ĐỌC SÁCH : THE INITIATION

Đọc Sách : The Initiation

 

Xin đọc thêm bài ‘Thuật Ayur Veda’ - PST 48, tìm trong Danh Mục.

 

Quyển Initiation của tác giả Elisabeth Haich xuất bản lần đầu bằng Đức ngữ năm 1960, sau được dịch sang nhiều thứ tiếng từ đó tới nay. Đây là tác phẩm rất thú vị nên PST sung sướng được giới thiệu đến cùng độc giả.

Bà Elisabeth Haich người Hung gia Lợi, sinh vào đầu thế kỷ 20, giữa hai thế chiến bà mở lớp dạy Yoga trong nước và khi chấm dứt thế chiến thứ hai, Hung Gia Lợi trở thành nước cộng sản khiến bà không thể sinh hoạt theo ý muốn, nên phải tìm đường bỏ sang Thụy Sĩ và sau nhiều năm, theo lời yêu cầu của một số học viện thân cận, bà viết lại câu chuyện đời mình, ghi những biến cố đã khiến bà bước vào con đường huyền bí học, qui tụ người cùng tư tưởng và huấn luyện họ theo phương pháp đã có từ ngàn xưa.

Quyển Initiation dầy 363 trang, rất súc tích với những chi tiết lạ lùng, nhận xét sâu sắc, bố cục đặc biệt của sách làm cho việc theo dõi diễn biến trở nên thật hào hứng. Nhiều cảnh đời lồng vào nhau cùng lúc khiến ta ngẩn ngơ như Trang Chu khi xưa, không biết chính phút giây này mình là bướm hay là Trang Tử, thực và mộng đan lẫn vào nhau. Tác giả đưa ta từ hiện tại là Hungary sau thế chiến I trở ngược về cổ Ai Cập rất xa xưa, sau khi trải qua một thời gian trong khung cảnh huyền bí nơi ấy ta sống trong thoáng chốc ở Hungary của hiện tại là những năm trước thế chiến II, rồi tiếp tục giòng lịch sử ở Ai Cập thêm vài năm, sau đó được mang về Hungary của thế chiến II nhưng với hình bóng, nhân vật của Ai Cập nay sinh hoạt trong thế kỷ 20, theo mối liên hệ họ đã có với nhau ở Ai Cập.

Chuyện mở màn với những kỷ niệm thời thơ ấu của một nước Hungary thanh bình vào đầu thế kỷ 20. Ba của Elisabeth cao lớn, tỏa ra một uy lực khiến người chung quanh tự động qui phục, xem ông là nhân vật lãnh đạo không chút thắc mắc. Ông là công chức cao cấp của chính phủ có nhiều thuộc viên và khi Elisabeth còn nhỏ, uy lực tự nhiên của ông khiến trí não trẻ thơ tin rằng ba mình là người đứng đầu trong sở, là vua trong nước, không ai cao hơn. Một hôm khi nói chuyện, ông nhắc tới thượng cấp của mình và Elisabeth lúc đó năm tuổi, hết sức kinh ngạc khi thấy ba không phải là người cao nhất mà còn có người khác là xếp của ba, và ba phải tuân phục họ !

Ý thức đó làm Elisabeth xét lại mọi việc và đột nhiên có nhận thức rằng mình không thuộc về nơi đây, gia đình này. Cha mẹ thương yêu Elisabeth và cô nhỏ cũng thương yêu lại cha mẹ, nhưng càng lúc chuyện càng rõ ràng là hai người không phải là cha mẹ cô, mà cô có một người cha khác, ở nơi khác. Đây không phải là nhà của cô, cô không thuộc về nơi này mà thuộc về nơi khác, chỗ đó có nhiều người ‘giống’ cô.

Ý tưởng càng lúc càng mạnh tới nỗi Elisabeth năn nỉ cha mẹ đưa mình trở về ‘cha' thật, về nơi mà hai người đã 'lấy' Elisabeth đi khỏi, nơi đó ở đâu Elisabeth không biết nhưng hẳn ba mẹ phải biết. Cha mẹ chỉ mỉm cười khoan dung với con gái. Thời gian trôi đi và gia đình quên dần đòi hỏi kỳ lạ này của trẻ nhỏ, còn Elisabeth không hề quên cảm giác xa lạ này, thấy mình lạc lõng trong cảnh đời hiện tại và biết trong tâm tưởng có một cảnh đời khác với những người ‘giống' mình, lòng nhớ nhung tha thiết muốn tái ngộ với họ theo đuổi Elisabeth mãi về sau.

