1001 CHUYỆN

BÀI 2

PST 35

Xem Mục 1001 Chuyện 

– Mình nói chuyện thiền nghe Bo. Tại sao có nhiều pháp môn, và mục đích của thiền là gì. Mỗi pháp môn cho lời giải thích khác nhau, điều đó làm em bối rối không biết cái nào đúng cái nào sai.
– Chắc đó cũng là thắc mắc của nhiều người, nhưng khi mục đích của thiền được giảng rõ thì những điều khác chỉ là phụ thuộc. Vậy thì phép tập thiền chân chính là giúp con người tiếp xúc được với chân ngã của mình, cố gắng nâng cao tâm thức cõi trần cho đồng nhịp với làn rung động của chân ngã, để trong một tích tắc có được sự sáng, sự bình an, chia sẻ cái nhìn và tâm thức thiêng liêng. Lúc ban đầu sự hòa nhịp xẩy ra ngắn ngủi, rồi nhờ trì chí về sau trạng thái hợp nhất sẽ kéo dài hơn, và đấng cao cả là bậc đã hoàn toàn hòa với nhịp thiêng liêng 24/24 tiếng một ngày.
– Em đọc sách thấy có người thiền 3, 6 tiếng một ngày, so lại biết chừng nào em mới bằng. Nhưng mà nghĩ tới nghĩ lui, em tự hỏi thật sự thiền lâu như vậy có tốt hay không cho hoàn cảnh của em. Ba đứa nhỏ ngoan mà cũng phải để ý tới tụi nó lắm, uốn nắn dạy dỗ từng chút; lo cho tụi nhỏ và Kim trước rồi còn thì giờ mới lo cho em. Có thể thiền nhiều tiếng một ngày chưa hẳn thích hợp với em.
– Thử nhìn ví dụ này xem. Disneyland là khu vui chơi huyên nào, cảnh sắc lạ lùng, ai đến thăm có óc quan sát hẳn sẽ nhận được một số kinh nghiệm thú vị. Mà cũng có người đi vào Disneyland nhưng từ chối không tham dự cuộc vui, nhắm mắt bịt tai trong suốt khoảng thời gian ở đó. Khi về nhà họ không mang nhiều kinh nghiệm như người trước, thời giờ và năng lực đã bỏ ra để thực hiện chuyến đi hóa ra uổng phí, đem lại kết quả không tương xứng. ta cũng có thể nói là nếu nhập cuộc chơi với thái độ như vậy, tốt hơn anh nên ở nhà cho đỡ mất công lao, tiền bạc, ngày giờ.
Sự sống cũng như Disneyland, mỗi khi sinh ra là con người tham dự vào cuộc chơi, nhưng cũng có linh hồn vì lý do nào đó tuy sống trong thời đại nguyên tử và máy điện toán, lại từ chối không nắm lấy những cơ hội mà thời đại này cống hiến. Làm vậy họ đã phí phạm kiếp sống bởi lẽ mỗi thời đại cho một bài học riêng, có những kinh nghiệm mà chỉ thời đại ấy mới có, và bỏ lỡ nó là mất đi cơ hội khó tìm. Ấy là khuynh hướng dậm chân tại chỗ của một số linh hồn, thích lập lại cảnh sống trong thời đại trước thay vì nhập vào lối sống đương thời.
Nhìn sâu hơn, việc từ chối đón nhận kinh nghiệm của đời hiện tại còn diễn ra dưới một hình thức thanh bai hơn, nhưng bản chất vẫn là một. Khi tái sinh ở cõi trần, mục đích của linh hồn là sinh hoạt trọn vẹn cả thân, tâm, trí trong ba cõi vật chất, tình cảm và trí tuệ, mà trọng tâm là cõi trần chứ không hề là hờ hững với chuyện thực tế, để cho tâm trí mơ màng tận đâu đâu, quên lãng sinh hoạt hằng ngày và gọi đó sống đời tâm linh. Vì vậy, bất cứ một phép thiền nào làm cưng bỏ bê cuộc sống hiện tại, và xao lãng bổn phận ở cõi trần,thì hãy nghi ngờ xét lại pháp môn ấy. Cũng theo ý đó, thiền nhiều tiếng một ngày chưa chắc đã tốt hay nên theo và đáng ao ước. Nó còn tùy kết quả mà thiền mang lại cho đời sống hằng ngày.
Ban đầu mình có nói mục đích của thiền là để tiếp xúc với chân ngã, nay có thể nói thêm đó là phép luyện tập khiến đời sống tâm linh được phong phú hơn, không phải để có thông nhãn thông nhĩ, thấy được cõi vô hình, mà phong phú vì mình đi sâu vào cuộc sống, cảm được tính thiêng liêng đại đồng ẩn trong mọi người, vạn vật. Kết quả của việc tiếp xúc với chân ngã làm tâm thức rộng mở, bởi ý niệm chia rẽ chỉ có trong tâm thức cái tôi, còn chân ngã có tâm đại đồng. Càng kết hợp với chân ngã, người ta sẽ càng tỏ ra khoan dung, hòa mình với kẻ khác, và đó mới là dấu hiệu tâm linh đáng ao ước, thay vì các phép thần thông, xuất hồn.
Do sự mở rộng tâm thức đó, đời sống hóa trọn vẹn, mang nhiều ý nghĩa hơn, con người không có nét bi quan, yếm thế muốn xa lánh cõi trần. Phép thiền đúng cách làm người ta nhận ra bản chất thiêng liêng của mình, trở thành bản chất ấy, làm cho tính thiêng liêng linh động trong đời làm mẹ, làm cha, làm vợ chồng, mà không hóa lơ mơ, dật đờ, ngụy biện rằng đang sống ở cõi tinh thần thanh cao và không màng chuyện thế tục.
Khi đã nếm sự sống phong phú, con người dễ dàng thấy nó lan tràn khắp nơi, sự phân chia cõi trần với cõi Niết bàn không còn nữa, bởi lúc đó người như vậy trở thành sự sống, sức sống, họ LÀ - being, sống an lạc, trọn vẹn ở hoàn cảnh trong cương vị mà karma đặt để họ. Thế nên họ không hề chối bỏ cõi trần để đi tìm cảnh giới khác, chứng minh cho ý này là các giai thoại thiền nổi tiếng, mà nhân vật chính là các tu sĩ làm những việc rất tầm thường như bửa củi, gánh nước, giã gạo, cũng như không ít các tăng nhân giác ngộ thường phụ trách nhà bếp ! Cốt yếu của thiền như vậy không phải là tư thế, ngồi lâu nhiều giờ mà là tâm trạng và thái độ, cách sống, và bất cứ một hành động tầm thường nào của người đã ý thức bản tính thiêng liêng nơi mình, cũng thể hiện được nét thiêng liêng ấy.
