CHÚ BÉ THẤY CHUYỆN THẬT 2

Chú Bé Thấy Chuyện Thật (tt)

The Boy Who Saw True -  Cyril Scott

Xem Chú Bé Thấy Chuyện Thật 1

Mình không thích bài học hôm nay. Suốt buổi cô Griffin bực dọc và ánh sáng của cô mờ mịt như sương mù, tệ hơn bao giờ hết. Mình biết chuyện gì xẩy ra. Mẹ rầy cô một chập về chuyện liên quan đến tội ngại tình. Vì hồi sáng nay khi cô tới, mình nghiêng người ra ngoài lan can và thấy mẹ ở phòng sách đi ra và bảo muốn nói chuyện với cô. Nên cô đi vào và hai người đóng cửa bàn chuyện riêng - theo kiểu ba hay nói, và mình thích cách nói ấy vì nghe nó đầy bí ẩn - một lúc lâu.
Khi lên thang lầu mắt cô đỏ hoe và gần như không chào hỏi gì hai chị em mình. Cô rầu rĩ suốt buổi cho tới khi Mildred hỏi tại sao cô bí xị, tuy dĩ nhiên là Mildred biết tỏng đầu đuôi. Rồi cô bắt đầu sụt sịt và bảo chưa bao giờ trong đời cô bị đối xử tệ như vầy, và bảo Mildred chị là kẻ thiệt hư bày đặt chuyện. Và mình thấy bức rức khó chịu vì thấy phụ nữ lớn tuổi khóc. (Tôi nói hơi quá, vì cô Griffin không hơn 30 tuổi.) Thiệt là rầu rĩ, như kiểu bà Bundle hay nói về đủ chuyện.

Ngày 4 tháng Hai.
Hôm nay lúc ăn trưa mình hỏi là mẹ có hay thấy đức Jesus, vì hôm sinh nhật của mình mình đã thấy ngài lúc nằm trong giường. Và chị Mildred cười khúc khích, Janet cũng vậy lúc chị đưa khoai tây. Mình tự hỏi tại sao. Và mình tự hỏi sao mẹ không nói cho mình nghe, lại chỉ bảo là mẹ tin chắc đức Jesus  sẽ không đến với trẻ nào không chú tâm lúc dự lễ ở nhà thờ, mà nhìn chung quanh và không nghĩ tới điều chúng nói.
Mình không hiểu tại sao mẹ lại không tin khi mình kể cho mẹ nghe. Mẹ vẫn luôn luôn nghe  mình mà. Mildred nói là mình khùng, nhưng mẹ lại dùng chữ dài để nói về mình khi bàn chuyện với ông Wilcox  mà mình không nhớ. Tối nay ba lại về trễ nữa (do việc làm) vả mình lo lắng vì nghĩ có thể ba bị xe đụng hay bị sát hại. Mildred bảo mình đừng vớ vẩn, nhưng mình vẫn cứ cầu Trời cho ba về nhà bình yên, và mừng vô cùng khi nghe ba vào nhà gõ cửa kính ở phòng ngoài. (Nỗi sợ hãi là có gì có thể xẩy cho ba mẹ tôi là điều thường gây khủng hoảng cho óc tưởng tượng của tôi. Lỗi nhiều phần là do người giúp việc trong nhà. Khi bàn luận về tin tức trong báo, họ thêu dệt về tai nạn và chuyện sát nhân trước mặt trẻ con chúng tôi theo cách làm chúng tôi kinh sợ, vì hiển nhiên là nó làm họ sợ. Nhưng trong khi họ thích thú với chuyện đầy tình tiết thì với tôi, nó tạo nên cảm xúc mà phải vài năm mới tiêu trừ được).

