NGHỆ SĨ VÀ TÔN GIÁO

NGHỆ SĨ và TÔN GIÁO

 

 

Nhiều người khi nghe câu trên liền hỏi:

- Nghệ sĩ có tôn giáo à ? Tôn giáo của họ thì khác ra sao với tôn giáo mà chúng ta biết ?

Câu đáp cho thắc mắc trên tùy thuộc rất nhiều vào cái mà ta gọi là tôn giáo. Nếu ta hàm ý đó là niềm tin nào đó mà một người chấp nhận, thì không thể nói là nghệ thuật có một tôn giáo đặc biệt nào của riêng nó, vì nơi nào và vào lúc nào trong lịch sử cũng có nghệ sĩ. Nhưng nếu ta hàm ý tôn giáo là cách con người biểu lộ trong tư tưởng, cảm nghĩ và hành động, nhận thức  của họ về vũ trụ, thì nhà nghệ sĩ có tôn giáo riêng của mình. Chỉ có một thế giới mà trong đó tất cả chúng ta sinh hoạt, nó hiện ra với chúng ta như là sự kiện và biến cố, nhưng cái thế giới luôn thay đổi này phải luôn được mỗi chúng ta diễn dịch bằng cách nào đó để hiểu được nó. Ta không phải chỉ là cái gương phản chiếu lại chuyện gì xẩy ra bên ngoài chúng ta, mà đúng ra ta là tác nhân biến hóa các năng lực trong vũ trụ.

Cách thức mà cá nhân biến hóa thế giới hằng thay đổi là tôn giáo của mình, nếu định nghĩa như vậy về tôn giáo là đúng thực, thì có bao nhiêu người là có bấy nhiêu tôn giáo và tôi nghĩ sự thực là vậy.

Tuy nhiên bởi nhân loạị được xếp thành loại thì ta có thể nói là có nhiều loại biến hóa, có loại biến hóa mà ta hiểu theo chữ Tôn giáo và đó là sự biến hóa có được nhờ bản chất hùng mạnh của một nhân vật cao cả. Người Thiên chúa giáo chân chánh là người biến hóa đời theo cách của đức Chúa, vì đức Chúa có một phương thức riêng, cách Ngài cảm nhận, suy nghĩ, xem xét và hành động, và người Thiên chúa giáo là người chấp nhận cách thức ấy làm kiểu mẫu cao tột nhất cho mình. Chuyện cũng tương tự với người Phật giáo, bởi ai là Phật tử thì chấp nhận đường lối của đức Phật, và tôn giáo này rồi tôn giáo kia dạy chúng ta phương thức của một đấng cao cả.

Tuy nhiên tách rời khỏi sự biến hóa riêng biệt của ta đối với cuộc đời theo tinh thần của tôn giáo, còn có một sự biến hóa khác ứng dụng cho một loại linh hồn khác là Khoa học. Khoa học gia thích xếp đặt dữ kiện và luật thành các loại, và khoa học gia vĩ đại là người có cá tính mạnh mẽ, cho chúng ta viễn ảnh về thiên nhiên được phân loại và những luật làm trí não say mê. Lại còn một nhóm khác nữa, những người biến hóa cuộc đời rất ưa thích việc tổ chức. Chính trị học thu hút họ. Tương tự vậy ta có triết gia. Họ quan tâm nhiều vào sự tương quan giữa cá nhân và cái khối mà cá nhân là một phần, và triết lý là cách năng lực của họ biến hóa. Nhưng sự sống luôn luôn là một và đi tới tận cùng thì bất khả phân nên những ý niệm tôi giáo, khoa học, triết lý, chính trị học là ý niệm về một Thực Tại duy nhất.

Nay còn một ý niệm khác ngoài tôn giáo, khoa học hay triết lý, đó là Nghệ thuật với nhiều ngành như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, vũ v.v.. Tất cả những ngành nghệ thuật này đều có ý nghĩa đạo đức mạnh mẽ nhưng không may là chính các nghệ sĩ không nhận ra điều ấy. Nhiều người có thói quen nói rằng Nghệ thuật vị Nghệ thuật, làm như nghệ thuật có thể được xem như là một loại biến hóa cảm xúc hay óc tưởng tượng, bất kể tương quan của nó đối với sự an vui của nhân loại. Nếu bạn nghiên cứu bất cứ ngành nào của nghệ thuật, bạn sẽ thấy là ngành ấy đạt tới mức cao nhất khi nó hết sức đạo đức, tức khi nó có thông điệp gửi thẳng cho nhân loại.

