ĐỌC SÁCH – RUDI
Đọc Sách – Rudi
Thời đại của chúng ta đang sống có những thay đổi hệ trọng, một phần vì đây là khoảng thời gian chuyển tiếp giữa năng lực cũ và mới với những đặc tính khác nhau, giá trị cũ nhường chỗ cho giá trị mới, cách làm việc và đường lối xưa hiện hữu song song với sinh hoạt và tâm tình của tân kỷ nguyên. Nói về cách sinh hoạt mới này, ta sẽ đọc quyển sách tên ‘Rudi - 14 Years with My Teacher' của tác giả John Mann, xuất bản năm 1987.
Năm 1959, John được 31 tuổi và là giáo sư khoa xã hội học ở đại học New York, Hoa Kỳ. John ưa thích tranh thủy mặc của Trung Hoa và một hôm lang thang vào khu Manhattan tại thành phố New York, tìm cửa hàng về nghệ thuật đông phương mà có người giới thiệu cho anh. Khi kiếm ra thì đây là cửa hàng rất nhỏ trong khu phố, chủ nhân là Rudi người mập mạp, gương mặt tròn, ăn mặc xuềnh xoàng có đôi mắt sáng rỡ, năm đó được 31 tuổi như John. Cửa hàng không có tranh thủy mặc và John đột nhiên mời Rudi tới nhà ăn tối. Chính John thấy ngạc nhiên với mình về quyết định bất chợt này của mình.
Trong bữa ăn đôi bên hỏi chuyện nhau, và Rudi kể rằng mình chỉ mới mở cửa hàng vài năm, anh học kỹ sư và trong lúc đi học buổi tối Rudi làm phụ bếp ở nhà hàng để kiếm tiền, vì vậy mà Rudi học được nghề nấu bếp rất giỏi. Ra trường không kiếm được việc, khi tìm cách sinh sống Rudi đi ngang một chỗ nhỏ bé thì nghe có tiếng nói “Đây là cửa hàng của anh". Rudi muốn bỏ đi nhưng tiếng nói ấy lặp lại nhiều lần, mà nếu không có việc làm thì tình trạng rất tuyệt vọng, nên Rudi bèn nghĩ đến chuyện bán mỹ nghệ phẩm.
Ban đầu anh không có tài chánh chi cả nên cửa hàng có thật ít món để bán. Sáng sớm anh đi quanh khu xóm lục thùng rác, xem có vật dụng gì thải bỏ mà anh có thể chữa được để nhặt lấy đem về chữa lại và bán, như máy nướng bánh mì, đèn, vật kim loại. Tối đến anh đi rửa chén cho nhà hàng gần tiệm, từ từ gầy dựng thành cửa hàng khiêm nhượng mà John gặp anh.
Bữa cơm làm đôi bên thân cận nhau hơn, nay ngoài giờ đi dạy thì John thường tới cửa hàng để ngắm mỹ nghệ phẩm nơi đây, và để nói chuyện với Rudi. Có khi hai người đem ghế ra ngồi trước cửa, bởi tiệm rất nhỏ nên khi có khách thì không còn chỗ, và John phải đi ra ngoài dạo khu phố một vòng. John không nhớ Rudi nói gì trong những ngày đầu ấy, thường khi Rudi giữ yên lặng và John chờ đợi mà không biết chờ cái gì.
Khoảng 6 tháng trước khi John đến tiệm thì Rudi bắt đầu có những người mà anh gọi là học trò của mình, thế nên khi gặp họ ở tiệm thì John tò mò quan sát. Anh thấy đây là một số thanh thiếu niên trẻ tuổi, người là bụi đời, người thì khá hơn có nghề nghiệp.
