1001 CHUYỆN
BÀI 10
PST 50
Xem Mục 1001 Chuyện
– Bo nè, chuyện dài cloning tiếp tục nghe. Gần như ngày nào cũng đều có tin khám phá ra di truyền tử - gene gây bệnh này hay kia, và tin tưởng chung là nếu có thể làm cho nó không hoạt động nữa, hay thay thế nó bằng di truyền tử lành, hay loại bỏ nó khỏi chuỗi DNA thì … hết bệnh. Nghe sao ham quá. Mới đây lại có loan báo là tạo được phôi thai người theo cách thụ thai vô tính, với mục đích lấy tế bào gốc - stem cells chữa bệnh (theurapeutic cloning). Vài chục năm nữa thế giới chắc như cõi tiên, không còn ai đau ốm.
Mà không phải chỉ có thể xác là tránh được bệnh, vì cũng có khám phá ra di truyền tử gây chứng sầu não - depression. Triển vọng là nếu ngăn được nó tác động thì người ta sẽ luôn luôn tươi vui ư ? Bo cười vậy chắc là trật đường rầy rồi, nhưng tại sao không đúng ?
– Sự việc tương tự như ngừa thai và phá thai nên mình dùng nó làm thí dụ cho toàn chuyện. Quan niệm hiện nay theo kỹ thuật di truyền học - genetic engineering, hay nói tổng quát theo khoa học là con người chỉ là thân xác, nếu có trục trặc thể hiện như bệnh tật thì chữa thể xác là ổn định vấn đề. Nói cách khác khoa học nhìn sự việc bằng con mắt thuần vật chất, và giải quyết sự việc bằng phương tiện vật chất, cho như vậy là đạt được mục tiêu tức ngăn ngừa thụ thai hay chặn đứng bệnh, nhưng theo MTTL thì ta có nhiều thể khác ngoài thể xác, và chữa lành thể xác mà thôi thì chưa đủ.
Lý do là thể xác chỉ là phần thụ động, là sự biểu lộ hữu hình của những căn nguyên phát xuất từ các thể thanh như thể tình cảm, là ham muốn tức các uẩn skandha. Do đó muốn chữa dứt hoàn toàn những bệnh tật của thể xác, thì phải chữa tận căn nguyên là những uẩn hay bản tính, thí dụ dục vọng, óc kiêu căng. Tiến bộ khoa học có thể chặn đứng sự biểu lộ những trục trặc thể xác tức bệnh tật trong một lúc, nhưng bởi căn nguyên là uẩn trong thể thanh không được chữa và vẫn còn đó, trục trặc sẽ tiếp tục nẩy sinh dưới hình thức này hay kia.
Có câu chuyện từ hơn trăm năm trước mà tới nay vẫn có giá trị và nên được nhắc lại ở đây. Ấy là bà Annie Besant trước khi đến với hội có hoạt động xã hội rất tích cực, tranh đấu cho những bất công đối với tầng lớp thấp, và nỗ lực cải thiện đời sống của công nhân trong cơ xưởng Anh lúc bấy giờ, là thập niên 1880 - 90. Bá chưa biết MTTL và thấy thuyết Malthus hữu lý. Nói giản dị thì thuyết cho rằng dân số tăng theo cấp số nhân, còn tài sản xã hội tăng theo cấp số cộng, có nghĩa tới một lúc nào đó, mức sản xuất của xã hội sẽ không đủ cung ứng cho dân số, và sẽ có nạn nghèo đói. Muốn tránh việc này xẩy ra thì cần có giới hạn dân số, bây giờ ta gọi là kế hoạch hóa gia đình.
Bà Besant chấp nhận chủ trương này và viết bài cổ võ biện pháp giảm bớt số con. Tài liệu này không còn nên ta không biết đích xác nội dung, tuy nhiên trong cuốn An Autobiography - 1939, bà ghi rằng mình đề nghị phương pháp vật chất để đối phó với vấn đề xem ra có căn nguyên vật chất. Khi gặp bà Blavatsky, HPB giải thích với bà rằng việc sinh ra từ nguồn thâm sâu hơn mà không phải chỉ nằm ở cõi vật chất, đối phó bằng cách ấy chỉ tạo thêm mầm mống cho tệ nạn tương lai. Ngay lúc này - cuối thế kỷ 19 - thì xem ra nó giải quyết được tình trạng, còn thí dụ cho thế kỷ 20 - là thuốc ngừa thai hay kỹ thuật di truyền học, dùng tế bào gốc chữa bệnh, nhưng thực ra nó củng cố tình trạng thiếu quân bình (hoạt động tình dục quá mức, bệnh tật), và bảo đảm là chúng sẽ tái hiện trong tương lai, vì không chữa trị tận căn nguyên tâm linh, là những uẩn hay khuynh hướng trong người.