Trở lại câu hỏi của cưng, dựa vào ý trên mình có thể thấy là ngồi thiền tiếng một ngày, chưa chắc đã có ích hay đáng thèm muốn. Cái đáng ao ước, đúng ra, là làm sao tiếp xúc được với tâm thức thiêng liêng, giữ được và biểu lộ tâm thức ấy 3, 6 tiếng một ngày, làm sao sống một cách thiêng liêng. Ở đây mình nhấn mạnh đến hành động sống, để tương phản với ý phổ thông mà sai lạc của người đời là thái độ trầm tư mặc tưởng, không thiết tha với thế sự mới là của thiền.
– Chữ ‘sống’ làm em nghĩ đến sự nhập thế, dấn thân. Có phải vậy không ?
– Không, vì quan niệm đó vẫn còn là nhị nguyên, nó gợi đến cái phản lại là sự rút lui, xuất thế, trong khi đó thiền dẫn đến tâm thức rộng mở, trở thành sự sống bao gồm cả không lẫn có, nên khi cảm nhận được điều ấy, con người có sự an nhiên, lòng rảnh rang trống rỗng, có thể đi vào Disneyland huyên náo, cảnh đời bể dâu mà tâm không loạn động. Bởi không có gì trong tâm để mà loạn động, mà cũng không phải tâm tâm niệm niệm trụ tư tưởng vào một điều cho nó không bay nhẩy. Trong vài trường hợp, việc giữ cái trí bất động như vậy sinh ra chứng nhức đầu nơi người tập thiền.
– Nói đến cái trí làm em nhớ lại vấn đề trí và tâm. Em có đọc nhiều bài luận về tâm thức xét ra nghiêng nặng về mặt lý trị, chẳng hạn hiểu biết về bẩy cung và tân kỷ nguyên. Mình nên đặt những kiến thức đó vào chỗ nào  trong việc học hỏi Minh Triết Thiêng Liêng ? Nó có liên hệ như thế nào với những chỉ dạy đơn sơ và đẹp đẽ trong Ánh Sáng trên Đường Đạo hay Dưới Chân Thầy ? Nói khác đi là những hiểu biết ấy có cần thiết cho việc học đạo không, vì các thiền sư xưa kia đâu nói gì đến 7 cung, hay có thể các vị ấy biết mà không nói ?!
– Có lý, chỉ cần theo sát lời dạy trong tôn giáo là đủ cho việc học đạo, và như vậy kiến thức về 7 cung có lẽ không cần thiết ở một cảnh ngộ nào đó. Nhưng vào điều kiện khác, nó được đưa ra với dụng ý rõ rệt nhằm tới một kết quả riêng.
Sự phát triển cái tâm là điều thường thấy và được nhấn mạnh trong các tổ chức tôn giáo, nó dễ dàng dẫn tới việc mở trực giác, nhưng chú trọng vào tâm và bỏ sót cái trí có những khuyết điểm nghiêm trọng của nó. Trong phần lớn trường hợp phép luyện tâm linh như tham thiền, suy tưởng chuyện tinh thần, nguyện gẫm kinh điển khiến tâm thức quay vào trong, hướng con người vào cõi siêu nhiên mà thường là cõi trung giới ảo ảnh, ít khi là cõi tinh thần thực sự của linh hồn. Trí tuệ vì vậy ít được kích thích, cách thực hành ở trên làm các tế bào não hóa thụ động, ù lì và khả năng suy nghĩ, lý luận thành kém linh hoạt, không được phát triển. Phần tâm thức duy nhất mà con người biết là tình cảm, trong khi đó thế giới vật chất hữu hình bị coi nhẹ, và thế giới trí tuệ bị lãng quên. Kết quả của đường lối ấy là rối loạn sâu xa về mặt tâm lý, và điều này chỉ tránh được khi trí tuệ được kích thích để suy nghĩ, tìm hiểu cùng hành xử cho hợp  lý.
Lối phát triển nặng về tâm mà ít về trí cho ra sự quá độ, hoặc đáng tiếc như số đông người mù quáng chịu sự khống chế của một cá nhân, rồi đi tới thảm kịch hoặc sự khôi hài, như tụ hội vào ngày mà tín đồ cho là tận thế, để được bốc thẳng lên nước trời.
Đối với việc tìm hiểu về 7 cung và tân kỷ nguyên, thắc mắc của cưng có thể được trình bầy cách khác, là những kiến thức ấy giúp gì cho người phụng sự ?
Một trong những việc đầu tiên mà các đấng cao cả phải làm khi chỉ dạy nhân loại, là nâng cao khả năng trí tuệ của người muốn theo các ngài. Việc ấy thường gặp trở ngại, bó buộc do lòng sùng mộ của người chí nguyện đầy tình cảm. Cơ Trời bị thành tựu chậm trễ bởi những nỗ lực không đúng chỗ, không đúng lúc, của kẻ nhiệt thành muốn sống đời phụng sự. Phản ứng của họ và của nhiều nhóm thường bắt nguồn từ tình cảm, và coi trọng quá đáng hình thức bên ngoài, những yếu tố ấy ngăn cản cái nhìn sáng suốt, điều sẽ mang lại sự hợp tác giữa người trong nhóm, giữa các nhóm với nhau, cùng hành động khôn ngoan.
Nếu khả năng suy luận và việc khám phá chân lý bằng trí tuệ được gia tăng, may ra công việc được thành và các nhóm phụng sự có dịp góp phần hữu ích. Nhằm mục đích ấy, vài tài liệu được đưa ra để trí năng người học đạo nẩy nở, được nuôi dưỡng bằng hiểu biết quý giá. Còn để tự mình họ, sẽ có ít người tự phát triển tư tưởng cùng ý niệm có thể dẫn họ đến việc thực hiện chân lý. Khi theo con đường vun trồng tình cảm cao thượng để nẩy sinh trực giác, nhiều người để lại lỗ hổng trí tuệ to, mà cái hố ấy sẽ có thể khơi rộng mãi, nếu con người chìm đắm vào chuyện đâu đâu, xa với thực tế.
