1001 CHUYỆN

BÀI 5

PST 41

Xem Mục 1001 Chuyện 

– Luật nhân quả giải thích thế nào việc có người hành hương tới thánh địa được chữa hết bệnh hở Bo ? Thế ai không có tiền để đi tới Lourdes, hay qua những nước tiến bộ chữa bệnh thì sao ?
– Mà đâu phải ai có tiền đến Lourdes hay đi Mỹ, đi Anh chữa bệnh cũng hết đâu.
– Ít nhất tới đó được, Bo ơi, còn lành bệnh thì càng tốt, nếu không thể đi được và không hết bệnh, thì có vẻ như không công bằng.
– Vấn đề là có bệnh và muốn được chữa lành phải không ? Vậy đầu tiên là tại sao mắc bệnh và nó có ý nghĩa gì ?
– Ủa, em hỏi Bo mà.
– Có nhiều định nghĩa về bệnh tùy theo cách nhìn. Đơn giản thì bệnh là sự bất hòa mà chúng ta đã tạo ra với chính cơ thể, với môi trường chung quanh, nay biểu lộ và có mục đích là giúp ta ý thức hơn về cách sống đúng phép, sử dụng cơ thể, tình cảm, tiền bạc cho thích hợp. Người ta sợ bệnh vì nó gây ra đau khổ, hạn chế, khó khăn, nhưng xét về một mặt khác thì ta cũng có thể học hỏi được nhiều điều từ bệnh.
Nỗi sợ bệnh có vì ta tin rằng mình là thân xác này, trong khi cưng biết mình là linh hồn bất tử. Lòng sợ hãi vì vậy có thể giảm bớt bằng niềm tin vào linh hồn, bằng cách tiếp xúc với linh hồn và đồng hóa với nó. Trong lúc tuyệt vọng người ta có thể cảm thấy bị bỏ rơi, cô lập, nhưng phần linh hồn luôn chờ đợi, lắng nghe ta ngỏ lời tiếp xúc. Ý muốn nói là trong khi linh hồn có thái độ chực hờ đó, chúng ta cũng không ý thức được gì trừ phi muốn liên lạc, bằng cách tĩnh tâm đón nghe, hay giản dị nhất là hướng về Chân Thiện Mỹ.
Ấy là lý do tại sao mọi bậc huấn sư tâm linh, đều nhấn mạnh sự quan trọng của việc liên lạc mật thiết với linh hồn, mà điều đó không phải chỉ cho cá nhân một người mà thôi, bởi với mỗi bước tiến đến gần cõi cao hơn, thì có sự gia tăng lực cứu rỗi con người tràn xuống qua mọi hệ thống. Thành ra chuyện hết sức thiết yếu là mỗi người làm trọn phần mình, bằng cách tạo nên sự kết nối tâm linh trong nội tâm, có điều hòa trong chính con người mình, vì không được vậy thì sự tuôn tràn của năng lực cao bị ngăn chặn.
Chữa bệnh không phải chỉ là chú tâm vào thân xác, mà ai chữa bệnh cần biết nhu cầu thực sự, là dạy cho con người làm cách nào tiếp xúc với cái nguồn hiểu biết đích thực, chỉ có thể có được ở cõi tinh thần, vì chỉ có sự hướng dẫn từ đó mới đưa được con người ra khỏi bến mê.
– Đâu phải ai chữa bệnh đều nghĩ vậy, và không chắc ai được khỏi bệnh cũng tin hay biết được quan niệm này.
– Nói vậy đúng nhưng có lẽ mình nên nhắm tới sự khỏi bệnh lâu dài. Nếu một bệnh nhân không hợp tác và đóng vai trò của mình trong việc chữa trị, bằng cách bắc nhịp cầu giữa phần cao và phần thấp của bản thể mình, và nỗ lực hòa hợp hai phần thành một đơn vị có mục đích, có lòng thương yêu, thì dù có chữa, sự lành bệnh cũng không giữ được lâu dài. Sự lành bệnh có thể cho phép bệnh nhân sống lâu hơn, và đo đó cho cơ hội kinh nghiệm nhiều hơn, mở rộng mối tương giao rất cần cho sự tăng trưởng con người. Nhưng ngoài điều đó, nó không đạt được chuyện gì thêm, ngoại trừ việc tháo gỡ tạm thời cái thực ra luôn luôn là dấu hiệu của sự tiến hóa sâu xa bị che dấu, hay là sự mất quân bình lan rộng, hay sự vô minh mà linh hồn biểu lộ dưới hình thức bệnh tật, để mong làm phàm nhân chú ý. Vì trừ phi sự rối loạn như thế được giải quyết tận gốc, nó sẽ tái hiện trở lại hoặc trong kiếp này hoặc kiếp sau, dưới cùng hình thức này hay hình thức khác, và bởi con người bỏ quên không thấu đáo bài học mà bệnh tật được chọn để dạy, bệnh có thể gia tăng mạnh hơn sau thời gian vắng bóng.
Vậy thì khi con người nghĩ rằng định mạng chơi khăm họ, dưới hình thức bệnh tật hay điều bất hạnh, người khôn ngoan sẽ tự hỏi rằng, ‘Điều này được xếp đặt để dạy tôi việc chi, linh hồn tôi muốn nhắn nhủ chuyện gì ? Tôi phải làm gì để được lành bệnh hẳn ?’ Và chỉ có họ mới tìm ra câu trả lời. Thay vì than vãn, người ta có thể nhìn sự đau khổ theo một cách khác, là tìm hiểu xem qua đó linh hồn đang muốn bầy tỏ điều chi về chính ta, và nhu cầu thật sự của mình. Cùng lúc đó, ý thức rằng nếu ta chấp nhận sự đau khổ của việc sinh ra một ý thức mới, và sống trọn vẹn với nó nhờ vào lòng can đảm, óc thông minh, nó có thể mang lại khả năng và tính chất mà ta chưa biết là mình có, còn ẩn dấu mà cái tôi chưa có phương tiện để biểu lộ.
Bệnh tật trong một số trường hợp là ý muốn của linh hồn, muốn phàm nhân học một số điều mà nó từ chối không chịu học trong những kiếp trước. Nếu kiếp này nó lại từ chối không chịu học nữa, thì chuyện không tránh được là nó tạo điều kiện cho sự tranh chấp, làm bài học khó nuốt hơn trong tương lai. Hậu quả của việc tiếp tục từ chối không học sẽ tích tụ, và nếu xẩy ra nhiều lần như vậy, nó sinh ra một đời sống thiểu não làm con người thất vọng cùng cực, và tha thiết mong cầu được hướng dẫn thoát khỏi sự tối tăm. Như vậy cưng thấy chớ bao giờ trốn tránh bất cứ kinh nghiệm nào, hay bổn phận nào đến với mình, mà tốt hơn nên học để hiểu ý nghĩa của nó.
