1001 CHUYỆN

BÀI 9

PST 49

 

Xem Mục 1001 Chuyện

– Em mới vô internet coi mấy trang web, coi xong mệt quá Bo ơi. Bà con tranh nhau viết trong đó, em có hai mắt mà đọc không biết bao nhiêu là nhóm, nhóm nào cũng có ý riêng của họ.
– Tự nhiên rồi, các trang web nói gì ?
– Đại loại thì có hai ý kiến chính, chủ trương 1 bảo chỉ có sách vở của bà Blavatsky mới là Minh Triết Thiêng Liêng MTTL đúng thực, còn tất cả những tài liệu khác, nói họ cũng khởi nguồn từ các chân sư, là không đúng. Chủ trương 2 thì bênh vực sách Alice Bailey.
– Rất nên có thảo luận như vậy, mà cũng không cần chút nào.
– Mình nghe ai hả Bo ? Bo vô coi cho biết, bài nào bài nấy dài thậm thượt, phân tích kỹ lưỡng, dẫn chứng đầy đủ, ai cũng đúng hết là làm sao ?
– Ý cưng theo chủ trương nào ?
– Em theo cả hai ! Đọc bà Blavatsky em chịu lắm, mà đọc Cyril Scott viết bộ sách ba quyển The Initiate em cũng thích. Cyril Scott kể chuyện là có tiếp xúc với chân sư và sách viết ra theo gợi ý của ngài. Nếu nói theo chủ trương 1 thì sau khi bà Blavatsky qua đời, những sách bảo là từ chân sư là sách dỏm thì em không chịu. Bộ The Initiate hay mà, rồi cuốn The Wheel of Rebirth (Vòng Tái Sinh đã đăng trên PST), đọc lời dạy trong sách đúng là cung cách bậc chân sư. Tuy nhiên chủ trương 2 cũng có lý Bo ơi, họ đưa ra vài thí dụ là tổ chức dỏm 100 %.
– Làm sao biết là dỏm ?
– Vầy nè, quảng cáo nói đến sự phát triển cá nhân hơn là nỗ lực làm việc cho cơ tiến hóa. Mà Bo nói rất nên rồi không nên là cũng ba phải như em à ?
– Thành viên trong bất cứ nhóm nào thường không cùng trình độ nên có quan niệm khác nhau, riêng hội Theosophia mỗi người đều có tự do lựa chọn để chấp nhận hay bác bỏ những quan niệm, vậy chuyện rất nên là khuyến khích có tự do tư tưởng, trình bầy ý kiến thẳng thắn, trực tiếp với nhau giữa thanh thiên bạch nhật trong sự lễ độ và tương kính. Internet với trang web là cách rất tốt đẹp để bầy tỏ ý kiến của mình. Không phải ý nào cũng đúng hay quan điểm nào cũng chín chắn, khôn ngoan, nhưng con người phải được cho cơ hội học kinh nghiệm từ lỗi lầm của mình.
Còn nói là chuyện không nên, vì khi biết có nhiều trình độ thì thấy chẳng cần phải tranh luận. Bây giờ cưng tin là trái đất đi chung quanh mặt trời, nhưng vẫn có thể còn người tin rằng mặt trời đi chung quanh trái đất. Tranh cãi điều ấy chỉ mất thì giờ mà không có lợi chi. Chỉ trích trái xoài chua hay trái ổi chát khi nó chưa chín là không đúng, bởi chuyện gì cũng cần thời gian, tới ngày giờ thì trái sẽ ngọt và con người sẽ chấp nhận chân lý mà lúc này họ chưa sẵn sàng.
Bàn về các sách vở thì có hai điểm chính được nói tới là nguồn và nội dung của sách. Đầu tiên về cái nguồn thì cả bà Blavatsky, và bà Bailey đều nhắc nhở người đọc về lời đức Phật, rằng đừng tin vào lời nào chỉ vì ngài có nói tới nó, hay vì đông người trong dân gian tin, hay do người hiểu biết nhiều đưa ra, hay tập tục cho là đúng từ bao lâu nay, mà chúng ta chỉ nên tin sau khi xem xét kỹ thấy nó hợp với lòng mình. Như thế cái nguồn không nên là yếu tố duy nhất để xác định giá trị của chỉ dạy. Nếu chỉ dạy hữu lý thì nó được công nhận mà cưng không cần biết là nó phát xuất từ đâu. Ngược lại nói rằng chỉ dạy từ nguồn đáng trọng đưa ra mà khi đọc kỹ, thấy có ít giá trị thì uy tín cái nguồn vẫn không làm tăng giá trị ấy.
Về nội dung của sách thì tây phương có câu, ‘Bằng chứng nằm trong cái bánh - The proof is in the pudding’, ăn cái bánh sẽ biết liền là ngon hay dở, còn người làm bánh  có nói rằng mình học trường A, thầy B cũng không thay đổi được phẩm chất của bánh. Vì vậy khăng khăng cho rằng sách bà Blavatsky là sách duy nhất về Theosophia còn sách bà Bailey không phải, là chuyện thậm vô ích. Ai đọc sách mà rút ra được điều gì tốt lành thì rất hay, ai thấy không hợp với mình thì đừng đọc, có gì phải tranh cãi đâu.
Một cách chắc chắn để xác định sách có đúng là Theosophia hay không, là xem xét làn rung động khi cưng đọc sách. Lúc viết sách tác giả tạo ra hình tư tưởng bằng ý nghĩ của mình, và đọc sách là tiếp xúc với hình ấy. Làn rung động là cái không thể nào làm giả mạo, do đó nếu đủ nhậy cảm để phân biệt được rung động cao hay thấp, thanh bai cao quý hay tầm thường, thì cưng biết không sai chạy rằng sách phát xuất từ nguồn đáng tin hay không. Tự mình xác định được rồi thì cưng không cần đến nhận xét của người khác, để biết giá trị của những điều ghi trong sách.