Ngày 4 tháng Hai.
Sáng nay sau giờ học lúc mẹ đi ra phố, mình vào phòng sách và đọc một lúc nhật ký của ba, nhưng bỏ nhiều đoạn cho tới khi mình đến những khúc hay. Trong một đoạn sách viết là người giúp việc té xuống và để lộ arse (mông) của cô ra. (Tôi tình cờ mở ra vào đoạn ấy. Vì ba tôi không viết nhật ký, hiển nhiên là tôi muốn nói sách nhật ký trên kệ.) Nhưng bởi mình không biết chữ đó nghĩa là gì, mình mở tự điển ra tìm, và sách ghi buttock, càng làm mình bí lù thêm. Khi mình hỏi chị Mildred chữ arse nghĩa là gì, chị bảo mình là nó, là con lừa (ass) vì không biết, và hai chị em đã cỡi lừa ở Rhyll.
Nhưng vậy cũng không đúng cho lắm, vì trong kinh thánh, con lừa viết là ass. Nên trưa nay mình hỏi cô Griffin buttock nghĩa là gì, và cô bảo chưa hề nghe tới chữ đó, nghe vậy càng thêm lạ lùng. (Nghe có vẻ lạ, nhưng chữ duy nhất mà chúng tôi dùng cho phần sau của thân người là b-t-m (bottom), vì vậy mới có óc ngây thơ này). Mẹ và ba được mời tới nhà linh mục tối nay,  và Mildred với mình được mời tới đó vào hôm thứ bẩy, vì đó là sinh nhật của Henry. Mình tự hỏi là cả bọn sẽ được chơi đuổi bắt chăng ... Mẹ giảng cho mình một thôi dài sau bữa trưa vì mẹ nói mình không hề tập cho gọn ghẽ. Và mẹ bảo ba phát chán vì cứ phải nói mãi là mình đừng vào bàn ăn sáng trễ, và nếu trễ nữa thì mình phải phạt nặn. Xui gì đâu.

Ngày 5 tháng Hai.
Lúc ăn sáng mình hỏi ba mẹ là có vui khi tới nhà linh mục, và mẹ nói ’Vui lắm, cám ơn con’, và linh mục hỏi thăm về mình, mẹ cho là ông thật tử tế khi nói vậy. (’Linh mục’, chữ ba mẹ tôi gọi, là chức sắc đáng nể có bộ râu đen, bụng bự, giảng dài lê thê với cử chỉ như đóng kịch). Mildred bảo với mẹ là Janet nói chị nghĩ ông hay làm điệu bộ, và ba cười còn mẹ bực lắm và nói Janet không việc gì phải nói như thế, và Mildred đừng bao giờ nhắc lại nó ... Susan (bà bếp) làm gì đó phát ra âm không hay, không phải âm kia mà là cái khác. Sau đó Janet bảo Mildred cái đó gọi là ợ. Nhưng khi hai chị em vào phòng sách hôn ba lúc ba đi làm về, và Mildred hỏi tại sao bà bếp ợ nhiều quá vậy thì mẹ giận và nói.
– Mẹ chắc các con học chữ khó nghe ấy từ mấy người làm. Đừng bao giờ để mẹ phải nghe chữ như vậy nữa, bằng không mẹ phải cấm - là điều ít khi mẹ làm - con không được vào bếp.
– Vậy chứ mẹ gọi đó là gì ? Mildred nói.
– Mẹ không hề nói tới những chuyện ấy, mẹ đáp, không bao giờ nói chuyện ấy với người khác.
– Sao không ? mình hỏi.
– Tại vì ... mẹ đáp.
Ba nhăn mặt và nói.
– Ba phải lên lầu rửa tay đây.