– Vậy khi bệnh xẩy ra thì mình không nên làm gì ư ? Nói như Bo nghe chán quá, người bệnh cần có hy vọng khỏi bệnh, phải cho họ niềm tin chứ. Thử mắc bệnh coi, chắc chắn Bo sẽ la làng.
– Cưng chê Bo vậy để nói thêm chuyện này cho cưng suy gẫm. Có người gặp chuyện khó giải quyết, nên tới nơi ẩn cư của vị Lama để xin ý kiến. Họ gõ cửa rồi cung kính đứng chờ khi có tiếng tằng hắng, cho biết vị Lama sẵn sàng nghe. ‘Dạ thưa, con bối rối không biết có giải quyết theo cách nào. Số là …’ Vị Lama ngắt lời không để họ nói hết câu. ‘Ông hãy chọn lối nào đòi hỏi ông phải gắng công nhiều nhất’. Vị Lama chỉ nói bấy nhiêu rồi đuổi họ về mà không cắt nghĩa thêm. Nay trở lại câu hỏi ở trên, khi cưng xem bệnh là cơ hội, người bệnh đóng vai trò chủ động thanh lọc thì chuyện đầy nét lạc quan, hy vọng. Nhìn như vậy sẽ không nản chí vì cưng làm chủ, và ảnh hưởng được diễn tiến của chuyện lẫn số mạng của mình. Ý chính là con người phải học nhiều điều, và có thúc giục của sự sống thiêng liêng trong người họ lẫn trong thế giới, khiến họ tiến đến mặc khải về chân lý. Tiến bước này sẽ gây ra đau khổ, vì trong con người có quá nhiều yếu tố chống đối, nhất là sự ù lì luôn luôn sợ hãi việc có thay đổi và kháng cự lại nó. Thí dụ sự đau đớn trước khi sanh nở, trước khi bước vào ý nghĩa mới là điều lành, nhưng người ta chỉ hiểu ra được điều ấy khi nhìn nhận bản chất của chúng, là mang lại sự giải phóng, là thầy dạy, và con người giữ cho mình luôn tỉnh thức, chực hờ, quan tâm, sẵn sàng để học, tìm kiếm ý nghĩa bên trong.
Chắc cưng hiểu là tại sao không phải lúc nào người ta cũng chữa lành bệnh, hay bệnh có khi không được chữa hết. Một phần vì phàm nhân chưa học được bài học đặc biệt mà bệnh mang lại, như bệnh tê thấp được coi là biểu lộ của thái độ quá cứng rắn. Bệnh tật hay thảm kịch xẩy ra, là triệu chứng của một trạng thái bất hòa sâu đậm, thiếu quân bằng, nếu nó được chữa lành trước khi cái nguyên nhân sâu xa này được thấu đáo và loại bỏ, phàm nhân sẽ phải kinh nghiệm sự bất hòa tương tự vào một thời điểm khác, mà có thể không thuận tiện bằng lúc này. Nếu mục tiêu là đạt tới sức khỏe tốt đẹp lâu dài, thì thái độ khôn ngoan là hiểu biết và chấp nhận cần được vun trồng. Đối với người bệnh điều cần ghi nhớ để có sự phấn khởi, là bất cứ nỗ lực nào nhằm tinh lọc những mầm mống hư hoại này, cũng sẽ loại trừ được cái nguyên do đã mang tới bệnh tật, cho dù nó gây ra căng thẳng trên con người.
Nói riêng về một số bệnh, năng lực thiên nhiên và quyền năng là biểu lộ của sự sống, mà khi dùng riêng cho cái ngã thì đó là một hình thức của tà thuật, dù người ta không tin như thế; rối loạn nẩy sinh do việc lạm dụng  lòng tin mà sự sống đã ủy thác cho con người, thí dụ năng lực sáng tạo mà phần thường thấy nhất là năng lực tình dục, và nó mang lại tai họa không tránh được, vì đó là chuyển sinh lực đi ngược chiều, hậu quả là gây độc hại về mặt sáng tạo. Nó ảnh hưởng những chất liệu thanh bai mà ta dùng để tạo các thể con người trong tương lai, nếu không phải là ngay trong kiếp này, và sẽ tiếp tục ảnh hưởng cho đến khi nào ta thành công trong việc tinh lọc chúng. Bệnh hoa liễu là một trường hợp đó.
Bàn thêm ra thì thái độ chia rẽ và gạt bỏ người khác, không bao giờ có thể mang lại cho con người hạnh phúc, lẫn sức khỏe thực sự. Chiếm lấy cái gì có tính đại đồng cho tư lợi và nhu cầu riêng của đơn vị riêng rẽ, tách biệt với kẻ khác, là đi ngược với luật thiêng liêng, và làm vậy người ta mang lại cho mình sự mất quân bình ngày càng tăng, căng thẳng và sau cùng là bệnh tật. Giờ nói đến chuyện tinh lọc thì việc được thực hiện bằng cách tạo sự hòa hợp, và hạnh phúc cho môi trường chung quanh, quên đi nỗi đau đớn của riêng mình và sự nản chí bằng cách giúp người khác, mang lại ánh sáng cho chính mình mà cho cả những ai ta có mối tương giao. Than thân trách phận không những vô ích mà còn gây nguy hiểm khi kéo dài.
– Nghe sao tội nghiệp con người quá, có thể nào học mà không đau khổ không, học mà vui đó ? Bệnh là cái quả của việc làm thuở xưa nay trở lại, nếu mình muốn tạo cái nhân tốt đẹp, không muốn có bệnh trong tương lai thì có cách nào không, cách nào cụ thể và thực tiễn, dễ dễ nữa nghe Bo.
– Cách đó cưng biết và chắc ai cũng biết, là tình thương. Tình thương hay lòng từ là đặc tính phát xuất từ linh hồn, có thể loại trừ được nguyên do căn bản của bệnh tật, theo nghĩa trọn vẹn nhất và sâu xa nhất, nó là một lực làm thành trọn vẹn theo bất cứ ý nào. Bởi sự trọn vẹn hàm ý hòa hợp của mọi thành phần trong cơ thể, trong điều kiện thăng bằng, với kết quả là việc có tình trạng hoàn hảo.
