1001 CHUYỆN
BÀI 1
PST 33
Xem Mục 1001 Chuyện
– Bo nẻ, Trâm lên 8, Thư lên 4 và cu Bi lên 4, em muốn dạy các con tham thiền thì dạy làm sao ?
– Thiền để chi ?
– Em muốn cho các con có một thói quen tốt để khi lớn, nếu thích chúng có thể đi sâu thêm. Tụi nó con nít dễ mà, cách nào giản dị thôi.
– Có một cách mô tả trong bài Thiên Huyền (PST 33), giờ là một cách nữa để tùy ý cưng chọn. Thiền nên là điều tự nhiên vậy cần dạy sao cho các con làm nó thoải mái. Nói như vầy, xa Kim cưng có nhớ không ?
– Hồi mới đầu thì nhớ, bây giờ đông con thì em lo hơn là nhớ.
– Tức là mình hay nghĩ đến người mình thương, vởi trẻ tình thương mạnh hơn lý trí vậy mình có thể dùng điều ấy để tập thiền. Dạy các con ngổi thẳng lưng, trên ghế hay dưới đất được hết, tay để vào lòng, nhắm mắt, tưởng tượng ra đấng mà nó yêu nhất. Nhà có hình đức Phật không ?
– Có đủ hết, cả hình đức Maitreya (Di Lặc), đức Jesus, đức Mẹ Thế Giới.
– Sau khi thấy hình ảnh ngài trong trí, dặn con dâng lên ngài tình thương. Điều cần là tránh sự miễn cưỡng và ép buộc. Kế đó hướng tình thương về đối tượng cần giúp đỡ và cầu xin cho họ được ân lành. Cưng có thể cho các con thay phiên nhau, mỗi ngày một đứa chọn đối tượng, và bốn mẹ con cùng gửi tình thương tới đó như nạn nhân thiên tai, động đất.
– Dài bao lâu là tốt và như vậy có hiệu quả gì ? Bo phải giải thích kỹ để em nói lại cho chúng nghe. Con nít ưa hỏi lắm, mà lại hỏi cắc cớ, nói lạng quạng nó không chịu.
– Có hai mục tiêu nhắm tới khi làm cách ấy Thấy lại hình ảnh ngài trong trí là tập óc tưởng tượng, khiến cái óc chính xác khi tạo hình, chi tiết càng rõ rệt chừng nào thì óc quan sát càng phát triển. Thứ hai là tập mở tình thương, tình thương dâng lên ngài là lòng sùng kính, tình thương gửi đến người khác là tập tính vị tha cho các con, và tạo bầu không khí tốt lành cho đối tượng làm họ thấy hứng khởi, được vui vẻ hơn.
Một điều cưng có thể hứa chắc với tụi nhỏ, là đi kèm với tình thương gửi tới đối tượng có ân lành của ngài, bởi khi mỗi tư tưởng trong trắng trẻ thơ bay đến ngài, lòng thành ấy sẽ được đáp lại tương xứng bằng ân huệ, cho kẻ phát sinh và cho đối tượng. Đức Chúa nói đại ý là ngài không quý hoa dâng cúng bằng như với tấm lòng, vì hoa tuyệt sắc mọc tràn lan ngoài đồng, ngài dễ dàng tìm gặp còn lòng thành ngàn lần hiếm hoi; ngài không thiếu hoa, chỉ thiếu tư tưởng đẹp đẽ vốn là hương thơm cõi Trời. Còn bao lâu thì tốt à, năm phút là đủ rồi, kéo dài hơn sợ tụi nhỏ không tập trung tư tưởng, nhưng còn tùy bản chất mỗi đứa, tùy cưng xếp đặt cho hợp.
– Em cũng muốn các con đọc kinh, bài Những Nấc Thang Vàng, bài Đại Nguyện (Great Invocation) được không ?
– Vậy là quá tốt rồi.
– Bao giờ đọc bài Những Nấc Thang Vàng em cũng thích, nhất là câu ‘Hằng lưu tâm đến sự tiến bộ và toàn thiện của nhân sinh’. Em cũng chọn câu trong Talk Does Not Cook The Rice là ‘Please help me in meditation about the wisdom and knowledge of my spirit’, nhưng trẻ con đọc mà không hiểu thì có nên không ?
– Đúng là tụi nhỏ đọc như vẹt, nhưng cái đó không quan hệ lắm, từ từ chúng sẽ hiểu ra. Buổi thiền có thể theo thứ tự sau:
Đọc thánh ngữ
Bài Đại Nguyện
Đọc thánh ngữ
Thiền
Đọc thánh ngữ
Bài Những Nấc Thang Vàng
Đọc thánh ngữ kết thúc.
