VỀ THIỀN (2)

Về Thiền 2

 

1- Tập thiền có lợi cho tất cả ai muốn hay sao ?

Để trả lời câu 1, ta nên nhớ rằng ai cảm thấy có sự thúc giục muốn tham thiền thì đó là dấu hiệu chân ngã kêu gọi anh vào đường Hiểu Biết.Không ai nên ngần ngại khi thấy mình cònthiếu sót vài đặc tính cần có.Đa số chúng ta khôn ngoan hơn, hội đủ nhiều tính chất hơn ta tưởng.Tất cả chúng ta đều có thể bắt đầu học ngay tập trung tư tưởng là bước đầu tiên của thiền nếu muốn. Ta có nhiều hiểu biết sức mạnh trí tuệ và khả năng chưa hề được gợi nên từ tiềm thức để dùng trong đời. Ai chứng kiến ảnh hưởng của tham thiền nơi người mới tập sẽ xác định lời này, và thường khi người mới tập thấy hoang mang, không biết làm gì với những khám phá của mình, do kết quả thường lạ lùng của bước đầu tiên trong thiền là Định trí (Concentration).
Con người khám phá những khả năng ẩn dấu và sự hiểu biết chưa hề được dùng trước đây; họ có ý thức về một thế giới hiện tượng đối với họ kỳ diệu như phép lạ; họ đột nhiên ghi nhận sự kiện về cái trí, rằng họ có thể dùng nó và sự phân biệt giữa người biết và phương tiện của sự hiểu biết trở nên vững vàngvà dường như lộ rõ. Cùng lúc họ cảm thấycó sự mất mát. Trạng thái mơ màng khi trước, thấy bình an và hoan lạc mà lời cầu nguyện và tham thiền mang tínhhuyền học mystic đã tuôn xuống họ nay biến mất; và tạm thời họ có cảm giác khô hạn, thiếu vắng, trống trải thường gây nản lòng. Có việc ấy vì trọng tâm của sự chú ý nay tách rời cảm quan, dù đẹp ra sao đi nữa.Điều mà cái tri biết và có thể ghi nhận thì chưa được ghi nhận, cũng như là cảm quan chưa tạo ảnh hưởng quen thuộc lên tâm thức.Đây là lúc chuyển tiếp và phải được hỗ trợ cho đến khi thế giới mới bắt đầu gây ấn tượng lên người chí nguyện. Nó là một lý do vì sao phải có lòng kiên tâm, trì chí, nhất là trong giai đoạn đầu của việc tham thiền.
Một trong các ảnh hưởng đầu của tham thiền thường là có hiệu năng gia tăng trong cuộc sống hằng ngày, dù đó là cảnh sống trong nhà, ở văn phòng hay trong bất cứ sinh hoạt nào của người. Việc dùng trí não trong cuộc sống tự nó là tập luyện về sự định trí và mang lại kết quả rất đáng nói. Dù người ta có được sự tỏ ngộ hay không qua việc tập tham thiền và định trí, anh cũng vẫn đạt nhiều thành quả và làm cho đời sống phong phú hơn, mức hữu dụng của anh và khả năng sẽ gia tăng lớn lao và bầu ảnh hưởng của anh mở rộng.
Bởi thế, nhìn theo quan điểm thật trần tục thì học tham thiền là điều ích lợi. Ai sẽ nói việc gia tăng hiệu năng trong cuộc sống và việc phụng sự không phải là một bước tiến bộ trên đường tinh thần như khải thị của nhà huyền học mystic ?Kết quả tinh thần của việc áp dụng trí năng mà giới thương nghiệp tây phương chứng tỏ, nói cho cùng có thể là đóng góp thiết yếu cho trọn nỗ lực tinh thần như bất cứ ảnh hưởng đáng nói nào của các giáo hội.