Cũng trong lúc thơ ấu, Elisabeth thường có ác mộng tái đi tái lại khiến cả gia đình quen thuộc, không còn thấy lạ mỗi khi trẻ choàng tỉnh hốt hoảng giữa đêm. Elisabeth thường nằm mơ thấy mình bị sư tử rượt gấp sau lưng. Elisabeth cảm được hơi thở nóng của sư tử phà vào sau cổ, kinh hãi chạy trối chết và thấy đứng ở xa phía trước là một người đàn bà hiền hậu giang tay đón chờ. Elisabeth biết đó là mẹ mình trong kiếp ấy, mà cũng biết đó không phải là người mẹ đang có, đang ngủ ở phòng bên. Trí não của trẻ thơ không thắc mắc về sự khác lạ ấy mà chấp nhận, coi đó là chuyện tự nhiên chỉ có điều là trong mộng, lúc Elisabeth sắp chạy vào đôi tay che chở của mẹ thì cảm thấy móng vuốt sư tử chụp lên đầu và choàng tỉnh. Mỗi lần như vậy, Elisabeth tốc mền, ôm gối vội vã chạy sang phòng ba mẹ, cuống quít leo lên giường nằm gọn thon lỏn trong lòng mẹ để quả tim đập chậm lại, và mẹ âu yếm hỏi:

- Sao con, sư tử lại rượt nữa ư ?

Hungary không có biển, và lần kia trong dịp nghỉ hè ba mẹ đưa các con ra biển chơi. Xe lửa phải chạy cả ngày đêm và lúc trời sắp sáng, Elisabeth thức giấc, sung sướng biết là mặt trời sắp mọc giữa khung cảnh bao la. Cô nhỏ năm tuổi háo hức đón cảnh tuyệt diệu sắp được thấy lần đầu, óc tưởng tượng ra bao nét đẹp đẽ như sách mô tả. Trời sáng dần, vầng thái dương từ chân trời nhô lên, mây hồng rực rỡ, nhưng Elisabeth thất vọng vì mây không phải là màu đỏ, trời cũng không vụt rực sáng chói lọi như mình biết. Elisabeth cầu nhầu với ba, ông kiên nhẫn lắng nghe rồi hỏi:

- Làm sao con biết, con chưa thấy cảnh mặt trời mọc lần nào mà ? Làm sao con cho là có sự khác biệt ?

Elisabeth mạnh mẽ đáp:

- Không, mặt trời không có mọc từ từ như vầy mà trời phải tự nhiên vụt sáng đẹp lắm, mây phải đỏ đậm và ánh sáng cũng đỏ rực khắp nơi đột ngột, chứ không sáng dần dần, sáng nhạt như ở đây. Con biết, con nhớ !

Ba chìu lòng dỗ ngọt con gái nhưng Elisabeth vẫn còn bực bội, chỉ nguôi đi khi xe lửa tới biển. Cũng như cảnh mặt trời mọc, đây là lần đầu Elisabeth thấy biển nhưng cô nhỏ không ngạc nhiên. Elisabeth biết mình thấy biển trước đó rồi, nhưng đã thấy ở đâu thì trẻ thơ không thắc mắc. Elisabeth chỉ biết là mình đã ra biển, chơi đùa trong sóng nước nhiều lần và nay gặp lại biển thì rất vui thú.

Vào tiểu học, Elisabeth bắt đầu học nhạc. Trước đó Elisabeth nghe ra âm nhạc ở mọi vật, mọi nơi. Khi mẹ dẫn ra công viên thành phố chơi ở bồn nước có vòi nước phun cao, Elisabeth thấy thủy tiên, tinh linh nhào lộn, bạy lượn thích thú trong nước, thấy âm nhạc trong những tia nước rơi. Elisabeth không nghe nhạc mà thấy nhạc, xem đó là việc thường tình. Khi vào trường Elisabeth  nói những chuyện này một cách hồn nhiên thì bạn cùng lớp chế nhạo làm cô nhỏ hết sức kinh ngạc, khám phá là bạn không thấy thủy tiên, không thấy nhạc như mình thấy. Elisabeth bèn ngậm miệng, nhận ra mình càng khác biệt, lạc lõng thêm với chung quanh.

