1001 CHUYỆN #40

1001 Chuyện

 

 

– Hai chữ ‘tâm linh - psychic’ và ‘tinh thần’ có đồng nghĩa không Bo, chúng khác nhau ra sao ?
– Ạ, đó là hai chuyện khác hẳn nhau, cưng đừng nhầm lẫn. Khi người ta dùng chữ tâm linh thì điều họ muốn nói là chuyện xẩy ra, hay quan sát thấy ở những cõi hiện tượng mà vô hình đối với ta, là cõi trung giới và cõi hạ trí sắc tướng rupa (khác với cõi thượng trí vô sắc tướng arupa). Hai cảnh giới này khác hẳn với những cõi tinh thần vô sắc tướng ở cao hơn (cõi thượng trí, bồ đề), nhưng bởi những cõi cao hơn cõi trần đều vô hình với người thường, nên quan niệm chung không phân biệt cõi vô hình mà có sắc tướng hay hiện tượng, với những cõi vô hình vô sắc tướng, và gộp chung gọi tất cả là tâm linh. Trong khi đó, quan niệm đúng là chữ tâm linh áp dụng cho những cõi hiện tượng, và chữ tinh thần hay tâm linh cao dùng để chỉ những cõi bên trên đó.
– Thế khả năng tâm linh khác với khả năng tinh thần ra sao ?
– Muốn hiểu thì cần biết về tính chất, cách làm việc ở những cõi. Nơi cõi tâm linh đại đa số người hoạt động theo cách chủ thể quan sát khách thể, có sự phân biệt rõ rệt giữa người và vật được xem xét, tức người đứng ngoài nhìn ngắm vật theo quan điểm của mình. Vật là vật, người là người và trí năng được sử dụng. Chuyện khác hẳn nơi cõi tinh thần, ở đây không còn ta hay vật, chủ hay khách mà tất cả hòa hợp làm một với nhau, thành ‘LÀ’. Cái nhìn như vậy hóa ra mênh mang không thể diễn tả mà chỉ có thể chứng nghiệm, vì đó là sự trở thành và không lời nào hay cách nào chuyên chở, mô tả được đủ. Thí dụ cưng tả hương vị của trái vú sữa cho người Mỹ nghe thì nhiều phần là không thành công, họ không mường tượng ra nó như thế nào mà phải thực sự ăn vú sữa mới biết.
Chuyện tinh thần cũng vậy, tới một mức nào đó thì ngôn từ, chữ viết thành vô dụng mà mỗi người phải phát triển khả năng để tự mình chứng nghiệm. Bởi kinh nghiệm có được là do sự hòa hợp, cưng không còn bị giới hạn như ở cõi tâm linh mà nay thấu suốt, cảm biết được mọi mặt của một chuyện, thấy sự vật như nó đich thị là mà không phải như nó là so sánh với điều khác.
– Em không hiểu.
– Như vầy, ở những cõi thấp tâm thức luôn luôn có sự so sánh do phân biệt, người quan sát đứng ngoài nhìn vào đối tượng. Khi nhìn một ai, thường là nhìn bề ngoài, cái trí lập tức nhận xét họ cao thấp, già trẻ, mập ốm ra sao v.v. và ý tưởng mình có về họ bị sai lệch phần nào do việc so sánh ấy. Chính vì sự sai lệch này mà ý niệm công bằng khiến tiếng Anh có câu:
– Put oneself in someone else's shoes
(Đặt mình vào hoàn cảnh của người khác).
Chắc chắn các ngôn ngữ khác cũng có câu tương tự. Đó là lời khuyên có sự thông cảm mà đi xa hơn là sự hòa hợp tinh thần. Cưng để ý chữ ‘tinh thần’, sự hòa hợp nói tới đây là giữa hai phần tinh thần của ta và của người, là tính chất của Chân ngã nơi cõi của nó, mà không phải là sự hòa hợp của tình cảm hay hạ trí. Các Chân ngã hòa hợp làm một với nhau, và từ sự hòa hợp đó mà cưng có nhận xét chính xác về sự việc, do nay không còn bị bề ngoài, hoàn cảnh chi phối. Tức là nhìn sự vật không theo một tương quan gì nữa, mà nhìn như nó ‘là’ trong sự sống.