Thế giới thương nghiệp là một trường bao la về sự định trí;  khi năng lực trí tuệ trong con người  được phát triển bằng kỹ thuật tây phương trong thương nghiệp, thì điều không tránh được là một sự chuyển biến tương tự như thế sẽ diễn ra về mặt tình cảm, và nó thường xuyên có. Khi ấy cái trí có thể được tái định hướng về những điều có giá trị thực hơn và cao hơn, và chú tâm vào hướng khác hơn là đời sống vật chất. Bằng cách ấy con người có ý thức nhiều hơn về cõi tinh thần.
Thế nên bất cứ ai không chỉ thuần tình cảm, có học lực trung bình, và chịu kiên trì, có thể tập tham thiền. Họ có thể khởi sự xếp đặt đời mình sao cho có những bước đầu tiên trên đường tới sự sáng, và việc sắp xếp này là trong những bước khó khăn nhất. Ta nên nhớ kỹ rằng tất cả bước đầu đều gian nan, vì thói quen và nhịp sinh hoạt phải thay đổi trong nhiều năm. Nhưng một khi điều này xẩy ra và được làm thuần thục, công việc trở nên dễ hơn.Nó tựa như học đọc thì khó hơn là xem một cuốn sách khó đọc.
Khoa học cổ xưa tham thiền còn có thể được gọi là khoa học về sự điều hợp.Theo diễn trình tiến hóa, ta đã điều hợp thể tình cảm với thể xác nhiều tới mức tình trạng trở thành tự động và đôi khi không cưỡng được; thể xác nay chỉ là vật tự động, là vật được dục vọng - tốt hay xấu, cao hay thấp - tạo ra. Nhiều người nay điều hợp thể trí với hai thể này và do hệ thống giáo dục có rộng rãi, ba thể được kết hợp thành một đơn vị là con người với ba bản chất: trí, tình cảm và thể chất. Nhờ sự định trí và những tập luyện sơ khởi khi tham thiền, sự điều hợp này được mau lẹ thành hình, và sau đó là sự hòa hợp giữa con người ba thành phần này với một yếu tố khác là chân ngã hay linh hồn.Linh hồn luôn luôn có đó, cũng như cái trí luôn có đó nơi con người (ai không là kẻ ngây dại), nhưng nó lặng lẽ cho đến khi thời điểm thích hợp tới và việc chuẩn bị đã xong.Tất cả chỉ là câu hỏi về tâm thức.Vậy câu trả lời của ta cho câu hỏi đầu là như sau.
Ta chấp nhận giả thuyết là có linh hồn, và ai luyện tập cùng làm chủ trí năng của mình thì có thể nhận biết linh hồn ấy. Theo giả thuyết đó ta bắt đầu điều hợp ba thành phần của phàm nhân là thể trí, thể tình cảm và thể xác thành một Tổng Thể toàn vẹn có sắp đặt. Ta làm việc ấy khi tập định trí.
Khi tập định trí dẫn tới tham thiền (là sự định trí kéo dài) ta bắt đầu cảm thấy ý chí của chân ngã áp đặt dần lên cái trí.Dần dần từng chút một, cái trí và não bộ có sự hòa hợp mật thiết với nhau.Đầu tiên, cái trí làm chủ não bộ và tình cảm.Rồi chân ngã làm chủ cái trí.Việc đầu thực hiện được nhờ định trí; việc thứ hai nhờ tham thiền.
Ai tìm hiểu sẽ thấy đòi hỏi trước hết là người ta cần kiên trì. Việc có tư tưởng xếp đặt vào bất cứ lúc nào, bất cứ nơi nào, và kế đó, việc tập định trí đều đặn mỗi ngày vào giờ nhất định nếu được, cho thái độ quyết tâm, và cả hai hợp lại dẫn tới thành công.Chuyện đầu cần thời gian nhưng có thể khởi sự ngay lập tức.Chuyện sau là những lúc định trí cũng có thể được bắt đầu liền nhưng sự thành công của nó tùy thuộc vào hai điều; sự đều đặn và trì chí.