Bà Blavatsky giải thích thêm rằng con người tinh thần thiêng liêng vốn vĩnh cửu và tự khởi thủy, mà không phải mới tạo nơi cõi trần mỗi lần có trẻ sinh ra. Linh hồn trải qua nhiều kiếp làm người, tái sinh lắm bận để tiến hóa dần dần đếu mẫu người lý tưởng. Nó không phải là sản phẩm của vật chất. mà là tinh thần khoác lấy hình hài vật chất, và hình hài này tự nó làm ra, nhờ óc thông minh và ý chí của người là những lực có tính sáng tạo. Con người không ngừng tạo ra quanh mình những hình tư tưởng, dùng năng lực uốn nắn chất liệu thanh bai thành hình, và các hình này vẫn còn tồn tại sau khi con người qua đời. Khi tái sinh, hình tư tưởng ấy sẽ tạo khuôn mẫu cho chất liệu cõi trần theo đó tụ lại, thành thân xác mới cho linh hồn ngụ vào. Thân xác vì vậy được tạo theo khuynh hướng của trí não và ý chí của bao kiếp trước đặt ra. Như thế mỗi người thực sự tạo cho mình các thể mà mình sử dụng, và thể mà ta có hiện nay là kết quả không tránh được từ năng lực sáng tạo của chính ta trong quá khứ.
Tình dục là điều mà người và thú đều có, tuy nhiên nơi con người nó có thể được luyện tập và thanh lọc mang lại tiến bộ cho người, giúp ta tăng trưởng. Thay vì làm thế, con người chìu theo dục vọng, và đặt để trí não phục vụ cho lòng ham muốn, ngược lại chuyện cần là dùng trí não làm chủ ham muốn. Sự phát triển bản năng tình dục nơi người có tính bất thường, nó mạnh hơn và kéo dài quanh năm suốt tháng do có hòa hợp với trí não, khác với loài vật chỉ có hoạt động tình dục theo mùa trong năm. Những tư tưởng về tình dục đòi hỏi liên tục, quá độ nơi người, khác hẳn tình trạng tự nhiên như thấy nơi loài vật.
Do đó tình dục trở thành một trong những căn nguyên gây ra đau khổ nhiều nhất cho người; hạ phẩm giá của họ, cũng như việc thỏa mãn lòng ham muốn mạnh mẽ về tình dục tại các nước văn minh, là nguồn gốc các tệ nạn xã hội xấu xa nhất. Sự phát triển quá độ ấy phải được ngăn lại, bản năng tình dục cần được giảm xuống mức giới hạn tự nhiên, nhưng nó không thể thực hiện được bằng cách chìu theo ham muốn, dù trong hay ngoài mối liên hệ vợ chồng.
Để giải quyết tận gốc thì không có con đường nào khác hơn ngoài việc tự kiểm soát và tự chế, và bằng cách ấy ta đặt để căn nguyên mà về sau sinh ra trí não và thân xác thuộc loại cao hơn, cho chính mình khoác lấy khi trở lại cõi trần trong tương lai. Con người cần nắm quyền làm chủ hoàn toàn bản năng tình dục, chuyển hóa ham muốn thành sự thương yêu, quí chuộng, quên mình, phát triển trí não thay vì thú tính, và như vậy tiến lên, khiến trí tuệ và thân xác phục vụ cho mục tiêu của linh hồn.