Lấy thí dụ giai đoạn huy hoàng nhất của nghệ thuật Hy Lap là vào lúc kiến trúc sư Phidias tạo nên đền Parthenon. Khi đó Hy Lạp có đầy những tượng của các thần linh, mỗi tượng này được tạc theo một người mẫu sống động nhưng đối với nghệ sĩ, mỗi bức biểu tượng cho một ý niệm trong vũ trụ. Nữ thần Pallas Athene, thần Minh Triết, đối với nghệ sĩ không phải chỉ là thần nữ xinh đẹp, nhưng là ý niệm vô cùng đao đức về Minh Triết Thiêng Liêng dũng mãnh, cái minh triết hùng mạnh và êm ái xếp đặt trật tự mọi điều. Vào thời điểm đó thần Apollo không phải chỉ là một thanh niên tuấn tú, mà đúng hơn là Hứng Khởi Thiêng Liêng trong tâm người. Các đại nghệ sĩ thời ấy khi tạc tượng đá, nỗ lực thể hiện ý niệm đạo đức trong đá. Nó là tại sao nền văn minh Hy Lạp ở giai đoạn ấy vẫn còn nổi bật một cách độc đáo, và đó cũng là tại sao khi đọc lại những kịch bản thuở ấy, những triết lý, giống như khi nhìn ngắm các tượng điêu khắc, ta cảm thấy như đang sống trong thời đại mà con người xem ra lớn lao hơn người thời nay. Chẳng bao lâu sau cái tột đỉnh  lớn lao này, khi nghệ thuật được thấy qua biểu hiện đầy tính đạo đức, sự suy đồi bắt đầu thấy qua điêu khắc gia như Praxiteles. Tuy Praxiteles tạc đường nét duyên dáng tuyệt mỹ, nhưng trong ý niệm đạo đức nhường chỗ cho hình tượng cá nhân, chỉ có cảm xúc được nhấn mạnh, và nghệ sĩ không còn mơ tưởng đến việc diễn tả một ý niệm trong vũ trụ qua tác phẩm điêu khắc của mình.

Ý niệm đạo đức không thể tách rời khỏi nghệ thuật, khi nghệ thuật cho ra thông điệp chân chính nhất của nó. Đó là lý do tại sao về một số mặt ta có thể thực sự định nghĩa nghệ thuật như là linh hồn của vạn vật. Nhạc sư Wagner diễn tả rất khéo tính chất vào đến tâm vạn vật qua âm nhạc khi ông nói rằng cái mà âm nhạc diễn tả thì vĩnh cửu, vô tận và lý tưởng. Nó không cho ta biết gì về nỗi đam mê, tình yêu, hay lòng tiếc nuối trong cảnh ngộ này hay kia, nhưng nó cho ta biết về chính Đam Mê, Tình Yêu và Tiếc Nuối.

Vậy thì trong nghệ thuật ta đi từ cái cá biệt trong thời gian sang cái chung trong vĩnh cửu. Bạn sẽ thấy được tính chất vĩnh cửu ấy trong tranh phong cảnh khi thả hồn vào một bức họa đẹp. Bạn nhìn xuyên qua tranh để thấy hình ảnh của Thiên Nhiên nằm trong vĩnh cửu, phản ảnh cái trí của thợ Trời. Họạ sĩ nhìn cảnh vật nhưng chọn lựa từ đó, để vẽ chỉ những gì mà óc tưởng tượng của họ nắm bắt được về ánh sáng, bóng, hình dạng đặc biệt, như là gương phản ảnh cái lý tưởng thiêng liêng.