Chuyện đầu muốn thành công phần lớn là nhờ trì chí mà cũng nhờ óc tưởng tượng.Khi tưởng tượng là ta đóng vai trò người quan sát, người nhận xét. Ta tưởng tượng mình là người suy nghĩ (không cảm xúc) và ta vững chãi hướng dẫn tư tưởng luôn đi theo đường đã chọn, làm ta nghĩ điều ta chọn suy nghĩ và từ chối không cho tư tưởng nào ta loại bỏ được len vào, không phải bằng cách ngăn cản, mà bằng phương pháp tích cực chú tâm vào điều khác. Ta không cho cái trí tự ý lang thang khắp chốn, hay bị cảm xúc và tình cảm thúc đẩy linh hoạt, hay trôi theo dòng tư tưởng trong thế giới đang bao quanh ta. Ta bắt chính mình chú ý trọn vào điều ta làm, như đọc sách, lo công chuyện ở nhà hay ở sở, xã giao hay về nghề nghiệp, trò chuyện với bạn, hay bất cứ việc chi đang làm lúc ấy. Nếu công việc có thể được thực hiện do sự quen tay và không cần nhiều suy nghĩ, ta có thể chọn một đề tài cần lý luận và chăm chú theo dõi trong khi tay hay mắt bận rộn với việc phải làm.
Ta cóđịnh tríđúng thật khi sống đời có chú tâm, suy nghĩ, và để tư tưởng làm chủ thay vì tình cảm. Bước đầu tiên cho người chí nguyện là khởi sự tổ chức cuộc sống hằng ngày của mình, sắp xếp các sinh hoạt và trở thành chú tâm, định tâm trong cách sống thường nhật. Đây là chuyện có thể làm được cho tất cả những ai ước ao đủ để có nỗ lực cần thiết, và kiên tâm duy trì nó. Ấy là điều thiết yếu căn bản và trước tiên.
Khi có thể tổ chức và dàn xếp cuộc đời, ta chứng tỏ khả năng và ước muốn mạnh mẽ của mình. Như thế không có việc xao lãng bổn phận cho ai nhất tâm. Bổn phận của họ với gia đình, thân hữu, nghề nghiệp sẽ được làm toàn hảo và hữu hiệu hơn, và họ sẽ có tìm ra giờ cho các bổn phận có thêm mà ước nguyện tinh thần đòi hỏi, vì họ bắt đầu loại bỏ khỏi đời mình những điều không thiết yếu.
Không có bổn phận nào bị tránh né, vì cái trí có chú tâm sẽ cho phép người ta làm được nhiều việc với ít giờ hơn trước kia, và đạt được kết quả tốt đẹp hơn với công khó của mình. Ai mà tình cảm làm chủ thường lãng phí nhiều thì giờ và  năng lực, và thành đạt ít hơn ai có cái trí chủ tâm. Chuyện thấy là ai quen làm việc theo phương pháp trong thương nghiệp, và ai lên tới cấp điều hành, tập tham thiền dễ hơn người thợ máy ít suy nghĩ hay phụ nữ cả đời chuyên tròchuyện xã giao. Hai người sau cần học cách tổ chức việc trong ngày của đời mình, để qua bên những sinh hoạt không thiết yếu. Họ là người luôn bận rộn quá tới nỗi không làm được việc gì, và khi muốn tìm hai mươi phút mỗi ngày để tập thiền hay một giờ để học thì gặp khó khăn không vượt qua được.