Cửa hàng chật chội nên John dù muốn dù không cũng thấy hết mọi việc, là khi tập luyện học trò thì Rudi không làm gì hết, hai bên chỉ ngồi đối diện cho Rudi chú mục vào học trò từ 5 – 10 phút, không ai nói tiếng nào. John thấy mình cao hơn hẳn mấy người này, và không hề muốn làm việc với Rudi giống như họ. Rudi để John quan sát và thỉnh thoảng nói về tình trạng của vài người, chẳng hạn có Roy đi ngang qua cửa tiệm mỗi ngày mà không hề để ý, còn Rudi thì biết đây là học trò đầu tiên của mình, nhưng anh ý thức là phải chờ đợi cho Roy đi bước đầu tiên. Mãi một năm sau tình cờ Roy mới đặt chân vào tiệm và mở lời với Rudi.
Roy có công ăn việc làm, một số học trò khác không được như vậy và có người tỏ dấu hiệu rối loạn tâm thần, nhưng Rudi tiếp nhận hết tất cả. Anh bảo với John:
– Tôi không chọn học trò mà thực ra tôi thu hút họ vì trình độ của mình, và học trò chọn tôi. Tôi nhận tất cả những ai đến với tôi, và làm mọi điều có thể làm để nâng mức của họ.
John vẫn thờ ơ với Rudi, cho đến ngày kia khi tập luyện xong với học trò, trong cửa hàng chỉ còn lại hai người, Rudi hỏi John có muốn tập luyện với mình không và John nhận lời ngay. Anh không biết sẽ có gì xảy ra và ngồi đối diện nhìn Rudi như thấy các học trò khác làm. Chuyện thật giản dị, John cảm nhận là sinh lực tinh khiết tuôn từ Rudi sang anh, vài phút sau Rudi quay nhìn chỗ khác. Từ đó mỗi khi có dịp thì Rudi tập với John ở cửa hàng, và John thấy mình có cơ hội tăng trưởng nội tâm nhiều hơn, giống như bước qua cánh cửa và thấy trước mặt là con đường rõ rệt.
Thương nghiệp của Rudi phát triển phải tìm cửa hàng khác rộng lớn hơn, dần dần thêm nhiều người đến với Rudi để học hỏi. Cảnh tượng hàng ngày là Rudi ngồi sau quầy hàng để trông tiệm, nhìn ra cửa sổ mặt tiền và cửa ra vào. Khi nào rảnh rỗi vắng khách thì Rudi đọc truyện trinh thám của Agatha Christie, một tác giả người Anh nổi tiếng. Thỉnh thoảng Rudi cũng liếc qua các tạp chí, còn thì anh tránh không đọc bất cứ cái gì về tâm linh. Mỗi khi học trò mới hỏi xem nên đọc sách tâm linh nào thích hợp, Rudi sẽ giới thiệu sách trinh thám của Agatha Christie, và như thế chấm dứt cuộc nói chuyện ! Có lần một thanh niên quay trở lại hai tiếng sau, tỏ ra thắc mắc:
– Tôi đến tiệm sách lớn nhất dưới phố, lục hết khu sách tâm linh mà không thấy cuốn nào của Agatha Christie cả.
Rudi gật đầu, đưa cho thanh niên một quyển chuyện trinh thám mới nhất của bà đang nằm trên bàn và nói:
– Khi anh có thầy thì không cần cuốn sách nào nữa.
Rudi cho là sách tâm linh thường nuôi thêm ảo tưởng của người đọc nó, vì vậy theo anh chúng là trở ngại. Nếu ta đọc là giai đoạn nào có việc gì xẩy ra, thì hiểu biết ấy có thể khiến ta thúc đẩy để có những việc ấy, hay để sự việc diễn ra theo lời tả trong sách mà rõ ràng là làm vậy không ích lợi gì, nên Rudi chỉ đọc chuyện trinh thám.
Những học trò khác nói với John là họ thấy hào quang Rudi, hay vùng đầu sáng chói, nhưng John thì không thấy gì cả mà cũng không xem đó là chuyện quan hệ.
Vì đến chơi cửa hàng thường xuyên nên John chứng kiến một số điều thích thú. Có lần một thanh niên quần áo xốc xếch, thấy ngay là mất thăng bằng, tông cửa vào tiệm rồi để nó đóng cái rầm sập lại. Rudi tỏ vẻ quen biết, ra dấu cho anh ngồi xuống ghế. Thanh niên nhìn trừng trừng Rudi.
