LỊCH SỬ HỘI: NHỮNG NGÀY ĐẦU

Lịch Sử Hội:  Những Ngày Đầu(tt) 

Old Diary Leaves – H.S. Olcott

 Xem Mục Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu 

 

Người Parsi (người Iran theo Hỏa giáo) tại Bombay tỏ ra thân thiện với ông Olcott và bà Blavatsky từ ngày đầu, tới chào đón hai vị đông đảo cùng với gia đình, mời hai vị lại nhà chơi, và kèo nài ông Olcott chủ tọa việc phát thưởng tại trường học của người Parsi. Nhiều người Parsi có tiếng trong xã hội làm thân với ông Olcott nên nhân cơ hội ấy, ông thúc giục họ quan tâm đến nhu cầu tổ chức việc làm cho tôn giáo họ theo đường lối như Theosophy. Mỗi lần thấy ai có thế lực mà chịu nghe chuyện là ông không ngừng nhắc tới đề nghị này.
Ông cho rằng điều xấu hổ và đáng tiếc cho người Parsi, là cộng đồng của họ quá mê mải với việc kiếm tiền và thành công ngoài đời, tới mức để năm này rồi năm khác trôi qua, mà không dùng một phần nhỏ trong tài sản to lớn của họ để tìm lại những bản thảo kinh sách xưa trong nước Iran; cũng như làm cho tôn giáo mình điều mà người Thiên Chúa giáo làm cho đạo của họ ở Palestine và Ai Cập, tức có nghiên cứu về khảo cổ và tìm kiếm tài liệu. Việc sự vinh diệu của tôn giáo tuyệt vời này không được biết tới rộng rãi là mất mát cho trọn thế giới.
Việc làm từ thiện của người Parsi rất là to lớn, nhưng chuyện đáng buồn khi ta nghĩ rằng không triệu phú nào trong số này, tuy mộ đạo thế mấy, chịu để ra một số tiền nhỏ lập quỹ cho Hội Nghiên Cứu Parsi theo loại nói trên, giúp cho Hỏa giáo – Zoroastrianism nhiều hơn là việc lập thư viện, bệnh viện, trường mỹ thuật, xây tượng v.v.
Cuộc sống trong những ngày đầu của hai vị trên đất Ấn được ghi thật tượng hình trong sách.
– ‘Tôi nhớ lại bị thức giấc lúc hừng đông vì bao tiếng gáy của gà. Cảm quan mỹ thuật của tôi luôn bị khơi động khi nhìn quanh phòng khách trong nhà hay ngoài hàng hiên, ghi nhận hình ảnh về y phục, tính cách và các sắc dân mà tôi thấy. Tôi nhớ các buổi chuyện trò kéo dài bằng Anh ngữ là ngôn ngữ chung cho các sắc dân khác nhau tại Ấn, và bên lề có chuyện vãn bằng tiếng Guzerati, Marathi, và Hindustani giữa người cùng bộ tộc hay giai cấp.
‘Tôi tưởng như còn thấy ánh đèn lồng ẩn hiện giữa các bụi cây, và thân thẳng đứng của hàng cọ được ánh đèn dọi sáng. Tôi thấy chúng tôi mặc y phục mỏng, người bản xứ giúp việc nhà kéo quạt trần phe phẩy, tự hỏi là sao nơi đây có thể ấm áp dễ chịu như vầy với không khí thơm lừng hương hoa, trong khi quê nhà có gió tháng ba lạnh buốt thổi vi vút qua đường phố, có tuyết đóng cứng mà móng ngựa làm phát ra tiếng như tiếng thép, người nghèo đói ăn tụ lại với nhau trong nỗi khổ cực của họ.
‘Nó gần như là giấc mơ dễ chịu tái đi tái lại hằng ngày. Mối dây duy nhất giữa chúng tôi và quê nhà phương tây là thư từ nhận được mỗi lần có phát thư, và lòng thiện cảm do công việc chung giữa chúng tôi với vài  thân hữu tại New York, London và Corfu (nơi có các chi bộ TTH).’