Họ quá bận rộn với chuyện giao tiếp trong xã hội, với chuyện nhà cửa phải lo, vô số điều nhỏ nhặt muốn làm, bao trò chuyện vô bổ và không nhận ra là tập định trí sẽ khiến họ làm được hết mọi việc mà bao lâu nay vẫn làm, cộng thêm nhiều việc khác và lại làm được tốt đẹp hơn. So với ai ở cấp điều hành một thương nghiệp, dù sống đời bận rộn và tràn ngập, dường như chuyện dễ dàng hơn cho họ khi muốn tìm giờ cho sinh hoạt tinh thần. Họ luôn có giờ để làm thêm chuyện, họ đã học cách chú tâm và thường khi tham thiền mà không biết, như khi định trí để tìm hiểu rồi giải quyết vấn đề. Nay tất cả điều họ cần chỉ là thay đổi trọng tâm của chú ý, vào chân ngã thay cho lợi nhuận. Câu thành ngữ phương tây ‘Nếu bạn muốn việc làm xong thì giao nó cho ai bận rộn’ muốn nói điều ở trên, là ai bận rộn luôn có thể tìm ra giờ để làm thêm việc nữa.

2- Người xưa ở phương đông có được giác ngộ bằng cách vào rừng ở ẩn, giữ yên lặng; người thời nay ở phương tây có hy vọng thành công chăng ?
Ít ai trong chúng ta ở trong hoàn cảnh mà có thể từ bỏ gia đình và trách nhiệm, biến mất khỏi thế giới loài người để ngồi dưới cội bồ đề tìm sự giác ngộ. Lẽ tự nhiên câu đáp nằm ở việc hiểu biết đúng đắn vấn đề của ta và việc trưng ra một khía cạnh mới hơn của chân lý từ xưa. Người phương tây thuộc giống dân trẻ hơn, dù đời sống ngày nay có nhiều căng thẳng, tất bật rộn ràng, nhưng aiở đâu cũng có thể tìm được một tâm bình an trong lòng, có thể bước vào trạng tháiđịnh trí lặng lẽ tích cực, cho phép họ đạt tới cùng mục tiêu như người xưa ở phương đông, có được cùng  hiểu biết và bước vào cùng sự Sáng.
Nơi ẩn cư trong chuyện thiền ngày xưa muốn nói điểm mà ta rút về, và ta tìm thấy điếm ấy trong nội tâm; chỗ thinh lặng để tiếp xúc được với chân ngã là điểm trong đầu, nơi ánh sáng tinh thần và sự sống của xác thân hòa hợp. Ai có thể tập định trí đủ mạnh thì có thể trụ tư tưởng bất cứ lúc nào, ở đâu vào một tâm trong lòng, và từ huyệt đầu diễn ra sự hòa hợp cái cao với cái thấp.

3- Chuyện gì thực sự xẩy ra cho người chí nguyện về mặt tâm lý và sinh lý khi tham thiền ?
Câu trả lời là nhiều điều diễn ra. Nói về tâm lý, ta làm chủ được trí não và chân ngã chế ngự được cái trí, cùng lúc đó những quan năng trí tuệ thông thường không bị suy suyển. Chúng có thể được sử dụng dễ dàng hơn và cái trí hóa bén nhậy hơn khi trước, có khả năng suy nghĩ rõ ràng. Người chí nguyện khám phá là ngoài việc có thể ghi nhận ấn tượng nơi cõi trần, họ còn có thể tiếp nhận ấn tượng từ cõi tâm linh. Trí năng hoạt động hai chiều và trở thành phương tiện chung hòa hợp. Về phần tình cảm nay chịu sự kiểm soát của cái trí, hóa lắng dịu không còn chộn rộn, không thành rào cản ngăn chặn sự tuôn tràn của hiểu biếttinh thần vào não bộ. 
Khi hai ảnh hưởng này xẩy ra thì kết quả là có một số thay đổi về tư tưởng và nhận thức trong đầu. Sự việc có tính chủ quan hơn là khách quan và chưa thể chứng thực một cách khoa học vào lúc này, vậy ta chỉ xem đây là giả thuyết, chấp nhận nó với ý là xem xét lại khi có bằng chứng đòi hỏi làm vậy. Từ giả thuyết đó, nếu là người sơ cơ hay có trí não thiếu tổ chức, trôi nổi, không ổn định, ta bắt đầu với việc định trí; còn nếu đã được luyện tập do nghề nghiệp và có khả năng chú tâm, ta chỉ cần đổi hướng cái trí vào ý thức mới và bắt đầu thực sự tham thiền. Như đã ghi, dạy tham thiền cho ai biết điều hành thương nghiệp và muốn tập là chuyện dễ làm.