Tình thương là nguyên lý của sự kết hợp, hòa giải, hòa hợp, và là một trong những lực lớn lao nhất có tính chữa lành, nó là nguồn cội đích thực sự mạnh khỏe và niềm vui. Bởi tình thương là năng lực vũ trụ nên cũng là nguồn cội của mọi năng lực khác. Vì vậy lời nói ‘Thượng Đế là sự thương yêu’ là cách đơn giản nhất và dễ hiểu nhất, để giải thích theo quan điểm của loài người bản chất của Cái Đó - That, tức cái đặc tính cao nhất mà con người hiểu được. Tình thương được nhấn mạnh, vì có nguyên tắc nói rằng mọi hoạt động tinh thần hay vật chất, đều có phương pháp đúng đắn để áp dụng, và người ta cần tuân theo một số điều kiện trước khi ta cảm nhận ảnh hưởng linh hồn, trước khi linh hồn xuyên qua được lớp vật chất đậm đặc ngăn cách ta với nó, và lòng từ là cách hữu hiệu để tiếp xúc với linh hồn thiêng liêng.
Nếu muốn nói thêm thì tình thương là nền tảng tuyệt đối, là tinh túy của chính sự sống, không có gì mà tình thương không thể làm hoàn thiện và làm cho rõ, một khi bản chất thực sự và nguồn gốc của nó được nhìn nhận, là sự biểu lộ căn bản của thiêng liêng trong thế giới. Nếu ta có thể thể hiện tình thương một cách hoàn toàn, thì mọi cuộc xung đột nội tâm sẽ tự nó giải quyết lấy. Bởi bản chất của nó là kết hợp, nó có khả năng làm lành. Do đó những đấng cao cả có thể biểu lộ tình thương trọn vẹn, luôn luôn chữa lành bệnh, nhưng cưng để ý là không phải ai đến với các ngài cũng hết bệnh, hay các ngài chuyên tâm về việc chữa bệnh. Không phải vậy, nhìn cuộc đời đức Phật, đức Chúa thì rõ, chữa bệnh chỉ là hệ quả còn nét chính yếu vẫn là giác ngộ, ý thức.
Bệnh tật là phương tiện khởi sự việc thúc đẩy đầu tiên, về sự giải thoát tối hậu khỏi những ảo ảnh làm hư hoại sự an vui của ta. Mọi thảm kịch có thể được tỏ lộ như là ân lành, được che dấu cho ai đã sẵn sàng mở mắt, và nhìn nhận nó như là dấu chỉ đường tới sự hiểu biết rộng lớn hơn, về mục đích thật sự của đời họ. Thế nên có lẽ không nên có ý tưởng của đa số, rằng bệnh tật là hình thức trừng phạt, sự thực khác xa thế. Trừng phạt luôn luôn là hành vi của con người mà thôi, còn thì Thượng Đế là sự yêu thương, từ ái.
Chót hết bệnh tật nẩy sinh gần như luôn luôn là do hành động của con người, hay quyết định từ chân nhân, đó là nỗ lực nhằm thanh tẩy, và giải thoát tâm thức khỏi tất cả những gì đứng một chỗ, giữ con người trong tình trạng cứng ngắc già cỗi, đóng khung không tăng trưởng, hay làm họ phạm luật trời do vô minh. Chỉ có kinh nghiệm riêng và áp lực từ chân nhân mới giúp họ đạt được sự tự do đó.
– Rồi còn chuyện kinh nghiệm cận tử near death experiences NDE, có nghiên cứu ghi rằng có thể đó là do não bộ thiếu oxygen sinh ra huyễn tưởng, rồi ma túy cũng cho ra cảm giác tương tự, hàm ý NDE không có thật. Ba cái đó giống nhau không Bo ?
– Nhìn bề mặt thì có vẻ như thế, ai cũng nói có cảm giác lâng lâng, bình an, nhưng sau khi việc qua rồi thì có thăm dò, ghi nhận là ai đã trải qua NDE khi sống lại thường có khuynh hướng tâm linh nhiều hơn trước đó, cố gắng sống trọn vẹn hơn và đáng chú ý nhất là họ biết thương yêu, hay nỗ lực thương yêu nhiều hơn. Biến đổi như vậy không thấy nơi người ghiền ma túy, hay ai bị thiếu oxygen trong một lúc ngắn.
Đa số ai có NDE về sau tìm cách phát triển con người của mình, hoặc học hỏi, hoặc phục vụ, và có cảm nghĩ rằng sự sống có mục đích, cũng như việc họ được hồi sinh hàm ý có chuyện phải hoàn thành trong đời, nên thường nẩy sinh tâm lý là hăng hái tham dự vào cuộc sống, sống tích cực, sử dụng tối đa thời gian ở cõi trần. Họ thấy được sự sống rộng lớn hơn bên ngoài cõi vật chất, và để đáp ứng lại họ tìm cách mở rộng con người của mình, tức cái thoáng nhìn về sự sống bao la, ảnh hưởng phần sâu kín trong bản thể của họ là tâm thức, trong khi ma túy chỉ tác động lên não bộ là một phần của thể xác. Một bên là cái thức một bên là não bộ hồng trần, người ta đã bắt đầu ghi nhận được sự khác nhau, nhưng có lẽ gạt ra ngoài những hiện tượng chưa giải thích được, thì chuyện đáng nói nhất sau NDE là đa số cho biết họ cảm thấy thương yêu, khoan hòa nhiều hơn. Lòng thương yêu như cưng đã nghe nhiều lần là dấu hiệu đích thực của thiên tính.
Khác biệt còn có thể ghi thêm là một số trường hợp, NDE làm người ta thấy hay biết những chuyện mà lúc tỉnh thức trong cuộc đời thường nhật họ không biết, thí dụ gặp được ông ngoại hay bà cô chưa hề gặp, vì những người này qua đời trước khi họ sinh ra, khi tỉnh dậy và kể lại thì mới biết. Kế đó trong lúc mọi người tưởng là họ đã chết, chính đương sự lại chứng kiến những gì xẩy ra quanh giường bệnh, nghe bác sĩ, điều dưỡng viên gấp rút cấp cứu, thấy được xuyên qua phòng bên cạnh chồng vợ, cha mẹ, anh em nói gì, khóc lóc ra sao, hay thân nhân hốt hoảng vào thang máy ở bệnh viện. Một trường hợp lý thú nên ghi lại là trong lúc ở ngoài xác thân như thế, có người thấy mình tới nơi xa lạ và khi mạnh trở lại, họ tình cờ đi tới nơi chưa tới bao giờ ở một tiểu bang khác, xa hằng trăm cây số với cảnh tượng, tên đường, tên cửa hàng y như đã thấy khi có NDE hồi trước.