Nếu hai vị có hy vọng là sẽ sống đời hưu trí thì mong ước đó chẳng bao lâu tan biến mất. Chẳng những có khách đến viếng thăm không dứt, một số rất nhiệt tình và đáng được hai người trợ giúp, mà hai vị còn mau lẹ bị lôi cuốn vào việc trao đổi bài viết ngày càng rộng hơn, chính yếu là với người Ấn, về các đề tài Theosophia.  Báo chí thù nghịch của người Anh– Ấn mô tả cong quẹo mục tiêu của hai vị, tới mức ông Olcott và bà Blavatsky bắt buộc phải lên tiếng đe dọa sẽ thưa ra tòa chủ bút tờ Dnyanodaya, cơ quan của hội Presbyterian Marathi, về tội phỉ báng. Báo lập tức có lời xin lỗi. Không phải tất cả các hội truyền giáo đều vu khống mà báo Bombay Guardian, một tổ chức truyền giáo, ghi về bài nói chuyện bên dưới:
–  Ai đến dự thuật lại rằng bài nói chuyện công kích Ấn giáo nhiều hơn Thiên Chúa giáo.
Hai vị cũng phải đưa ra lời trình bầy với công chúng nên ông Olcott có bài giảng đầu tiên trên đất Ấn ngày 23.3.79, tựa đề ‘Hội Theosophia và Mục Tiêu của Nó’. Cảnh tượng thật vui mắt là khối đông đảo người bản xứ đầu quấn khăn đầy mầu sắc, áo quần trắng tinh, mắt đen lánh hăm hở trên gương mặt đẹp đẽ da nâu, tương phản với cử tọa tây phương đầu trần, y phục đen, mặt trắng nhạt, không có mầu tươi sáng nào trừ mũ của các bà.
Đám đông ngồi chật cứng sảnh đường, hành lang, cầu thang cho tới nỗi không thể nhét thêm một ai nữa, mà yên lặng, trật tự và chăm chú, làm như ai cũng  có chỗ rộng rãi. Bài nói chuyện của ông Olcott được cử tọa nín thở lắng nghe, thỉnh thoảng bị tràng pháo tay ngắt quãng. Đó thực là biến cố lịch sử vì đây là lần đầu tiên trong ký ức của người lớn tuổi nhất hiện diện, một người tây phương ca ngợi sự vĩ đại, đầy đủ của kinh sách đông phương, và kêu gọi lòng ái quốc trung thành đối với ký ức của tiền nhân, bênh vực tôn giáo cổ xưa của mình; không bác bỏ điều chi cho tới khi một cuộc nghiên cứu vô tư chứng minh được là nó vô giá trị.

IV. Những Điều Kỳ Diệu.

Từ ngày 29.3.79 có nhiều sự việc lạ lùng mà Moolji là chứng nhân quan trọng. Một chuyện xẩy ra vào ngày trên là HPB và Moolji đến ngôi biệt thự bí ẩn, đã đăng trong PST số 57 bài HPB, xin bạn xem lại. Nói thêm về chuyện này, có đêm sáng trăng khi ba người, ông Olcott, bà Blavatsky và Damodar đi trên đường dẫn tới chỗ ấy, một Chân sư đi tới chào cả ba, chỉ cách mọi người một sải tay.
Ngày 4.4.79 HPB, ông Olcott và Moolji rời Bombay đi xe lửa thăm hang động Karli, có Babula người giúp việc đi cùng. Tới trạm Narel bốn người xuống xe lửa. Ông Olcott được cho hay chuyến đi do một vị Chân sư mời cả bọn đến Karli, ngài là Vị mà ông có liên hệ thân cận trong thời gian viết bộ Isis, và những sắp đặt dọc lộ trình là do ngài thu xếp cho mọi người được thoải mái. Vì vậy ông không ngạc nhiên chút nào khi đứng chờ sẵn ở trạm Narel là một gia nhân cấp cao người Ấn, tức không phải hạng làm việc chân tay trong nhà. Họ đến chào và đưa lời nhắn bằng tiếng Marathi được Moolji dịch lại, là chủ nhân ngỏ lời chào mừng nhóm và mời mọi người chọn hoặc cỡi ngựa hoặc đi kiệu lên đồi, cả hai phương tiện đều sẵn có. HPB và ông Olcott chọn đi kiệu, còn Moolji và Babula đi ngựa.Ông kể.