Đầu tiên là nỗ lực có tham thiền đều đặn, dành thì giờ mỗi ngày để tập thiền. Mười lăm phút lúc thoạt tiên là đủ, giữ mức này ít nhất một năm trước khi tập lâu hơn. Nếu ai không thể tìm được mười lăm phút trong ngày thì có phải là họ không tha thiết với chuyện ? Ta luôn có thể tìm được mười lăm phút vào sáng sớm mỗi ngày, và ai bảo ‘Tôi không có giờ’ thì điều ấy chỉ muốn nói là họ không muốn tập. Nay ta hãy xem xét một vài qui luật khi thiền.
Thứ nhất, ta gắng tìm giờ vào sáng sớm. Lý do là sau khi làm công chuyện trong ngày, cái trí có sự rung động mạnh mẽ. Ta không bị như vậy nếu tập thiền là việc đầu tiên buổi sáng. Khi đó cảnh tương đối yên lặng, cái trí dễ hướng hơn vào tâm thức cao; lại nữa nếu bắt đầu một ngày bằng việc chú tâm vào chuyện tinh thần và chuyện của chân ngã, ta sẽ sống ngày ấy theo cách khác hẳn. Nếu nó trở thành thói quen, chẳng bao lâu ta sẽ thấy phản ứng của mình đối với chuyện gặp phải trong đời thay đổi, và ta bắt đầu suy nghĩ tư tưởng mà chân ngã suy nghĩ. Khi ấy nó trở thành tác động của luật ‘Con người nghĩ sao thì họ là vậy.’
Kế tiếp, hãy tìm nơi yên tĩnh để ta không bị làm xáo động. Nó không có nghĩa là nơi không có tiếng ồn vì thế giới tràn ngập âm thanh, và khi càng nhậy cảm ta càng cảm biết nhiều tiếng động hơn, mà muốn nói một nơi ta không bị quấy rầy. Ở đây cần nhấn mạnh thái độ của người sơ cơ là thái độ thinh lặng. Ai mới tập thiền hay nói quá nhiều về chống đối mà họ gặp phải từ gia đình và thân hữu, như vợ / chồng phản đối chồng / vợ tập thiền, con cái không tán thành và gây gián đoạn một cách vô tâm chuyện tập thiền của cha mẹ, bạn bè không thông cảm.
Trong đa số trường hợp đây là lỗi của chính người chí nguyện và phái nữ thì tệ hơn. Người ta nói quá nhiều. Sự thật là ta làm gì với mười lăm phút thì giờ của mình mỗi sáng thì đó là chuyện của ta mà không phải của ai khác, không cần phải nói cho cả nhà hay, hoặc yêu cầu gia đình phải giữ yên lặng vì ta muốn thiền. Làm vậy chắc chắn sinh ra phản ứng ngược. Cách nên theo là đừng nói gì về việc ta muốn đạt tâm thứctinh thần, đó hoàn toàn là chuyện của ta; bạn hãy cất kỹ sách vở, giấy tập, đừng bầy bừa ở phòng khách tài liệu mà gia đình không quan tâm.
Nếu không thể có được giờ phút  thiền trước khi gia đình tứ tán đi làm, đi học, hay trước khi ta đến sở thì hãy tìm giờ tập thiền về sau trong ngày. Luôn luôn có cách để giải quyết khó khăn nếu ta muốn hết sức, và có cách mà ta không xao lãng bổn phận hay trách vụ của mình. Nó chỉ là biết sắp xếp và giữ yên lặng.
