1001 CHUYỆN
BÀI 7
PST 46
Xem Mục 1001 Chuyện
– Đức Chúa (Di Lặc) tái xuất hiện chưa Bo ? sách vở hay nói tới đề tài này làm em cũng háo hức theo.
– Nếu đức Chúa tới thì cưng sẽ làm gì ?
– Thấy ngộ Bo hỉ, ai cũng hỏi mà chưa chắc ai sẽ biết mình làm gì. Em chắc em sẽ mừng, giống như người ta nói khi đức Phật xuất hiện có hoa đàm nở, mấy ngàn năm mới có một lần, nhưng sau đó thỉ đời sống sẽ tiếp diễn như thường phải không ? Trâm, Thư và cu Bi vẫn đi học, Kim vẫn đi làm và em tiếp tục la mấy đứa nhỏ, chứ đâu có phải là trái đất thành thiên đàng ngay. Em chưa thành thánh liền được đâu Bo, con mèo Mimi không chịu đi toilet ở ngoài vườn mà chui vào phòng tắm là em bực ghê nơi. Sách vở còn nói rằng các Chân Sư sẽ đến cùng với đức Chúa, vậy chuyện sẽ hào hứng lắm Bo hở. Họ nói Chân Sư A sẽ làm gì, Chân Sư B có phần việc gì, nghe thích lắm nhưng rồi chuyện sẽ đi tới đâu ? biết về các ngài thì có lợi gì ?
– Chà, cưng hỏi đúng đường rồi đó. Đây là chuyện mà nhiều người bàn mà nói không đúng, nên mình cần biết để nhìn sự việc rõ ràng. Có lắm bàn tán về sự tái hiện của đức Chúa và việc làm của Chân Sư, nhưng phần lớn không liên quan gì tới đặc tính tinh thần, tâm linh của biến cố mà gần như 100 % là ý tò mò, tào lao. Mình sẽ nói hai chuyện là ý muốn biết về chân sư và sách vở tâm linh lúc này.
Những đề tài như cuộc tiến hóa, các bậc siêu nhân, quyền năng thường làm con người thích thú muốn biết thêm, mà với hậu ý khác nhau. Có người được thúc đẩy bằng ý muốn tốt lành, vô ngã, họ muốn làm cho mình được hữu ích hơn để phụng sự nhân loại mà các ngài là gương sáng, nên họ cảm thấy bị thu hút về và ao ước được trở nên giống như các ngài. Tuy nhiên đại đa số người ưa thích nghe chuyện về chân sư với tò mò hơn là ý phụng sự, muốn ngài ở đâu, làm gì, xem các ngài như là một celebrity mà họ là một fan hâm mộ, tức đem các ngài xuống trình độ của mình là tâm phàm, thay vì nỗ lực nâng cao mình lên tới mức độ các ngài. Nói khác đi đường lối phải làm khi muốn tiếp xúc với bậc siêu nhân là chúng ta phải đi tới núi, không phải là chờ cho núi đến với ta.
Kế đó chân sư đi tìm người phụng sự, ý muốn phụng sự cần thấm nhuần trong tư tưởng và hành động của ta, hơn là ước ao có được quyền năng như các ngài. Quan tâm đến chỗ cư ngụ, y phục, vẻ ngoài của chân sư, muốn biết ngài sẽ xuất hiện làm người nước nào, ở đâu, nói chung là những gì thuộc về phàm nhân của bậc tiến hóa là chuyện vô bổ mất thì giờ. Nó cho thấy ai thắc mắc như vậy chưa ý thức được công việc các ngài là thực hiện cơ tiến hóa, và như thế chứng tỏ họ chưa phải là cộng tác viên cho các ngài. Bao lâu mà ta hành xử như linh hồn ở cõi trí, tâm thần thoát khỏi huyễn tưởng ở cõi tình cảm, khi ấy mới có ích cho việc làm của chân sư.
Một điều cần nhắc lại là chân sư chỉ làm việc từ cõi trí trở lên, ta không thể gặp các ngài nơi cõi tình cảm nhiều xúc động ảnh hưởng tới lý trí. Lòng sùng tín ít hiểu biết được đưa ta đi xa, mà ta chỉ lên được cảnh giới của chân sư bằng tình cảm thanh cao, vô ngã. ‘Gặp’ có nghĩa làn rung động của ta tương hợp với làn rung động của ngài, và chân sư ghi nhận được tư tưởng hay cảm xúc phát ra làn rung động ấy, mà không nhất thiết diện kiến ở cõi trần. Khi một ai thành tâm, có lòng trong sạch hướng về những đấng cao cả với mức rung động đủ mạnh, đủ cao thì chắc chắn các ngài nhận biết.
Lại nữa trong thời đại mới cách làm việc cũng mới, là theo nhóm hơn là bằng cá nhân riêng rẽ. Lấy thí dụ vị chân sư lo về sự phát triển của khoa tâm lý tại các nước tây phương và nơi hoạt động chính của ngài là Hoa Kỳ, ta được biết ngài làm việc xuyên qua những phong trào, trường phái về tư tưởng mà không qua cá nhân. Ngài hoàn toàn làm việc ở cõi trí, với năng lực tư tưởng và không ai nhận biết được ngài, ngoại trừ cộng tác viên trong các quốc gia. Đa số các phát triển về khoa tâm lý ngày nay, là nhờ ngài kích thích tâm não của người lãnh đạo các phong trào, ngài làm việc với họ trong cõi trí mà không tiếp xúc với họ ở cõi trần qua thân xác.
Thắc mắc về các chân sư và mong được tiếp xúc với các ngài là chuyện vô ích, vì các ngài bận rộn công việc chung và không có thì giờ cho cái ngã riêng tư. Cũng như ai thực tâm muốn đóng góp sẽ tự nỗ lực, tự tạo thêm khả năng cho mình để làm mình hữu ích hơn, và tự xét đoán lấy công việc nào họ có thể làm rồi bắt tay vào việc, hơn là khiến chân sư bận tâm đến mình. Ai thực tình phục vụ sẽ tự giải quyết lấy những trở ngại trong việc làm, thay vì kêu gọi hay chờ được chân sư trợ giúp, để ngài rảnh tay lo chuyện trọng đại hơn. Người càng tiến gần đến chân sư chừng nào càng ý thức điều này sâu sắc, cố gắng nhiều hơn để làm tròn chuyện mình, hầu giảm bớt đôi chút gánh nặng phần việc của chân sư.