Theo cách đó, cưng sẽ thấy mọi người, mọi vật đều là linh hồn đang trên thang tiến hóa, có người đi trước và có kẻ đi sau. Ai chưa khôn ngoan là linh hồn còn trẻ, ai phạm lỗi lầm thì linh hồn gặp khó khăn phải điều chỉnh. Khi nhìn ra rằng tất cả đều là linh hồn đang miệt mài, mải miết đi tới, nỗ lực gắng bước theo cách riêng của mỗi ai, thì người ta không còn gì khác ngoài tình thương trong lòng, bởi nay họ thấy rõ sự thực nằm sau bề ngoài và không còn gì chia rẽ để tranh dành, đố kỵ nhau.
Sự hòa hợp tinh thần làm mở rộng tâm thức tới vô biên, con người mình hóa ra mênh mang, ‘là’ tất cả. Đây lại là một điểm khác với kinh nghiệm tâm linh. Như đã nói, chữ ‘tâm linh’ chỉ các cõi sắc tướng nên đặc điểm là nhị nguyên, có ta và người, có hiện tượng và kẻ quan sát ở ngoài hiện tượng ấy, hơn là nhất nguyên, là ‘Một’.
– Nghĩa là khi nói đến hiện tượng thì mình có thể đoán nhiều phần trúng đó là chuyện xẩy ra ở cõi thấp ?
– Phải rồi, bất kể người thuật có thể phản đối hay cải chính thế nào. Chuyện kể đại khái là vì Tôn Ngộ Không … khỉ quá, phá phách quá, thiên đình chịu không thấu nên Phật Tổ vươn tay ra giữ lại trong lòng bàn tay ngài. Tôn Ngộ Không nhẩy nhót một hồi, thấy không còn bị cầm giữ ở nơi tù túng nữa mà nay thoát ra ngoài đất trời thênh thang, bèn hứng chí đi ngao du khắp nơi. Mãi mãi thỏa lòng rồi, Tôn Ngộ Không chống gậy Như Ý đứng nghỉ, nhìn chung quanh và kinh ngạc. Bởi sau khi đi khắp bốn bể năm châu, qua biết bao dặm đường đất, núi non đồng ruộng, tưởng đã thoát khỏi bàn tay Phật Tổ mà nay nhìn lại, Tôn Ngộ Không thấy mình vẫn còn lọt thỏm trong bàn tay ngài, hóa ra cảm tưởng mênh mang lồng lộng chỉ là huyễn ảo, và thực tại vẫn là ‘kiến trong miệng chén có bò đi đâu’…
– Tôn Ngộ Không bay nhẩy thì dính dáng chi tới điều mình đang nói ?
– Khoan, chưa hết mà. Mình đem chuyện Tôn Ngộ Không làm ví dụ vì có người kể rằng nhờ ma túy, nhờ chất này, chất kia họ xuất hồn đi tới nơi xa thẳm trong vũ trụ, tới ngân hà tít mù khơi v.v. Thực tế là những ngôi sao, hành tinh lạ mà họ cho rằng đã tới viếng thì vẫn còn nằm trong cõi tâm linh của trái đất. Tính chất của cõi tình cảm là huyễn mộng, lầm lạc, những gì thấy ở đó chưa hẳn là sự thực như họ tưởng.
– Nghĩa là họ cũng vẫn còn loanh quanh trong cõi tâm linh ?
– Lúc này sự phát triển của khoa học lớn lao tới mức mình có thể nghĩ là nó vô tận không có điểm cùng, nhưng bởi hạ trí làm việc ở cõi hiện tượng, sẽ tới lúc mà nay có người nhận ra rồi, là tự nó, chỉ một mình nó sẽ không đưa con người đi xa tới mức họ muốn. Cái trí cụ thể có giới hạn của nó mà muốn đi xa hơn, người ta sẽ phải dùng quan năng khác là trực giác. Đó là kết quả của sự hòa hợp, là trạng thái ‘LÀ’ mà mình nói tới.
Một trong các đặc điểm của trực giác là người ta thấy ngay, chấp nhận mà không thắc mắc, vì họ ‘là’, biết mình ‘là’ một không có gì phải nghi ngờ, điều nhận biết và người nhận biết là một, không có phân ranh.
– Cũng về hiện tượng thì hội làm gì với mục đích thứ ba ?