Khi đã tìm được giờ và nơi tập, ta hãy ngồi thoải mái trong ghế và bắt đầu tham thiền. Về cách ngồi, tư thế dễ nhất và bình thường nhất luôn luôn là cái tốt nhất. Phương đông hay ngồi xếp bằng gọi là thế liên hoa, nhưng người phương tây không nhất thiết phải bắt chước theo. Vài tư thế có liên quan đến thần kinh và kinh mạch, huyệt đạo. Vấn đề với tư thế như vậy là nó đưa tới hai phản ứng tương đối bất lợi, nó khiến cái trí người tập chú ý vào cơ chế của việc tập thay vì mục tiêu, và thứ hai là nó thường khi làm con người cảm thấy mình hơn người vì làm điều mà đa số không làm, khiến ta tách biệt như là kẻ biết nhiều so với đám đông. Ta đắm mình vào cách thức thay vì vào tâm thức, bận tâm với cái ngã thay vì chân ngã.
Vậy thì, ta hãy chọn tư thế nào cho phép ta - theo cách dễ nhất - quên đi thể xác này. Có lẽ cho người phương tây tư thế ấy là ngồi thẳng, xương sống theo đường thẳng đứng; hãy ngồi thoải mái tuy đừng cong lưng để không chỗ nào trong thân bị căng cứng; ta cũng nên hạ cằm một chút để bắp thịt cổ không bị căng. Khi tham thiền, nhiều người ngồi hướng lên trần nhà mắt nhắm chặt, như thể chân ngã ở đâu đó trên cao; trông họ như nuốt hột thị và răng thường khi nghiến chặt, có lẽ để không cho lời hứng khởi nào, mà chắc chắn từ chân ngã rơi xuống, buột ra khỏi miệng. Trọn cơ thể căng thẳng, chực hờ và cứng lại, rồi họ ngạc nhiên khi không thấy có gì xẩy ra ngoại trừ việc nhức đầu và mệt mỏi. Sựkiệntâm thức rút khỏi ngũ quan không muốn nói có việc máu ngưng khônglên đầu, hay phản ứng thần kinh bị đẩy mạnh không kiểm soát. Tham thiền là hành động nội tâm và chỉ có thể làm thành công khi cơ thể thư thái, an ổn đúng cách và rồi được quên lãng đi.
Hai tay nên xếp vào lòng và hai chân tréo lại. Khoa học tây phương nói rằng cơ thể thực ra là máy phát điện, còn đông phương dạy là khi tham thiền hai năng lực âm và dương được mang lại với nhau, nhờ vậy sinh ra sự sáng trong đầu. Có lẽ cả hai đều đúng vậy tốt hết ta nên đóng mạch điện.
Khi thân xác được an ổn, thư thái, và ta không còn trụ tâm thức vào nó, bước kế là chú ý tới hơi thở, xem kỹ là nó yên tĩnh, đều và nhịp nhàng. Ở đây ta có lời khuyến cáo về những phép luyện hơi thở, ngoại trừ cho những ai đã tập thiền đúng cách nhiều năm và đã trau luyện thân tâm. Khi không có kinh nghiệm và thân tâm chưa thanh khiết, việc luyện tập hơi thở sinh ra nguy hiểm rất thực, cảnh cáo mạnh tới đâu cũng không đủ.
Có mấy trường phái chỉ dẫn cách luyện hơi thở, và lắm người cho rằng hơi thở là cách để có phát triểntinh thần. Thực ra,  nó không liên quan chi hết đến sự khai mở tinh thần mà liên quan rất nhiều đến việc nẩy nở quyền năng tâm linh, và việc tập luyện nó đưa tới nhiều khó khăn và nguy hiểm. Thí dụ vài cách luyện hơi thở có thể làm ta có thông nhãn, thông nhĩ; nhưng khi không có hiểu biết thật sự về tiến trình hay cái trí không làm chủ mặt tâm linh, ai có khả năng như thế chỉ thành công trong việc bước vào những cảnh giới hiện tượng mới. Họ khai mở những quyền năng mà họ hoàn toàn không thể làm chủ, và thường khi thấy không thể ngăn chặn âm thanh và hình ảnh mà họ đã học cách ghi nhận, và bất lực không thoát được việc tiếp xúc với cả hai cõi trần và cõi trung giới. Họ bị dằng co về hai hướng và không có chút bình an. Âm thanh và hình ảnh ở thế gian là môi trường sẵn đó cho con người, và tự nhiên là ngũ quan cảm biết, nhưng khi cõi tâm linh - với âm thanh và hình ảnh  của riêng nó – cũng tác động lên con người thì họ bất lực; anh không thể nhắm mắt tách rời mình khỏi khung cảnh tâm linh bất lợi chung quanh.
