy của các giáo sĩ hay nhà thần bí Sufi, chứa đựng minh triết không kém phần sâu xa mà thi vị, rất nên xem.
– Sẵn bàn về tôn giáo thì có câu sau từ lâu em không hiểu. Kinh Tân Ước ghi đức Chúa nói, 'Luôn luôn có người nghèo ở với chúng ta', xã hội diễn dịch câu ấy theo nghĩa không thể xóa bỏ sự phân chia giàu nghèo, mà luôn luôn có giai cấp và hố ngăn cách, đúng không Bo ? Em thì tự hỏi có thật đức Chúa nói câu ấy, bởi nghe sao vô tình.
– Giống như những lời khác ghi trong kinh sách, câu trên cần phải hiểu theo nghĩa tinh thần. Linh hồn phát triển không đồng đều và đó là sự giàu nghèo tinh thần, hố ngăn cách. Linh hồn già dặn sẽ không phản ứng như linh hồn non trẻ thiếu kinh nghiệm, người sau gây ra cảnh ngộ đáng tiếc khiến họ bị khó khăn trong cuộc sống. Đó là người nghèo, nghèo hiểu biết hóa ra thiếu kiên nhẫn, sáng suốt. Khoa xã hội học nhận biết điều này theo một nhãn quan khác, gọi đó là khuynh hướng muốn được thỏa mãn tức thì, không muốn đình lại việc hài lòng nhỏ lúc này, chịu hy sinh tạm thời để đổi lại sự mãn nguyện hay nỗi sung sướng, hạnh phúc lớn hơn về sau (delayed gratification). Lấy thí dụ hai người được cho số tiền bằng nhau, một người có thể dùng nó để mua sắm những gì ham muốn từ lâu, người khác dùng để trả học phí cho một khóa học. Sau một thời gian cả hai cùng tiêu hết tiền, nhưng một người không có gì thêm ngoài những món đã mua, người kia thì có khả năng mới nhờ khóa học và vì thế tạo ra được thêm tiền.
Thí dụ khác là báo kể rằng đất ở vùng Tân Uyên, Dĩ An trước đây là đất vườn, khi Sài Gòn có nhu cầu mở mang kỹ nghệ, cần đất lập nhà máy thì đất vùng này lên giá, dân làng đang chân lấm tay bùn đột nhiên trở thành tỷ phú khi bán đất. Với một số người nó dẫn đến việc ăn chơi quá tay, và sau một thời gian ngắn thì tỷ phú trở thành tay trắng. Trong khi đó nếu biết sử dụng tiền khôn ngoan thì kết quả có thể tốt đẹp hơn. Tại các nước tây phương thì tình trạng dễ thấy là các bà mẹ hay ông bố trẻ (teenager mother / father). Trong cả hai trường hợp mình có việc chìu theo ham muốn dù là vật chất hay tình cảm. Nguồn cội gần là thiếu tự chế, còn hiểu theo kinh sách thì là sự phát triển tâm linh chưa nhiều, tức nghèo kinh nghiệm tinh thần, thiếu hiểu biết, chưa giác ngộ.
– Sách vở hay nói đi trên đường đạo, mà làm sao một người bận rộn với trách nhiệm gia đình và sinh hoạt xã hội làm được việc ấy ? Kiếp này em sinh ra ba đứa nhỏ, phải dạy con, đi làm, lo công việc nhà, thì nói vào cửa đạo nghe sao xa vời, không biết chừng nào mới làm được. Em đâu thể mang cả ba đứa lên Himalaya !
