1001 CHUYỆN

 

BÀI 6

PST 43

Xem Mục 1001 Chuyện

– Bo à, như vừa mới nói trong bài về Devachan (PST 43) thì người sang cõi bên kia không còn thể trở về cõi trần, vậy chuyện hiện hình giải thích ra sao ?
– Muốn nhìn sự việc đúng đắn thì phải tập nhìn theo quan điểm tinh thần, và nhìn trên bình diện rộng lớn hơn môi trường vật chất hữu hình. Theo cách đó, ngoài cõi vật chất còn những cõi khác có làn rung động thanh bai hơn cõi trần, ứng với tình cảm, tư tưởng của người. Hơn thế nữa, cảm xúc, tư tưởng của người khi phát ra sẽ in sâu mãi mãi trong chất ether của vũ trụ, thành ký ức của vũ trụ gọi là Akasha Records, tạm dịch là Thiên Ảnh ký. Tất cả lịch sử nhân loại ghi trong đó, và người được tập luyện có thể nhìn vào đó thấy lại quá khứ. Với sự hiện hình, xúc động mạnh mẽ như nỗi kinh hoàng lúc tử nạn, giận  dữ, thù ghét, hoặc tư tưởng lập đi lập lại trong nhiều năm đã in dấu sâu đậm vào Thiên Ảnh ký, và khi gặp điều kiện thích hợp, hình ảnh được gợi trở lại khiến cưng thấy nơi cõi trần.
– Vậy hình em thấy không phải là chính đương sự à ? Ý, mà em chưa thấy bao giờ và cầu mong đừng bao giờ thấy !
– Không, chỉ là xúc động dữ dội ở địa điểm xẩy ra tai nạn mà thôi và còn lưu lại, hoặc nếu đó là ngôi nhà thì  có thể do tư tưởng của người cư ngụ trong nhà đó lâu năm, thấm nhập vào bầu không khí nơi ấy, mà không phải là chính họ. Nói rộng ra thì những hình nói là chụp được người đã khuất cũng không phải là họ, mà chỉ là hình ảnh in đậm nét trong Thiên Ảnh ký.
– Còn hình chụp được thú vật như chó mèo đã chết thì sao ?
–À, cái đó do tinh linh rắn mắc phá chơi. Có những tinh linh ưa đùa nghịch, lợi dụng lòng dễ tin, sự thiếu hiểu biết về cõi bên kia của người để gạt gẫm.
– Nhiều người đồng nói là họ có một vong linh hướng dẫn - guide, và thường khi đó là người da đỏ Hoa Kỳ, lấy tên như White Eagle, nói cũng hay lắm Bo, đáp trúng phong phóc câu hỏi của người tới dự. Chẳng hạn vong linh hướng dẫn nói một người ở buổi cầu hồn là họ đeo đồng hồ của con trai mình đã qua đời, và người này nhận là đúng vậy.
– Cưng nên phân biệt hai hiện tượng đồng cốt, một là những bậc tiến hóa cao, họ nhường thân xác một cách hữu thức để nó được sử dụng cho lợi ích chung, thí dụ đức Jesus nhường thân xác của mình cho đức Di Lặc (đức Chúa) dùng để giảng đạo vào ba năm cuối đời của ngài (đức Jesus). Hai là việc nhường thân xác một cách vô thức như trường hợp đồng cốt bình thường. Trong đại đa số trường hợp, vong linh hướng dẫn này không phải là người đã khuất mà chỉ là những vỏ (shells), tức thể tình cảm bị bỏ lại, lúc con người thật rút lui khỏi những thể thanh khi qua đời. Vỏ có đời sống riêng của nó là thói quen suy nghĩ, ký ức hay hành động của con người lúc còn sống, như vậy một cái vỏ của nhà khoa học sẽ thao thao bất tuyệt về ngành khoa học mà họ nghiên cứu lúc còn sống, vỏ của một nhà tu sẽ giảng về điều mà họ tin tưởng khi ở cõi trần, nhưng đó không phải là họ.
Cái phân biệt là bởi lượng tri thức hay ký ức của vỏ chỉ có tới lúc chủ nhân của nó qua đời, vậy nó không thể nói điều gì mới mẻ sau khi họ đã chết, mà chỉ lập lại cái đã có. Để chứng minh, cưng thử xem những gì gọi là lời dạy của vong linh hướng dẫn - bất cứ vong linh nào - có gì là mới mẻ, lạ lùng, chưa ai nói không ? Cưng sẽ thấy là không có gì mới lạ, không có gì mà cưng chưa biết, và không có gì mà cưng không thể tìm thấy trong sách vở, kinh điển hiện thời. Cái gọi là vong linh của nhà khoa học không đưa ra một công thức mới nào, của một nhà tu không có soi sáng nào mới.
Một điểm rất đáng chú ý khác là vong linh hướng dẫn không nói lên điều gì mà hoặc người đồng, hoặc người tới hỏi không biết, tức vong linh nói chuyện mà người đồng, hoặc người tới hỏi có biết ít nhiều.
– Tại sao vậy ? có chuyện kể vong linh nói vanh vách qua người đồng những điều mà người tới dự không biết, về nhả hỏi thân nhân mới hay quả thật mình có ông chú hay bà cô tên X, tên Y như vong linh bảo, qua đời trước khi họ sinh ra và không biết mặt.
– Chuyện như thế này, cái mà người đồng thấy là hình tư tưởng do người tới dự tạo ra, họ nhìn vào đó mà nói, nhìn vào hào quang của người đặt câu hỏi và thấy trong đó hồi ức về người đã khuất (chú X, cô Y, đã nghe mà không nhớ), hình dạng, những kỷ niệm chất chứa trong tâm thức người tới hỏi và lòng mong đợi, ao ước được trả lời. Đó là trường hợp thứ nhất, câu trả lời lấy từ hiểu biết của chính người đồng và người tham dự, tức chỉ có thể nói những gì mà hai người này đã biết không ít thì nhiều. Còn điều họ không biết, không có khái niệm, thì cái vỏ không có gì để mà rút ra trả lời thì nó không nói. Tóm tắt là những câu trả lời này là từ tư tưởng của người dự, nằm sẵn trong óc họ rồi nay được trưng ra, và họ trầm trồ rằng sao vong linh nói đúng quá, hay quá !
