1001 CHUYỆN
BÀI 3
PST 37
Xem Mục 1001 Chuyện
– Nhiều khi nghĩ lẩn thẩn, em muốn biết Chân Sư có nói gì về ngừa thai không hở Bo ?
– Kể ra dài lắm.
– Được mà, nói nghe đi Bo, em chắc nhiều người cũng muốn biết về ấy, nào là phe pro-choice, rồi phe pro-life cãi nhau um sùm, biểu tình rầm rộ. Ai đúng vậy ?
– Chắc không có câu trả lời đâu cưng, đúng hay sai là tùy hoàn cảnh, trình độ và cái nhìn của người liên hệ. Muốn tìm hiểu chuyện thì mình không đi ngay vào vấn đề được, mà phải đi từ xa tới gần. Từ xa có nghĩa khi bàn chuyện tinh thần, nguyên tắc là theo cách viết chữ Hán, đi từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Vậy thì với con người ở giai đoạn này, việc trau luyện đúng đắn sẽ khởi sự ở thể tình cảm, vì đó là thể linh hoạt nhất, phát triển nhiều hơn hết, được sử dụng khéo léo nhất nơi đại đa số người, kế đó là thể trí. Tức việc kiểm soát tình cảm, động lực, hậu ý hay mục tiêu của tư tưởng, hành động cần bắt đầu trước, rồi sau đó mới đến thể xác như kỷ luật, phép dinh dưỡng.
Chuyện tức cười và đáng thương là con người hay đi sai, khởi sự từ ngoài vào trong trước, tức họ lo cho thân xác như thay đổi thức ăn, y phục, khép nó vào kỷ luật khắt khe, và coi trọng mấy chuyện này hơn nhu cầu phải làm đẹp tâm và trì.
Sau đó nói tới chuyện gần, nhu cầu sinh sản, truyền giống là một nét chung giữa người và vật, cái đó không khó hiểu bởi con người có một phần thú tính trong bản chất của mình, nhưng khác với loài vật sinh sản theo mùa, con người không kềm chế khả năng ấy mà buông thả. Đó là mặt vật chất, qua mặt tâm linh, sự việc hóa trầm trọng hơn vì con người có trí tuệ vượt xa loài vật, có óc tưởng tượng, biết thêm thắt, tô điểm làm chuyện cột chặt họ hơn, bị giữ lâu hơn trong ảo ảnh.
Chủ trương ngừa thai mắc cùng sai sót như việc thay đổi thức ăn, chuyển từ thịt sang rau trái với mong ước đạt tới sự đẹp đẽ tinh thần. Nó đi từ ngoài vào trong, áp đặt điều kiện từ bên ngoài lên thể xác, thay vì đường lối đúng là từ trong ra, tức con người điều hòa và làm chủ việc truyền giống, mà không để nó làm chủ mình như hiện nay. Chính sự đòi hỏi không kiểm soát mới là vấn dề, các phương pháp ngừa thai bỏ qua không động tới gốc rễ, hay làm giảm sức mạnh của chuyện, là sự phát triển bất bình thường của bản năng tính dục trong con người. Bản năng ấy mạnh hơn và thường trực hơn là nơi loài vật, vì như đã nói, tư tưởng dục tình, ham muốn và óc tưởng tượng đã làm cho có sự đòi hỏi liên tục, vượt quá mức thiên nhiên.
Nhưng người ta có thể huấn luyện, tinh lọc đam mê tình dục và biến nó thành tình cảm nơi người, thay cho cuồng si hay bản năng nơi loài vật, rồi dùng nó cho sự tiến hóa của loài người, như là một yếu tố cho sự tăng trưởng của nhân loại. Nhìn theo quan điểm ấy, việc ngừa thai chỉ mới là nửa đường, cái đích nhắm tới là người nam và người nữ làm chủ trọn vẹn bản năng này, chuyển hóa nó từ đam mê thành tình yêu dịu dàng, xả kỷ. Cái mà thời đại này đang chứng kiến là thuyết vật chất tàn bạo, hạ phẩm giá con người, dẫn dắt khối đông vào việc hưởng thụ không kềm chế phần vật chất.
