1001 CHUYỆN

BÀI 4

PST 38

Xem Mục 1001 Chuyện 

– Bây giờ cưng bận lắm ư ?
– Mệt nghỉ, Bo ơi. Em làm ngày làm đêm, làm thêm cuối tuấn, làm một job chưa đủ, em ‘tranh thủ’ làm hai job. Không phải để mua xe mới đâu, mà để lo tiền đại học cho ba đứa.
– Tụi nó còn nhỏ mà.
– Trâm, Thư lớn mau lắm, quay qua quay lại cả hai cao hơn mẹ rồi, chân em bây giờ nhỏ hơn chân hai đứa, quần áo giầy dép hai cô nương em không mặc ké được. Lu bu em không có giờ đọc sách nữa. Hôm nào hai đứa mình ra tiệm sách coi chơi, Bo, tới khu New Age, Channelling em thấy rối trí, chẳng biết nên mua hay không nên mua cuốn nào.
– Sẵn nói về sách có chuyện này ngộ nghĩnh mà cũng đáng suy nghĩ. Một xứ bộ có nhận xét là trong thư viện hội, loại sách ít người đọc nhất, ít mượn nhất là sách về Theosophia, còn sách bị mất nhiều nhất lại là sách cũ, viết về đề tài căn bản của MTTL, mà không phải sách mới. Người ta suy luận rằng lúc này có nhiều sách về đời sống sau khi chết, luân hồi - nhân quả, triết lý đông phương, hội không còn là nơi duy nhất có các loại sách ấy, hay là tổ chức duy nhất có tầm vóc lớn nói về những đề tài này, và con người đã có nhiều chọn lựa về mặt tư tưởng. Đó là chuyện đáng mừng, con người đã có ý thức từ từ với các luật căn bản của sự sống, nhưng việc gì cũng có hai mặt, bên cạnh sách vở hiểu biết thì cũng có tác phẩm đáng ngại.
Với hiện tượng sách về những hiểu biết điều huyền bí tràn lan, điều đáng lưu tâm là chúng nhấn mạnh phần triết lý hay hiện tượng của sự sống ? Có thể nói đa số hay 95 % các sách mô tả hiện tượng, hoặc đời sống bên kia sau khi chết, hoặc nhớ lại kiếp trước. Cũng không trách được vì hiện tượng hấp dẫn và làm sách bán chạy; nhưng đi vào triết lý, cái nằm đằng sau hiện tượng, cái chi phối hiện tượng mới là điều cần để ý và tìm hiểu, vì nó không đổi, thường hằng, trong khi hiện tượng thay đổi theo khả năng người quan sát hay nhân vật trong chuyện. Cũng có thể vì hiện tượng là ảo ảnh, còn triết lý là thực tại tinh thần. Khi cưng đã gắng công đi vào được thực tại, trụ ở đó và thấy được bản chất của hiện tượng, cưng sẽ thỏa mãn.
Còn khi chỉ theo đuổi hiện tượng mà thôi, óc tò mò không được triết lý hướng dẫn có thể dắt người ta đi lạc mất giờ, hướng vào cái không thiết yếu. Và rồi cần để ý là không phải ai cũng đủ khả năng mô tả hiện tượng đúng thực, lấy thí dụ là bây giờ đang có nhiều sách báo nói về kinh nghiệm cận tử - near death experiences, nghe thật kỳ bí và hấp dẫn, nhưng y khoa ghi nhận rằng ở những bệnh nhân trong phút chốc bị thiếu oxygen, não bộ cũng sinh ra huyễn tưởng giống hệt vậy, thấy mình bị cuốn hút vào đường hầm tối đen rồi thoát ra ngoài, ánh sáng chói lòa rực rỡ !
= Nghĩa là không biết cái nào là near death experience, cái nào là huyễn tưởng vì thiếu oxygen ?
– Ừa, rồi còn những người tuyên bố là có thể đi ngược thời gian, nhớ lại cảm tưởng của mình lúc còn trong bụng mẹ, hồi tưởng được phút chào đời. Họ cũng bị khám phá là hồi tưởng ấy chỉ là tổng hợp những gì đọc từ sách bào, thâu lượm từ nhiều nguồn rồi lâu ngày tin đó là chuyện thật sự xẩy đến cho mình. Như vậy óc phân biện, chọn lọc rất cần khi đọc về hiện tượng.