Chi tiết có thể thay đổi, ở đây mình chỉ kể nét chính, cho thấy dường như người có NDE bước vào một chiều đo khác với sự sống, vào một trạng thái tâm thức khác, còn ma túy không hề mang lại ý thức đó. Sau NDE con người sống hăng hái thêm, họ mở rộng chính bản thân mình để tương ứng với sự sống bên ngoài, họ phấn khởi với cuộc đời, với người chung quanh; ma túy trái lại thường khi khiến ai ghiền thuốc tách rời khỏi cuộc sống, thu hẹp sinh hoạt của mình và hóa tiêu cực, thụ động.
Tổng kết lại thì lẽ tự nhiên là thấy ai đau khổ vì bệnh, cưng lập tức muốn tìm cách làm giảm sự đau đớn ấy, hay tốt hơn nữa là làm nó dứt hẳn. Đó là chuyện phải làm và nên làm, nhưng cũng nên ý thức sự khác biệt giữa tình thương thật sự với cảm xúc, lòng từ ái với ý tội nghiệp, hiểu biết với nỗi sợ hãi chuyện đau khổ. Người ta thường nghĩ rằng muốn hòa hợp thực sự với mọi người, họ phải đồng hóa hoàn toàn với mọi kinh nghiệm, tâm tình và phản ứng của người khác. Nghĩ vậy không đúng mà cũng không nên làm như thế, chuyện thật ra có nghĩa đồng hóa với mục tiêu của linh hồn đang nhắm tới, và nhờ vậy có khả năng giải thích, diễn dịch hoàn cảnh hiện thời.
– Em thấy lúc này sự việc hào hứng quá Bo à, nào là NDE, nào là phong trào trị bệnh bằng nhân điện, rồi còn chuyện tạo phó bản sinh học cloning cho ra cô cừu Dolly nữa. Bao nhiêu là phát triển vậy chúng có ý nghĩa gì không ?
– Còn ba năm nữa là mình bước vào thế kỷ mới, chắc chắn những chuyện này giúp vén màn bí ẩn của sự sống vật chất lẫn sự sống tâm linh, nhưng kết quả sau cùng là do con người quyết định. Thế giới làm gì với những hiểu biết này, sẽ tùy thuộc vào quan niệm của con người với cuộc đời, và cưng có thể ảnh hưởng trào luu bằng tư tưởng, lối sống của mình.
– Chà, em không biết đâu Bo, em chỉ nói được cho mấy đứa nhỏ thôi, mà tụi nó cũng bắt đầu hỏi ngược lại rồi. Kể thì nó vẫn tin, nhưng nghe chuyện thiên thần xong nó hỏi, ‘Làm sao mẹ biết ?’ Sùng quá em la thì nó bảo, ‘Mẹ, thế kỷ 21 rồi, con phải biết.’ Nghe thiệt dễ giận nhưng có lý. Em tạ ơn Trời là tụi nhỏ vẫn còn chịu nghe. Nhớ lại hồi nhỏ em ngoan hơn nhiều, đâu có hỏi những câu làm người khác điên đầu như tụi nó bây giờ. Ủa, sao Bo cười lấp lửng, không đúng ư ?

Tham khảo
Near Death Experiences - A Reader
Discipleship in the New Age, A. Bailey
……………………..

PST 42

 

– Em ghen mà không có ghen, Bo ơi. Hồi mới lấy nhau mà Kim ngó cô khác em thấy không vui tí ti, bây giờ ba con rồi thì biết tánh Kim đặt vợ con lên hàng đầu, em bớt quan tâm để Kim muốn ngó ai thì ngó. Ghen chút chút có sao không Bo ?
– Ghen để chi ?
– Không biết, cái đó Trời sinh, đàn ông hay đàn bà đều ghen hết, vậy có xấu không ?
– Có lẽ nên nói trước tiên về giá trị tinh thần của hôn nhân, rồi sau đó nói tới chuyện ghen tuông. Có quan niệm rất sai lầm nói rằng hôn nhân không thể đi đôi với sự tiến bộ tinh thần, rằng ai muốn phát triển tâm linh phải sống độc thân. Tuy nhiên tính thiêng liêng sẽ vẫn thiêng liêng trong bất cứ môi trường nào, còn nói riêng về hôn nhân thì nó ràng buộc người khờ dại, nhưng làm người khôn ngoan có tiến bộ tinh thần, nó là vùng đất nhiều cạm bẫy cho trẻ con, và là trường học cho người sáng suốt, là nơi có thể sinh ra hằng trăm đức tính hay trăm tật xấu.
Thái độ đối với hôn nhân là nguyên do hoặc dẫn tới sự hài lòng và tiến bộ tinh thần, hoặc ra tòa ly dị, và bao lâu mà tính ghen tuông được xem là tình cảm nên có, và lòng si mê, lãng mạn là lý do chính để lập gia đình, thì sự việc khó mà xẩy ra khác hơn được, bởi tình yêu lãng mạn ít khi là nền tảng vững bền cho hôn nhân, chỉ có trong tiểu thuyết chuyện mới xẩy ra vậy thôi.
Người ta lập gia đình với ý định có được lạc thú dựa trên lòng đam mê, rồi khi thấy không thích hợp với nhau, thay vì học bài học mà chân nhân muốn họ học, người ta lại tránh né, ba chân bốn cẳng chạy đến tòa ly dị. Chỉ vì uốn theo hoàn cảnh mới mất công quá, thắng được nỗi bực dọc không ưa đối với nhau khó quá, một khi niềm mơ mộng tan biến, người ta mới theo đường nào dễ nhất để thoát khỏi cảnh khó xử. Thay vì tuân theo lời đề nghị của chân nhân, họ nghe lời của cái ngã nói rằng, ‘Mình tưởng mình thương người này nhưng lầm rồi, vậy chấm dứt cái rụp và chia tay thoải mái đi’.
– Nhưng làm sao cấm người ta lấy nhau vì si mê nhau ?
– Chuyện đó có thể làm được, bằng cách dẫn dắt họ từ từ đến một lý tưởng cao hơn. Nó có hơi lâu, nhưng nên dạy rằng con người thành hôn không phải vì đam mê, vì lạc thú hay vì lợi lộc vật chất, thay vào đó cuộc hôn nhân giữa hai người bạn, so với hôn nhân giữa hai người tình, là cái có nhiều triển vọng bền vững nhất.
– Nó có giống như chuyện này không, em đọc báo thấy có giáo phái dạy người trong phái, là vợ chồng chỉ gần nhau một tháng một lần, đại khái vậy. Như thế có đúng không ?