– Tôi sắp vào bệnh viện tâm thần Bellevue.
– Tốt lắm, lâu nay anh mạnh giỏi không ?
– Sắp điên rồi. Ông ngồi đó coi giống như ông Phật.
– Nhiều người nói giống anh. Rudi đáp lại và mỉm cười, còn John thì run và thấy không có gì để cười được. Sự hung hăng của thanh niên làm John chỉ muốn mình biến mất, mong là anh ta không nổi cơn đập phá.
– Ông cười cái gì ? Thanh niên đột nhiên hỏi.
– Gặp anh thì tôi vui. Rudi yên lặng đáp.
– Chắc tôi điên thật rồi, tôi thấy đầu ông phát ra ánh sáng.
Rudi không nói gì, đôi bên chuyện vãn bâng quơ thêm vài phút rồi có khách hàng vào cửa. Rudi caó lỗi để ra tiếp khách trong khi thanh niên hung hăng nhìn khách như muốn gây sự, nhưng rồi sau một phút anh đẩy cái ghế qua bên, lẳng lặng ra khỏi tiệm. John thở phào còn Rudi giải thích;
– Tôi là chặng cuối cho anh ta ghé trước khi vào bệnh viện Bellevue. Anh chàng còn đủ sáng suốt để biết là mình sắp điên, nếu khi xuất viện mà tới đây thì may ra tôi có thể giúp được anh ta. Đằng nào thì tôi cũng thích gặp anh ta lâu lâu một lần.
– Tại sao ? John hỏi, trong bụng vẫn còn run.
– Khi tiếp chuyện với người như vậy mình phải hoàn toàn tỉnh thức, họ cảm biết hết những gì trong tâm tư của mình, nếu tôi lơ là một chút là anh ta nhận ra ngay, vì người điên nhậy cảm trăm lần hơn người bình thường. Tôi không muốn gặp anh chàng thường xuyên, nhưng khi tiếp xúc thì anh ta bắt buộc tôi phải linh hoạt ở mức cao hơn, do đó tôi biết ơn anh. Điểu làm tôi chú ý là thấy được lực khiến anh ta điên, nó đang từ từ bao lấy đầu của anh, tới khi phủ kín thì anh ta sẽ bị rối loạn tâm thần hoàn toàn. Tôi hy vọng khi ấy anh ta đã vào bệnh viện.
Lần khác khi John bước tới cửa hàng thì Rudi chào anh bằng câu:
– Anh hụt một thánh nhân Ấn Độ rồi.
– Tôi không tin, có ông thánh Ấn Độ nào mà tới New York ? Nhưng Rudi nói:
– Cả ngày hôm nay ngồi ở đây tôi cảm nhận là có một năng lực đặc biệt, tôi không biết nó là cái gì nhưng nó rất mạnh và tinh khiết, nó không có vẻ phát ra từ khung cảnh chung quanh. Rồi cách đây một tiếng có một ông thầy tu người Ấn bước vô với hai đạọ hữu. Ông không biết nói tiếng Anh nhưng chúng tôi hiểu nhau. Bây giờ anh vẫn có thể cảm được sự hiện diện của ông trong không khí.
Và quả vậy, John thấy như bầu không khí hóa trong trẻo, sáng sủa như có ánh sáng bạc chiếu vào và hai người ngồi yên lăng, tắm trong bầu không khí kỳ diệu ấy.