Ngày 18 tháng Hai.
Trưa nay hai chị em đi tới lớp học khiêu vũ và mình được gặp lại cô gái mà mình yêu quí. Mình ước chi lớn hơn và thấy được cô khóc. Mỗi tối trên giường mình giả vờ thấy được cô khóc và rồi ngủ thiếp đi. Mildred gọi mình là ngớ ngần vì yêu quí cô, vì chị nói, cần áo (quần áo) của cô không đẹp, và chân cô như khúc dồi. Nên mình trả đũa và bảo chị mới là ngớ ngần vì quí mến thầy giảng ở nhà thờ mà ông có mặt dài như mặt ngựa. Và chị bảo mình đừng bịa chuyện, rằng chị không quí mến ông, nhưng mình biết hết.
Sau đó mình xin lỗi chị và nhờ chị giúp mình làm toán, nhưng chị bảo không làm được vì phải vào nhà vệ sinh. Mỗi lần mà Mildred vào nhà vệ sinh là chị ở trong đó cả buổi. Chị bảo chưa đi từ sáu ngày rồi vì ghét thứ thuốc mà mẹ bắt hai chị em uống, thành ra chị giả vờ là không cần thuốc đó. Mình tin chắc mẹ sẽ giận lắm nếu biết, và nếu mẹ biết về mình nữa. (Tôi tin ý kiến nói rằng đặc tính của quốc gia có thể truy ra từ loại dinh dưỡng của họ. Nếu điều ấy đúng thì hẳn người ta có thể đưa ra vài nhận xét thích hợp về dân chúng thời Victoria tại Anh và thực phẩm của họ. Tất cả người trong nhà tôi đều bị bón, trừ con mèo và con vẹt; hệ quả là mẹ và tôi thỉnh thoảng bị trầm cảm nặng, ba thì luôn luôn than phiền về lá gan và ăn không tiêu; bà bếp thì bị đau bao tử nặng tuy có vài nguyên nhân khác can dự; còn cô hầu gái thì ‘thả bom’ làm hết sức ngượng ngùng. Nếu chị Mildred có lúc hớn hở tươi vui thì về sau, chị lớn lên thành thiếu nữ ẻo lả và hay lo lắng.)

Ngày 19 tháng Hai.
Tối qua mình rầu rĩ quá không viết nhật ký được. Chị Mildred và mình được mời đến chơi nhà Arnold và ăn cơm ở đó, khi về nhà hai chị em vào phòng khách để thưa mẹ thì mình thấy chú Willie ngồi trong ghế bành của ba, và mỉm cười với hai đứa. Ngay khi đó ba đi làm về và sau khi hôn cả nhà, ba tính ngồi xuống ghế thì mình kêu to.
– Đừng ngồi, chú Willie đang ngồi trong ghế đó.
Mẹ nhìn lên ngơ ngác và nói.
– Thiệt tình không biết xử làm sao với thằng bé.
Và ba tức giận bảo.
– Con nói gì thế, bé con ? Xem nào, chú Willie qua đời từ hai năm nay rồi.
Xong ba kêu Mildred dắt mình lên lầu ngay lập tức. Khi lên tới phòng, mình hỏi là chị có thấy chú Willie không và chị nói.
– Dĩ nhiên là không, em chỉ nói bậy.
Mình không hiểu gì cả và cảm thấy rầu rĩ vô cùng. Khi lên giường rồi, mẹ đi vào như mỗi tối vẫn vậy để ôm hôn mình, và mẹ bảo muốn nói chuyện thật kỹ với mình. Thành ra mẹ ngồi xuống, và bảo con nít hư kể những chuyện tầm bậy như về chú Willie sẽ không bao giờ được lên thiên đàng, và mình phải hứa là không bao giờ, nhất định không bao giờ nói như thế nữa.
Rồi mình bắt đầu khóc, và nói đó không phải là chuyện bịa, mà mình thật sự thấy chú Willie, và nếu nói là mình không thấy thì không đúng. Sau đó mẹ nhìn mình một lúc lâu không nói gì hết, xong mẹ thở một hơi dài và bảo.
– Thôi được rồi,
và đi ra mà không ôm và chúc mình ngủ ngon.
Điều ấy làm mình buồn quá đỗi nên òa ra khóc thêm nữa và ước phải chi chết phứt cho rồi. Sau đó mình lấy áo ngủ chùi nước mắt làm áo ướt, và lập tức mình thấy đức Jesus đứng cạnh giường, sáng ngời như lúc trời hoàng hôn. Và ngài mỉm cười thật tuyệt vời và dường như nói.
– Hãy tha thứ cho họ vì họ không biết mình làm gì.
Rồi mình tưởng như nghe ngài nói rất nhỏ.
– Mong con được bình an.
Và mình thấy vui trở lại rồi chẳng lâu sau đó ngủ thiếp đi. Nhưng hôm nay mẹ gần như không nói năng gì tới mình, làm như mẹ không thương mình nữa. Ước chi mình làm được chuyện vui trở lại, nhưng mình ráng không buồn nữa vì mình biết đức Jesus thương mình và không buồn về mình.