– Còn về hình chân sư thì sao, bà con kháo nhau là trên internet có website đủ hết hình các ngài, cả chục hình tha hồ xem. Em cũng muốn vô coi cho biết Bo ơi.
– Ai muốn nhìn thì chắc sẽ thỏa trí tò mò, tuy nhiên điều quan trọng vẫn là con người bên trong thay vì hình tướng bên ngoài, nghĩ cho kỹ thì những hình này nếu có e không đúng thực, vì đó không phải là hình hiện thời. Chân Sư không đặt trọng tâm vào hình ảnh mà nhìn vào con người thật bên trong, tức làn rung động, tư tưởng, thì mình cũng nên bắt chước làm vậy. Vì những điều vừa nói, có lẽ không nên bàn về các ngài bởi không có lợi, mà tốt hơn nên chú tâm vào những gì ta có thể làm để trợ giúp cơ tiến hóa. Con người thường nhìn sự việc bằng cảm xúc, tình cảm, trong khi trên thực tế mọi chuyện xẩy ra bằng làn rung động. Hễ cùng mức rung động thì người ta cảm ứng được nhau, và hễ khác tức một bên cao một bên thấp thì không có cảm nhận. Theo nguyên tắc ấy, những chuyện tào lao, vô bổ về chân sư không làm ta đến gần các ngài mà chỉ tạo thêm ảo ảnh, làm rối trí người sinh ra nó lẫn ai tiếp xúc với họ.
– Có tổ chức quảng cáo là đóng tiền thì được tiếp xúc với chân sư, chắc mình không cần phải bàn tới chuyện ấy, Bo hỉ.
– Sự kiện rất đáng tiếc nên khi xưa, có lúc bà Blavatsky nói bà lấy làm tiếc đã trưng ra cho thế giới ý niệm là có các bậc siêu phàm ở cùng với nhân loại; ý tưởng về chân sư đã bị hạ thấp từ thời đó, nên bây giờ có thêm tiền bạc dính vào thì cũng không lạ. Nhưng điều bà làm là cần thiết, khi thế giới phát triển mạnh về vật chất, tính duy vật trội lên thì cần mang lại quân bằng với những chứng cớ về tính thiêng liêng của con người, về đời sống tinh thần. Chứng cớ còn muốn nói rằng nhân loại không tiến bước đơn độc mà được dẫn dắt, chăm lo, cũng như sự sống không diễn ra mù quáng mạnh được yếu thua một cách tàn nhẫn, mà ngược lại có một cơ tiến hóa hướng dẫn cuộc sống. Cơ tiến hóa, phần tinh thần của con người, ấy là những điều đáng quan tâm hơn là hình chân sư và những chuyện vô bổ về các ngài.
– Còn sách vở thì sao, mình dùng tiêu chuẩn gì để biết là sách đáng xem ?
– Chuyện sách tâm linh có liên hệ phần nào đến cách làm việc của các chân sư, trước hết thì ngày nay ai muốn học chuyện tâm linh có nhiều cơ hội hơn khi trước rất nhiều, ta có đông đảo người tiến hóa cao tái sinh và chỉ dạy, hướng dẫn ai đi sau họ. Sách vở có giá trị trong thời gian qua cũng tràn ngập thị trường, đủ để gây hứng khởi và trợ giúp ai muốn có được hiểu biết tâm linh. Người khao khát chuyện tinh thần vì vậy có sẵn nhiều tài liệu để học hỏi, lý thuyết để thực hành khiến chân sư dành thì giờ làm việc quan trọng, hơn là dạy dỗ những bước sơ khởi của đường đạo.
Vài tác phẩm có trình độ rất cao và một số khác thì rất kém. Nguồn của những sách này thay đổi khác nhau, tuy nhiên nguồn chân thực thường chứa đựng nhiều chỉ dạy có giá trị tinh thần sâu xa, hữu ích cho người nhiệt tâm. Trong đa số trường hợp nơi phát sinh là cõi của linh hồn, và người nhận đang ở cõi trần hoặc được chính chân nhân của họ gợi hứng, hoặc cảm nhận được kho tư tưởng ở cõi của chân nhân. Trí não họ diễn dịch tư tưởng thành lời nơi cõi trần.
Với một số trường hợp nhỏ hơn, người viết cảm ứng với ai khác cao hơn họ, gần với việc làm của chân sư hơn, và phản ảnh rõ hơn cái nhìn về cuộc tiến hóa, nhưng ngài không liên can đến chuyện, mà nó nằm giữa hai người một cao một thấp hơn trong công việc chung. Sự truyền đạt này có mục đích là để cho hiểu biết tinh thần tới được mọi tầng lớp trong khắp thế giới, mọi người mọi nhóm, vì thế có hiện tượng sách vở tâm linh tràn ngập.
Để phân biệt loại cao với loại thấp, sách có nguồn gốc cao thường chỉ bàn về Thiên Cơ mà không đề cập chuyện cá nhân, bàn về nguyên lý mà không nói tới các nhân vật và cái tôi của họ; sách mang đặc tính trí tuệ, bầy tỏ tình thương của Thượng Đế và tâm thức nhóm. Nó cũng không gây ra tính chia rẽ, khêu gợi tranh cãi, chống đối nhau. Sách có những nét hào hứng dù vậy cũng nên để ý tới vài bất lợi. Khi tư tưởng đi qua trí não biến thành chữ, thành câu, thì sự diễn tả không còn đầy đủ và chuyện ấy không thể tránh. Ai bắt được hứng khởi và viết sách cũng dễ nẩy lòng kiêu ngạo tinh thần và có tham vọng, nhưng trước sau thế giới sẽ nhờ các sách vở này để biết rằng linh hồn con người là một thực thể sống động, mà không phải là điều tưởng tượng.