Tranh luận còn là việc không nên vì lý do sau, chuyện bình thường thì dùng trí lý luận, óc phân tích sắc bén để mổ xẻ, nhận xét là đi tới đúng, sai, nhưng với chuyện tinh thần thì phải dùng trực giác là cái không thể mổ xẻ được, và không phải ai cũng có trực giác như nhau. Thế nên giá trị tâm linh chỉ hiểu được bằng trực giác, sẽ không làm trí nhậy bén hài lòng và có phán xét sai. Kế nữa, thường thì nên biết quan điểm của người khác để so sánh, nhưng có lúc chỉ nên trông cậy vào nhận xét của chính mình, ngay cả ai có uy tín cũng không chắc là phán đoán trúng mọi việc. Một chuyện rất đáng tiếc là người ta có khuynh hướng gán ý xấu cho chuyện gì họ không thích, thế nên một lý luận thỉnh thoảng đưa ra, nói rằng ai có hành vi bất lợi cho nhóm của ta là bị tà đạo ảnh hưởng, bị thế lực hắc ám chi phối. Alice Bailey, Krishnamurti đã từng bị phán xét như vậy, mà tác phẩm của hai vị này đứng vững với thời gian, nó có thể không thích hợp cho người này mà rất hợp cho người kia, nên phải hết sức cẩn thận trước khi dùng lý luận đó. Tốt nhất là đừng dùng vì trong 99 % trường hợp ta không biết nguyên nhân sâu xa để nói như vậy.
Điểm khác cũng được bàn cãi là tư cách của người viết, một chủ trương nói rằng ai có tư cách không thích hợp thì sách họ không đáng tin, lấy thí dụ trường hợp ông Leadbeater với tai tiếng. Ý kiến khác sáng suốt hơn vạch ra là chân sư có thể chỉ dẫn con đường, nhưng không thể giúp một ai tránh được hậu quả do lỗi lầm và khuyết điểm của chính họ gây ra. Nó muốn nói bởi chưa hoàn thiện, khả năng hiểu biết của một ai và tư cách họ có thể không đi đôi với nhau, và họ có thể vấp ngã, nhưng không vì thế mà hiểu biết đưa ra không đúng hay kém phần giá trị. Với ai mong muốn đi tìm hiểu biết thì mọi chỉ dẫn đều được chấp nhận, còn tư cách con người là chuyện riêng không can dự vào cái trước. Ai đang nỗ lực tiến mau thường gặp nhiều thử thách, nếu họ bị vấp ngã thì đó là bài học cho tất cả chúng ta, hơn là cơ hội để coi nhẹ những thành đạt của người ấy.
– Mà tại sao có tranh cãi Bo hỉ.
– Lý do là người ta thường sợ hãi tương lai bởi nó vô định, không biết trước việc gì sẽ xẩy ra, cũng như e ngại bất trắc. Để được an lòng, con người có khuynh hướng trụ vào cái quen thuộc, cái đã được thử thách và thấy là có giá trị, ở đây là trú ẩn trong quá khứ, chủ trương rằng chỉ có sách của bà Blavatsky là đáng theo, đáng học mà thôi. Giống như mọi tổ chức khác, hội có lịch sử của nó và khi hội tồn tại lâu có quá trình dài, thì hội viên phải cẩn trọng khi nhìn lại quá khứ, vì dù quá khứ có vinh quang huy hoàng thế nào đi nữa nó cũng là chuyện đã qua, mắc kẹt trong đó lâu chừng nào thì người ta mất đi ngày giờ chừng ấy để sống trong hiện tại, học bài học cần thiết của lúc này, theo dõi những tài liệu được đưa ra cho phù hợp với hoàn cảnh mới.
Trở ngược lại hay tiếp tục duy trì bầu không khí ngày xưa là chuyện không nên, còn là vì trong khoảng mấy chục năm từ khi bà Blavatsky qua đời 1891, khuynh hướng sủng tín nổi bật, sách vở viết trong giai đoạn này và sinh hoạt hội nhuộm đậm nét tính chất đó, gây ra một số ảnh hưởng đáng tiếc. Tạ ơn Trời thế hệ sau học được từ kinh nghiệm ấy và chỉnh đốn lại, nhưng bất cứ ai khi tìm hiểu về lịch sử hội rất dễ bước vào bầu không khí đó, và bị quyến rũ vì sức lôi cuốn còn mạnh để rồi đi lạc. Vì vậy cần phải cảnh giác.
– Cảnh giác bằng cách nào ?
– Con người được dạy điều này rất nhiều lần mà thấy khó áp dụng, đó là hãy sống trong hiện tại, sống trong vĩnh cửu. Nắm vững được điều ấy thì có thể nhìn lại lịch sử của hội một cách khách quan, đọc những tác phẩm từ đầu thế kỷ 20 mà không bị lòng sùng tín chi phối, vì biết rằng ta đang sống trong thế kỷ 21, và tâm tình của thời điểm xưa không còn thích hợp với lúc này. Nó giống như cưng mở lại cuốn album có hình thuở nhỏ, trong một chốc lát cưng có thể ngây người mơ màng, ôn trong trí kỷ niệm êm ái của tuổi thơ, nhưng có ý muốn duy trì hay nuối tiếc chúng là cho thấy cưng đang bị ảo ảnh chi phối.
– Nhưng mà quá khứ cũng có chỗ đứng của nó phải không, mình đâu thể gạt bỏ được mà chắc cũng không nên làm thế.
– Cái cần làm là có óc phân biện, đặt quá khứ đúng chỗ, rút ra bài học của quá khứ thay vì cho nó là tất cả, để rồi không màng tới gì khác.
– Cũng khó Bo à, càng lớn tuổi người ta càng có khuynh hướng trở về quá khứ, mất bớt tính uyển chuyển để thích ứng với hiện tại, và hóa ra nghi ngại tương lai.
– Ấy là bởi đồng hóa mình với cái ngã này, còn khi cưng sống như một linh hồn bất tử thì không có quá khứ hay tương lai, mà chỉ có sự sống, và mình là sự sống đó. Thử tập như vậy đi và cưng sẽ thấy nội tâm hết sức phong phú, đạt sự an nhiên không gì lay chuyển được. Ấy là điều rất quí giá hiện nay, lúc mà thế giới gặp nhiều hoang mang lo sợ do khủng bố, chiến tranh.
– Nói  sang chuyện khác, càng ngày càng có tin sôi nổi, nào là khoa học gia thành công trong việc làm thụ thai vô tính - clone con mèo, con trừu và ngay cả con người, nhưng cái sau chưa biết thực hư ra sao. MTTL nói gì về những chuyện này hở Bo.
