MỸ LỆ 3

MỸ LỆ  3

 

 

Các giống dân và các quốc gia, tựa như con người, cũng có những nguyên lý chủ và nguyên lý phụ. Nói riêng về giai đoạn đầu của cuộc tiến hóa của sắc dân Aryan, ba lý tưởng: Tự do, Kết hợp và Hiểu biết triết lý (Comprehension - Philosophy, tương ứng với những cung 1, 2, 3) có sức thu hút mạnh nhất. Ta thấy con người đi tìm Thượng đế nội tâm theo ba đường hướng này, mà thí dụ rõ nhất vẫn còn thấy tại Ấn Độ ngày nay, đó là ba môn phái Yoga: Raja Yoga theo Patanjali, Bhakti Yoga (Sùng tín) theo Shri Krishna và Jnana Yoga (Trí tuệ) theo Shri Shankaracharya. Nhưng khi giống dân Ấn Âu tiến đến giữa chặng của dòng tiến hóa tức đến sắc dân Hy Lạp thì nguyên lý Hòa Điệu (Harmony, cung 4) lại lôi cuốn mạnh mẽ, con người xem Thượng đế như là người cội của chân lý, khao khát muốn khám phá Ngài trong thế giới bên ngoài  bằng việc theo đuổi Chân, Thiện, Mỹ hay khoa học, tôn giáo và nghệ thuật (tương ứng với các cung 5, 6, 7).

Ba hình thức tìm kiếm Thượng đế bằng cách hướng ra ngoài này, tương ứng với ba con đường quay vào trong của giai đoạn đầu, vì có sự tương đồng của Thượng đế bên ngoài và Thượng đế bên trong, Thượng đế trong thiên nhiên và Thượng đế trong tâm thức, và Mỹ lệ là cái hòa điệụ, cái quân bình muôn thuở của vật chất hoàn hảo, ở thể tĩnh hay thể động. Khoa học gia đi tìm cái thiên ý trong Thiên nhiên, tín đồ dâng lòng thành chất chứa trong tim lên Thượng đế, và nghệ sĩ chân chính đáp ứng lại với Thiêng liêng bằng tài nghệ của mình, họ tôn thờ mỹ lệ của thiên nhiên không chút dè dặt. Nghệ sĩ giống như tín đồ trong tôn giáo, nhưng ở đây họ yêu cái đẹp, khám phá Thượng đế trong thế giới bao la.

Nghệ sĩ chân chính không coi mình là người tạo ra mỹ lệ, chẳng khác gì với triết gia chân chính không cho rằng họ là tác giả của chân lý mà họ rao giảng. Người theo phái Plato  sẽ hỏi: 

– Triết gia tìm ra chân lý và nghệ sĩ khám phá được mỹ lệ ở đâu? Những thiên tài ấy sáng chế ra các vật hay các điều bằng trí tưởng của họ ư, và do vậy mang lại cho thế giới nhiều điều mới lạ, hay họ có được chúng từ thế giới tuyệt vời mà ta đang sống ?

Rồi họ sẽ tự trả lời rằng nghệ thuật chỉ là mô phỏng của thiên nhiên, và nghệ sĩ chỉ là người nhận ra được mỹ lệ tràn ngập trong thế giới đủ điều kỳ diệu này. Nghệ sĩ thấy được mỹ lệ hiển hiện ra đó còn người khác không thấy. Chuyện kể rằng trong một buổi triển lãm tại trường Mỹ thuật, khách đến xem đứng trước một loạt nhiều bức họa vẽ cảnh hoàng hôn, họ lớn tiếng phê bình nói rằng chắc chắn ta không hề thấy những màu sắc của tranh trong cảnh trời chiều ở bất cứ đâu. Nhưng sau đó cũng chính họ buột miệng khi ngắm một cảnh chiều tà:

– Ủa, đây chính là những màu trong tranh ở trường Mỹ thuật.

Họ không để ý những màu này khi trước và nay chỉ nhận ra chúng vì đã xem tranh vẽ, và họa sĩ dạy cho họ thấy được phần nào cái mà chính họạ sĩ đã thấy. Họạ sĩ làm điều này bằng cách đặt khung quanh tranh vải, hay đặt bức tranh ở một nơi tương đối cô lập, để mắt của người xem không bị bao chuyện khác quấy rầy. Như thế nghệ sĩ bắt người thưởng ngoạn phải chú tâm, trí tập trung vào đối tượng, và người quan sát thấy cái mà họ không để ý trước kia, làm tâm hồn bùng ra năng lực như thể trước đó bị kềm tỏa và nay được họạt động tự do, ngay cả khi ở giữa bao kích thích làm chia trí. Do đó nghệ sĩ làm việc bằng cách đánh động, khêu gợi, khơi dậy hơn là chỉ bảo. Phương pháp của thi sĩ tạo nên việc tương tự là khiến cho cái trí dừng lại trong khi văn xuôi thiếu khả năng này, nên cũng y những chữ ấy trong một đoạn thơ thì cho ra nhiều ý tưởng hơn là trong câu văn. Thi ca chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn vì tâm trí ngưng đọng, lắng chìm, chờ đợi.