Nhiều năm liên tiếp John đến cửa hàng mấy tiếng một ngày, chỉ thụ động quan sát và trò chuyện hay tập với Rudi. John thấy Rudi thản nhiên cho người khác hay là họ đang nghĩ gì, liếc nhìn một ai thì nói ngay được tâm tính của họ, và khi điện thoại reo thì biết bên kia đầu dây là ai. Dần dần sự việc không còn làm John thắc mắc mà coi đó là điều hết sức tự nhiên. John cũng chấp nhận các kinh nghiệm xảy ra khi tập với Rudi mà nếu có ai hỏi thì John sẽ lúng túng, không biết gọi đó là cái gì. Anh chỉ biết nó rất thực với anh, là đường lối dẫn anh ra khỏi rối rắm trong lòng. Vậy là đủ và Rudi cũng không chịu cho nó một tên:
– Đặt tên gọi thì có khác biệt gì ? Nếu tôi cho nó cái tên anh sẽ nghĩ là anh hiểu, nhưng ngay khi người ta đặt tên mọi vật và xếp đặt đâu đó mạch lạc thì sinh lực đã giảm.
(Ý tưởng này không khác gì câu mở đầu Đạo Đức Kinh của Lão Tử :
– Đạo khả đạo phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh.
Tạm dịch: Đạo mà có thể nói được, tên có thể gọi được thì không phải là đạo hay tên lâu dài, mãi mãi. Nguyễn Duy Cần.)
Việc rõ ràng nhất có thể nói là khi Rudi tập cho ai thì anh sinh ra năng lực cao và truyền sang cho học trò, tạo ra cảm giác ngay tức khắc là khoan khoái, dễ chịu, tuôn tràn ra ngoài, và cảm giác này kéo dài một lúc lâu sau khi Rudi đã ngưng. Cùng vào lúc có truyền năng lực thì Rudi nhận vào người phần tâm thần độc của học trò. Anh giải thích:
– Đó là sự trao đổi phải có, khi năng lực cao truyền vào anh thì phải có cái đi ra để có chỗ cho năng lực vô. Cái đi ra khỏi anh là chất độc, cái đi vào là chất nuôi dưỡng. Tôi rất mạnh trong tâm, tôi có nhiều năng lực hơn mức cần dùng mà nếu giữ lại thì tôi điên, thành ra tôi phải tìm cách sử dụng năng lực ấy bằng cách truyền sang cho học trò và nhận các rối loạn, căng thẳng của họ vào người tôi. Cơ chế tâm thần của tôi có thể phá vỡ các rối loạn này, và xử dụng phần nào cho sự tăng trưởng của tôi. Cái nào tôi không thể chuyển hóa được thì tôi rải ra ngoài. Anh chỉ việc mở tâm đón nhận năng lực của tôi đi qua còn thì tôi làm hết mọi chuyện khác.
– Nhưng tôi vẫn không hiểu sự việc diễn biến ra sao ? John nói.
– Anh có cần biết tại sao anh đến với tôi không ?
– Không.
– Vậy đừng lo lắng nữa. Nhận năng lực khi nó truyền sang anh, thu lấy đem sâu vào người, rồi tự nó sẽ giải quyết lấy ổn thỏa.
Khoảng thời gian này Rudi tập luyện với từng học trò một tại cửa tiệm, vào lúc vắng khách. Ai đi ngang có thể tò mò ngó vào, thấy hai người trong tiệm yên lặng ngồi nhìn nhau, cảnh tượng vừa lạ vừa bình thường. Khi có khách thì Rudi đứng dậy ra tiếp. Có lúc khách cũng cảm thấy có gì lạ lùng và họ chỉ coi sơ rồi ra khỏi tiệm.
Tới năm 1960 thì Rudi bắt đầu mở lớp tối tại nhà, dạy nguyên một nhóm thay vì từng người riêng rẽ như vẫn làm trước đây. Mỗi buổi như vậy kéo dài khoảng nửa tiếng và hình thức này được duy trì luôn về sau, tuy rằng Rudi vẫn tiếp tục huấn luyện từng cá nhân khi thuận tiện.