Cuộc sống không phải là nhận chịu và tuân theo thiên ý, nó đòi hỏi hành động, óc phân biệt giữa những giá trị xấu và tốt, cao và thấp, tinh thần tổ chức, hiểu biết. Tất cả sau hết góp lại thành hoạt động tâm linh hữu dụng. Vì vậy, những ai có bổn phận dạy dỗ nhân loại bắt buộc phải cung cấp điều mà tình thế đòi hỏi, vén thêm một chút bức màn che dấu bí ẩn của thiên nhiên. Ở thời điểm này, đó là hiểu biết về tâm lý mà 7 cung là một phần.
Thành ra câu trả lời thẳng là kiến thức về 7 cung, tân kỷ nguyên có tầm quan trọng về trí tuệ, tâm linh, mà không có giá trị thực tiễn trong đời sống hằng ngày, ngoại trừ việc nó chuyển tâm thức của người học đạo từ cõi tình cảm sang cõi trí, để nhờ vậy sinh ra liên hợp giữa các thể, tạo sự vững vàng tinh thần.
– Nói tiếp chuyện thiền, em thích đọc sách báo tâm linh, có tĩnh tâm chút chút nhưng em không dám gọi đó là thiền. Ban ngày khi mấy đứa nhỏ đi học, Kim đi làm, em có thì giờ suy gẫm những gì đọc trong sách rồi đối chiếu với đời sống của mình. Cái đó em làm được, còn bắt em phải nghĩ ngợi chuyện cao xa mệt óc thì em chịu thua.
– Cưng nhớ ý này không, không ai bị đòi hỏi làm quá sức mình. Cưng là bà mẹ trẻ có ba con nhỏ, tất nhiên cưng phải gâp và giải quyết những vấn đề khác với người ở hoàn cảnh ít đòi hỏi hơn. Người sau có thể thiền lâu nhưng bắt chước là việc hoàn toàn không nên, chẳng những vì không ai có tư chất giống nhau mà còn vì một lẽ sâu xa khác.
Có lời ví linh hồn như người thợ mài kim cương, mỗi kiếp sống là cơ hội để mài một mặt của viên kim cương muôn mặt. Nói chung thì trong mỗi kiếp linh hồn làm một trong hai chuyện. Hoặc đó là việc sửa tánh hạnh, trau dồi bản thân, cố gắng phát triển một nét của thiên tính như yêu thương, khoan dung, hoặc nhiều kiếp được dành để thực hiện công trình rõ rệt, hoàn thành một chuyện. Bởi thế trong một kiếp, người ta hoặc sẽ nhắm đến mục tiêu (làm xong chuyện), hoặc tính chất (làm rõ nét), và tùy theo điều đã chọn mà kiếp sống có sắc thái và tính cách khác nhau.
Để hiểu rõ hơn, thử nhìn trái đất lơ lửng trong không gian. Dù ở bất cứ vị trí nào trên quỹ đạo, người trên địa cầu kinh nghiệm 24 giờ khác nhau, chỗ quay ra ánh sáng là ngày, bóng tối là đêm. Cùng một thời điểm vũ trụ mà có người thấy đó là 8 giờ sáng, kẻ khác là 12 giờ trưa, 5 giờ chiều, 9 giờ tối, và mỗi người hành xử theo vị trí của mình, không ai giống ai.
● Người 8 giờ sáng thấy phấn khởi, hào hứng trước một ngày mới. Tâm tưởng họ đầy ắp chuyện phải làm, phải giải quyết mà họ hy vọng sẽ làm xong trong ngày.
● Người 12 giờ trưa chín chắn hơn, tùy tình hình mà họ gấp rút lên cho nửa ngày sau, hay thong thả từ từ, hay sửa đổi lại chương trình.
● Người 5 giờ chiều sẽ ngừng tay, lòng  hăm hở đã mất mà thay vào đó là việc kiểm kê, soát lại vấn đề, rút tỉa kinh nghiệm.
● Người 9 giờ tối nghỉ ngơi giải trí, xem cuộc đời không có gì là quan trọng, họ không còn vẻ nghiêm trang mà tỏ ra thoải mái, dễ tánh.
Cưng thấy không, cùng một thời điểm vũ trụ mà có nhiều tâm lý khác biệt và ai cũng đúng, người 8 giờ sáng hăng hái lẫn người 9 giờ tối lè phè đều hợp lý như nhau. Sự sống cũng y vậy, tùy theo kiếp của mình là giờ nào mà có những ưu tiên phải theo, không thể bắt chước người khác mà phải tự biết mình, xem đường lối sinh hoạt nào thích hợp cho kiếp hiện tại.
Mặc dầu vậy, một số điểm chung có thể nêu ở đây về mặt tâm linh.
● Mục đích của mọi chỉ dạy đúng đắn, là giúp con người tiếp xúc một cách ý thức với linh hồn của họ, mà không phải với Chân Sư.
● Các Chân Sư chỉ có thể được tìm gặp nợi cõi linh hồn, tức cõi trí, mà không ở cõi tình cảm đầy lòng hiến dâng và ảo tưởng.
● Tham thiền đúng phép không làm con người xao lãng đời sống ở cõi trần, cùng những bổn phận của mình ở đó.
Về điểm chót, giá trị tinh thần và giá trị vật chất của sự sống đều quý như nhau, và có tầm quan trọng riêng của chúng. Dấu hiệu phát triển tinh thần nơi một người nằm ở điểm không những họ có khả năng biểu lộ giá trị tâm linh, đáp ứng với linh hồn thiêng liêng, mà lại gồm cả những giá trị vật chất, đáp ứng với sự sống tiềm ẩn trong ba loài dưới.
– Để em suy nghĩ những điều này lúc nấu cơm ! Thông thường em hay nghiền ngẫm lúc làm việc nhà chứ ít khi em ngồi một chỗ mà trầm tư. Trí óc ngộ lắm Bo, mình cứ cho nó thắc mắc rồi chờ trả lời, nó lặng lẽ tìm hiểu và khi chín mùi thì câu đáp bật ra. Em biết điều đó vì khi lái xe…
– Trời đất, thiền lúc lái xe ?! lát nữa chắc Bo không dám để cưng chở ra phi trường !
