HỨNG PHẤN HOA

Hứng Phấn Hoa

 

 

Mấy năm trước ở Seattle có một người tị nạn Tây tạng sinh sống tại đó tên là Tenzin, bác sĩ khám thấy ông bị ung thư hạch bạch huyết, đây là loạị ung thư chữa lành được. Ông vào bệnh viện và được chữa lần đầu tiên bằng hóa chất, lúc bình thường ông hiền lành mà khi chữa bệnh lại tỏ ra rất giận dữ bực bộị. Ông giựt ống chuyền thuốc ra khỏi cánh tay và từ chối không chịu hợp tác. Ông lớn tiếng với điều dưỡng viên, gây gổ với bất cứ ai tới gần mình. Bác sĩ và điều dưỡng viên lấy làm kinh ngạc.

Bà vợ ông mới nói chuyện với nhân viên bệnh viện, rằng ông đã từng bị Trung cộng giam cầm 18 năm như là tù nhân chính trị. Cộng sản giết chết người vợ đầu của ông, và tra tấn hành hạ ông nhiều lần trong thời gian bị tù. Bà cho hay là luật lệ của bệnh viện cộng thêm với việc chữa trị bằng hóa chất, làm ông nhớ lại những đau khổ phải trải qua dưới tay cộng sản. 

– “Tôi biết quí vị muốn giúp chồng tôi” bà nói, “nhưng ông cảm thấy bị hành hạ vì cách chữa trị này. Nó gợi trở lại sự căm hận trong lòng, y như cảm xúc của ông đối với cộng sản. Ông thà chết còn hơn là sống với lòng thù ghét đang có trong tim. Theo niềm tin của chúng tôi thì chết mà tim đầy thù hận là việc rất xấu. Chồng tôi cần phải có thể cầu nguyện và thanh lọc tâm mình”.

Thế nên bác sĩ cho ông Tenzin xuất viện, và yêu cầu nhà dưỡng bệnh hospice cho người đến thăm ông tại gia. Tôi là điều dưỡng viên được chỉ định lo cho ông. Tôi gọi cho đại diện của hội Ân Xá quốc tế để xin cố vấn, và họ bảo tôi cách duy nhất chữa lành những thiệt hại do tra tấn gây ra, là ‘bộc lộ hết nỗi niềm. Người này đã mất niềm tin vào con người và thấy vô vọng, nếu muốn giúp ông thì bạn cần phải cho ông niềm hy vọng'.

Nhưng khi tôi khuyến khích ông nói về kinh nghiệm của mình, thì ông giơ tay lên chặn tôi lại. Ông nói:

– Tôi phải biết thương yêu trở lại nếu muốn tâm hồn lành mạnh. Công việc của cô không phải là đặt câu hỏi với tôi, mà là dạy tôi biết thương yêu như cũ.

Tôi hỏi ông.

– Làm sao tôi giúp ông thương yêu trở lại?

Ông Tenzin lập tức đáp ngay.

– Cô ngồi xuống, uống trà ăn bánh của tôi.

Trà Tây tạng là trà đen rất đậm có bơ bò Yak và muối. Khó uống lắm, nhưng tôi ráng uống.

Trong mấy tuần ông Tenzin, vợ ông và tôi ngồi chung uống trà. Chúng tôi cùng làm việc với bác sĩ để tìm cách chữa bệnh trong cơ thể cho ông. Mỗi lần tôi đến thấy ông ngồi xếp bằng trên giường, đọc quyển kinh. Theo với thời gian, ông và vợ càng lúc càng treo nhiều tấm phướn lên tường. Căn phòng chẳng bao lâu thành một chỗ thờ phượng xinh đẹp.

Tới cuối mùa đông, tôi hỏi ông là người Tây tạng làm gì vào mùa xuân khi đau ốm. Ông cười sáng rỡ và nói:

– Chúng tôi ngồi cuối hướng gió thổi hương hoa tới.

Tôi tưởng ông nói một cách thi vị nhưng Tenzin nói theo sát nghĩa đen, và giải thích là người Tây tạng ngồi ở cuối gió, cho phấn hoa trong gió xuân thổ tới rơi đầy người, vì họ xem phấn hoa là thuốc trị bá bệnh.

Mới đầu tìm cho có đủ hoa có vẻ là chuyện khó, rồi một người bạn của tôi đề nghị là đưa ông Tenzin tới thăm vài trại ươm cây hoa. Tôi gọi cho một chủ trại để xin phép thì câu đầu tiên người này hỏi là:

– Cô muốn làm gì ?

Tôi giải thích kỹ hơn thì người chủ trại ưng thuận. Thế nên cuối tuần sau tôi đưa ông Tenzin và vợ cùng phụ tùng của họ cho buổi trưa như trà đen, muối, ly tách, bánh, xâu chuỗi  và kinh sách. Tôi thả hai ông bà xuống một trại ươm cây, và tôi hứa là sẽ trở lại đón hai ông bà lúc năm giờ chiều.

Tuần sau ông và bà đến thăm một trai ươm cây kế. Tuần thứ ba hai người sang một trại khác nữa.

Đến tuần thứ tư thì tôi được các trại ươm cây gọi điện thoại mời hai ông bà trở lạị thăm họ. Một chủ trại nói:

– Trại tôi mới có một cây hoa nguyệt quế về, cả hoa ngâu, hoa soan nữa. Tôi tin là hai ông bà sẽ thích hương hoa mấy cây đó. Chút nữa tôi quên, chúng tôi có vài băng ghế dành cho nhà lục giác ngoài vườn, chắc ông bà sẽ thích ngồi thử cho biết.

Chiều hôm đó một trại ươm cây khác gọi và nói họ có vớ gíó (wind–sock), giúp ông Tenzin đoán  được hướng gió để ngồi. Chẳng bao lâu mấy trại ươm cây tranh nhau mời ông Tenzin đến thăm.

Người ta bắt đầu biết và quan tâm lo lắng đến cặp vợ chồng người tị nạn Tây tạng. Nhân viên trong trại ươm cây bây giờ kê bàn ghế ngoài vườn theo hướng gió, người khác mang nước sôi thêm cho ông bà châm trà. Vài khách hàng quen để xe bán hoa gần hai người, có vẻ như cả cộng đồng mọc lên quanh ông Tenzin và vợ.

Tới cuối mùa hè ông Tenzin đi bác sĩ khám để xem ung thư lan ra tới đâu, nhưng bác sĩ không thấy dấu hiệu nào là có ung thư. Ông ngạc nhiên không biết giải thích ra sao. Tenzin dơ ngón tay lên và nói;

– Tôi biết tại sao ung thư biến mất. Nó không thể nào sống trong một cơ thể đầy tình thương. Khi tôi bắt đầu cảm thấy lòng nhân ái của nhân viên nhà dưỡng bệnh, nhân viên các trại ươm cây và tất cả ai quan tâm đến tôi, tôi bắt đầu thay đổi tâm mình. Nay tôi thấy may mắn là có cơ hội mắc bệnh như thế này. Bác sĩ à, xin nhớ rằng không phải chỉ có thuốc men là cách duy nhất chữa lành được hết bệnh ung thư.

Trích “Chicken soup for the gardener's soul", edited by
Jack Canfield