Rudi có quan niệm vững chắc về vai trò của anh:
‘Người thầy thực ra chỉ là người đầy tớ, là điều mà nhiều người thầy muốn quên. Sự việc một lực cao tuôn tràn qua một người thầy đúng nghĩa không muốn nói là ta phải thờ lạy họ. Phần việc của họ là trợ giúp tiềm năng của học trò. Đa số các vị thầy đòi hỏi được kính trọng và điều ấy đúng, nếu nó có nghĩa là tôn kính lực vũ trụ mà không phải cá nhân của vị thầy. Tuy nhiên người ta rất dễ chuyển sự tôn kính đó sang cá nhân người thầy, thế nên người thầy phải sẵn sàng quên vai trò của mình để mối liên hệ thầy trò có kết quả, là học trò tăng trưởng nội tâm. Học trò có thể đảnh lễ, sấp mình, có những cử chỉ bầy tỏ sự kính trọng thầy, và thầy đón nhận chúng không phải cho mình, mà cho cái năng lực tuôn qua người họ.’
Rudi nhắc nhở học trò rằng mai sau khi họ ở vào vị thế của anh, thì nên ý thức lực chỉ tuôn tràn khi thầy biết mình không là gì cả, là trống không. Tỏ lòng kính trọng thầy thực ra là tỏ lòng kính trọng cái lực mà người thầy chỉ là kính phóng đại, là vận cụ cho lực ấy. Chỉ có một lực chung, và khi qua người thầy thì lực này bị giới hạn và lọc theo những cách khác nhau, sử dụng theo phương pháp và mục tiêu riêng, nhưng lực là một.
Anh rất thẳng tay với học trò, và bởi đây là người Mỹ nên họ bầy tỏ ý kiến chẳng những thẳng thắn mà mạnh bạo, trò đốp chát với thầy và thầy trả đũa không kém, khác hẳn với quan niệm kính trọng và lễ độ với thầy của đông phương. Một hôm đang nói chuyện, Rudi đổi đề tài và hỏi John.
– Anh ra quán góc phố mua cho tôi hai xúc xích với mustard, dưa chua và dưa chuột ngâm dấm được không ?
– Được chứ, John vui vẻ đáp. Rudi không đưa tiền nhưng John thích làm cho Rudi, vì biết không gì có thể đáp trả lại được sự huấn luyện của Rudi. Mua về Rudi ăn lẹ làng và rồi hỏi John:
– Anh có muốn ước gì không ?
Về sau biết nhiều hơn, John dần dần hiểu ra cách Rudi làm việc. Rudi tạo cơ hội để người khác làm ơn cho mình, ở đây là John mua hai cái xúc xích, nương vào việc này Rudi trả lại ơn bằng cách gợi cho John mong ước và Rudi sẽ thực hiện ước ao đó. Thí dụ tương tự là khi xưa đức Phật khi khất thực để kết duyên với đông đảo người.
Quay trở lại chuyện thì John ngẫm nghĩ lúc lâu và thú thật là mình không biết điều gì để hỏi xin. Rudi la lối:
– Ít nhất anh có thể nghĩ ra 10 chuyện để hỏi xin, anh không hỏi vì anh không muốn nhận trách nhiệm đi kèm với việc làm tròn mong ước, nhưng đó là món quà của tôi cho anh. Cho anh chân lý. Anh có thể ngồi trong tiệm với tôi cả bao nhiêu năm tới lúc tôi chết, hay tới lúc tôi tống cổ anh ra. Thụ động như vậy anh cũng sẽ tăng trưởng, nhưng chỉ tới một mức nào đó thôi.
– Tôi được hỏi xin cái gì ?
– Hỏi tận sâu thẳm trong tâm cho anh chấp nhận trách nhiệm về sự tăng trưởng của mình, trưởng thành, chỉ dẫn lại người khác. Nếu anh không muốn làm thì tôi không thể ép anh được.
– Mua có hai cái xúc xích quèn để đổi lại tới bấy nhiêu ư ?
Rudi đáp:
– Anh muốn tôi bỏ mặc anh không ? Tôi thúc giục không phải vì tôi thích, để mặc anh thì chuyện dễ hơn cho tôi rất nhiều, nhưng tôi không thể làm vậy. Người Ấn có câu nói: Thượng đế kiên nhẫn, ngài chờ được rất nhiều kiếp, nhưng guru thì không kiên nhẫn mà muốn học trò giác ngộ ngay trong kiếp hiện sinh.