– ‘Chúng tôi đi dưới ánh trăng sáng vằng vặc như ban ngày, mỗi kiệu gồm mười hai người lực lưỡng, da nâu sậm khiêng, thuộc bộ tộc Thakoor, chạy giữ nhịp theo một giọng đều đều êm nhẹ. Thoạt nghe vì mới mẻ nên rất đỗi êm tai, nhưng sau một chốc hóa đơn điệu chán ngán. Tôi chưa lần nào có chuyến đi thi vị như lần này trong đêm miền nhiệt đới, dưới bầu trời lấp lánh các vì sao sáng rực trước khi trăng mọc, vô số côn trùng rỉ rả gọi nhau, loài chim đêm gọi bạn, những con dơi to lặng lẽ bay lượn tìm mồi, tầu lá cọ gẫy vang tiếng sắc và lá rừng xào xạc, đất bốc mùi, trộn lẫn đó đây với hương liệu trong luồng không khí ấm mà chúng tôi đi xuyên qua, cùng với tiếng giữ nhịp của những người khiêng kiệu đong đưa khéo léo.’
Họ đến khách sạn, nghỉ một hôm rồi đi tiếp.Sau vài chặng đường như thế cả bọn đến Khandalla, một nơi xinh đẹp trên đồi. Ở đây đã có sẵn xe bò kéo rộng rãi đưa mọi người tới nhà khách nghỉ ngơi. Ông Olcott kể tiếp.
– ‘Buổi chiều hôm chúng tôi đến, Moolji thả bộ xuống trạm xe lửa chuyện vãn với trưởng ga là người quen, và gặp sự ngạc nhiên.Có tầu từ Bombay đến ngừng ở sân ga và anh nghe có tiếng gọi lớn tên anh.Moolji đi từng toa nhìn vào để tìm thì gặp một người Ấn ra dấu cho anh đến cửa sổ của họ.Hóa ra đây là Vị mà HPB đã tới thăm trong chuyện ở trên về biệt thự.Ngài đưa cho anh một bó hoa tươi, trông như cùng một loại hồng mà anh đã thấy trong vườn bí ẩn với người làm vườn ít nói, và là những bông hoa tuyệt sắc nhất anh chưa thấy bao giờ.
–  Đây là cho ông Olcott, ngài nói khi tầu chuyển  bánh, xin vui lòng đưa lại cho ông.
Moolji mang về trao cho tôi và kể lại chuyện. Một giờ sau tôi nói với HPB là muốn cám ơn vị Chân sư về thịnh tình của ngài đối với nhóm chúng tôi, và nếu bà trao được cho ngài thì tôi sẽ viết thư. Bà ưng thuận nên tôi viết và đưa cho bà. HPB trao cho Moolji, dặn anh đi ra đường lộ đằng trước mặt chúng tôi và trao thư.
–  Nhưng, anh hỏi, đưa cho ai, và ở đâu ? Bì thư không có tên lẫn địa chỉ.
–  Đừng lo, cứ cầm đi rồi anh sẽ gặp người mà anh phải đưa thư.
Anh làm theo đi ra lộ và mười phút sau chạy về thở hổn hển, tỏ vẻ ngạc nhiên hết sức.
–  Nó đi rồi ! anh lạc giọng nói
–  Cái gì ?
–  Bức thư, họ lấy rồi.
–  Ai lấy ? Tôi hỏi.