– Nói về phép lạ đi Bo, em muốn biết là khi đột nhiên khỏi bệnh thì luật nhân quả tác động như thế nào.
– Muốn trả lời rõ ràng thì cần biết bệnh tật làm sao mà có. Hai phần của con người là tinh thần và vật chất hiện hữu cùng với nhau và cùng linh hoạt, với tinh thần tùy thuộc vào vật chất để biểu lộ. Bệnh phát ra muốn nói các thể con người có tình trạng bất thường và ngăn chặn sự luân chuyển của năng lực, khiến ảnh hưởng và quyền năng của tinh thần không truyền đi qua thể chất được trọn vẹn, điều hòa. Việc lành bệnh xẩy ra khi sự bất thường của các thể được dứt hẳn, trở lại bình thường.
Khi bệnh lành đột ngột, quan niệm chung gọi đó là phép lạ và sự việc có vẻ giản dị, nhưng nó không phải là phép lạ, và chuyện cũng không giản dị như ta tưởng. Bệnh có thể biểu lộ qua một trong các thể xác, tình cảm và trí tuệ, nhưng vật chất trong cả bốn thể xác, sinh lực, tình cảm và trí đều bị ảnh hưởng. Với bệnh nặng như tê liệt thì không chừng cả bốn thể đều có liên quan đến bệnh, nên cần phải chữa lành cả bốn, và đòi hỏi có sự hiểu biết sâu xa về huyền bí học, lẫn khả năng áp dụng lực ở cõi cao, nhưng khi việc hiển hiện ở cõi trần thì diễn biến nơi cõi vô hình không được ý thức hay ghi nhận.
Phép lạ vì vậy chỉ là phép lạ với ai không biết cách thức chuyện diễn ra, giống như khoa học làm được nhiều điều hiện nay mà mấy thể kỷ trước sẽ xem là phép lạ, thí dụ bật đèn là có ánh sáng trong phòng, hay đèn có thể chúc ngược đầu mà vẫn cháy sáng, điều ta không làm được với đèn dầu; rồi phi cơ ngày nay thì chắc không khác gì chiếc thảm thần trong chuyện xưa tích cũ. Thế nên cái gì là phép lạ cho một ai thì có thể không là vậy cho người có hiểu biết nhiều hơn. Điều tương tự cũng áp dụng được vào chuyện tâm linh mà có đôi chút khác biệt, ấy là sự lành bệnh tức thì (phép lạ) sẽ không bao giờ được giải thích, hay thấu hiểu rõ về mặt vật chất được.
Cái nhấn mạnh ở đây là sự lỗi nhịp giữa tâm linh và thể chất. Nếu trong nhiều kiếp con người theo đuổi vật chất và chìm đắm trong đó lâu, tới một lúc có thể họ không còn nghe được tiếng nói của linh hồn, phần tâm linh và thể chất mất liên lạc thông thương với nhau. Tâm trí chỉ bận rộn với đòi hỏi của cuộc sống vật chất mà không nâng cao để có ước vọng tinh thần, nhưng khi tiếp xúc và cảm nhận ảnh hưởng của người đã tiến xa, thì tâm trí có thể được kích thích và tỉnh ngộ; trong điều kiện bình thường sự tỉnh ngộ này được coi là phép lạ, vì không những có thay đổi về tâm linh, mà luôn cả thay đổi về thể chất là lành bệnh. Hào quang của bậc tiến hóa cao thí dụ đức Chúa, khi tiếp xúc với người bệnh có thể soi sáng tâm trí, tinh lọc tình cảm, và khi các thể được liên hợp đúng cách, hóa nhậy cảm hơn thì tâm linh được nâng cao, rung động hòa hợp với thiêng liêng, cho ra nỗi hoan lạc, ngất ngây, và tái tạo lại sức khỏe tức lành bệnh.
Ảnh hưởng chữa lành này của tinh thần đối với con người là phép lạ to lớn nhất, và mạnh mẽ hơn hết của mọi phép thuật, vì nó làm con người thức tỉnh với phần thiêng liêng sâu kín của mình. Cái đáng nói thêm là khi có những điều kiện khác, hào quang của vị như thế có khả năng chữa lành mà không cần phải có hành động, tức chỉ cần đứng trong hào quang và chạm vào y phục của ngài như kinh thánh kể, là cũng nhận được ảnh hưởng tốt lành.
Đó là cơ chế, còn về nhân quả thì sao. Hành động lỗi nhịp trong quá khứ sinh ra bệnh trong kiếp hiện tại, nhưng luật nhân quả có thể được đảo lại, khi vị chân sư thấy rằng cá nhân ấy có thể tiến xa hơn trong kiếp đó nếu lành bệnh, nhờ vào kinh nghiệm mà bệnh mang lại. Kinh nghiệm này làm họ ý thức nhiều hơn về mặt tâm linh, và có thể sử dụng phần đời còn lại một cách hữu ích nếu cơ thể được hồi phục. Tuy vậy đây là những trường hợp hiếm, và thường khi luật nhân quả đóng vai trò quyết định trong mọi chuyện.
Sự lành bệnh chỉ xẩy ra khi có ý thức về con đường của linh hồn, hay nói khác đi khi phàm nhân cảm biết được ý muốn của linh hồn và qui thuận theo, sự qui thuận này khiến cho lập tức có liên hợp giữa các thể, các luân xa trong những thể và như đã nói, bệnh sinh ra vì các thể thiếu sự liên hợp, nay được thông thương rồi thì bệnh phải lành. Kết quả là ta có điều gọi là phép lạ, có lành bệnh ngay tức khắc hay trong thời gian ngắn.
