1001 CHUYỆN

BÀI 8

PST 48

Xem Mục 1001 Chuyện

– Em không hiểu, Bo à, mình luôn luôn nghe là có tiến bộ khoa học, là con người đi từ khám phá này tới khám phá khác, mỗi ngày mang lại nhiều điều mới mẻ, cũng như tân kỷ nguyên có những nét lạ lùng. Điều này áp dụng vào Minh Triết Thiêng Liêng MTTL ra sao, có chân lý mới và chân lý cũ không ? Thời đại mới thì có chân lý mới đi kèm hay không, mà nếu có thì ấy là những chân lý gì ?
– Cưng có để ý thấy không, con người thích đi tìm cái mới trong mọi chuyện, cho rằng cái cũ lỗi thời và chủ trương đó cũng áp dụng luôn vào việc đi tìm chân lý.
– Làm vậy có đúng không ?
– Chắc không cần trả lời là đúng hay sai, mà tốt hơn có lẽ nên tìm hiểu lịch sử tiến triển của nhân loại. Con đường ấy đi qua nhiều kỷ nguyên, mỗi kỷ nguyên chịu ảnh hưởng của một chòm sao với đặc tính của đấng chủ trì chòm sao ấy. Kỷ nguyên vừa qua thuộc về chòm sao Song Ngư Pisces có đặc tính Thủy, với sự nổi bật trong giai đoạn cuối tức những thể kỷ trước, là việc con người dùng nước để trị nước; ta có động cơ hơi nước, và tầu chạy bằng hơi nước là hình ảnh xác thực nhất.
Sang tân kỷ nguyên thuộc chòm sao Bảo Bình Aquarius có đặc tính Khí, sự việc mở màn là con người dùng khí để phóng hỏa tiễn, đưa nó bay vào vũ trụ thăm thẳm mênh mông. Tương lai của Bảo Bình có nhiều điều lý thú nhưng mình không bàn tới ở đây. Cái muốn nói là vì đang sống vào lúc bắt đầu chu kỳ mới, mình gọi đó là tân kỷ nguyên, còn đối với ai thấy được quá khứ và tương lai, có cái nhìn bao trùm thì không có tân kỷ nguyên hay thời đại đã qua, mà chỉ có sự sống.
Như vậy cưng thấy cái nhìn của người thấy xa, và của ai chú trọng vào hiện tại, khác nhau. Suy luận tương tự thì điều ‘mới’ mà thế giới tin tưởng hay ước ao lúc này, chưa chắc là mới mà có thể là chân lý bất biến, nhưng được trình bầy chi tiết sâu sắc hơn, theo những góc cạnh khác cho phù hợp với tâm thức hiện đại, hướng dẫn tâm thức để đáp ứng thuận lợi với những đặc tính, lực riêng của Bảo Bình. ‘Mới’ vì vậy không nên là tiêu chuẩn áp dụng khi nói về chân lý, và cái gì đã được trưng ra từ lâu thì chưa chắc có giá trị bị giảm bớt theo thời gian.
Xét những chu kỳ hay kỷ nguyên của thế giới thì địa cầu đã trải qua chúng bao lần theo luật chu kỳ, bởi vậy hôm nay khi ta bước vào kỷ nguyên Bảo Bình thì gọi đó là tân kỷ nguyên cũng được, mà không xem đó có gì mới mẻ thì cũng có lý. Cái mới là tâm thức con người, tự ta quyết định thay đổi tâm thức hay không mà thôi, còn thì những lực bên ngoài chỉ là phụ trợ mà không phải là chính yếu. Thành ra không nhất thiết mọi điều sẽ mới lạ trong tân kỷ nguyên, cũng như hăng hái đi tìm cái tân kỳ thì chưa chắc là đúng.
– Nhưng thay đổi kỷ nguyên thì hẳn phải có gì khác lạ với thời đại đã qua chứ.
– Chắc chắn là có khác, như đã biết mỗi thời đại có tính chất, các lực riêng, và ý chính là con người sử dụng những lực này cho sự tiến hóa của mình, mà không phải để chúng chi phối. Đôi khi lòng ước ao điều mới mẻ có thể hàm ý là nhận xét thiếu cân bằng, vì thế nên xét lại quan niệm. Phát triển thực sự có được khi tâm thức mở lớn, cố gắng nới rộng cái ngã để mang thêm nhiều điều vào lòng mình, chủ yếu vẫn là cái tâm, còn lòng mong chờ hay nhiệt thành đi tìm chuyện mới là hướng ra bên ngoài, quên đi rằng chân lý hay sự giác ngộ nằm sẵn trong tâm và không ở đâu khác.