– Chuyện này lý thú và mình phải nói hơi dài một chút. Sự kiện là hội không có làm gì về việc nghiên cứu những quyền năng tâm linh của con người, tuy đó là một trong ba mục đích của hội. Rồi còn có thể nói là việc nghiên cứu ấy được chính những thành viên cao cấp trong hội, những ai có thế lực lớn khuyến cáo đừng làm. Nghe thật nghịch lý, và tại sao ?
Lịch sử của hội cho thấy là có diễn trình tiến hóa dần lên những cõi cao hơn, và diễn trình này cũng thấy song song nơi nhiều cá nhân hội viên. Đầu tiên, đề nghị lập hội được đưa ra trong buổi họp nghiên cứu các hiện tượng tâm linh, và nhiều hội viên đầu tiên là người tích cực theo Thông linh học Spiritualism. Hội đi qua giai đoạn này rất nhanh, với tiếp theo đó là khoảng diễn giải triết lý nhằm làm sáng tỏ tôn giáo, khoa học, qua việc xuất bản bộ hai quyển Isis Unveiled của HPB. Đây là thời gian cho công việc chuẩn bị, và nhiều hiện tượng được HPB tạo ra để chứng tỏ về đời sống huyền bí và những luật thiên nhiên chưa được biết tới.
Sau đó hai vị sáng lập rời Hoa Kỳ đi qua Ấn Độ, và hội bước vào lãnh vực lớn hơn là diễn giảng trực tiếp Theosophy với sự giúp đỡ của các Chân Sư. Hai quyển sách The Occult World và Esoteric Buddhism của ông Sinnett làm tây phương bắt đầu chú ý đến MTTL. Hội cung cấp cho nhu cầu ngày càng tăng về hiểu biết triết lý và tôn giáo, đặc biệt là các kho tàng minh triết đông phương. Tạp chí The Theosophist, The Path, Le Lotus Bleu theo nhau được thành lập.
Kế tiếp là phong trào quảng bá MTTL qua bài viết, sách vở, tài liệu. Mặt trí tuệ được nhấn mạnh cùng với đạo đức và tinh thần. Phần hiện tượng được giảm bớt hẳn, mà nay có nhấn mạnh về việc phát triển tinh thần đích thực, hơn là bất cứ hình thức nào về tâm linh. Cùng với việc hội tăng trưởng, hội viên được vạch ra cho thấy tầm quan trọng của hiểu biết, kỷ luật trong nội tâm, và công việc bên ngoài của hội cho mục đích cải thiện nhân loại, qua nhận thức đúng đắn về Karma và luật Tái Sinh, như là động cơ lớn lao để cải hóa.
Dần dần, sách vở ngày càng có thêm hơn và phần lớn công việc của hội là phổ biến, quảng bá MTTL dưới nhiều hình thức, cấp độ, giảng dạy để nâng cao hội viên và công chúng. Ta có thể nói hội bắt đầu với việc nghiên cứu các hiện tượng, tiến dần qua mặt trí tuệ rồi có chú tâm tinh thần vào sự hợp nhất trí năng với lòng tận tụy, để kiên trì nỗ lực đưa nhân loại lên mức cao hơn.
Như đã nói, tiến trình này diễn ra song song nơi cá nhân. Nhiều người chán ngán với thuyết duy vật hay Thông linh học, và khát khao một triết lý không thấy có trong Thông linh học, họ gặp được MTTL vả cảm thấy thích thú, tỉnh ngộ, được thỏa mãn với những điều học được. Sách vở MTTL làm sáng tỏ hai điều về chuyện tâm linh:
– Thứ nhất, bản chất thực sự của hiện tượng tâm linh và các luật.
– Thứ hai, chúng tương đối thấp hơn những việc thuộc về tinh thần.
Thí dụ Theosophy cho thấy rằng
– Chuyện tâm linh có tính gạt gẫm, ảo mộng, không có lợi, thường gây hại và không hề an toàn,
– Người ta không thể theo đuổi nó đúng cách nếu không có người hướng dẫn rành rẽ, là điều nói chung không thể có được trong xã hội ta đang sống.
