CỦA CHUỘT VÀ NGƯỜI
Của Chuột và Người
Vài tháng vừa qua thế giới đạt được một số điều rất đáng cho ta mừng vui, nhưng chỉ xin được trưng ra một khám phá xem ra có ý nghĩa sâu xa hơn cả, đó việc trình bầy lần đầu tiên thứ tự các di truyền tử - gene - trong bộ di truyền tử của người tức genome. Ta lướt qua mặt sinh học mà chỉ nói về ý nghĩa tâm linh, thì có hai nhận xét sau.
* Thứ nhất, khoa học gia khám phá rằng màu da con người có thể khác nhưng bộ di truyền tử chỉ khác biệt rất ít, 99% di truyền tử của con người bất kể ở đâu đều giống hệt nhau, tới mức có tuyên bố rằng tất cả chúng ta là người Phi châu, tản mác sống bên trong hay bên ngoài Phi châu mà thôi, theo nghĩa Phi châu là cái nôi của nhân loại và con người phát xuất từ Phi châu. Khám phá sinh học này vì vậy xác nhận chân lý mà Minh Triết Thiêng Liêng đưa ra từ lâu, được giảng dạy trong mọi tôn giáo lớn là tình huynh đệ đại đồng, và hiểu biết khoa học làm cho căn bản của lời giảng dạy đó nay càng vững chắc hơn. Con người không còn lý do gì để kỳ thị nhau, hay đối đãi phân biệt với người nước khác, giai cấp khác. Ít nhất về mặt sinh học nay ta được biết con người sinh ra bình đẳng với nhau.
* Thứ hai, con người không khác biệt mấy so với những loài khác, đa số di truyền tử của người cũng tìm thấy ở chuột, và con người có số di truyền tử bằng khoảng gấp đôi số di truyền tử của ruồi, tức chúng ta không cao hơn con ruồi bao nhiêu, và chắc cũng không có lý do để hãnh diện so với con chuột ! Điều này có thể làm buồn lòng một chút những ai vẫn thường tin rằng con người là chúa tể muôn loài, và nắm quyền sinh sát đối với môi sinh lẫn vạn vật, nhưng nó lại là một xác nhận khác của chân lý vĩnh cửu là vạn vật đồng nhất thể, con người là một với muôn loài mà không đứng tách biệt. 99% di truyền tử của chúng ta có chung với các loài khác không ít thì nhiều, và chỉ có 1% là độc đáo chỉ thấy nơi loài người mà thôi. Khoảng 230 di truyền tử của ta cũng tìm thấy ở vi trùng, hơn 20% di truyền tử của người có chung với các loài có xương sống, và 21% di truyền tử của người cũng được thấy nơi tất cả các loài khác. Như vậy các loài thực ra có liên hệ bà con chặt chẽ với nhau.
Con người được chỉ dạy các chân lý tinh thần về tính liên đới giữa các loài từ rất lâu, nay khi khoa học tiến bộ thì điều trên được khám phá khoa học xác nhận, nên ấy là những tin đầy khích lệ. Thời đại ta đang sống đây hết sức hào hứng, theo nghĩa phần tâm linh dần dần được làm sáng tỏ một cách khoa học, cái trí bắt kịp cái tâm. Sự việc cũng muốn nói nhiều phương tiện được sử dụng để trình bày chân lý cho con người, với ai thiên về trí phân tích mạch lạc hơn chuyện triết lý, thì hiểu biết khoa học sẽ thuyết phục họ được nhiều hơn là niềm tin tôn giáo. Kế đó những nỗ lực của con người dường như gặp nhau ở vài điểm, để làm cùng một điều là giúp nhân loại phát triển theo thiên cơ, ở đây khoa học và tâm linh hỗ trợ cho nhau vào thời điểm quan trọng, vì thái độ thiếu hiểu biết của con người với các loài khác có thể gây họa lớn lao về sau.
Để giải thích rõ hơn, từ khi tiềm năng của khoa thay đổi tính di truyền tức genetic engineering được nhận biết, và cho phát triển mạnh mẽ, thì một số người bắt đầu nêu lên lo ngại về việc lạm dụng khoa này. Khoa học có thể tạo ra nhiều chuyện kỳ lạ cho rau trái, thú vật nhưng làm thế có nên không ? Như khiến rau quả có thêm một số đặc tính mà trong thiên nhiên không có, thí dụ làm cho trái dâu tây có tính chống băng giá, chịu đựng được băng giá bằng cách ghép di truyền tử của một loài cá ở nam cực vào dâu tây. Việc ghép di truyền tử của hai loài không liên hệ gì đến nhau này bị nhiều người phản đối, lý do đưa ra là hoặc trái với thiên nhiên, hoặc hệ quả chưa biết tốt lành ra sao.
