VỀ THIỀN (4)

Về Thiền 4

Ajahn Brahm là vị tăng rất có tiếng, thuộc phái Nam Tông. Ông tên Peter Betts, sinh ở London năm 1951, tốt nghiệp đại học Cambridge ngành vật lý lý thuyết, và rồi đi tới Thái Lan, trở thành tu sĩ Phật giáo.  Năm 1983 ông được Hội Phật giáo ở Tây Úc mời sang Perth, Tây Úc. Cuối năm ấy hội mua đất trong rừng ở phía nam Perth; ông đồng sáng lập và xây tu viện  Bodhinyana ở đó năm 1983. Ông thành trụ trì tu viện từ 1995 đến nay, đi khắp thế giới giảng dạy Phật pháp và tham thiền.Lối giảng tự nhiên, dí dỏm khiến nhiều người thích nghe ông dạy. Vài sách của ông là:
– Don’t Worry, Be Grumpy.
– Who Ordered this Truckload of Dung?
Bài theoQuest Magazine, Winter 2018, Keeping the Water Still: An Interview with Ajahn Brahm.

Richard Smoley (RS). Năm mươi năm trước tây phương biết rất ít về thiền, nay thiền được nói tới rất nhiều.Ông nghĩ sao.
Ajahn Brahm (AB): Đã tới lúc cho thiền được biết tới, nhưng đó cũng là trường hợp khi điều gì thành phổ thông thì nhiều người xúm vào làm theo, và họ dạy mà không có hiểu biết cặn kẽ; cho rằng nó là thuốc trị bá bệnh, sẽ làm thay đổi mọi điều. Đôi khi thiền được đánh giá quá cao.Như nhiều việc khác, tham thiền chỉ là một phần của sự thay đổi lớn trong thái độ của con người đối với cuộc sống trong xã hội, nên anh cần phải giữ cho đúng tầm mức.
RS: Cho ai mới tập thiền thì ông khuyên nên tập bao lâu và thường ra sao ?
AB: Ồ, xin anh, bỏ ý niệm về thời gian đi. Nếu anh nói sẽ thiền trong mười phút thì anh sẽ thắc mắc hoài bao lâu thì hết mười phút. Vậy bỏ đồng hồ đi và bao lâu mà anh thấy bình an là anh đang thiền, và cứ tiếp tục. Nếu không được vậy thì đứng lên.Đừng ép buộc cái trí.Đó là tốt bụng với mình.
Kỷ luật phải luôn luôn từ sự thúc đẩy mà ra.Công việc người thầy, giám thị không phải chỉ là nạt nộ nhân viên mà còn là khuyến dụ họ tại sao làm công chuyện, để không có sự tiêu cực hay kháng cự với lệnh. Nói về công việc thì anh dùng ngôn ngữ kinh tế như mức sản xuất, óc sáng tạo, làm người ta quan tâm, anh nói ngôn ngữ mà họ hiểu.
Với tham thiền cũng y vậy. Cho họ thấy cái lợi, thấy bình an ra sao, hạnh phúc vui vẻ ra sao, và anh sẽ muốn tập thiền. 'Ô, cho tôi thiền thêm nữa được không ?’Nó thay đổi hẳn thái độ.Anh không thể thúc đẩy người ta thiền, như trong thiền đường của Nhật có người vác gậy đi quanh buổi thiền. Chuyện kể là trong một buổi thiền ở Hoa Lục, có người ngủ gục và thầy vác gậy cho họ một hèo, thiền sinh mới lấy điện thoại cầm tay gọi cảnh sát và thầy vác gậy bị cảnh sát mời đi. Bây giờ làm vậy là phạm luật.
RS: Công ty hay nói đến sự tỉnh thức mindfulness. Nó có liên quan gì với sự tỉnh thức theo ý ông không?
AB: Ít lắm, vì ý bị hiểu sai. Tuy nó cũng có lợi chút ít, nhưng nhiều  người buộc mình tỉnh thức. Nó không tự nhiên, và họ bị căng thẳng khi ráng tỉnh thức.
Chuyện giống như phong trào muốn được hạnh phúc, vui vẻ.Anh phải vui vẻ nên anh có nụ cười trên mặt và làm vậy khiến anh bị căng thẳng, vì anh thấy khổ sở."Tại sao tôi phải thấy hân hoan? Tôi sẽ ăn một hèo nếu không thấy hạnh phúc. Tôi làm gì đó sai rồi."Người ta đã có đủ căng thẳng trong đời.Nó chỉ làm chuyện tệ hơn.
Anh có thể thấy là cố gắng thành cái gì mà anh không phải là vậy, thì tự nhiên nó là một nguồn gây căng thẳng. Nếu anh mệt hay buồn ngủ thì một hèo không giúp cho anh, lòng sợ hãi không giúp cho anh.