– Lên đó làm chi. Khi cưng trở thành một với sự sống thì không cần phải đi đâu mới là đi trên đường đạo. Những mỹ từ này chỉ là một gợi ý còn trên thực tế, sống đời tinh thần là chuyện làm được bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Trả lời cho câu hỏi tương tự có ý tóm tắt đưa ra, là các vị thần Nhân Quả đặt để chúng ta vào vị trí thích hợp nhất trong mỗi kiếp sống. Các ngài sáng suốt hơn chúng ta, do đó ta không nên than thở về vai trò mình đang có trong đời như bà nội trợ, công chức, thương gia và mong muốn một địa vị khác, mơ tưởng rằng trong tương lai sẽ có hoàn cảnh khác thuận lợi hơn cho ta. Nếu thật sự biết nắm lấy cơ hội gặp trong đời sống hằng ngày của bất cứ vai trò nào, ta sẽ tạo nên những lực đưa tới tình trạng cho cơ hội lớn lao hơn để phát triển tinh thần.
Đúng là có những vị thế cho phép ta ảnh hưởng số đông người hơn vị thế khác, mang lại kết quả bội phần hơn, nhưng có lẽ nên để cho thần Nhân Quả xếp đặt việc ấy. Phần chúng ta là thực hành tánh óc phân biện (Viveka), đức tính đầu tiên nói trong Dưới Chân Thầy, phân biện cái chân và giả, cái quan trọng nhiều và cái quan trọng ít, cái nào cần làm ngay và cái có thể chờ v.v. Khi tính phân biện tinh thần lớn mạnh thì cùng với nó là sự gia tăng lòng từ, cái ngã giảm bớt đi, trí tuệ được nâng cao. Kết quả luôn luôn có là ta thấy tách biệt phần nào với cái giả tạm, và khi cảm được như vậy là ta đã bước trên đường tinh thần, không cần phải hỏi 'Làm sao để sống đời tinh thần ?'.
Ý kiến khác cho rằng việc quan trọng không phải là điều ta làm mà là cách ta làm. Theo Ấn giáo đó là Karma Yoga hay con đường hòa hợp với Thượng đế bằng hành động. Người theo con đường này tỏ lòng thờ kính Thượng đế qua hành động hơn là qua kinh cầu, lòng sùng bái. Những loại chuyện Quốc Văn Giáo Khoa Thư đưa ra nhiều thí dụ, như khi tổng thống Kennedy tới thăm trung tâm không gian Houston, ông gặp một nhân viên đang quét sàn nhà. Tổng thống hỏi:
– Ông làm gì ở đây ?
– Thưa tổng thống, chúng tôi phóng phi thuyền ở đây.
Người nhân viên đang làm công tác vệ sinh, nhưng họ biết rằng việc làm của họ đóng góp vào công cuộc chung là phóng phi thuyền thám hiểm không gian. Bất cứ phận sự nào khi được làm với lòng sùng kính, thì có tác động như lời kinh dâng lên Thượng đế. Bất kể ta làm gì, nếu ta làm đúng cách và với động lực đúng đắn, thì nó trở thành hành động đầy ý nghĩa tinh thần. Sống đời tinh thần không phải là lên Himalaya xa lánh thế gian, mà là sống trong thế giới theo cung cách tinh thần, sao cho mang lại lợi ích cho nhân loại.
– Mà sống đời tinh thần là sao ?
– Là thể hiện các giá trị tinh thần trong cuộc sống, xuyên qua hành động. Lấy thí dụ như sự sợ hãi, lo âu hiện nay cưng nói ở trên. Thế giới xem ra đầy bất trắc và con người cảm thấy bất an, nhưng cưng có thể phản ứng khác khi hiểu biết rõ hơn về sự sống thiêng liêng. Đó là giá trị của MTTL, nó khiến cưng an lòng dù rằng có xáo trộn.
– À, em nhớ ra rồi, ngoài chuyện khủng bố đang là đề tài thời sự, còn một chuyện khác khiến con người cảm thấy đảo điên trong thời đại này là tỉ lệ ly dị, gia đình tan vỡ lên quá cao so với thế hệ ba mẹ của mình. Sự việc có ý nghĩa gì chăng ?