Nét đẹp trong mỗi vật làm động lòng nghệ sĩ vì họ mẫn cảm hơn người thường, và mỹ lệ có thể nâng họ lên tới đỉnh cao tâm thức mà người khác không cảm biết là nó nằm trong khả năng của mình. Nỗi ngất ngây vì cái đẹp là một phần của sự an lạc, vượt ra khỏi tâm thức. Nhìn theo cách ấy thì nghệ sĩ tài ba trở thành cộng tác viên với Thượng đế trong cuộc tiến hóa của con người. Tuy họ rung động và tỏa ra cảm xúc mà mỹ lệ gợi nên trong lòng tùy theo việc đáp ứng nhiều hay ít với kích thích, họ có ý chí kềm giữ lại tư tưởng và cảm xúc để chúng tuôn tràn qua tay chân, giọng nói thành sáng tác nghệ thuật. Công việc làm họ chú tâm, đó là một hình thức dâng hiến và giúp họ làm ngơ được dư luận. Họ là người đầu tiên  thấy nét đẹp mà kẻ khác không thấy, và rồi tái tạo lại nó cách biệt với khối hỗn độn bao nét đẹp khác mà nó lẫn vào trong khung cảnh thông thường. Làm thế họ khiến người khác chú ý tới cái đẹp đó.

Vì nghệ sĩ không hề mất dấu Thượng đế trong cảnh vật, họ không bao giờ mệt mỏi với mục đích của mình trong suốt cuộc đời và khó mà thấy ở chỗ khác sức chú tâm lâu dài như với nhà nghệ sĩ, cũng như tất cả những quan năng của họ được kiểm soát để thực hiện  công trình sáng tạo. Thí dụ như người thợ chạm khắc tỉ mỉ, cần mẫn đẽo gọt ngay cả những phần nhỏ bé nhất trong các đền thờ to lớn ở Ấn Độ. Gần như tất cả những thị trấn và làng lớn ở miền nam Ấn Độ có đền thờ với tháp chạm trổ công phu, tường xây cất hết sức mỹ thuật. Ở miền trung và bắc Ấn làm như đâu đâu cũng có những đền thờ Hồi giáo lộng lẫy với mái vòm, tháp nhỏ và cao, dinh thự, lăng tẩm, đền đài nhỏ hơn miền nam.

Những công trình tuyệt mỹ này có hình dáng, kích thước, đường nét và tỉ lệ đẹp đẽ cũng như nét tinh xảo, chúng còn hiện diện giữa dân chúng như là chứng tích trường tồn từ xưa. Nay chúng thành vận cụ tuyệt hảo để nâng cao, mở rộng, làm thanh nhã hơn tâm thức tất cả những ai sống gần chúng hay khách tới thăm và lòng rung động vì nét mỹ lệ vượt bực. Chắc chắn là vẻ duyên dáng hiếm thấy của người Ấn phần lớn là do các công trình này. Ta không biết ai là kiến trúc sư, điêu khắc gia của chúng, nhưng khi nhìn ngắm tác phẩm của họ ta ý thức rằng hẳn họ đã kiên trì làm việc năm này sang năm kia, nhọc công bền bỉ để làm cho mỗi chi tiết được chính xác, hoàn hảo. Trong hàng ngàn năm nữa công sức của những nghệ sĩ vô danh này, sẽ tiếp tục gợi hứng cho người yêu chuông mỹ lệ trong khắp thế giới.

Bạn không thể chiêm ngưỡng cái đẹp như vậy mà chính mình không trở thành đẹp đẽ hơn bên trong, và rồi cái đẹp bên trong ấy sẽ biểu lộ qua hình thức bên ngoài. Đa số các nghệ sĩ chân chính tự họ cũng đẹp đẽ khi ta nhìn ngắm họ, tuy họạ sĩ chuyên vẽ hí họạ thì chính họ là bức hí họa. Nếu bạn mê mẩn ngất ngây trước vẻ mỹ lệ của cảnh trời chiều rực rỡ, rặng núi uy nghi hùng vĩ, vách núi hoặc sâu hun hút hoặc cao vòi vọi, sau đó bạn sẽ thấy rằng nét đẹp và sức mạnh của chúng đã tràn vào người bạn, và bạn hóa ra vững chắc thư thái hơn xưa. Tính an ổn, an nhiên của Thượng đế bằng cách này hay cách kia đi vào lòng bạn, tạo quân bình cho sự sống bên trong làm nó thư thái và mạnh mẽ. Đó là sự bình an, và sự bình an là sức mạnh.