Triết lý bí truyền đề cập tới hiện tượng mà không ngưng ở đó, nó đi tới, vượt qua hiện tượng để trình bầy chân lý vĩnh cửu, luật bất biến, trọng tâm của nó là nguyên lý, sự sống phong phú cõi tinh thần, nó hứa hẹn phần thưởng lớn lao khi con người sống theo những điều hiểu biết. Mà ấy là điều khó. Cưng để ý, triết lý có hệ thống còn hiện tượng thì không. Triết lý giải thích con người, đồng thời cũng đưa ra một tương lai rực rỡ, thỏa mãn được ước vọng thanh cao. Hiện tượng chỉ thoảng qua, lời giải thích dựa trên hiện tượng thường không đủ vì nó bị giới hạn trong điều kiện cá biệt, và không đủ sức giải thích hay áp dụng cho trường hợp khác. Ngược lại triết lý bao trùm tất cả và ứng dụng cho mọi trường hợp. Từ đây ta đi tới cái đặc tính chẳng những phân biệt triết lý với hiện tượng, mà cả những triết lý với nhau, ấy là:
Cái cao chứa đựng cái thấp
Cái lớn bao trùm cái nhỏ
Trên sao dưới vậy
Tức là chuyện ở giới hạn thấp hay nhỏ đều có thể được giải thích với nguyên lý cao.
– Có lúc đi vào tiệm sách em thấy lòng bất an, và tạm thời mất định hướng. Bây giờ em hiểu ra là ít có sách hay triết lý đi tới căn nguyên vấn để như MTTL làm. Phần lớn sách tâm linh đọc thì thích, nhưng rút cuộc những câu hỏi căn bản như con người là ai, cuộc sống đi về đâu, không cho câu trả lời thỏa đáng so với MTTL. Em có cảm giác lạ lắm, đọc sách MTTL giống như buông thả người vào một nguồn an toàn, em đi theo sách không chút e ngại, gìn giữ, và khi đọc xong thấy thoải mái. Còn chuyện này nữa Bo, có sách em đọc không hiểu gì, chắc họ nói chuyện cao xa quá chăng, hay họ nói những điều mà em thấy không cần thiết. Nó giống như thay vì đi thẳng vào tâm, tác giả lại dẫn người đọc đi lòng vòng bên ngoài, ngao du sơn thủy thấy nhiều cảnh vật trên đường mà không hề đi tới đích.
– Hai việc có thể nói ở đây.
Trước hết cái thú vị và lợi điểm khi học MTTL là nó được trình bầy do người biết họ nói cái gì, tác giả có kinh nghiệm, tư cách của họ bảo đảm sách, và dĩ nhiên là mình chỉ nói tới một số tác giả chọn lọc. Cưng không có sự bảo đảm ấy với đa số sách khác.
Thứ hai, đây là một điểm tế nhị mà cần thấu đáo vì nó vạch rõ lý do hội được thành lập, cùng phần việc hội sẽ làm. MTTL được tái xuất hiện vào thế kỷ 19 như là một nỗ lực vén phần nào màn bí mật bao trùm sự sống, và bởi cái trí càng lúc càng phát triển, con người sẽ tìm tòi nhiều hơn về các điều bí ẩn này, viết thêm sách, có thêm ý kiến, thị trường sách vở tâm linh sẽ tràn ngập đủ mọi khuynh hướng, trường phái, và ấy là điều hội cần phải tránh.
Đã có nhiều lời khuyến cáo đưa ra trong những ngày đầu của hội trong bức thư của đức Mahachohan, là hội không thể trở thành một trường tâm lý, nghiên cứu những hiện tượng siêu hình hay triết thuyết cao xa, mà quên đi mục tiêu đặt ra khi hội được thành lập, là trình bầy chân lý, đưa con người từ cõi giả sang cõi chân, từ nơi tối tăm đến nơi sáng suốt. Nói khác đi, sinh hoạt của hội là giảng dạy những triết lý khiến con người tự giải thoát chính mình, mà không hề là tìm hiểu để thỏa mãn tri thức mà thôi.
Hội viên do ý riêng có thể theo đuổi, nghiên cứu khoa tâm lý siêu hình, học thuật tư tưởng nào đó, nhưng sứ mạng của hội là giúp con người nhận ra ánh sáng, thoát khỏi đau khổ do vô mình gây ra. Việc làm cao cả ấy không bao giờ mất thời gian tính, vì có lời rằng điều gì cần cho thế kỷ 19 thì có lẽ không còn cần cho thế kỷ 20 , và lại càng lỗi thời trong thế kỷ 21. Không phải vậy, việc thể hiện phần thiêng liêng nơi con người không hể lỗi thời. Nó đã được nói từ trước thế kỷ 19 khi hội ra đời, và chắc chắn sẽ tiếp tục mãi mãi về sau, vì đó chính là nguyên do của sự tiến hóa, và là căn bản cho sự hiện hữu của thế giới hữu hình. Hãy để những ai thích mổ xẻ tâm lý, tìm tòi chuyện quá khứ v.v. theo đường của họ, còn thì hội viên cần trung thành với tôn chỉ thuở ban đầu của hội.