Trường hợp thứ hai là sự hiện diện của tinh linh, như đã nói tinh linh có tính khuấy phá, và dựa vào nỗi ước ao muốn liên lạc với người thân để trêu ghẹo, làm cho ai tới hỏi người đồng tưởng là được nói chuyện với người thân, trong khi thực ra nó chỉ là trò đùa của tinh linh. Đây là những tinh linh chưa tiến hóa và trong các buổi lên đồng, nó còn có thể giả dạng thần thánh hay các nhân vật lịch sử, dùng các vỏ để mua lấy trận cười trước sự tin tướng của ai tới dự.
– Cỏn nữa Bo ơi, để thử người ta hỏi này nọ và vong linh trả lời đúng bong.
– Thử như vậy không đủ để xác quyết đó là người chết trở về, là chính nhân vật mà vong linh xưng tên. Thứ nhất, tinh linh khuấy phá có thể hiện diện đưa ra những câu trả lời đó dễ dàng, và cưng suýt soa tin rằng thân nhân có mặt trong khi tinh linh hớn hở gạt được người. Thứ hai, có việc tư tưởng người này ảnh hưởng được người khác, cho dù đó là tư tưởng của người đã khuất. Một khi tư tưởng được tạo và phóng ra, thì nó sẽ tồn tại bằng năng lực tuôn vào nó lúc được tạo, tựa như hạt giống nhờ năng lực dự trữ trong hạt để mọc mầm. Tư tưởng hóa ra độc lập với người đa sinh ra nó, bao lâu mà năng lực ấy chưa tiêu tán thì nó vẫn còn tác động được vào trí não của ai cảm nhận nó. Theo cách ấy tư tưởng của ai đã khuất tuôn vào trí não người nhậy cảm, ở đây là người đồng, cho ra câu trả lời dựa vào hồi ức còn trong vỏ do thói quen cả đời, khiến mình tin rằng người quá vãng hiện đang có mặt.
Đó là trường hợp của vỏ, còn nếu đó là tinh linh khuấy phá thì nó lấy chi tiết từ trong hào quang của ai hiện diện. Lấy thí dụ cưng đặt câu hỏi về ông Einstein với người đồng, trong trí cưng đã có vài hiểu biết về ông Einstein, tinh linh sẽ dựa vào đó mà trả lời, hay dựa vào hiểu biết của ai khác có mặt lúc ấy. Nói khác đi, những tin tức, hiểu biết, chỉ dạy được thốt ra trong buổi ngồi đồng thường là không có gì mới lạ, nó đã nằm sẵn trong trí của ai có mặt tại đó, và không thể có câu trả lời nào mà người hiện diện không biết trước. Họ có thể đã biết nhưng nay quên, và giờ khi được trình bầy lại thì cho rằng vong linh hay quá, thông suốt được chuyện trong nhà của họ mà chính họ không hay. Sự thực không phải vậy.
Nguyên tắc chung là vẫn có sự tiếp xúc giữa người ở thế giới này và ai đã sang thế giới bên kia, nhưng nó thường nằm ở cõi tình cảm và trí tuệ, tức người còn sống khi ngủ sẽ đi qua cõi trung giới gặp thân nhân ở đó, hay do lòng thương yêu sậu đậm và trong sạch, họ vào được cõi Devachan và hòa đồng với người mình thương yêu nơi ấy. Không gì ngăn cách được tình thương, kể cả cái chết, và có ngoại lệ là đôi khi người đã khuất có thể tiếp xúc với người ở cõi trần, nhưng nhắc lại rằng đó là trường hợp đặc biệt ít khi xẩy ra. Người chết thường là không thể tiếp xúc với người còn sống bằng ngũ quan, còn liên lạc qua trung gian đồng cốt là điều cần tránh vì nhiều lý do, một là bởi phương cách ấy thiếu chính xác như vừa nói, hai là nó gây nhân quả xấu cho cả người đồng và vong linh nào tìm cách tiếp xúc, thí dụ như người tự tử.
– Người tự tử thì sao ?
– Có thể nói đến một trường hợp là khi qua cõi bên kia họ ý thức sự sai lầm của mình, và mong muốn trở lại cõi thế. Đi dự buổi ngồi đồng với ý muốn tiếp xúc với người đã khuất, và người đồng sẵn lòng cho họ mượn xác thân để nhờ đó sống lại trong phút giây, là chuyện không sáng suốt. Vì chẳng những người tự tử sẽ phải trả giá cho hành động sái luật của họ, là đã chấm dứt cuộc sống trước hạn kỳ, mà việc dùng thân xác người đồng sẽ tăng cường những uẩn - skandha trong con người họ, làm phần nhân quả nặng thêm, hai chuyện phối hợp khiến cho kiếp sống mới của họ khi tái sinh bị khó khăn hơn.
Gọi người tự tử  trở về qua việc dùng đồng cốt là chuyện không nên làm và có phần ác độc, vì nó khơi dậy cái hồi ức và làm mạnh nẽ thêm nỗi đau khổ của họ, đau khổ vì hay đã mất sự sống, ham muốn được sống trở lại mà không được, cùng lúc ấy bị dằn vặt nơi cõi bên kia, vì họ thấy là tự tử không giúp họ thoát được vấn đề muốn tránh nơi cõi trần, nó vẫn còn ở đó và tự tử chỉ làm chuyện rối rắm hơn.
Nhưng chuyện gì cũng có ngoại lệ, có người tự tử vì quá đau khổ, trả quả quá nhiều nơi cõi trần khiến cho lỗi lầm tự tử được giảm khinh, và họ không gặp sự dằn vặt ở cõi tình cảm như vừa nói. Dầu vậy đó không nên là lý do để chấm dứt kiếp sống sớm hơn đã định.
– Nói tiếp về mấy vong linh mà người đồng nói là người hướng dẫn họ - guide, bảo đó là người da đỏ khi xưa, tin được không Bo ?
– Cưng à, không có ai hướng dẫn người đồng, cũng như không có thiên đàng hay địa ngục. Cuộc sống luôn tiến tới trước và linh hồn đi trên đường tiến hóa của nó, nó không vương vấn nơi cõi trần để hướng dẫn ai, trả lời những câu hỏi về tình duyên gia đạo, hậu vận của ai ! Cái mà người đồng thấy là hình tư tưởng trong hào quang của ai thắc mắc muốn có câu trả lời, và người hướng dẫn là những cái vỏ đã nói, hay là tinh linh muốn mua lấy trò cười bằng cách lợi dụng lòng dễ tin của ai tới dự.
– Không có địa ngục à ? Còn thiên đàng thì sao, không phải là cõi Devachan ư ? Hồi nhỏ em sợ mấy tranh ngưu đầu mã diện, thập điện Diêm vương lắm.