Mình đang nói về đề tài này thì có câu chuyện sau, một người mắc bệnh rất nặng tới Lourdes để cầu mong được hết bệnh. Lúc cầu nguyện xin được chữa lành, họ thấy một trẻ bị tật đau đớn nhiều nên đổi lại lời cầu nguyện mà thưa, ‘Lạy Trời, xin cho trẻ này hết tật, xin đừng kể tới con mà hãy ban ân phước cho em nhỏ’. Lời cầu xin này lập tức làm cho họ khỏi bệnh, họ đã biết vượt qua ước muốn của mình và tư tưởng không ích kỷ đã khiến có phép lạ. Ngay vừa khi ta có thể quên mình thì chuyện gì cũng có thể xẩy ra, người này được chữa lành vì đã mở rộng tình thương, có sự yêu mến và lòng từ đối với em nhỏ. Con người sẽ tiến rất mau nếu có lòng hy sinh, khi ta có thể nghĩ đến kẻ khác thay vì về mình thì đó là tiến bộ thực sự.
Lành bệnh còn nên được hiểu theo một nghĩa khác, giả thử ai có tính than vãn mà nay thấy rằng điều ấy không hạp và cố gắng loại trừ tính này, khi họ tươi tỉnh chấp thuận sự việc không lầu bầu nữa, mình có thể nói là họ hết bệnh càu nhàu, phải không. Bệnh thường phát sinh do tình cảm, nên đôi khi lành bệnh có nghĩa là hóa giải được tình cảm bất lợi nhưng căn bệnh thể xác vẫn còn, ấy là trường hợp người bị nan y mà nhờ đó học được ý nghĩa sự sống, kiếp sống này của mình. Họ đổi buồn thành vui, lo lắng thành an nhiên, sợ hãi thành tin tưởng, hài lòng.
Bệnh vì vậy là cơ hội để có tăng trưởng tinh thần, là chìa khóa mở cửa vào tâm thức cao hơn mà nếu không nhờ bệnh, chưa chắc người bạn nỗ lực để đạt tới tình trạng tốt đẹp ấy. Bệnh tật của thể xác là hệ quả mà thôi, cái chính là tình cảm được chuyển hóa và đó mới là điều quan trọng, vì người ta sẽ mang theo tình cảm này sang kiếp tới, còn thể xác chỉ là đáp ứng của tình cảm. Tình cảm tốt đẹp thì thân xác mai sau sẽ tự động hòa hợp, tốt lành theo. Nếu quá lo cho thân xác và muốn hết bệnh, không màng tới bài học của bệnh là phát triển tinh thần, e rằng không sử dụng được hết cơ hội mà hoàn cảnh mang lại.
Thành ra cưng hiểu được tại sao có người cám ơn số mạng đã khiến mình mắc bệnh này, bệnh kia. Họ biết cười chính mình, đó là nụ cười giác ngộ, không còn sợ hãi bệnh tật, không còn quá trụ vào thân xác vật chất, mà biết vượt qua để thấy ý nghĩa tâm linh của bệnh, và có tiến triển trong kiếp hiện tại.
– Còn chữa bệnh từ xa là sao ? Chẳng hạn như nhà thờ, chi bộ Theosophia có những buổi cầu nguyện chữa bệnh, ai muốn được giúp thì ghi tên và người trong nhóm họp lại gửi tư tưởng đến họ. Sự việc diễn tiến như thế nào ?
– Phương pháp này dựa trên sức mạnh của tư tưởng, và rất hiệu quả nếu biết sử dụng đúng cách, tư tưởng thực ra mạnh hơn lời nói vì nhiều người sẽ chống lại điều mà ta nói với họ, nhưng tư tưởng có thể thâm nhập vào nơi mà lời nói không thấm. Do vậy chữa bệnh bằng tư tưởng hay chữa bệnh khiếm diện, có thể cho ra hiệu quả nhiều hơn là khi tiếp xúc (dĩ nhiên là với ai có khả năng làm vậy), lý do là người muốn được chữa lành thường có một số định kiến về bệnh của mình, và họ muốn được chữa như thế nào, nhưng tư tưởng chữa lành gửi đến họ có tính xây dựng, đẹp đẽ nên bản thân họ không chống đối, tiềm thức không dựng nên bức tường ngăn cản và tâm thần hóa cởi mở nhiều hơn, việc chữa bệnh thành công hơn.
Ai được chữa theo cách này có thể nói tôi không thấy hay cảm gì hết. Sự việc giống như ly nước đường, trông nó y hệt như ly nước trong không có gì khác, nhưng ly nước có đường thêm vào mà ta không thấy. Điều đáng nói là nước ngọt hay kết quả là bệnh được khá hơn.
Người ta cũng có thể nói là không lấy nhiệt độ, lấy mạch thì làm sao chữa bệnh, ở đây cách hoạt động là tư tưởng tích cực chế ngự tư tưởng tiêu cực. Khi tư tưởng tiêu cực nẩy sinh mà ta không gạt bỏ thì chúng sẽ nẩy nở thành bệnh, còn khi có tư tưởng tích cực và giữ cho tâm trí ở trong tình trạng này, nâng nó lên cao thì ta sẽ không có bệnh. Thực ra, chữa bệnh là nâng tâm thức lên thật cao làm mất đi cái ngã, giống như trường hợp người được chữa lành ở Lourdes mình nói ở trên.
………….……
PST 47
– Trâm học ở Colorado đó Bo, hồi đầu năm Thư lên chơi với chị, chừng về đến Chicago bão tuyết lớn quá, phi cơ không bay tiếp được nên mướn xe bus đưa hành khách đi khúc chót. Em đâu có hay, đúng giờ ra phi trường đón mà hoài không thấy, chờ thêm hai tiếng đồng hồ, lo quá em vào văn phòng hỏi. Mà em tức mình em hết sức, vừa mở miệng là em òa khóc, làm ai cũng hết hồn. Hình như sau ngày 11 tháng 9, 2001 lúc hai tòa nhà sập ở New York, ai cũng đâm ra lo lắng, dễ bị sợ hãi hơn.
– Bây giờ cưng hết lo chưa ?
– Thư về thì em mừng và cám on Trời, nhưng em muốn biết mình đối phó với cái sợ ra sao cho đúng. Có con thì sợ và lo đủ thứ hết Bo ơi.