Nên theo một thứ tự để các con có thói quen về sau.
– Bo à, coi bộ tụi nhỏ thiền được, mà em không biết là chúng có làm như em chỉ, hay là để tư tưởng chạy lung tung. A, thằng cu Bi ngọng líu ngọng lo, nó đọc kinh thấy thương lắm mà em không hiểu gì hết, ngọng gì đâu, nhưng em chắc đức Phật hiểu nên em cũng không ngại. Tụi nó hỏi Nam Mô, Amen nghĩa là gì.
– Amen từ thánh ngữ Aum mà ra, nó cũng là một thánh ngữ hàm ý ‘Xin dẫn dắt chúng con’. Nam Mô thì có hai giải thích, hoặc từ chữ nam Phạn ‘Namo’ có nghĩa là ân huệ, phước lành, có ý chúc phúc người đối diện; hoặc người Ấn chào nhau bằng chữ Namaste có nghĩa ‘Tôi chào phần cao quý trong anh’.
– Ở chỗ em có chùa, nhà thờ đủ hết mà sao em không thích đi. Vào nhà thờ thì nghe giảng là ai theo phe ta (theo đạo Thiên Chúa) thì lên thiên đàng, ai không theo thì xuống địa ngục. Đi chùa thì có lần ngồi nghe kinh, sau lưng em mấy người rì rầm hỏi nhau, ‘Bữa nay tới phiên ai hốt hụi ?!’ Em thấy ở nhà dạy các con Dưới Chân Thầy, bốn mẹ con chơi với nhau mà vui hơn, chỗ em không có hội.
– Có chuyện này kể cưng nghe. Một nhận xét đưa ra nói bệnh viện là nơi cả người lành (nhân viên) và người bệnh tới, còn nơi thờ phượng là bệnh viện tâm linh, kẻ thánh thiện và kẻ tội lỗi đều có mặt. Dẫn các con tới đó lá để lạy Chúa, lạy Phật, tỏ lòng kính yêu các ngài, gặp chuyện trái ý thì coi như không có. Tựa như hồi xưa đi học, mẹ dặn vào lớp đứa nào ăn vụng, nói chuyện, đọc sách dưới gầm bàn thì kệ nó, phần mình là chăm chú nghe giảng bài, đâu phải vì những chuyện đó mà mình không đến lớp.
– Bo thắng rồi, còn cái này thì sao, ăn thịt có phải là xấu ? Nghe lý luận ăn rau trái thân thể nhẹ nhàng, cho làn rung động thanh bai em thấy ham. Con bé Thư ăn pizza là bốc hết pepperoni đem cho cu Bi; món khác cũng vậy, nó cứ bỏ thịt ra rồi mới chịu ăn. Em để yên nhưng bắt nó hứa phải ăn cheese bù lại.
– Theo Bo thì không nên ăn rau trái vì những lý do nêu trên. Để Bo giải thích.
Những kết quả trên là có thật, nhưng hãy xét thí dụ sau. Giả thử cưng mua chiếc Alpha Romeo mới tinh, có đầy đủ máy móc và mọi tiện nghi, mỗi ngày lau xe bóng loáng cho dầu nhớt kỹ lưỡng. Chiếc xe thành vận cụ tuyệt hảo mà tự nó có chạy tới Detroit được không, hay là phải có cưng ngồi vào tay lái điều khiển ? Cơ thể là vận cụ cho con người tinh thần, như cái xe là phương tiện cho cưng, điểm chú ý là phần tâm linh bên trong thể xác, phần trí tuệ ở tay lái mà không phải cơ thể được phục dịch, hay xe được chùi rửa sạch bong. Một người chủ xe có hiểu biết sẽ tự động chăm sóc cho xe, cho cơ thể mình không cần ai nhắc nhở.
Cái khó khăn của những đấng cao cả khi trình bầy chân lý, là làm sao khiến người nghe chú tâm đến phần thường hằng, phần tinh thần thay vì để ý vào thân xác và cõi trần vô thường. Tư tưởng ăn rau trái để có cơ thể tốt lành nằm trong ý sau, nó khiến con người đặt trọng tâm vào phần vật chất hư hoại, mà không vào con người thật nằm bên trong thể xác, và như vậy ý đó tuy được dùng để khuyến khích con người bỏ thịt, thật ra nó không chính xác vì coi trọng cái không đáng, cái hư ảo. Bao nhiêu dì phước đang làm việc ở trại bệnh phong (Hansen), cưng nghĩ xem có mấy người ăn rau trái mà đẹp đẽ về mặt tâm linh như các vị ấy ?