Chuyện lo ngại khác nêu lên lên là trong chăn nuôi, một số nước có thói quen cho bò ăn thực phẩm động vật, như bột thịt bột xương chế từ các con vật khác, với mục đích là khiến bò lớn mau, nặng cân, thu hoạch tài chính được nhiều trong thời gian ngắn hơn. Một trong những hệ quả là bệnh bò điên lan tràn ở Âu châu, còn nước Úc đặt câu hỏi là cho một loài theo thiên nhiên chỉ ăn thực vật - tức loài trâu bò - nay ăn thức ăn động vật là bột xương, thì có phải là phản thiên nhiên không ?
Ta nêu ra vài thắc mắc trên để đi tới ý rằng khi con người sử dụng các loài cho mục đích của mình, và không quan tâm đến điều tốt lành cho chính các loài này, thì hệ quả khó lường, nhất là khi việc sử dụng gây chuyện bất lợi cho chúng. Có rất nhiều điều chúng ta không biết và tới một lúc nào đó, con người quyết định là tiến tới trước dựa theo những hiểu biết thâu thập được từ xưa tới giờ, thay vì ngồi đợi tới khi có hiểu biết trọn vẹn, tức việc tiến bước có một phần rủi ro trong đó. Tuy vậy không phải là con người hoàn toàn dò dẫm tương lai mà không có hướng dẫn. Bên cạnh chủ trương sử dụng các loài khác cho sự sinh tồn của người, có vài ý nghĩ sau được nêu ra.
Nói về cách chăn nuôi hiện nay như cảnh sống chật chội của heo, gà, thú nuôi được thúc đẩy để hoặc mau lớn, hoặc đẻ nhiều trứng, cho nhiều lông trong thời gian ngắn, có khoa học gia tin là trong bất cứ xã hội nào khi việc đối xử độc ác với thú vật được chấp thuận và làm ngơ, thì cũng sẽ có thêm cảnh bất nhân đối với người và thiếu lòng tôn trọng sự sống nói chung, so với xã hội có sự kính trọng đối với mọi sự sống. Họ cho rằng để được sinh tồn thì điều hết sức quan trọng cho chúng ta, là cần ý thức không một sự sống nào chỉ là món hàng cho ta sử dụng, và thiên nhiên không phải chỉ là cái kho vật liệu cho người mà không có mục đích riêng của nó. Khi ta tin và hành động như thế, gây tổn hại cho những sự sống khác và thiên nhiên, chuyện không tránh được là ta gây hại cho chính mình. Một số đông người có thể khó mà chấp nhận ngay ý thức tinh thần là mọi sự sống đều thiêng liêng cần được tôn trọng, vậy bước đầu tiên nên tỏ ra thực tiễn và dựa trên căn bản khoa học, thực tế sinh học. Ấy là nhìn nhận rằng mọi sự sống, từ cây to đến lá cỏ, giun đất, vi trùng đều là thành viên của sự sống chung, đóng góp vào sự lành mạnh, nuôi dưỡng làm trái đất tiến hóa và đẹp đẽ.
Câu nói “Chữa lành và sẽ được chữa lành" nên được chú ý tới. Khi chúng ta có tình thân cận với thú vật, thì sự gần gũi ấy cho ra ảnh hưởng chữa lành tốt đẹp mà nhiều tài liệu đã ghi, bằng ngược lại khi chúng ta không thân thiết với thú vật và làm hại chúng, là ta gây hại cho nhân tính của chính mình, do việc làm hư khả năng cảm thông của ta. Ngoài việc nuôi thú vật trong nhà, tình thân này còn được gia tăng bằng vài cách khác, thí dụ như hiện đang có lối du lịch đi ngắm cảnh cá heo ngoài biển, du khách được hướng dẫn tới vùng biển có cá heo hay tới đùa giỡn để bơi lộị giữa bầy cá heo không sợ người. Sau cuộc tiếp xúc với cá rồi trở lại thuyền, gương mặt ai cũng rạng rỡ biến đổi hẳn với nụ cười mãn nguyện được tận mắt thấy cá heo trong môi trường thiên nhiên, tình cảm trong sáng này làm nâng cao nhân tính con người cùng tính thiện.