–  Tôi không biết, đại tá à, trừ phi đó là ma quỉ, tôi thấy như họ từ dưới đất chui lên. Tôi đang đi chậm rãi, nhìn bên này rồi bên kia không biết phải làm gì để thực hiện yêu cầu của HPB. Không có cây hay bụi cây cho ai núp mà chỉ có con lộ trắng, bụi đầy. Thế mà đột nhiên có một người cách đó vào thước đi về phía tôi, làm như họ trong đất chui ra.Đó là người trong ngôi nhà trồng hoa hồng, người đưa tôi hoa ở trạm Khandalla mang về cho ông, và là người tôi thấy trên tầu chạy về hướng Poona.
–  Tầm bậy, anh à. Tôi nói, anh nằm mơ đó.
–  Không, tôi tỉnh queo như thường. Người đó nói, ‘Anh có bức thư cho tôi, nó trong tay anh, phải không ?’Tôi không mở miệng nổi, nhưng tôi nói, ‘Tôi không biết, thưa ngài, nó không có địa chỉ.’‘Thư đó cho tôi, xin đưa tôi.’ Ngài lấy thư khỏi tay tôi và nói, ‘Nay anh về đi.’ Tôi ngoái cổ một lát xem ngài còn có đó nhưng ngài đã mất dạng; đường lộ vắng tanh ! Hoảng vía, tôi quay người co giò chạy mà chưa chạy tới năm mươi thước thì có tiếng ngay bên tai nói, ‘Đừng có điên, anh bạn, bình tĩnh đi, mọi việc đều yên lành.’
Nghe vậy tôi càng hoảng vì không thấy ai, cuống cuồng chạy về tới nhà.’
Ấy là chuyện của Moolji và ông thuật lại y lời anh kể cho ông, nếu dựa vào bề ngoài mà xét thì anh hẳn đã nói sự thực, bởi nét kinh sợ và hồi hộp thật rõ ràng, khó mà giả bộ cho kịch sĩ vụng về như Moolji. Sao đi nữa, một lời hỏi xin của ông trong thư được trả lời trong một thư khác của cùng vị Chân sư này mà ông nhận được về sau ở Rajputana, cách chỗ xẩy ra chuyện cho Moolji hơn 1.600 cây số. Đó hẳn là điều lạ lùng.Sách ghi tiếp.
‘Đêm hôm đó sáng trăng, chiếu sáng hơn bất cứ chuyện gì chúng tôi thấy ở đất tây phương lạnh lẽo hơn, không khí trong lành, dịu ngọt, làm sự sống cõi trần hóa say mê. Ba người chúng tôi ngồi trên sân cỏ ngắm cảnh cho đến khuya, bàn tính chuyến đi thăm hang động Karli ngày hôm sau. Tới cuối, HPB tỉnh người sau khi lặng thinh mơ màng vài phút, cho tôi hay là hôm sau lúc 5 giờ chiều, sẽ có một khất sĩ đến thăm chúng tôi ở hang động. Tôi ghi lại lời nhắn này trước khi đi ngủ.
Sáng hôm sau lúc 4 giờ, Baburao, kẻ được xem là người giúp việc của Chân sư, yên lặng vào phòng mà Moolji và tôi ngủ, chạm khẽ và đánh thức tôi dậy, đặt vào tay tôi một hộp sơn mài nhỏ, hình tròn, đựng lá trầu và hương liệu đi kèm như thói thường tặng cho khách, và thì thầm vào tai tôi tên của Chân sư được xem là Vị xếp đặt và lo cho chúng tôi chuyến đi này. Ý nghĩa của quà tặng là trong trường bí giáo mà chúng tôi có liên hệ, đây là dấu hiệu của việc nhận đệ tử mới.
‘Chúng tôi dậy, tắm rửa, uống cà phê, và đi lúc năm giờ sáng bằng xe bò kéo ra Karli, đến nơi là mười giờ. Tới lúc này thì trời nắng chang chang, từ chân đồi men theo đường mòn trèo lên tới hang động là công việc khó nhọc. HPB bị khó thở quá nên sau chót, người ta phải đem ghế tới khiêng bà đi nửa chặng cuối. Tôi không ghi lại chi tiết về hang động vì nhiều ấn phẩm đã nói về chuyện đó rồi, mà chỉ muốn nói về những điều liên quan đến toán ít người của chúng tôi.