Sự việc cũng y vậy với thi ca tuyệt mỹ. Lấy thí dụ tập thơ Divine Comedy của Dante, một trong những thi phẩm tuyệt tác nhất của thế giới. Nói về kết cấu của tập thơ này có lời cho rằng nó là một vương cung thánh đường vĩ đại siêu nhiên, sừng sững chất ngất, cái thế giới của các linh hồn. Đại thi hào Dante nhìn vào mỗi việc của người và thấy trong đó cả một thế giới những linh hồn. Dù nghệ sĩ chân chính sáng tạo vật có kích thước nhỏ bé thế mấy, trong đó vẫn có một chút toàn vẹn của vũ trụ, do tính chất này mà lời nói sau hết sức đúng đắn, ấy là trọn sự sáng tạo than thở muốn được sinh ra. Bởi về nhiều mặt nghệ sĩ là người giúp sinh ra một Nhân Loại mới hơn. Vì thế triết gia Carlyle sâu sắc, người không phải là nghệ sĩ, có thể hiểu được thông địệp của nghệ thuật và nói về nghệ thuật rằng: Trong mọi tác phẩm chân chính của Nghệ thuật bạn sẽ nhận ra được sự Vĩnh Cửu nhìn qua thời gian, và Thiên Tính trở thành hữu hình.

Vị nghệ sĩ làm việc với tính toàn vẹn của sự vật nên cái biến hóa riêng của họ như một bài thơ, bức tượng, hay bản hòa tấu, có liên hệ đến tất cả những biến hóa có thể có được. Bài thơ có thể biểu lộ trong bài hát, pho tượng, bức tranh, tấu khúc nhịp nhàng. Vũ và nhạc có tương quan với nhau như nhiều người đã biết nhờ kinh nghiệm. Có một tính hợp nhất nằm trong mọi ngành khác nhau của nghệ thuật. Vậy thì trong nghệ thuật ta có sự tỏ lộ khác về cuộc sống là gì, khác với sự tỏ lộ mà tôn giáo cho ra, hay khoa học mang lại, hay triết lý trưng bày. Nó là sự tỏ lộ đặc biệt của chính nghệ thuật.

Làm sao nghệ sĩ cảm biết được cái tỏ lộ đặc biệt ấy ? Họ chỉ có thể cảm được nó bằng cách nắm bắt thực tại. Họ phải tự huấn luyện mình để biết sự vật như chúng là, phải thấy cái hữu hình và vô hình về tương quan của một phần với trọn khối. Xét đoán của nhà nghệ sĩ phải là cái xét đoán chân thực nhất nếu họ muốn là nghệ sĩ đúng thực. Đối với nghệ sĩ, trước khi có thể sáng tạo thì cái vũ trụ bên ngoài phải tuôn qua những cảm quan của họ. Nó phải tuôn vào họ nhiều hơn là so với người thường. Nghệ sĩ là người nhìn ra được những sắc khác nhau của một màu mà mắt thường không nhận biết, thấy được mỹ lệ trong đường nét lướt qua trước mặt mà mắt thường không nhìn ra. Họ phải có mức nhậy cảm sâu sắc hơn, cảm quan của nghệ sĩ phải có cấu tạo thanh bai hơn là của người thường, Nhưng bạn không tạo nên nghệ sĩ chỉ bằng cách làm nhãn quan của họ được tinh nhậy hơn. Trí não họ phải góp phần vì nghệ sĩ phải biến hóa mà không phải chỉ làm việc sao chép.

Máy chụp hình nhờ ống kính có thể chụp lại một cảnh trong thiên nhiên chính xác hơn nghệ sĩ, nhưng người nghệ sĩ phải biến hóa cái họ thấy nhờ vào khả năng cảm xúc, trí não, óc tưởng tượng, trực giác và chính Tinh thần. Trọn bản chất của người nghệ sĩ phải được ứng dụng vào công việc biến hóa. Đó là lý do tại sao người nghệ sĩ nếu muốn làm phần việc của mình đúng đắn, phải làm cho trí não được huấn luyện, tình cảm thanh bai, có mức nhậy cảm thăng bằng, trực giác được khai mở, và năng lực tinh thần trong anh không mê ngủ mà sinh động, có phản ứng lẹ làng.