– Tóm tắt diễn trình cái chết là như thế này, giai đoạn một cưng bỏ thể xác cầm tinh con khỉ, bỏ thể sinh lực sau đó sinh hoạt trong thể tình cảm, đó là giai đoạn hai. Lúc còn sống thể tình cảm được nuôi dưỡng một phần nhờ ham muốn của xác thân, nay mất xác thân thì cũng không còn ham muốn, thể tình cảm không còn gì nuôi sống thì nó cũng dần dần tàn lụi đi, tan rã, chỉ còn lại phần tinh hoa chân thiện mỹ. Nói thêm ở đây một chút thì khi thể xác tan rã rồi, tình dục và ham muốn tình dục cũng không còn, linh hồn trong thể tình cảm sẽ không bị sức thu hút về tính dục, nên không có chuyện lập gia đình ở cõi bên kia, hay những điều nào phát xuất từ sinh hoạt của thể xác.
Sang giai đoạn ba cưng sẽ mất đi thể tình cảm, và sống bằng cái tinh thần đẹp đẽ nói ở trên, tâm thức này được dân gian gọi là thiên đàng hay tây phương cực lạc, hay cõi Devachan. Cõi này là phần thưởng cho những gì tốt lành con người tạo ra nơi cõi trần thí dụ như tình thương, óc hiếu tri, nên có giới hạn và khi tới giới hạn, tức là hết phần năng lực đã tuôn vào tình thương hay óc hiếu tri lúc còn sống, như cái xe chạy hết xăng, thì cưng đi ra khỏi cõi cực lạc, xuống trần trở lại để học hỏi tiếp. Nhân quả xấu tốt không đi vào cõi Devachan theo cưng, mà chờ đợi khi cưng tái sinh sẽ tác động ở cõi trần. Như vậy không có địa ngục ở cõi bên kia, hết sợ chưa ! Và cũng không có trừng phạt sau khi chết.
– Thế những chuyện dễ sợ để dọa con nít là không có thực ?
– Có, nó có thực theo nghĩa đó là hình tư tưởng do con người tạo ra và như thế hiện hữu. Ham muốn thấp kém, lòng thù thù hận ghét bỏ đều tạo nên hình tư tưởng xấu xí, nằm ở cảnh thấp của cõi tình cảm ngay trên mặt đất. Họa sĩ như Picasso, Edvard Munch của Norway và một số họa sĩ khác cảm được cảnh giới này, nên họ vẽ tranh quái dị là vậy, hình họ thấy ở đó không đẹp chút nào (tranh Picasso ai cũng biết, xin xem tranh The Scream cúa Edvard Munch). Nhưng không có trừng phạt sau khi chết. Địa ngục và sự trừng phạt chỉ có ở cõi trần này khi con người tái sinh, và do chính con người tự tạo cho mình, mà không do Diêm vương hay thánh thần nào gây ra.
– Vậy tôn giáo dạy kinh cầu siêu, cầu hồn cho người đã khuất thì có lợi gì ? và khi mình cầu nguyện cho người chết thì việc gì xẩy ra ?
– Cái nên nhớ là người đã khuất không thay đổi chút nào, họ vẫn là họ với tánh khí và khuynh hướng lúc còn sống, và nhất là họ khôn ngoan hơn chỉ vì đã chết, tức tôn xưng người đã chết là thánh là thần thì không đúng. Đừng quên rằng ai không học hỏi trước về đời sống sau khi chết sẽ thấy hoang mang, rối trí lúc sang cõi bên kia, và như vậy nên cám ơn Trời là cưng được biết MTTL trong kiếp này để không lạ lẫm về sau. Với ai qua đời mà không chuẩn bị tinh thần lúc còn sống, những lời cầu nguyện của người thân ở cõi trần hướng về người đã khuất có tác dụng an ủi, soi sáng, làm cho cảnh sống của họ trong trẻo, đẹp đẽ, bình an hơn. Bầu không khí chung quanh họ hóa thơm tho như có hương hoa vì lời cầu nguyện thiết tha, đầy lòng thành là hình tư tưởng mỹ lệ, và lòng thương yêu đi kèm với hiểu biết sẽ bay đến người đã khuất, giúp họ sớm ý thức cảnh đời mới theo mức tiến hóa của họ, được an lòng.
Cầu nguyện cho người quá vãng vì thế rất nên làm, rất hữu ích, vì tư tưởng thương yêu sâu đậm của người ở cõi trần gửi tới người quá vãng, hiện ra ở cảnh giới của họ như bông hoa, làm cảnh sống của họ tươi vui bội phần. Ngưởi ở bên kia khi liên lạc được kể rằng chung quanh họ có nhiều hoa đẹp đẽ, và họ kinh ngạc trước vẻ mỹ lệ cùng sự tràn ngập vật như thế nơi chỗ của mình. Yên chí đi, Bo hứa cưng sẽ thấy của cảnh ấy nếu đi trước Bo !
– Trường hợp bị ám nhập obsession là sao, chẳng hạn như mình làm điều mà mình không định làm, xong việc mới tỉnh ngộ đó.
– Ấy là do bị tiêm nhiễm ảnh hưởng tâm linh xấu, y như vào nơi có bệnh dịch hoành hành thì người ta dễ bị mắc bệnh vậy. Ở gần mặt đất có một lớp đầy dục vọng và tật xấu của người. Lớp sương mù này thấm đẫm vào tâm linh ai ứng hợp với nó, tựa như miếng bông đá thấm nước, làm tê liệt phần đạo đức trong con người, khêu gợi bản tính xấu trồi lên, thể hiện, đè bẹp các chống chỏi của tính thiện nơi người,khiến nạn nhân không còn tự chủ nữa và bị xúi giục làm điều xấu. Nhìn ra việc ấy thì nạn nhân nên được hưởng sự giảm khinh thay vì bị lên án.
– Thỉnh thoảng có hiện tượng nhà bị ném đá mà không có ai làm, thì ai ném vậy ?
– Đó là sự chọc phá của tinh linh. Vật chất đặc như hòn đá được phân rã thành các nguyên tử, và hòn đá được mang từ xa đến nơi dưới dạng phân rã, rồi nguyên tử được hợp lại thành hòn đá ở chỗ đó.
– Trẻ chết sớm thì chúng đi đâu, và thú vật nữa. Em nhớ hồi 4. 5 tuổi con chó Mino chết em khóc quá chừng, Bo cũng khóc nữa ! Con Mino và con Kiki có vào thiên đàng không ? Em chưa nói Bo hay, con chó Kiki mới chết. Nó bỏ ăn vài bữa, ông thú y sĩ nói cho nó ngủ đi. Tính ra Kiki được 8, 9 tuổi chó, tức là cụ già tuổi người đó Bo.