MTTL cũng vạch ra là mục đích thật của con người là sự hợp nhất của Manas hay trí năng với Buddhi (Bồ Đề tâm), nghĩa là chuyển biến phàm tánh thành thiêng liêng. Khi được vậy rồi thì con người có thể bước vào cõi tâm linh, hiểu và làm chủ được nó. Các vị thầy dạy rằng ta phải từ trên cao bước vào cõi tâm linh mà không phải từ dưới thấp đi lên cõi ấy, thế nên hao tổn năng lực và thời gian để theo đuổi chuyện thấp thì không có lợi bằng việc dùng chúng cho chuyện cao hơn; và chót hết đi theo tiến trình mà ai đã biết và chỉ lại cho ta thì đúng cách, an toàn, cho kết quả.
Nói thêm thì quan sát cho nhận xét là quan tâm về chuyện tâm linh giảm đi, khi có chú ý nhiều hơn về sự tăng trưởng tinh thần. Ai càng lúc càng chú trọng vào những đề tài cao thì bớt để ý dần tới chuyện thấp. Cái lớn thế chỗ cái nhỏ hơn. Chẳng những bản chất của các đề tài là vậy mà còn do sự thỏa mãn người ta cảm thấy với điều trước, một khi ai thực sự thỏa mãn với nó thì không chịu từ bỏ sự mãn nguyện ấy để đổi lấy chuyện sau. Người ta nhận ra sự kiện là khi học viên theo đường lối đề nghị để học hỏi và cảm nhận nhiều hơn về triết lý tinh thần, họ bớt để ý tới hiện tượng.
Ngày nay trong việc làm của hội, hiện tượng được xếp xuống hàng thứ yếu, không được chú ý tới nữa. Hiện tượng có giá trị của nó khi cần nêu ra chứng cớ, và chúng được làm ra cho mục tiêu trong những ngày đầu hội mới thành lập, nhưng rồi HPB loại bỏ việc ấy khi mục tiêu đã đạt và hội cũng làm thế.  Hai mục đích đầu của hội nay che lấp mục đích thứ ba, như chuyện xẩy ra cho trường hợp cá nhân. Không mấy ai còn tới hội để hỏi về việc mở thông nhãn hay xuất hồn, hay chuyện tâm linh; và nếu có ai hỏi thì câu đáp là có điều khác quan trọng nhiều hơn các khả năng tâm linh, điều mà họ nên gát qua bên sự tập luyện để có các khả năng ấy, điều mà có giá trị trường cửu và trội hơn. Nói vắn tắt là người ta hãy làm cho mình thích hợp với khả năng, và tới đúng ngày giờ thì khả năng sẽ đến.
Có lẽ sau khi làm thế giới chú ý đến chuyện tâm linh, cõi tâm linh, nay hội lui bước mà để khoa học và khoa học gia tìm tòi thay vì chính hội làm vậy. Mặt khác, khoa học có thể làm việc nghiên cứu giỏi giang hơn là hội, còn hội chú tâm vào việc giảng dạy rõ rệt hơn về triết lý là điều nó làm giỏi hơn ai khác. Tuy hội không làm gì trực tiếp cho việc học hỏi chuyện tâm linh, nhưng nó làm nhiều cho việc đặt ra nguyên tắc, làm cho việc học tâm linh hữu hiệu hơn bên ngoài phạm vi hội.
Có hai cách để hiểu chữ ‘nghiên cứu’, hoặc nó có nghĩa là sự nghiên cứu, thí nghiệm thực sự mặt vật chất, hay là việc tìm hiểu triết lý và những luật chi phối hiện tượng. Ta không làm điều trước, vì triết lý mà HPB đưa ra cho biết có sự nguy hiểm khi làm vậy với ai thí nghiệm, và kinh nghiệm đã hỗ trợ quan điểm mà bà nêu ra. Nó nói rằng sự nghiên cứu cõi tâm linh chỉ có lợi khi trước hết ta có dụng cụ, và kế tiếp có tư cách - là lòng thanh khiết và đức tính -, nếu không có những điều này thì không thể nào có được việc nghiên cứu đúng đắn có tính thực tiễn.