Nếu anh mệt thì giản dị chỉ là anh thiếu ngủ. Người ta thường không ngủ đủ vậy có lúc anh thư thái và cơ thể nắm lấy cơ hội làm anh ngủ gục. Trong buổi thiền ai ngủ gục là đúng thực với mình.Trong trạng thái hiện thời của họ, họ mệt mỏi.Họ để chuyện xẩy ra.Họ là những người thực sự được bình an. Họ không chống đối mà làm hòa với bất cứ gì đang kinh nghiệm lúc này.
Có một cô đến dự khóa tĩnh tâm của tôi.Cô tới gặp tôi và nói.
– Con thấy mình dở quá.
– Sao vậy ?Tôi hỏi.
–  Con thấy khổ sở, thấy bực bội, mà ai khác cũng hớn hở tươi cười và vui vẻ. Con nghĩ mình thất bại  Cô đáp.
– Không phải, cô được phép bực bội khi dự buổi buổi tĩnh tâm của tôi. Tôi nói.
Tôi vô văn phòng in ra tấm bằng ghi: “Cô là học trò của tôi, nên tôi cho phép cô được bực bội bất cứ lúc nào, có lý do hay không, và bực bội suốt đời cô.” Tôi ký tên 'Thầy của cô' xong đưa bằng cho cô.Nay cô được phép bực bội và cô cười toét miệng, và nay cô vui sướng.
Khi dạy ở khóa tĩnh tâm, tôi nhìn quanh. Ai ngồi thẳng băng là muốn mình làm gì cũng đúng, họ là vậy vì họ sợ. Sợ bị đánh một hèo, bị thất bại, bị mất giá trị vì không giỏi dang. Có tâm lý ấy vì anh được dạy nó từ hồi nhỏ…
Giác ngộ là chấm dứt không còn ham muốn.Không còn ước ao.Anh hoan hỉ quá nên không còn mong ước gì khác.Đó là điều người ta có thể hiểu được.
RS: Có thể đạt tới hiểu biết ấy không ?
AB: Sao lại không ?Cố nhiên là được.Nếu không thể đạt được thì thử làm chỉ mất thì giờ.
RS: Có khi nào mình ráng thử và làm vậy lại khiến mình lo ra không ?
AB: Có chứ. Người ta nói.‘Ráng bỏ.Ráng đi, bỏ nó đi’.Làm  vậy là ngược hẳn với việc buông bỏ hay xả. Ấy là tại sao trọn phong trào tự giúp mình self–help sai lầm trầm trọng, y như ai tới tiệm sách và hỏi người bán hàng ở quầy khu sách tự giúp mình ở đâu.Người bán đáp, "Thưa, nếu tôi chỉ cho ông thì nó làm hư mục tiêu."Nên tôi không viết sách self–help.Làm vậy là làm hư chuyện.Anh viết lấy sách cho anh.
RS: Xin ông nói chút về chính mình và điều chi lôi cuốn ông vào Phật giáo.
AB: Hồi 16 tuổi, tôi được phần thưởng đầu tiên ở trường. Tôi ra tiệm sách, ở tầng trên cùng có đủ sách về tôn giáo, nhất là những tôn giáo khác Thiên Chúa giáo, và tôi quyết định, "Mình mua sách bìa mỏng mỗi tôn giáo một cuốn, đọc cho biết nên chọn tôn giáo nào trong đời."Khi nghe về Phật giáo nó không làm tôi cải đạo, mà là tôi là điều ấy.Đó là niềm tin của tôi.Nó hợp với tôi.Đó là người tôi là.Tư tưởng trong sách không làm tôi cải đạo, mà ấy là khám phá rằng tự bản thân tôi đã là Phật tử.Tôi là vậy mà không biết tên để gọi mình.
Lâu sau đó, khi quyết định làm tăng sĩ, tôi tìm hiểu hết mọi chi phái khác nhau.Điều thuyết phục tôi không phải là họ nói gì, mà là họ vui sướng ra sao. Khi ấy, đó là lựa chọn giữa tăng sĩ Thái và Tây Tạng. Các tăng sĩ Thái cười nhiều hơn, và nó là lý do duy nhất tôi sang Thái Lan tu học.
Tham thiền là học cách tĩnh lặng.Đó là tại sao đại định samadhi có nghĩa tĩnh lặng mà không hề là định trí.Đó là một trong các sứ mạng của tôi trong đời, là loại bỏ khỏi đầu óc người ta ý tưởng về định trí. Nó không liên can gì đến thiền cả.  Làm vậy đòi hỏi quá nhiều nỗ lực.Nhiều buổi tĩnh tâm trở thành trại tập trung.Khi tôi dạy tham thiền, chúng tôi không gọi đó là trại tập trung, mà gọi là Club Med – Club Meditation.
Để cho anh thí dụ. Thấy ly nước  không ? Ông cầm ly đưa ra. Tôi biết mục tiêu  của tôi là giữ nước thật tĩnh lặng. Anh thấy nước ngừng xao động chưa ?