– Đó là triệu chứng của quan niệm sai lạc về điều mà họ tin là sự thanh khiết. Thường thường ấy là người tốt lành, tìm cách đi thật mau, quá mau, và bởi muốn chạy với đôi chân tinh thần trước khi đi vững, họ có thể mắc bệnh về thần kinh, hóa ra nóng nẩy, bực bội. Người nam và người nữ trong phái nhủ rằng mình đang tinh lọc thể xác để Thượng Đế sử dụng nó, rồi sách vở khuyến dụ thêm bằng tình cảm đẹp đẽ trong sách. Một số người lành mà nhầm lẫn như thế từng là tu sĩ, người khổ hạnh đại loại vậy trong những kiếp trước, và kiếp này biểu lộ khuynh hướng đó.
Tuy nhiên cưng thử nghĩ tại sao trong kiếp này, họ lại sinh ra trong một nền văn minh tây phương đầy ồn ào, xáo trộn ? Mục đích là để học một bài học khác, bài học đặc biệt mà nền văn minh này có thể dạy họ, theo cái nhìn đó nếu chỉ tìm cách lập lại bài học của kiếp vừa rồi, trong một hoàn cảnh khác với hiện giờ, là họ đang phí phạm kiếp sống này. Thế thì điều cần nhớ là học bài học mà môi trường hiện thời có thể dạy chúng ta, nếu lập gia đình thì cần làm trọn những bổn phận do hôn nhân mang lại, để vun trồng được những đức tính mà đời sống vợ chồng làm nẩy sinh.
– Làm cha làm mẹ khi có con tự nhiên phải học, còn đối với những bất ổn trong tình chồng vợ thì sao ?
– Trường hợp riêng thì vô số nên ta chỉ nêu ra nguyên tắc chung thôi, là sống theo siêu luân lý supermoral, tức luân lý vượt lên trên thói thường, nó nói rằng người trong cuộc cần hành xử theo nguyên tắc không ích kỷ nào cao nhất, và giao kết quả cho các đấng thiêng liêng. Chỉ có những nguyên tắc này mới cứu vãn được tình trạng hỗn loạn đang có của hôn nhân. Hôn nhân ở một số nước đòi hỏi con người quá nhiều về một mặt này, và quá ít về một mặt khác; ở Spain, ở Italy, ở Iran xã hội cổ võ tình trạng chồng chúa vợ tôi, muốn người nữ xử sự như là thánh nữ, còn người nam như chủ gia đình độc tài. Xã hội bảo cách xếp đặt ấy là để giữ danh dự cho phái nam, nhưng nó thực ra có nghĩa là bảo vệ lòng kiêu hãnh và ích kỷ, và do đó sinh ra bao thảm kịch.
– Nhưng lòng chung thủy cũng quan trọng chứ.
– Cưng à, vài điều nếu làm được thì đáng khen ngợi còn thì không bao giờ nên đòi phải có, và tính chung thủy là một trong những điều đó. Lại nữa còn một hình thức chung thủy quan trọng hơn sự chung thủy về tình dục, đó là sự chung thủy của tâm trí và linh hồn; vi phạm cái sau mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn, vì mối liên hệ thân xác tan biến khi thể xác chết đi, trong khi mối dây tâm linh và tinh thần còn hoài và kéo dài sang những kiếp tới.
Để Bo nói rõ thêm, trong những xã hội mà hôn nhân có tính áp chế, trừng phạt gắt gao sự không chung thủy thì người ta chung thủy chỉ vì sợ hãi, sợ tai tiếng, và chung thủy như vậy không có giá trị lớn lao. Bây giờ hôn nhân mà không đòi cho được có lòng chung thủy, thì nó cho nhiều bài học ta sẽ nói từ từ, ở đây chỉ nêu một cái, ấy là việc đối xử dịu dàng, chăm chút, thương yêu với chồng hay vợ là điều dễ làm khi người ta yêu nhau. Nhưng ai dù có cảm tình sâu đậm với một người khác phái. mà vẫn đầy sự thương yêu, ân cần với chồng hay vợ của mình, thì đó là họ đã học được cách hành xử theo lòng chung thủy tâm linh.
Rắc rối trong hôn nhân sinh ra, bởi phần lớn người đã phát triển nhiều về tình cảm hơn là lý trí, và bị ảo ảnh chi phối. Ảo ảnh hay maya là thấy sự vật được đúng như nó là, và cái mà người ta tưởng là tình yêu nồng nàn - khoan cười, nhớ lại hồi cưng mới gặp Kim xem - thực ra là maya về chính mình và về đối tượng. Người chưa giác ngộ, và người giàu tình cảm nghĩ rằng tình yêu sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng nó không được vậy, và đó là maya rồi người ta đau khổ. Nhưng khi có thể thấy mọi vật thực như nó là thay vì như ta muốn nó là, ta sẽ không còn thất vọng nữa, và có ít buồn phiền hơn. Không thoát khỏi maya thì ta không bao giờ có được minh triết, hay biết được sự bình an.
Người nào trừng phạt hay ly dị chồng vợ mình vì họ có liên hệ tình dục với người khác, cho thấy ngay là họ gán tầm quan trọng lớn lao vào liên hệ tình dục. Ngược lại ai tha thứ chồng - vợ mình, hay tốt hơn nữa, thấy không có gì phải tha thứ, thì điều ấy muốn nói họ coi liên hệ tình dục không quan trọng mấy. Đó là linh hồn không những tiến hóa hơn, giác ngộ hơn mà cũng trinh tiết chaste hơn nữa.
– Em không hiểu, trinh tiết là làm sao, nó có liên hệ gì tới maya mình đang nói ?
– Như vầy, ai đói thì ăn và bình thường ít quan tâm đến chuyện ăn uống, thì mình không gọi họ tham ăn được, phải không ? Người trinh tiết cũng vậy, họ thỏa mãn nhu cầu tình dục của cơ thể khi cần, mà không bận tâm quá đáng tới chính điều ấy. Bây giờ nói về sự trong sạch tâm hồn, đó là khả năng nhìn thấy cái đẹp trong mọi vật và trong mọi hoạt động của sự sống, làm vinh quang mọi hành động bằng tinh thần không ích kỷ, thay vì bị giam hãm trong ảo ảnh. Ngược lại, nói theo tinh thần tôn giáo hẹp hòi là ai trong sạch tức trai giới, diệt dục, thì mới biết đạo, vậy chỉ có người già lụ khụ không còn ham muốn nữa mới đủ điều kiện. Nếu vậy, cưng phải tự hỏi là tại sao Thượng Đế tạo con người có tình dục, để rồi ngăn không cho họ thấy được ngài, không biết được chuyện thiêng liêng khi họ thỏa mãn nhu cầu tình dục.