– Đâu có, Bo. Đi đâu em cũng có cái đuôi là ba đứa nhỏ nên cẩn thận lắm. Ý em muốn nói là nhiều lúc lái xe, tuy chăm chú vào dòng xe cộ trước mặt mà em cũng ý thức là tiềm thức đang suy xét vấn đề. Bo đừng nhăn nhó, em lái xe chưa hề đụng ai. Có lần đi chơi xa về, Kim chạy sau một xe chậm rì rì không đổi, mấy xe trước cũng y tốc độ bò trên một đoạn dài. Chờ mãi Kim mới lách ra được rồi vọt lên trên, thì ra năm xe trước xe nào cũng do một bà lái với lóc nhóc một lũ con nít trong xe, họ cẩn thận chạy chậm làm Kim lắc đầu chịu thua, còn em phì cười vì chính em cũng vậy.
Có con thì cái gì cũng phải dè dặt. À, con bé Thư hỏi tiên nữ với chú lùn, thiên thần lấy em bé ở đâu, có phải mỗi lần cây con mọc ra là có tiên nữ sinh.
– Tinh linh và tiên nữ còn ở trong hồn khóm, chúng không có bố mẹ. Mỗi lần có ý muốn tái sinh (và việc xẩy ra tuân theo luật trong trời đất), tinh linh tách khỏi hồn khóm, tự tạo cho mình xác thân bằng vật chất cõi ether, hay cõi tình cảm tùy môi trường hoạt động. Hình dạng ấy to lớn sẵn, có nghĩa tinh linh giữ hình thể ấy suốt kiếp đó mà không từ bé lớn lên dần như Thư. Sau một thời gian, khi tinh linh cảm thấy sống … hơi mệt, nó liền rút vào hồn khóm, bỏ lại xác thân bằng thể ether và thể tình cảm, vật sẽ tan rã như với thể của người. Tuy chúng không có bố mẹ, anh em, nhưng bởi thuộc hồn khóm nên mỗi lần tái sinh chúng không đơn độc mà tái sinh theo nhóm. Cưng nghĩ gì mà mơ màng vậy ?
– À, em vẫn nghe Bo nói mà em cũng nghĩ tới chuyện khác. Tính em thích ngắm quần áo đẹp, hoặc in trong sách báo hay trưng bầy ở cửa hàng. Em nghĩ những đặc tính thiêng liêng cần phát triển, hay những cảm hứng từ linh hồn thật đẹp đẽ, biểu lộ được những điều ấy cũng không khác gì mặc y phục hợp thời trang trông thanh nhã, duyên dáng, yêu kiều. Con người thật đẹp như vậy hay còn đẹp hơn nữa. Cho nên từ giờ trở đi, hễ cần thể hiện tính thiêng liêng, em sẽ tự vẽ ra hình ảnh là nếu tập được tính ấy, mình sẽ xinh đẹp như cô người mẫu diện lộng lẫy nhất. Có phần thưởng chắc chắn em sẽ hứng thú gặp chân ngã. Tu kiểu đó hấp dẫn em hơn.
…………..
.
PST 36

– Hiện giờ có nhiều hoạt động tự xưng là thuộc phong trào tân kỷ nguyên (TKN New Age Movement), đọc thấy cái nào cũng có mục tiêu hay ho, làm sao biết cái nào giả cái nào thật hả Bo ? Và công việc của phong trào chân chính là gì ?
– Từ từ, mình hãy chia ra, đầu tiên nói về các tổ chức, và sau đó là công việc của chúng. Cưng muốn biết gì về các nhóm ?
– A, đại khái là mình dùng tiêu chuẩn nào để xác định một nhóm TKN là dỏm hay thật. Bo phải biết, mở tờ báo cuối tuần xem muốn ngộp luôn. Nào là trung tâm A sắp có khóa tĩnh tâm mùa thu trên núi, tham thiền giữa cảnh con nai vàng ngơ ngác, nào là guru B sẽ giảng thứ bẩy này về việc tìm nguồn an lạc trong nội tâm. Cả trăm quảng cáo như vậy, mà tiền không đó nghe Bo, em quay mòng mòng, vàng thau lẫn lộn không biết đâu mà rờ.
– Mình có thể xem tôn chỉ của một nhóm có nhằm biểu lộ đặc tính của tân kỷ nguyên TKN (xin đọc bài TKN số 37), đó là một chọn lựa. Mà như vậy chưa đủ, vì tính cách một nhóm còn tùy thuộc vào các thành viên, bởi thế có hai việc phải xét là đặc tính nhóm và đặc tính người trong nhóm.
Bắt đầu với nhóm, tổng quát có 7 kiểu mẫu theo đường hướng của 7 cung, trong đó ba nhóm quan trọng nhất là chính trị, tôn giáo và khoa học. Kế đó ta có các tiểu nhóm, chẳng hạn chữa bệnh và giáo dục là hai tiểu nhóm của cung hai. Qua tới đặc tính của nhóm:
1. Tổng Hợp: đây là nét không thể nào thiếu hay nhầm lẫn được của nhóm hoạt động theo tân kỷ nguyên, nó biểu lộ bằng nhiều cách khác nhau, với tôn giáo là có sự nhìn nhận một số nguyên lý chung, nhất là tình huynh đệ đại đồng, với chính trị là tinh thần quốc tế, hợp tác giữa các nước, và khoa học là thấy sự sống trọn vẹn hơn, với việc bước lần từ khám phá cõi vật chất sang khám phá cõi vô hình.
2. Nâng cao, Mở rộng, Đi sâu, Bao gồm. Cưng để ý lá các điểm này đi cùng một lúc với nhau, phát triển song song nếu đó là tổ chức tinh thần đúng thực.  Tức nhóm TKN sẽ đưa ra một số nguyên lý mới, chân lý mới, nhằm:
● Mở rộng tâm thức, đi vào các ý niệm, nhận thức mới. Ý tôn trọng sự sống dưới mọi hình thức, và gần đây là các phong trào về môi sinh đòi bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ thú vật, nằm trong hoạt động trên. Không phải ngẫu nhiên mà các nhóm ấy nẩy sinh vào thời điểm này, mà chính vì nhiều linh hồn chung khuynh hướng đã trở lại cùng lúc, bị lôi cuốn vào phong trào, và hoạt động của họ nhằm đặt căn bản cho TKN như sẽ nói dưới đây. Đừng cho rằng việc mở rộng tâm thức này phải đương nhiên đi kèm với thiền, với ngộ, với hiểu biết về luân hồi, nhân quả. Không phải vậy, những điều này không dính dáng chi đến TKN, người phụng sự có thể không cần biết các điều ấy mà vẫn làm việc hữu hiệu, họ vẫn có thể sáng suốt nhận ra nhu cầu của thời đại, đường hướng phát triển trong thế kỷ 21 và hoạt động nhằm mang lại tinh thần đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau.