– Vậy nếu chọn ăn rau trái thì nên vì lý do nào ?
– Con người thật là tinh thần thiêng liêng, do đó mọi hoạt động nên đặt căn bản trên tinh thần. Đức Chúa giảng rõ điều này khi có người trách các môn đồ không rửa tay trước khi ăn, ngài nói ‘Cái đi vào không làm nhơ uế con người, cái đi ra mới làm nhơ uế con người.’ (Mark 7:14)
Lẽ cố nhiên nên rửa tay trước khi ăn, ngài chỉ dùng cơ hội đó để dạy không nên chú trọng vào hình thức để hóa thiển cận, hẹp hòi, mà đồng thời ngài cũng đưa chân lý sâu xa, là thức ăn (cái đi vào) không gây trở ngại đáng kể cho con người thật, mà chính cái đi ra là tư tưởng, lời nói, hành động mới ảnh hưởng, vì chúng gây ra nhân quả do thân, khẩu, ý. Có nhiều tâm tính tệ hại cho sự phát triển tâm linh bội phần hơn việc ăn thịt.
Thành ra, việc ăn thịt ở một giai đoạn tiến hóa tự nó không có tội hay là điều đáng trách. Do nhân quả và do luật trong trời đất, thịt vẫn là thức ăn đúng cách và thích hợp cho người. Theo luật thiên nhiên, loài dưới nuôi loài trên:
Kim thạch + nước nuôi thảo mộc
Thảo mộc + nước nuôi thú cầm
Thú cầm + nước nuôi loài người
Bây giờ thử nhìn khía cạnh bí truyền của chuyện:
Một số thiên thần có công tác là tạo nên thể sinh lực cho kim thạch, thảo mộc, thú cầm. Con người đã phạm lỗi lầm nghiêm trọng khi dùng thuốc lấy từ muối khoáng, vì như thế là trộn lẫn chất liệu thiên thần (nằm trong thể sinh lực) với chất liệu người, một điều không hề nằm trong cơ tiến hóa. Ăn thịt cũng gây ra chuyện này và bởi làn rung động của hai chất liệu không hòa nhau, nó có khuynh hướng gây rối rắm cho đường tiến hóa của thiên thần. Muối khoáng cần cho cơ thể, nếu lấy ở thảo mộc thay vì từ kim thạch, sẽ được tinh túy hơn và có dạng tiến bộ hơn.
Việc loài vật chuyển sang loài người cần xẩy ra ở cõi tình cảm và cõi trí, tức con người nên giúp chúng nẩy nở óc thông minh và tình cảm đẹp đẽ. Vì lẽ ấy mà về mặt bí truyền, thịt không nên dùng làm thức ăn cho người ở cõi trần. Với thảo mộc thì ngược lại, sự chuyển hóa của thảo mộc sang thú cầm cần xẩy ra ở cõi trần, nên phận sự của nó là làm thức ăn cho người. Mặt khác, nhân quả cũng là lý do để người ăn rau trái. Lý do gần gụi hơn cho việc ăn rau trái là ý muốn không gây đau khổ cho loài vật.
Một cớ thường được viện dẫn khi ăn rau trái là không muốn lấy sự sống ở loài vật, nhưng ăn rau trái không phải là lấy đi sự sống trong rau ư ? Quan điểm tâm linh nhìn sự việc khác hẳn. Trước hết sự sống không hề mất tuy hình thái có thể bị hủy diệt. Thứ hai, lấy đi sự sống ở các loài thấp có tầm quan trọng khác với người, vì con người tụ hội ba đặc tính thiêng liêng (là có thượng trí), nên không ai được phép can thiệp vào vận mạng con người, còn những loài khác chỉ tụ hội hai đặc tính (chưa có thượng trí) cách đối xử có thể khác.
Tóm lại, dựa vào chân lý bất biến, cái một người ăn và mặc sẽ rất khác biệt với quan điểm thông thường. Lại nữa, nếu cưng nhìn sự việc theo mặt tâm linh sẽ thấy mọi chuyện ăn khớp với nhau chặt chẽ. Thí dụ từ đây muốn đi Toronto, chắc chắn phải đi ngang qua Detroit. Đó là chuyện tất nhiên, là điều không thể tránh, dù muốn dù không cũng phải tới đó. Như vậy khi thông hiểu luật trời, sống thuận với nó và hướng nhãn quan vào phần tâm linh thay vì vật chất, tự động các thể sẽ đẹp đẽ thanh bai, làn rung động sẽ cao và nhịp nhàng, không cần để ý nó cũng xẩy ra. Đây là những kết quả tất yếu của việc ăn rau như việc Detroit - Toronto, và không nên coi nó là động lực hay mục tiêu cho việc ăn rau. Vật chất qui phục tinh thần, lo cho sự rung động của các thể chỉ mất công vô ích, nếu không có một đời sống trong sạch và một tâm hồn thanh khiết.