– Một trong những giá trị của MTTL là nó diễn giải cuộc sống, khiến ta hiểu lý do thật, sâu kín của sự việc, có được cái nhìn đúng đắn về chuyện trong đời và sinh ra phản ứng thuận lợi. Vậy thì MTTL nói gì về tính duy vật, hành vi tình dục có vẻ như quá độ hiện nay ? Muốn hiểu thì mình cần thay đổi cách nhìn một chút, ấy là chúng ta bàn về sự kiện nhưng cội rễ của nó là năng lực, do đó ta cần phải nhìn theo khía cạnh năng lực mới nắm được toàn bộ vấn đề.
Ta đang sống trong buổi giao thời, ảnh hưởng cung 6 đang tàn lụi và cung 7 đang mạnh dần, cũng như ảnh hưởng của năng lực phát sinh từ chòm Song Ngư (Pisces) đang dần mất đi, nhường chỗ cho năng lực của Bảo Bình (Aquarius). Tức có hai loại năng lực đang yếu dần, và hai loại khác với tính chất khác đang từ từ thế chỗ. Những năng lực này tác động lên các luân xa khác nhau trong cơ thể, khi có thay đổi loại năng lực nó có nghĩa hoạt động của luân xa cũng bị ảnh hưởng, có sự tái phối trí đường lực. Một yếu tố khác nữa là con người tiến hóa, nên có việc chuyển năng lực từ luân xa thấp lên luân xa cao, có nghĩa là với lực sáng tạo, khi con người còn nặng về vật chất, thì lực này dùng chính yếu vào việc sinh ra thân xác cho giống dân tức việc truyền giống, hoạt động nặng về tính dục thuộc luân xa ở xương thiêng, nhưng khi phần trí năng và óc sáng tạo nẩy nở thì lực dùng chính yếu vào hoạt động nghệ thuật, cho ra tác phẩm tinh thần. Khi ấy năng lực được nâng từ luân xa xương thiêng lên luân xa cổ họng. Trí năng phát triển như giai đoạn hiện nay làm hoạt động sáng tạo mạnh mẽ bội phần, nó diễn ra qua hai chặng:
1. Chặng đầu mang tính cách phá hoại, với lề lối, đường hướng cũ tan vỡ, nền văn minh cũ với truyền thống, giá trị lâu đời bị hủy hoại. Nhân loại thường làm việc này một cách vô tâm, với người chủ trương thường là thành phần trí thức. Việc hội nghị Vatican 2 thay thế tiếng Latin trong thánh lễ nhà thờ bằng quốc ngữ (Việt, Anh, Pháp v.v.) nằm trong diễn tiến chung đó. Hình tư tưởng do thánh lễ bằng tiếng Latin tạo ra trong bao năm qua, nay bị tan rã dần khi cử hành thánh lễ bằng quốc ngữ, do âm hưởng và làn rung động khác biệt giữa quốc ngữ và tiếng Latin. Sự tan rã này là điều cần thiết để tạo cơ hội cho cái mới xuất hiện, thích hợp hơn cho giống dân trong thời đại mới. Một tác nhân phá hoại khác là nhạc kích động, cũng là để phá tan hình tư tưởng của thời đại qua. Loại nhạc Gregorian thường được ca đoàn xướng lên trong lễ nghi tôn giáo, mà nhiều người cảm thấy bị hấp dẫn, nay không còn thích hợp cho sự phát triển trí năng của nhân loại. Nó không hữu dụng nữa và hình tư tưởng nó sinh ra cần được phá bỏ.
2. Chặng thứ hai là sự tái tạo hay xây dựng, cũng do thành phần trí thức gợi hứng và gây ảnh hưởng, với đại đa số nhân loại góp phần. Nói về sự sáng tạo thì vào lúc này, nó biểu lộ chính yếu qua khoa học hơn là nghệ thuật.
