MỸ LỆ 2

Mỹ Lệ  2

 

 

Trong bảy cung, cung thứ tư mang đặc tính hòa hợp  và có nét nổi bật là mỹ lệ, tuy vậy điều này không muốn nói rằng các nghệ sĩ thường thuộc về cung thứ tư trong kiếp hiện tại, mà là cung nào cũng có nghệ sĩ trong đó. Giống như khứu giác là tính trọng yếu của loài vật, thì việc ‘đánh hơi', tìm kiếm theo nghĩa bí truyền là điểm chính của cung bốn. Ở đây là đi tìm mỹ lệ và nghệ sĩ hay nói đến nguồn hứng khởi, mạch sáng tạọ, gặp nàng Thơ là theo nghĩa đó. Cung bốn là cung nổi bật của ai đi tìm, đi kiếm, những ai phản ảnh mỹ lệ một cách tinh tế. Do Thái là sắc dân có liên hệ gần với cung bốn và giống dân chính thứ tư, vì vậy mà vào lúc này về mặt nghệ thuật trên thế giới họ nổi bật với các nhạc sĩ tài ba, nhạc trưởng lừng danh, nhà ngữ học, đạo diễn ..v..v. Câu chuyện người Do Thái tản mác lưu lạc khắp bốn phương trời, lang thang tìm tòi bao năm là biểu tượng cho sự khó nhọc của việc tìm kiếm mỹ lệ, hứng khởi.

Mỹ lệ là tính chất của chân lý, và điều gì càng gần chân lý chừng nào thì càng đẹp đẽ thêm chừng ấy. Ai đã cảm nhận phần thiêng liêng, vẻ mỹ lệ thực sự thì thấy có thúc giục làm cho cuộc sống được đẹp đẽ hơn, để gần thêm với chân lý mà họ biết. Ta có thể nói rằng thiên tính được che dấu trong muôn hình vạn trạng với vô số tiểu tiết, và khi người ta nhận ra nét đơn giản của hình thể thì thấy được vẻ mỹ lệ mới hơn, cảm nhận được chân lý nhìều thêm và hiểu được ý nghĩa và mục tiêu của vạn vật mà Thượng đế tạo dựng từ xưa tới nay.

Con đường của nghệ sĩ.

Ý thức về mỹ lệ còn làm người ta đến gần hơn với thực tại thiêng liêng, đây là điều ít được nhắc tới dù rằng khả năng cảm nhận này ẩn tàng trong mọi người. Ai trong chúng ta cũng đều có kinh nghịệm là một lúc nào đó ta bất chợt có được hứng khởi, trong phút chốc bắt được vẻ rực rỡ của chuyện siêu phàm, trí não bừng sáng điều thiêng liêng, thấy được màu sắc, âm điệu cõi trời mà lời nói bất lực không sao diễn tả, sự sống trong phút ngắn ngủi ấy được thấy đúng như nó là, nhưng tích tắc sau thì viễn ảnh tan biến, màu sắc mờ nhạt dần và sự nồng nhiệt giảm đi rồi mất hẳn. Người ta cảm thấy mất mát, tiếc nuối mà cùng lúc tin tưởng mạnh mẽ vào điều đã cảm thấy, cùng ước muốn diễn tả ở cõi trần cái mà họ được tiếp xúc, cái mà họ chưa hề kinh nghiệm trước đây.

Họ bị thúc giục đi tìm lại cái đã thấy mà nay dường như biến mất rút khỏi tâm thức của họ, khám phá trở lại cho ai không có được phút giây thần diệu mặc khải ấy, họ phải diễn tả điều này bằng hình thức nào đó và trưng ra cho người khác biết cái ý nghĩa đằng sau hiện tượng. Làm sao họ làm được điều ấy ? Họ cần biết rằng cái đã thấy và chạm vào thì vẫn còn đó và là thực tại, và họ mới là người rút lui mà không phải viễn ảnh. Người ta sẽ phải trải qua và sống lại nỗi đau đớn sâu xa của những mất mát này, trở tới trở lui cho tới khi cơ chế tiếp xúc quen với làn rung động cao, và không những chỉ cảm biết mà còn có thể tiếp xúc theo ý, và ở lại được lâu trong thế giới huyền diệu mỹ lệ đó.