Chính cái số đông người thiếu hiểu biết về các luật căn bản mới cần hội hơn hết, mà không phải ai cũng có đủ khả năng trí tuệ biết tìm đường cho mình, và cũng do lời yêu cầu thầm lặng của khối đông mà hội được thành lập. Chân lý hội đưa ra nhằm giải đáp những thắc mắc tâm linh mà còn hơn thế nữa, chân lý chỉ đạt tới khi người ta phụng sự, hay nói khác đi, con người được giảng dạy chân lý khi họ nhân danh người khác đi tìm nó, và khi có được thì không giữ cho mình, mà truyền đạt cho người khác để họ cũng được sáng như mình.   
Thành ra, việc đi vào cõi tâm linh như một học giả bàng quan, phân tích, tìm tòi, nhằm thâu lượm hiểu biết, không phải là thái độ của người học MTTL. Sự hiểu biết phải nhằm làm con người bớt đau khổ, mang lại sự sáng, và người học MTTL không học riêng cho mình mà thôi. Tức có nhu cầu truyền bá MTTL.
Có những câu hỏi đặt ra, hay công trình nghiên cứu đồ sộ, lý thú về mặt trí tuệ, nhưng khi nhìn về mặt tinh thần thì không có giá trị bằng. Không phải ta coi thường những hiểu biết của trí năng, nhưng muốn các hiểu biết ấy thực sự giúp ta đi tìm chân lý, thì nó phải dẫn đến cái hiểu biết về sự sống rộng lớn hơn, tức là thấy vị trí của việc mình làm trong kế hoạch chung. Khi chỉ miệt mài chuyên chú về một nét của sự sống, mà không thấy mối liên hệ với những sự sống khác, thì đó là sự hiểu biết chưa toàn vẹn.
Muốn được trọn vẹn và có ý nghĩa, hiểu biết trí tuệ phải đi kèm với ý thức tâm linh, hay hiểu biết tinh thần và vật chất đi chung với nhau. Cái rõ ràng nhất là hội cần duy trì tính chất thần bí trong triết lý đưa ra, và một trong những nét thần bí đó là sự hiện hữu của các Chân Sư, việc các ngài thâu nhận đệ tử, cùng mối liên hệ hết sức đẹp đẽ giữa Chân Sư và đệ tử. Ai đã có diễm phúc thấy thoáng qua sự việc, hay may mắn hơn, nếm được hạnh phúc do mối liên hệ mang lại dù chỉ trong phút giây, sẽ không còn muốn điều gì khác. Nó là tất cả ước mơ của con người, là nguyện vọng cao cả nhất mà khi đạt tới, ta không có mong muốn nào khác ngoài việc cố gắng phụng sự nhiều hơn nữa. Vì bằng cách phụng sự mà con người đến gần Chân Sư, và niềm tin vào Chân Sư không thể bị mai một trong hội. Nếu không có nó, triết lý đưa ra chỉ là hiểu biết thú vị về mặt trí tuệ, giải đáp bí ẩn về sự sống, mà không dẫn dắt ta vào nội tâm là cái thế giới huyền diệu hơn bội phần.
Ngoài cái lý do phụng sự, việc quảng bá MTTL còn nhằm tránh một điều mà người ta dễ dàng lạc bước vào, ấy là biến các công trình tìm hiểu của mình thành việc sinh ra những trường phái tâm lý, chỉ hữu dụng cho một số người thay vì đi tìm và thể hiện chân lý. Đó là chuyện có thể xẩy ra, và phải hết sức tránh. MTTL không phải là cái thuộc sở hữu của một nhóm người được ưu đãi, mà nó thuộc về tất cả và phải được ứng dụng để mang lại sự tốt lành cho tất cả. Khi giới hạn nó vào một nhóm, tách rời không ứng dụng cho số đông, nó không còn là MTTL và con người lạc đường.
Tâm nguyện chính của người đi tìm chân lý là ‘Hằng lưu tâm đến sự tiến bộ và toàn thiện của nhân sinh’, mà không phải là sự giác ngộ, hiểu biết cho riêng mình. Nhân đây cũng nên chữa lại sơ sót khi dịch danh từ Phạn ngữ. Vị Prakteya Buddha thường được dịch là Độc Giác Phật, và sách giải thích ấy là linh hồn đi tìm sự giải thoát, giác ngộ cho cá nhân, do đó phạm lỗi ích kỷ về mặt tinh thần. Tôi nghệp cho các ngài, quả có sự ích kỷ về mặt tinh thần, nhưng vị Prakteya Buddha không vướng mắc điều ấy. Trên thực tế, các ngài tiến hóa ở mức cao hơn Phật Thích Ca, và là phụ tá cho đức Sanat Kumara.