Câu chuyện còn được nhìn theo một chiều hướng khác. Mức giác ngộ của mọi người không giống nhau, nên không thể đòi hỏi linh hồn chưa hiểu biết xử sự như linh hồn hiểu biết, nó muốn nói là có lòng khoan dung với ai chưa theo được nguyên tắc cao trong hôn nhân ta nói ở trên, và có sự khoan hòa hơn đối với nghệ sĩ vì loại thân xác của họ. Linh hồn tiến hóa trong một kiếp nào đó tạo thể xác đặc biệt để làm việc, và rất thường khi nghệ sĩ sáng tạo tài hoa nhất lại có lối sống tình cảm như người chưa tiến hóa, thí dụ có nhiều mối tình hay sống phóng túng, buông thả, nhưng thật sự không phải thế. Sự việc chỉ là họ sinh ra với một loại thể xác rất khó kiểm soát và sử dụng.
Lấy thí dụ một nhạc sĩ soạn vở nhạc kịch opera hay một bản hòa tấu symphony, người có thông nhãn sẽ thấy có nhiều lực mạnh mẽ từ các đấng thiêng liêng, tác động chung quanh và xuyên qua người họ, làm khơi động trọn phần tình cảm của nhạc sĩ. Cưng cần hiểu rằng mọi hình thức kiểm soát đều làm tiêu hao năng lực, và nếu biết là gần như tất cả lực mà người nghệ sĩ sáng tạo có trong tay phải tuôn vào công việc muốn làm, hiển nhiên sẽ còn lại rất ít lực để kiểm soát phần tình dục của họ. Dầu vậy đi nữa, chuyện tình của nhà nghệ sĩ theo cái nhìn của bậc chân sư, là người có thể thấy bề trong câu chuyện, thì không giống như chuyện tình của người bình thường. Tính cách phù du của nó mà nhà luân lý lên án, không phải là dấu hiệu của một linh hồn bê tha trụy lạc, nhưng là của một linh hồn hết sức quyết tâm, đến nỗi tình yêu say đắm không để lại ảnh hưởng lâu dài nào.
Chỉ có linh hồn tiến hóa mới có thể thương yêu mười phụ nữ, và không muốn lập gia đình với một người nào. Cưng để ý là mình nói thương yêu mà không phải ham muốn. Người nghệ sĩ vĩ đại biết một cách ý thức hay vô thức rằng những cuộc tình của họ chỉ là Maya ảo ảnh, và vừa khi một ai biết rằng Maya là Maya, họ chứng tỏ được là mình đã thoát khỏi sự kềm tỏa của Maya. Ai theo luân lý nói ‘Ông ta là người tài hoa, tội nghiệp cho ông, mình phải tha thứ cho ông…’ là không có lòng nhân từ hay sáng suốt, chỉ người với con tim thật sự hiểu biết mới cảm thông và tha thừ.
Thành ra cuộc tình tự nó không phải là điều xấu, nó chỉ xấu khi làm đảo lộn óc nhận xét của người, gây đau khổ cho người khác, hay làm ta xao lãng mục đích thiêng liêng. Về một mặt khác, lòng chung thủy về tình dục là điều nên có, vì không chung thủy sinh ra ảnh hưởng phá hoại cho các thể thanh. Nói thêm về cuộc tình của nghệ sĩ, xã hội sẵn sàng tha thứ cho ông mà không chịu tha thứ cho cô bạn tình của ông, như thế là không công bằng và người ta cũng cần phải tha thứ cho cô, vì nhờ tình yêu của cô mà nghệ sĩ gián tiếp làm cho thế giới phong phú, đẹp đẽ hơn.
Loại tình yêu cao thượng nhất có thể thấy được, là khi hai người kết hợp trong tinh thần hoàn toàn tự do, mà không bên nào thấy muốn sử dụng tự do ấy. Chưa hết, nó có thể là hình thức thương yêu cao độ nhất, nhưng không chắc là hình thức hôn nhân cao cả nhất. Chỉ khi nào người như vậy thành hôn với nhau để phục vụ các đấng cao cả, và nhân loại, qua công việc chỉ có thể thực hiện chung với nhau mà thôi, hay để tạo thân xác thích hợp cho những linh hồn muốn tái sinh qua họ, khi ấy họ mới có loại hôn nhân cao tột hơn hết thẩy, và do đó hoàn toàn vượt ra khỏi cái biến dạng làm mê đắm tâm hồn của Maya. Sao, chuyện của Kim với cưng được phần nào so với mức ấy ?
– Bo vẫn chưa nói ghen là sao và có xấu hay không. Bo nói đi rồi em thông báo cuộc tình hai … con khỉ cho nghe, khọt khẹt tối ngày vui lắm.
– Ghen hả ? Phái nam ghen ban sơ là để bảo vệ thai nhi, đó là bản năng của họ. Nếu người đàn bà mang thai mà có liên hệ tình dục cùng lúc với nhiều người, bà sẽ gây thương tổn cho thai nhi vì bà nhận các từ lực lộn xộn. Vì vậy hình thức ban đầu của ghen tuông là để bảo vệ lại nguy hại đó, nhưng cũng giống như nhiều bản năng hợp lý khác, nó đi quá đà và suy đổi thành cái cớ cho tính chiếm hữu, lòng độc ác và những tật xấu tương tự, kể luôn việc sát nhân và tự tử. Ghen tuông đã làm tan vỡ hằng ngàn gia đình và trẻ con mất đi mái ấm để trưởng thành, muốn đảo ngược lại chuyện thì cần đề ra lý tưởng là không ghen tuông. Lý tưởng này giống như bao lý tưởng khác cũng có thể bị bẻ cong, và lạm dụng cho mục đích ích kỷ, và nó đã bị biến dạng, nhưng đối với linh hồn đã hiểu biết thì đó là chuyện đương nhiên không cần phải nói. Điểm chót lưu ý là vào lúc này, mối liên hệ giữa hai phái đang ở trong tình trạng chuyển tiếp, nó đòi hỏi cả hai phải điều chỉnh phần nhân tính hết sức tế nhị.
– Vậy đối ngược lại với không ghen tuông thì hôn nhân nên như thế nào, hay thế nào là cuộc hôn nhân lý tưởng ? Văn chương ca tụng đó là túp lều tranh hai quả tim vàng, triết lý nói rằng cả hai nhìn về một hướng mà không nhìn nhau, có phần nào đúng không Bo ?