Bà Besant chăm chú nghe, nhưng biện luận rằng kinh nghiệm cay đắng của mình về nỗi khốn khỏ mà người nghèo gặp phải, khiến bà tin là dù sao đi nữa, ít nhất cũng nên dề nghị dùng thuyết tân Malthus (Neo Malthusianism) về giới hạn dân số như là biện pháp tạm thời, là phương tiện cho nữ giới đối phó với sự áp bức không thể chấp nhận được (cuối thế kỷ 19), và sinh ra đau khổ cho họ. Dầu vậy HPB kêu gọi bà Besant nhìn xa hơn, để thấy sự đau khổ sẽ trở lại mãi trong từng thế hệ, cho tới khi nào căn nguyên của việc được hóa giải. HPB nói:
‘Tôi không xét đoán phụ nữ nào phải dùng đến các phương tiện như thế, để bảo vệ mình trong hoàn cảnh tệ hại, cũng như việc chưa có hiểu biết về căn nguyên thực sự của những điều này, khiến họ nắm lấy bất cứ điều gì giải cứu được mình, nhưng nhà huyền bí học không thể gỉảng dạy phương pháp mà họ biết là sẽ kéo dài khổ nạn.’
Trong lòng không muốn vì tin rằng thuyết trên là giải quyết tạm thời cho tệ nạn sinh sản quá độ, thường khi tàn phá đời phụ nữ nghèo, làm họ chết sớm hay già trước tuổi, nhưng thâm tâm hiểu lý luận trên là đúng, bà Besant không cho tái bản bài viết về các biện pháp giới hạn số con cho nữ giới. Bài ấy được viết vì thiện ý và lòng nhân ái, dầu vậy những điều này không tránh được việc tạo ảnh hưởng xấu, khi cổ võ việc dùng phương tiện vật chất để đối phó với hoạt động tình dục quá độ nơi người.
– Như thế thì giải quyết bằng cách nào ?
– Cưng nên nhớ nằm lòng một nguyên tắc của huyền bí học hay việc luyện kim tinh thần là chuyển hóa, chuyển cái thấp thành cái cao, hóa cái ác thành cái lành, và không phải là hủy diệt thí dụ như diệt dục. Làm vậy là đi ngược với thiên nhiên không có lợi mà cũng không đúng, vì ta không thể diệt cái gì tự nhiên, mà chỉ có thể thay thế nó. Ở đây việc cần làm là thăng hoa tình cảm, biến đổi ham muốn thành tình thương cao thượng, và có hoạt động tình dục đúng đắn. Bởi huyền bí học không đi ngược với thiên nhiên, nó không hề ngăn cấm hoạt động tình dục trong hôn nhân do thiên nhiên sinh ra, mà nó làm việc với thiên nhiên, trong thiên nhiên và cho thiên nhiên. Nó chỉ lên án tính vô đạo đức, lạm dụng và quá độ mà thôi.
– Tức việc ngừa thai, phá thai, không phải là diệu kế, mà điều cần là có tiết độ, làm thay đổi những uẩn phải không ? Còn bệnh tật thì mình nói được gì ?
– Về chữa bệnh thì cõi tiên sẽ tới theo cách sau. Có những bệnh xem ra càng lúc càng bí hiểm không đáp ứng với cách chữa trị thông thường. Ấy la do việc nhiều linh hồn khi nỗ lực trang trải nhân quả, để không bị ngăn trở và được tự do tiến bước trên đường đạo trong kiếp sau, đã chọn cách hấp thu vào người những hình tư tưởng, và tinh linh bất hảo. mà họ đã tạo ra trong những kiếp trước để chuyển hóa chúng. Những vật này trong kiếp hiện tại quay trở về tấn công họ trong các thể thanh, trước khi biểu lộ thành bệnh kỳ lạ nơi thể xác.
Khi tới lúc nhân quả xong, những linh hồn can đảm này sẽ tiếp xúc được với người có thể chữa lành cho họ bằng phương pháp thích hợp. Với những bệnh như vậy, bắt buộc phải có thông nhãn để xác định căn nguyên, và làn rung động của âm thanh và mầu sắc, sẽ được dùng ngày càng nhiều để chữa lành, cũng như để tái tạo và củng cố không những các thể thanh mà luôn cả thể xác. Đó là chuyện tương lai. Hiện tại là việc dùng nhạc (âm thanh), tranh (mầu sắc) để trị liệu, tỏ ra hữu hiệu cho một số trường hợp không có thuốc chữa trị, mà cách duy nhất để trừ tuyệt chỉ là sống đời tinh thần.
– Sang bệnh tâm thần thì vai trò của phân tâm học ra sao, dường như nó cũng mang lại kết quả tốt đẹp cho số đông nhưng sao em thấy có vài điều không ổn, như nếu bị ra tòa thì người ta việc cớ lúc nhỏ bị bỏ bê, hay là bị ngược đãi hay thế này thế kia để xin khoan hồng. Nghĩa là từ chối không nhận trách nhiệm cá nhân cho hành động của họ.