Năm bảy tuổi, ở bàn ăn nghe người lớn nói rằng con người là loài cao nhất trong thế giới, ngoài ra không còn ai cao tột hơn, Elisabeth thấy lạ lùng vì cô nhỏ biết là còn có những siêu nhân vượt lên hẳn con người, chỉ dẫn nhân loại tiến hóa. Elisabeth há miệng tính cãi thì nhớ là ‘Ngài' không muốn mình đề cập những chuyện này với ai chưa hiểu biết. Và rồi Elisabeth kinh ngạc thấy rằng ảnh hưởng của Ngài luôn luôn bao trùm cô nhỏ từ trước đến nay, rằng mình cảm nhận mà không hề thắc mắc, cũng như ánh mắt sâu thẳm của Ngài vô cùng quen thuộc với Elisabeth, tuy Ngài là ai và tên gì thì cô nhỏ không nhớ. Từ đó trí não nhỏ bé mơ hồ ghi nhận các hình ảnh thoáng hiện thoáng mất, những ký ức đến rồi đi và hình ảnh của ‘Ngài'.

Ở tiểu học, Elisabeth thích làm hề như trong xiệc, thích nhào lộn rồi từ đó, đi dần tới việc uốn tay chân và thân hình theo những tư thế kỳ lạ, không ai dạy mà chỉ do Elisabeth nghĩ ra, cô nhỏ không hề tập luyện mà chỉ tự nhiên làm, như từng quen thuộc với chúng đã lâu. Gia đình, bạn bè coi đây là trò hề thích thú, phá ra cười mỗi khi Elisabeth đứng hay ngồi theo tư thế lạ mắt. Đối với cô nhỏ thì ngoài việc chọc cười trong các buổi họp mặt, những tư thế này có lợi điểm là khi mệt mỏi mà thực tập chúng vài phút là Elisabeth cảm thấy khỏe khoắn trở lại. Một hôm nhà có khách và Elisabeth được gọi ra biểu diễn cho khách xem. Khách yên lặng theo dõi sau đó kinh ngạc hỏi:

- Đây là những tư thế của Hatha Yoga bên Ấn Độ, nhưng sao em nhỏ biết, em học được ở
đâu ?

Ta nên nhớ đây là những năm đầu tiên của thế kỷ 20 lúc Yoga chưa thịnh hành ở tây phương như sau này. Elisabeth không biết ‘Yoga' là cái gì, nên trả lời là không có ai dạy mình, và mình làm chỉ vì thích làm, và cảm thấy thoải mái hơn sau đó. Mãi mãi về sau, cô mới biết rằng mình tự động có tư thế vì chúng là thói quen có từ lâu, đã thực tập trong đền thờ Ai Cập năm này sang năm khác. Nó là quá khứ và cũng là tương lai của cô vì sau này lúc trưởng thành, Elisabeth mở lớp dạy Yoga cho biết bao học viên. Quá khứ về Ai Cập thỉnh thoảng vẫn trở lại với cô nhỏ qua những hình ảnh rời rạc, như có lần Elisabeth thấy mình là xác ướp đang được mang đặt vào hầm mộ trong kim tự tháp.

Xong trung học, Elisabeth lập gia đình và sinh một con trai. Có khuynh hướng về nghệ thuật nên cô ghi tên học ngành điêu khắc, lần đầu tiên đến gặp giáo sư của trường Elisabeth thấy ông tiến lại gần nhìn vào mặt cô chăm chú và ngạc nhiên hỏi:

- Thật lạ. Cô là người sống đầu tiên mà tôi được thấy có đôi mắt Ai Cập. Cô có biết là mình có mắt Ai Cập không ?

- Dạ không, tôi không biết là mắt thường và mắt Ai Cập khác nhau ra sao.

Giáo sư giải thích và nói thêm là người Ai Cập thời này cũng không còn giống như trước, và bây giờ người ta chỉ còn thấy mắt Ai Cập trong tranh vẽ và tượng điêu khắc xưa mà thôi.