Hai thế chiến I và II xẩy ra phần nào cũng do việc thay đổi năng lực này. Nhìn theo quan điểm của Thiên đoàn thì hai thế chiến là tác nhân tốt đẹp, chúng mang lại sự phá hoại lớn lao mà cũng gây ra kích thích triệt để, và sinh ra cả tốt lẫn xấu. Năng lực được các Chân sư hướng vào việc loại trừ tính duy vật đang cầm tù tâm não con người, nhưng ở cõi nào thì cũng có phản lực đi kèm theo với lực, khi các ngài làm vậy hành động ấy sinh ra phản ứng của tà lực, là đẩy mạnh con người chìm sâu hơn vào thế giới vật chất, thấy xuyên qua khuynh hướng ưa chuộng hình thể quá độ (consumer society) và việc tích trữ của cải, tiền bạc. Có sự dằng co tranh đấu giữa hai lực này, và thế giới bị đảo điên nhưng tinh thần con người sẽ thắng, tìm được lối thoát cho những khó khăn hiện giờ để vào vận hội mới, xây dựng một thế giới mới về cả ba mặt là vật chất, trí não và tinh thần.
Thay đổi năng lực và phát triển tâm thức dẫn tới kết quả hiển nhiên là con người có sự tái định hướng, gia tăng nét tinh thần trong cuộc sống. Nói riêng về năng lực của cung bẩy thì nó tượng trưng cho sự tương quan, cho con người là sự tương quan giữa tinh thần và vật chất, linh hồn và thân xác, mang hai cực đối nghịch lại với nhau trong thiên nhiên. Ở cõi trần đó là đặc tính âm dương, nam nữ, thế nên cung bẩy quản trị liên hệ về tình dục của mọi hình thể. Tới đây cưng nhìn ra sự liên hệ giữa việc năng lực cung bẩy ngày tuôn tràn càng nhiều vào địa cầu, và tình trạng ly dị ngày càng tăng chưa ?
– Chút chút, nhưng tại sao ly dị lại tăng ? Hễ hoàng tử công chúa lấy nhau thì em muốn thấy họ được trăm năm hạnh phúc.
– Cung bẩy chủ yếu là về tính dục, sự tuôn tràn của nó gây xáo trộn cho hôn nhân, sinh ra hoạt động tình dục quá độ, ly dị. Kết quả là xã hội sẽ có thái độ mới về tính dục, lập ra sinh hoạt cùng lề thói, quan niệm đạo đức mới giữa hai phái tính trong tân kỷ nguyên. Về mặt vật chất là vậy, nhưng còn mặt tinh thần thì trở lại năng lực sáng tạo và hai luân xa ở trên, nó nói rằng cung bẩy chủ trì luân xa xương thiêng tức năng lực sáng tạo hình hài vật chất. Công việc của người hiểu biết là chuyển lực luân xa lên cổ họng, dùng năng lực cho việc sáng tạo tinh thần, nghệ thuật. Cung bẩy tuôn tràn hàm ý ta sẽ có giai đoạn sáng tạo mãnh liệt, cả về mặt vật chất do sự kích thích hoạt động tình dục của tất cả mọi người. …
–  Chắc vì vậy mà có báo động về dân số thế giới !
– ... và sáng tạo có tính trừu tượng hơn tức nghệ thuật. Sự tuôn tràn của một năng lực mới, thường được thấy bằng sự xuất hiện một loại nghệ thuật sáng tạo hoàn toàn mới, nhằm biểu lộ năng lực này. Năng lực của cung sáu khi lên tới tột đỉnh sinh ra những cơ xưởng đồ sộ, sản xuất vô số vật dụng mà con người cho là họ cần, thấy sung sướng khi sở hữu những đồ vật ấy (retail therapy !). Cũng y vậy, với cung bẩy ta sẽ thấy con người dự phần vào sinh hoạt to tát hơn nữa thuộc nghệ thuật sáng tạo. Lòng ham muốn sở hữu vật chất, sẽ dần được thay thế bằng óc sáng tạo ra vật biểu lộ cái Chân, vẻ xấu xí và óc vật chất sẽ nhường chỗ cho mỹ lệ và thực tại tinh thần.