– Con bé Thư sinh ra bị sứt môi Bo nhớ không. Lúc đó em hơi buồn, vì con trai xí giai cũng vẫn lấy vợ được, con gái khó hơn, mà con nhỏ cũng ngộ, nó tỉnh bơ hà. Đi học bạn bè chỉ miệng hỏi nó đáp ngon lành, ‘The doctor sewed my lip !’ Thấy nó thản nhiên như vậy em cũng dỡ rầu, và tạ ơn Trời đã cho nó tâm tính như thế. Bác sĩ nói từ giờ tới khi nó lớn còn phải sửa môi vài lần nữa, xong xuôi thì mới đẹp gái. Nghĩ thấy tội cho nó. Có con nhỏ thì vui buồn, lo mừng, đứng tim đủ hết, khỏi cần xem phim James Bond 007. Một hôm con Thư lấy kéo của mẹ tự cắt tóc trước trán, mà con mắt lại ngay mũi kéo. Hồn vía em lên mây, sẵn cây chổi lông gà mới mua em phết cho nó mấy cái, giờ con Thư với cu Bi sợ cây chổi lắm. Nhìn lại lần nào em củng được vuông tròn xuôi thuận. Sẩy thai có lý do bên trong không ? Có những trường hợp tự nhiên bị mà không có nguyên nhân nào.
– Như vậy phải nói tới karma. Mặt khác, thường sự sống rất uyển chuyển nên có lúc cũng không do karma, mà do các nguyên nhân nằm ngoài dự liệu của linh hồn muốn tái sinh. Có linh hồn đã chọn được gia đình vừa ý, nhưng giữa chừng ba mẹ tương lai bỗng sinh bất hòa sâu đậm, linh hồn bèn … lạnh cẳng, không muốn sinh ra và lớn lên trong môi trường bất lợi đó nên rút lui, và người mẹ sẩy thai.
– Còn hiếm muộn là tại sao ?
– Mỗi trường hợp đều riêng rẽ nên không nói được. Có trường hợp cặp vợ chồng hiếm muộn đã lâu rồi bỗng dưng sinh con, việc được giải thích là trong khoảng thời gian trước, không linh hồn nào có duyên với hoàn cảnh của hai người, về sau mới có linh hồn thích hợp. Hôm qua con Trâm đòi mua chuyện của James Herriot phải không ?
– Ừa, nó nổi hứng muốn đọc hết những chuyện loài vật của ông bác sĩ thú y đó, giờ đang chúi mũi vào sách ngoài vườn. Mà ông Herriot thì sao ?
– Có chuyện ông viết lý thú lắm, ông bảo người Scot tin rằng đàn ông cũng ốm nghén như vợ, bần thần dã dượi khi vợ có mang. Ông không để ý nhưng khi vợ mang thai, quả nhiên ông thấy mình cũng mệt mỏi, biếng ăn. Lý do là khi Chân nhân tạo thể sinh lực (thể phách) cho thai nhi, nó sẽ tìm vật liệu thích hợp trong môi trường bên ngoài, khi gặp sẽ đem vào cho các thiên thần (bà mụ) dùng để tạo thể. Như vậy nếu thể sinh lực người cha có chất liệu nó cần, Chân nhân sẽ trưng dụng (và bằng cách ấy có sự di truyền, thai nhi mang lấy một số tính chất của cha), và nếu người cha có đủ hay dư thừa sinh lực, việc lấy bớt không gây ảnh hưởng bất lợi, nhưng nếu không được vậy, người cha bị mất chất liệu sẽ giảm sức khỏe, sinh ra khó ở như người mẹ lúc mang thai.
– Sẵn đang nói chuyện các bà bầu, còn điều gì hay nữa kể luôn đi Bo.
– Có thể nói về chuyện tạo hình. Với thể sinh lực là cái khuôn cho thể xác, có linh hồn tiến hóa mà chưa đủ hiểu biết để tạo thể sinh lực tốt đẹp, chưa biết sử dụng, uốn nắn vật chất ether một cách thành thạo, đã nặn ra một thể xác yếu, về sau ngăn trở đáng kể trong sinh hoạt hằng ngày và đời sống dưới trần. Có linh hồn khởi sự tạo thể rồi nhận ra mình làm không được, đã bỏ dở nửa chừng khiến sẩy thai. Chắc cưng thắc mắc là tại sao đã có bà mụ tạo hình, Chân nhân còn dự vào làm chi ? Lý do là linh hồn càng tiến hóa thì càng được nhiều tự do trong việc tạo hình, và lựa chọn hoàn cảnh tái sinh. Cũng có khi linh hồn trong nhiều kiếp trước là nam nhân, sẽ thấy khó khăn trong việc tạo thể xác nữ kỳ tái sinh này, và ngược lại, do đặc tính âm dương khác nhau. Kết quả là ta có người nữ với nét mặt và tâm tình nhiều nam tính, hay đổi lại.