Sự việc đưa đẩy và Elisabeth làm quen với Yoga, cô thấy mình bị thu hút muốn tìm hiểu sâu thêm về chính mình. Cha cô có một trang trại ở vùng núi, Elisabeth mới thu xếp việc nhà để tới nơi này ở một thời gian. Cô lặng lẽ chiêm nghiệm, quán tưởng giữa cảnh thiên nhiên u tịch. Sau một thời gian chuẩn bị như vậy tới buổi tham thiền, cô gặp lại Ngài và thấy mình trở về Ai Cập xa xưa. Ở đó, cha cô là Pharaoh quyền uy tối thượng, chẳng những ông là vua trong nước mà còn là một giáo sĩ cao cấp ở đền thờ. Do vậy khi tái sinh ở Hungary, Elisabeth mang theo ký ức cha mình là người đứng đầu cao tột nhất nước, không có ai trên ông là thế. Bác của công chúa tức anh của Pharaoh là vị Đại giáo sĩ Ptahhotep trong đền thờ, là vị cai quản về  mặt tâm linh của Ai Cập, và là Ngài, người mà Elisabeth dù còn rất nhỏ, biết trong tâm tưởng là đấng mà cô một lòng kính yêu, tuân phục. Là công chúa Ai Cập, mẹ chết sớm, Elisabeth rất được Pharaoh  cùng bác thương yêu, cha cô sẵn lòng chìu theo ý muốn của con mình nhưng khi trưởng thành, Elisabeth cho cha hay mình chỉ ao ước một điều là được thu nhận vào đền thờ học hỏi huyền bí học. Cô không muốn có nữ trang xinh đẹp quí giá tuy thích trang điểm, hay muốn có sư tử làm thú nuôi, mà chỉ muốn biết về sự sống vĩnh cửu, về con người thật.

Pharaoh cảnh giác công chúa rằng học hỏi về sự sống khiến con người có trách nhiệm lớn lao, vì nay họ biết được bí mật của trời đất và không được phép sử dụng lầm khả năng trí tuệ của mình, cái nhờ huấn luyện đã có nhiều hiểu biết hơn người khác. Elisabeth xin cha tới gặp Ngài, vị Đại giáo sĩ Ptahhotep, tại đền thờ để bày tỏ ý định và được Pharaoh cho phép. Khi cô tới đây, Ptahhotep giải thích:

- Con sẽ được học đạo nhưng chưa phải lúc này vì con chưa sẵn sàng. Con chưa biết cách kiểm soát năng lực trong thân xác mình, và nếu con biết năng lực này ở cõi tâm linh trước khi học cách chế ngự nó trong cõi vật chất, thì đó là nguy hiểm rất lớn cho con.

- Nguy hiểm ra sao ?

- Con có thể làm tổn hại hệ thần kinh của mình. Nếu một người nhờ tập luyện mà phát triển tâm thức cao tột, họ có thể gặp nguy hiểm lớn lao khi đưa sức mạnh này vào hệ thần kinh vì họ chưa có kinh nghiệm về cách hướng dẫn lực. Kết quả tệ hại là họ sẽ tái sinh ở mức tâm thức thấp hơn hiện thời. Cách tốt nhất vì vậy là nên mở tâm thức ở mức thấp nhất, từ từ đi lên. Làm thế người học đạo chỉ đem vào người những lực tương ứng với mức phát triển của mình, hệ thần kinh không bị kích thích quá độ, có đủ sức chịu đựng và không bị tổn hại. Mà muốn ý thức năng lực sáng tạo thiêng liêng ở mức thấp nhất thì người ta phải kinh nghiệm tình thương về mặt thể xác, yếu tố nam khơi động yếu tố nữ và con người biết được mãnh lực của tình thương. Họ phải học để biết thương yêu vì nếu không có kinh nghiệm ấy họ không thể kiểm soát được nó. Việc từ chối không muốn có kinh nghiệm này sẽ khiến thương yêu luôn là cám dỗ, sinh ra nguy hiểm là người ta có thể rơi vào tâm thức thấp hơn mức họ đang có hiện giờ.