Nói một cách ví von thì đọc lại cổ thư Ấn:
Xin dắt tôi từ cõi giả đến cõi chân
Xin dắt tôi từ cõi tối tăm đến nơi sáng suốt
Xin dắt tôi từ cõi tử đến cõi trường sinh bất tử.
ta thấy nói chung nhân loại đã được dẫn từ cõi tối tăm đến nơi sáng suốt, thế giới đã có được nhiều hiểu biết; sang thời đại tới đây của cung bẩy nhân loại sẽ được dắt từ cõi giả đến cõi chân.
– Nhưng còn sự lạc quan với tình hình thế giới ? Cung bẩy cho lý do gì để mình lạc quan ?
– Cung bẩy thường được gọi là cung Trật Tự và Nghi Lễ, nó hàm ý năng lực cung bẩy là cái cần để mang lại trật tự cho cảnh rối loạn, sự nhịp nhàng thay cho lỗi nhịp. Năng lực ấy sẽ tạo nên trật tự mới cho thế giới, xây dựng các định chế (institution) mới, nền văn minh văn hóa mới mà tiến bộ của con người đòi hỏi, khiến tâm thức mới nẩy nở. Những điều này đang xẩy ra hiện nay, con người đang đi tìm những đường hướng mới, thể chế mới, cách sống mới. Sự bẻ cong những lý tưởng này và việc cá nhân tham lam lạm dụng nó cho mục đích ích kỷ, thiếu hiểu biết sinh ra các chế độ độc tài ở các nơi.
Cũng về cung bẩy thì có sự liên kết thú vị giữa những con số, người Nhật là chi chủng (sub-race) thứ bẩy của mẫu chủng (race) thứ tư, tức là chi chủng chót của mẫu chủng này. Có thể nói họ tượng trưng cho sự phát triển cao nhất của mẫu chủng đó mà về một mặt khác, vì là chi chủng thứ bẩy người Nhật cũng biểu lộ đặc tính của cung bẩy mạnh mẽ. Tính chất Trật Tự - Nghi Lễ của cung bẩy được thấy qua qui tắc của trà đạo, của nghệ thuật cắm hoa, kịch Noh, và khi lên tới quá độ thì nó biến những hoạt động này thành cứng ngắc, theo sát khuôn mẫu, khiến chúng chỉ là cái xác mất phần tinh thần. Nhưng trở lại chuyện thì cưng đừng lo, cung bẩy rồi sẽ đưa tới một thời đại huy hoàng.
– Chừng nào thì cõi thiên thai đó tới ?
– Ậy, đừng nóng lòng. Thiên nhiên chỉ đi từ từ, và cõi đó do cưng tự tạo mà nó không từ trên trời rớt xuống. Bởi do con người làm nên do đó sẽ cần nhiều kiếp, mỗi kiếp cưng sẽ cố ý xếp đặt nền tảng cho tương lai, và ảnh hưởng của cung bẩy mỗi kiếp càng mỗi mạnh, gia tăng hiệu quả. Con người xếp đặt lại cuộc sống của mình và nỗ lực biểu lộ tính thiêng liêng ngày càng sống động, vì đừng quên rằng cung bẩy chủ về huyền thuật.
– Trong lúc chờ đợi thì mình giải thích được gì về những xáo trộn hiện nay ? Nhiều khi em không muốn nghe tin tức trên truyền hình vì dường như đó là những tin đã biết, có nghĩa tin hôm qua y hệt hôm nay không có tiến bộ gì cả, như đổ máu ở Palestine, nổ bom ở Iraq. Ở đâu cũng có xáo trộn gây hoang mang đau khổ là làm sao ?