– Rồi những trường hợp trẻ chết non, hay phá thai, linh hồn đi đâu ? Có sách nói rằng linh hồn đứa trẻ quanh quẩn bên bà mẹ, than khóc là đã mất dịp đầu thai, nghe dễ sợ mà có thật không Bo ? Hay là chuyện kể trẻ chết non sẽ tiếp tục lớn ở cõi bên kia, khi qua đời bà mẹ sẽ gặp lại con mình đã khôn lớn. Em nửa tin nửa ngờ, vì sống là để kinh nghiệm, nay linh hồn không có cơ hội tái sinh cõi trần thì phải tìm cơ hội khác, nó vẩn vơ ở cõi tâm linh mất thì giờ phải không ?
– Có thể nhìn theo cách ấy, bây giờ thử nhìn việc theo chu trình sống xem sao. Trong lúc sống, con người dùng năng lực tạo nên một số động lực rồi hành vi, khi qua đời, tùy theo tính chất các động lực ấy mà họ ngơi nghỉ ở cõi cao (thiên đường nếu đó là tính thiện), hay phải trải qua một thời gian ở cõi nặng nề hơn, tương ứng với động lực thấp kém. Khi năng lực tiêu tan rồi mất hẳn, con người sẽ trở lại cõi trần, vậy thì diễn biến hợp lý của linh hồn chết khi quá nhỏ hay chưa có dịp ra chào đời là như sau:
Điểm thứ nhất, trong cả hai trường hợp, linh hồn chưa sinh ra một động lực gì, vì chưa sử dụng trí hay tình cảm, chưa tạo nhân tốt lẫn nhân xấu, thì kết cục là không có quả tương ứng, vậy linh hồn không thể vào cõi thiên đường hay rơi vào cõi thấp, vì không có gì thu hút nó vào hai nơi ấy và nó phải tái sinh ngay.
– Nói khác đi, không nơi nào chứa chấp linh hồn, nó thành vô gia cư !
– Gần gần giống vậy, linh hồn sẽ tìm cơ hội để trở lại tức thì, nó không ứng hợp với cõi cao hay cõi thấp để ở lại một trong hai chỗ.
Điểm thứ hai, linh hồn toàn tri, toàn năng, toàn thiện, mục đích của nó là tiến hóa, nó thấy rõ nguyên nhân và kết quả, do đó không lẩn quẩn quanh bà mẹ để khóc than như chuyện kể, bởi nó biết việc tìm một thân xác mới để tái sinh theo luật luân hồi là việc khá dễ dàng. Kế đó, linh hồn hiểu biết luật tiến hóa nên không mất thì giờ tiếc nuối việc đã qua, cơ hội đã bỏ lỡ. Cái nhìn của con người thật khác với con người ở cõi trần, nó thấy rõ quá khứ, nhìn suốt tương lai, và hằng sống trong hiện tại vĩnh cửu. Việc mất cơ hội tái sinh mà người đời coi là hệ trọng, đối với nó không phải là thảm họa; linh hồn bất diệt nên việc chậm trễ một lúc không mang nghĩa trầm trọng như ta tưởng. Với lại con người coi đó là chuyện kinh khủng do thói quen đặt nặng giá trị lên hình hài, sắc tướng, khi hình hài mất đi, người ta cho đó là lớn lao, nên mới có phản ứng mạnh mẽ nhưng không đúng chỗ như vậy.
Việc linh hồn trở lại ngay, cho thấy nó không tiếp tục lớn ở cõi tâm linh khi chết non trong đa số trường hợp, mà cũng có biệt lệ. Ý tưởng đó nẩy sinh chỉ vì con người có nhiều óc tưởng tượng, chưa rõ cách sự sống vận hành.
– Còn chuyện linh hồn chưa giác ngộ, tiếp tục bấu víu cõi trần thì giải thích ra sao, và mình nên xem chuyện phá thai như thế nào ?