Giống như việc theo đuổi kiến thức làm phát triển cái trí, thì việc tạo ra mỹ lệ do hành vi khéo léo làm người tạo tác có hình thái và cử động đẹp đẽ. Thế nên dù theo đường nào để tới Thượng đế, thì con người chỉ làm được vậy bằng cách trở thành Thượng đế, và trên con đường nghệ thuật, mỹ lệ đích thực là cái đẹp của chính ai tạo ra mỹ lệ. Đó là lý do tại sao mỹ lệ không bao giờ là chuyện hời hợt chỉ có bề mặt, hay ta có thể đạt tới nó bằng cách thức thiếu mỹ thuật, không khác nào tất cả cấu trúc của một khối kiến thức phải là điều thật, và điều này áp dụng cho mọi việc dù thuộc con người hay không. Thí dụ ngắm nhìn con ngựa chạy hay, ta thấy nó thật khéo léo trong cử động, đó là yoga của ngựa. Mỗi cử động của toàn thân ngựa hay của mỗi phần, của bắp thịt nhỏ bé nhất đều có mỹ lệ biết chừng nào. Việc chạy tuyệt hay của ngựa sinh ra những cặp chân đẹp đẽ nhất. Tất cả những cử động khác mà thời gian hay cuộc tiến hóa hay sự rèn luyện làm cho toàn hảo đều giống vậy, điều này càng lúc càng rõ hơn nhờ kỹ thuật quay chậm của phim ảnh. 

Trong những cử động đẹp đẽ ấy triết gia hay khoa học gia có thể khám phá ra sự ổn định về nguyên lý của mỹ lệ, tuy rằng chính người nghệ sĩ có thể không đặc biệt lưu tâm đến khía cạnh này của việc.

Chuyển động có sự quân bình rất là ổn định, y như sự ổn đinh thấy trong kiến trúc hiện đại của Phần Lan có hình thái tuyệt mỹ. Khi nhìn ngắm những vật này ai cũng sẽ nói:

– Trời, dù có lên thiên đàng nơi đầy cảnh đẹp thì ít nhất tôi cũng phải mang những vật này theo với tôi.

Hình ảnh vịt thong dong trên mặt hồ hay mặt sông xinh đẹp , cây to lớn sum suê tỏa ra bóng mát êm ái mời gọi cũng có ý nghĩa như thế. Mỹ lệ là sự ngưng nghỉ của hành động, dù bằng âm thanh hay màu sắc hay hình thể, được chứng minh qua tất cả những gì trong nghệ thuật còn tồn tại với thời gian.

Ta không thể nào nói đến mỹ lệ mà không đề cập tới Nhật Bản, ở đó có mỹ lệ thật phong phú biểu lộ trong mỗi khiá cạnh của cuộc sống nơi ấy. Chùa, đền thời, hoa viên và cửa hàng về mỹ thuật, là những nơi thật tuyệt diệu không lời nào mô tả cho hết. Bất cứ ai sinh ra nơi ấy sẽ được khơi dậy một ý thức về mỹ lệ nhiều hơn họ đã có trước đây. Ở những nước khác linh hồn có tính nghệ sĩ thường khó kiếm, họ bị lạc chìm mất trong đám đông và không có uy thế gì mấy đối với khối người chung quanh, nhưng tại đây vật gì cũng xinh đep làm trọn cả nước được ảnh hưởng.

Các mỹ nghệ phẩm quí nhất, hiếm nhất không phải được làm ra cho khách ngọai quốc, mà là cho chính người trong nước, trong căn nhà bình thường luôn luôn có khung thờ dành riêng cho mỹ lệ ở phòng khách chính, như một khung xây lõm vào tường lớn bằng cánh cửa, sâu chừng vài tấc và cao hơn sàn nhà một chút. Ở đó có đặt vài mỹ phẩm quí như một bức tranh, tượng bằng đồng hay ngà hay sơn mài trên bàn nhỏ bằng gỗ mun hay một cái bệ. Lần đầu tiên đến chơi bạn có thể tưởng rằng đây là tất cả những mỹ nghệ phẩm mà gia chủ có, nhưng về sau bạn sẽ thấy những bảo vật khác trong khung thờ sự mỹ lệ này.