● Cải thiện đời sống của toàn khối nhân loại.
Đối tượng của nhóm là trọn nhân loại và nhóm không mang nhãn hiệu nào, cũng như hàng rào tôn giáo, chủng tộc, quốc gia bị xóa hẳn. Người ta không thấy trong nhóm sự chia rẽ, phân biệt, thù hận.
– A, cái này thì em biết. Nhóm chủ trương da trắng độc tôn ở Nam Phi hay Tân Quốc xã ở Đức thì nhất định không thuộc TKN rồi.
– Sự thành hình của cám nhóm ấy cũng đáng nói. Mỗi khi chánh đạo có một số lực đẩy mạnh cơ tiến hóa, thực hiện thiên cơ, thì lập tức tả đạo phát ra hành động ngăn chặn, với mục đích làm trì trệ công chuyện. Hai nhóm trên và các nhóm tương tự nằm trong phản ứng đó. Nhưng trở lại chuyện đang nói, hiện giờ có những tổ chức chủ trương không viện trợ các nước nghèo mà trao đổi mậu dịch với họ, vì kinh nghiệm cho thấy nước nhận viện trợ thường nghèo thêm. Họ chủ trương cộng đồng nước giàu mua sản phẩm địa phương của nước nghèo, nhờ đó khuyến khích thủ công nghệ trong vùng, cũng như trả đúng giá tránh nạn trung gian bóc lột.
Cách hoạt động nêu ra trong phần 2 này cho thấy nhóm của TKN không nhằm rao giảng những hiểu biết bí truyền, hay về huyền bí học. Bởi công tác chính của họ là chuẩn bị các tầng lớp xã hội cho việc đức Chúa (đức Di Lặc) tái hiện, mà phần lớn việc thuần về kinh tế. Số đông người hiện giờ không quan tâm mảy may đến những chuyện tâm linh xa vời trong kiếp này, hay nhiều kiếp về sau của họ, trong khi những nguyên lý về chia sẻ, hợp tác, trách nhiệm giúp họ ý thức việc nhân loại là một khối chung, mỗi cá nhân nằm trong khối ấy và có thể trợ giúp hay cản trở sự tiến bộ của toàn khối. Đường hướng này đáng lưu tâm, vì đức Chúa áp dụng cách ấy 2.000 năm trước rồi. Ngài dạy phần bí truyền cho một số ít đệ tử, những ai hiểu được lời ngài, còn với đại đa số ngài dựa theo thói đời mà chỉ dẫn việc thiết thực, hữu ích ở cõi trần.
● Tinh thần. Khi làm được phần nào những điều nói trên, là nhóm đã gây được ý niệm cho mọi người về một nước Trời; ở mức độ sâu hơn và cho người tiến xa hơn, nhóm TKN là kiểu mẫu cho thấy các đơn vị trong nhóm xử sự như là linh hồn thay vì cái tôi, và nhóm là nhóm các linh hồn mà không phải là tập họp nhiều cá nhân. Có hai điểm phân biệt ở đây:
- Khi hành xử như linh hồn, con người hoạt động từ cõi thượng trí và cao hơn nữa, là bồ đề tâm, còn khi xử sự như là cái tôi, bản ngã, ấy là dùng hạ trì và tình cảm, quyết định nhuộm mầu chia rẽ và lẫn ít nhiều ảo vọng.
- Nhóm TKN sẽ nhằm mục đích là hành xử như linh hồn, còn hành xử theo bản ngã là một nét của nhóm và của người còn chịu ảnh hưởng của thời Song Ngư Pisces vừa qua.
Chúng ta cần rõ hai khuynh hướng này để biết cách đối phó, và làm việc sao cho hữu hiệu với người trong nhóm, và cũng để phòng bị trước đối với những thất vọng, đau khổ chắc chắn sẽ tới, do sự va chạm giữa hai cách phản ứng.
Do đặc tính cung 6 là sùng tín, hiến dâng, chu kỳ Song Ngư do cung 6 quản trị vừa qua cho tính chất là nhóm Song Ngư được thành lập, duy trì bởi sức thu hút của cá nhân người lãnh đạo rất nhiều. Ai gia nhập phong trào thường khi trung thành với cá nhân người ấy (phần hư hoại, không thường hằng), hơn là với lý tưởng mà họ chủ trương và thể hiện; cũng như thành viên đối đãi, phản ứng với các bạn trong nhóm trên căn bản cái tôi chia rẽ, thay vì phần linh hồn biết nó là một với vạn vật.
Nhóm của Bảo Bình Aquarius đi xa hơn, sự chọn lựa thành viên và dây liên kết họ với nhau là phần chân lý mà nhóm có nhiệm vụ thể hiện. Cá tính hoặc của người lãnh đạo hoặc của thành viên không là vấn đề ở đây, họ cố gắng giao tiếp, liên hệ với nhau trên căn bản linh hồn, và nhóm Bảo Bình đúng nghĩa là nhóm các linh hồn, biết rằng tất cả là một, cùng một bản chất thiêng liêng và cùng một nguồn mà ra. Mặc dù một nhóm như vậy chỉ có thể xuất hiện vào giữa thế kỷ 21, hiện giờ có nhiều nhóm mở đường và họ gặp phải các vấn đề sau:
● Vói nhóm hoạt động vững theo đường lối Bảo Bình, nó ít chịu nguy cơ tan rã hay suy thoái khi người lãnh đạo không còn. Bởi dù người ấy hiện diện hay vắng mặt, nhóm viên trung thành với chân lý mà không phải với cá nhân người này, nên sự ra đi của họ không ảnh hưởng mấy đến sinh hoạt và sự tồn tại, lớn mạnh của nhóm.