– Nói về ngoại lệ của cái chết trước, cưng phân biệt giữa linh hồn và hình tư tưởng, cùng các thể thanh của con người. Linh hồn sáng suốt và có con đường riêng của nó, mà đồng thời trong lúc sống con người cũng tạo hình tư tưởng, thói quen, tâm tính. Khi qua đời, linh hồn tách khỏi các thể này đi theo đường của mình, còn các thể cũng có đường riêng của chúng. Theo thói quen chúng lập lại các sinh hoạt, cách suy nghĩ khi còn sống, vì chúng vẫn còn một phần tri thức riêng, và do đó hành xử như khi còn ở cõi trần, Niềm tin người chết còn tiếc nuối sự sống cõi trần, là do ta lẫn lộn hình tư tưởng và các thể với con người thật. Sự việc giống như khi ở Việt Nam cưng nghĩ về nước Mỹ theo quan niệm và sự hiểu biết khi ấy, nhưng qua Mỹ rồi cưng thấy sự việc khác hẳn, và cưng suy nghĩ giống người bản xứ. Cái khó là làm sao cho người ở VN hiểu đời sống Mỹ, cũng như bây giờ ở đã lâu, cái nhìn người cưng không giống như khi còn ở VN ngày xưa. Tương tự vậy, cái mà con người dưới trần nghĩ về đời sống ở cõi thanh, sẽ rất khác biệt với cái thực sự xẩy ra ở đó.
Về chuyện phá thai, sự việc khá phức tạp bởi có nhiều yếu tố can dự, nếu muốn cưng có thể xem thêm trong HPN Collected Writings vol V, p. 108. Các trường hợp không giống nhau và thường khi mình không hiểu rõ nguyên ủy đưa tới quyết định ấy, nên tốt hơn hết là khoan phán xét để tránh việc phê bình lầm. Đường lối làm việc của karma rất tinh tế, vi diệu con người thường không thấy hết, hơn nữa đó lại là chuyện hết sức riêng tư, nên có lẽ để người trong cuộc tự chọn giải pháp thích hợp nhất cho họ, sau khi đã tìm hiểu rõ hậu quả về cả tinh thần và thể chất của việc làm, bởi theo luật, điều gì làm hoặc cho người khác hoặc cho chính mình sẽ phản hồi không sai chạy, và việc lạm dụng thân xác không nằm ngoài luật ấy. Nói chung thì không nên phá thai, chẳng những nó tạo bất lợi cho karma người mẹ về sau vì làm xáo trộn kế hoạch, mà cũng gây hoàn cảnh không thuận tiện khi bà qua đời sang cõi tình cảm, bà sẽ phải ở đây lâu hơn bình thường, giống như người tự tử phải chờ ở đó cho hết quãng đời đáng lẽ họ phải sống ở cõi trần.
Trong đa số trường hợp, phá thai gây não lòng cho người trong cuộc nên cần nhìn sự việc với lòng trắc ẩn, hơn là khe khắt lên án, lòng nhân dễ có khi ta nhớ rằng việc giải quyết nhân quả tốt đẹp thường đòi hỏi cố gắng, và hy sinh cao độ, trong khi ít người làm được vậy và chuyện không hoàn toàn xong. Việc không nên phá thai tương tự như việc không nên giết người. Ta tránh sát nhân không phải vì nó giết chết thể xác con người - bởi linh hồn dễ dàng tái sinh, lấy một thân xác mới - mà vì nó làm mất cơ hội, làm đảo lộn dự tính Chân nhân muốn làm trong kiếp sống này.
Cưng thấy rõ là trong mọi trường hợp, hoặc ăn rau trái như đã nói hoặc chuyện thai nghén, giết người, cái nhìn đúng đắn luôn trụ vào phần tinh thần, mà không vào thể xác.
– Nhiều khi em thấy mình may mắn vô cùng khi được biết Minh Triết Thiêng Liêng MTTL Những hiểu biết này đẹp đẽ quá, em muốn nói cho mọi người cùng rõ mà sao ngượng miệng, Bo à. Em sợ bị cười, vì tin vào những điều mà thế giới nghi ngờ, chẳng hạn các Chân Sư, vả lại em cũng không biết cách thuyết phục, ngay cả với Kim, nghe nói mà cười hóm hỉnh làm em xệ. Rốt cuộc em chỉ dạy được con. Phải chi em có tài trình bầy, giống như biết có vườn hồng hương thơm ngào ngạt, gợi được người khác để chia sẻ sự đẹp đẽ ấy thì hay biết bao. Nhớ có lần đọc sách thấy chuyện một bác thợ may ở Brazil được hỏi về MTTL, bác đặt tay lên ngực và nói, ‘Đó là những gì đẹp đẽ nhất trong tim tôi’. Em cũng cảm thấy vậy.