Việc tập luyện khả năng vào được cảnh giới cao, trụ ở nơi ấy và truyền đạt lại tùy thuộc vào ba điều:

* Có sẵn lòng chịu nỗi đau đớn khi thấy được viễn ảnh rồi mất đi.
* Có khả năng giữ được tâm thức lâu ở cảnh giới thấy được viễn ảnh.
* Dùng óc tưởng tượng biểu lộ mỹ lệ cảm biết bằng con mắt tinh thần thành hình ảnh bên ngoài.

Nói tóm tắt thì đó là khả năng mà nghệ sĩ sáng tạo cần phát triển:

* Sức chịu đựng.
* Tham thiền.
* Óc tưởng tượng.

Kết quả của nỗ lực sáng tạo nghệ thuật sẽ thành hình trong các địa hạt mỹ thuật tùy theo cung của nghệ sĩ, cung nào cũng có nghệ sĩ và không cung nào cho ra con số nghệ sĩ nhiều hơn cung khác. Thể trí của mỗi người vào lúc này hay lúc kia sẽ thuộc về cung bốn, đây là chuyện thường xảy ra vào lúc con người tiến hóa được ít nhiều. Khi có liên kết giữa thể và cung như vậy thì hoạt động sáng tạo, hoạt động nghệ thuật là chuyện dễ làm nhất đối với trí não, và con người có khuynh hướng về mỹ thuật, hay có thiên tài về mặt sáng tạo một ngành nào đó. Nếu lúc ấy cung của linh hồn hay của phàm ngã cũng là cung bốn thì thế giới có thiên tài như Leonardo da Vinci hay Shakespeare.

Chân nghệ thuật sáng tạo có được khi linh hồn điều khiển được con người dưới thế, do vậy việc đầu tiên của nghệ sĩ là liên hợp phần tâm linh với cuộc sống cõi trần, tham thiền và chú tâm vào thế giới của ý nghĩa sự vật (thay vì thế giới hiện tượng). Tiếp theo điều này là nỗ lực biểu lộ thiên ý qua hình thức tương xứng tùy theo khả năng bẩm sinh và cung của nghệ sĩ trong ngành nghệ thuật mà họ chọn, cũng như là ngành thích hợp nhất với họ. Song song với gắng công về mặt tâm linh ở trên thì nghệ sĩ cũng trau luyện trí não, sự khéo léo của đôi tay, giọng nói tùy theo ngành để qua đó hứng khởi tuôn tràn, có được biểu lộ đúng đắn và thể hiện chính xác bên ngoài cái thực tại bên trong.

Thất bại trong nghệ thuật.

Muốn việc tập luyện được thành công thì phải có kỷ luật chặt chẽ và đây là điểm mà nhiều nghệ sĩ thất bại, vì các nguyên do khác nhau, hoặc sợ rằng dùng nhiều trí tuệ sẽ làm bớt hứng khởi, hoăc tin là nghệ thuật sáng tạo thì phải có tính hồn nhiên thay vì có sự xếp đặt của lý trí, và trên hết thảy nghệ thuật phải nặng tình cảm với trực giác, không thể để cho việc huấn luyện trí não giới hạn, kềm chế óc sáng tạo.

Những quan niệm đó dựa trên tính trì trệ muốn sáng tạo theo đường lối ít trở ngại nhất, cùng không muốn tìm hiểu cách thức mà hứng khởi đến với tâm trí, cách thể hiện ra ngoài viễn ảnh bắt được, hay kỹ thuật  của hoạt động tâm thức như tham thiền, chú tâm. Nghệ sĩ chỉ làm theo thúc đẩy trong lòng, và đây là kết quả của việc phát triển không đồng đều, thiếu quân bằng. Sự kiện là sau nhiều kiếp chuyên tâm mãnh liệt hay chuyên biệt về điều gì, tới một lúc con người bắt được hình ảnh, hứng khởi về một mặt nào đó, nhưng không có khả năng cảm nhận phần tâm linh.