– Mình cần nhìn bao quát trước khi bàn chuyện đó. Cloning là một nỗ lực của con người nhằm khám phá sự sống, mục tiêu vì vậy chính đáng nhưng đường lối e rằng không đúng. Nhiều khoa học gia chưa nhìn nhận là ngoài xác thân vật chất con người còn có phần tinh thần, thụ thai vô tính dường như tin rằng con người chỉ là thân xác mà thôi, và những thành công với mèo, trừu, có vẻ chứng minh cho tin tưởng ấy. Quay sang MTTL, có chỉ dạy sự hiện hữu gồm hai tính là tinh thần và vật chất, và quân bình này phải luôn luôn được duy trì. Khi biểu lộ, sinh hoạt, thì hai nét tương tác cho ra sự hòa điệu giống như hai lực ly tâm và hướng tâm cân bằng nhau, hỗ tương nhau, lực này cần cho lực kia để cả hai cùng linh động, nơi các loài thì đó là để duy trì sự sống. Nếu một đặc tính bị ngăn chặn thì mức hoạt động của đặc tính kia sẽ lập tức tự hủy (The Secret Doctrine, vol. 2, p. 134)
Ta không biết chữ ‘lập tức - immediate’ trong câu trên nên hiểu như thế nào, vì nhiên thiên thường không làm việc một cách đột ngột mà diễn tiến chậm chạp. Với cloning thì có những dữ kiện sau:
1. Khoa học đang gặp trục trặc trong thí nghiệm thụ thai vô tính với khỉ. Các nhà nghiên cứu cnói rằng thí nghiệm hư rất sớm. Họ làm 700 vụ cloning để cho ra bào thai của khỉ, nhưng lần nào cũng hư ngay ở những giai đoạn sớm nhất của việc phát triển phôi thai, sau khi vài tế bào phân chia. Bình thường các tế bào có số nhiễm sắc thể giống nhau, nhưng khi phôi thai hư người ta khám phá là vài tế bào có nhiều nhiễm sắc thể hơn bình thường, và tế bào khác lại có ít hơn hay không có cái nào.
Vì sự kiện đó, người ta cho rằng cloning con người cũng sẽ gặp trục trặc như với khỉ, nếu đúng thì ai chống đối việc cloning con người có lẽ khỏi phải hao hơi tổn sức. Đó là chuyện của các khoa học gia và sẽ hạ hồi phân giải, cái mình chú ý ở đây  là sự việc diễn biến giống như đưa ra trong The Secret Doctrine, tức phôi thai lập tức tự hủy, việc phân chia tế bào khựng lại không tiến hành. Dầu vậy thí nghiệm đang tiếp diễn nên chưa thể có xác định chung cuộc.
2. Trong phương pháp cloning, nguyên tắc là lấy nhân của một tế bào đặt vào trứng đã bị lấy nhân chỉ còn lại tế bào chất, trứng này với nhân từ ngoài mang vào sẽ nẩy nở thành phôi thai. Theo cách thụ thai bình thường có tinh trùng và noãn, bào thai khi sinh ra  bắt đầu là 0 tuổi, zero ngày tháng, nhưng có nhận xét là bào thai do cloning khi sinh ra, có thể không phải là không tuổi mà có tuổi của nhân đặt vào trứng. Nó có nghĩa nếu tế bào của nhân được lấy từ con trừu 6 tuổi và mang đi cloning, thì trừu con mới sinh ra cũng đã 6 tuổi rồi, như vậy nếu tuổi thọ của trừu là trung bình 15 năm, trừu con do thụ thai vô tính trên nguyên tắc sẽ chi sống được (15- 6 = 9) 9 tuổi. Giả dụ là điều ấy đúng và không có gì thay đổi, thì sự việc sẽ đi tới kết cục như The Secret Doctrine ghi. Đó là cloning càng nhiều lần thì tuổi của trừu con mấy thế hệ sau sẽ càng ngắn, và cuối cùng là chấm dứt luôn hay lập tức tự hủy.
Đây là diễn biến tính đến nay và chắc chắn sẽ còn nhiều thay đổi về sau, nên mình chưa có kết luận mà cần tiếp tục theo dõi các công trình thí nghiệm.
3. Ta chưa biết việc lập tức tự hủy diễn ra như thế nào, nhưng có chứng cớ xác nhận điều ấy. Các khoa học gia chuyên về cloning thí dụ như viện nghiên cứu Roslyn ở Scotland, nơi sinh ra cô cừu Dolly nổi tiếng, nói rằng cloning không dễ và tỉ lệ thành công rất thấp, chừng 3 - 4 %. Họ bảo phần lớn các phôi thai chết sớm, còn nếu phát triển tới những giai đoạn sau thì bào thai nẩy nở bất toàn, có dị dạng, có tật và chết trước hay một thời gian ngắn sau khi sinh ra, khiến cho con số bào thai phát triển được bình thường tới ngày ra góp mặt với đời còn rất ít.
Như vậy cả ba sự kiện cho thấy việc thụ thai vô tính với hy vọng tạo sự sống, mà chỉ hoàn toàn dựa vào vật chất tỏ ra không thành công ít nhất là vào lúc nay. Sự sống chỉ khả hữu khi có phối hợp giữa tinh thần và vật chất, hay nói khác đi cái gì thuần vật chất không thể tồn tại lâu, mau thì như phôi thai chết ngay ở những giai đoạn đầu và chậm thì trừu không sống lâu, nhưng tại sao vật chất không thể tồn tại nếu không có tinh thần và ngược lại ? Lý do là không có sự phân chia vật chất và tinh thần, mà hai cái chỉ khác nhau ở mức độ, vật chất là tinh thần ở mức thấp nhất, còn tinh thần là vật chất ở mức cao nhất, và hai tính này bất khả phân ly. Đó là cơ chế hoạt động của vũ trụ biểu lộ, và khi tìm cách đi ngược lại nguyên lý này thì khó mà thành công.
– Trong việc thụ thai vô tính thì tinh thần nằm ở chỗ nào ?