– Quả thực nhìn gần thì người ta bị quay cuồng với những rối rắm, do đó ta phải nhìn xa để thấy toàn cảnh. Nhìn xa còn có nghĩa thấy bề trong của sự vật, những nguyên do ẩn mà quan niệm chuyên về hình thể, vật chất không nhìn ra. Có những lực ảnh hưởng địa cầu nhưng ta không hay biết, chúng có tác động mạnh nhất cho ai nhậy cảm. Khi họ đáp ứng với lực thì tạo nên động năng (momentum) trào đến lôi cuốn xã hội, quốc gia trong một khoảng thời gian hay chu kỳ nhiều năm, làm con người xuống tinh thần sâu đậm, sinh ra nghi kỵ lẫn nhau. Ai nấy chỉ còn biết có mình, và khi có điều kiện thích hợp thì nó dẫn tới một loạt những xáo trộn trong xã hội, đập phá cửa hàng, hôi của, hoặc có hình thức quân sự, kinh tế, chính trị như chiến tranh hay chiến tranh lạnh, sụp đổ thị trường chứng khoán, nước này nghi ngờ nước kia. Hình thức nào thì không quan hệ cho lắm, cái cần nói là nguyên nhân nằm sâu trong diễn trình tiến hóa, và đều do luật quản trị tuy ta không ý thức.
Nói riêng về con người thì do việc tình cảm hoạt động mạnh hơn lý trí, nó khiến họ đáp ứng với động lực trên, bị lôi cuốn vào xoáy lực họ không thể kiểm soát, bị nó đưa đẩy sai đường tới thế chiến, khủng hoảng kinh tế, 'thánh chiến', gây rối xã hội. Cưng để ý mà xem, người ta biểu lộ các thái cực về tình cảm trong những dịp này, như u sầu tuyệt vọng hay phấn khích không kềm chế được.
– Còn chuyện khiêu dâm, lạm dụng tình dục có liên hệ gì đến tình cảm không, hay chỉ thuần mặt thể chất mà thôi ?
– Muốn trả lời thì cần nhìn trọn con người trung bình hiện nay. Vì tình cảm người như vậy chưa được kiểm soát mà nhiều phần có sự sợ hãi, có sôi động, có vui có buồn trộn lẫn nghĩa là hầm bà lằng những lực thấp, chúng làm cho tùng thái dương (solar plexus hay huyệt đan điền) phát triển bất bình thường. Đời sống của họ bị hai luân xa chính quản trị là luân xa xương thiêng (sacral centre) và tùng thái dương, một huyệt chủ về sáng tạo hình hài thể chất tức hoạt động tình dục, huyệt kia về ham muốn thấp tức ham muốn vật chất, và cả hai đan lẫn vào nhau chặt chẽ.
Dầu vậy các lực ấy chỉ mới là nguyên do gần, nguyên do xa là những lực bí ẩn. Ta chỉ cần biết rằng những lực này có vị trí chính đáng trong cơ tiến hóa, nhưng đối với con người nó cho ra ảnh hưởng tệ hại dữ dội. Một lực khơi dậy khuynh hướng tàn nhẫn thấy nơi trẻ con và vài loại người, lực khác tác động vào đời sống tình dục, gây ra khuynh hướng kỳ quặc về tình dục đang lan tràn hiện nay. Tính bạo dâm (sadistic behaviour) và hoạt động tình dục trái lẽ (sex perversions) được những lực này củng cố, nhưng may mắn là chúng đang tàn lụi và yếu dần.
Khi xưa lúc chúng còn mạnh, lực gây ra việc giết chóc kinh khiếp để tế lễ, và sự quá độ về tình dục như kinh sách ghi về hai thành phố Sodom và Gomorrah. Tuy nhiên mình không thể đổ hết lỗi cho lực, bởi chúng sẽ không gây được ảnh hưởng nào, nếu trong chính nhân loại không có mầm cho lực tác động. Giải thích thêm thì đức Dalai Lama dạy rằng chiến tranh không bắt đầu bằng bạo lực ở bãi chiến trường, nó bắt đầu với bạo lực từ trong lòng ta. Bao lâu mà ta còn giận dữ trong tâm thì thế giới bên ngoài còn sân hận. Sự bình an, hòa bình không thể có nhờ lòng giận dữ và bạo lực, mà nó chỉ đến nhờ lý lẽ và sự thông cảm nhau.