Nghệ sĩ bắt được hình ảnh, hứng khởi do trong nhiều kiếp họ chịu ảnh hưởng của một cung đặc biệt của phàm ngã. Lý do khác của thất bại là lòng cao ngạo và tham vọng của nhiều nghệ sĩ, họ có tiềm năng xuất sắc trong một ngành riêng biệt, trội hơn hẳn người bình thường nhưng lại không có khả năng sống đời tinh thần, cũng như nét xuất sắc của họ chỉ có một chiều là cái tôi bành trướng, và không có lắng nghe tâm linh. Chuyện thường thấy trong đời nghệ sĩ như vậy là thiếu kỷ luật bản thân, thiếu kiểm soát mà cùng lúc có những nét rực sáng của thiên tài, có thành đạt kỳ lạ trong ngành nghệ thuật mà họ chọn, và đời họ thì nghịch lại với điều thiêng liêng biểu lộ qua nghệ thuật.

Một ngày kia trong tương lai, khoa tâm lý sẽ giải thích được ý nghĩa và kỹ thuật của thiên tài. Thiên tài luôn là sự biểu lộ của linh hồn qua hoạt động sáng tạọ, để làm tỏ lộ thế giới của ý nghĩa, của thiên tính và mỹ lệ mà thế giới hiện tượng thường che phủ. Mỹ lệ này mai kia sẽ cho ra chân lý.

Muốn cảm nhận mỹ lệ và diễn tả nó thì người ta cần phát triển trực giác và trí năng, và không thể nói rằng chỉ cần hứng khởi, cảm xúc là đủ. Trí tuệ cần cho khả năng cảm biết mỹ lệ, vì cái trí nhấn mạnh đến hình thể và việc tạo dựng hình thể có mỹ thuật, trưng ra mỹ lệ. Ngược lại trực giác là nhận thức vô hình, dùng trí tuệ mà đồng thời đảo ngược lạị nó, tức ý tưởng bắt được nhờ trực giác nay phải biểu lộ thành lời, hình dạng, cụ thể hóa ý tưởng. Việc tạo hình và hình thể đều có tính thiêng liêng trong đó, và mỹ lệ là thiên tính được biểu lộ tới mức có thể được trong bất cứ một hình thể nào. Hình thể và sự sống là một, vật không có gì khác hơn là sự sống đang biểu lộ tức thực tại thiêng liêng, và ai có khả năng cảm biết, nhận ra thực tại ấy rồi biểu lộ bằng mỹ thuật thì ta gọi là nghệ sĩ, mà con người còn có thể biểu lộ nhận thức này bằng những họạt động khác.

Ta cũng phân biệt hai đường lối diễn tả mỹ lệ và tính chất của chúng, giống như trí tuệ có trí cụ thể và trừu tượng thì cách biểu lộ mỹ lệ cũng vậy. Nghệ thuật có thể đưa ra ý niệm chung về mỹ lệ, màu sắc và hứng khởi có tính thần bí (mystic), tác phẩm vì vậy tạo hình thể cho ý tưởng, khoác cho ý tưởng một hình thể mà làm vậy cũng là che dấu ý tưởng ấy. Rồi nghệ thuật cũng có thể mang tính huyền bí (occult), dùng mỹ lệ, màu sắc và hứng khởi theo một nghĩa khác để tạo hình thể cho ý tưởng, cũng khoác cho ý tưởng một hình thể nhưng làm biểu lộ ý tưởng.

Mỹ lệ thần bí thì dùng mỹ lệ để che dấu lý tưởng, mỹ lệ huyền bí thì dùng mỹ lệ để trưng ra lý tưởng. Hứng khởi thường mang đặc tính thần bí như khi ta chiêm nghiệm các hình tượng của Ấn giáo, tranh của Phật giáo Tây tạng, còn sự khải thị mang tính huyền bí thì như tượng đầu của đức Phật mắt hơi khép, nụ cười nhẹ mà chứa chất bao điều cho ai biết ngắm. Hai đường lối và tính chất này không đối chọi mà bổ túc cho nhau, và mọi thành quả vĩ đại là sự tổng hợp của hai điều.