Nhưng công chúa nhất quyết bảo vị Đại giáo sĩ rằng cô không bao giờ bị sa ngã vì sự thương yêu về mặt thân xác, rằng tình yêu nam nữ không thể cám dỗ được mình. Năm ấy công chúa chỉ mới 16 tuổi. Vị Đại giáo sĩ kiên nhẫn giảng:

- Này con, con cho rằng tình thương nam nữ không là chuyện nguy hiểm vì con chưa biết mãnh lực ghê gớm của nó ra sao. Tỏ ra can đảm đối với cái nguy hiểm mà ta chưa biết thì không phải là can đảm hay có nghị lực, mà chỉ là vô minh và yếu đuối ! Vì con chưa có kinh nghiệm, con không biết được sự cám dỗ của tình yêu nam nữ và tin rằng mình có nghị lực, nhưng chớ quên rằng tình thương nam nữ cũng là lực sáng tạo thiêng liêng, nên mạnh mẽ như chính Thượng đế.

Con không thể hủy diệt được lực sáng tạo này mà chỉ có thể chuyển hóa. Tuy nhiên nếu con không biết lực ấy, không có kinh nghiệm thì không biết cách chuyển hóa. Con nên chờ tới khi một chàng trai trẻ làm rung động tim con, khiến nó rực sáng đầy năng lực nữ, khi ấy con biết tình thương thực sự có ý nghĩa ra sao, khi con kinh nghiệm và hiểu rõ năng lực thương yêu là gì, lúc đó hãy trở lại và ta sẵn sàng chỉ dẫn. Bây giờ nên trở về, vui sống như bạn đồng lứa và không nên nghĩ gì đến chuyện học đạo vì con còn quá trẻ, cần phải có kinh nghiệm đời.

Bị từ chối hai lần như thế nhưng công chúa không nản, mấy ngày sau đến nài xin lần thứ ba, theo luật vị Đại giáo sĩ không thể từ chối ba lần nên phải thuận cho mà có chút buồn bã.

Những năm tháng tiếp theo đó công chúa chuyên cần học tập trong đền thờ, cô có thêm hiểu biết là Ptahhotep, Pharaoh và nhiều người khác là những siêu nhân hướng dẫn cuộc tiến hóa của nhân loại. Các bí ẩn của sự sống được truyền dạy cho cô, và tuy thuộc hoàng gia nhưng cô được đối xử như mọi học viên khác, bắt đầu ở lớp thấp nhất rồi theo năm tháng đến mức cao nhất, cuối cùng là nghi lễ chứng đạo (Initiation) trong hầm sâu của kim tự tháp.

Nghi lễ diễn qua nhiều giai đoạn và có một lúc công chúa thấy mình là Elisabeth, đang ở trong căn nhà nhỏ miền núi giữa thế chíến II với bom đạn vang rền, và thay vì sư tử kéo xa giá như trong sa mạc ở Ai Cập thì xe hơi tới đón Elisabeth về thành phố lúc binh biến, khiến công chúa không biết mình tỉnh hay mê. Con trai của Elisabeth khi ấy là phi công trong không lực, và lạ lùng thay, chàng trai này là một giáo sĩ là thầy dạy của công chúa ở đền thờ. Cha già của Elisabeth chờ con trong thành phố nhưng cô nhận ra đó chính là danh tướng Thiss Tha rất được Pharaoh tin cẩn, quí chuộng. Trong kiếp này Thiss Tha vẫn giữ đầy uy lực, vẻ oai nghi lẫm lẫm của  một vị chỉ huy tài đức, mắt sáng ngời dù đã cao tuổi, khiến mọi người tự động nể phục.

Thế chiến kéo dài, gia đình Elisabeth cùng bao người khác sống trong thảm cảnh chiến tranh và nạn cộng sản tại Hungary sau khi cuộc chiến chấm dứt. Một hôm khi quá đau khổ Elisabeth cầu nguyện, chìm đắm suy tư và thấy mình trở lại hầm sâu trong kim tự tháp, trải qua những phút cuối của lễ chứng đạo. Cô choàng tỉnh, ý thức rằng cảnh đời ở Hungary thấy trong mơ chỉ là một phần của nghi lễ. Công chúa có được tâm thức bao la của người biết sự sống thực, nghi lễ hoàn tất và từ địa vị học viên, nay công chúa trở thành giáo sĩ cấp thấp nhất của đền thờ.