Anh là cái giới hạn tôi, nếu tôi để anh lừng khừng mãi thì anh làm chậm bước tôi, nên tôi khuyến cáo anh. Thụ động và chờ đợi suông, không đủ. Tôi biết anh cần thì giờ để tăng trưởng và tôi chờ, nhưng không thể chờ vô hạn định. Khi không còn ngày giờ thì tôi sẽ không ngần ngại đuổi cổ anh ra. Mỗi năm có một loạt học trò mới, còn người cũ đến với tôi từ mấy năm trước thì bỏ đi. Hẳn anh nhận ra được điều này là ai tới sau thường có phẩm chất tốt hơn người bỏ ra. Lúc sau này chúng ta làm việc với năng lực thanh bai hơn so với lúc trước, năng lực này vì vậy thu hút học trò ở trình độ cao hơn, điều ấy càng lúc càng gây khó khăn cho ai đến với tôi từ trước. Tuy nhiên tôi không thể làm gì được để ảnh hưởng sự việc, cũng như tôi không muốn làm gì khác hơn. Anh không nên chỉ muốn có liên hệ với tôi. Anh sẽ làm gì nếu tôi biến đi ?
– Tôi không biết.
– Ráng nghĩ coi. Tôi bỏ đi thì anh ra sao ? Tôi biết chuyện gì sẽ xẩy đến cho tôi, nhưng còn anh? Tôi biết đời mình tới đâu, tôi còn biết mình sẽ chết ra sao nữa.
Đấy là năm 1965. John tò mò hỏi:
– Ra làm sao ?
– Tôi sẽ nổ tung và chết cháy, nhưng đó là chuyện phụ. Việc chính là đừng mê mải với tôi mà hãy tạo con đường cho riêng anh, khởi sự làm việc. Anh không biết làm việc là gì.
– Tôi không hiểu. John cảm thấy bị tổn thương khi nghe Rudi phê bình vậy, nhưng Rudi giải thích thêm:
– Anh có thể làm việc bằng cách đào sâu trong nội tâm hơn, nỗ lực tăng trưởng nhiều hơn, bằng không anh sẽ bị bỏ lại sau lưng. Tôi không muốn chuyện đó,vì anh sẽ không còn cơ hội nào khác trong kiếp này. Bao nhiêu năm học với tôi anh không đi sâu được mấy. Điều khó nhất mà tôi phải chịu đựng là chưa có ai thực sự bắt đầu nhận cái mà tôi có và muốn cho ra. Đó là lý do mạnh hơn hết khiến tôi sẽ phải từ bỏ nơi này. Tôi không muốn vậy nhưng cuối cùng tôi sẽ phải ra đi để tới chỗ của người có khả năng và nhu cầu tiếp thu sâu xa cái tôi có.
Nhờ sự thúc giục này mà John sau đó đi tới quyết định là mở lớp chỉ dẫn những điều học được từ Rudi, sau đó lập cơ sở lớn quảng bá tư tưởng của Rudi. Ý kiến trên của Rudi đáng chú ý vì trong chuyện The Initiate đăng trên PST, ta thấy là vị Chân Sư nói cùng điều ấy, tức khi học trò tỏ ra không tiến bộ so với nỗ lực của thầy tuôn vào nhóm, thì người thầy rời nhóm bỏ đi.
Rudi có chủ trương mạnh mẽ về thế nào là tinh thần, nhiều người nói rằng họ theo đuổi con đường tâm linh và do đó chỉ ăn một số thực phẩm chọn lọc, chỉ tiếp xúc một số nhỏ người. Đôi khi họ từ chối không bắt tay, với lý do không muốn bị nhiễm năng lực không hợp cho sự huấn luyện tinh thần, nhưng Rudi làm ngược hẳn. Anh luyện cho mình ăn được mọi thực phẩm, cũng như tin rằng nên ăn mọi món, tuy việc ăn uống nên được điều chỉnh theo từng giai đoạn phát triển, anh cũng tiếp xúc với tất cả mọi người, và nói là nếu thánh thiện hàm ý không nên để ai khác đụng vào người thì không đúng, mà nhân vật thánh thiện đồng thời cũng sống rất thực, rất người.