– Trẻ nhỏ mà qua đời chưa tới tuổi có trí khôn để có trách nhiệm, chưa tạo ra nhân quả xấu hay tốt để vào cõi Devachan nên chúng sẽ tái sinh tức thì. Nguyên tắc này cũng áp dụng cho ai dại khờ, sinh ra thiếu óc thông minh. Trong cả hai trường hợp, trí tuệ và tình cảm chưa phát triển nơi cõi trần và do vậy không phát triển sau khi chết. Nói rõ thêm là bởi tinh thần đi song song với vật chất, sự tiến hóa của tinh thần đi kèm với tiến hóa của hình thể, nếu sự phát triển của hình thể bị ngăn chận thí dụ trẻ nhỏ qua đời, ai sinh ra bị khờ dại, thì nhiều phần tâm linh cũng bị ngưng trệ và mục tiêu trong kiếp ấy của Chân nhân không đạt được.
Vậy khi trẻ nhỏ chết, khi phá thai, hay người dại khờ chết, Chân nhân sẽ tái sinh ngay để đi tới mục tiêu, vì tái sinh ngay là cách giải quyết sự thất bại không đạt mục tiêu của kiếp vừa rồi. Có một điều cưng nên nhớ kỹ là trong lúc nói chuyện mình dùng chữ đi vào, đi ra nơi này nơi kia, nhưng tất cả là trạng thái tâm thức. Devachan không phải là nơi chốn, cõi tình cảm hay cõi trí cũng vậy. Tùy theo cưng có tâm thức nào mà cưng thấy mình ở cõi ứng hợp.
Còn con chó Mino à, điều kiện vào cõi Devachan là có trí tuệ phát triển phần nào, vì người bán khai, trẻ nhỏ, người bẩm sinh khờ dại chưa có phần trí tuệ mạnh, nên tất cả tái sinh ngay mà không trải qua giai đoạn Devachan. Theo cùng nguyên tắc đó, thú vật chưa có trí tuệ nên cũng không có giai đoạn Devachan, mà chúng hòa vào hồn khóm sau khi chết. Người ta có thể nói chó cảnh sát khôn ngoan, dĩ nhiên thú vật biết suy nghĩ nhưng đó không phải là trí tuệ đúng nghĩa, mà nhiều phần là bản năng hơn. Trí tuệ thật sự khởi đầu từ bậc thấp nhất là ý thức về cái tôi, và thú vật chưa có cái tôi cá biệt đó.
Ở giai đoạn sơ khai ý niệm này rất mơ hồ như cưng thấy nơi người bán khai, dù đã cao hơn thú vật một bậc nhưng tâm thức họ vẫn là tâm thức nhóm. Bộ lạc, dòng họ, thanh danh làng xóm đối với người như vậy rất quan trọng, từ từ cái tôi ngày càng mạnh, tách biệt với nhóm khiến con người độc lập hơn. Chuyện thú vị là tới mức tiến hóa cao người ta lại có tinh thần nhóm trở lại, kỳ này có ý nghĩa khác là thương yêu trọn nhân loại không phân biệt dòng giống, quốc gia, đồng hóa với mọi người trên địa cầu, và muốn sự tốt đẹp, giải thoát cho tất cả mà không cho riêng mình.
Cưng để ý là trong mọi trường hợp, nấc cao nhất và nấc thấp nhất thường giống nhau, như thú vật có nhóm, hồn khóm, còn người tiến hóa ý thức vạn vật là một, nhưng Bo đi lan man rồi.
– Em đọc báo thấy có việc ướp xác, như mắc bệnh nan y mà y học hiện này chưa trị được, họ mới giữ xác đông lạnh với hy vọng là tương lai sẽ có cách chữa, khi ấy thể xác sẽ được làm sống lại. Mình nhìn việc ấy như thế nào hở Bo ?
– Mục tiêu nhắm tới của việc ướp xác là duy trì phần hình thể, trong khi cưng biết tinh thần sử dụng hình thể, và sự tử với tái sinh là luật chung trong vũ trụ. Ướp xác như vậy dựa trên lòng bấu víu vào hình thể do thiếu hiểu biết mà ra, nó ngăn cản luật hủy diệt hính hài. Qua chuyện chôn cất và hỏa thiêu, nhìn theo khía cạnh vệ sinh và môi sinh thì ướp xác, chôn xác vào lòng đất đều là việc không nên làm, thay vào đó người ta nên hỏa táng, vì nó mang lại ít nhất hai điều lợi.
Thân xác hỏa thiêu sẽ khiến tiến trình tan rã sau khi chết của thể sinh lực được mau lẹ hơn, lợi thứ hai là mầm bệnh trong thân xác bị hủy diệt trong lúc hỏa thiêu, nên môi sinh tức lòng đất được làm sạch, và môi trường hóa trong lành cho con người. Nghĩa trang vì lý do đó là vùng đất nên tránh xa, nó cũng sẽ là vùng dần biến mất trong tương lai khi con người thay đổi thái độ, và chấp nhận hỏa thiêu nhiều hơn.
– Sau Devachan rồi thì chuyện gì xẩy ra ?
– Chân nhân bắt đầu tạo thể trí, thể tình cảm mới cho cái tôi mới. Khi thể tình cảm tạo được một phần, nó mới bị thu hút vào gia đình hay người phụ nữ nào sẽ sinh ra thân xác mới ấy. Trong thể trí cũng như thể tình cảm có chứa sẵn những uẩn, mầm của quá khứ mà sẽ thể hiện qua con người mới. Bệnh tật, khuynh hướng đều nằm trong sẵn trong các thể đó, và phôi thai thành hình từ cái thể tình cảm này.
– Vậy kỹ thuật thay đổi di truyền tử - genetic engineering có qua mặt được thần nhân quả không ? Hễ khám phá là di truyền tử nào gây bệnh, thì hoặc thay nó bằng di truyền tử khác tốt lành, hay cắt bỏ nó đi là không có bệnh nữa.
– Gene hay di truyền tử là sự thể hiện của khuynh hướng tức uẩn nằm sẵn trong thể thanh, bao lâu mà cưng chưa sửa đổi những uẩn đó, thì chúng sẽ thể hiện dưới hình thức này hay kia qua thân xác. Genetic engineering nhắm sửa chữa mặt biểu lộ nơi hình thể, còn thì đầu mối vẫn là việc trau luyện thân tâm. Kim cương để ngoài trời không sao hết, vẫn sáng chói như thường, nhưng sắt làm vậy bị rỉ sét ngay vì nó hóa hợp với oxygen. Người ta có thể làm cho sắt không hoen rỉ nhưng không thể biến nó thành kim cương. Bản chất hòa hợp với oxygen tiềm tàng sẵn trong sắt, cũng như tính nóng giận, dễ mắc bệnh nào đó tiềm ẩn trong một ai, và cách hay nhất vẫn là chuyển hóa thay vì diệt trừ, học hỏi từ bệnh tật, tánh khí của mình để sáng suốt hơn.