‘Ở làng bên cạnh chúng tôi thấy lễ hội của Rama đang diễn ra với đông đảo người. Mệt mỏi vì leo đồi nóng bức, chúng tôi đi vào bên trong cái hang lớn, trải mền ngồi nghỉ trên nền đá. Chúng tôi cũng ăn trưa tại đây tuy có hơi xấu hổ là thỏa mãn đòi hỏi của dạ dầy ở nơi mà nhiều thế kỷ về trước, hàng ngàn ẩn sĩ đã tu hành, tụng kinh, hợp lực giúp nhau chế ngự thú tính và phát triển quyền năng tinh thần của họ. Lẽ tự nhiên cuộc chuyện vãn của chúng tôi là về đề tài đáng trọng của việc hưng thịnh, tiến triển và rồi suy tàn của MTTL tại Ấn, và hy vọng của chúng tôi nhằm phục hồi nó.
‘Mãi nói chuyện, khi nhìn đồng hồ thì còn sáu phút là tới năm giờ chiều, nên Moolji và tôi rời HPB đi ra nhà gác ở cửa hang, chờ ở đó. Chúng tôi không thấy một đạo sĩ nào nhưng khoảng mười phút sau có một người đi tới, xua con bò đi trước và có một người giúp việc đi theo ông; con bò này có tật là mọc thêm một cái chân nhỏ thứ năm từ khối u trên lưng. Gương mặt đạo sĩ hiền lành, dễ coi, tóc đen thả dài phất phơ và chòm râu rậm, rẽ từ cằm xuống theo kiểu bộ tộc Rajput với hai đầu vắt qua tai và bện vào tóc trên đầu. Ông mặc áo tu sĩ vàng, trán cao trí thức có bôi vệt tro xám cho biết các thuộc phái Shiva.
‘Chúng tôi chờ xem có dấu hiệu hay cái nhìn nào muốn nói là ông nhận biết chúng tôi mà không thấy gì, nên chót hết đi lại nói chuyện với ông. Đạo sĩ giải thích việc có mặt nơi đây thay vì lẽ ra đang trên đường tới Hardwar, là hôm qua khi đang đi tới đền thờ nổi tiếng ấy, Guru của ông ra lệnh cho ông phải có mặt nơi đây lúc năm giờ hôm nay để gặp vài người. Ngoài ra ông không được biết thêm gì khác. Nếu chúng tôi chờ ông thì chúng tôi hẳn phải là những người mà Guru của ông hàm ý, nhưng đạo sĩ không có thông điệp gì cho chúng tôi, ít nhất là không có gì hết vào lúc này.  Không, Guru không đích thân nói với ông, mà đạo sĩ nghe từ một giọng làm như rót vào tai; điều sau này chúng tôi chỉ biết sau khi gạn hỏi tới lui nhiều bận, và sau một khoảng lặng thinh làm như ông lắng nghe một người vô hình. Ấy là cách đạo sĩ luôn luôn nhận chỉ thị trong lúc ông di chuyển đó đây.
‘Thấy là không còn hỏi ông được thêm điều gì, chúng tôi tạm lui và quay về với HPB. Chúng tôi muốn qua đêm trên đồi nên cho Baburao hay, anh với Moolji đi tìm chỗ nghỉ thích hợp và khi họ quay lại, chúng tôi cùng với hành lý được đưa tới một hang nhỏ nằm sâu trong đồi, cách xa hang lớn có điện thờ một chút về bên phải.
‘Khi làm hang này, người xưa tạc một hàng hiên  phía trước có hai cây cột ở ngay miệng hang, dẫn vào bên trong có mười hốc mở rộng vào phòng ở giữa hình vuông là chỗ tụ họp. Bên trái hàng hiên có một hõm nhỏ khoét trong đá, hứng nước trong và ngon ngọt từ một khe suối. HPB cho chúng tôi hay là từ một hốc trong các hang nhỏ này có đường thông bí mật sang nhiều hang khác sâu trong lòng núi, nơi một nhóm đạo sư hiện đang cư ngụ.