Nói về điều khác lạ, cái ‘mới’ của kỷ nguyên Bảo Bình thì có hai đặc điểm sau, thứ nhất là tính chất sóng và thứ hai là tính lan tràn vô bờ của sóng ấy. Biểu tượng của Bảo Bình là người nghiêng bình nước trên vai, khiến nước rơi thành lượn sóng đổ xuống. Giai đoạn đầu của Bảo Bình sẽ đánh dấu bằng nhiều thành quả khoa học, nhất là về sóng. Vào lúc này cưng thấy đó là các ứng dụng về sóng như siêu âm ultra sound, tia tử ngoại, hồng ngoại, laser v.v. Sóng lan tràn xóa tan mọi phân ranh, nên về mặt tâm linh chẳng những sẽ có sự phá vỡ lằn ranh giữa khoa học và tôn giáo, mà còn có việc xóa nhòa tranh chấp khác biệt giữa những tôn giáo lớn, đặt nền móng cho một tôn giáo chung trên thế giới.
Sóng phủ nhận giới hạn và quét sạch mọi chướng ngại trên đường đi của mình, thế nên hiện tượng toàn cầu hóa globalisation, có thể là một tác động của sóng Bảo Bình với những ưu khuyết điểm của nó, và ý thức về công bằng xã hội, nhân quyền ngày càng được nhìn nhận, có thể là một tác động khác nữa của Bảo Bình.
Về mặt tôn giáo, khi những dị biệt bên ngoài được xóa nhòa thì người ta sẽ thấy là phần căn bản của các tôn giáo lớn giống nhau, cùng nói đến một chân lý chung, một Thượng Đế. Về mặt vật chất, sẽ có khám phá rằng vật chất là một chuyển động sóng, và sự khác biệt giữa vật chất với tinh thần chỉ là khác biệt về mức độ mà không phải là bản chất, tức khác biệt về tần số rung động mà thôi, còn về bản chất thì vật chất và tinh thần đều là sự biểu lộ của Thượng Đế, cái là nguồn cội duy nhất của mọi lực. Nhận xét này như vậy chỉ là một cách nói khác về nguyên tử mà bà Blavatsky viết trong The Secret Doctrine, rằng vật chất là tinh thần ở mức trọng trược nhất, và tinh thần là vật chất ở mức thanh bai nhất.
– Nghĩa là không có gì mới hay sao ?
– Nói vậy cũng không sát cho lám. Mới ở đây là sống trọn vẹn, trở thành sự sống nhiều hơn. Đặc tính mở rộng luôn là dấu hiệu đúng đắn của sự tiến hóa, mở rộng càng lúc càng nhiều cho tới khi cưng thành sự sống. Ai tiến đến mức ấy thường cảm nhận là họ không thể san sẻ cùng người khác kinh nghiệm tuyệt diệu này, vì lẽ giản dị là chỉ ai cùng mức độ mới hiểu và ai chưa tới sẽ nghi ngờ, chế nhạo. Có người tập trung tư tưởng mạnh mẽ và thấy mình hòa hợp với cây cỏ, cảm được nhựa sống rào rạt dâng lên trong cây. Sau buổi thiền cô sung sướng kể với bà vú, nói rằng mình trở thành cây dừa trước sân đạo viện, biết được cây rung động ra sao với nắng, với gió, thì bà lắc đầu, thương hại cô nhỏ, than vãn rằng học đạo chỉ làm cô chủ hóa điên.
Thành ra không ai muốn nói về kinh nghiệm tâm thức mở rộng để tránh bị người thiếu hiểu biết cười chê, và bởi có ít thảo luận, tiết lộ nên số đông tin rằng phải đi tìm cái này, cái kia, phải biết cái nọ mới là tiến bộ. Không phải thế, khi trở thành Sự Sống thiêng liêng thì không có gì là mới hay cũ. Tất cả nằm trong lòng cưng, cưng là vạn vật rồi.