– Muốn hiểu thì phải trở lại việc thụ thai bình thường tức có tinh trùng và noãn. Ta có sự thụ tinh khi tinh trùng xâm nhập noãn, và sau đó là sự đậu thai và trứng phân chia thành phôi thai rồi bào thai. Thụ tinh - fertilisation chưa hẳn dẫn tới đậu thai và thụ thai - conception; đậu thai nơi con người chỉ xẩy ra khi chân nhân quyết định tái sinh. Nói cho sát thì quyết định hay động lực đã có từ trước, bắt đầu ở những cõi cao và các thể thanh được tạo trước; khi động lực lan xuống tới cõi trần và bắt đầu việc tạo thể xác thì có đậu thai. Động lực của chân nhân là phần tinh thần nói ở trên. Như vậy nếu hiểu đúng thì chỉ khi linh hồn muốn tạo thể xác để tái sinh, sự việc mới tiến hành, bằng không trứng có thể thụ tinh mà không có đậu thai, hay tiến trình có thể đi xa hơn tới giai đoạn có thụ thai mà vì lẽ gì đó, linh hồn rút lui và ta có sẩy thai.
Với loài càng tiến hóa cao thì diễn tiến tạo hình càng phức tạp, ảnh hưởng tinh thần càng mạnh, (giống như linh hồn tiến hóa xa có nhiều độc lập hơn trong việc tạo thân xác) nên sự việc trứng của khỉ bị hư khi cloning là điều đáng chú ý. Khỉ là loài rất gần người hơn là trừu và có mức tiến hóa cao, đòi hỏi một tiến trình tạo hình phức tạp, nên có thể việc tạo thân xác khó hơn là đối với loài thấp hơn như trừu. Không chừng vì vậy mà trứng khỉ bị hư nhiều hơn, cho tới nay nó bị hư hoàn toàn như nói ở trên. Loài thấp hơn có đòi hỏi ít hơn, việc tạo hình giản dị, thí dụ vi trùng chỉ cần phân đôi là xong, có hai vi trùng mới ngay.
Cũng trả lời câu hỏi về cloning, một thân hữu giải thích thêm rằng sự truyền giống xẩy ra dưới nhiều hình thức. Khi vật chất còn thô sơ và chưa phân hóa nhiều, sự sinh sản diễn ra dưới hình thức phân đôi không phái tính, thí dụ là vi trùng nói ở trên. Còn khi vật chất phân hóa nhiều thì cần hai nguyên lý âm dương như ở thảo mộc, thú cầm và con người, lý do là tinh thần là nhất nguyên khi không biểu lộ, mà khi biểu lộ thì có tính nhị nguyên, phân biệt. Sự tạo hình thể giống như tạo bánh mì hay cơm nếp, cần vật liệu và phải theo các định luật của cõi vật chất. Bánh mì có ngon hay không là do ý muốn thể hiện của người làm bánh. Phù thủy tà đạo có thể tạo ra hình thể, và sai khiến hình thể ấy tức tinh linh nhân tạo hay âm binh, điều khiển xác ướp đi đứng, và do hiểu biết về các định luật của cõi vật chất, họ cũng điều khiển được các tinh linh tạo hình như hô phong hoán vũ. Khoa học gia khi tạo hình bằng phương pháp cloning, là đang sử dụng hiểu biết về các định luật quản trị vật chất.
Sự khác biệt giữa người chết và người sống là tâm thức hay ngã thức, là cái động lực đứng sau hình thể. Trong một số PST ta có nói trong lúc sống, con người có hai dây nối liền những phần cao với thể xác, đó là dây tâm thức trụ ở đầu và dây sống trụ ở quả tim. Người sống có tâm thức là do hai sợi dây này còn liền lạc, khi qua đời thì cả hai dây bị cắt đứt, tâm thức rút về và có cái chết của hình thể, nhưng với ai sinh ra khờ dại hay trong trường hợp người lớn tuổi mất tri thức như với bệnh Alzheimer, dây tâm thức bị đứt lìa mà vẫn còn dây sống, và ta có tình trạng là thân xác có sự sống của nó (sự sống của vật chất), biết đi đứng, ăn uống, nói năng, biết làm những phận sự để duy trì sự sinh tồn của thân xác mà thôi, còn thì không có ý thức.
Các phù thủy tạo hình biết điều này, tâm thức trong xác chết hay âm binh mà họ sai khiến là ý chí của phù thủy, hay với tinh linh thấp chịu sự điều khiển của phù thủy thì đó là tâm thức của chúng. Trong cả ba trường hợp (xác chết, âm binh, tinh linh) đều không có ngã thức. Nơi con người khi cha mẹ sinh con, động lực lúc thụ thai quyết định phẩm chất hay tính cách của linh hồn sẽ tái sinh, tâm thức thấp kém sẽ hấp dẫn linh hồn tương ứng, còn khi có động lực cao như thương yêu thì lôi cuốn được linh hồn có đặc tính tương tự.
Trở lại cloning, vật chất có sự sống riêng của nó nên khoa học có thể tạo ra hình hài sắc tướng sống động, nhưng đặc tính của vật chất là phân rẽ trong khi đặc tính của tinh thần là kết hợp, vì vậy sức sống của hình thể thuần vật chất sẽ dẫn đến phân chia, tan rã, cuối cùng hình hài chết đi, và nguyên tử các loại bung ra mạnh ai đi đường nấy. Ngược lại vật chất có tinh thần thì lực tâm linh hướng dẫn sẽ tụ hợp các tế bào, hay vật chất thành một đơn vị sống hài hòa, tăng trưởng và tiến hóa có mục đích.
Khi chú trọng hoàn toàn vào mặt tạo hình, như biotechnology đang làm hiện nay, thì đó là một dạng của tà thuật, dù con người không hay biết hay không chủ ý. Sự sống được tuôn vào hình thể chỉ nhằm làm sinh động hạt nguyên tử trong chất liệu, còn tình thương là cái phát xuất từ linh hồn bị thiếu vắng. Hình thể vì vậy được tạo mà không có sự đóng góp của linh hồn. Mục đích của nó phù hợp với sự phát triển của hình thể nói chung, nhưng không phù hợp với sự biểu lộ của linh hồn. Con đường tà đạo do đó là tiến bộ của vật chất, không phải là con đường tiến bộ của linh hồn.
Tới đây nên biết thêm là mọi hình thể được tạo ở bất cứ giai đoạn nào, đều hoặc thuộc về tà đạo, hoặc nằm trong đó rồi vượt qua nó và theo chánh đạo. Nói rõ ra mọi hình thể dù theo tà hay chánh đạo, đều giống nhau tới một mức nào đó, chúng trải qua cùng những giai đoạn tiến triển và vào một thời điểm trên con đường của chúng, vật hiện ra giống nhau y hệt, chỉ khi mục đích của hình thể được trưng ra thì sự khác biệt mới hóa rõ ràng, và ấy là lý do ta được dạy rằng khi làm việc theo chánh đạo, bước đầu tiên là có động lực chính đáng.