Việc đó cho cưng thấy khoa học bắt đầu từ ngoài đi vào, từ phần hữu hình, còn MTTL bắt đầu từ trong đi ra, từ con người tinh thần để uốn nắn vật chất, khoa học cần thiết nhưng đường lối đúng đắn vẫn là để tâm linh ảnh hưởng hình thể, đi từ trên cao xuống vì cái cao làm chủ cái thấp, nếu muốn tiến hóa.
– Có việc con người đầu thai thành thú vật hay không ? Tây phương chế nhạo thuyết luân hồi, vì có niềm tin là con người có thể tái sinh thành con vật.
– Trên nguyên tắc là không, thiên nhiên đi tới mà không đi lui, một khi từ con thú thành người rồi thì linh hồn không trải qua kiếp thú nữa, nhưng trong trường hợp quá nặng phần vật chất, dù qua đời mà vẫn muốn tiếp tục sống nơi cõi trần, hay người tự tử còn nuối tiếc mạnh mẽ sự sống trong thân xác, họ sẽ tìm mọi cách để trở lại, hoặc nhập vào đồng cốt, dùng người sau làm trung gian sống tiếp, hoặc có thể nhập cả vào thú vật, chỉ vì lòng ham sống quá mạnh.
– Người thông minh vào cõi Devachan gặp thân nhân còn sống, họ thắc mắc thì sao ?
– Tâm trí con người tạm thời bị mê muội trong Devachan và không ý thức điều ấy, giống như ở cõi trần cưng quên không nhớ mình là Phật sắp thành. Hết thời hạn thì Chân nhân tỉnh thức và chuẩn bị tái sinh.
– Mà làm sao em biết những điều Bo nói là đúng, nhiều khi Bo cũng phịa lắm.
– Thành ra cưng phải luôn luôn tỉnh thức và giữ một tinh thần cởi mở, cầu tiến, không nên câu chấp vào bất cử chỉ dạy nào, và tiếp nhận càng nhiều hiểu biết càng tốt, để ai phịa thì cưng biết ngay. Chỉ dạy nào dù đúng và hay tới mấy, vào một lúc kia sẽ hóa lỗi thời vì con người tiến hóa, cần chân lý thích hợp hơn. Hiểu biết mới sẽ tuần tự được đưa ra và mình cần tỉnh thức để học hỏi, phân biệt. Nó giống như định lý toán học, vật lý của thế kỷ 19 thì rất kỳ diệu và tuyệt vời cho lúc ấy, nhưng chắc chắn cưng không mua sách toán của thế kỷ 19 cho Trâm hay Thư học, cưng cũng không mua sách xuất bản vài năm trước mà sẽ chọn sách mới năm nay.
Định lý toán của thế kỷ 19 vẫn đúng cho ngày nay, nhưng từ đó tới giờ đã có nhiều khám phá mới, làm cho toán thâm sâu phong phú hơn. Chuyện tâm linh cũng không khác, kinh Phật kinh Chúa là chân lý vĩnh cửu, tuy vậy không phải là tất cả, vì con người thời các ngài có tri thức và trình độ tinh thần khác với ngày nay, mỗi thời đại đều có chỉ dạy đưa ra để trợ giúp con người vào lúc ấy, và thế kỷ 21 cũng có tiết lộ để thiên nhiên bớt phần bí ẩn.
Cái chết là một trong những bí ẩn mà MTTL có lời giải thích, nó làm giảm rất nhiều nỗi lo lắng của con người và giúp họ chuẩn bị khi qua cuộc sống bên kia, cùng cho họ thấy rằng không có gì đáng sợ hay mất mát. Bởi vậy ai đã biết thì được khuyến khích là trình bầy điều thật về sự tử khi thuận tiện. Ráng đi, rồi cưng sẽ được ở lâu trong cõi Devachan do công đức này, rất hạnh phúc với hình tư tưởng của Kim, Trâm, Thư, cu Bi, con chó Kiki, con mèo Ji đủ thứ hết, không thiếu một ai.

Tham khảo:
The Mahatma Letters to A.P. Sinnet
HPB Collected Writtings
Esoteric Healing, A.Bailey
The Initiate in the New World, Cyril Scott
....................................

PST 45

 

– Áp dụng luật nhân quả vào bệnh tật thì việc cho người mắc bệnh nan y chết theo ý muốn - euthanesia có nên hay không Bo ? Ai ủng hộ việc này lập luận rằng khi con chó hay con mèo trong nhà bị đau đớn không chữa được, thú y sĩ sẽ khuyên nên cho con vật ngủ, tức mình biết đối xử với con vật một cách nhân đạo, vậy tại sao không tỏ ra nhân đạo y vậy với người. Kẻ khác bảo là nên để nhân quả làm việc và không nên can dự vào.
– Trong một số trường hợp việc khiến cái chết xẩy ra mau lẹ bằng euthanesia là chuyện nên làm, và cần có luật để bảo bệ là điều này không bị lạm dụng. Khi bị đau đớn quá nhiều và hoàn toàn không có hy vọng chữa lành hay hồi phục, và khi bệnh nhân tỏ ý muốn chết thì theo luật được soạn thảo cẩn thận, người mắc bệnh nan y nên được quyền chết theo ý muốn. Dầu vậy sự dàn xếp này không nên đặt căn bản trên tình cảm và lòng nhân, mà nên dựa vào hiểu biết tinh thần và ý thức đúng đắn về cái chết, là có sự liên tục tâm thức từ lúc sống sang cõi bên kia.
Nhìn xa hơn, một ngày nào đó tranh luận và những vấn đề của euthanesia sẽ không còn, khi người ta có được tâm thức liên tục giữa các cõi, và không còn cái chết. Lúc đó linh hồn sẽ biết là ngày giờ của cuộc sống nơi cõi trần sắp hết, và chuẩn bị việc rút lui một cách ý thức khỏi thân xác. Nó biết là thể xác không cần thiết nữa, phải được bỏ lại, và cũng biết là trí não đủ mạnh, đủ sức qua được giai đoạn chuyển tiếp là rời bỏ xác thân. Khi tâm thức phát triển đủ tới mức ấy, và y khoa nhìn nhận sự việc thì trọn thái độ về cái chết, sự đau đớn, lòng đau khổ sẽ thay đổi hẳn. Ai mà ngày giờ ra đi sắp tới, sẽ chọn một trong những phương cách rút về mà hiện này ta gọi là chết theo ý muốn euthanesia. Những cách thức này được nghiên cứu và áp dụng khi cái chết đến gần, diễn trình sẽ được xem là sự rút lui của linh hồn, là việc giải thoát và buông bỏ.