● Trong một nhóm Song Ngư, hiểm họa này rất thực. Khi người lãnh đạo vì lý do nào đó mất sức thu hút hay không còn trong nhóm, sự tan rã mau lẹ xẩy ra. Chẳng những vậy, nhóm Song Ngư hay có bão nội bộ, vì đó là tập hợp của cá nhân mà không phải của linh hồn. Linh hồn thì hòa hợp, cá tính thì chia rẽ, cô lập; nhiều cá tính gặp gỡ sẽ va chạm, đụng độ tóe lửa thành pháo bông, hay bùng nổ thành bão ! Khi một ai không thể sinh hoạt trong nhóm vì các lý do đặt trên xự xung đột cá tính, phản ứng thường xẩy ra là người bạn đùng đùng ly khai, lớn tiếng biện minh cho hành động của mình, và lôi cuốn sự chú ý của thế giới vào cái tôi, gây ra não lòng cho những ai liên hệ, và thiệt hại lớn lao cho hoạt động của nhóm.
Kế đó anh viết sách phân trần, các sách loại này có rất nhiều hiện nay, phơi bầy chi tiết hấp dẫn về cái tôi của người trong cuộc, những điều không đáng chú ý tới nếu nhìn theo quan điểm của linh hồn. Điển hình cho một nhóm như thế là hội Theosophia, từ khi thành lập đến nay sự việc trên xẩy ra nhiều lần, mỗi lần có biến cố lớn làm một số hội viên thất vọng, cảm thấy niềm tin đặt trên cái ngã, vào cá nhân, bị lung lay, một số đông đã rời khỏi hội, nhất sau năm 1929 khi Krishnamurti chính thức bác bỏ phần việc giao cho ông.
Nếu bình tâm nhìn kỹ, mỗi cơn thử thách ấy là một điều hay, vì nó lựa lọc ai trung thành với chân lý và ai bị lôi cuốn vào hội vì các lý do khác, giúp thanh lọc tổ chức, làm phẩm chất cao hơn nếu qua được trận bão.
– Rồi làm sao, một nhóm mang nhiều tính chất Song Ngư có thể đổi sang Bảo Bình được không ?
– Bởi nó phát xuất từ các thành viên thì nó cũng phải do chính người bạn sửa chữa. Phần lớn chuyện nằm ở ý thức cá nhân, khi ý thức được nâng cao thì phản ứng sẽ thay đổi.
– Mà nói như vậy thì cái gì Song Ngư cũng xấu và Bảo Bình cũng tốt sao ? Em không chịu đâu vì không công bình. Song Ngư chắc phải có điểm tốt chứ.
– À, Bo xin lỗi tại chưa nói rõ. Việc xấu tốt là do trình độ và thời điểm. Ngày nay mình không đi ngựa, không dùng ngựa kéo xe nữa, vì đã có những phương tiện khàc hữu hiệu hơn. Ngựa hồi xưa hay bây giờ tự nó vẫn vậy, chỉ vì thời thế thay đổi nên nó không còn đắc dụng. Vậy thì xấu là khi một vật, một triết lý, phương pháp được tiếp tục quá thời hạn có ích của nó. Ảnh hưởng Song Ngư có giá trị tốt của nó, có đường hướng riêng đẹp đẽ, nhưng nay qua Bảo Bình với trọng tâm phát triển khác, tiếp tục sử dụng đường lối Song Ngư cho thế kỷ 21 là không lợi dụng triệt để vận hội mới, như vẫn dùng vó ngựa lọc cọc đường xa, trong khi chỉ cần phóng xe Corvette là tới chỗ, chịu chưa ? Một điểm phân biệt khác là nhóm Song Ngư rất lý tưởng, còn Bảo Bình thực tế hơn, nhìn sự vật như nó là, mà không phải cái đáng lẽ nên là.
Những đặc tính chung bao giờ cũng có, luôn luôn hiện diện trong nhân loại, nhưng vào mỗi thời điểm một số tính chất trở nên chính yếu, quan trọng hàng đầu. Nay vì nhân loại đủ sức đáp ứng với các lực vũ trụ đang tuôn xuống của Bảo Bình, do đó các đặc tính ấy trở thành căn bản.
Còn một điều để nói về nhận thức tinh thần, có nhiều sách bàn vế TKN mang nét tâm linh lôi cuốn người đọc, nhưng khi xem kỹ thì chúng nặng về đạo đức hơn là tinh thần. Đạo đức dựa trên nhị nguyên là xấu - tốt, phải - trái, chưa phải là bản chất của linh hồn vốn không có tâm phân biệt vì mang đặc tính nhất nguyên. Nhận thức tinh thần là cái mà nhóm và nhóm viên phải biểu lộ trong TKN như sẽ nói ở phần sau.
Phần vừa rồi mình nói về nhóm, nay đi qua đặc tính của người trong nhóm thì đầu tiên là:
1, Có sự tiếp xúc với tinh thần
Trong trong nhóm TKN đúng nghĩa, thành viên là người đã ít nhiều bước vào thế giới tinh thần, và đang cố gắng thể hiện bản chất thiêng liêng của mình. Họ có chiều sâu tinh thần thật sự, và điều này ảnh hưởng tới nhịp rung động của nhóm, mức độ nhậy cảm của nhóm và từng cá nhân với công việc. Khi mỗi người tiếp xúc với chân ngã ngày càng nhiều, càng vững, mức rung động trở nên điều hòa cho đa số trong nhóm, ta có điều kiện thích hợp làm  cho một việc đặc biệt xẩy ra là hiện tượng viễn cảm (telepathy còn gọi là thần giao cách cảm) giữa các thành viên.
2. Trực Giác
Chính là nhận thức tinh thần nói ở trên mà còn hơn thế nữa. Những cách biểu lộ  của nó ở mức độ cá nhân là tính vô hại - harmlessness, bao trùm, thương yêu. Óc thù ghét, phân rẽ, đặt căn bản trên cái tôi và đã gây ra lắm đau khổ, cùng tệ trạng xã hội mà cái lớn lao nhất là chiến tranh, nay tính bao trọn inclusiveness được nhấn mạnh để vừa làm phương thuốc giải trừ lầm lỡ trên, vừa tinh thần hóa cuộc sống cõi trần. Như vậy, một dự án được thực hiện vì nó mang lại lợi ích lớn lao cho khối đông người, bất kể những lý do như chủng tộc, tín ngưỡng v.v.
3. Trí tuệ linh hoạt
Công việc của nhóm TKN phần lớn mang tính chất trí tuệ bởi một số lý do:
● Mức phát triển hiện nay của nhân loại thuộc mẫu chủng thứ 5 với đặc tính là trí tuệ.