– Sao mấy bài trên PST nghiên cứu đạo mạo vậy hở Bo ? Nó làm em quýnh vì em không có giờ tìm tòi như vậy, có vẻ như em đi thụt lùi. Con đường của em khác, Bo à, lo cho ba đứa cũng hụt hơi, sáng thằng cu út có xe bus rước đầu ngõ, mà cũng bất mẹ nắm tay ra chờ xe trước cổng, xe tới leo lên mới cho mẹ đi. Trưa nó cũng bắt ra ngõ đón, cu cậu xuống xe thì hai mẹ con giung giăng giung giẻ về. Rổi chở hai đứa lớn đi học đàn, làm thiện nguyện, đi chợ, nấu cơm là hết ngày. Em chỉ đọc sách Talk Does Not Cook The Rice, cuốn đó giản dị nói trúng tim đen nên em chịu lắm.
– Mình ở Sài Gòn nhưng cần biết Huế, Hà Nội, Nepal ở đâu dù có thể không đi tới đó. Con người có nhu cầu xác định vị trí của mình, nên cỏn muốn biết vị trí địa cầu trong thái dương hệ, thái dương hệ trong ngân hà, và ngân hà trong vũ trụ. Bài trên PST cho thấy con đường truớc mặt, kế hoạch lâu dài, nó cho biết mình đứng chỗ nào trong thiên cơ, để chọn lựa việc thích hợp cho mình. Tức sự hiểu biết là bề ngang, thực hành là bề đứng. Cái nhìn có thể rộng nhưng không ai bị đòi hỏi làm hơn sức mình.
– Phải rồi, đọc cuốn trên em thích cái ý mình phải hiểu biết việc đời, càng hiểu biết càng đủ sức giải quyết những vấn đề gặp phải. Không sống trong tháp ngà mà phải sống trong cuộc đời, và trong cuộc đời mà không lệ thuộc vào nó (vol 2, p. 58). Khi dạy các con em nhớ chi chủng thứ sáu sắp ra đời, đức Di Lặc (đức Chúa) tái xuất hiện và mình đang bước vào tân kỷ nguyên, em thấy có thể góp phần vào những việc trên theo cách của mình. Em cũng đi đúng đường Bo hỉ.?
Tham khảo:
Esoteric Pschology, vol. I, A. Bailey
A Treatise on Cosmic Fire, “
Phụ lục: Những Nấc Thang Vàng
Một đời sống trong sạch,
Môt tinh thần cởi mở,
Một tâm hồn thanh khiết,
Một trí tuệ linh hoạt,
Một sự trực nhận tinh thần,
Một tình hữu ái với các bạn đồng môn,
Một lòng sẵn sàng nhận lấy và cho ra những lời khuyên bảo và huấn thị,
Một dạ trung thành với bậc Huấn Sư,
Một lòng quả quyết tuân theo mạng lệnh của Chân Lý khi chúng ta tin tưởng nơi bậc Huấn Sư,
và tin rằng Ngài nắm giữ chân lý ấy.
Một dạ dũng cảm chịu đựng bất công xẩy đến cho riêng mình,
Một sự mạnh dạn tuyên bố các tôn chỉ,
Một lòng can đảm biện hộ cho ai bị đối xử bất công,
Và hằng lưu tâm đến lý tưởng của sự tiến bộ và toàn thiện của nhân sinh
như khoa Minh Triết Bí Truyền mô tả.
Đây là những nấc thang vàng dẫn người học đạo tới đền Minh Triết Thiêng Liêng.
H.P. Blavatsky
….
Đại Nguyện
Từ tâm Ánh Sáng trong trí Thượng Đế
Xin cho ánh sáng tuôn thẳng vào trí người
Xin cho ánh sáng tràn lan địa cầu.
Từ tâm Thương Yêu trong tim Thượng Đế
Xin cho thương yêu tuôn thẳng vào tim người
Xin Đức Di Lặc (đức Chúa) giáng sinh
Từ trung tâm nơi Thiên Ý biểu lộ
Xin cho ý cao hướng dẫn ý người
Ý cao mà các Chân Sư biết và phụng sự.
Từ trung tâm mà con người phát xuất
Xin cho Thiên Cơ đầy thương yêu và Ánh Sáng tựu thành
Và xin nó đóng kín lối dẫn vào sự ác.