– Điều con người nên hướng tới, là một kiểu mẫu hôn nhân trong đó có sự hòa đồng tinh thần và trí tuệ, có tình bạn đồng hành trọn hảo theo tất cả mọi nghĩa, và cùng với nó là sự tự do hoàn toàn, bởi tình yêu chân thật không hề biết đến ràng buộc hay ghen tuông, tức Kim muốn ngó ai thì ngó cưng không cảm thấy khó chịu, và ngược lại nếu cưng thấy James Bond 007 đẹp trai thì Kim không thấy bực mình. Sự tự do vừa nói có một nguồn gốc sâu xa hơn là chỉ muốn nói về tình yêu, nguyên tắc căn bản là linh hồn vốn tự do, và trong mọi mối liên hệ chúng ta đối xử với nhau như là linh hồn trường cửu, vậy thì không ai có quyền cầm giữ người khác hoàn toàn cho riêng mình.
Lý luận thông thường nói rằng hễ ai là bạn đời của mình rồi, người ấy thuộc về mình cả hồn lẫn xác. Chà, đó là tánh sở hữu và nó sai lầm, giống như nói mình sở hữu mặt trời mặt trăng vậy, và buồn khổ vì ai đó không thuộc về mình là phí tình cảm và trí tuệ. Giờ thử xem trường hợp một ai quyết tâm giữ người bạn đời thuộc về mình hoàn toàn, canh chừng theo dõi, bó buộc, và người kia phản ứng ra sao. Sự đòi hỏi quá đáng sẽ khiến người ta ngột ngạt, bởi nhắc lại là linh hồn vốn tự do và chỉ nẩy nở được trong tự do, và họ sẽ tìm cách dối gạt để được tự do, khiến sự việc rối rắm thêm. Ngẫm cho kỹ thì đòi hỏi phải có chung thủy dẫn tới hậu quả là sự dối gạt, vậy có đáng đòi hỏi người khác chung thủy hay không.
Vì thật tình mà nói, một hay hai cái hôn không đáng phải hao tâm tổn trí, rầu rĩ nhiều ngày mất vui đi; kế đó sự việc chỉ thuần về thể chất. Thế giới coi chuyện ấy là quan trọng lớn lao, là tai tiếng, nhưng đối với linh hồn những nụ hôn ấy có giá trị thật ít oi so với tình thương yêu của linh hồn với nhau, cũng như sự thương yêu đó không kể tới phần vật chất chút nào. Chính sự thương yêu trong tâm hồn, mà không phải lòng đam mê si dại, mới khiến những linh hồn gặp nhau trở lại nhiều lần về sau, chia sẻ và chung hưởng kết quả tốt đẹp mà tình thương yêu chân thật đó mang lại, còn óc ghen tuông chiếm hữu cũng mang con người tái ngộ nhau, mà trong hoàn cảnh bất lợi hơn nhiều. Giản dị là ghen về lâu về dài cho hậu quả không có lợi, vậy chắc không nên ghen chi cả.
– Em nghĩ giản dị lắm, bao nhiêu kiếp trước Kim có cha mẹ, anh em, chồng vợ, con cái, chắc chắn đã tạo liên hệ với nhau. Kiếp này gặp lại nếu đó là mối dây tốt lành thì Kim muốn kết thân cũng là chuyện tự nhiên.
– Nghĩ kỹ thêm thì cưng thấy ghen không hợp lý, người ta bắt đầu bằng sự ghen tuông, muốn sở hữu người khác, đó là một lỗi rồi vì mọi người phải được tự do. Kế đó ai bị cầm tù, bó buộc sẽ phản ứng bằng cách dối gạt và ấy là điều lỗi nữa, gộp lại thì điều lỗi này sinh ra một điều lỗi khác lớn hơn, mà không sinh ra điều thiện. Nền luân lý hiện thời đã giải quyết bằng cách chấp thuận việc vợ chồng bỏ nhau, vì một chút đam mê nhất thời của chồng hay vợ đối với một người thứ ba, trong khi nếu để qua một thời gian ngắn đam mê tự nó sẽ tàn lụi đi. Thấy được như vậy thì người ta nên nghĩ kỹ khi chọn lựa phản ứng của mình.
Để Bo trưng ra thí dụ thật về hai quan niệm và thái độ đối chọi của ý muốn cầm giữ nhau, một cặp vợ chồng có người sắp qua đời, họ căn dặn người kia là đừng lập gia đình với ai khác, vì muốn chồng hay vợ chung thủy với mình mãi mãi, không muốn mất chồng hay vợ về tay người khác, dù chính mình không còn đó nữa. Ngược lại, cặp khác cũng sắp phải chia lìa lại dặn đò vợ hay chồng phải lập gia đình mới mà đừng ở vậy, bởi họ quan tâm đến hạnh phúc của bạn đời, và muốn bạn mình được hạnh phúc dù là không phải với mình.
Thí dụ đó muốn nói tình yêu chân thật đặt hạnh phúc của người mình yêu lên trên hết, và cuộc hôn nhân lý tưởng có tính chung thủy theo nghĩa cao thượng, mà không phải chung thủy vì xã hội, luân lý đòi hỏi, hay chỉ biết có nhau mà thôi. Chuyện tế nhị là hai người có thể quí chuộng nhau hết sức đẹp đẽ và sâu đậm, nhưng lại không nên chú trong vào nhau tới mức không còn tình yêu cho người nào khác. Tại sao ư ? Tại vì nếu không còn thương yêu thì làm sao họ có thể giúp đỡ kẻ khác, mà tinh thần phụng sự bắt đầu từ tình thương.
– Bữa nay mắc chứng gì mà Bo nói nhiều quá vậy, mấy trang rồi. Chắc luân xa cổ họng Bo đang quay mòng mòng. Để em tóm tắt lại hỉ. Trong hôn nhân hay như cái chết của xác thân, việc giết người, phá thai, phần vật chất nó hiển hiện cụ thể, sát với người ta quá nên họ chú tâm vào đó và quên đi là còn phần tinh thần. Cho riêng câu chuyện hôn nhân là sự nhấn mạnh về chung thủy mặt thể chất, trong khi chung thủy mặt tâm linh quan trọng hơn. Quan điểm mới được đưa ra để nâng con người, chuyển ý thức dần dần từ vật chất sang tâm linh, và khi học MTTL, cần chú ý tới các ý nghĩa tâm linh. Còn gì khác nữa không Bo ?