Thế nên nếu nghệ sĩ muốn làm việc sáng tạo, anh cần có trí não cởi mở đối với khoa học, triết học, tôn giáo, với mọi vấn đề của cuộc sống mà những sinh hoạt khác của cuộc đời mang lại. Bởi tất cả đều có liên quan với nhau, càng có nhiều về tôn giáo thì thông điệp của khoa học càng được hiểu rõ. Khi biết nhiều về khoa học thì ý niệm về tôn giáo của một người càng cao và thanh bai hơn. Tôi thấy trong các nhà thơ thì không ai rành ý niệm khoa học hơn Tennyson. Tennyson cảm biết được nó bằng trực giác và mô tả bông hoa như nhà thảo mộc học nhìn chúng, thế nhưng óc tưởng tượng tuyệt vời của ông tung vào đó những màu sắc rực rỡ, cho tới khi cái ta thu nhận được thì không phải là bông hoa mà là hồn hoa.

Bạn có thể rất đỗi hiện thực trong nghệ thuật mà không làm mất đi chút nào phẩm chất của nó. Mọi sinh hoat của cuộc sống đều liên hệ với nhau, tới mức nếu bạn cảm nhận trong lòng nhiều sự sống hơn của Thượng đế thì bạn thương yêu con người nhiều hơn. Và đặc biệt là Tôn Giáo với Nghệ Thuật thì bất khả phân ly. Gần như tất cả những giai đoạn rực rỡ nhất của sáng  tạo nghệ thuật chỉ có được, khi có ảnh hưởng mạnh mẽ của tôn giáo làm tinh thần hóa nghệ thuật. Tôn giáo là vật sống động đối với người Hy Lạp trong thời Pericles (nhà cai trị Athens trong thời đại hoàng kim của thời này, khoảng 500 năm trước tây lịch), là cái hùng mạnh trong thời Trung cổ khi các đại nghệ sĩ của Âu châu sáng tạo.

Vì vậy nếu nghệ sĩ muốn làm phần việc của mình tốt đẹp, thì phải là người có bản chất phát triển mọi mặt. Họ phải nhậy cảm không phải chỉ với cảm quan của mình mà cả với trực giác, trí não, tình cảm. Nhất là phải nhậy cảm với mọi loại ý tưởng. Từ đây ta có thể nói rằng mỗi nghệ sĩ phải tin tất cả những niềm tin và triết lý trong thế giới, mà cũng không tin cái nào. Anh phải có thiện cảm nồng nàn với mọị khám phá của con người trong tôn giáo, khoa học và triết lý, mà bởi anh sẽ tự mình khám phá điều chưa hề được khám phá trước đây, anh không thể được xem như là người chỉ tin vào một tôn giáo hay giáo phái duy nhất nào. Anh phải thuộc về cả thế giới, về cuộc sống trọn vẹn.

Như thế tôn giáo của người nghệ sĩ là chấp nhận thế giới như nó tuôn tràn vào anh qua tôn giáo, khoa học, triết lý, chính trị học và ý tưởng phụng sự. Với tất cả những điều này anh phải tự xác định mình, nếu muốn đưa ra thông điệp lưu lại vĩnh cửu trong ngành của mình. Nay thông điệp của nghệ sĩ không phải là cho vũ trụ vô hình mà rõ rệt là cho nhân loại. Do đó người nghệ sĩ cần lấy câu mà Carlyle mô tả rất khéo làm tiêu ngữ cho mình: Nếu bạn muốn trồng cho Vĩnh Cửu thì hãy trồng vào những khả năng vô tận của người là óc Mơ Mộng và con Tim.

Công việc của nghệ sĩ không phải là công việc của khoa học gia là cái dùng óc lý luận, cũng không phải là công việc của triết gia, mà là công việc của riêng họ, theo đó họ khêu gợi cái khả năng vô tận là mơ mộng như Carlyle nói, cái không thể tách biệt với tâm sâu kín của con người. Nhưng nếu nghệ sĩ muốn khêu gợi cái khả năng vô tận ấy, thì việc đầu tiên cần làm là trong các ý tưởng của anh có sự bình an. Trong tất cả những giai đoạn rực rỡ của nghệ thuật đều có sự bình an. Có sự bình an trong các ý tưởng vào thế hệ của Phidias, kiến trúc sư xây cất đền Parthenon. Khi đó con người tự tin về mình, về khả năng hiện hữu trong đời. Khi khác thì với họa sĩ Fra Angelico, ông không có chút nghi ngờ nào trong tâm mà có sự vững lòng, trầm tĩnh, và ấy là lý do ông nổi bật như là một trong các họ sĩ vĩ đại nhất. Trong thời đại chúng ta chuyện không may là ít có bình an trong ý tưởng của bất cứ ai. Người thường bận rộn với những lo âu hằng ngày trong đời, có thể sống với cái trí bất an chứa đựng nhiều vấn đề chưa giải quyết, nhưng nghệ sĩ không thể làm vậy.