– Nhưng tại sao không nên có việc chết theo ý muốn hay vì lòng nhân, mà nên vì sự hiểu biết tinh thần ?
– Tại vì cái chết là diễn biến khoa học, và người ta sợ chết vì không biết nó là gì, không biết cái gì chờ đón ở bên kia. Sự việc có nghĩa là với vô minnh, sợ hãi thì nên đối phó lại bằng hiểu biết về tâm linh, mà không phải là bằng tình cảm hay lòng nhân, hay cứng cỏi bảo rằng mình không sợ chết, những điều này không giúp người trong cuộc cho lắm. Khi cưng sắp đến một thành phố xa lạ ở nước khác, không quen biết ai, không biết đường lối thì hẳn là cưng bất an, nhưng nếu cưng biết là có Bo chờ sẵn ở phi trường, biết sau đó mình sẽ đi đâu, làm gì, tự nhiên là nỗi lo biến mất, và bình thản hân hoan ra đi. Chỉ có hiểu biết đúng đắn về sự tử mới làm tan đi lòng sợ hãi, và nhìn euthanesia bớt phần cảm xúc.
– Còn việc truyền máu và ghép bộ phận thì sao, phái Jehova’s Witnesses chủ trương không truyền máu, và có người theo phái này đã thiệt mạng khi chịu giải phẫu mà không nhận truyền máu.
– Đây là chuyện tế nhị hết sức nên cưng cần theo sát ý trình bầy sau. Trước hết nói về truyền máu, nó là hành động biểu tượng mang hai ý nghĩa, một nói rằng máu là sự sống và hai cho là chỉ có một Sự Sống thấm nhuần khắp mọi hình thể, do đó truyền máu là việc nên làm trong điều kiện thích hợp. Nhưng thế nào là điều kiện thích hợp, dĩ nhiên mình không nói tới khía cạnh khoa học, như người cho và người nhận phải cùng loại máu v.v. mà chỉ quan tâm đến mặt tâm linh. Mình gọi điều kiện này là A và đặt nó qua bên trong chốc lát, để nói một chút tới việc ghép bộ phận.
Nhìn về mặt nhân đạo, nhiều người thoát khỏi đau đớn, khổ sở khi được ghép bộ phận, sống lâu hơn. Đó là về  thể chất còn về tâm linh thì rất lý thú, ấy là có hiện tượng ai được ghép bộ phận sẽ nhận lấy phần nào đặc tính của chủ nhân bộ phận. Chuyện kể là có cô gái được ghép hai bộ phận là tim và phổi, ấy là trường hợp hiếm có nên khi cô đủ mạnh thì báo chí tới phỏng vấn, hỏi khi xuất viện cô sẽ làm gì trước tiên. Cô đáp ngay không suy nghĩ, ‘Tôi sẽ ăn một cái cheese burgher’.
Đáp xong cô mới kinh ngac vì từ hồi nào đến giờ cô không thích cheese burgher, và chưa hề ghé tiệm mua ăn. Nhưng quả thật như vậy, vừa ra bệnh viện thì cô lái xe tự động tới cửa tiệm mua cheese burgher, rồi cô thích ăn ớt xanh capsicum, đây cũng là trái mà cô không thích, không ăn trước khi được ghép. Hồi đó hễ món nào có ớt xanh thì cô ngồi lấy ra hết ớt rồi mới ăn, vậy mà bây giờ cô thèm ăn món có trái này, thèm uống bia là thức chưa hề uống. Dần dần cô cũng thấy thèm bánh bông lan chocolate.
Mãi mãi về sau liên lạc được với gia đình của người tặng bộ phận, cô được biết là người này lúc sống thích ăn cheese burgher, ớt xanh. Khám phá này dẫn tới chuyện khôi hài sau, từ trước đến giờ theo quan niệm của cô, đàn bà đẹp là người mảnh dẻ, tóc nâu, nhưng sau khi được ghép bộ phận, cô lại thay đổi quan niệm, cho rằng phụ nữ đẹp là người có thân hình nẩy nở, tóc vàng. Khỏi cần nói chắc cưng cũng hiểu là quan niệm này của ai, và cũng từ khi có quả tim mới, cô thấy mình mạnh dạn nhiều nam tính hơn. Về sau cô được biết người tặng quả tim là thanh niên ham hoạt động. Sự thay đổi tâm tính và thói quen ăn uống khiến cô lạ lùng, mởi mở cuộc thăm dò những người được ghép bộ phận, thì thấy họ cũng có những thay đổi tương tự.
Cô ghi nhận là ai được ghép thận thì cách ăn uống biến đổi rõ rệt, ai từ hồi nào tới giờ không uống cà phê thì sau khi ghép thận đâm ra nghiện cá phê, hoặc ngược lại; hay không quen ăn món gì thì lại đòi cho được món ấy và đảo lại. Thay đổi tâm tính thì rõ nhất nơi ai ghép tim, có người là ông chồng nói năng cẩn trọng ý tứ, sau khi ghép tim vừa tỉnh dậy trên bàn mổ, ông văng tục một tràng làm bà vợ kinh ngạc, ngôn ngữ khác lạ so với tính khí điềm đạm của ông. Ông rất xấu hổ nhưng bảo không kềm được, tự động phát ra lời lẽ không phải là cách ăn nói thường ngày của mình. Tình cờ người hiến tặng quả tim cho ông cũng được mang xác về cùng bệnh viện, bà mẹ người này có dịp vào và nghe chuyện, mới xác nhận rằng con trai của bà lúc còn sống ăn nói y hệt như thế.
Một người khác là da trắng từ lâu không có cảm tình với người da đen, không lưu ý với chuyện của Phi châu, sau khi được ghép tim ông bỗng thay đổi quan niệm, thấy người da đen có duyên riêng của họ, và trong thời gian ở bệnh viện ông đâm ra có cảm tình với một nữ điều dưỡng người da đen. Khi lành bệnh ông quan tâm đến thời cuộc ở Phi châu, thấy xúc động tràn trề với chuyện xẩy ra ở Rwanda v.v., phẫn nộ với nạn kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ. Nhìn lại những biến đổi này, ông cho rằng mình nhận được quả tim của một thanh niên da đen, và thừa hưởng luôn một phần tình cảm của người ấy.