Xin Ánh Sáng, Tình Thương và Quyền Lực tái lập Thiên Cơ trên địa cầu.
The Great Invocation
From the point of Light within the mind of God
Let light stream forth into the minds of men
Let Light descend on Earth
From the point of Love within the heart of God
Let Love stream forth into the heart of men
May Christ return to Earth
From the centre where the Will of God is known
Let purpose guide the little wills of men
The purpose which the Masters know and serve.
From the centre where we call the race of men
Let the Plan of Love and Light work out
And may it seal the door where evil dwells
Let Light, Love and Power restore the Plan on Earth.
……………………………
PST 34
– Bo nè, tại sao các chân sư nhìn giống nhau quá vậy ? Coi hình trong sách của các tác giả Cyril Scott, David Arias và G Hodson, mình nhận được ngay các ngài là chân sư.
– Có nghĩa chân sư giống chân sư ?!
– Đúng vậy, ngắm hính tự nhiên trong tâm nẩy sinh lòng yêu kính, sùng mộ, vui vẻ hân hoan không lý do, thích gần gũi nhân vật như thế. Bo nói vậy là sao.
– Cưng trả lời rồi đó, nếu có một đích chung, một lý tưởng chung cho mọi người thì khi ai đạt tới, kết quả hữu lý là người ấy sẽ biểu lộ đặc tính của lý tưởng. Chúng ta mong chờ các bậc thánh nhân thể hiện những nét như từ ái, minh triết, dũng mãnh tinh thần. Chân sư là những người như vậy, nên điều dễ hiểu là các ngài có một số nét chung, nhưng các ngài cũng có nét riêng chứ.
– Có, chân sư M. cung 1 toát ra vẻ uy nghi, chân sư K.H. thuộc cung 2 lại đầy nét dịu hiền, và chân sư Jesus thuộc cung 6 có sự thăm thẳm kỳ bí của nhà huyền bí học. Nhưng em thích nhất là chân sự Serapis, có lẽ vì ngài làm việc với thiên thần mà em yêu thiên thần. Chỗ ở các ngài là Himalaya nhưng khoa học càng ngày càng tiến, ở đâu người ta cũng tới được, vậy có ngày nơi ấy sẽ bị khám phá chăng ?
– Không, lời giải thích là những nơi ấy được che dấu kỹ bằng nhiều cách. Vào cuối thế kỷ 19, có người đến gần nơi ấy nhưng cây cầu dẫn vào nơi đó xem ra yếu quá, khiến họ bỏ đi mà không tiếp tục vào. Đó chỉ là một trong những ảo ảnh để bảo vệ, không một người thường nào dù tiến bộ thế mấy, có thể dùng trí sắc bén xuyên thấu, Kết quả là không ai tìm, ra, thấy và đi vào mà không có phép của các ngài. Lúc này đây ở Lebanon không có đường vào trung tâm của đức Jesus, do đó những người hướng dẫn không biết để mang xe bus đầy du khách vào quấy rầy.
Cũng y vậy, không ai bay qua hay đi ngang qua sa mạc Gobi, lại thấy được phế tích dinh thự của Bạch Đảo trên biển Gobi ngày xưa. Nơi ẩn cư của các ngài được bảo vệ tới mức dụng cụ tối tân nhất thời nay và tương lai, đều sẽ thất bại trong việc tìm kiếm. Đó là nơi hoàn toàn bất khả xâm phạm. Ngay cả những đệ tử, các vị tiến hóa ở bậc nào đó, cũng không thể tới gặp các ngài ở nơi ẩn cư mà không có phép, sự xâm nhập vào khu vực bị tuyệt đối cấm hẳn.
Ảo ảnh nói ở trên xẩy ra do việc hướng ánh sáng đi nơi khác, một thủ thuật mà nhà yogi thành thạo làm được khiến họ trở thành vô hình. Thêm vào đó, nếu có mục đích chính đáng, chẳng những nhãn quang bị lừa mà ngay cả tâm trí cũng bị tác động, khiến người ngoài thấy, nghe và cảm xúc điều chi nhà yogi muốn. Nhưng việc này chỉ được phép làm vì lợi ích cho công chuyện chung mà thôi. Các trung tâm khác trên khắp địa cầu cũng được che chở y vậy, cùng với thể xác các ngài bằng phương pháp trên, để ngăn chặn việc gây rối cho hoạt động các ngài bất cứ lúc nào.
– Em đọc thấy có sự thay đổi trong thành phần nhân sự của Thiên Đoàn Hierachy, hai chân sư khởi xướng hội có còn tiếp tục với hội không ?