– Chắc ai cũng có chuyện để lo, nhưng lúc bình tâm thì có thể thấy là có hai cái tôi trong chuyện, một là cái tôi sợ hãi lo âu, và hai là cái tôi khác bình tâm an nhiên. Cưng có bao giờ cảm thấy sự khác biệt dó không ? Hai cái tôi này tách biệt nhau, và người ta có thể đi từ tâm trạng này sang tâm trạng kia tùy mình chọn lựa. Sách hay nói đến phàm nhân và chân nhân, còn tâm lý gia tuy không nhìn theo cách ấy, nhưng đồng ý là mình có thể chọn lựa tâm trạng để trụ vào đó. Họ hướng dẫn là khi có vấn đề phải lo lắng, cưng tưởng tượng là vào ngày có nhiều sương mù trên mặt đất, cưng đi thang máy lên nóc tòa nhà chọc trời, đứng đó nhìn ra chung quanh thấy vắng lặng, yên tĩnh, không khí trong trẻo, tươi sáng, nhìn xuống là lớp sương mù che khuất chuyện chi bên dưới. Trong cảnh lặng lẽ đó, mình cảm được một sự hiện hữu rộng lớn, sâu xa hơn và việc làm mình bực bội, lo âu trên mặt đất dưới kia bỗng hóa khác đi, bớt phần quan trọng trở nên không đáng lo nhiều như đã nghĩ. Cuộc đời dưới đất thành ra nhỏ bé so với khung cảnh bao la thấy trên nóc cao ốc.
Tâm lý gia nhắm vào việc chọn lựa, cưng có thể chọn là chìm đắm trong nỗi lo âu mà cũng có thể chọn sự an tĩnh, trong sáng khi vượt lên trên sự việc. Còn MTTL nói rằng có hai cái tôi, một cái tôi thật sống trong vĩnh cửu, hiểu được nguyên do, mục đích của mọi việc và luôn an nhiên tự tại; cái tôi thứ hai không có được sự toàn tri đó, chỉ hiểu biết giới hạn trong ba cõi nên khi vui khi buồn thay đổi luôn.
– Nhưng lúc em sợ muốn chết thì cái tôi toàn tri đó ở đâu ?
– Ạ, nó ở yên một chỗ chớ có đi đâu, nói cho đúng thì nó ở ngay trong lòng cưng, đi đâu nó theo đó, ra phi trường thì nó ở phi trường, tới thư viện làm việc thì nó ở thư viện.
– Vậy làm sao để em gặp nó ở phi trường lúc em cần nó ? Em bật khóc lúc đó vì lo lắng quá, bây giờ nghĩ lại thấy mắc cỡ hết sức.
– Làm sao cưng mở truyền hình hay radio ? Cưng vặn đúng tần số của đài phát thanh hay truyền hình muốn nghe, muốn coi là được, thì chuyện cũng y phương thức với sự bình an. Radio hay truyền hình phát sóng thì chân nhân phát ra làn rung động, hễ cưng nâng cao làn rung động của mình cho cùng nhịp với của chân nhân, hòa vào nó là cưng chia sẻ hay có được sự an nhiên tự tại của chân nhân. Sự sống là sự rung động, hay nói đúng ra mọi việc là biểu hiệu của làn rung động, mọi chuyện đều có thể giảng giải, làm sáng tỏ bằng các nguyên tắc của làn rung động.
Bình thường ai cũng phải đối phó với những vấn đề của cuộc sống hằng ngày, nếu cho rằng sự sống chỉ có vậy thì người ta chỉ quan tâm đến các vấn đề ấy, và thấy không cần phải tìm kiếm gì thêm, không cho rằng có thể còn có những tâm trạng hay làn rung động khác, ngoài hỉ nộ ái ố thường nhật, nhưng nếu ai tin là sự sống có ý nghĩa sâu xa hơn và ý thức đi tìm nó, tập cho mình có làn rung động khác thì sẽ có đáp ứng, một ngày kia họ có thể khám phá sự sống phong phú, nhiều lần đẹp đẽ hơn.
Chuyện Jonathan Livingston Seagull của Richard Bach ra năm 1970, về sau thành best seller đáng nói ở đây. Nó không phải là chuyện tình éo le bi đát hay trinh thám hồi hộp căng thẳng, mà rất nhẹ nhàng, kể con chim hải âu Jonathan Livingston; lúc mới sinh thì giống như các chim hải âu khác, tập bay, tập ra biển săn mồi tìm thức ăn; nhưng lớn lên thì Jonathan Livingston không muốn ngày nào cũng trôi qua như ngày nào, chỉ quan tâm đến việc ăn và sống, mà muốn bay bổng hơn, vút mau hơn, lượn tới lui lên xuống khéo léo hơn,. Nó thấy có một sự sống rộng lớn hơn ngoài chuyện sáng dậy bay ra biển bắt cá rồi chiều trở về, có những điều làm sự sống phong phú, lý thú hơn. Chim mê mải với khám phá này, tập luyện chăm chỉ mỗi sáng, khung cảnh trước sau vẫn là trời lồng lộng, biển bao la, sóng chập chùng, tuy nhiên vì có cái nhìn khác chim hải âu, nên Jonathan Livingston có cảm xúc khác với những chim cùng bầy.
Jonathan Livingston tập những cách bay thì ở người, mình tập để nâng cao làn rung động và duy trì nó, tức ở trong làn rung động mới ngày càng lâu hơn, cho tới lúc có thể giữ được tâm trạng an nhiên 24 tiếng một ngày. Tất cả chỉ là công phu, hoặc bằng sự thiền định, bằng tình thương hay bằng hiểu biết.
– Em không hiểu, sự hiểu biết là sao ?
– Đó là khi nói tới thiền lúc học đạo thì ai cũng chấp nhận, còn nói rằng các thương gia khi kinh doanh là cũng đang thiền thì có hơi khó tin, nhưng chuyện đâu có khác. Kinh doanh dùng trí tuệ, và khi mê mải chú tâm vào một điều gì thì đó là thiền, vì người ta tạo hình tư tưởng và cố công thể hiện nó như mở đường hỏa xa, đặt hệ thống thương mại, lập nhà máy. Thế nên không phải ngồi yên một chỗ mới là thiền, mà thương gia tính toán chuyện đầu tư ảnh hưởng vận mạng nhiều người, nhiều nước và cả nền văn minh cũng là thiền.