– Hội sắp được 150 tuổi tính đến năm 2025. Tâm lý con người và hiện trạng thế giới cũng khác xa so với năm 1875 lúc lập hội, vậy công việc của hội trong thế kỷ 21 có gì thay đổi không ?
– Nhân dịp này mình nhìn lại ba mục đích của hội xem sao. Mục đích đầu tiên không được thành công như ý, nhưng hai mục đích sau đã mang lại một số kết quả. Riêng về mục đích thứ ba, nhiều người cho rằng các quyền năng ẩn tàng là thần thông như thông nhãn, thông nhĩ. Nghĩ như vậy sai lầm, hai khả năng đó là một phần của bí ẩn trong thiên nhiên, mà theo diễn trình tiến hóa sẽ từ từ được khai mở. Điều mà mục đích thứ ba nhằm tới là các quyền năng của con người tinh thần như thương yêu, quyết chí thực hiện điều lành. Thông nhãn, thông nhĩ và những khả năng tương tự chỉ là hệ quả, mà không phải là đích nhắm tới,vì khi phát triển các khả năng đó mà tâm chưa trong sạch, nó sẽ gây hại hơn là cho lợi, cản trở bước tiến của người.
Với tình thương, óc quyết tâm làm lành, dùng ý chí để tiến trên đường đạo, điều bất lợi cũng có nhưng sẽ tránh được rất nhiều, do động lực trong sạch vì con người luôn được che chở bằng cái tâm thanh khiết. Thế nên từ xưa đến nay, quyền năng chính đáng, xứng đáng được ước ao vẫn là quyền năng tinh thần, mong hiểu được người hơn là người hiểu mình, như thánh Francisco cầu xin, hay để thế giới không chú ý đến mình, như Ánh Sáng trên Đường Đạo ghi. Như vậy phải coi chừng kẻo lầm lẫn mục đích thứ ba.
Còn bước đường tương lai của hội trong thế kỷ 21, chắc sẽ có thay đổi cho phù hợp tình thế mới tuy sứ mạng thì vẫn vậy, là trình bầy chân lý. Nhưng phần trí tuệ mạnh mẽ của nhân loại làm ta phải để tâm hơn, thay vì phân tích tình cảm chiếu ưu thế như trong thế kỷ 20. Cảnh giới vô hình được nghiên cứu nhiều, và chuyện thú vị là người ta sẽ viết lại lịch sử, dựa vào các chi tiết do thông nhãn quan sát và mô tả.
– Mà tại sao có người sinh ra có thông nhãn và có người không ? Nói thiệt đôi lúc em cũng muốn có quyền năng chút chút, để chiêm ngưỡng thiên thần mà không ham dòm hào quang người khác, hay nhìn lại kiếp trước làm gì đâu.
– Mỗi người là một trường hợp riêng rẽ nên không có câu trả lời chung. Một số người có thông nhãn trong kiếp này là vì họ phát triển đến mức quân bình, có thể sử dụng khả năng ấy mà không sợ bị nguy hại như sinh lòng kiêu căng, với người khác như ông Hodson ấy là vì họ có phần việc cần thực hiện lúc này.
– Còn một điều em không biết phải ăn nói làm sao. Vài lần được hỏi Theosophia nghĩa là gì, em nghệt mặt ra năm phút, tịt mít, mà đó là em đã quen với hội từ hồi con nít, lớn lên trong hội, những buổi thiền, sinh hoạt ở chị bộ Thanh Niên là kỷ niệm đẹp nhất, nhưng sao em không trình bầy được cái khiến lòng phấn khởi, rung động, yêu mến. Cứu bồ đi Bo.
– Hỏi vậy khiến Bo nhớ tới bài thơ, hình như của Xuân Diệu:
Làm sao định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều,
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt,
Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu.
Chắc MTTL cũng giống như tình yêu, nó không phải là một định lý toán học có thể giải thích, chứng minh gọn gàng, hay một mẫu sinh vật có thể đem mổ xẻ, thí nghiệm với acid. Nó ảnh hưởng lên trọn con người và như vậy, muốn rõ nó người ta đem triết lý vào cuộc đời mình, sống với nó bằng trọn cả tâm hồn thì mới hiểu được. Ý tưởng phải kinh nghiệm mới biết giá trị của MTTL, được nói rất rõ trong những trang đầu của sách Dưới Chân Thầy; MTTL được ví như thức ăn, nói là thức ăn ngon thì không ích lợi  cho ai, mà ta phải đưa tay lấy và ăn mới biết giá trị của nó rõ ràng. Tuy vậy, ít nhất cưng có thể nói đó triết lý sống hữu ích và đẹp đẽ, làm cưng hiểu biết hơn về cuộc đời và chính mình, cho cưng sự an lạc, hạnh phúc trong tâm.