‘Người đời không hề nghe nói đến chỗ này và nếu tôi tìm trúng hòn đá, xoay nó theo một cách đặc biệt, tôi sẽ vào được không gặp ngăn trở chi, nghe thật là dễ làm trong khung cảnh hiện tại. Tôi thử và trong một hang nhỏ khác cách xa một chút, quả thật tôi đặt tay lên một chỗ và tính dời nó đi thì HPB gọi giật tôi lại. Về sau vị Chân sư, người viết bức thư ở Bhurtpore cho hay quả là tôi tìm ra trúng chỗ, và hẳn sẽ vào được nơi ẩn cư của ngài sớm hơn dự tính, nếu không bị gọi quay ra.
‘Moolji và Babula đã cùng với Baburao đi vào chợ trong xóm để mua thực phẩm, chỉ còn lại HPB và tôi.Chúng tôi ngồi ở hàng hiên chuyện vãn và hút thuốc rồi bà kêu tôi ngồi yên nơi đó vài phút, đừng nhìn quanh cho tới khi nào bà gọi. Xong bà đi vào trong hang, tôi nghĩ chắc bà vào một trong những hốc nằm nghỉ lưng một chút trên phiến đá đẽo làm giường cho các tu sĩ.
‘Tôi tiếp tục hút thuốc nhìn ra khung cảnh bát ngát chung quanh trước mặt, trải dài như tấm bản đồ to lớn, rồi đột nhiên từ bên trong hang tôi nghe có tiếng động như tiếng cánh cửa nặng đóng sầm, và một tràng cười đùa nghịch. Tự nhiên là tôi quay lại xem nhưng HPB đã mất tăm, bà không có trong những hốc, nơi tôi xem xét kỹ lưỡng, mà sau khi thăm dò thật kỹ càng từng phân bề mặt vách đá, để xem có khe nhỏ bé hay dấu vết nào là có cửa, mắt tôi không thấy có gì khác biệt và chỉ là đá.
‘Đã có kinh nghiệm và quá quen với hành tung kỳ bí của HPB, chẳng mấy chốc tôi không còn bận tâm về bí ẩn này mà quay trở ra hàng hiên cùng ống píp của mình, bình thản lặng lẽ chờ coi việc gì sẽ tới. Nửa tiếng sau kể từ lúc bà mất dạng, tôi nghe tiếng chân sau lưng và HPB gọi tôi với giọng tự nhiên, làm như không có gì lạ xẩy ra.Đáp lại câu hỏi của tôi là bà đi đâu, HPB chỉ giản dị đáp là bà có công chuyện với … (tên vị Chân sư) và đi gặp ngài tại hang động bí mật của ngài.
‘Tôi không giải thích sự kiện trên mà để độc giả tự phán đoán. Tôi có thể nói rằng tất cả có thể giải thích được theo phép thôi miên hay thuật dẫn dụ. Tiếng cửa đá đóng sập và tiếng cười vang, việc HPB dường như biến mất và sau đó thình lình có mặt trở lại, đều có thể giải thích như là ảo ảnh Maya mà bà tạo ra làm tôi thấy. Đây là một cách giải thích và là cách rất thô sơ, cho ai ở giai đoạn đầu làm đệ tử một bậc đạo sư chân chính của huyền thuật đông phương.
‘Chẳng mấy chốc ba người kia trở về và bữa tối với thức ăn nóng được dọn ra cho chúng tôi ở hàng hiên; sau đó là chiêm ngưỡng cảnh bao la trăng sáng, hút điếu thuốc cuối rồi ai nấy cuộn mình trong chăn, nằm trên nền đá ngủ yên tới sáng. Chỉ có Baburao ngồi ở hàng hiên canh chừng ngọn lửa, cho thêm củi giữ cho lửa cháy đều để ngăn thú rừng, nhưng không có con nào đến phá giấc của chúng tôi, trừ một con chó hoang nhỏ len lén đi tới trong đêm.