Ngày 21 tháng Hai.
Henry tới chơi và dùng cơm, hai đứa mình chơi trò cút bắt. Mình nghĩ mẹ thích Henry nhất trong đám bạn của mình vì ba Henry là cha xứ (linh mục Anh giáo được phép lập gia đình). Khi Henry đến chơi và Janet nghe chuông ra mở cửa, gần như luôn luôn là mẹ đi ra phòng ngoài và mình nghe mẹ cười hớn hở và nói.
– Ba mẹ cháu mạnh giỏi ? Anh chị em cháu mạnh không ?
Và khi Henry về rồi, mẹ lên phòng học và bảo.
– Sao, Henry có kể chuyện gì không ?
Và nếu Henry có nói gì về cha xứ thì mẹ muốn nghe hết đầu đuôi, vì Mildred bảo mẹ hơi có tánh thích nghe chuyện tai tiếng, nhưng mình không tin chị hiểu đó là chuyện gì, vì khi mình hỏi thì chị ngúng nguẩy, bảo mình ráng mà hiểu. Thành ra mình tra tự điển mà cũng không hiểu rõ. Chị Mildred chỉ nhăn mặt nhạo mình rồi phá ra cười. Mình ước sao chị Mildred đừng chọc phá như thế.

Ngày 1 tháng Ba.
Cả nhà đi lễ hôm nay và dàn phong cầm thật tuyệt vời. Mình ước chi nhà thờ chỉ toàn là nhạc và không có bài giảng buồn rầu làm mình bật khóc. Ba không hay đi nhà thờ vào sáng chủ nhật, vì nếu hôm ấy đẹp trời thì ba thích đi dạo, và khi trời mưa thì ba thích ngồi trong phòng đọc sách. Khi mẹ và hai con về nhà, ở bàn ăn ngày chủ nhật mẹ kể cho ba hết mọi chuyện là có ai ở nhà thờ và ai không có mặt, và mẹ thắc mắc tại sao, và đủ chuyện như thế. Mildred bảo thỉnh thoảng người lớn hay nói chuyện vớ vẩn. Nhưng hôm nay có chuyện khác để kể cho ba nghe, vì bà Aldridge béo mập ngất đi trong lúc đọc kinh, và phải cần mấy ông để khiêng bà ra.
Mình cảm thấy nôn nao, như luôn luôn cảm thấy vậy khi có ai đau ốm, và có cảm tưởng là ruột gan trống lổng. Sau khi mẹ kể cho ba nghe hết về bà Aldridge đáng tội, mình hỏi mẹ sao ánh sáng của mẹ thỉnh thoảng hóa xanh hơn lúc mẹ ở trong nhà thờ. Và bạn biết mẹ nói gì không ? mẹ nói với ba.
– Em tự hỏi mắt thằng bé có gì sai lạc chăng.
– Nhiều phần là gan của cu cậu, ba đáp.
Sao mẹ không giải thích khi mình hỏi mẹ ? Mình muốn biết tại sao có nhiều mầu vàng như hoa cúc quanh đầu ba, và chỉ có mầu xanh quanh đầu mẹ, tuy đôi khi lúc mẹ ôm mình chặt thì nó lại là mầu hồng. Và mình muốn biết tại sao ánh sáng của Mildred lộn xà bần, như trứng hư quậy tùm lum. Mình nói cho chị hay như thế nhưng chị bảo.
– Thôi im đi, em chỉ ngớ ngẩn thôi.
Nhưng tự nhiên là chị nói chơi. Dầu vậy, có lúc Mildred làm mình bực bội và mình muốn đét đít chị. Bất cứ khi nào mình hỏi chị thấy ánh sáng của mình ra sao, chị nói.
– Đừng ăn nói dở hơi, em không có chút ánh sáng nào.
Nhưng mình biết là chị nói phịa, vì có hôm mình hỏi Janet thì cô nói chúng có đủ mầu như con chim nhồi bông trong tủ kính của ba. (Không cần phải nói là tôi không biết rằng Janet chỉ nói đùa cho tôi vui. Việc tôi tin lời cô là đúng thì không phải là hoàn toàn vô lý, vì khi đó tôi chưa khám phá là khả năng của tôi thấy được hào quang nơi người là loại khác thường. Nó cũng như tài soạn nhạc hay chơi đàn khéo tay, và chỉ có ai không biết mới cho các tài năng ấy là bệnh hoạn. Cũng như tôi không xem khả năng khiêm nhượng của mình ngang hàng với tài năng thiên phú, mà còn lâu mới bằng được vậy).