Trong cương vị khiêm nhường này công chúa thực hiện một số trách vụ của hàng giáo sĩ, trong đó có việc huấn luyện người sơ cơ như khi trước. Sự tăng trưởng về mặt tâm linh khiến công chúa có thêm khả năng huyền bí và càng ngày càng gần gũi với cha hơn, khi rảnh rỗi việc triều chính Pharaoh cùng con thường ra biển thưởng thức vẻ đẹp của biển cả. Sáng sớm ở đây công chúa cùng Pharaoh ngắm cảnh mặt trời mọc. Trời còn tối, bầu trời xanh thẳm gần như đen, rồi bỗng nhiên mặt trời nhô lên chói lọi đỏ bừng, khắp bầu trời chiếu sáng trăm màu rực rỡ. Tuy nhiên cô lấy làm lạ rằng trong khi cô có thể thấy tương lai người khác thì đối với chính mình, cô luôn luôn chỉ thấy một vùng sương mờ mà không biết chuyện mai sau ra sao. Hỏi cha vì biết rằng Pharaoh có khả năng thấy vượt thời gian, thì Pharaoh buồn lạ lùng và đáp:

- Việc con chỉ thấy bức màn sương khi nhìn vào tương lai là dấu hiệu hàm ý chân ngã không muốn con biết chuyện sắp tới. Tốt hơn con không nên biết, vì nếu biết con sẽ không thể làm tròn phần việc của đời hiện tại. Một điều cha có thế nói là cả hai chúng ta sẽ cùng trải qua mọi cuộc tiến hóa của sự sống mà không nhất thiết ở cạnh nhau, hai cha con ta sẽ tái sinh nhưng không cùng lúc hay cùng chỗ, và có lúc con làm việc ở cõi trần trong khi ta và Ptahhotep hoạt động ở cõi thanh với nhiều người khác, nhưng con sẽ gặp ta trong giấc mơ. Chi tiết không quan trọng lắm vì cho dù chuyện gì xảy ra với con trong tương lai, chân ngã của hai ta luôn luôn hòa hợp, hợp nhất.

- Con biết, công chúa hài lòng thưa, con thuộc về cha và con biết cha sẽ không bao giờ rời bỏ con.

- Chúng ta không bao giờ rời bỏ con. Pharaoh lập lại một cách nghiêm nghị và chậm rãi.

Cô rất thích thú với vai trò mới ở đền thờ, mà cùng lúc công chúa cũng có bổn phận trong triều đình phải thực hiện. Một trong những phần việc này là cùng với Pharaoh tiếp đãi sứ bộ các nước giao dịch với Ai Cập. Ngày kia, sứ bộ một nước xa xăm vào yết kiến Pharaoh và công chúa. Những ngày sau đó là tiệc khoản đãi khách, công chúa có dịp nói chuyện nhiều với người trong phái đoàn. Cô thấy họ là người có ý niệm thiếu sót về mặt tâm linh nên tìm cách hướng cuộc thảo luận  về mặt này, mong làm soi sáng tâm họ chút ít.

Một thanh niên trong sứ bộ thường tranh cãi với công chúa, cho rằng đi tìm cái ngã thiêng liêng chẳng có ích, là chuyện xa vời viễn vông trong khi điều thực tế hiển hiện là anh là phái nam và công chúa là phái nữ ! Thái độ chống đối này làm cô nỗ lực giảng giải nhiều hơn, nhưng tì nữ thân cận lại cho rằng sự hăng hái của công chúa là dấu hiệu của người đang yêu ! Hiển nhiên là không, công chúa mạnh mẽ bác bỏ. Làm sao cô có thể yêu thương người không hiểu biết chuyện thiêng liêng như cô đã được biết.

Ngày cuối trước khi sứ bộ về nước, thanh niên thố lộ rằng  anh thấy đời không còn đáng sống khi xa rời công chúa vì anh đã thương yêu cô sâu đậm. Anh ôm chầm lấy công chúa hôn tới tấp, cô kháng cự nhưng rồi khám phá rằng mình cũng thương yêu anh từ bấy lâu nay. Cơ thể cô tràn ngập xúc động mạnh mẽ, thần kinh căng thẳng dữ dội và công chúa ngất đi.

Tỉnh lại, cô biết mình đã phạm lỗi. Quá sức thất vọng, cô cho thắng xe sự tử đi dạo giải khuây nhưng sư tử nổi chứng, lồng lên rượt đuổi khiến công chúa hốt hoảng bỏ chạy. Trong nỗi kinh khiếp, cô thấy thấp thoáng bóng dịu hiền  của mẹ đằng xa giơ tay đón, viên tướng Thiss Tha cũng vội vã tiến đến cứu nhưng móng vuốt sư tử đã chụp xuống đầu cô.