Dụng cụ cần thiết cho hoạt động này không phải là máy móc, rồi cõi sinh hoạt của nó thì đầy tối tăm và huyễn mộng; các đồng tử, người có thông nhãn, ai có khả năng tâm linh, tất cả (trừ những ai thực sự biết) đều không ý thức nguồn của hiện tượng ở đâu mà ra, hay ý nghĩa của chúng khi chúng đến. Họ cho giải thích khác nhau về cùng một việc và thường nói ngược nhau. Trong hầu như tất cả trường hợp, người không nhậy cảm làm thí nghiệm lẫn người có thông nhãn và người có khả năng tâm linh, cả ba ai cũng không biết gì về cõi mà họ bước vào, và trong nhiều trường hợp họ phủ nhận lời giải thích hiển nhiên mà ai đã học hỏi triết lý biết là đúng thực.
Nói thêm về hội, ngay từ lúc ban đầu nó đã không quan tâm đến việc gọi là nghiên cứu thực tế các hiện tượng. Hiện tượng mà HPB làm là của riêng bà mà không phải là của hội, và sau bà thì không có ai khác làm, tuy phải nói thêm là sau HPB không ai có khả năng để làm như bà, và HPB vẫn được xem là nhà huyền bí học tài giỏi nhất của thế kỷ 19. Như bà nói, hiển nhiên bà có mục đích và lý do rõ rệt để làm các hiện tượng của mình. Nó là để khiến người ta chú ý, và cho thấy một loại hiện tượng khác với những gì đáng buồn mà thuật đồng bóng thường làm đã lâu.
Nhiều trường hợp trong thuật đồng bóng chứng tỏ người ta gặp các nguy hiểm lớn lao, khi tiếp xúc với những lực thuộc về các cõi khác trước khi họ sẵn sàng trong nội tâm. Trải qua bao thời đại, bậc khôn ngoan đã dạy rằng lòng ao ước của ai muốn thấy hiện tượng, muốn biết làm sao tạo ra chúng, thì không phải là lý do tốt để thuận theo ước muốn ấy.
Tới thời đại của HPB, bà nói ý thức đạo đức, triết lý phải được chuẩn bị đầy đủ và phải có trước, cho tăng trưởng mới sẽ tới dưới dạng là các khả năng tâm linh, vì nếu chúng được cho phép phát triển vào lúc nhân loại còn ích kỷ và yếu kém đạo đức như trong nền văn minh hiện nay, các khả năng ấy sẽ trở thành hiểm họa và là niềm kinh hoàng, thay vì là ân phước.
Dầu vậy, còn một loại nghiên cứu khác mà ta có thể làm nhiều về nó. Triết lý MTTL sẵn có của ta giải thích các sự kiện, và cho thấy rõ ràng vì sao các đức tính và cá tính tốt lành phải được phát triển, chứng tỏ trước là ta sẵn sàng để chạm vào những lực tâm linh trong thực tế. Cùng lúc ấy, khi phân tích kỹ bản chất đa dạng của con người, sự hiểu biết đó có khuynh hướng ngăn chặn và gạt qua bên hết các mê tín dị đoan mà nhiều hiện tượng tâm linh hằng ngày đưa ra. Phương pháp sau này là cách đúng và nên theo hơn là cách trước.
Đó là một chuyện về mục đích thứ ba, mà còn nhiều chuyện khác cũng đáng nói về việc hội được thành lập năm 1875.
– Số dách, nói hết nghe đi Bo, em vểnh tai đây ! Tới năm 1975 thì nỗ lực tương tự cho phần tư cuối của thế kỷ là gì ?
– Nhiều người tin rằng đó là sự truyền bá của Phật giáo Tây Tạng sang phương tây. Nhưng trở lại hội, luật động và phản động trong cơ học cho vật thể cõi trần cũng áp dụng cho trí năng và các lực, nên khi một động lực tinh thần đưa ra là thành lập hội Theosophy để quảng bá MTTL thì sẽ có phản lực, và các Vị khởi xướng phải cân nhắc sao cho lực phản động không làm hư hết công trình  đã được xây dựng. Sự việc là khi tuôn một lực lớn vào cõi trí, hệ quả là có phản ứng với mê tín dị đoan, và điều xấu đủ loại xẩy ra có thể phá hủy mọi việc.
Việc lập hội là nỗ lực của để giúp sự phát triển tâm linh và tinh thần cho con người. Nếu dùng quá nhiều lực, đông người chưa sẵn sàng - theo nghĩa ý thức đạo đức chưa phát triển đầy đủ - sẽ áp dụng các triết lý đưa ra theo hướng ích kỷ cho thương mại và các việc khác. Đó là một phần của lý do mà về sau HPB không còn làm hiện tượng nữa, tuy bà vẫn tiếp tục làm trong vòng thân hữu khi cần, như ta đọc trong hồi ký của những cộng tác viên, thí dụ là Bertram Keightley.