Bởi có sự phân biệt rành rẽ giữa hình thể và phần linh hồn sự vật, ta có thể thêm rằng bất cứ điều gì có khuynh hướng làm tăng thế lực của vật chất, và thêm vào sức mạnh tiềm ẩn của hình, thì nó sinh ra khuynh hướng thiên về tà đạo, và từ từ hướng ra khỏi Thiên cơ và Thiên ý, che dấu mất hai điều này. Mặt khác việc làm nào biểu lộ lý tưởng tinh thần, nhấn mạnh đến sự sống là thuộc về chánh thuật, vì nó dẫn con người ra khỏi hình thể bước vào sự sống, tách xa vật chất mà đi vào tâm thức.
Có một điểm rất cần nhấn mạnh, để phân biệt một hoạt động hợp với tà đạo hay chánh đạo, ấy là chánh đạo luôn làm việc với linh hồn của sự vật, kích thích phần linh hồn bên trong  mà ít quan tâm đến hình thể. Nếu ví von thì chánh đạo làm việc với năng lực, với điện lực hay sát hơn nữa là dương điện, lực của nhân nguyên tử mang dương tính dù đó là hạt nguyên tử của hóa học hay đơn vị là con người. Trong khi đó tà đạo làm việc với âm điện hay âm điện tử theo thí dụ trên, với hình thể mà không với linh hồn. Ta cần nhớ kỹ phân biệt này, vì nó là mấu chốt của việc chánh đạo thường không can dự vào những vấn đề vật chất, họ đặt trọng tâm vào mặt lực, các trung tâm lực, và tác dộng trọn thể hay sự việc qua vài trung tâm lực trong hình thể. Họ sẽ tìm cách kích thích tính phóng xạ của chất - element ấy hay hạt nguyên tử, nhắm vào cái nhân có điện dương, làm tăng mức rung động, hoạt động dương tính của nhân và khiến cho sức sống trong nhân bừng lên, thiêu rụi vỏ bọc và sức sống thoát ra dưới dạng phóng xạ nếu đó là hạt nguyên tử, hay hào quang chói lọi của vị La hán lúc căn thể cháy tan. Nơi con người vị chân sư tìm cách gia tăng hoạt động của phần linh hồn bên trong, mà không quan tâm chút nào đến phần thuộc về thiên thần là hình thể.
Tà đạo làm việc ngược lại, họ chú ý vào hình thể, chủ tâm đập tan vỡ hình thể hay cái khối các hạt nguyên tử, để làm cho sự sống bên trong thoát ra và cầm tù nó. Họ làm được việc này bằng cách dùng những tác nhân bên ngoài, và nhờ tính phá hoại sẵn có trong vật chất. Hành động này gây kết quả dây chuyền:
● Nó ngăn trở kế hoạch tiến hóa của sự sống bị cầm tù, làm trễ nãi việc thành đạt, gián đoạn tiến trình phát triển có trật tự.
● Sự sống bị trì trệ, thiên thần và tinh linh can dự làm việc có tính phá hoại, thay vì tạo tác hình thể là phận sự của họ, cũng như khi làm vậy là không dự vào mục tiêu của thiên cơ, và chót hết phù thủy gặp nguy hại theo luật nhân quả.
Tà thuật loại này thấy lan khắp các tôn giáo, qua việc phá hủy hình thể bằng tác nhân bên ngoài, mà không do việc giải thoát sự sống bằng cách phát triển, sắp sẵn phần tâm linh bên trong. Tệ hại đó thấy trong Hatha Yoga và một số dòng tu huyền bí của tây phương. Cả hai làm việc với vật chất ở ba cõi thấp, và làm điều bậy để mong có kết quả lành, cả hai kiểm soát thiên thần, biến hóa vật chất của hình thể để mong đạt mục tiêu đặc biệt. So sánh thì Thiên Đoàn làm việc với phần linh hồn bên trong hình thể và tạo ra kết quả trường cửu, tự phát và có tính thông minh; ngược lại khi chủ tâm đặt vào hình thể thay vì tinh thần thì khuynh hướng là có sự thờ phượng thiên thần, tìm cách tiếp xúc với thiên thần và tập ma thuật, vì hình thể làm bằng chất liệu của thiên thần trong các cõi.
Nói tiếp về cloning, cưng thấy sự việc nhắm hoàn toàn vào mặt tạo hình nên rất đáng nghi ngại, dù là tạo cô cừu Dolly hay tạo thân xác để mong chữa bệnh như trường hợp gọi là designer baby, theo đó có việc thụ thai nhân tạo để cha mẹ chọn phôi thai thích hợp, người mẹ mang thai rồi sinh con, và bệnh viện lấy tế bào gốc - stem cells từ máu của nhau mà chữa bệnh nan y cho anh hay chị của trẻ. Ta có thể cho đó là trường hợp nhân nhượng vì tạo hình để chữa bệnh, nhưng nhìn chung thì những tiến bộ của khoa học giống như ngọn nến trong hầm tối, nó mang lại chút ánh sáng le lói, và có ánh sáng dù yết ớt thì cũng tốt hơn là hầm tối đen không tia sáng, tuy nhiên ánh sáng ngọn nến không thể thay thế mặt trời chói lòa. Một chân sư nói rằng trong thời đại chúng ta, khoa học có nhiều tiến bộ lớn lao trong việc chữa được bệnh tật, nhưng hầu như các nỗ lực ấy đều nhắm vào kết quả mà không làm giải tỏa được các nguyên nhân của tật bệnh. Trong tương lai khi nền văn minh phát triển hơn sẽ có những bệnh mới xuất hiện, con người sẽ gặp phải những rối loạn lạ lùng hơn nữa, phát sinh từ nguyên do nằm sâu trong trí não người. Những bệnh tật này chỉ có thể loại trừ hẳn bằng cách sống tinh thần mà thôi.