Bà chủ nhà không chất chứa đầy phòng trong nhà những vật đẹp đẽ, bà hiểu các nguyên tắc về mỹ thuật và cất kỹ bộ sưu tập trong tủ, mỗi lần chỉ chưng ra vài món. Có nơi nào khác nữa mà bạn bắt gặp hiểu biết như thế chăng ? Ngay cả cái chạm khẽ của ngón tay người Nhật lên vật tí hon nhất, cũng làm cho nó trở thành đẹp đẽ, với cái đẹp hiển lộ hơn là gợi ý. Có dân tộc nào tuôn ra đường hàng trăm ngàn người để thưởng thức hoa anh đào nở vào đầu xuân, trồng cây anh đào chỉ đế có hoa mà không phải để lấy quả ? Và còn ở đâu khác mà bạn thấy trẻ con được đối xử thật nhẹ nhàng, được dạy mỉm cười dù gặp khó khăn không phải để khuyến khích chính mình, mà vì muốn tránh không để nỗi lo âu của mình lan sang người khác ? Chỗ nào bạn cũng thấy cái đẹp, và con người nơi ấy thì rất dịu dàng mà có ý chí sắt đá.

Chúng ta đều thấy tác động trực tiếp của mỹ lệ lên tâm thần, nó làm con người tỉnh táo lại, tươi tắn hơn, làm chúng ta được thánh thiện hơn. Tác dụng này có thể nằm trong cái đẹp của thiên nhiên hay trong sáng tạo của con người, trong cảnh trời chiều, đường nét của rặng núi, cánh đồng hay khu vườn, trong nhạc, họa, thơ, nét mặt, hình thể, cử động thân hình, trong cái nhỏ cũng như cái lớn, nghĩa là bất cứ nơi nào ta thấy sự sống biểu lộ. Khi đáp ứng với nó ta được thánh thiện trở lại, trở nên trọn vẹn, hòa hợp với tất cả, có được năng lực mới và biểu lộ tất cả khả năng của mình.

Nghệ sĩ cảm nhận được điều này nên có khi chọn những vật dụng hay hình ảnh hằng ngày hết sức giản dị, khiêm nhường làm đề tài sáng tạo, vì chúng nói lên sức sống, tâm tình của người xử dụng, đó có thể là một bức vẽ đôi guốc vẹt góc, tróc sơn, ngụ ý những đoạn đường mà guốc đã đi qua, hay hình chụp gương mặt nhăn nheo của cụ già chứa chan biết bao tình ý, kinh nghiệm của đời người. Bạn có thể làm một thí nghiệm nhỏ để cảm biết mỹ lệ, mãnh lực của nó và nỗi hoan lạc nó mang lạị, hãy ngẫu nhiên cầm lấy một vật nhỏ để lên bàn, nó có thể là hòn cuộị, cái lá, mẫu dây hay tờ giấy vo tròn.

Thí dụ là cái lá thì hãy nhìn ngắm bìa lá một lát. Hãy chú tâm đến nó hoàn toàn, không suy nghĩ hay so sánh hay liên tưởng đến gì khác có liên hệ đến lá, mà chỉ nhìn nó một cách thư thái. Bạn sẽ ý thức được cái đẹp của bìa lá, sự bình an, uy lực, nét thánh thiện của toàn sự việc. Hoặc bạn có thể làm với âm thanh như khẩy một nốt đàn và lắng nghe cả tâm tư. Đó là yoga về mẫu tự của sự sống  và từ những mẫu tự này nó dẫn tới thành chữ, thành câu, đoạn, chương và sách về sự sống.

Mỹ lệ làm tăng cường khả năng của người một cách tự nhiên, thêm sức sống cho thân xác lẫn tâm hồn, trí não làm ta sinh động trở lại. Ta có diễn biến sau: việc xử dụng ý chí một cách vô thức hay hữu thức để biểu lộ tài nghệ dẫn tới mỹ lệ trong hình thể thí dụ như ngựa tung vó hay một phẩm vật đẹp đẽ, và việc ngắm nhìn mỹ lệ dù ở thể tĩnh hay thể động làm tái sinh động con người.

Đoạn trên nói chân ngựa đẹp nhờ quen chạy, thì khi ngắm nhìn bàn tay khéo léo của bà mẹ lo việc bếp núc, tay của nhà điêu khắc thành thạo cầm dụng cụ tạc tượng, bạn sẽ thấy đó là những bàn tay đẹp đẽ nhất. Thế thì ở bất cứ nơi nào hành động tuyệt khéo kèm với sự quân bình đúng đắn, sinh ra mỹ lệ trong hình thể, và đó là chu trình mà nguyên lý dharma (thiên trách) đặt ra, khi làm việc với vật chất.

ERNEST WOOD

(The Seven Rays)

Xem Mỹ Lệ 2 & Mỹ Lệ 3