RS: Chưa.
AB: Thực ra nó còn tệ hơn. Đây là cách nhiều người tham thiền, và họ chán nản vì không cách chi được tĩnh lặng.Nghĩ coi. Cánh tay anh không hề đứng yên. Nó làm việc biến dưỡng chất bổ, bắp thịt luôn chuyển động, và máu chạy không ngừng trong các mạch.Không cách chi anh làm nước tĩnh lặng bằng cách cầm ly.
Nhưng có một cách làm nó tĩnh lặng, là buông bỏ.Ngay khi vừa để ly nước xuống, tôi chỉ chờ và kiên nhẫn. Không cần làm gì cả và sau một lúc rất ngắn, ly nước ra sao ?Ông để ly lên bàn.
RS: Nó tĩnh lặng.
AB: Chính thế. Đó là cách ta tham thiền.Có người không kiên nhẫn.Điều họ cần làm là đặt nó xuống."Yên chưa?""Chưa." Vậy đừng can thiệp vào tiến trình, mà chỉ để nó xẩy ra.
RS: Mỗi tôn giáo có điểm căn bản trong chỉ dạy của nó, và rồi có mặt văn hóa như áo đen của linh mục hay áo vàng người tăng sĩ. Khi ông mang Phật giáo tới nơi lạ, như phương Tây, làm sao ông phân biệt giữa hai điều và giữ lại điều chi thiết yếu ?hay làm vậy có quan trọng không ?
AB: Làm vậy quan trọng chứ. Như làm sao để người Úc chịu cúi mình vái Phật; họ không hiểu chúng tôi làm vậy để chi. Có lần tôi được mời tới một trường Thiên Chúa giáo lớn ở Perth để nói chuyện với toàn trường.Chúng tôi đứng ngoài và ông hiệu trưởng nói.
– Đây là trường Thiên Chúa giáo có tượng đức Chúa trong góc.Chúng tôi sẽ vái chào trước tượng, nhưng ông là Phật tử, ông không phải làm vậy.
Tôi nắm lấy cơ hội và quay sang ông bảo.
– Tôi có quyền vái lạy trước tượng đức Jesus của ông.
Tôi muốn đặt vấn đề và ông hỏi.
– Ông muốn nói gì vậy ?
– Tôi thấy ở đây có biểu tượng mà tôi có thể vái lạy. Tôi bảo.
Rồi tôi cũng thảo luận là mỗi lần vái chào trước tượng Phật, anh không vái một cục đồng thau.Anh cúi mình trước điều mà tượng có nghĩa đối với anh.
Khi vái lần thứ nhất, tôi vái đức hạnh, tánh thiện, vì đức hạnh, tánh thiện, lòng tin nhau là những điều giúp ích và có nghĩa trong thế giới của ta.Và mỗi lần vái nó, vì tôi đặt nó cao hơn tôi, ấy là kính trọng và tự nhắc nhở mình về quyền uy và sự quan trọng của nó.Như thế hành động làm tôi có đức hạnh hơn.
Vái lần thứ hai là cho sự tĩnh lặng, bình an, bình an trong tâm anh, bình an trong cộng đồng, bình an trên thế giới. Mỗi lần vái, tôi tự nhắc nhở mình về sự quan trọng của bình an – không tranh cãi, không vì mình đúng, mà là sự bình an – và điều ấy làm tôi bình an  hơn, có óc sáng tạo hơn với bình an,
Lần vái chót, tôi nghiêng mình trước lòng từ và tánh thiện.Anh có thể thấy những hành động tuyệt vời của lòng tốt, không phải chỉ là tiền bạc, mà thì giờ để giúp người khác. Họ tha thứ kẻ khác, và buông bỏ quá khứ với bạn bè, rằng lòng từ thật tuyệt diệu. Tôi luôn nhắc nhở mình với cái vái thứ ba về sự quan trọng của lòng từ. Như thế: đức hạnh, bình an và lòng từ.
Khi nói vậy, anh khiến người Úc ở đó cúi mình vái lần đầu tiên. Họ hiểu họ làm nó để chi, ngay cả ông hiệu trưởng theoThiên Chúa giáo. Chúng tôi xếp đặt cho ông tới viếng tu viện nơi tôi ở, và cả hai chúng tôi cùng đi vào chánh điện, và cùng nhau vái ba lần trước tượng Phật. Ông đã hiểu được ý tôi.
Ấy là việc dùng biểu tượng, nghi thức với sự hiểu biết, và nó có mục tiêu mạnh mẽ. Tăng bào mầu nâu này là để có sự giản dị, nếu làm đổ cà phê hay trà lên áo thì bởi áo đã có mầu nâu sẵn, tôi không cần phải giặt. 

Xem Về Thiền V, IVIII,     II,           

Xem Mục Thiền