– Lúc bị hỏi bất ngờ em không nghĩ được rành mạch như vậy đâu, và chắc em cũng không nhớ hết lý luận ở trên. Tốt nhất là em cứ làm theo cách của mình cho tự nhiên, có nghĩa sẽ toét miệng cười, nói rằng MTTL rất hợp với em, làm em sung sướng. Lúc nẫy mình có nhắc phớt qua về bức thư của đức Mahachohan năm 1881, còn gọi là Hiến Chương của hội Theosophia, bây giờ nói thêm được không ? Em ngồi ngay ngắn rồi đây, hễ có người trình bầy thì em khỏi phải đọc sách, công đức vô lượng đó nghe Bo.
– Cưng làm như Bo là đĩa CD vậy, bỏ vô máy thì sẽ phát thanh liên tu bất tận. Phải để Bo thở nữa chứ, xong phải cho Bo ăn, trưa rồi, có thực mới vực được đạo, mọi chuyện khác tính sau.
………………..
PST 39

 

– Mấy đứa nhỏ mới nuôi con mèo, Bo à, đen thui, chỉ có bốn chân mang vớ trắng. Em gọi là con mèo Ji. Nó còn bé tí nên sợ con bọ - guinea pig muốn chết, run cầm cập, nhưng lại bẳng lòng sống chung hòa bình với con chó Bel. Nhìn hai con chơi với nhau thật vui, em có thể ngồi ngắm cả giờ không chán. Tụi nhỏ muốn hỏi bác Bo là thú vật chết rồi đi đâu, toàn hỏi những chuyện mẹ không biết đường trả lời.
– Con người có linh hồn riêng nên khi qua đời, họ theo diễn trình mà hành động đã vạch lúc sống, con vật chưa có linh hồn cá biệt như người, nên thay vì vào cõi Devachan - thiên đàng như người, thì nó sẽ trở vào hồn khóm, san sẻ kinh nghiệm của mình với những con vật khác trong đó, ngơi nghỉ chờ lần tái sinh kế. Mình cũng có thể gọi đó là Devachan của loài vật. Nhưng trước khi vào hồn khóm, con vật cũng phải trút bỏ thể tình cảm, tức nó sống một thời gian ở cõi trung giới y như người quá vãng ngụ nơi đó, và tuân theo đường lối chung, là sẽ bị lôi cuốn về những gì có ái lực với mình lúc còn sống.
Cho con người, nếu chưa tỉnh họ sẽ trở về khung cảnh cũ như quán rượu nếu ưa thích rượu, ngôi nhà xưa nếu còn nhiều lưu luyến. Nơi loài vật, bạn của Cyril Scott thấy con mèo đã chết của Scott chơi trong vườn nhà đức K.H., còn ông Hodson tả một con chó luẩn quẩn trong thể tình cảm của chủ. Nó ý thức mơ hồ là sắp phải rời chủ để vào hồn khóm, thể tình cảm của nó mờ dần, sức sống và tâm thức sắp rút lui, nên nó phản ứng theo bản năng là tìm cách duy trì tình trạng, ráng nép vào chủ nhiều hơn nữa, để nhờ sức sống của bà mà kéo dài sự sống nơi cõi tình cảm. Nhưng tới một lúc nào đó, con vật bắt buộc phải ra đi, trở về hồn khóm.
Các loài sinh hoạt theo luật chung nên trong lúc con người tái sinh, mang theo sự phát triển từ kiếp trước thì loài vật cũng mang theo kinh nghiệm đã có. Vì loài vật được mang đến ở với người, con người có bổn phận giúp chúng phát triển trí năng, tình cảm, để con vật cá nhân hóa mau lẹ. Nhìn về phương diện ấy, có nhận xét là vài điều con người đang làm cho loài vật gây ra tại hại lớn lao cho chúng. Chẳng hạn tập cho chó dữ dằn, làm nẩy nở tính xảo quyệt nơi chó săn, luyện ngựa hãnh diện đua, kheo mèo bắt chuột giỏi. Những việc đó hoàn toàn sau lầm, vì thú vật được mang đến cho người là để làm thuần tính rừng, và phát triển tâm tính cao thế chỗ cho bản năng thấp. Mỗi hành động của người, khi chỉ dùng cái trí xảo của thú để thỏa ham muốn của mình, đã gây tổn hại nặng nề cho sự tiến hóa của sức sống trong loài vật. Con người cần học rằng trí tuệ siêu việt và khả năng làm chủ các lực thiên nhiên, cho họ uy thế là điều khiển được loài vật, nhưng đặc ân ấy phải được dùng nhằm làm lợi cho thú vật mà không phải cho loài người.