– Cưng nhớ câu mà khi xưa quả tim trẻ thơ của mình đập mạnh lúc mới vào hội không, ‘Bao lâu còn ba người trong hội xứng đáng với ân huệ của đức Thế Tôn, bấy lâu hội Theosophia còn tồn tại’. Thực tế cho thấy là có nhiều người như vậy, nên hội còn một tương lai hào hứng và vai trò quan trọng trong thế kỷ 21, cũng như hai chân sư vẫn còn đỡ đầu, đứng sau lưng hội trong lúc này.
– Câu đó em biết, mà em thích câu này hơn, ‘Mỗi người gia nhập hội đều do chân sư dẫn dắt, và khi ai vào hội ngài đều theo dõi’. Em hiểu là không ai có lòng thành mà bị lãng quên, và ai có ý muốn theo chân các ngài đều được nhận biết. Nhưng càng lớn em càng bớt trong trắng, lỡ chân sư nhìn vào tâm lúc này chắc em độn thổ. Tuy vậy cũng không đến nỗi nào, Bo đừng cười chứ.
Hồi nhỏ khác, Bo nhớ lúc mình vượt biển được tầu Clara Maersk vớt không ? Lúc đó Bo ngất rồi mà cả nhà lạc nhau, chỉ còn em với Bo phải đi cầu thang thòng xuống tầu Trường Xuân để sang tầu Đan Mạch. Sóng đánh làm cầu thang lắc lư dễ sợ, người ta chen lấn kinh khủng, em lại kiệt sức không làm sao dìu Bo đi, nên cầu nguyện chân sư cho có đủ sức lực, rồi cũng đem Bo lên được. Chưa hết. những lúc nguy cấp, lo lắng em đều thưa và cậy trông vào chân sư, lúc nào cũng được an ủi, kể để Bo rõ là với em, và chắc cũng với nhiều hội viên khác, chân sư là điều rất thật, thật tới nỗi em làm chuyện mắc cỡ hết sức.
Lúc đó em còn nhỏ lắm, tới lễ Wesak Phật Đản, nghe giảng trên hội là đức Phật sẽ hiện lúc trăng tròn, em đi khoe với trẻ con trong xóm chuyện ấy. Trí óc non nớt của em chấp nhận điều đó không thắc mắc, và bởi được làm quen với hội từ trong bụng mẹ, quan niệm về chân sư, lễ Wesak trở nên thân thuộc, lòng ngây thơ khiến em tưởng ai cũng nghĩ như mình. Dè đâu tụi bạn kể cho bố mẹ chúng nghe, người lớn gọi em vào hỏi chuyện đức Phật hiện, chừng đó em mới kinh ngạc thấy điều mình coi là tự nhiên, lại đầy vẻ lạ lùng với người khác. Nay hiểu biết hơn, em không tuyên bố ẩu nữa, nhưng lễ Wesakvẫn còn hằng năm phải không, và mục đích là gì ?
– Lễ vẫn còn được cử hành hằng nằm trong thung lũng ở Himalaya. Thời điểm ấy thuận tiện cho việc tuôn rải lực vũ trụ xuống địa cầu, nhưng bởi lực quá mạnh, nó cần được hạ xuống cho hợp với nhân loại để họ có thể tiếp nhận được. Đức Phật đóng vai trò tương tự như trạm biến điện, điện cao thế đi qua sẽ được giảm hiệu số điện thế, ngài giúp cho lực an toàn xuống con người, khiến cho nó có ảnh hưởng sâu rộng hơn, bằng cách để lực tuôn chảy xuyên qua ngài trước khi lan khắp địa cầu.
Nguyên tắc này giải thích tại sao mặt trăng là quả cầu chết. Không phải vì mặt trăng chẳng có gì nên loài người không sống được trên đó và bỏ đi, mà vì loài người không sống trên mặt trăng nên không một loài nào có thể tồn tại. Con người đóng vai trò trạm biến điện so với các loài thấp. Prana sinh lực vũ trụ đi vào con người được sử dụng, rồi khi thải ra nuôi dưỡng các loài thấp hơn. Con người bỏ đ khiến những loài khác không nhận được prana thích hợp, tàn lụi dần và mặt trăng chết.
Chuyện cũng cho thấy là luật ‘Trên sao dưới vậy’ áp dụng ở mọi cấp độ tiến hóa. Đức Phật lo cho con người thì tới phiên con người lo cho loài dưới mình, mà cũng vì vậy ăn rau trái được khuyến khích, vì trong đa số trường hợp, thói quen ăn thịt đã gây ra cách đối xử tàn bạo, độc ác với thú vật. Những ai muốn học hỏi chuyện tâm linh không thể là nguyên nhân gây đau đớn cho loài nào, theo tôn chỉ của đời sống tinh thần là vạn vật đồng nhất thể, mọi sinh vật đều chia sẻ chung một nguồn sống, và đó là mục đích đầu của hội.