Công việc của nghệ sĩ là hòa hợp, pha trộn với nhau, hòa lẫn vào nhau nét mỹ lệ bên ngoài và cái thực tại đẹp đẽ bên trong, nghệ sĩ nhờ trực giác thấy được thực tại này và có bổn phận trong đời là diễn giải. Họ phải tự huấn luyện mình thành người diễn giải mỹ lệ và thực tại thiêng liêng ấy.

Tạo đời sống thẩm mỹ.

Đó là về mỹ lệ, nay về các mỹ nghệ phẩm, những tác phẩm mỹ thuật thì cần được bảo trì vì mỹ lệ như đã nói là một tính chất của thiêng liêng, của Thượng đế. Các đền đài tuyệt mỹ, thánh đường nguy nga làm nâng cao tâm thức và đó là ý nghĩa thực sự của nghệ thuật ở đây là kiến trúc, vì người ta nâng tâm hồn lên cao nhờ vào mỹ lệ. Trong đời sống thường nhật ta thực hiện điều này bằng cách có những mỹ vật trong nhà chung quanh ta để thưởng lãm, mà không bị ràng buộc vào chúng. Về tính ràng buộc vào vật thì chuyện xưa đẹp đẽ kể rằng đức Phật có hai đệ tử, một là phú hộ và một là người bậc trung lưu. Ngài dạy người đệ tử bậc trung lưu hãy cho hết tiền của mà anh có, còn với người đệ tử phú hộ thì Phật dạy hãy tiếp tục như bình thường. Sau đó người đệ tử trung lưu đến bạch Phật rằng:
- ‘Con đã cho hết tất cả tài sản trong nhà, còn anh phú hộ không phân phát một đồng nào của ảnh.’ Đức Phật đáp:
- ‘Đúng vậy, nhưng con vẫn bị ràng buộc vào tài sản của con, vì con còn nhắc tới chúng.’
Người đệ tử phú hộ tuy không phân phát tiền của nhưng anh không hề ràng buộc vào một điều gì.

Trở lại với mỹ lệ thì William Morris, một nghệ sĩ tài ba trong nhiều bộ môn như vẽ kiểu đồ gốm, vải vóc, dệt thảm rất nổi tiếng của Anh hồi cuối thế kỷ 19, yêu thích mỹ lệ tới mức nói rằng ta không nên có những gì không có tính mỹ thuật trong nhà, ngay cả những vật tầm thường dùng cho chuyện hằng ngày trong nhà cũng nên chế tạo để có nét mỹ lệ. Khi sống trong thế giới mỹ lệ, tâm thức được nâng cao vào cõi tinh thần thay vì giữ ở mức tầm thường của cái tôi. Xem một bức tranh đẹp, lắng nghe một bản nhạc hay, đọc một bài thơ đầy tình ý, tất cả mang ta vào một cảnh sống đầy mỹ lệ, làm như có phép màu  xảy ra vì đột nhiên tâm hồn ta bay bổng vút cao vào cõi vô tận.

Thế thì một trong những điều quan trọng nhất trên đời là sống trong mỹ lệ, biết nhậy cảm với cái đẹp. Nó không phải chỉ là vật mỹ thuật mà còn là diện mạọ, tâm tính, lời nói, cử chỉ, vì trong mỹ lệ có chân lý và khi biểu lộ mỹ lệ thì ta tiến đến gần Thượng đế hơn. Về mặt thực tế, vật trong nhà nên có phẩm chất tốt, đường nét xinh đẹp, màu sắc hài hòa tươi vui, thanh nhã. Người ta cũng nên sưu tầm mỹ vật, tác phẩm nghệ thuật vì đó là một cách để biết và thưởng thức mỹ lệ, và không nhất thiết phải giàu có mới làm được vậy, chỉ cần óc thông minh, phân biện biết nhận xét, kiên trì và lòng yêu thích cái đẹp.

Mỗi bức họa ta ngắm ở viện bảo tàng, một khúc nhạc ta thưởng thức, câu thơ điệu hát rót vào tai đều là kinh nghiệm tinh thần hết sức đẹp đẽ, khi nhậy cảm với cái đẹp thì ta thấy được sự thực trong câu nói sau: ‘Tất cả chung quanh ta là ánh sáng, mỹ lệ, hoan lạc vượt quá sức mơ tưởng của người, và chúng ta chỉ cần vươn ra bắt lấy là chúng trở thành con người của ta.’