Bao lâu mà nghệ sĩ sống năm này rồi năm khác không rõ mình là gì, mục đích thế giới là gì, sự biến hóa mà anh nêu ra trong nghệ thuật của mình chỉ có giá trị tạm thời, có ý nghĩa cho thế hệ hay thế kỷ của anh mà thôi. Nếu anh muốn sáng tạo một cái gì có giá trị vĩnh cửu thì anh phải có sự bình an trong ý tưởng của mình. Tôi không thể chỉ cách để đạt tới điều ấy, tôi chỉ có thể vạch ra cho bạn rằng không có sự bình an trong ý tưởng, thì nghệ sĩ không thể cho ra tính chất vĩnh cửu trong sáng tạọ của anh.

Mỗi cái gì mà nghệ sĩ là như một cá nhân, phản ảnh lại trong vật mà họ sáng tạo. Nghệ sĩ thời nay không nhận ra điều ấy, họ nghĩ rằng họ có thể tạo ra một bức họa tuyệt mỹ, và nghĩ cùng cảm xúc về thế giới theo ý mình. Chúng ta mắc nợ rất lớn đối với nhà phê bình nghệ thuật Ruskin, ông vạch ra mối tương quan đạo đức sâu đậm giữa vật mà nghệ sĩ tạo nên và cái mà nghệ sĩ là như một người. Trí não hẹp hòi của nghệ sĩ phản ảnh trong câu nhạc của họ, mầu sắc dùng trong tranh, tất cả mọi điều mà nghệ sĩ tạo nên đều phản ảnh sự hẹp hòi hay vĩ đại của tâm hồn họ.

Không có cái gọi là nghệ thuật mà có thể tách biệt với nghệ sĩ như một con người. Họ là kẻ biến hóa và nếu cá tính của họ thô lậu thì nghệ thuật của họ cũng thô lậu. Thế hệ của họ có thể không nhận ra điều ấy, bạn có thể có sức sáng tạo hăng say trong nhạc hay hội họa và đạt thành công lớn lao, nhưng sau khi một hay hai thế hệ đã trôi qua và sự việc không được xem là hăng say như trước, mà thay vào đó được thấy như có tính tệ hại cho nét cao cả của linh hồn. Tất cả những sáng tác chỉ được xem như là hình thức trống rỗng mà không có sự sống vĩnh cửu. Vì mối liên hệ chặt chẽ này, giữa bản chất của nghệ sĩ như là một người và cái mà họ sáng tạo, không có gì trong đời sống của họ mà không quan trọng. Tư tưởng, lời nói, hành động, tham vọng, những ganh tị của một nhạc sĩ vĩ cầm được phản ảnh trong âm điệu mà họ tạo ra từ cây đàn. Bạn không thể tách rời cá tính của nghệ sĩ khi họ phô diễn nghệ thuật. Đó là tại sao đôi khi trẻ nhỏ dạo đàn hay hát khúc nhạc giản dị, cho ra thông điệp trong sáng về nghệ thuật hơn là một nhạc sĩ tài giỏi cũng chơi bản nhạc ấy. hay một ca sĩ nổi tiếng hát khúc đó. Ta đến gần tâm của sự vật hơn vì em nhỏ chưa bị cuộc đời làm hư hỏng nhiều, cá tính còn trong sáng hơn và phản ảnh qua nghệ thuật, thế nên mang ta đến gần hơn cõi nghệ thuật vĩnh cửu.