– Các chân sư còn ở với hội, vậy câu nói là mỗi hội viên được nối kết với ngài về mặt tâm thức còn đúng không ?
– Sự việc không thay đổi, thấy rõ nhất trong các buổi họp của hội viên có ngài hiện diện. Việc này xẩy ra rất thường và khi ấy, từ tâm mỗi người trong buổi họp có sợi dây vàng nối liền đến ngài; nhưng chuyện đó không có gì là đặc biệt, và không phải chỉ hội viên hội Theosophia mới có. Tín đồ các tôn giáo hay thành viên một nhóm tinh thần, đều được nối kết với vị giáo chủ hay người đứng đầu nhóm.
– Trở lại câu đầu, tại sao khi ngắm hình chân sư em lại thấy hân hoan, tâm hồn mở rộng, tràn ngập niềm vui không lý do ?
– Đó là sự giao cảm giữa hai linh hồn có chung thiên tính. Theo luật đồng thanh tương ứng, tính trọn lành nơi chân sư gợi dậy tính trọn lành còn tiềm ẩn trong người cưng, linh hồn già dặn lên tiếng và linh hồn trẻ hơn đáp lại, sung sướng vì gặp được cái giống nó. Còn sự mở rộng rất đáng nói, chân sư đại diện cho điều mà cưng sẽ trở thành, tức đẹp đẽ, uy nghi, minh triết, nhìn vào các ngài cưng thấy tương lai của mình, cái mẫu mực có thể đạt tới được. Đó là dấu hiệu đi đúng hướng, vì khi gần một nhân vật mà ta cảm thấy mình trở nên cao đẹp hơn cái tôi bình thường, dưới ảnh hưởng vị đó ta được nâng cao về mặt tâm linh dù chỉ ngắn ngủi, thì đó là ảnh hưởng của chánh đạo.
Chánh đạo dưới hình thức nào cũng cho con người một viễn ảnh rộng lớn, cao đẹp hơn cái tôi hiện tại, mà không tìm cách chế ngự, khống trị làm con người hèn mọn đi. Đặc tính nâng cao, mở rộng là của chánh đạo, và cưng có thể dùng nó làm thước đo để phân biệt các hội đoàn. Đức Chúa phán là nếu được nâng lên cõi Trời, ngài sẽ mang mọi người cùng lên với ngài, và lời nguyện của vị Bồ Tát là xả thân để mang tất cả chúng sinh vào Niết Bàn. Người càng tiến xa chừng nào, càng có tâm mở rộng bao trùm kẻ khác, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vì hào quang người ấy càng ngày càng tăng đường bán kính, bao phủ nhiều hơn, đem thêm nhiều người vào tầm ảnh hưởng của mình, và sau rốt là mang tất cả chúng sinh vào tâm.
– Theo em hiểu, ý tưởng chân sư luôn luôn đi kèm với phụng sự, vì các ngài đều là người phụng sự, nhưng việc trình bầy sự hiện hữu của chân sư có thể làm óc sùng tín lớn mạnh, khiến người ta hướng về cá nhân ngài hơn là cái lý tưởng thành cộng tác viên với các ngài trong việc giúp đời. Kết quả có khi bất lợi.
– Khó mà nói, vì lòng sùng tín là một động lực rất mạnh làm được việc hữu ích nếu biết cách sử dụng, mà cũng có thể sinh ra chuyện đáng tiếc cho người thiếu óc phân biện. Bất lợi ấy có thể giảm bớt khi mục đích của hội được nhận rõ cùng những điều kiện để tới gần các ngài.
– Bo nhắc lại đi, em còn còn nhớ nhưng em muốn biết thêm. Dạy tụi nhỏ buồn cười lắm Bo à. Em cho ba đứa học Dưới Chân Thầy, bảo là khi phải quyết định việc làm thì tự hỏi chân sư sẽ xử trí ra sao. Con Thư 6 tuổi đáp liền, ‘Nhưng mà tụi nó thụi con thì con get mad, và thụi lại thì ngay thì con feel better !’ Con bé này dạn nhất trong ba đứa mà cũng ngoan lắm. Tánh yêu thiên nhiên nên nó đáp ứng ngay với các chuyện về thiên thần. Lứa tuổi này cần được làm quen với những lý tưởng đẹp đẽ, để có ấn tượng thuận lợi về sau.