Rồi cô thấy xác ướp của mình được mang đặt vào hầm mộ trong kim tự tháp, nghe rằng mình phải nằm trong ấy 3000 năm. Khi tái sinh, giống như lời cảnh giác của vị Đại giáo sĩ, cô bắt đầu từ tâm thức thấp kém hơn kiếp Ai Cập, theo vòng luân hồi qua bao cảnh sống cho đến khi cô trở lại lần này ở Hungary cũng trong thân xác nữ, nhưng đã tiến lên tới trình độ tâm thức tương đương như ở Ai Cập.

Elisabeth choàng tỉnh trở về cảnh đời hiện tại, thấy mình đang ngồi thiền trong căn nhà nhỏ miền núi ở Hungary trước thế chiến II, tâm tưởng đầy ắp ký ức bao kiếp qua. Những hình ảnh này làm Elisabeth phải trầm ngâm suy nghĩ, cô thấy trong mỗi kiếp cô luôn mang trong tâm nỗi khát khao muốn gặp lại người giống như mình: Ptahhotep, Pharaoh, những ai tâm đầu ý hiệp mà cô không hề tái ngộ sau Ai Cập, tức các giáo sĩ trong đền thờ. Hiểu biết chuyện đã qua làm cô nhìn lại quãng đời ở Hungary một cách rõ ràng và thú vị: cảm giác xa lạ lạc lõng với chung quanh, ý nghĩ rằng cha cô là người cao tột nhất nước, nỗi thất vọng khi nhận ra rằng cha mẹ thực ra không phải là cha mẹ của mình, giấc mơ bị sư tử rượt, những tư thế lạ lùng của Hatha Yoga mà cô nhỏ tự nhiên biết không ai dạy là một phần của việc huấn luyện trong đền thờ Ai Cập, nay không còn khó hiểu.

Cô cũng được Ptahhotep giải thích rằng trong kiếp Ai Cập, lúc cô gặp nạn và Thiss Tha chạy đến cứu mà không kịp, chỉ còn dằng lấy được cái xác không hồn của công chúa đã bị sư tử cào cấu, khi ấy viên tướng dũng mãnh Thiss Tha có lòng thương cảm mạnh mẽ công chúa, coi như là chính con gái mình. Cũng y vậy, trong mấy giây cuối đời công chúa cố sức chạy tới Thiss Tha mong được cứu sống. Lòng thương xót và ý kêu cầu ấy giữa hai người đã mang Thiss Tha và công chúa trở lại thành liên hệ cha con ở Hungary, vì ý mong muốn thiết tha (longing) là năng lực mạnh mẽ nhất của linh hồn, con người sẽ bị lôi kéo tái sinh vào nơi nào mà tâm thức ước muốn.

Đó là lý do chính mà còn một nguyên nhân khác cũng quan trọng, ấy là muốn có lại những hiểu biết, kinh nghiệm đạt được ở kiếp Ai Cập, Elisabeth bắt buộc phải thừa hưởng một thân xác có hệ thần kinh phát triển cao độ, kinh mạch khai thông và chịu được làn rung động cao của tâm linh. Chuyện kỳ diệu ở đây là nếu có thể truy lại, ta sẽ thấy rằng di truyền tử của Thiss Tha được truyền đi không gián đoạn qua bao thế hệ, từ kiếp Ai Cập cho đến thế kỷ 20 ! Điều ấy cho phép Thiss Tha tái sinh trở lại với cùng những di truyền tử như xưa.

Elisabeth sinh làm con Thiss Tha vì tính khí hai người có nhiều điểm giống nhau, ai cũng để ý rằng Elisabeth giống cha, từ màu tóc đến thân hình, xương cốt, vóc dáng, nét mặt, nhưng cô giống cha không phải vì cô là con ông, mà cô sinh làm con của ông chỉ bởi tâm tính cô giống ông ! Lực giống nhau sẽ tạo nên hình dạng giống nhau. Thiss Tha ở Hungary có cùng màu tóc và màu mắt như ở Ai Cập. Chuyện kỳ diệu có được do một cháu chắt của Thiss Tha là thủy thủ, trôi nổi đến Hungary mang theo di truyền tử để khiến màu tóc và mắt và thân hình như trên truyền sang những đời sau. Dây liên hệ từ cổ Ai Cập kéo dài đến thế kỷ 20 không đứt đoạn.