Từ đây có hai ý để nói, một bảo rằng kinh tế, thương mại là một trong những cách thể hiện thiên cơ và thiên tính, và nhà kinh doanh hay kinh tế gia ở mức tiến hóa cao là một huyền bí gia đúng nghĩa, sử dụng những lực huyền bí ở cõi thanh để hỗ trợ cuộc tiến hóa. Tiền hay tài chính là prana cô đọng, prana cần thiết cho sự sống của thân xác thì tiền cũng cần thiết cho sự sống vật chất theo một nghĩa khác, và nhà kinh doanh khi luân chuyển vốn hay tài chính vào những công trình thương mại, là một huyền bí gia điều động prana. Vậy thì cái một người có khuynh hướng tôn giáo gọi là thiền, người kinh doanh sẽ gọi bằng chữ khác nhưng đều là một, là kinh nghiệm sự sống lớn lao sâu xa hơn.
Hai là thiền nên được hiểu theo nghĩa rộng, nó không phải chỉ có ý nghĩa tôn giáo mà còn có nhiều ý khác, không liên quan gì đến tôn giáo. Tại sao ư, tại vì khi đi tới cùng thì thiền đưa người ta vào sự sống thực, trở thành tất cả. Kinh nghiệm cao tột của thiền là cái tôi mở rộng vô bờ, hòa vào vũ trụ không có dính dáng chút nào đến tôn giáo. Mình chỉ nói đến tôn giáo khi con người sinh hoạt giới hạn trong ba cõi, còn khi ai đã biết sự sống thiêng liêng, trở thành là sự sống, có tâm thức vượt lên trên ba cõi thì tôn giáo hóa ra không quan trọng.
Để cho dễ hiểu thì cưng nhớ rằng sự tập luyện của chánh đạo, và tà đạo giống nhau về nguyên tắc, trường võ bị và trại huấn luyện kẻ khúng bố đều tập cho học viên có tính can đảm, quả quyết. Ở cả hai nơi người ta đều học những động tác căn bản của việc giáp chiến, sử dụng võ khí cho thông thạo, biết các chiến thuật ứng phó v.v. Điểm khác nhau là động lực, là mục tiêu; khi học xong thì những hiểu biết này được sử dụng hoặc để bảo vệ xã hội hoặc để khủng bố; do đó thiền chỉ là phương tiện, và khi ý thức được sự sống nơi chính mình và bên ngoài thì hành động nào cũng là thiền.
Trở lại chuyện sợ hãi của cưng, nâng cao làn rung động là để cố gắng hòa vào sự sống thực của chân nhân, không bị hoảng hốt vì chuyện cõi trần là cái thoảng qua và không thực. Chuyện có thực theo nghĩa điều không may có thể xẩy ra cho phi cơ chở Thư, nhưng không có thực theo nghĩa chuyện không đứng một mình độc lập, mà có nguyên nhân và hậu quả, và có mục đích mà không hề vô nghĩa. Người ta sợ hãi, tức giận vì cho rằng tai nạn làm chết người vô nghĩa, thí dụ vậy, hay nghĩ rằng tự dưng vô cớ xẩy ra điều bất hạnh, và trách móc trời đất bất công. Tất cả chỉ vì không thấy được chuỗi sự việc dẫn tới biến cố, không có sự toàn tri của chân nhân đế thấy chuyện sẽ đi tới kết cục tốt lành.
– Nếu thấy được kết cục tốt lành thì em không lo lắng đâu, mà chắc ai cũng rứa.
– Bước kế vì vậy là nên tập không lo dù không thể thấy chung cuộc tốt đẹp.
Mà tốt đẹp không nhất thiết là hoàng tử công chúa lấy nhau sống hạnh phúc mãi mãi. Theo đúng nghĩa thì tốt lành là thuận theo thiên cơ, nó đôi khi hàm ý hy sinh hay gặp khó khăn. Thí dụ trong chiến tranh, người lính nào chắc cũng có bà mẹ ở nhà cầu nguyện cho anh, tuy nhiên dù thuộc phe nào, khi tử trận là họ hy sinh nên tương lai của họ rất tốt đẹp, kiếp tới của họ có những điều thuận lợi để tiến xa hơn. Thế thì cái chết của người lính nhìn cho đúng không có gì bi thảm, mà là chuyện đáng mừng, nhưng làm sao cho người khác chấp nhận điều ấy, và có phản ứng phù hợp ?
Sợ hãi là cảm xúc tự nhiên, dầu vậy nên vượt qua nó, lời khuyên đưa ra là tập nhìn rộng hơn, thấy ngoài cái sợ còn có những chuyện đẹp đẽ vui tươi khác đáng suy nghĩ, và chủ ý tới các điều này. Sợ hãi, lo lắng chỉ có khi nhìn sự việc theo quan điểm bình thường, còn khi biết vượt lên trên như đứng ở nóc tòa nhà trong thí dụ đã nói, nhìn xuống cõi sương mù thì thấy không có gì để sợ. Ở phi trường có thể tuyết rơi ảm đạm hay trời mưa ủ dột, nhưng khi phi cơ bay lên khỏi mây mù thì mình sẽ thấy trời nắng đẹp, trong xanh, tâm hồn nhẹ nhàng hân hoan. Lần sau ra phi trường đón con, cứ nhớ như vậy là bảo đảm cưng an tâm ngay.
– Nói tiếp chuyện thiền, bà con tỏ ra thông thạo hết biết làm em thấy mình nhà quê quá, nào là thiền hành, trà thiền, thiền trong nghệ thuật bắn cung, tùm lum hết, em chỉ biết nghệt mặt nghe và ngớ ra thôi Bo.
– Vậy tốt rồi, đó là thiền … nghe ! chịu yên lặng để nghe cũng khó lắm chứ, đâu phải ai cũng làm được.
– Nhưng thấy sao ai cũng đầy thông thái, có triển vọng thành Phật trước em ! Em ít khi thiền lắm.