Có câu nói rằng ‘Mỹ lệ sẽ cứu chuộc thế giới', vì mỹ lệ có sức chuyển hóa làm con người đẹp đẽ hơn, thí dụ rõ rệt thì như câu chuyện thuật là có một du khách tại Venice sau khi ngắm cảnh mỏi chân, bèn ngồi nghỉ ở bậc thềm của giáo đường nổi tiếng vì kiến trúc tuyệt mỹ. Khi ấy một xe bus chở đầy du khách tới và thả xuống trước vương cung thánh đường. Đây là những du khách thiếu tế nhị khi ra ngoại quốc, ăn nói oang oang ồn ào, kêu nhau ơi ới lúc xuống xe, hành vi thô lỗ, mặc quần short, đội mũ ngược vành ra sau, nhưng khi tất cả đứng trước bãi cỏ và nhìn ngắm thánh đường, gương mặt họ biến đổi hẳn có đường nét mềm mại hơn, đẹp đẽ hơn, hóa ra linh hoạt, sáng láng, mắt trong trẻo rực lên một niềm vui. Mỹ lệ vì vậy là phương tiện làm được nhiều điều hơn là những phương tiện khác, người ta có thể đọc sách, nghe thuyết giảng cả tiếng mà không hiệu quả mấy, nhưng mỹ lệ không cần lời và đi thẳng vào tim, nâng trọn con người lên cao. Những du khách nói trên thay đổi nhờ ngắm nhìn mỹ lệ, và họ trở thành con người mới khi cảm biết, bước vào tác phẩm mỹ thuật là vương cung thánh đường.

Trước khi chấm dứt có lẽ nên nói đôi chút về nghệ thuật trong tương lai, nó sẽ là đáp ứng tinh tế với ý tưởng. Trong quá khứ nghệ thuật phần lớn diễn tả sự hiểu biết của con người về mỹ lệ thấy trong thế giới hiện tượng, như cảnh vật đẹp đẽ ngoài thiên nhiên hay nét đẹp của thân người. Nghệ thuật ngày nay là nỗ lực còn vụng dạị muốn diễn tả thế giới tình cảm, tâm lý và những cảm xúc mà đại đa số người phát ra. Lắm khi đó là hình quái dị, màu sắc tối đậm do họa sĩ bắt lấy tâm tình nặng nề ở cõi thấp mà con người phát ra và có đầy ở nơi ấy. So sánh thì vào lúc này văn chương là ngành diễn tả nghệ thuật khá nhất, tiếp theo đó thì âm nhạc sẽ là ngành đi sát với chân lý hơn, và biểu lộ mỹ lệ nhiều hơn các ngành nghệ thuật khác. Sau đó nữa là hội họạ và điêu khắc, và khi tân kỷ nguyên vững vàng thì ta có nghệ thuật mang tính chất diễn tả ý tưởng một cách sáng tạo. Nếu để ý nhận xét vừa nói thì ta thấy có sự tương ứng giữa tiến hóa về tâm thức với tiến hóa về nghệ thuật, được thấy trong sáng tác mỹ thuật của ngàn năm qua, nhất là về hội hoạ:

– Giai đoạn thiên về thể chất thì nghệ thuật nặng phần mô tả hiện tượng.
– Giai đọạn thiên về tình cảm thì nghệ thuật mô tả tình cảm.
– Giai đoạn có sự phát triển lý trí mạnh mẽ thì nghệ thuật mô tả ý tưởng.

Đây cũng là sự lập lại cuộc tiến hóa của nhân loại qua các giống dân chính ba, tư, năm, cho thấy cách hoạt động của luật chu kỳ ở mức độ nhỏ hơn.

 

Sách tham khảo:

- Talk does not cook the rice, vol. 1 & 2
- Discipleship in the New Age, vol. 1 by Alice A. Bailey
- Esoteric Psychology, vol. 1 & 2