Những việc sau đó diễn ra như giấc mơ đối với Elisabeth, cô nhìn lại người và việc quanh mình với con mắt khác lạ vì cô đã sống  qua rồi (trong nghi lễ chứng đạo ở kim tự tháp) cuộc đời sắp tới, chẳng hạn trong tâm thức của kiếp Ai Cập khi mơ cảnh đời của Elisabeth, công chúa thấy điện thoạị, xe hơi, máy bay. Nay khi sử dụng điện thoại, xe hơi, Elisabeth không khỏi tự hỏi mình tỉnh hay mơ. Thỉnh thoảng vài chuyện làm khơi lạị ký ức của kiếp Ai Cập. Chẳng hạn có lần cô đi dự một hội nghị quốc tế ở ngoại quốc, khi một người lạ bước vào thì Elisabeth nhận ngay ra  đó là một quan lớn tại triều của Ai Cập ngày xưa. Người này ngẩn ra giây lát và nói với Elisabeth:

- Thật lạ lùng, bà là ai ? Tôi có cảm giác kỳ lạ là mình phải cúi thật sâu để chào, và phải gọi bà là Nữ hoàng (vì mẹ mất sớm, lúc trưởng thành công chúa được gọi là Nữ hoàng và đóng vai trò này trong triều cạnh cha là Pharaoh).

Elisabeth đáp:

- Ông chính là quan thương thư bộ Lại của cha tôi ngày xưa ở Ai Cập.

Ai cũng cho đó là lời nói đùa và phá ra cười nhưng người lạ không ngớt thắc mắc, kinh ngạc. Trong mấy ngày hội nghị ông luôn gọi Elisabeth là Nữ hoàng. Ngày kia Elisabeth được giới thiệu với một đạo sĩ tiếng tăm của Ấn Độ, cô sửng sốt vì đó chính là một trong những giáo sĩ đã chỉ dạy cô trong đền thờ ở Ai Cập. Sau hết, Elisabeth cũng tìm ra người mà cô luôn yêu mến, mong ước được tái ngộ. Pharaoh tái sinh làm một đạo sĩ tại Ấn Độ nhưng đã qua đời lúc Elisabeth còn rất nhỏ ở Hungary. Vị này được xem là đạo sĩ cao cả nhất của thời hiện đại, trưng ra các chân lý tuyệt diệu sâu xa nhất. Bài giảng của ngài được ghi lại thành sách, và mỗi khi đọc Elisabeth cảm thấy chắc chắn là mình có biết ngài vào một lúc nào đó, trong giấc mơ nhiều lần Elisabeth thấy mình chạỵ băng ôm chầm lấy ngài miệng gọi 'Cha ơi !’. Khi tỉnh giấc cô không hiểu tại sao lại gọi ngài là ‘Cha' trong mơ, nay với lời giải thích của Ptahhotep, mọi việc trở nên sáng tỏ.

Thời gian trôi qua, Elisabeth tiếp tục dạy Yoga và những hiểu biết do kiếp Ai Cập truyền lại nay khi cô đã hiểu rõ quá khứ. Rồi thế chiến II xảy đến, con trai Elisabeth trở thành phi công như công chúa đã mơ thấy trong nghi lễ điểm đạo ở hầm mộ sâu tại Ai Cập. Elisabeth cùng gia đình gặp những thảm cảnh của chiến tranh, trải qua lắm điều khổ cực, sau đó phải tìm đường ra khỏi nước khi Hungary thành cộng sản và sách chấm dứt nơi đây.

Vừa rồi chỉ là tóm lược sơ sài quyển Initiation. Giá trị của sách sẽ hóa rõ ràng hơn khi ta đọc kỹ chi tiết, và đọc càng nhiều lần thì càng khám phá những ý nghĩa sâu xa trong lời dạy của vị Đai giáo sĩ Ptahhotep. PST tin chắc độc giả sẽ hài lòng thích thú với sách, mê say đọc không rời từ trang đầu tới trang cuối. Nhân đây PST xin cám ơn thân hữu tại Montreal đã có nhã ý giới thiệu sách với PST, giúp độc giả biết thêm một tác phẩm quí giá về Minh Triết Thiêng Liêng. Ngoài quyển này, Elisabeth Haich còn viết một số sách khác về Yoga rất đáng xem.