– Nói tổng quát thì phân tâm học được đưa ra để giúp thế giới nhận biết tiềm thức, học hỏi nó. Đối với ai đã tỉnh thức thì điều này không cần cho lắm. Khai triển rộng hơn thì chân nhân gắng sức tìm hiểu và làm chủ phàm nhân, bằng cách phân tích tình cảm của mình để thoát khỏi lòng sợ hãi, mê tín và tiến đến chân lý. Đó là đường đi xuống, còn đường đi lên là con người thắng được dục vọng, và không còn gì phải học hỏi ở hành tinh này. Đi vào chi tiết thì phân tâm học được vị chân sư cung khoa học gợi hứng vào cuối 19. Giống như hội Theosophia, cả hai đều là nỗ lực của Thiên Đoàn nhằm đưa ra hiểu biết, hoặc khoa học hoặc huyền bí học vào phần tư cuổi của mỗi thế kỷ. Khi con người tiến hóa, chuyện càng lúc càng trở nên thiết yếu là họ phải biết mình, thấy con người thực của mình về mặt đạo đức. Thế nên đây là lý do chính yếu khiến khoa phân tâm học ra đời. Nó có tính chữa bệnh, mà còn làm thay đổi quan niệm về liên hệ giữa hai phái nam nữ, trưng ra tính giả dối của xã hội thời bấy giờ về tình dục. Tình dục khi đó bị xem chuyện tội lỗi không trong sạch, nhưng nó là động lực mạnh mẽ cần được phân tích và hiểu trọn vẹn. Nếu đè nén, gạt qua bên không chịu thẳng thắn trực diện, nó có thể sinh ra những bệnh nặng hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.
Phân tâm học còn giúp ta hiểu về tâm tính thầm kín của mình để loại trừ cái bất hảo, thí dụ như tự ti hay tự tôn mặc cảm. Đây là một khoa học còn trẻ nên người ta chưa có nhiều kinh nghiệm, và do vậy có thể gặp nguy hiểm. Lấy thí dụ nguy hiểm do việc thăm dò quá sâu tâm não, khơi động trở lại ký ức thuộc về những kiếp xưa, làm nó sống lại, trong khi tốt hơn nên để nó ngủ yên. Kết quả là tâm trí người bị suy sụp, tiêu hao, chung qui chỉ vì chuyên gia phân tích chưa có thông nhãn để thấy người muốn chữa trị có thể chịu đựng tới mức nào.
Kế đó, người khác có thể phân tích nhưng đó chỉ mới là nửa câu chuyện, phần còn lại thì người được phân tích phải tự mình làm là tổng hợp. Không ai làm thay cho họ được việc ấy. Khi nhiều dòng lực được khơi dậy, tâm thức không còn bị đè nén thì trừ phi người bệnh có đủ nghị lực, có sức mạnh nội tâm để chuyển hóa, thăng hoa những lực này, cái bất lợi có thể xẩy ra (xin đọc chuyện Vòng Tái Sinh). Tuy nhiên cho ai hiểu biết, khi làm việc với những luồng lực họ sẽ phối hợp với khoa chiêm tinh, để xem là người được phân tích có khả năng thăng hoa hay không. Vì lá số còn cho biết rõ ràng những bệnh ta dễ mắc phải và cách chữa nào thích hợp nhất cho ta, nhưng như thế là lan man sang chuyện khác rồi. Điều ta có thể nói một cách chắc chắn, là chỉ khi nào nhân quả người bệnh cho phép thì họ mới được lành bệnh, bằng phép chữa trị phân tâm học hay bất cứ cách nào khác.
Thí dụ cũng đưa ra cho thấy không phải phân tâm học có ích cho tất cả mọi người, và giống như mọi chuyện nó có thể bị lạm dụng. Mặt khác, cũng vẫn về phân tâm học thì có nhiều cách thức được sử dụng giúp phân tích tình cảm, và một cách như vậy là tiểu thuyết. Nhiều tiểu thuyết gia nhận được gợi hứng của vị chân sư cung 5 là cung khoa học. Nghe có vẻ lạ nhưng thật ra hợp lý, vì cung này chuyên về trí năng, tức bao gồm luôn phân tâm học, cũng như chính ngài gợi hứng cho khoa này, và khuynh hướng của tiểu thuyết gia là ngày càng đi sâu vào vấn đề trí não hơn là tình cảm, thí dụ là chuyện Vòng Tái Sinh. Tiểu thuyết vì vậy cũng nằm trong sự thúc đẩy hướng con người lên trên, vào cõi trí.