Ngày 2 tháng Ba.
Sáng nay mình được nghỉ học vì mẹ dẫn mình xuống phố đi khám mắt. Một ông ngộ nghĩnh nhỏ con mặc đồ đen kêu mình nhìn vào tấm bảng lớn đầy chữ, rồi giơ kính bắt mình nhìn qua đó. Khi làm vậy một lúc lâu, mình nghe ông nói với mẹ.
– Thưa bà, không có gì phải lo, cậu bé có thị giác hoàn toàn tốt lành.
Sau đó hai mẹ con đi ăn trưa ở tịm, gặp dì Flo rồi đi xe lửa về nhà. Mình thích đi xe lửa, nhưng phải chi đầu máy đừng kêu to tiếng đáng sợ làm mình nhẩy nhổm … Con vẹt bắt chước làm được tiếng ‘đánh bom’ của Susan. Mình thích con vẹt.

Ngày 6 tháng Ba.
Một bác sĩ mới đến khám mình hôm nay và hỏi đủ thứ câu hỏi lạ lùng. Ông có râu mép và chòm râu tua tủa ra chung quanh, với mắt kính dầy làm ông trông như con cú vọ trong quyển tranh ảnh của mình. Ông muốn biết mình có nghe tiếng động nào khi trong phòng không có ai. Nên mình nói thỉnh thoảng nghe tiếng mẹ nói to với người giúp việc trong bếp; và ông cười nói rằng không có ý hỏi như thế. Thành ra mình không biết là ý ông muốn gì. Nhưng ông rất tử tế, có ánh sáng xinh đẹp tuy chưa bằng một nửa ánh sáng của đức Jesus.
Mình hỏi mình có phải uống loại thuốc dễ sợ như bác sĩ Bolton đã cho không thì ông nói không, mà ông sẽ cho mình mấy viên thuốc nhỏ dễ thương  có vị như kẹo. Thành ra mình thích ông ở điểm đó và rất là mừng. Rồi ông đi với mẹ vào phòng sách, đóng cửa lại ở trong đó một lúc lâu. (Ba mẹ tôi bị bối rối vì không có giải thích thỏa đáng của y sĩ nhãn khoa, đã mời một y sĩ khác - tôi nghĩ là chuyên gia về homeopathy - với hy vọng khám phá ra vì sao tôi nói năng bậy bạ không sửa được, hay có thể tôi phải vào viện tâm thần. Phải chi mẹ chịu nghiên cứu về Thông linh học Spiritualism - tới chết mẹ vẫn xem dó là chuyện sai lầm - hay biết đôi chút về thông nhãn, hẳn mẹ đi tới kết luận là cậu con nhỏ của bà không phải là kẻ điên khùng hay nói láo nhiều hơn các chú bé khác, sinh trong thời có tính giả dối cao độ. Sao đi nữa, kết quả chót là y sĩ mới đề nghị đi xa đổi gió, và khuyên nên ra biển. Nhưng chẳng cần phải nói, cách ấy không chữa dứt thông nhãn của tôi).

Ngày 9 tháng Ba.
Trời ! Trời ! Hôm nay Mildred bảo mình là Susan sẽ nghỉ việc và mình phải chào từ giã, và mình biết là sẽ òa ra khóc và cảm thấy rầu rĩ. Khi mình hỏi Mildred là tại sao bà phải thôi việc, Mildred nói Janet cho chị hay là bà làm bậy và chỉ nói có thế mà thôi. Nhưng Mildred nài nỉ miết kêu Janet kể cho nghe, nên Janet bảo hôm qua là ngày nghỉ của bà Susan mà khuya lơ khuya lắc bà mới về nhà, và khi ba mẹ dự tiệc về, hai người bắt gặp bà ’xả nước’ giữa luống hoa xinh đẹp. (tt)
(còn tiếp)

Xem Chú Bé Thấy Chuyện Thật 3