– Ấy là cơ hội dùng tính phân biện, bởi mỗi việc đều có ngày giờ của nó, tức mình cần biết khi nào nên nói, khi nào giữ im lặng. Có lúc lòng nhiệt thành khiến cưng muốn nói chuyện mà cưng cho là tuyệt diệu, nhưng chưa chắc người khác nghĩ giống vậy hay muốn nghe. Nên nguyên tắc chung là chỉ trình bầy MTTL khi có người hỏi và muốn biết. Mà không cần phải nói ra mới là quảng bá MTTL, cái phương pháp hữu hiệu nhất để phổ biến là làm nó thành lực sống động trong đời, dùng đời sống mình biểu lộ các nguyên lý của Theosophia như tình huynh đệ, lòng từ, minh triết, phụng sự.
Điều đó ai làm cũng được mà không cần có tài hùng biện hay phải diễn thuyết. Ý của cưng còn được nói tới trong một luật ít được nhắc nhở, là trên đường đạo, ai muốn thành đạt phải mang theo một người khác cùng tới đích như mình. Người Nhật diễn tả ý này bằng câu ‘Ai chở người qua bở bên kia thì chính mình tới được bờ ấy’.
– Em phải đem tới bốn người lận, Kim và ba đứa nhỏ. Theo em hiểu, luật muốn nói người ta không thể giữ sự sáng, sự hiểu biết cho riêng mình mà phải truyền ra, phải không ?
– Đó là một ý, hay cũng có thể nói là muốn tới bờ bên kia thì phải quên mình, mặt khác lòng ao ước trình bầy MTTL còn một ý khác nữa rất lý thú. Cưng biết luật hấp dẫn chứ gì, nó nói rằng mọi vật đều bị sức trọng trường của địa cầu thu hút nên theo lẽ tự nhiên, nước sẽ tuôn từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Cái con người ít lưu tâm là không phải luật chỉ quản trị cõi trần mà luôn cả mọi cảnh giới; khi năng lực, hiểu biết từ trên cao luôn sẵn sàng tuôn xuống dưới do trọng trường khi có ngõ khai thông tức có người biết cách tạo cho mình thành đường kinh, để qua đó những tính chất đẹp đẽ của sự sống được biểu lộ.
Nói rộng hơn, khi cưng gây một khoảng trống bằng cách cho ra cái mình có, khoảng trống ấy sẽ được lấp đầy bằng nhiều điều khác tuôn từ trên cao xuống. Thành ra khi có dịp hãy rộng rãi tuôn tràn tình thương, sự sáng và cả tài chính. Nguyên tắc bí truyền là Cho ra → Hỏi xin → Đầy trở lại. Nó cho thấy là sự sống tiến theo một chương trình rõ rệt, có những luật chi phối mà không phải diễn ra hỗn loạn hay may rủi.
Bây giờ quay trở lại cái ý mình đề cập ban đầu, là mọi công trình, sự tu tập muốn vững bền, có hiệu quả dài lâu, phải phát xuất tự trong lòng ra ngoài, mà không phải từ ngoài vào trong. Vào lúc này hay lúc kia, cưng sẽ khám phá là trọn câu chuyện xẩy ra bên trong nội tâm mình. Đường đạo nằm ngay trong con người, con đường của người đệ tử ở trong lòng chúng ta. Cái khả năng thành công, những trở ngại và cả karma đều tìm thấy nơi tâm của mình, vì ảnh hưởng của karma được ấn định bằng phản ứng của ta đối với karma. Ngoại cảnh chỉ là sự biểu lộ điều chi có bên trong con người. Mọi thành quả đều nằm trong lòng, mọi cuộc chiến đấu gắt gao, chiến thắng hay thất bại đều xẩy ra bên trong tâm thức.
Đời sống bên ngoài chỉ là phản ảnh của điều kiện và kinh nghiệm nội tâm. Vì vậy, nỗ lực chính yếu phải luôn luôn hướng vào bên trong, tinh lọc và làm hoàn thiện cá tính, trau luyện trọn bản thân, và trên hết thẩy, phát triển khả năng, minh triết, từ ái và trí tuệ.
– Nhiều quá Bo ơi, đối với em cái gì cũng phải từ từ, có con rồi thì cuộc đời không còn riêng cho mình nữa mà phải đặt tụi nó lên ưu tiên một. À, hay là Bo đi trước, lên tới Niết Bàn thì bảo lãnh em theo diện thân nhân, đoàn tụ gia đình. Tốt hơn hết Bo mang em theo cho gọn, thực hành điều Bo vừa nói í mà. Nếu điều kiện bảo lãnh khó quá thì còn một cách nữa, là Bo vào Niết Bàn rồi thì đừng đóng mà để he hé cửa, cho em lên đẩy nhẹ là cửa mở, đoàn tụ với Bo !
………………………….