– Còn một điều chót, MTTL không phải là kiến thức làm phong phú tư tưởng, mà để ứng dụng giúp người khác chưa có hiểu biết như vậy. Có hiểu biết là có thế lực, và thế lực ấy phải đem sử dụng cho người khác mà không phải cho chính mình. Càng tiến hóa nhiều chừng nào người ta càng có thể cảm thông những khó khăn, tật xấu và đam mê của người khác, và có thêm tình thương đối với họ. Thương yêu mà không đi kèm với cảm thông hoàn toàn, thì không phải là thương yêu trọn vẹn và đúng nghĩa, cũng như tình thương chân thật có phận sự là thấu đáo, cảm thông với mỗi chặng của đời sống, dù là thế nào đi nữa, nhất là những chặng sinh ra đau lòng và khổ tâm cho người thân của ta.
– Bo còn quên một chuyện, những cuộc tình là một thực tế mà cũng gây khó nghĩ. Có người cảm thấy đời sống phong phú hơn vì nó, chẳng hạn như nghệ sĩ có được cảm hứng hơn, rồi người khác lại bất bình về mặt đạo đức, luân lý. Nhìn về mặt tâm linh thì mình nói được gì hở Bo ?
– Mọi việc phải được xem xét bằng động lực thúc đẩy làm nên chuyện, mà không chỉ căn cứ vào bề ngoài, và phải xem xét nhiều khía cạnh. Thứ nhất là có cuộc tình có động lực là tình thương chân thật, nó có thể mù quáng, đam mê hay si dại, nhưng ai yêu nhiều thì như đức Chúa nói, họ sẽ được tha thứ nhiều, và người hiểu biết nói rằng một quả tim yêu thương chân thật, là đức tính tốt đẹp hơn hết trong số những đòi hỏi để có minh triết. Bởi minh triết chỉ đạt được bằng con tim và khối óc, mà không phải cái trí phán xét lạnh lùng thuần lý mà thôi.
Thứ hai là có những cuộc tình không do tình thương mà do lòng kiêu hãnh, thấy ở cả nam lẫn nữ, muốn lôi cuốn người vì sắc đẹp, tiền tài, vì bất cứ điều gì không phải là chính họ. Khi thương yêu một ai là cưng cho ra một phần của chính con người cưng, mà không đòi hỏi gì trả lại, cưng sung sướng khi yêu, ý dễ hiểu nhất là bà mẹ thương yêu con và không đặt điều kiện nó phải làm gì để bà yêu thương nó. Đối với hai người khác phái Bo nhớ một bài hát rất phổ thông tên I Love You Just The Way You Are, tức thương yêu tự nó phát ra và cũng không đòi hỏi gì nơi đối tượng của tình yêu.
Ngược lại làm cho một người khác chạy theo mình, đeo đuổi mình để thỏa mãn lòng kiêu hãnh, để cho xã hội thán phục, thì đó không phải là tình yêu chân thật, vì nó không quan tâm đến sự an vui của người khác, không cho ra chính mình, nó chỉ quan tâm  đến cái tôi mà thôi. Trong tất cả mọi chuyện, muốn biết nó đúng hay không về mặt tâm linh, cưng áp dụng nguyên tắc căn bản sau để đánh giá chuyện, nó nói rằng đặc tính của tinh thần là mở rộng, bao trùm, và hành động đúng đắn sẽ mang đặc tính ấy. Tình thương chân thật sẽ tuôn ra, nó mở rộng vùng ảnh hưởng của một người để bao trùm đối tượng, những bậc tiến hóa có hào quang rộng lớn một phần vì lý do đó. Trong trường hợp thứ hai, khi chỉ biết thu gộp về mình để nuôi lớn thêm lòng cao ngạo, hãnh diện về sắc đẹp hay thế lực là điều thoảng qua, và không cho ra trả lại, thì không phải là hành động của con người thật, không làm mở rộng tâm hồn.
Những cuộc tình còn có giá trị là chữa bệnh tâm linh, một người có thể câu nệ luân lý, e ngại dư luận tới mức không dám thương yêu vì sợ bị chê trách, phê bình, không dám sống thật mà chỉ sống theo khuôn mẫu xã hội. Ai như vậy có thể đóng chặt tâm hồn trong một lớp vỏ dầy, và có đời sống trí tuệ lẫn tình cảm nghèo nàn, thui chột, vì họ không dám suy nghĩ, cảm xúc tự nhiên. Nhất cử nhất động đều thắc mắc là kẻ khác sẽ nghĩ gì về mình. Khi tự chôn cứng trong lớp vỏ như vậy, họ không tiến hóa được nhiều, trừ phi có một chuyện hết sức bất ngờ xẩy ra.
– Như chuyện gì ?
– Như biết yêu, có một cuộc tình nồng nàn, sâu đậm.
– Giỡn hoài, Bo. Cuộc tình thì giúp được gì về nhà tù thành kiến luân lý đó ? Em vểnh tai nghe đây, cái này nhất định là hấp dẫn.
– Người ta nói rằng lớp vỏ thành kiến sợ hãi dư luận ấy, chỉ được phá tan bằng một làn sóng yêu thương rất mạnh. Nó cũng giống như là uống thuốc đắng vậy. Bình thường không ai thích vật đắng, nhưng trong vài trường hợp chỉ điều ấy mới cứu vãn được sự phát triển của con người thật. Ai như vậy không dám yêu, và hóa khe khắt với chính mình cũng như với người khác. Để chữa trị họ cần biết yêu thương, yêu nhiều, yêu nồng nàn say đắm, tha thiết, để phát triển tình thương của chính mình. Yêu nồng nàn còn là để chẳng màng đến lời bàn tán của dư luận đối với hậu quả. Để chi ? Để trừ tuyệt lòng kiêu hãnh vá phát triển sự can đảm tinh thần.
Luân lý sẽ phản đối cách chữa trị này, nhưng chất độc nhiều khi là thuốc chữa công hiệu, nếu biết dùng đúng liều cho đúng bệnh. Thành ra đôi khi, biết yêu sẽ làm người trong cuộc tiến hóa nhanh hơn bất cứ cách nào khác, và cũng do vậy mà đức Chúa nói rằng cô gái mãi dâm có khi gần nước thiên đàng hơn kẻ khác, vì cô biết yêu, dám yêu.
– May phước Kim đi làm chưa về. Bo đừng nói cho Kim hay là nên có cuộc tình. Kim sẽ đòi thực hành liền kẻo để lâu nó nguội, em biết tánh Kim quá mà. Đổ nợ đó nghe Bo.

Đọc thêm:
Bộ sách The Initiate, by His Pupil.

..............................................