– Như vậy thì việc thí nghiệm trên thú vật, mổ xẻ sinh vật - vivisetion để tìm thuốc hay cách chữa bệnh nơi người, là chuyện đương nhiên phải tránh hay sao ?
– Phòng thí nghiệm biện luận rằng nhờ gây bệnh, nghiên cứu nơi loài vật, mà sự sống của em bé mắc chứng hiểm nghèo được kéo dài, em không còn đau đớn nữa. Nhưng thiên thần là những vị có liên hệ sâu đậm với thú vật có quan niệm khác hẳn. Các ngài ý thức bén nhậy rằng sự sống là một, bất khả phân chia, nói rằng làm tổn thượng một sự sống (thú vật) để sự sống khác (con người) được an lành thì không đúng luật. Cái gì làm hại cho một thành phần của sự sống chung, sẽ gây ra ảnh hưởng liên đới cho toàn sự sống. Lại nữa, làm sao con người có thể chủ trương, và tin tưởng rằng họ tránh được khổ não xảy đến cho người dưới dạng bệnh tật (do luật nhân quả công bình mang lại), bằng cách gây đau đớn cho loài khác ? Thiên thần gọi đó là mê tín dị đoan lớn lao cần chữa lại.
Mà thật sự mình tránh được chăng ? Có hiểu biết ghi nạn đói và nạn dịch bắt nguồn từ lòng độc ác của loài người. MTTL không phải chỉ là kiến thức lý thú về 7 cung, luân hồi, nhân quả, mà nó còn là triết lý sống rất đơn giản. Nó dạy rằng một trong các bổn phận lớn lao ở đời, là tránh không trở thành nguồn gây đau khổ cho người và vật.
– Em phân vân, trong thực tế có bệnh thì vái tứ phương. Nếu lâm bệnh chắc ai cũng tìm mọi cách để mau khỏi, và mạnh rồi thì mới có thể nhàn hạ bàn chuyện triết lý như vầy.
– Có hai cách nhìn, nhìn về thể chất là cái nhìn giới hạn và ngắn hạn, nhìn về tâm linh thì rộng lớn và lâu dài, và cũng thường chính xác hơn, ví nó dựa trên các nguyên lý tinh thần và bất biến, thí dụ như tình thương bao trùm mọi sự sống. Cái nhìn theo hình thể dùng lý trí có tính chia rẽ nên kết cục gây đau khổ, vì không ai sống tách biệt với những sự sống khác. Thêm vào đó, ở thời điểm này có nhiều khoa bổ túc cho y học phương tây như châm cứu, homeopathy v.v.. Sách tiên đoán là thảo mộc nắm chìa khóa của việc trị bệnh nơi người, tức hướng đúng sẽ là nghiên cứu thêm về đặc tính, dược tính của cây cỏ, hơn là bắt loài vật phải chịu đau đớn cho ta lành bệnh.
– Rồi nói là con người có thể đầu thai làm con vật, nếu sống quá tệ trong đời vừa qua thì có đúng không Bo ?
– Nhiếu người tin vậy, nhưng luật tái sinh nằm trong luật tiến hóa, là một phần của cái sau, thế nên cho rằng con người có thể tái sinh làm con vật là không đúng. Khi tới mức độ người, linh hồn đã vượt qua một chặng đường tách biệt hẳn với loài vật, không cần trở lại để thu thập kinh nghiệm đã biết. Tuy nhiên dựa vào cái nhân là tâm tưởng hằng ngày, mà thần thức con người có thể tạm thời bị lôi cuốn vào con vật, vướng bận ở đó một thời gian.
Chuyện kể hai vị tăng là bạn thiết với nhau. Nghe tin bạn qua đời, vị còn lại đến viếng, ông dùng phép thần thông kiếm hết mấy tầng trời mà không gặp, ông quay sang những tầng địa ngục cũng chẳng thấy tăm hơi. Ngạc nhiên, ông suy nghĩ hồi lâu rồi cho gọi đệ tử hòi, ‘Bình sinh thầy con có ưa thích điều gì lắm không ?’ ‘Dạ có, thầy con rất ưa mật mía.’ Vị tăng quan sát và quả nhiên trong đám mía sau chùa, ông thấy thần thức của bạn đã nhập vào con sâu đang thưởng thức chất đường trong ruột mía.