– Có vài ngộ nhận về thiền làm việc hóa ra bí ẩn không cần thiết. Thiền, ý thức và sự sống là một, thiền là cánh cửa bước vào sự sống thực, trong đó cưng thấy rõ chân tướng của mình là sự sống, thấy mình với vạn vật là một không có phân chia. Kinh nghiệm thực, giác ngộ thực luôn luôn đưa con người càng ngày càng sâu vào sự sống hơn, để cuối cùng trở thành chính sự sống ấy vì họ là nó, không nằm ngoài nó. Ngoài ra, cái gì làm cho con người tách rời khỏi sự sống thì là kinh nghiệm giả. Do đó khi nói rằng người giác ngộ sống đời phong phú, nó có nghĩa là đầy ý thức, ý thức tiếng chim hót, gió thổi, sự đau khổ của thế gian. Tập thiền là tập ý thức nhiều hơn, nhậy cảm hơn với sự sống tinh tế trong mọi loài.
Vì nó là ý thức, cưng không cần phải ngồi một chỗ nhắm mắt lại mới ý thức được, mà có thể ý thức bất cứ khi nào, ở đâu, đang làm gì, tuy rằng lúc mới tập người ta ý thức dễ hơn trong khung cảnh tĩnh lặng và nhắm mắt. Chuyện hay kể là người ý thức và người không ý thức ăn, uống, làm việc giống nhau, chỉ khác là một bên khi ăn biết là mình đang ăn, uống biết là mình đang uống, so sới bên kia không ý thức được vậy.
Có người Mỹ sang Ấn Độ tìm thầy, anh học với thầy được vài năm rồi một hôm, bạn nói là thầy thích coi phim tài liệu trên tivi. Nghe thế anh vỡ mộng, xuống tinh thần hết sức, nghĩ bụng đã là thầy tức giác ngộ rồi sao còn thích xem tivi. Hay đây là guru giả ? Nhưng anh cố gắng tu tập và rồi tới một hôm anh tỉnh ngộ với câu chuyện thiền của Trung Hoa, đó là trước khi giác ngộ vị tăng gánh nước, bửa củi, nấu cơm; khi giác ngộ rồi thì nhà sư cũng tiếp tục nấu cơm, bửa củi, gánh nước như trước. Hành động vẫn vậy, chỉ có tâm thức khác, và anh bạn Mỹ an lòng với việc guru của anh thích coi tivi phim tài liệu. Có sao đâu ! Kể thêm thì Krishnamurti thích coi phim cao bồi viễn tây súng bắn đùng đùng, máu me loang lổ !
– Sợ chết, sợ chiến tranh thì em hiểu được cần làm gì để chuyển hóa, còn cái lo sợ khác như tội lỗi, xuống hỏa ngục đời đời thì giải quyết ra sao ?
– Mình có thể phối hợp giữa cái sợ và ý thức về sự sống để nói về chuyện này. Nỗi sợ hãi về hỏa ngục là do tôn giáo đặt ra và đó là sai lầm. Có giáo hội dùng sự sợ hãi để khống chế, kiềm soát tín đồ, nói rằng họ phải tin điều này, điều kia, làm chuyện này chuyện nọ để được cứu rỗi và lên thiên đàng, nhưng con người tinh thần vốn tự do và không ai có quyền chế ngự tâm thức người khác.
Sự giác ngộ không đến lo lòng sợ hãi mà chỉ có được nhờ ý thức, hiểu biết và tình thương. Nó cũng không thể đến từ bên ngoài, ép buộc từ ngoài vào để có, mà xẩy ra từ bên trong do chính con người muốn có sự sáng. Thời điểm khi việc này xẩy ra thì tùy trường hợp, thường khi đó là lúc có biến cố lớn trong đời, hoặc làm đảo lộn cách suy nghĩ vẫn có, khiến người ta phải đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Trước đó có thể con người chưa sẵn sàng, chưa muốn nghe, không quan tâm đến chuyện tinh thần, nhưng biến cố làm tăng áp lực để việc ấy xẩy ra.
– Mình làm gì được để giúp ? Trâm lên đại học rồi, em để mấy đứa nhỏ tự do mà tụi nó chịu suy nghĩ lắm. Một hôm Trâm nói rất tự nhiên là biết được luật nhân quả có lợi vì nó không sợ chết, còn mấy đứa bạn trong trường tỏ ra sợ hãi, lo lắng, nói chung là có hiểu biết sai lầm về cái chết, nó thấy tội nghiệp cho bạn.
– Một cách giúp đỡ người khác là sống ý thức, để cho thế giới hiện tượng chiếm phần thứ yếu trong đời, còn thế giới ý nghĩa trở thành sống động hơn và thực hơn. Làm vậy cưng tránh không tạo huyễn tưởng hay sống trong huyễn tưởng, làm cho huyễn tưởng bớt sức mê hoặc người, khiến bầu không khi tâm linh hóa trong trẻo hơn, và như thế là giúp đỡ dù không có gì biểu lộ ngoài mặt.
– A, tức là không làm ô nhiễm tâm linh thêm.
– Thế giới ý nghĩa sẽ dẫn tới thế giới nguyên nhân, làm con người biết tại sao có việc xẩy ra cho mình. Khi nhìn nhận rằng điều không may, vận xui chỉ là chuyện cũ trở lại mà không phải là định mạng bất công, thì người ta có sáng suốt để làm việc cần làm là vui lòng trả món nợ quá khứ, và không làm sự việc tệ hơn. Khi thấy được diễn trình:
Hiện tượng 4 Ý nghĩa 4 Nguyên nhân
và làm theo thì đó là dấu hiệu thực của tiến bộ. Thường thì chỉ một số nhỏ người quan tâm đến ý nghĩa sự việc, và cáng ít người hơn muốn biết về nguyên nhân.
– Trong đời còn nhiều cái sợ khác nữa Bo ơi, ngoài sợ chết. Nào là sợ tuổi già, sợ đau khổ, cô đơn.