Bên cạnh những lực này còn nhiều lực khác cho ảnh hưởng tốt đẹp, một lực như vậy đang phá vỡ dần chủ nghĩa cá nhân, tâm tình ấy tạo nên bức tường phân cách giữa người với người, sinh ra tính ích kỷ nơi cá nhân và chủ nghĩa quốc gia cực đoan của một nước. Lực nữa của chòm sao Bảo Bình (Aquarius) là lực thuộc về tình cảm. Nó sẽ kích thích thể tình cảm của người, làm hòa hợp với nhau nhiều hơn thành tình huynh đệ đại đồng, không còn ai để ý tới chủng tộc, quốc gia; thế giới quả thật là một khối chung tổng hợp nhưng chuyện còn xa, phải cả ngàn năm sau mới thành. Tác động về mặt tình cảm của lực Bảo Bình là tinh lọc thể tình cảm của người, làm cho thế giới vật chất mất đi sức quyến rũ mạnh mẽ như hiện nay.
Dầu vậy ta phải nói thêm là vào giai đoạn cuối của chu kỳ Bảo Bình tức 2000 năm về sau, lực có thể khiến tình cảm trở nên quá độ, giống như bây giờ ta đang trải qua cảnh ham muốn vật chất quá đáng ! Giai đoạn cuối của bất cứ một chu kỳ nào, đều cho ra phát triển quá mức về tính mà nó mạnh nhất, hiện nay lúc chu kỳ khởi đầu thì nó cho ra ảnh hưởng có tính xây dựng đối với người hiểu biết, và có tính phá hoại với đám đông quần chúng. Có lẽ điều ấy giải thích vì sao cuộc sống gặp nhiều xáo trộn lúc này.
Điều chót nói về hiện tình thế giới là ta nên nhớ tính chất song đôi luôn luôn vận hành trong đời, Sáng - Tối, Đúng - Sai v.v. Năng lực tinh thần sẽ kích thích chẳng những ước nguyện thanh cao, mà luôn cả chuyện ta gọi là 'xấu', và do đó cùng với việc nhiều tổ chức ra đời, nhắm tới mục tiêu cao cả và có nỗ lực đáng khen, sẽ có các làn sóng tội phạm tràn đi gây đau khổ rối loạn. Tất cả tùy thuộc vào khả năng mỗi người trong việc diễn dịch, và nhận ra ý nghĩa bên trong của sự việc.
– Còn một chuyện nữa, mấy người đồng của tây phương hay nói rằng họ được thầy mo người da đỏ hướng dẫn, có những tên như White Eagle v.v. Sao lại là người da đỏ mà không là ai khác ?
– Mình chỉ ghi nhận vắn tắt là nói về mặt huyền thuật (magic), trong ba giống dân hiện đang có mặt trên địa cầu là mẫu chủng thứ ba, tư và năm thì mẫu chủng thứ tư thành thạo nhất, thí dụ là huyền thuật của người ở châu Atlantis khi xưa. Hiểu biết ấy rơi rớt lại đến ngày nay trong các sắc dân ở nam Mỹ, người da đỏ (thuộc mẫu chủng thứ tư). Đó là lý do tại sao ai hướng dẫn (guide) người đồng thường xưng là người da đỏ, thường đó là người còn bám víu vào cõi trần chưa siêu thoát. Điều ta nên nhớ là họ không có gì đáng cho người sống học hỏi, và ta nên tránh chuyện đồng cốt càng xa càng hay.
Học hỏi về MTTL làm người ta thích thú vì nó cho hiểu biết sâu xa và toàn diện về sự sống, nhưng cần đi xa hơn thế nữa là sống phù hợp theo những hiểu biết này. Ý kiến chung là sống đời tinh thần quan trọng nhiều hơn việc bàn luận chuyện tâm linh, cưng đã có hiểu biết về các lực, về lý do khiến tình hình thế giới và xã hội có bất an, lo lắng; giờ cưng có thể rải ra sự bình tâm vững lòng khi tiếp xúc với ai khác. Được như thế là đi trên đường đạo rồi, không cần phải đi tour lên Himalaya.

TIN TIN

Sách đọc thêm:
– Esoteric Psychology by Alice A. Bailey
– A Treatise on White Magic .      “

..............................................