Cũng về chuyện ghép tim, có người khi đến một nhà thờ lạ ở tiểu bang khác, lập tức đi tới một hàng ghế riêng để ngồi dự lễ, và trong buổi lễ thấy mình quen thuộc với giáo sĩ hành lễ, với người tới dự lễ, khung cảnh chung quanh. Họ cho rằng đây là nhà thờ mà người tặng quả tim thường tới dự lễ, thường ngồi ở hàng ghế ấy, và ký ức còn nằm trong quả tim nay ghép cho họ. Trường hợp nữa thì có cô gái sợ nước không học bơi, sau khi ghép tim cô lại đi học bơi, học lặn, vùng vẫy thỏa thích dưới nước, truy ra thì chủ quả tim là người thích lặn dưới biển. Người khác tánh tình lanh lẹ, ngăn nắp mà khi có quả tim mới lại đâm ra lè phè, bừa bãi hay ngược lại.
Kể sơ bấy nhiêu chuyện đủ rồi, cho thấy người da trắng nhận bộ phận người da đen, người già nhận người người trẻ, phái nữ nhận của phám nam, thì không phải chỉ đem bộ phận như tim, phổi, gan, thận hay truyền máu thì đem máu lạ vào người, mà đem luôn cả một phần tính khí của người khác vào tình cảm, tâm lý của mình, tức câu chuyện ngoài mặt thể chất, y khoa, còn có hệ quả về mặt tâm linh. Như thế, việc hiến tặng và ghép bộ phận nên nhìn như thế nào. Để mình có thêm ý kiến về việc này thì thử nhắc lại chuyện đức Phật, cưng nhớ kinh ghi là 7 ngày sau khi sinh đức Phật thì hoàng hậu Maya qua đời, truyền thuyết nói rằng bất cứ bà mẹ nào của một vị Phật cũng qua đời 7 ngày sau khi hạ sinh ngài, vì tử cung nào đã cưu mang vị Bồ Tát trong lần tái sinh sau cùng của ngài, thì giống như bàn thờ trong ngôi đền, hóa cao quý và không thể cưu mang linh hồn nào khác không thánh thiện bằng ngài.
Chuyện này và chuyện ghép bộ phận cho thấy sự sống không chỉ thuần thân xác, mà tâm linh và thể chất đan lẫn chặt chẽ vào nhau, và ghép bộ phận hay truyền máu nên được thực hiện trong điều kiện thích hợp, như mình đã nói ở A bên trên. Mà điều kiện thích hợp là gì ? Nói giản dị thì đó là tính tương hợp của mức rung động, bản chất một người biểu lộ qua làn rung động, như tình thương của người đức độ khiến thú vật đến với họ không sợ hãi, và thú dữ hóa hiền, hay không uống bia mà ghép tim rồi thì lại thích bia như chủ nhân trái tim. Có lẽ chuyện uống bia, thích ớt xanh, ăn cheese burgher vô hại cho đa số người, nhưng cho một số khác thì nó không thích hợp, và ở một mức độ nào khác nữa là chuyện không nên.
Đối với một số người thì làn rung động có thể là chuyện tưởng tượng, nhưng các nền văn minh cổ đều đề cập tới nó. Lấy thí dụ Ấn giáo với sự chú trọng quá mức vào giai cấp, người thuộc giai cấp hạ tiện không được phép đụng chạm hay cầm vật dụng của người giai cấp cao, nhất là không được phép nấu ăn, do e ngại là rung động không thanh khiết của họ nhiễm vào vật, và qua đó truyền cho chủ nhân của vật hay ai ăn thức ăn của họ nấu. Giai cấp cao nhất là người Brahmin không cho phép người giai cấp hạ tiện bước chân đến cửa nhà của mình, sợ ảnh hưởng xấu của họ, ngay cả việc bước vào cái bóng của người giai cấp hạ tiện cũng bị cấm đối với người Brahmin.
Tự nhiên đó là sự thái quá và thiếu lòng nhân, nhắc lại để cho thấy làn rung động quan trọng với một số người như thế nào, ngay cả vào lúc này có người theo Hồi giáo mà câu nệ, sẽ có hai bộ chén bát riêng, một cho gia đình dùng và một cho ai khác đạo dùng, và khi người sau dùng xong thì đập bỏ, cũng với ý muốn là không để nhiễm ảnh hưởng kẻ khác. Với người Việt thì mình hay nói vía nặng vía nhẹ, vía tốt vía xấu, và muốn ngày mồng một Tết có người vìa lành đến xông nhà, đó cũng là niềm tin về làn rung động.
Những cấm kỵ trên đây của Ấn giáo, và luật cấm nhận truyền máu của kinh thánh mà người Jehova’s Witnesses trưng dẫn, là những luật lỗi thời không còn thích hợp cho thế giới ngày nay nữa, và nên được bỏ lại sau lưng để tiến bước vào thời đại mới. Điều này cũng áp dụng cho đa số những luật về thực phẩm, mà người theo Do Thái giáo câu nệ còn khăng khăng giữ hiện thời.
Thí dụ khác về ảnh hưởng của làn rung động là sự ẩn cư của các Chân Sư. Làn rung động của các ngài rất mạnh mẽ, nếu người thường chưa chuẩn bị sẽ gặp hại khi đến gần, nó giống như bột nhồi đem nướng ở nhiệt độ nào đó sẽ thành bánh ngon lành, vàng tươi rất hấp dẫn, nhưng nếu lò đốt nóng quá thì bột cháy đen không nở lớn mà lại chai cứng co rút lại. Chuyện hàm ý kích thích đúng mức giúp người ta phát triển, mà kích thích quá mức lúc con người chưa sẵn sàng thì bị kết quả bất lợi. Ngược lại khi các Chân Sư phải rời chỗ ẩn cư, xuống thế và tiếp xúc thân cận với người, chính các ngài sẽ phải hạ thấp làn rung động của mình để giảm bớt độ nhậy cảm, giảm bực bội khó chịu khi phải tiếp xúc với làn rung động thấp của người.
Có Chân Sư thực hiện việc bớt tính nhậy cảm các thể của ngài bằng cách hút cigar, làm cho thể sinh lực bớt thanh bai và hóa chai sạn hơn một chút, trong thời gian làm việc ở cõi trần. Tuy các ngài dù cao cả đối với chúng ta nhưng cũng không được phép giữ tình trạng này lâu, mà tới một lúc nào đó các ngài phải ẩn cư trở lại, để thanh lọc những ảnh hưởng bất lợi đã mang vào người trong lúc xuống thế (hay do việc hút cigar !).