● Đặc tính ấy càng được nhấn mạnh thêm vào lúc này, khi giống dân phụ thứ 6 đang xuất hiện. Tuy giống dân phụ thứ 6 sẽ là hạt giống cho mẫu chủng thứ 6 trong tương lai và do đó trực giác sẽ đóng một vai trò đáng kể nơi giống dân phụ này, nhưng ta đừng quên là nó nằm trong mẫu chủng thứ 5, vì vậy trí tuệ vẫn là nét chính.
● Cái trí càng nổi bật hơn do ảnh hưởng các lực trong chu kỳ Bảo Bình (xin đọc bài TKN, số 36). Bởi thế nó đòi hỏi các thành viên phải có khả năng linh hoạt ở cõi trí, sử dụng thể trí một cách hữu hiệu, và tham thiền là một phương pháp để luyện tập trí năng. Càng về sau, tham thiền càng mất đi tính cách huyền bí, mà người ta sẽ nhìn ra tính chất thật của nó là tư tưởng có khoa học.
– Bây giờ có nhóm nào làm việc trên các nguyên tắc này theo đường lối vừa nói không ?
– Nếu cưng muốn nói nhóm biểu lộ hoàn toàn các tính chất ấy thì chưa, bù lại nhiều ngành hoạt động của con người nghiêng rõ rệt về chủ trương đó. Chúng không phải là nhóm theo đúng nghĩa, mà chỉ là công việc bình thường của một học giả, tư tưởng của triết gia, đưa ra nhận thức mới hay trình bầy thái độ phản ảnh đặc tính của TKN.
Về mặt triết lý, có nhận xét rằng lối giải quyết vấn đề ta hay dùng từ trước tới này cần được sửa đổi. Vì lối ấy dùng phép chọn lựa một trong hai điều mà thôi, trắng đen, trước sau, phải trái; giải đáp thường không toàn vẹn vì nó sẽ phải gạt bỏ một trong hai điều. Sự việc tựa như hai đầu một đoạn thẳng, lấy đầu này thì phải bỏ đầu kia. Bây giờ óc tổng hợp đưa giải pháp mới là tìm một điểm thứ ba, cái có thể kết hợp hai điểm này.
Vẽ hình thì đó là một tam giác, với đỉnh là nơi gặp gỡ hai đầu cạnh đáy. Hình còn cho một ý tưởng khác, là câu đáp trọn hảo thường không ở cùng mức độ với câu hỏi mà phải ở cao hơn, tựa như đỉnh vượt bên trên cạnh đáy. Diễn tả thêm thì nguyên lý lớn hằng bao trùm nguyên lý nhỏ, cái cao chứa đựng cái thấp; khi học hỏi chuyện tinh thần, cách đúng đắn là đi từ tổng quát đến chi tiết, vì chi tiết luôn luôn tìm được vị trí trong tổng quát, ngược lại nó quá nhỏ bé để có thể chứa phần tổng quát. Một ý khác là mọi việc được điều khiển từ trên cao, cái cao làm chủ cái thấp.
Những đặc tính của nhóm TKN được biểu lộ qua các thay đổi sau:
● Thứ bậc được giảm bớt, kèm với tính đồng đẳng tăng lên, danh từ ‘điều hợp viên’ được nhiều tổ chức dùng thay cho ‘chủ tịch’ hay danh xưng không đứng đầu. Thí dụ người đứng đầu xứ bộ Canada được gọi là Điều hợp viên - Co-ordinator thay vì Hội trướng.
● Óc tranh thắng khi thương thuyết hoặc chính trị, hoặc thương mại với kết quả thắng - bại thay bằng chủ trương tìm giải pháp có lợi cho cả hai bên. Tâm lý ganh đua thay đổi dần để tới mức nào đó, tính gây hấn, thách thức bớt nhiều, hiểm họa chiến tranh được thay bằng óc hòa hợp, thí dụ là vấn để Palestine - Israel với đề nghị thành lập hai quốc gia thay vì chỉ có một.
● Nêu cao ý thức nhân loại là một. Một nhóm phụ trách việc phổ biến ý thức này có sáng kiến rất hay, là cổ động mỗi lớp học treo hình quả đất do phi thuyền Apollo chụp từ ngoài không gian. Nhờ vậy, trẻ thơ có ý niệm địa cầu là nhà của tất cả mọi người, và ai ai cũng có trách nhiệm liên đới.
Cưng thấy hòa bình và chống chiến tranh không phải là mục tiêu cho hoạt động nhóm, mà điểm chính là sự hòa hợp, thông cảm, sống chung. Khi tâm lý thay đổi, hòa bình tự khắc sẽ tới và cơ hội xẩy ra chiến tranh bớt dần.
– Tức là trước sau vấn đề chính của nhóm cũng vẫn là tâm lý, ý tưởng, tư tưởng phải không ? Mình qua phần hai đi Bo, công việc nhóm TKN là gì ?
– Các nhóm mà hiện nay chúng ta gặp là những tổ chức tiền phong, nhằm thực hiện hai công tác chính: gieo mầm cho nền văn minh, văn hóa mới và chuẩn bị cho đức Di Lặc tái xuất hiện. Ta có nhóm hoạt động trong các ngành chính trị, giáo dục, chữa bệnh, khoa học, lại có nhóm thiện chí, tham thiền. Họ chưa phải là nhóm mang tính chất rõ ràng của TKN mà chỉ làm công tác mở đường, phần lớn tùy thuộc vào các thành viên biểu lộ nét TKN tới mức độ nào đó, mà như cưng rõ, mình đang ở vào giao thời của hai kỷ nguyên, đặc tính và lề thói của Song Ngư còn rất mạnh.
– Thành viên các nhóm là ai vậy, họ có điểm nào chung ?
– Trước hết đó là người nhìn nhận có đời sống tinh thần, mà không nhất thiết phải tin vào luân hồi, nhân quả hay Chân Sư. Họ ở khắp nơi không thuộc một tổ chức chung, nhưng mau lẹ nhận ra bạn đồng hành khi thấy người khác, tổ chức khác hoạt động theo cùng một nguyên tắc. Các nỗ lực của họ dù ở địa hạt nào cũng nhằm giúp nhân loại sống đời tinh thần nhiều hơn, và dù khác dịa hạt, họ có sự tin tưởng lẫn nhau, vì từ những hạt giống cùng tính chất sẽ nẩy sinh hoa trái giống hệt. Nhóm sẽ không có tổ chức hiểu theo nghĩa hành chánh, quản trị, dù rằng mỗi nước đều có người làm việc cho TKN.