Mối tương quan giữa nghệ thuật và cá tính của nghệ sĩ, gần tới mức tôi có thể nói rõ là do việc đa số nghệ sĩ tây phương ăn thịt, họ sẽ là nghệ sĩ hay hơn nếu họ ăn rau trái. Khi nghệ sĩ ăn thịt là có sự tàn nhẫn đối với thú vật, và điều này phản ảnh trong nghệ thuật của họ. Họ có thể không bị khám phá trong thế hệ này, nhưng chắc chắn sẽ bị nhận ra khi cả thế giới trở thành ăn rau trái, khi đó nhận xét sẽ là: Bức tranh này do một nghệ sĩ ăn thịt vẽ ra. Tôi mạnh mẽ nói lên điều này để bạn có thể hiểu mối tương quan tế nhị, giữa mỗi tế bào trong cơ thể nghệ sĩ và vật mà họ sáng tạo.

Tôn giáo của nghệ sĩ là cái rất tuyệt vời, độc đáo, cho ta hay đôi điều mà ta không biết hoăc qua tôn giáo, khoa học hay triết lý. Tôi không thể trưng ra cho bạn thông điệp của họ. Cái đẹp của nghệ thuật là mỗi chúng ta có thể rút ra một thông điệp riêng của nó, phù hợp cho nhu cầu của chúng ta và hợp cho cảnh ngộ cùng giai đọạn tăng trưởng của ta. Vậy bạn thấy rằng từ quan điểm này về nghệ thuật, nghệ thuật có tương quan mật thiết ra sao đối với từng cá nhân. Chuyện rất đúng là có ít người trong chúng ta là nghệ sĩ sáng tạo theo nghĩa kỹ thuật, nhưng tất cả chúng ta là người biến hóa cuộc đời. Vì vậy nếu chúng ta có thể học cách biến hóa một chút qua nghệ thuật, thì nhận thức của chúng ta sẽ trọn vẹn hơn là khi ta chỉ sùng đạo, hay khi ta sùng đạo và có óc khoa học, hay sùng đạo, có óc khoa học và thái độ triết lý. Ta hãy thêm vào bản chất của mình tính nhậy cảm về nghệ thuật, rồi thì chúng ta hiểu được ý nghĩa đầy đủ hơn về cuộc đời.

Rõ ràng là có sự liên hệ rất gần gũi giữa nghệ thuật và cộng đồng, và mối liên hệ thân cận này được một câu nói của Trung Hoa biểu lộ rất đặc biệt làm bạn không thể nào quên, nó nói rằng: Nếu bạn có hai ổ bánh thì hãy bán một ổ và mua đóa hoa. Câu nói đẹp đẽ làm sao, nó là lời xác nhận cho sự cao cả của một quốc gia. Những chính khách hiện đại nghĩ đến sự cao cả của một dân tộc như là những tài sản vật chất của quốc gia ấy, tuy nhiên trong một quốc gia lý tưởng thật sự, nơi mỗi người biểu lộ cái tốt nhất trong con người họ, thì cái lý tưởng mà chính khách có trước mặt họ về đất nước mình. là tổ chức của quốc gia phải sao cho mỗi người được có cơ hội biểu lộ cái đẹp đẽ nhất như là một linh hồn.

Khoa học không thể làm chuyện đó. Khoa học không bao giờ có thể kêu gọi trực tiếp một cá nhân, nhưng nghệ thuật làm được. Nghệ thuật nhào nắn linh hồn dân tộc và sáng tạo làm họ trở nên văn minh. Khoa học đến chỉ để trang điểm cho văn minh ấy nhưng sự nhào nắn, tạo khuôn thước, sáng tạo một nền văn minh làm được qua nghệ thuật. Khêu gợi nên cái tốt đẹp nhất ẩn tàng trong cá nhân, là ảnh hưởng tinh tế mà rất hùng mạnh của nghệ thuật, nên tôi có thể đi xa tới mức nói lên cái vẻ vô lý, là càng có nhiều nghệ thuật trong nước thì càng có nhiều hoạt động thương mại. Vì khi mỗi người đều có nghệ sĩ tính, và đáp ứng với thông điệp của cuộc đời mà nghệ thuật mang lại, anh thành cá nhân vĩ đại hơn, là động cơ mạnh mẽ hơn cho những lực của sự sống. Sau đó khi để tâm trí vào sự phát triển những tài nguyên của quốc gia, anh thấy các vấn đề về thương nghiệp một cách rộng lớn hơn. Bạn thấy ngay lập tức là nếu để giàn nhạc đại hòa tấu quốc gia giải tán, thì sinh ra tại họa lớn dường nào. Sự giầu sang của một thành phố không phải chỉ nằm ở tài nguyên của vùng đất ấy mà thôi, như hầm mỏ, lúa gạo, kỹ nghệ gia súc, mà còn nằm trong viện quốc gia âm nhạc, trường nhạc kịch. Hàng ngàn người tới đây để tìm thấy một phần của chính mình như là linh hồn, để có khám phá nhỏ bé về mình như là linh hồn, ngay cả khi mấy tháng mới nghe hòa nhạc một lần, mà dù thưa thớt như vậy cũng đủ để làm bạn có hứng khởi trong trọn năm. Lý do là mọi người phải giải quyết vấn đề của cuộc sống chững chạc hơn, và thanh nhã hơn khi ta lớn dần.