Điểm khác là mọi việc diễn biến theo luật chu kỳ, và việc hội được sinh ra cũng bị luật này quản trị. HPB hay nói với người làm việc thân cận với bà, rằng phần việc được các Chân Sư và huyền bí gia nói chung thực hiện trong phần tư cuối của một thế kỷ, là việc làm cho công chúng - public work, hay công việc được làm tới mức công khai có thể được, theo thời đại và mức hiểu biết của con người mà họ tiếp xúc. Cùng lúc đó và trong mọi lúc khác, các vị còn làm việc với những cá nhân.
Nói khác đi, điều kiện ở cõi tâm linh trong phần tư cuối của thế kỷ cho phép có việc làm với khối đông người, sau giai đoạn này công việc bị giới  hạn ít nhiều vào số nhỏ hơn. Ấy là vì thời điểm đó tựa như mùa xuân của chu kỳ, khi khuynh hướng tốt và xấu và các thay đổi mau lẹ xuất hiện, ùa tới. Nhưng luôn có những nỗ lực tạo một nhóm có thể sinh hoạt, tiếp tục công việc theo đường lối nguyên thủy từ thế kỷ này sang thế kỷ sau.
Khi ta dùng chữ ‘nhóm’, nó không bắt buộc đó là một tổ chức thành hình rõ rệt, có trụ sở, có nhân viên, mà ngụ ý là người chí nguyện nói chung, và chữ gọi chung họ là nhóm mới những người phụng sự thế giới - New Group of World Servers.
Trở lại với hội, HPB nói rằng lực đưa ra lúc ban đầu mạnh đủ cho thế giới lưu tâm đến MTTL lâu sang thế kỷ tiếp đó (thế kỷ 20), và đưa thí dụ như khi xe lửa chạy hết tốc lực rồi tắt máy hơi nước, con tầu vẫn còn trớn và tiếp tục chạy một quãng đường dài nữa nếu ta để yên. Trên thực tế, lực không mất đi sau phần tư cuối của thế kỷ mà trái lại, nay nỗ lực là giáo dục những ai có thể duy trì tinh thần của Theosophy và tiếp xúc với các Chân Sư, từ lúc có sự chấm dứt việc làm giữa công chúng lần này tới khi chu kỳ trở lại trong thế kỷ sau và có nỗ lực kế.
HPB nói đây là ý nghĩa của câu sau:
– Khi còn ba người xứng đáng thì hội Theosophy còn mãi.
Sang thế kỷ 21, có người hỏi bà Dora Kunz các Chân Sư còn ở với hội hay chăng, bà đáp đại ý là bao lâu hội viên còn thiết tha với mục đích ban đầu thì bấy lâu các ngài còn lưu tâm đến hội. Ý chính là vậy, còn thì mình cần nhớ là các ngài làm việc theo luật, tuân theo luật chu kỳ, và có giai đoạn làm được nhiều việc vì bầu không khí tâm linh khi ấy thuận tiện, khi khác nó không thuận tiện bằng và tương đối có ít chuyện thấy được ngoài bề mặt. Hiểu như vậy thì mọi việc hóa rõ ràng.
– Bà Dora có nói gì về thiên thần ở thành phố không ? Các ngài làm việc nhiều với thiên nhiên, vậy ở thành phố có ít thiên nhiên thì các ngài thất nghiệp hay sao ?
– À, chuyện rất ngộ. Thành phố có chùa, nhà thờ thì có thiên thần về tôn giáo; có nhạc viện để thiên thần về âm nhạc bận rộn, đâu có thiếu việc cho ngài làm. Khi đi nghe hòa nhạc, thưởng thức nhạc, người ta mở lòng mình đón nhận ảnh hưởng sáng tạo của thế giới thiên thần, cố gắng vươn tới mức sáng tạo của các vị ấy dù ta có ý thức hay không. Bà đưa ý kiến là khi ấy, chẳng những mình chú tâm nghe nhạc mà cũng nên đạt tới sự hòa hợp sâu xa, mở rộng tâm tình với thiên thần thì có thể kinh nghiệm phần nào sự hòa hợp ấy trong tâm.