Tính cách xác thực của chuyện không quan trọng lắm, mình chỉ nên coi đó là gợi ý về cơ chế tái sinh. Bây giờ giờ phối hợp với luật nhân quả và nói về lúc thiên thần tạo hình, nguyên tử các thể sẽ trở lại với con người mỗi lần có thân xác mới không sai chạy, có nghĩa cưng không thể nhận được chất liệu khác với mức rung động của mình, hoặc cao - thấp hơn hoặc tốt hay xấu hơn, đó là lý do cưng không thể tái sinh thành khỉ đỏ đít cầm tinh của mình, hay làm cây thông đứng giữa trời mà reo như Nguyễn Công Trứ ước ao. Bởi mức rung động của nguyên tử trong cơ thể loài vật khác mức ở người, cho dù đó là người thấp kém thế mấy.
Nói thêm ra, việc ghép cơ quan loài vật cho người, chích trích tinh - extract mô thú vật cho người được xem là thượng sách lúc này, nhưng mai sau nhìn lại ta sẽ ghê sợ, như ngày nay nhìn lại cách chữa bệnh thời trung cổ. Mỗi thời đại hành xử theo mức hiểu biết cao nhất của thời đó, nhưng phải sẵn sàng từ bỏ và nhìn ra hiểu biết mới khi nó được trình bầy. Từ ý này mình bắt qua được ước muốn kiểm soát hoạt động của thân thể, thí dụ làm tim ngưng đập, hay ngưng thở một thời gian. Con người có khả năng điều khiển những cơ quan ấy vào thời xa xưa, nhưng theo đà tiến hóa, cơ thể phát triển đến mức các sinh hoạt trên trở thành tự động, ta không cần lưu ý đến chúng nữa; nay tìm cách kiểm soát là thoái hóa, đi ngược lại đường phát triển và là chuyện không nên làm.
–  Mình nói được gì về những biến động trên thế giới gần đây hở Bo ? Làm như không có bình an thực sự. Khi Nam Phi giải quyết xong vấn đề gai góc là kỳ thị chủng tộc, Palestine và Do Thái ký thỏa uớc, thì lại có chiến tranh ở Bosnia, Chechnia, em không biết nghĩ sao.
– Ông Hodson chắc cũng thắc mắc giống vậy. Một hôm ông hỏi chân sư M. về những gì xẩy ra cho Cambodia và Iran, ngài chỉ trả lời vắn tắt rằng đó là nhân quả của quốc gia mà giờ nó phải trang trải, và các chân sư cũng phải tuân theo luật. Chẳng phải đó chỉ là karma áp dụng cho một nước, mà nhìn sâu hơn thì việc còn là nhân quả nhóm. Trong quá khứ con người đã sinh ra nhiều nhân quả kinh khiếp với tư cách nhóm, và ngày nay họ quân bằng cũng theo hình thức nhóm. Điều mình có thể làm là trợ giúp bằng hành động, và gửi tư tưởng thương yêu cho những ai bị ảnh hưởng ở các nơi trên. Bài học khó khăn thực, nhưng có luật là không kinh nghiệm nào mà không phải trả giá, no free lunch ! trong đời sống hằng ngày cũng như chuyện tâm linh, và con người tiến bước bằng cách học từ hậu quả những lỗi lầm của mình. Thật tội nghiệp cho con người, vì bài học thường đắng cay.
Nhưng hãy nhìn vượt qua hiện tại vào tương lai, thấy không những đau khổ mà cả minh triết, bài học rút được từ đau khổ đó. Tức là tập nhìn như các ngài, nhận ra giá trị của thử thách và tính chất giáo dục của karma, cho con người thật, thay vì chú tâm vào thiệt hại trong kiếp này cho ba thể. Bởi có viễn kiến là điều quan trọng, không có viễn kiến nhân loại sẽ tàn lụi đi, bằng ngược lại cho dù chìm đắm trong khó khăn, người biết nhìn xa vẫn thấy được chuyện sẽ tới theo luật, để hành xử và hướng dẫn đồng loại mình. Những câu chuyện về người trong trại cải tạo cho thấy nhiều gương phụng sự như thế.
– Sách vở nói nhiều về vai trò của tôn giáo trong tân kỷ nguyên, vậy chính trị có phần việc chi bên cạnh không ? Cuộc sống mà toàn chuyện đạo đức thì ít vui Bo ơi, phải có mấy chính khách hứa ẩu, miệng dẻo quẹo mới lý thú.
– Có lẽ cũng nên nói một chút về việc ấy. Chính trị hay bị ngộ nhận mà cũng như mọi việc, khi hiểu biết thì ta có thể sử dụng các nguyên lý tinh thần để trợ giúp sự tiến hóa. Vài nét tiêu biểu cho chính trị tinh thần là:
● Nhấn mạnh tự do ý chí của con người.