Như thế, sinh hoạt về tâm thức của con người chuyển môi trường theo với thời đại. Khi trước vấn đề là nâng tình cảm lên cõi tinh thần bằng lời kinh cầu và nguyện ước, nay nó có khuynh hướng là nỗ lực thắng dục vọng bằng phân tâm học. Vì có sự thay đổi này, những đấng cao cả phụ trách đường hướng tâm linh theo lỗi cũ (sùng tín), phải biến đổi phần nào phương pháp nguyên thủy, để hợp tác với các chân sư và đệ tử các ngài chuyên về đường hướng mới (trí não). Các ngài nói rằng làm vậy không dễ !, nó đòi hỏi phải hết sức khéo léo trong việc hướng dẫn, và tinh thần hóa những luồng lực tuôn chẩy trong tâm thức người như điện lực.
– Luồng lực gì ?
– Là những lực vũ trụ phát xuất từ các chòm sao, và gần hơn là từ các hành tinh trong thái dương hệ của mình (xin đọc bài Các Vì Sao). Việc chuyển hướng thật sự từ đường lối cũ sang mới, là việc tập cho con người tiếp nhận và biết sử dụng những lực này một cách thuận lợi. Sự việc sẽ kéo dài nhiều thế kỷ, vì hàng triệu linh hồn không thuộc loại tự phân tích, quen với lực đã tàn và lối làm việc cũ của cung 6, sẽ vẫn còn cần việc chữa lành mà chỉ có cầu nguyện mới cho được. Cầu nguyện khiến trọn con người hướng về một điều, và do đó cho phép ước vọng tinh thần chế ngự cả trí não lẫn dục vọng. Mặt khác khi ta quì gối, những luân xa trong thể sinh lực rung động theo một số đường lực bao quanh trái đất, và luôn luôn có sẵn mà vô hình cho việc giúp đỡ người. Quì gối vì vậy tự nó có ý nghĩa huyền bí lớn lao. Khi quì gối cầu nguyện, con người chẳng những được trợ giúp, mà còn được che chở phần nào khỏi những ảnh hưởng xấu, dễ khống chế họ trong những tư thế khác.
Thời trung cổ, thể trí của người bình thường còn sơ đẳng, nó dễ dàng lặng yên vào lúc cầu nguyện, nên tình cảm được tự do nhận soi sáng tâm linh. Cũng y vậy khi người ta tụ họp và cầu nguyện thì năng lực sinh ra nhiều hơn, cho phép một nhóm kinh nghiệm sự mở rộng tâm thức, còn cá nhân khi cầu nguyện một mình thường không đạt được. Nhưng cầu nguyện chung không phải là cách duy nhất để mở rộng tâm thức, mà hành động hy sinh tập thể như trong chiến tranh cũng mang lại kết quả này.
Tuy nhiên việc gì cũng có mặt trái, lòng yêu nước là ý tưởng cao đẹp đã bị nhiều người lợi dụng tệ hại, phần họ thì bị tà lực chi phối. Kết quả là những luồng lực gợi nên tình cảm yêu nước bị hoen ố. Các vị chân sư từ trước tới nay nỗ lực nâng con người lên để có hành động xả thân tuyệt vời, nay thấy công trình đó bị hủy hoại, còn người lính sau cuộc chiến thì chán chường đầy hoài nghi, cảm thấy rằng sự hy sinh của mình vô ích. Tư tưởng ấy làm cho những ai thuộc cung 6 có lòng sùng tín với một lý tưởng bị cản trở mạnh mẽ, vì luồng sinh lực nuôi dưỡng họ sẽ bị ô nhiễm trong một thời gian dài.