– Bo nè, đề tài huyền thuật hấp dẫn nên có nhiều thắc mắc nêu ra. Em mới nhận được email từ Texas có bốn câu hỏi, Bo ráng kiếm lời vàng ngọc của bà Blavatsky để trả lời hỉ. Câu một và câu bốn của anh bạn có liên hệ với nhau nên em sẽ gộp chung, đó là, ‘Vật chất nay được thấy có thể hoán chuyển với năng lượng qua công thức E = Mc2 , từ đây khoa học sẽ tiến theo chiều hướng nào ? và với ý vật chất là phần thấp nhất của tinh thần và tinh thần là phần cao nhất của vật chất, vậy khoa học sẽ bước vào lãnh vực tinh thần không, nếu có thì như thế nào, và bằng cách nào ?’
– Có lẽ khoa học sẽ không bước vào lãnh vực tinh thần, mà sẽ khám phá cõi vật chất ngày càng thanh bai hơn, nhưng cũng vẫn là vật chất mà không phải là sự sống tinh thần. Khoa học bước vào cõi cao hơn một phần nhờ sự tái sinh của những huyền bí gia, và thuật sĩ magician mang theo hiểu biết đã có về quyền năng và lực, và nhiều người hiểu biết sẽ làm khó mà phủ nhận sự hiện hữu của tinh thần hơn. Có ý kiến nói rằng một số khoa học gia đã tái sinh trong thế kỷ 20 vừa qua, để mang lại những khám phá mới về điện lực. Theo đó một công thức về điện đã được các đấng cao cả của cung năm soạn ra vào thế kỷ 19, như là một phần của nỗ lực của Thiên Đoàn vào mỗi cuối thế kỷ (tức trùng hợp với việc thành lập hội) nhằm đẩy mạnh sự tiến hóa. Hai phần năm công thức ấy được Edison và những người làm việc cùng đường hướng, hay làm việc với radium và tính phóng xạ, khám phá ra. Ba phần năm còn lại đang chờ được mang ra ánh sáng (A Treatise on Cosmic Fire, p. 455)
Một cách khác mà khoa học dùng để bước vào lãnh vực siêu hình (không phải tinh thần, xin lưu ý), là dùng người có khả năng ấy để nghiên cứu. Hồi chiến tranh vùng Vịnh 1991 họ xuất hồn đi tới chiến trường ở Iraq, vào những nơi mà người sống không thể đến vì quá nguy hiểm, quan sát sự việc và ghi chép báo cáo khi trở về (The Psychic Warrior, David Morehouse), cơ quan cũng giao nhiệm vụ cho người như thế lên Hỏa tinh quan sát đất đai. Sự việc đáng tin tới mức nào thì tùy nhận xét của người đọc, vì không có cách để kiểm chứng chi tiết trong sách.
Vắn tắt thì khoa học không thể chuyển sang tâm linh vì không công nhận tinh thần, giới hạn của khoa học là chỉ dùng trí năng khiến nó không mang lại câu trả lời thỏa đáng, và ai thắc mắc về ý nghĩa sự sống cuối cùng phải đi tìm câu trả lời nơi khác, là huyền bí học. Âu cũng là điều hay, bất lực của khoa học sẽ dẫn tới sự nhìn nhận huyền bí học.
– Câu hai là cuốn năm của bộ Harry Potter vừa được ra hồi tháng sáu 2003, làm tăng thêm chú ý về huyền thuật trên thế giới lúc này, như vậy có nghĩa là khoa học sẽ tiến dần về huyền bí học không ?
– Một điều có thể nói chắc là ảnh hưởng cung bẩy đang tăng dần, thấy rõ qua việc huyền thuật được bàn tới nhiều hơn, nhưng không chắc là khoa học đang tiến dần về huyền bí học, mà có thể có chuyện ngược lại là khoa học ngày càng đi sâu vào vật chất hơn, và dẫn con người lún sâu, mắc kẹt trong đó nếu không để ý. Cho dù con người nhìn nhận rằng cơ thể không phải chỉ có trái tim, mà không chừng còn có luân xa tim, có thể xác mà có cả thể sinh lực và thể tình cảm, thể trí, hay tin là có cõi vô hình và muốn bước vào đó, nhưng với động cơ vì tư lợi, cái ngã thì hoạt động ở cõi thanh không phải là bằng cớ của tiến bộ tinh thần, cái là mục tiêu của huyền bí học chân chính.
Ta nghĩ rằng sẽ có một điểm giữa để khoa học và huyền bí học gặp nhau, và khoa học chuyến hóa sang huyền bí học, tuy nhiên khoa học chỉ là một phần của huyền bí học và không thể trở thành cái sau. Định đề và nguyên tắc hoạt động của hai ngành khác nhau, định đề của khoa học là vật chất còn của huyền bí học chân chính là sự sống thiêng liêng. Nguyên tắc của khoa học là phân chia, tách biệt thành loài, giống, họ (kingdom, genus, family) trong khi huyền bí học kết hợp và nâng cao. Nâng cao là một đặc tính tinh thần thấy nơi huyền bí gia chân chính. Đức Phậu nói ngài là Phật đã thành còn chúng sinh là Phật sắp thành, đức Chúa thì lời cuối trên thánh giá là khi ngài về cõi Trời sẽ mang theo kẻ trộm cũng bị đóng đinh bên cạnh. Có thái độ ấy vì huyền bí gia hiểu rằng tất cả là một, còn khoa học chỉ thấy dị biệt. Khoa học là cái nhỏ, là một phần của huyền bí học là cái lớn, cái lớn sẽ bao trùm cái nhỏ, cái cao ôm trọn cái thấp mà không có ngược lại.
Điều ta có thể nói là khoa học rồi sẽ dẫn đến huyền thuật - magic mà không phải là huyền bí học occultism, vì bao lâu không công nhận phần tinh thần, thì khoa học vẫn chỉ làm việc với vật chất dù đó là vật chất cõi cao. Trong khi ấy huyền bí học là khoa luyện kim tinh thần, không phải biến kim loại thấp thành vàng, mà tìm cách tinh luyện con người bên trong, nâng cao làn rung động các thể để cuối cùng biểu lộ được sự vinh quang của Thượng Đế ở mọi cõi, tức chuyển hóa vật chất khiến nó thể hiện được tinh thần. Khoa học tìm cách làm chủ mà không chuyển hóa vật chất. Khoa học gia rồi sẽ có nhiều hiểu biết về quyền năng và các lực trong ba cõi, và sẽ không còn ai hoài nghị thế giới vô hình, nhưng vì vậy có nguy hiểm về ma thuật. Bởi người như thế bị trí tuệ kiểm soát mà không phải là lòng xả kỷ, động cơ làm việc không bắt nguồn từ tinh thần thiêng liêng. Nguy hại khác là họ tiếp xúc với đường tiến hóa thiên thần, và qua loài này có thêm hiểu biết về quyền năng và lực.