Ta gọi họ là nhóm vì các linh hồn này có sự liên kết ở cõi tinh thần, và họ cũng nối liền với Thiên Đoàn Hierachy do sứ mạng của họ. Nhóm giúp mở rộng tâm thức con người, bằng cách đưa ra những tư tưởng mới và đúng thực hơn. Nên nhớ là tư tưởng đóng vai trò quan trọng như đã nói, vì con người đã tới mức có thể sử dụng nó một cách thông minh.  Năng lực cũng là một ý khác, nhóm tác động như là phương tiện chuyển năng lực tinh thần từ trên cao xuống cõi thấp, và nhu cầu phát triển tình thương, óc vô hại, còn nhằm che chở họ được an toàn trong công việc này.
– Có nhóm nào cho em hở Bo, nhóm nào mà em có thể góp phần trong hoàn cảnh hiện tại với ba đứa nhỏ phải dạy, ông chồng phải lo và công việc nhà, cơm nước ?!
– Cưng sẽ ngạc nhiên khi biết rằng tất cả những ai làm việc giúp đỡ thế giới về mặt này hay kia, dù lớn dù nhỏ, làm việc với lòng xả kỷ, đều thuộc về nhóm người phụng sự nhân loại, bất kể họ ý thức hay không điều ấy. Mỗi người do hoàn cảnh, tính khí, khả năng, đi theo con đường thích hợp nhất cho họ, cũng như đừng nghĩ rằng nhóm chỉ lo việc tinh thần. Không phải vậy, một lý do mình đã nói ở trên, còn một lý do nữa là đi tới rốt ráo thì không có sự phân biệt giữa tinh thần và vật chất, mà chỉ có một sự sống, bất cứ hoạt động nào năng cao đời sống vật chất hay tinh thần đúng đắn đều xứng đáng cho mình góp phần. Trong tương lai sẽ có một vị đại đệ tử xuất hiện, chỉnh đốn lại ngành kinh tế, cách mạng việc luân chuyển tiền tệ, sửa đổi hệ thống ngân hàng. Tiền tệ theo con mắt tâm linh là sự cô đọng của năng lực mà nếu phân phối điều hòa, đúng cách, sẽ giúp sự sống nẩy nở tốt lành. Ở đây cái được chú ý là sự sống, mà không phải là việc tích trữ tiền bạc vào trong tay một nhóm nhỏ, hay dùng nó để thâu lượm của cải vật chất.
Mình lưu tâm điều này để tránh lỗi lầm hay mắc phải là phân biệt giữa tinh thần với vật chất. Một đặc tính nữa là thành viên của nhóm càng ngày càng sống đời tinh thần hơn, họ tinh thần hóa đời sống, làm cho thế giới tinh thần hay nước Trời thành sống động ở cõi trần, không còn là điều xa vời chỉ ghi trong kinh sách mà thôi. Người trong nhóm không làm việc gì để lôi cuốn khiến thế giới chú ý, như loan truyền điều lạ kỳ khác thường, họ chỉ cố gắng thể hiện phần thiêng liêng nơi người họ, nên một bà mẹ cũng có thể là thành viên như một khoa học gia.
Nhóm dung nạp tất cả ai làm lợi ích chung cho thế giới, và tuy ngoài mặt không có hình thức nào cho thấy đó là một nhóm, nhưng các thành viên nhận biết nhau khi thấy người bạn, hay tổ chức khác sinh hoạt theo cùng nguyên tắc xả kỷ, cùng đường hướng tinh thần, và phương pháp là thương yêu bao trọn. Đó là dấu hiệu không sai chạy để biết ai trong nhóm.
– Ngẫm nghĩ em thấy Kim đi con đường này một cách hồn nhiên, không cố gắng. Chùa hay nhà thờ cần mắc dây điện, đèn đóm là chàng ta vui vẻ lãnh ngay, dân Cao Thắng mà, lúc nào cũng phải bận rộn tay chân mới chịu, rồi giúp được ai là giúp. Hồi mới lấy nhau em nói về Theosophia có lọt tai Kim đâu, bây giờ nghe giảng trên chùa rồi thấy em thủ thỉ ở nhà cũng giống vây, nên tin lời em hơn. Nhưng chàng còn mắc cỡ, lén đọc sách của em mà chưa công nhận là sách hay. Xì, em đứng trên lầu ngó xuống thấy hết nhưng thôi, chọc quê đối phương bất lợi. Đàn bà trường kỳ chiêu hồi địch, thắng là nhờ nước chảy đá mòn đó Bo.
Còn vụ hai đứa bé 10 tuổi giết thằng cu 2 tuổi bên Anh, coi tội quá. Bao nhiêu người tuôn sự tức giận vào chúng nó và bố mẹ, nhưng em thấy ghét tội ác mà không nên ghét hai đứa trẻ. Em bảo tụi nhỏ gửi tư tưởng lành đến chúng.
– Trong trường hợp như thế, có khi thủ phạm là nạn nhân của các lực xấu. Chúng lợi dụng một điểm yếu trong người, xuyên qua đó tác động vào họ, trong phút chốc xui kiến họ hành xử khác với hẳn với tâm tính bình thường.
– Có lẽ em đã hiểu điều này, là có việc lớn, việc nhỏ, mà việc nào cũng thuộc thiên cơ, và ai cũng có thể góp phần, cũng như không nỗ lực nào là quá nhỏ bé không đáng kể. Tối nay em sẽ long trọng tuyên bố với ba đứa nhỏ là bố mẹ đều quyết tâm thuộc về nhóm người phụng sự. Tụi nhỏ không hiểu gì mà cũng sẽ nhao nhao ‘Con nữa, con nữa’ cho coi. Cơ hội bằng vàng đây, em sẽ đặt điều kiện là muốn được vậy cu Bi phải ngoan, nghe lời hai chị, không được xô chị Thư; còn con bé Thư  phải tập suy nghĩ trước khi nói. Nó nhanh nhẩu lại thêm ruột ngựa, cái gì xẹt qua óc là nói ngay quên uốn lưỡi. Con Trâm thì phải nhớ bật đèn lúc đọc sách, mùa đông trời tối sớm mà nó cứ mải miết đọc quên hết chung quanh. Nhưng Bo đừng xía vào, Bo không biết dụ con nít. Để đó em.

Tham khảo:
Esoteric Psychology, vol 1 A. Bailey
Discipleship in the New Age, vol 1, 2. A. Bailey
The Externalisation of the Hierachy, A. Bailey