Những người này được hướng dẫn bằng cảm xúc hơn là tư tưởng, nên họ dễ trở thành nạn nhân cho lãnh tụ nào thiếu lương tâm. Vì vậy để quân bình lại, người có trí tuệ phân biệt bén nhậy được cho thêm khả năng. Họ đưa ra ý kiến rằng lòng ái quốc chẳng những vô ích, mà thực ra còn xấu xa, nếu nó bị những nhà tài phiệt hay chính trị gia lợi dụng cho mục đích riêng của mình. Người có tư tưởng như vậy ngày càng đông, ảnh hưởng dư luận về nhu cầu cấp bách là giải giới khắp nơi. Chủ trương ấy đúng, vì việc mở rộng tâm thức theo đường lối cũ là hy sinh trên chiến trường, nay thua xa ảnh hưởng tàn khốc của chiến tranh đối với thân xác và tâm trí, tức lợi bất cập hại. Đó là khuynh hướng từ khi thế chiến I kết thúc, và được tiếp tục nêu lên mỗi khi có chiến tranh khác.
Dầu vậy ta không nên lẫn lộn việc chống đối lòng ái quốc mù quáng với óc cầu hòa. Khi có sự tranh chấp mãnh liệt giữa cái Ác và cái Thiện, Bóng tối và Ánh sáng, Tà và Chính như trong thế chiến II thỉ chỉ có một chọn lựa.
Trở lại thời đại chuyển tiếp giữa cái cũ và cái mới hiện nay, sự việc diễn ra chậm chạp và từ từ, mà không thể được thúc hối, giống sự tăng trưởng của cây. Người có khuynh hướng sùng tín cung 6 sẽ dần dần được thay bằng người có tâm tình thiên về lý trí hơn, họ sẽ gợi hứng cho tư tưởng chính yếu trong tương lai, tuy nhiên lý trí là để dẫn tới nấc cao hơn mà không dừng ở đó. Trọn nền văn minh tây phương đã ở trong giai đoạn từ tình cảm sang lý trí trước khi Krishnamurti xuất hiện, và công việc của ông khi chưa tách khỏi hội là thúc đẩy nhân loại tiến lên cao hơn nữa vào cõi của trực giác. Hoạt động của ông trong thời gian này, là một trong các nỗ lực của đức Di Lặc (Christ) nhằm tạo đường hướng phát triển tương lai cho nhân loại.
– Nói về sự chuyển hướng này đi Bo, chắc em thuộc đường lối cũ là thiên về tình cảm, Em tin trí tuệ cũng dẫn đến chân lý, nhưng nghe chuyện triết lý đủ mọi trường phái làm em rối trí, như hiện sinh rồi gì gì nữa. Triết lý hiện đại có giá trị gì ?
– Cưng nên có sự phân biệt giữa trí tuệ và nét thiêng liêng. Trong nhiều trường hợp khi sử dụng thuần lý trí, triết lý và triết gia không theo đuổi chân lý đúng đường và thất bại, không có được sự phát triển tinh thần chân thực, nhận được minh triết thiêng liêng. Thường khi nó là sự phát triển tuyệt diệu của trí tuệ, của vật chất và gạt bỏ phần tâm linh. Lấy thí dụ người ta nói đến tự do như là thoát khỏi mọi nhu cầu về tình người, và liên hệ giữa người với các đấng cao cả. Ai chủ trương như vậy có thể không biết, hay không muốn nhìn nhận, rằng sự giải thoát ấy chỉ là một bài tập thiền, không gì khác hơn là một trợ giúp cho cái lý tưởng hợp nhất với Thượng Đế, nhờ chế ngự hoàn toàn dục vọng cá nhân. Vì thế nhiều người chủ trương tự do này sẽ thấy trong tương lai, khi tái sinh thay vì được giải thoát, họ lại được đặt vào hoàn cảnh khiến họ phải học thứ nhất là sự hợp tác nơi cõi trần, đối chọi với việc thoát khỏi tình người, và thứ hai là làm chủ có ý thức thể tình cảm.
Bởi người ta không thể làm ngơ thể tình cảm hay gạt bỏ nó. Ngược lại thường khi nó là phương tiện duy nhất qua đó đa số người thuộc giống dân thứ năm, và trọn giống dân thứ tư, có thể học được bài học của mình và rèn luyện ý chí. Tương tự vậy, một thể tình cảm bị đè nén thì cũng không phải là thành quả gì và không dẫn tới đâu. Khoa tâm lý học của tây phương, cái được gợi hứng từ trên cao, chứng minh điều ấy và chuyện mà phương tây cần tiến tới, là có lòng mong muốn làm chủ thể tình cảm. Khi ước ao này đủ mạnh thì một hình thức mới của Yoga được đưa ra, đầu tiên cho một nhóm nhỏ để được thử nghiệm trước, và nó chỉ trở thành hiểu biết chung khi thời điểm chín muồi.