– Có thể trình bầy nhiều cách về mục đích của hội và sự hiện hữu của chân sư.
● Hội được thành lập để nói về chân lý hay MTTL. Ở dạng phổ quát chân lý ấy là tình huynh đệ đại đồng, ở mức thâm diệu hơn nó là đường đạo. Đường đạo là đường duy nhất mang lại hạnh phúc, nên ai biết nó thì phải trình bầy bằng lời trong sáng, dẫn dụ con người lưu tâm vào đường đạo. Nó cũng là tôn giáo của thời đại mới.
● Sự liên hệ giữa hội viên và chân sư giống như giữa vị tướng và quân lính trong đạo binh. Ta có sự ngưỡng mộ, hạ mình, sùng kính, hiến dâng, mà đồng thời cũng ý thức mình là kẻ hợp tác với ngài, đóng một vai trò trong bộ máy quân sự và trong chiến dịch, có hiểu biết về vị trí cao cả của ngài ,mà cũng có một cảm tưởng về sự đồng tâm trong mục đích, cùng chia sẻ nguy hiểm.
Nhưng điều quan hệ hơn hết là chân sư phản ảnh con người thật trong mỗi chúng ta, cái là ánh sáng và quyền uy trong hồn, là Thượng Đế nội tâm của mỗi người. Hiện giờ cũng như cách đây gần 150 năm, các chân sư tiếp tục xác nhận là đối với người chí nguyện sốt sắng và hoàn toàn xả kỷ, con đường dẫn đến các ngài không hề đóng. Chân sư vẫn đứng chờ, sẵn sàng đón nhận ai thành tâm leo lên Những Nấc Thang Vàng, và chưa hề có ai thật lòng, mà bị bỏ sót.
Mối tương quan giữa việc quảng bá về đường đạo và hội, nằm ở chỗ đường đạo là con tim bơm sinh lực cho hội, là tinh thần hướng dẫn hội theo đúng nghĩa đen. Hội sẽ gần như không tồn tại nữa, nếu ý tưởng về đường đạo bị quên lãng, và nên nhớ việc con người có tự do ý chí cũng như tự do tư tưởng, là điểm chính yếu của hội. Các chân sư phải tùy theo phản ứng của tự do ý chí đó mà sắp đặt công việc, và không can thiệp hay ảnh hưởng quyết định của một ai hay phe nhóm nào. Tuy nhiên các ngài dàn xếp sao cho sự trợ giúp luôn luôn sẵn có.
– Em cho là lòng sùng tín nhắm vào người tây phương hơn, vì chủ nghĩa cá nhân mạnh trong đời sống của họ, bài học quên mình vì thế được nhấn mạnh; người đông phương do bản chất và văn hóa, đã có thói quen hướng thượng và tuân phục bậc giác ngộ, trình bầy đường đạo có thể gây ra ảo tưởng là trung thành rất mực với cá nhân vị chân sư, thì sẽ bước vào đường đạo. Làm cách nào để chữa lại quan niệm đó ?
– Có hai bước. Thứ nhất là mở trí và tánh phân biện cần giải thích là để phụng sự hữu hiệu, con người phải mở mang cái trí, và nhân loại ngày càng tiến hóa thì điều kiện để vào cửa đạo càng cao. Lòng sùng tín không chưa đủ, vì chân sư đi tìm người cộng tác mà không tìm người chưa trưởng thành, và nhất là trong hàng ngũ các ngài không có kẻ cuồng tín. Vị chân sư hoạt động ở cõi trí trở lên, ở ba cảnh trừu tượng của cõi trí, nên muốn gặp và hợp tác với các ngài, ta phải có khả năng sinh hoạt ở đó, tức phát triển óc suy nghĩ trừu tượng, lý luận. Bằng không, nếu chỉ dựa vào tình cảm nồng nàn, xúc động mãnh liệt là ta chỉ bước vào cõi trung giới, cõi ảo mộng và bị lừa dễ dàng.
Thứ hai là trung thành với lý tưởng nhân ái. Việc đọc thánh ngữ khi thiền là nhắc nhở về lý tưởng ấy, vì chữ Aum có nghĩa ‘Tôi là một với vũ trụ, và vũ trụ là một với tôi’. Với lòng tận tụy, việc làm và đời sống của người muốn giúp đời cần trọn vẹn hướng về nhân loại, càng quên chân sư trong việc phụng sự, ta càng gần và trở nên giống chân sư hơn, và đó là cách chắc chắn nhất để gặp ngài.
Tham khảo:
The Vision of the Nazarene - Cyril Scott
Through the Eyes of the Masters - David Anrias
Light of the Sanctuary - G. Hodson