Tiêu biểu cho tình trạng này là một mục sư cho hay ông theo những cách luyện hơi thở với ý làm cho sức khỏe tốt hơn, do một người thầy đến thành phố của ông chỉ dẫn. Dù có hậu ý tốt nhưng bởi thiếu hiểu biết, kết quả là ông mở thông nhĩ. Thư cầu cứu của ông với bà Bailey ghi.
– Trong lúc viết thư này thì tôi có thể nghe đủ mọi giọng nói và âm thanh không thuộc về cõi trần. Tôi không thể ngăn chặn chúng và lo sợ cho trí não củamình. Bà có thể cho biếttôi phải làm gì để không còn nghe được chúng ?
Bà Bailey cho biết có hằng trăm người đến với bà xin được giúp đỡ, vì đã không phân biện và bừa bãi làm theo chỉ dẫn của những người thầy dạy luyện hơi thở. Họ tuyệt vọng và thường khi mắc bệnh tâm linh trầm trọng. Bà có thể giúp một số người, và không thể làm gì được với một số khác. Vài kẻ trong số người sau này chót hết vào bệnh viện tâm thần hay dưỡng trí viện dành cho ai mất thăng bằng. Kinh nghiệm về những trường hợp ấy khiến bà lên tiếng cảnh cáo, vì nguyên nhân trong đa số trường hợp bệnh tâm linh không kiểm soát được là các cách tập hơi thở.
Theo lối tập từ thuở xưa của phương đông, học viên chỉ được phép học kiểm soát hơi thở sau khi hội đủ một số điều kiện gắt gao mà ta không ghi ra đây, bạn nào muốn biết thêm xin đọc sách ở cuối bài, trang 222. Khi ai có tư tưởng, lời nói và hành vi vô hại, khi họ không có lòng ích kỷ, tình cảm an ổn, thể xác vững vàng, khi ấy họ có thể tập phép luyện hơi thở, theo chỉ dẫn đúng đắn và thực hành với sự an toàn. Ngay cả khi được vậy, họ cũng chỉ thành công khi hòa hợp các năng lực của cơ thể và có quyền năng tâm linh một cách ý thức.
Việc không tuân theo những bước sơ khởi cần thiết đã làm nhiều người gặp nạn. Chuyện nguy hiểm cho ai yếu đuối, nặng tình cảm mà luyện hơi thở để mong được mau phát triển; và bất cứ người thầy nào muốn dạy các phép này cho nhóm đông như chuyện thường thấy, là tự tạo khó khăn cho mình và cho ai theo họ. Khi xưa, bậc thầy chọn kỹ người ở đây hay kia để dạy, và nó đi kèm với huấn luyện khiến học viên tiếp xúc được với chân ngã, để cho linh hồn có thể hướng dẫn năng lực mà hơi thở khêu gợi nên, nhằm thực hiện mục đích của nó và dùng cho việc phụng sựthế giới.
Vì thế ta sẽ không làm gì hơn ngoài việc giữ cho hơi thở êm nhẹ và đều đặn, rồi không còn hướng tư tưởng chút nào vào thân xác và bắt đầu việc định trí.(còn tiếp)
Theo:From Intellect to Intuition, A.A. Bailey.

Xem Về Thiền IVIII,     II,           

Xem Mục Thiền