– Và tại sao người ta sợ những điều ấy ? tại vì có sự đồng hóa với các thể, tin rằng mình là thể xác này nên sợ tuổi già, nhưng khi cưng biết mình là chân nhân vĩnh cửu thì đâu có gì đáng sợ nữa. Thực ra có nhận xét rằng con người tăng trưởng nhiều nhất vào giai đoạn chót của cuộc đời, bởi khi ấy họ có kinh nghiệm, biết được điều gì có giá trị chân thật, điều gì chỉ thoảng qua. Nó có nghĩa nếu muốn thì tuổi già là lúc có thể có nhiều tiến bộ.
– Cái đó dễ hiểu, nhưng cũng có lo sợ chính đáng là phải lệ thuộc vào người khác, vì cơ thể không còn hoạt động như ý.
– Thử xem cách đối phó của người như vậy ra sao. Nhân viên trong nhà dưỡng lão chăm sóc cho một bà cụ nói rằng họ rất vui khi lo cho bà, vì bà tươi tắn, tỏ ra lòng biết ơn chân thật làm bầu không khí vui vẻ thoải mái. Một bên học bài học khiêm tốn, nhìn nhận sự yếu kém của mình, một bên thấy được nâng cao khi cho ra. Sự tươi vui của bà khiến công việc của nhân viên hóa nhẹ nhàng, lòng khiêm tốn của bà giúp nhân viên nhìn lại chính họ, muốn xứng với lòng khiêm tốn ấy, và họ sung sướng thấy mình hóa tốt đẹp hơn nhờ bà cụ. Vậy cho dù có sự bất lực nào hay trong hoàn cảnh nào, người ta vẫn có thể chuyển hóa được nỗi sợ hãi và sống với tâm thức cao. Mà sống với tâm thức cao là thiền, hai cái không khác nhau, khi biết mình là sự sống vĩnh cửu, là chân nhân bất tử thì đâu còn gì để sợ hãi nữa.
– Bo à, Trâm, Thư đọc được tiếng Việt nhưng em không chắc tụi nó hiểu tới đâu, nên em tìm sách tiếng Anh và những trang web cho hai tiểu thư xem. Em bỏ nguyên một buỏi sáng vô mấy trang web có chữ Theosophy, Theosophia, Theososphical đủ thứ hết để tìm. Riết em đi lạc luôn, chừng trở ra đầu óc em rối như canh hẹ, không có minh triết thêm chút nào hết. Coi bộ mấy trang web không dẫn tới MTTL, hay ít nhất nó là vậy cho ai chưa quen với MTTL. Vô internet y như vô mê hồn trận, nhiều quá làm sao chọn lựa đây Bo ? Hay là đi ra tiệm sách cũng vậy, sách nào cũng nói là chứa đựng chân lý thì làm sao biết nên đọc cuốn nào và bỏ cuốn nào ?
– Cà hai sách và internet tượng trưng cho thông tin và hiểu biết. Cưng nên phân biệt hai loại sách hay loại tư tưởng, một là cái nguồn và bất biến, hai là cái diễn dịch và thay đổi. Lấy thí dụ kinh Phật hay kinh Tân ước là cái nguồn, từ đó con người viết sách, bàn luận kinh theo hiểu biết và kinh nghiệm của họ. Cái nguồn càng nằm xa hiện tại bao nhiêu về thời gian, thì càng có nhiều diễn dịch, nhiều tư tưởng được đưa ra cùng với ý tưởng gốc, và có thể làm chuyện rối mù hay sáng tỏ thêm. Cả hai đều cần thiết cho việc đi tìm chân lý, cái nguồn là chân lý vĩnh cửu cần được trình bầy vào mỗi thời điểm, còn sách luận bàn, diễn dịch trưng ra chân lý bất biến dưới hình thức mới cho phù hợp với hoàn cảnh, và có sự hữu ích của nó. Điểm cần lưu ý là không phải diễn dịch nào hay sách nào cũng đúng, vì nó tùy thuộc vào trình độ của người viết sách hay làm trang web giác ngộ tới bực nào.
Sự rối mù khi đi vào trang web thì giống như đọc sách, thu thập hiểu biết mà chưa có sự sáng, muốn vậy thì phải sống với điều học hỏi. Có sống với chân lý và trở thành chân lý, cưng mới có sáng suốt để nhận định sách nào bàn đúng, diễn dịch đúng, sách nào không đúng đắn. Ấy là cách đáng tin nhất và có lẽ cũng là cách duy nhất để phân biệt.
– Nhưng người mới quen MTTL gặp một rừng sách vở, trang web mà chưa có hiểu biết nhiều thì làm sao ?
– Việc đầu óc hoang mang không biết guru nào thật, giả, tự nó không tệ lắm đâu. Nó cho cưng kinh nghiệm áp dụng vào những lần sau. Con người phải chấp nhận rủi ro khi muốn có hiểu biết, và chịu bị đi lạc vài lần. Tuy nhiên không có gì làm ngã lòng được ai thật tâm đi tìm chân lý, vì ngoài cái luật phải tự mình khám phà, còn một luật khác đầy hy vọng, đó là ‘Khi đệ tử sẵn sáng thì chân sư xuất hiện’. Nói khác đi sẽ có giúp đỡ trên đường học hỏi cho ai kiên trì, chỉ dẫn sẽ được đưa ra dưới hình thức này hay kia, trợ lực cho cưng vào lúc thuận tiện.
Người ta có thể nói là tình cờ đọc được quyển sách hay, gặp một tác giả giải tỏa được thắc mắc, hay ngẫu nhiên đi nghe một buổi nói chuyện làm mình bừng tỉnh, và luôn cả việc thình lình sách trên kệ trong tiệm sách rớt xuống chân họ, là cuốn họ cần. Thực ra không có gì là tình cờ hay ngẫu nhiên, mà đó là những đưa đẩy, xếp đặt giúp con người. Nó muốn nói cố gắng của cưng luôn luôn được đáp lại và ai cũng được lưu tâm, chăm lo dù không hay biết. Trên hết thẩy thì nên có nỗ lực sống theo chân lý, hay là sống theo ý thức cao nhất mà mình biết được, còn gọi là …
– … thiền. Em thuộc bài rồi, thấy không ! Nói sống có ý thức thì em hiểu, còn kêu em ngồi xếp bằng mười lăm phút thì hơi khó nghe Bo.
..............................................