Sang chuyện khác cũng thuộc về tình cảm thì ảnh hưởng thấp của Hỏa tinh là tính hiếu chiến, tranh chấp, gây hấn, nhưng linh hồn thanh cao nào có thể làm chủ và chuyển hóa từng dục vọng, từng tình cảm, để đạt tới một lý tưởng cao cả là đáp ứng lại làn rung động cao của Hỏa tinh, đáp ứng với trung tâm trong quả tim kêu gọi phụng sự. Thể tình cảm khi đó được chuyển hóa và nâng lên cõi bồ đề, do hành động xả kỷ nồng nhiệt mang lại. Những quân nhân vĩ đại và ai có tài tổ chức tuyệt kỹ thường hay tiến bằng lối này, và do hành động hy sinh của mình, họ trở thành đệ tử của vị chân sư đứng đầu cung một.
Có sự liên hệ thú vị giữa tính chất của phân tâm học, tiềm thức và cung một. Ấy là trong tiềm thức của con người có tham vọng muốn chế ngự kẻ khác. Tham vọng này đe dọa mọi nền văn minh, và có trách nhiệm phần lớn trong việc gây ra xung đột cho liên nệ giữa người với nhau, giữa các quốc gia, và bang giao quốc tế. Một trong các phần việc của vị chân sư đứng đầu cung một là ảnh hưởng tiềm thức ấy, giúp những ai đáp ứng với lực của Bảo Bình (khuynh hướng tự do, giải thoát) vượt lên trên dục vọng cá nhân, và chiến thắng cái ngã.
– Nhưng Bo tóm gọn lại đi, nào phân tâm học, tiềm thức, nào triết lý. Chúng liên hệ gì với nhau ?
– Mình đi có hơi xa, điều muốn nói là có tánh phân biện, phân biệt cái có ích nhiều và cái có ích ít. Các nước tây phương nói đến phân tâm học, tiềm thức tự do, nhưng nó được xem như là giai đoạn thoảng qua, tự vấn xét mình cho vui, và có lẽ dành cho ai nói chuyện theo thời, muốn tỏ ra mình cũng trí thức. Trên thực tế họ chưa sẵn sàng chấp nhận huyền bí học. Còn với ai đã đặt chân vào đường đạo thì không có việc nhìn lại quá khứ, hay vừa đi vừa chơi, mà những chân lý căn bản về đời sống nội tâm, phụng sự, hợp tác và khoan hòa sẽ trở thành nền tảng cho nền văn minh tương lai.
Nhân loại đang học việc rời cõi tình cảm để bước vào cõi trí. Một trong những việc làm có tính chuyển tiếp, là giúp tín đồ Thiên Chúa giáo kết hợp ước nguyện và thái độ sùng tín của thời đại qua, với lòng ham muốn mới về bằng chứng khoa học của sự sống sau khi chết. Sự kết hợp này cũng là đặc tính của tôn giáo mới, có nghĩa nó hòa hợp phần tinh thần và khoa học. Có lẽ đây là lý do vào cuối thế kỷ 20, nghiên cứu và sách vở vể kinh nghiệm cận tử - near death experiences đột nhiên lan tràn, khiến nhiều người thấy bớt hãi hùng về sự chết. Con người có được hiểu biết, tỏ ngộ nhiều hơn, thấy an lòng và an nhiên hơn.
Tất cả chỉ muốn nói là con người luôn được thương yêu, che chở và dìu dắt, cho dù không cảm được sự chăm lo của những đấng cao cả. Trong lúc mỗi người phần đấu cam go, mệt nhọc và ngã lòng thì các chân sư biết rằng sự đau khổ là phản ứng của việc tăng trưởng, như trẻ con nóng sốt khó chịu trong người khi đến lúc mọc răng. Vì vậy ta có lý do rất vững để tin là sau những đắng cay, thất bại và trì chí sẽ có được sức mạnh nội tâm, nỗi hoan lạc, được soi sáng và mở rộng tâm hồn.
Tham khảo:
HPB Collected Writtings, vol. VIII p. 88
The Mahama Letters to A.P.Sinnett, chronological sequence, p. 408
Through the Eyes of the Masters, David Anrias.
..............................................