Ta phải ý thức một lý tưởng mới về sự sung túc. Sự sung túc của một nước không nên được xét đoán bằng số trữ kim, mà bằng lực của linh hồn mà quốc gia chứa đựng, tức phần tinh thần hàm chứa trong mỗi cá nhân của quốc gia. Cái đóng góp thực sự của công dân vào sức mạnh của nước họ thì không phải là tiền thuế mà họ đóng, mà là phẩm chất của óc thưởng ngoạn nghệ thuật nơi họ. Thực vậy, khi ta bắt đầu thấy giá trị thực sự của cuộc sống thì một em nhỏ được nuôi dạy kỹ lưỡng, ca hát, vũ, chơi đùa sẽ biểu lộ về vũ trụ nhiều hơn là một người bán khai hùng mạnh tạo dựng một vương quốc cho họ. Thực thế, trẻ thơ như vậy sẽ lãnh đạo các đế quốc hùng cường.

Cho mỗi chúng ta nghệ thuật đều có thông điệp riêng, ngay cả khi không phải tất cả mọi người đều là nghệ sĩ sáng tạo. Trong cuộc đời mà ta đang sống có tính nhị nguyên lạ lùng, có trọn khối và từng đơn vị, có cái tổng quát và cái đặc biệt, có Thượng đế và có con người. Hai phần đối chọi của cuộc sống là hai cái thăm thẳm kêu gọi nhau, và khi cái thăm thẳm trên cao cất tiếng và cái thăm thẳm dưới sâu này là con người đáp lại thì sự sống thực bắt đầu. Ta tự dối gạt mình khi nghĩ rằng ta đang sống, nhiều người trong chúng ta chỉ là cái bóng chập chờn trong đời, nhưng tới một lúc ta có thể hiểu được cuộc đời theo nghĩa đúng thực và vững chắc hơn, khi ấy ta không ngờ nữa, không cần phải đi tìm từ tôn giáo này sang tôn giáo khác, và thay vì đi tìm ý nghĩa của sự sống thì ta biết mình chính là ý nghĩa ấy.

Thực thế,  Wagner, một nghê sĩ sáng tạo đại tài đã cảm biết điều này vì ông mô tả nghệ thuật như sau: Nghệ thuật là sự hoàn thành ước vọng của ta, muốn đi tìm chính chúng ta trở lại trong những hiện tượng của sự sống ngoại giới. Chúng ta là cái nguồn của năng lực trong vũ trụ nhưng chúng ta phải tự tìm lấy mình, và nghệ thuật cho phép chúng ta tìm ra. Ở đây nghê thuật bắt tay với Huyền học (Mysticism) thâm sâu nhất. Ấn Độ có câu nói rằng cái tôn giáo duy nhất mà một người nên theo là ‘Tôi là Thượng Đế’. Ấn độ giáo dạy như thế nhưng đó là tuyên ngôn của tất cả nghệ thuật chân chính, vì cá nhân thấy mình lại là cái Thực Thể tinh thần vĩnh cửu, bất biến khi biểu lộ qua nghệ thuật.