‘… Sáng hôm sau Moolji và tôi dậy trước HPB, sau khi rửa mặt ở suối anh đi vào làng còn tôi đứng bên đường ngắm cảnh đồng bằng sáng sớm. Một lát sau đúng như mong ước tôi thấy vị đạo sĩ có con bò hôm qua đi lại phía tôi, với ý rõ ràng là muốn nói chuyện. Tôi bối rối không biết phải làm sao, vì cả HPB và tôi không biết một chữ ngôn ngữ của ông; nhưng việc được giải quyết chẳng lâu sau đó khi ông tới gần, cầm lấy tay tôi, tỏ dấu hiệu riêng trong hội về tình huynh đệ và nói bên tai tôi tên của vị Chân sư ! Rồi ông cúi chào tôi hết sức nhã nhặn và quay đi.Chúng tôi không còn gặp ông nữa.
‘Ngày hôm ấy được dành để đi xem các hang động và tới 4.30 chiều chúng tôi trở lại nhà nghỉ ở Khandalla. Nhưng lúc còn ở trong hang lớn, HPB chuyển cho tôi một lệnh mà bà nói là nhận được bằng viễn cảm –  telepathy (còn gọi là thần giao cách cảm) từ vị Chân sư, là chúng tôi phải đi Rajputana ở Punjab. Sau bữa tối chúng tôi lại ngồi chơi ở sân cỏ đầy ánh trăng chiếu rạng, lần này có hai lữ khách người Ấn lai Anh.Họ đi nghỉ sớm, để lại ba chúng tôi với nhau. HPB và Moolji đi thả bộ trò chuyện và mất dạng đằng sau nhà, nhưng Moolji hối hả quành lại, làm như ngây người bối rối, nói rằng bà biến mất ngay trước mắt anh, trong lúc anh đứng nói chuyện với bà dưới trăng sáng.
‘Có vẻ như anh sắp mất hết hồn vía, bởi anh run cầm cập. Tôi kêu anh ngồi xuống và trầm lại, đừng điên lên như thế vì điều mà anh vừa gặp chỉ là huyễn ảnh không có gì đáng sợ, tựa như người  bị thôi miên. Chẳng bao lâu HPB trở về, ngồi xuống ghế của bà và câu chuyện của chúng tôi tiếp tục.
‘Rồi chúng tôi thấy hai người đàn ông Ấn mặc áo trắng, băng qua sân cỏ xéo xéo phía chúng tôi cách chưa tới năm mươi thước.Họ dừng chân khi tới chỗ đối diện với chúng tôi, và HPB kêu Moolji ra nói chuyện với họ.Trong lúc anh đứng với hai người, bà lập lại cho tôi nghe điều mà bà gọi là cuộc đối thoại của họ, và lát sau khi Moolji quay về với chúng tôi, anh thuật lại không khác.
‘Nó là tin nhắn cho tôi, nói rằng thư tôi gửi vị Chân sư đã nhận được và chấp thuận, và tôi sẽ có lời đáp khi tới Rajputana. Trước khi Moolji nói hết báo cáo ngắn ngủi này, tôi thấy hai người đệ tử đưa tin đi một khoảng cách ngắn, bước đằng sau một bụi cây nhỏ không dầy hay rộng đủ để che khuất một người mặc áo trắng, nhất là dưới trăng sáng vằng vặc, và biến mất. Chung quanh bụi cây là sân cỏ trống, vậy mà hai người biến mất tăm hoàn toàn. Lẽ tự nhiên tôi làm theo bản năng đầu tiên là chạy băng qua sân cỏ, tìm sau bụi cây xem có dấu hiệu đường hầm hay chỗ trú nào dưới đất nhưng không thấy gì hết, mặt đất liền lạc, bụi cây thì không có cành lá nào nằm sai chỗ tự nhiên của chúng. Chuyện giản dị là tôi bị thôi miên. ‘
(còn tiếp)