Rudi muốn học trò hiểu nguyên tắc căn bản của việc tập luyện tinh thần. Ấy là khi thực hành với năng lực thì người ta phải được ai đã thông thạo với năng lực này chỉ dẫn, mà không thể học từ sách vở, giấy trắng mực đen, và không có cách nào khác. Ta có thể đọc sách, nghe giảng, thảo luận trao đổi ý tưởng với bạn nhưng các điều này không thể dẫn tới kết quả thực nào, mà phải có người tình nguyện chỉ dẫn cho ta.
Một điều vô bổ hay thấy trong những ashram (đạo viện) là người ta có khuynh hướng tụ lại so sánh kinh nghiệm của nhau, hành động ấy khuyến khích ngầm óc ganh đua là điều không nên có chút nào. Không có kinh nghiệm nào giống nhau, và cũng không có ai để ta ganh đua ngoại trừ việc ganh đua với chính mình. Cái tệ hơn nữa là khi bàn chuyện tào lao về kinh nghiệm riêng của mỗi người thì ta phí đi năng lực. Ta chỉ nên thảo luận về kinh nghiệm với thầy của mình, và chỉ nói khi nào có thắc mắc thực sự, bằng không thì ghi nhận kinh nghiệm và rồi quên đi. Đó là con đường duy nhất dẫn tới sự tự do nội tâm, ngược lại ta có thể trở thành cái hồi ức sống động của giác ngộ nào đó trong quá khứ, bị giam hãm trong thành quả của ngày xưa và đứng một chỗ không tăng trưởng.
Một hôm Rudi đóng thùng gửi đi một bức tượng cổ xưa, rất có giá trị:
– Tôi bán cho Zen Center tại San Francisco, anh hăng hái nói, bức tượng trị giá gấp trăm lần số tiền tôi ghi trong hóa đơn cho họ.
– Tại anh mua được giá rẻ hay sao ? John hỏi.
– Không, tôi chỉ muốn họ có bức tượng, họ cần nó vào lúc này.
– Tôi không hiểu.
– Vị thầy Zen của họ qua đời, và một người Mỹ trẻ hơn lên thay thế. Tôi gửi bức tượng này đến cho anh ta để bầy tỏ sự quí mến của tôi, đó là cách tôi nói cho anh ta hay là tôi tin tưởng anh ấy có khả năng tiếp tục công việc.
– Nhưng cách hoạt động của họ khác hẳn cách của chúng ta ở đây.
– Chắc chắn là khác rồi, nhưng nó có hữu dụng thực sự và tôi quí trọng họ chỗ đó. Phần lớn các tổ chức tâm linh làm chuyện tầm phào, người ta tự dối mình và dối kẻ khác là đang tập luyện để tăng trưởng. Ngay cả khi họ có nỗ lực đáng kể thì cũng thường là họ làm chuyện họ tưởng là đúng, mà không phải chuyện họ nên làm. Có sự khác biệt lớn lao giữa hai cái, anh không thể chỉ lắng nghe tư tưởng của mình rồi mong là có tiến bộ.