Đi sâu vào con đường vật chất thì người dùng tà thuật có thể phát triển hạ trí cao độ, còn người theo huyền bí học sẽ phát triển thượng trí hơn là chú tâm quá mức vào hạ trí, vì mục đích của họ là vượt qua hạ trí để sử dụng thượng trí và trực giác. Với người dùng tà thuật, thay vì liên kết hạ trí và thượng trí, họ sẽ liên kết hạ trí với thể của thiên thần ở cõi hạ trí, tức càng ngày càng bị buộc chặt vào hình thể và vật chất không thoát ra được. Ta không cần đi sâu hơn nữa ở đây, chỉ cần nói thêm rằng huyền bí gia chân chính vừa là khoa học gia, vừa hết lòng tin tưởng chuyện tinh thần. Nếu không được vậy thì hoặc đó là người dùng tà thuật, hoặc là người có khuynh hướng thần bí.
Vậy cưng thấy rằng khoa học nằm trong huyền bí học, mà không thể trở thành huyền bí học, vì có định đề và nguyên tắc khác. Định đề của khoa học giới hạn chính nó vào ba cõi, còn định đề của huyền bí học bao trùm tất cả các cõi, vì không chấp nhận các định đề này nên khoa học không thể vào cõi tinh thần.
– Em không biết định đề của huyền bí học.
– Nó có ghi trong quyển Light on the Path, sẵn đây nhắc lại để mình theo dõi chuyện dễ hơn:
Có ba chân lý tuyệt đối không thể mất nhưng được giữ yên lặng vì không có lời diễn tả:
● Linh hồn con người bất tử, và tương lai của nó có sự tăng trưởng và đẹp đẽ vô cùng tận.
● Cái nguyên lý mang lại sự sống nằm trong chúng ta, mà cũng nằm ngoài, không hề hư mất và hằng thiện. Ta không nghe, không thấy hay ngửi được nó, nhưng ai muốn cảm biết sẽ nhận ra nguyên lý ấy.
● Mỗi người là kẻ ra luật tuyệt đối cho mình, ban phát vinh quang hay đau khổ cho chính họ, là người ấn định cuộc sống, phần thưởng và sự trừng phạt cho bản thân.
Những chân lý này vĩ đại như chính sự sống và đơn giản như trí não đơn sơ nhất của người. Hãy nuôi kẻ khao khát bằng các chân lý ấy.
Sự kiện huyền thuật nổi bật hơn vào lúc này ngoài ảnh hưởng của cung bẩy, còn có lý do là một số linh hồn tài sinh nhớ lại các thuật của thời Atlantis, nó khiến cho các khả năng tâm linh được nhìn nhận, và tăng trưởng mau lẹ trong thế giới. Những khả năng này có phần trí tuệ, mà không thuần tình cảm như hồi châu Atlantis nên sẽ nguy hiểm hơn, bởi nó có đi kèm phần nào với ý chí, ý thức về mục tiêu, có tri thức suy xét. Nếu không đi kèm với ý thức tinh thần, ảnh hưởng vững chắc của chân nhân đối với phàm nhân. thì tình trạng nguy hiểm thực sự có thể xẩy tới. Ấy là vì sao cần vạch ra cùng ý thức hiểm họa và nói lên sự thật về đời sống bên trong, lẫn nhu cầu phụng sự nhân loại, như là điều kiện thiết yếu cho sự tiến bộ cá nhân.
Những thuật sĩ này thuộc cung 7 và một số nằm trong Thiên Đoàn, còn một số khác thuần về trí tuệ tức con đường khoa học. Người theo chánh đạo tái sinh với hy vọng là nỗ lực của họ sẽ đảo ngược được làn rung động, và đẩy lui hiểm họa do nhóm tà đạo sinh ra; có dàn xếp cho họ trở lại trong nhiều nước khác nhau kể cả ở Âu châu và bắc Mỹ, và hai chân sư Rakoczi và Hilarion đặc biệt chú ý tới việc ấy.
– Câu hỏi chót đây Bo: Mục đích thứ ba của hội có hai phần là khám phá định luật trong nhiên thiên, và quyền năng ẩn tàng trong con người, tức huyền bí học. Nếu phải đối chiếu giữa khoa học và huyền bí học, về hai phương diện đối tượng và phương pháp, thì có những tương đồng và bất tương đồng nào ? Anh bạn đưa ra thí dụ về cloning với đối tượng là sự tạo hình, và phương pháp là lập giả thuyết, thí nghiệm, phân tích
–  Có nghĩa sử dụng hạ trí. Cái tương đồng dễ thấy là huyền bí học dùng cùng phương pháp như khoa học, tức sự tiến bước có được là do học hỏi từ kinh nghiệm đắng cay, nói khác đi chúng ta trở thành vị chân sư mà không sinh ra là chân sư. Ta đặt giả thuyết rằng cướp nhà băng là cách kiếm tiền dễ nhất, và thực hành với … kết cục dễ đoán. Từ đó ta học khôn và trở thành sáng suốt hơn. Hai ngành có tương đồng vì cả hai cùng sử dụng cái trí, nhưng chúng có khác biệt khi huyền bí học dùng thêm những quan năng khác cao hơn cái trí, thí dụ trực giác, bồ đề tâm là cái khoa học không biết. Bồ đề tâm làm người học đạo thấy mục đích, ý nghĩa của cuộc sống là sự tiến hóa của tinh thần và vật chất, còn khoa học chỉ sử dụng hạ trí để tìm chân lý trong thiên nhiên, nhưng đó là sự thật của vật chất, hình thể mà không phải là chân lý của sự sống tinh thần.