Mình đã nói về lợi điểm của tân kỷ nguyên, nay bất lợi của năng lực Bảo Bình cũng có hai đặc tính. Bảo Bình là kỷ nguyên của khí tức trí tuệ, khí thì lan tràn vô bờ nên thứ nhất, nó hàm ý rằng bệnh tâm thần sẽ hóa ra trội hơn trong kỷ nguyên này, cũng như ung thư là bệnh của tình cảm bị xáo trộn, là bệnh nổi bật nhất vào cuối thời Song Ngư (mang đặc tính nước tức biểu tượng của tình cảm), và hiện nay vẫn còn mạnh.
Thứ hai, lan tràn mà không có một tụ điểm muốn nói đến cái chết về mặt tinh thần, sự lan tràn ảnh hưởng đến tiềm thức của khối đông, gây ra hỗn loạn vô trật tự, phá hoại mọi điều. Kẻ có bản lãnh về mặt trí tuệ nhân cơ hội có thể nổi lên qui tụ đám đông, lôi cuốn họ theo ý mình thành nhà độc tài chế ngự. Mặt khác sự xóa tan biên cương và tính chất Khí của Bảo Bình, cũng muốn nói là trái đất sẽ dần không còn bị cô lập trong không gian, mà sẽ tìm cách tiếp xúc với những hành tinh khác.
– Biết những điều này thì có lợi gì hở Bo ?
– Mỗi chu kỳ Song Ngư hay Bảo Bình dài khoảng 2.000 năm, nhưng với tuổi của trái đất là mấy triệu năm thì một kỷ nguyên chỉ là khoảng thời gian rất ngắn, trên đoạn đường phát triển rất dài của nhân loại. Vì vậy hiểu biết chỉ riêng một kỷ nguyên chắc không có lợi gì đâu cưng, ngoài một điều nó cho ý niệm rằng lịch sử của con người trên trái đất không phải là chuyện tình cờ ngẫu nhiên, mà mỗi phát triển, tiến bộ của nhân loại đều xẩy ra theo sự xếp đặt thiêng liêng của trời đất, theo Thiên Cơ.
Ý khác ít được nhắc tới mà quan trọng là thiên nhiên không có nhẩy vọt, tiến trình phát triển thường đi rất chậm chạp từng bước một, mỗi bước không đứng riêng rẽ mà liên kết với nhau, cái sau được xây dựng từ cái trước, đặt nền tảng lên cái đã hoàn tất trước đó. Như thế cưng có sự tích tụ, chuyển hóa, phải có cũ mới sinh ra được cái mới, và không phải đột nhiên cái mới từ trời rơi xuống đứng một mình độc lập, không liên quan gì với cái cũ. Điều mà người đời cho là ‘mới’ thực ra là một tính chất được tích tụ, một làn rung động được luyện tập và duy trì ngày càng lâu, để tới một lúc kia thay thế hẳn làn rung động thấp, và cưng thành người ‘mới’.
Áp dụng ý này vào sách vở, phong trào Theosophia ở thế kỷ 19 được khởi đầu bằng những tác phẩm của bà Blavatsky, sang thế kỷ 20 nó được khai triển bằng nhiều bộ sách của bà A. Bailey, song song với bộ Agni Yoga. Người ta không nên cho là sách này hay sách kia mới, thuộc về tân kỷ nguyên để tìm đọc và gạt bỏ những sách khác, tư tưởng khác. Tiêu chuẩn chọn lựa là sách thích hợp với mức độ của mình, giải đáp thắc mắc trong tâm, làm cưng hữu ích hơn trong việc phụng sự. Chuyện cần làm là tìm hiểu về MTTL (học hỏi, tham thiền, phụng sự), thay vì đi tìm cái mới tuy hợp thời trang nhưng e rằng không giúp cưng tăng trưởng. nếu không đáp ứng nhu cầu tâm linh.
MTTL vạch ra con đường và mô tả những chặng trên đó, cho cưng biết mình đang đứng chỗ nào trên thang tiến hóa, và nấc tới là gì để gắng sức đi lên, mở tâm hồn ngày càng rộng. Một lời khuyên cho người học đạo nói rằng nên duy trì trong tâm sự bất mãn thiêng liêng, không thỏa mãn với thành quả đạt được, mà luôn cố gắng để biểu lộ chân ngã nhiều hơn nữa. Biểu lộ nhiều hơn tức là ‘mới’, và đó là cái mới hoài hoài trong mọi kỷ nguyên, chân chính không hư hoại.

Tham khảo
Esoteric Astrology, A. Bailey.

..............................................