Nói khác đi nghệ thuật sáng tạo là cách thức mới để ta khẳng định sự sống là gì cho chính mình. Đối với chúng ta, khi sáng tạo nó xem như là đường hướng mới dù rằng nhà phê bình có thể nói là đường lối cũ, nhưng nó là đường lối bắt đầu từ bất cứ cái gì là sở thích của ta. Nếu sùng đạọ thì ta sẽ thấy nghệ thuật trong tôn giáo, nếu thích hoạt động chính trị thì ta sẽ thấy nghệ thuật trong những lý tưởng cao đẹp của thuật trị nước. Còn nếu ta bận rộn lo việc nhà thì ta sẽ thấy nghệ thuật bắt đầu cơ cấu ngay trong nhà, và khi ta thấy chúng khởi sự thể hiện thì ta hiểu sự sống theo nghĩa mới. Và đó là nghĩa gì ? Ai có thể nói được ? Đó là cái vinh quang của nghệ thuật, cái sự việc là mỗi chúng ta có thể khẳng định ý nghĩa cuộc đời là gì. Quả thực chúng ta đều là nghệ sĩ sáng tạo, vì trọn thế giới nghệ thuật tuôn tràn vào chúng ta, và ta có thể biến hóa nó nếu biết cách.

Ta có thể là viên kim cương lu mờ vừa từ trong mỏ đào ra, phản chiếu rất ít. Hay ta là viên kim cương đã được mài dũa nhiều mặt, chiếu lấp lánh đủ mầu trong tia sáng. Điều mà nghệ thuật có thể làm cho chúng ta là mài dũa, đánh bóng bản tính của ta, làm cho mặt này rồi mặt kia của những tính chất tiềm ẩn trong ta về trí não, trực giác được sáng chói.  Nghệ thuật làm chúng ta trở thành trung tâm của sự bình an !

Tôi biết kết luận ra sao cho bài nói về đề tài mà tôi cảm nhận rất sâu đậm này, vì đối với tôi, kẻ không phải là nghệ sĩ theo nghĩa thường nói, nghệ thuật có ý nghĩa rất nhiều. Nó bổ túc cho mỗi giai đoạn khác về hiểu hay thể hiện mà tôi gặp trong đời. Nó luôn đưa chúng ta tiến tới, nó là màn ảnh trên đó ta chiếu rọi ánh sáng hay cái bóng của bản chất chính mình. Nó là cái tuyệt diệu để thêm vào hiểu biết của ta về cuộc đời một chút cảm nhận về sự sống, như nghệ sĩ cảm nhận.Tôi chỉ mong rằng mỗi học sinh trong trường có thể được dạy để cảm biết sư sống theo cách thức mới mẻ ấy. Bây giờ ta dạy các em về khoa học, lịch sử, nhưng ta chưa dạy về đường lối tế nhị ấy để cảm biết cuộc đời và biến hóa nó, cái là nghệ thuật.

Tôi chấm dứt bằng cách vạch cho bạn một lần nữa, rằng chuyên đáng công nếu phát triển một phần con người của bạn là bản năng nghệ sĩ sáng tạo, theo nghĩa thông thường của chữ này. Ít nhất bạn hãy là nghệ sĩ thưởng ngoạn và sáng tạo, bằng sự thưởng ngoạn một tính chất của tác phẩm nghệ thuật vĩ đại trong thế giới. Nếu mỗi chúng ta cố gắng biểu lộ tính chất ấy, thì ít nhất bạn hiểu được nhu cầu của nghệ thuật trong sự tăng trưởng của con người. Khi ấy thời điểm sẽ không xa lắm, khi tất cả người quanh ta được dẫn dụ để biết yêu thích nghệ thuật, khi cả thế giới sẽ có hiểu biết mới hơn về sự vĩ đại của cuộc sống. Tất cả chúng ta đều phải sống, nhưng tại sao ta cần phải sống như người khi ta có thể sống như thiên thần ? Nghệ thuật sẽ chỉ cho ta cách sống không phải trong thời gian mà trong vĩnh cửu, không bị cái chết đón đường mà sống bất tử như là thành quả của ta. Thành quả ấy là cái ta có thể đạt được ngay từ bây giờ và ở đây, nếu ta chịu đi tìm nó, và tìm kiếm qua Nghệ Thuật. Vì Nghệ Thuật là một cách để cho, và khi cho ra là ta đang sống.

C.JINARASADASA

(Art as Will and Idea)