Sang đối tượng thì do bản chất của nó, khoa học không thể khám phá bí ẩn của vũ trụ quanh ta, vì trong vật chất có tinh thần. Chú tâm vào vật chất mà thôi như khoa học, là chỉ tìm hiểu có một nửa mà không phải toàn câu chuyện, nên cái nhìn không trọn vẹn. Ai muốn tìm hiểu cái bí ẩn sâu kín nhất của thiên nhiên, phải vươt qua giới hạn chật hẹp của ngũ quan, và chuyển tâm thức vào cõi của nguyên nhân, căn do sơ khởi. Muốn làm vậy, họ phải phát triển những quan năng hiện còn ngủ yên trong cơ thể của giống dân hiện nay.
Một trong những khác biệt giữa khoa học và huyền bí học là cái sau hoạt động trong ba cõi thấp, sử dụng phần chính yếu là hạ trí và phàm nhân, còn huyền bí học đòi hỏi con người làm việc ở cõi cao hơn và tuân theo chân nhân. Luật và môi trường sinh hoạt của hai cái khác nhau, thí dụ không đúng lắm là sinh hoạt trên đất và sinh hoạt trong nước có những luật riêng. Xuống nước thì ta phải theo những luật ít dùng trên đất nhưng có tính cách sinh tử trong nước, thí dụ áp suất tăng và nhiệt độ giảm, ánh sáng giảm khi xuống sâu, và khi trở lên mặt nước từ một độ sâu nào đó có nguy hiểm là nếu trồi lên quá nhanh, khí nitrogen trong máu không đủ thì giờ quân bình với áp suất bên ngoài, có thể gây chết người (tai nạn bent hay gặp ở người lặn).
Cũng y vậy, huyền bí học tuân theo những luật mà khoa học không biết nên cười chê và bác bỏ chẳng tin, như có lúc bà Blavatsky tạo ra hiện tượng, mà cũng có lúc không, ai tới muốn được thấy hiện tượng nhằm lúc bà không chịu làm thì nói rằng bà giả mạo. Sự thực là huyền bí học sử dụng sinh lực, sự sống, mà trước tiên là sinh lực và sự sống của chính người thực hành, nên khi điều kiện không thuận tiện thì họ không làm, như mệt mỏi và sinh lực không dồi dào, hoặc khi từ lực của môi trường xấu hay thấp thì họ cũng không tạo hiện tượng, vì phải tốn nhiều lực hơn bình thường, và khoa học bảo rằng huyền bí gia sợ bị lật tẩy nên từ chối. Ngược lại thí nghiệm khoa học làm được ở bất cứ đâu và khi nào, nếu hội đủ điều kiện nhiệt độ và áp suất, thí dụ vậy. Cưng nấu nước tới 100o C thì nước sẽ sôi, bất kể tình trạng sức khỏe của người làm thí nghiệm. Vì có liên quan đến sự sống nên huyền bí học rất nguy hiểm nếu không hiểu biết, cưng đừng thử chơi !
– Yên tâm, em chỉ thay anh bạn đặt câu hỏi thôi còn em không biết gì về huyền bí học cả, nhưng em thích nghe. Có trà, có bánh, có tám hoa quỳnh đang nở trắng muốt và thơm ngát, em hối lộ đầy đủ rồi nói tiếp đi Bo !
– Huyền bí học tuân theo những luật mà khoa học phủ nhận, thí dụ luật nhân quả. Phải có nguyên nhân chính đáng mới được phép tạo hiện tượng, vì nó tiêu hao năng lực giới hạn trong thiên nhiên, và sinh lực của chính đương sự, năng lực ấy phải được sử dụng để mang lại ích lợi chung, mà không phải để thỏa mãn óc tò mò vô hạn của con người. Thành ra không phải hễ được yêu cầu hay hễ muốn là huyền bí gia tạo hiện tượng. Có nhận xét nói rằng bà Blavatsky bị đau nặng trong nhiều năm cuối đời, vì bà làm các phép lạ khi hội mới thành lập, nhằm chứng minh những quyền năng ẩn tàng trong con người. Bà hy sinh sức khỏe của chính mình để tạo điều kiện thuận lợi cho hội.
Huyền bí học bao trùm các cõi và thời gian, khoa học chỉ nhìn nhận ba cõi và thời gian kiểm chứng được ở ba cõi này, huyền bí học vì vậy cho cái nhìn toàn vẹn hữu lý hơn về cuộc sống. Thí dụ MTTL dạy rằng sự phát triển của con người trên địa cầu, bắt đầu với cái cao nhất và tốt đẹp nhất từ những thế giới đã có trước đó, và sự thức tỉnh của sự sống nói chung, khởi đầu không phải trong vật chất mà trong tinh thần. Giống như ta không bắt đầu gia đình từ trẻ sơ sinh, mà với thanh niên cường tráng thiếu nữ xinh đẹp vừa thành hôn với nhau, tức bắt đầu từ người lớn (là kết quả của một gia đình trước đó), làm cha mẹ rồi mới có trẻ con (người là kết quả của gia đình hiện tại), thì cuộc tiến hóa cũng khởi sự với người tiến hóa đã xa, từ thế giới khác tới quả đất này, hay từ vòng tiến hóa đã xong trên trái đất để bắt đầu vòng mới.
Bà viết rằng thuyết Darwin bắt đầu ở điểm giữa của trọn cuộc tiến hóa. Người theo thuyết này thiếu yếu tố tinh thần trong cuộc tiến hóa, nên lý luận của họ chỉ có thể áp dụng vào những giai đoạn về sau, có tính sinh học của sự phát triển hình thể vật chất con người. Mà ngay cả ý nghĩa của giai đoạn này cũng không được cảm nhận trọn vẹn, nếu không xếp nó song song với sự chuyển hóa rộng lớn của tinh thần, cái xẩy ra trước nó và tiếp tục chi phối nó, vì trong hệ thống của bà đưa ra, vật chất chỉ là cái để đón nhận, chứa đựng tinh thần. Nó đáp ứng lại nhu cầu ngày một tăng của tinh thần, như là một phần của cuộc tiến hóa vĩ đại. Ý niệm về cuộc tiến hóa trong sách của bà chính là triết lý bí truyền, là cốt tủy của mọi tôn giáo và triết lý.
– 12 giờ đêm rồi, em đề nghị mình làm một huyền thuật là dùng thể thanh bước vào cõi cao nói chuyện thêm, đến 6 giờ sáng quay về thể xác này, có hứng cho số báo tới. Hễ Bo chịu thì mình thăng !

..............................................