Nương theo ý trên thì chủ trương nghiên cứu cách chữa bệnh bằng thí nghiệm gây đau đớn cho thú vật, hẳn sẽ được xét lại khi người ta nhớ tới luật làm tổn thương - dù là cho loài vật - sẽ cho ra hệ quả gì. Ta cũng có thể áp dụng việc chữa lành này cho mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên và môi sinh. Chăm sóc cho môi sinh sẽ mang lại bầu không khí, nước trong lành hơn, ít có nạn lụt hay khô hạn hơn. Chăm sóc cho đất làm ta có thực phẩm làm mạnh hơn vì đất lành chứa ít độc chất làm rau trái bổ dưỡng.
Một ý tưởng khác mà người đời cũng gần như quên hẳn đi, là hành động xấu thì không thể mang lại kết quả tốt đẹp, cứu cánh khó mà biện minh cho phương tiện theo luật thiên nhiên. Khi ta cố tình gây hại, hay làm hại vì vô minh, hay nhìn nhận rằng đó là chuyện ‘không tránh được', thí dụ như gia súc chiụ khổ sở trong chuồng chật hẹp cả đời, cảnh sống đông đúc chen lấn ở những cơ xưởng chăn nuôi, hầu nhiều người được mua thịt mua trứng mua sữa rẻ, thì hành động ấy trước sau sẽ có hại cho chính con người theo luật nhân quả. Trên thực tế càng ngày người ta càng nhận ra rằng thiên nhiên biết phản lại với hành động của người, giản dị như vi trùng biến hóa để quen thuốc trụ sinh và hóa lờn thuốc, mà không phải hoàn toàn để con người làm chủ uốn nắn theo ý.
Người có khuynh hướng tâm linh còn đưa ra tư tưởng rằng tâm thức mà không phải là hình thể,mới là yếu tố then chốt của sự sống. Khi nói đến tâm thức thì ta hàm ý tới mối liên hệ giữa vật chất và tinh thần, con người và thiên nhiên, tiểu vũ trụ và đại vũ trụ. Có một điểm lý thú được nhắc tới khi so sánh giữa Đông và Tây, người ta thấy rằng đông phương nặng về nội giới hơn là tây phương. Đông phương hiển nhiên không phải hoàn toàn là minh triết sáng suốt, và tây phương không phải là không có nhận thức tâm linh gì đáng kể, nhưng nói rằng tây phương quan tâm đến việc bành trướng ra ngoài, gia tăng tri thức về ngoại giới, và đông phương hướng về bên trong nhiều hơn thì cũng đúng phần nào. Có nhận xét là văn minh tây phương thiếu chiều sâu nội giới của một tâm thức tinh thần đích thực, trong khi chiều sâu nội giới này thấy được ở đông phương, cũng như trong lịch sử và không chừng trong tương lai, chân lý thường đến từ phương đông.
Dần dần đang có hoạt động để chữa lại sự thiếu quân bình trên, và vào lúc này diễn biến xảy ra thú vị. Ấy là nếu theo dõi tình trạng thế giới thì ta thấy tây phương tiến về tâm linh theo cách riêng của mình, mà không bắt buộc phải theo cách của đông phương. Họ không tham thiền mà tổ chức các hoạt động về môi sinh để biểu lộ nguyên lý Vạn Vật Đồng Nhất Thể, họ chống lại việc săn bắn làm tuyệt giống cá voi, tê giác, voi, bầy tỏ tình huynh đệ đại đồng khi muốn bảo vệ cá mập, cùng sử dụng hiểu biết của đông phương để tạo nụ cười, như nói rằng nếu kiếp sau làm cá voi thì hẳn người ta sẽ rất biết ơn về những nỗ lực đang có nhằm giúp cá voi sống sót.
Sự tương tác giữa tâm linh và vật chất tỏ ra cần thiết hơn bao giờ hết, vào lúc có phát triển khoa học vượt bực như hiện nay, ngoại giới và nội tâm cần được hòa hợp để bảo đảm cả cuộc tiến hóa được quân bình, mọi mặt đồng tiến với nhau, và một trong những cách thức để thực hiện là nhắc lại và làm rõ nghĩa hơn các chỉ dạy của Minh Triết Thiêng Liêng.
ĐƯỜNG NGA