Nhưng trước hết mình cần biết về đặc tính của các ngài. Bà Dora Kunz giải thích rằng thiên thần làm việc với lực nên có quan điểm khác hẳn con người. Thí dụ khi gặp một ai, mình sẽ nhìn vào mặt, mắt của họ, rồi nhìn y phục để có một ý niệm về họ, nghĩa là nhìn bề ngoài, hình thể; còn thiên thần không làm như vậy. Các ngài nhận biết đầu tiên năng lực của người ở nhiều mức khác nhau như sinh lực, tình cảm, rồi từ đó có thể trong tích tắc biết họ đang vui hay buồn, và có bệnh gì không. Nhưng đó là nói theo suy luận của người, mà không chắc thiên thần làm vậy.
Bà lấy thành phố New York làm thí dụ cho cách thiên thần hoạt động. New York được chọn vì đó là thành phố lớn, hơn tám triệu người, và thực tế là có nhiều tội phạm, bạo động, tình cảm dữ dội bung ra nơi ấy. Vị thiên thần chủ trì thành phố New York sẽ tìm cách giữ cho quân bằng giữa tình cảm tích cực và tiêu cực; ngài thu thập cái trước, dùng chúng như là kho dự trữ năng lực cho sự cân bằng này. Ngài có tâm thức bao trọn thành phố ở nhiều mức độ từ cõi tình cảm đi lên, nghĩa là mọi cảm xúc của người tuôn ra nằm trong hào quang của ngài và do vậy, ngài có liên hệ chặt chẽ với con người nơi ấy. Ngài không ngừng duy trì sự cân bằng này, và con người có thể phụ với thiên thần.
– Hay quá. Em ghi tên làm thiện nguyện ngay.
– Ấy là cố gắng có ý thông cảm, hòa hợp trong tâm, mà không cần việc chi vĩ đại. Chẳng hạn không cần tìm cây cổ thụ, mà nhìn hoa cỏ, bụi cây trong vườn nhà rồi khen ‘Cây đẹp lắm’. Khi làm vậy là mình mở lòng với lực trong thiên nhiên, và  thiên thần sẽ đáp ứng lại. Nhìn hoa, lá cỏ đẹp còn có ích là tập  cho mình chú tâm, trụ tư tưởng. Không phải chỉ có niềm vui với thiên nhiên mà các ngài còn dùng cảm xúc mình phát ra khi dự lễ ở chùa, nhà thờ. Lòng tôn kính mà tín đồ dâng lên trong mọi tôn giáo, hướng với Chúa, Phật cũng được thiên thần dùng để giúp thế giới.
Thành phố có bạo động sẽ gây ra nhiều tai biến, thảm kịch, và có ngành thiên thần chuyên về việc tiếp dẫn, làm cho người bước sang cõi bên kia cảm thấy an ổn hơn. Nghĩ coi các ngài làm việc nhiều nhất với luật chi ?
– Karma, phải không ?
– Đúng rồi, thiên thần cũng luôn tìm cách cân bằng như vị Đại thiên thần của New York, và các ngài đặc biệt có liên hệ với con người hơn là với thiên nhiên. Dù làm việc gì, điều trước tiên thiên thần cảm biết là ánh sáng nơi con người, ấy là điều quan trọng nhất theo cái nhìn của các ngài.
– Còn thiên thần ở Las Vegas làm gì ?
– À, ở nơi tương tự là sòng bài Monte Carlo tại Monaco thì có lời diễn tả là thiên thần chỗ ấy dường như tránh né trọn sự việc. Ở Marseilles thì được tả là bầu không khí tâm linh nơi đây tệ hại, nhưng có một số thiên thần xả kỷ thấy trên những ngọn đồi quanh vùng. Các ngài đem trọn vào người mình phần tâm linh dơ bẩn để chuyển hóa nó, rồi thả ra ngoài trở lại cũng những lực này mà đã được thanh tẩy. Thế thì các ngài hết sức bận rộn, đâu có thất nghiệp mà lo !

Tham khảo:
Echoes of the Orient, vol. 1, 2. - W.Q.Judge
The Boy Who Saw True - Cyril Scott.

Xem Mục 1001 Chuyện