Càng ngày phạm vi hoạt động của Rudi càng mở rộng thêm và anh nghĩ đến chuyện lập một ashram rộng rãi ở vùng quê. Năm 1968 Rudi tìm được nơi vừa ý gần rặng núi Catskill, có sẵn nhà cửa tuy nhiên cần được tu bổ trước khi sử dụng được, vì nơi đây bị bỏ phế từ hai năm qua. Mỗi cuối tuần học trò kéo nhau về nơi đây làm những việc cần làm: đặt lại hệ thống dây điện, ống nước, thay ngói, sơn nhà, làm vườn v..v. Mấy tuần đầu tiên thật đáng nhớ là ai cũng đau, không nhức đầu thì nóng sốt, ói mửa, mất ngủ. Ai không có triệu chứng thì thấy kiệt sức, hết hơi, người khác than là nhọc mệt muốn chết. Rudi cắt nghĩa:
– Phải rồi, tôi cũng thấy bết bát trong người, ai cũng đang phải trả một giá nhưng đó là chuyện cần thiết. Bất cứ khi nào ta bước vào một tình trạng mới, nhất là khi mua bất động sản thì nó hút lấy năng lực của ta. Không ai vui cả nhưng nếu nó xảy ra thì đó là một hân hạnh. Chúng ta đang giúp cho nơi đây hồi sinh trở lại và dùng chính sinh lực của ta vào việc này. Một khi nó linh hoạt rồi thì nó sẽ nuôi dưỡng ta. Nơi đây có một sinh lực tuyệt diệu, đất đai thấm đẫm sinh lực nên đó là lý do tôi chọn mua chỗ này.
John tin tưởng tuyệt đối vào Rudi. Có hôm phần việc của John là bắc thang sơn tòa nhà ba tầng. Đứng trên nấc thang chót để sơn phần trên cùng của bức tường, John thấy choáng váng, tay chân cứng lại nên phải leo xuống nghỉ, lấy thêm can đảm rồi mới lên thang sơn tiếp. Trong một lần đứng nghỉ như vậy thì Rudi bước ngang qua:
– Anh làm ở đâu ?
– Tuốt trên kia, John lấy tay chỉ tít trên đầu cầu thang.
– Tốt, Rudi gật đầu nói.
– Tốt cái gì ? Rudi không và John nói tiếp. Té xuống là tiêu.
– Đừng sợ, John. Rudi bảo. Anh không té đâu, số anh không có chết dễ như vậy.
Nói xong Rudi bỏ đi nhưng John thấy đỡ sợ hơn. Anh lý luận rằng Rudi biết anh đang làm gì mà tỏ vẻ không lo lắng, thế thì anh có thể tiếp tục mà không sợ có tai nạn. Chẳng những John phải đứng lên nấc thang cuối cùng để sơn, mà quanh tường ong bay kêu vo ve, mấy lần John muốn bỏ cuộc nhưng rồi kiên trì sơn xong, xuống thang tay chân run rẩy.
Năm 1972, Rudi dẫn theo John và hai học trò khác sang Ấn Độ, một phần là để mua mỹ nghệ phẩm hằng năm cho cửa hàng của Rudi, phần khác là để học trò biết thêm về truyền thống tâm linh của nơi này. Việc tập luyện dù thế không bị gián đoạn, trong suốt cuộc hành trình khi nào thuận tiện thì Rudi gọi học trò tập ngay, và sẽ quở mắng không thương tiếc khi học trò cần 5 giây để cởi thắt lưng, ngồi xếp bằng chuẩn bị cho việc học:
– Anh làm cái gì mà lâu vậy ?
Nếu học trò quen tính thầy và khôn ngoan thì lặng thinh không nói gì, chịu trận cho qua bão tố. Mà như thế cũng không yên thân, tai qua nạn khỏi, bởi Rudi sẽ quạt tiếp cho một tràng;
– Anh tới đây là để tập luyện, anh phải sẵn sàng bất cứ lúc nào. Tôi đối phó. lo liệu công việc của chuyến đi này, anh không cần phải lo gì cả. Ngồi cho thẳng và đừng than thân.
Cung cách này làm ta nhớ lại bà Blavatsky, bà cũng huấn luyện người chung quanh theo y cách thức làm đương sự tối tăm mặt mũi, và họ phản ứng giống như học trò của Rudi là ngậm miệng.
Năm 1973, Rudi giảng thuyết tại nhiều ashram do các học trò lập trong nước Mỹ. Trên đường tới một buổi giảng, phi cơ đâm vào núi và Rudi thiệt mạng giống như lời tiên đoán mấy năm về trước, còn tất cả học trò đi cùng chuyến bay lại an toàn. John cảm nhận rằng Rudi từ giã cõi trần vì công việc đã làm xong.