● Hướng về lợi ích chung. Hiểu biết về nhóm là đặc tính của người giác ngộ, tâm thức không còn nhìn sự việc một cách ích kỷ mà nhìn theo quan điểm nhóm, hòa mình vào đại thể, khởi xướng chính sách, biện pháp, sinh hoạt nào mang lại ích lợi nhiều nhất cho khối đông người nhát.
Ở cấp chính quyền các nước, đó là tạo sự thông cảm giữa các quốc gia với nhau, nhìn nhận có tương quan kinh tế giữa các nước, và khối được lập không phải để cạnh tranh kinh tế hay kình chống về mặt ý thức hệ, mà chỉ vì đó là sự tụ hội hợp lý về mặt văn hóa, địa lý, và nhằm hỗ tương kinh tế. Chính trị bảo đảm sự tự do cá nhân, đặt ra luật lệ cho phép con người phát triển trọn vẹn đặc tính của mình, và những điều trên cũng áp dụng cho quốc gia, cho phép nó đi theo chiều hướng thích hợp với nét riêng của dân tộc.
Thành ra, chính trị hay cung 1 không nên được hiểu theo nghĩa chung là quyền hành, có kẻ trị vì và người cai trị, mà theo quan điểm mới, đó là mối tương giao đúng đắn giữa con người với nhau - right human relationship. Những người làm việc theo cung 1 sẽ có nỗ lực để tạo nên thay đổi tâm thức về chính trị, khiến các quốc gia cùng chấp nhận một số giá trị căn bản. Mà cung 1 không làm việc đơn độc trong chuyện này, nó sẽ hợp tác với cung 2 Người thuộc cung sau đảm nhiệm việc giáo dục quần chúng, để họ nhận ra các giá trị chân thực hơn. Khi khối đông được chỉ dạy với các hiểu biết ấy, họ ý thức trách nhiệm của mình và sẽ bầu những ai mà viễn kiến hợp với đạo lý mới, với quan niệm mới về tương giao giữa người với nhau, và dùng tính bình đẳng nơi người làm căn bản chính trị cho mình, bỉnh đẳng do thiên tính có trong tất cả nhân loại.
Sinh hoạt khác của cung 1 là làm luật. Các ý thức trên được diễn dịch cụ thể bằng chữ, sao cho sức mạnh minh triết của tầm nhìn, của kế hoạch trở nên hữu hiệu, sửa chữa lại nét ích kỷ trong nhiều bộ luật. Điều mà người làm chính trị phải đương đầu là tích ích kỷ biểu lộ ở nhiều cấp: cá nhân, nhóm, quốc gia. Đường lối chính trị sẽ ngày càng dựa trên lợi ích cho toàn nhân loại, thay vì chỉ cho riêng một nước, biểu lộ không phải bằng lời đạo đức mà bằng luật, tổ chức quốc tế. Thí dụ là việc tầng ozone bị thủng, đã khiến các nước đi dần tới sự bãi bỏ việc dùng hóa chất gây hại. Sự việc được nhìn ở cấp độ thế giới, toàn cầu. Điểm trớ trêu là chỉ nhờ đau khổ sau hai thế chiến mà con người mới hóa bén nhậy, thông cảm với nhau hơn, đủ để chấp nhận một trật tự mới và theo cách đó, cung 1 góp phần vào việc xây dựng nền văn minh mới.
Tiến bộ trong các phương tiện truyền thông cũng được cung 1 sử dụng cho mục đích của mình, người cung 1 nhân đó chú trọng vào việc mang lại hiểu biết giữa các quốc gia, giúp cho con người hiểu thêm về đồng loại của mình, và khi có số đông người ý thức như vậy, sẽ có sự đồng lòng rộng rãi trong những việc thay đổi biện pháp, chính sách.
– Em nhìn chuyện qua mấy đứa nhỏ, cả ba dùng computer thiệt rành, hồi đó cu Bi chưa biết đọc mà bấm nút lia lịa, rồi có nhu liệu mới thì Trâm, Thư biết ngay, em phải kêu tụi nó chỉ lại em. Có lẽ những hệ thống như internet làm cho người khắp nơi cảm thấy gần nhau hơn, và dễ san sẻ cái nhìn của mình, hóa thông cảm hơn. Mà em cũng sợ, là trẻ có thể bắt những mục không hay, hiện giờ chưa có cách loại trừ cái tốt và cái xấu trong internet, nên nó y như con dao hai lưỡi.
Viễn kiến của em nhỏ thôi, là chuẩn bị ba quí tử cho vận hội mới, để bố mẹ con cái cùng bước vào thế kỷ 21. Đó là thế kỷ của tụi nhỏ mà đâu có nghĩa em sẽ ra rìa, lúc này em dùng Chrome băng băng, không thua một quái tử nào, giỏi hơn cả thằng cu Bi.

..............................................