Trở lại làn rung động thì nó là tính chất của trọn con người, và khi một bộ phận tách rời khỏi thân xác, nó vẫn giữ làn rung động của chủ nhân, để rồi lúc đem ghép sẽ ảnh hưởng đến tâm tánh của người nhận, do đó cưng đem vào người tính lành hay không lành hay vô hại đi theo với bộ phận, với máu, và người nhận sẽ tăng cường tâm thức hay bị ảnh hưởng tùy trường hợp. Thế thì hiến máu, hiến tặng bộ phận là điều rất nên khuyến khích, hay hiến tặng thân xác cho nghiên cứu khoa học đáng được hoan nghênh, vì hành động ấy biểu lộ lòng nhân, thiện ý, nhưng ai không muốn cho hay không muốn nhận, thì cũng có cái lý của họ nên biết. (Xin đọc thêm ‘Talk Does Not Cook The Rice’, vol I, câu 32, t. 21).
Lại nữa, chuyện hóa phức tạp khi người ta qua đời mà một phần thân thể họ còn sống (tim, thận, gan v.v.) ở cõi trần, nhân quả người cho và người nhận vướng mắc vào nhau. Hay nhu cầu cần nội tạng dẫn đến việc thu hoạch bộ phận bất hợp pháp ở một số nước, gây ra hậu quả không lường được.
– Chắc em sẽ cho bộ phận, ruột gan phèo phổi con tì con vị của em tốt lắm, tại em đâu có hút thuốc, uống rượu. Có điều em thích ăn phở, bún riêu, bánh cuốn Bo ơi.Nngười Mỹ nào được ghép thận của em thì không chừng họ sẽ thích mắm tôm, húp nước mắm chanh ớt !
– Còn mắm ruốc, mắm nêm, cưng có thích không ?
– Bo đừng cười em kẻo tụi con nít bắt chước. Kim sắp về thăm nhà ở Sài Gòn, em mới mua một lô xà phòng thơm, chocolate thơm phức cho Kim làm quà, đổi lại thì gia đình sẽ đưa cho Kim cá khô, khô mực, tôm khô đem về Mỹ. Chỗ em ở không có tiệm VN nên ba món này được em hoan nghênh nồng nhiệt, muốn có phải lên tận Chicago. Mà con bé Thư la làng, nó bảo lúc đi thì valise thơm tho còn lúc về toàn món stinky, quan thuế Mỹ mở valise ra khám ở phi trường sẽ chạy mất. Quả tim em thích fashion lắm lắm, nhưng nó cũng thương con nít rất nhiều, mà cơ quan của người có mang đặc tính của chủ nhân thì của thú vật chắc cũng thế. Vậy nay mai khi có chuyện ghép tim khi, gan heo cho người thì làm sao, mình sẽ mang vào người ký ức, tình cảm của heo, của khỉ ư ?
– Chuyện ấy đã có rồi nhưng còn ở mức độ thấp hơn khi người ta ăn thịt, nay nếu ghép trọn bộ phận sống của khỉ của heo thì ảnh hưởng sẽ mạnh hơn. Bây giờ thì chuyện ghép tim heo cho người chưa nhiều, nhưng việc sẽ ngày càng tăng lên, và có lẽ đó là cái giá  của sự hiểu biết. Chuyện gì cũng có cái giá phải trả để biết là sai hay đúng. Mai sau khi có hiểu biết về năng lực cõi cao, thấy được sự chuyển vận của các năng lực ấy qua các trung tâm lực, người ta sẽ học được là cuộc sống không phải chỉ thuần về mặt thể chất, mà còn có phần tâm linh là tính chất của các lực.
Năng lực tinh thần cao mà con người sử dụng, và cần học cách sử dụng để tiến hóa thí dụ trực giác, hay sự hòa nhập với thiêng liêng trong lúc thiền, thì không sao biểu lộ hoàn toàn qua một trái tim heo được. Mức rung động của loài vật khác với loài người, mục tiêu cuộc sống của khỉ hay của heo không phải là để tham thiền, cảm nhận những điều không thể nói bằng lời, hay có những phát triển dành riêng cho người như biết thưởng thức cảnh hoàng hôn rực rỡ, ngất ngây vì một đoạn nhạc tuyệt vời, mê say một bài toán khó, hay tâm hồn tràn ngập lòng ái quốc v.v. Vì thế đem một bộ phận của vật đặt vào cơ thể của người làm hạ thấp rung động của người, khiến họ mất nhậy cảm hay đáp ứng với ảnh hưởng thanh cao, nên có thể được thực hiện cho người ở trình độ nào đó, nhưng là điều không thể chấp nhận được cho số người khác.
Muốn hiểu thêm việc này thì cưng nhớ lại là trong mọi cách tập luyện của người muốn có hiểu biết tinh thần, thức ăn sẽ là rau trái mà thôi và thịt bị cấm, một lý do là vì lòng nhân, lý do khác là không muốn đem vào người các rung động thấp của loài vật để không bị nhiễm theo, như thế việc đem nguyên cả một bộ phận sống của con vật với rung động thô kệch vào người lại càng phải tránh (thịt chỉ là cơ quan tổng quát còn tim, thận là phần vật chất của các trung tâm lực, nên mức rung động mạnh hơn bội phần.)
Việc ghép bộ phận có mục đích hàng đầu là duy trì mạng sống, chuyên chú vào sự sống của thân xác tới mức tách rời nó với phần tâm linh. Bởi khoa học đang lần mò khám phá nên có sai lạc thì cũng là chuyện tự nhiên, là cái giá phải trả để có hiểu biết. Trong tương lai khi biết nhiều hơn và nhìn lại cách chữa trị, ghép bộ phận vào lúc này hẳn người ta sẽ kinh sợ, y như ngày nay ta rùng mình khi đọc về cách trị bệnh của nhiều thế kỷ trước. Tình trạng hiện thời là mức phát triển về khoa học vật chất và khoa tâm linh không đồng đều, cho ra nhu cầu là cần có nhìn nhận thêm về mặt tâm linh để làm cân xứng, vì hiểu biết không quân bình giữa hai mặt sẽ dẫn tới nhiều điều bất lợi cho sự tiến hóa của con người.

Sách để nghị đọc thêm:
A Change of Heart, by Claire Sylvia, nói về ảnh hưởng của việc ghép bộ phận.

..............................................