THƯ CHO ÔNG SINNETT #1

The Mahatma Letters
to A.P. Sinnett  (tt)

 (PST 60)

Thư 1, ngày nhận phỏng chừng: 17 - 10, 1880.

Bối cảnh:

HPB và ông Olcott ở tại Simla, là khách tại nhà ông bà Sinnett. Simla cách New Dehli khoảng 320 km về hướng đông bắc, ở cao độ gần 2.500 m, nằm dưới chân dãy Himalaya. Nhiều nhân vật người Anh tại Ấn có địa vị lên đây ngụ để qua mùa hè oi bức dưới đồng bằng, và vị Phó vương thưở ấy của Anh mỗi năm thường cùng nhân viên dời từ Calcutta tới Simla làm việc mấy tháng trong năm cũng để tránh nóng.
Vào đầu tháng 10, HPB thực hiện nhiều hiện tượng tại đây cho ông bà Sinnett chủ nhà và các thân hữu khác. Bà luôn nói Chân sư mới là vị sinh ra hiện tượng còn bà chỉ là người trung gian, thế nên ông Sinnett muốn liên lạc với các ngài và HPB bằng lòng  giúp ông việc ấy. Trong quyển The Occult World, ông Sinnett cho biết ông viết gì trong thư đầu tiên này và tại sao ông viết nó. Dù tin đây là những hiện tượng đúng thực, ông cho rằng không phải hiện tượng nào cũng có những phòng bị cần thiết, và ai hoài nghi cố công bắt bẻ sẽ dễ khiến người ta nghi ngờ tính chân thật của chúng. Ông rất hăm hở muốn có một hiện tượng được làm ra mà không ai có thể có nghi ngờ là giả mạo, ông tự hỏi tại sao các bậc 'Huynh trưởng' không nghĩ đến việc cần phải sao cho không một chi tiết nhỏ nhặt nào của hiện tượng có thể bị  công kích.
Thế nên ông quyết định là trong thư đầu gửi các Chân sư, ông sẽ đề nghị một thử nghiệm mà ông tin là sẽ hoàn toàn kín như bưng không có một khe hở nào có thể bị nghi ngờ, và chắc chắn sẽ thuyết phục được ai hoài nghi nhất. Ấy là việc tạo ra ở Simla (trước sự hiện diện của một nhóm người ở đó) ấn bản cùng ngày của tờ Times xuất bản tại London, và ở London tờ The Pioneer tại Ấn.
Vào lúc ấy, ngoài cách dùng điện tín, việc liên lạc giữa London và Ấn Độ mất ít nhất một tháng nên hiển nhiên không sao có thể gửi điện tín trọn nội dung tờ Times  đến London trước khi nó được xuất bản ở London, và khiến báo được in tại Ấn cùng lúc như tại Anh. Kế nữa, người ta không thể dấu nhẹm không cho ai biết khi làm việc ấy bằng cách thức thông thường.
Sau khi đã viết thư và đưa cho HPB, khoảng một hay hai ngày sau bà cho ông biết là sẽ có thư trả lời. Tin này làm ông phấn khởi nên viết ngay một thư thứ hai, nghĩ rằng có thể ông đã không nhấn mạnh đủ trong thư đầu để thuyết phục được các ngài. Vài ngày nữa trôi qua, một buổi tối ông thấy trên bàn giấy  bức thư đầu tiên của Chân sư KH. Thư trả lời cả hai bức thư của ông. Ta không có chi tiết nào ghi về cách thư đến tay ông mà không qua một trung gian .
Vào lúc viết thư này, đức KH có mặt tại tu viện Toling ở Tây Tạng, có vẻ như ngài đi từ thị trấn Shigatse đến một nơi ở phía tây bắc Kashmir. Toling ở gần thành phố Gangotri của Tây Tạng, gần như là đối diện với Simla ngang qua dãy Himalaya.

Ghi Chú.
– Thư vào đề ngay không rào đón, giải thích tại sao không thể làm được hiện tượng mà ông Sinnett đề nghị.
– 'Vril', chữ này trong thư được lấy từ chữ trong chuyện tên The Coming Race của Bulwer-Lytton, có thể được coi như truyện khoa học giả tưởng, nói về tương lai của điện lực.
– Trong thư có một chi tiết được đề cập như là chuyện giản dị không có gì đáng nói, nhưng nó cho thấy khả năng phi thường của người hiểu biết huyền bí học. Thư ghi '... Tôi chăm chú lắng nghe cuộc chuyện trò tại nhà ông Hume ... ', trong khi ông Hume ở tại Simla và Chân sư ở tại Tây Tạng. Về sau, ta sẽ đọc một thư khác cũng có chi tiết tương tự về khả năng này.
Người ta tin rằng thư này được Chân sư đọc cho đệ tử của ngài là đức Djiwal Khul (DK) – khi ấy còn nhỏ tuổi – và được đức DK kết tụ (precipitate) lên giấy. Thư ký tên Koot Hoomi Lal Singh, nhưng chỉ sau vài thư được ký giản dị là Koot Hoomi hay KH.  Về sau trong một thư khác, ngài nói phớt qua rằng tên Lal Singh có lẽ do đức DK đặt ra như là tên hiệu nom de plume cho thầy của mình.
Lần lượt ta sẽ đề cập những điểm đáng nói trong thư.

– Ông Sinnett, giống như ai khác, hiếu kỳ với việc sinh ra hiện tượng nhưng thư bác bỏ đề nghị của ông với lý do là thế giới chưa sẵn sàng để chấp nhận lời giải thích về hiện tượng. Thứ nhất là khoa học không thể giải thích được sự việc theo hiểu biết đương thời (vào lúc đó 1881 và luôn cả ngày nay 2010), và thứ hai là khối đông quần chúng vẫn xem hiện tượng như là phép lạ thay vì là sự kiện tuân theo các luật (ẩn tàng) trong thiên nhiên. Đề nghị được nêu lên với thiện ý, nhưng thư trả lời đưa ra những hệ quả có thể có và thẩy đều bất lợi; giả dụ quần chúng không tin thì điều này gây ảnh hưởng tai hại cho uy tín của ông là người nêu ý tưởng, còn nếu họ tin thì quần chúng có thể cho rằng hiện tượng do các thế lực hắc ám gây nên, và phản ứng của họ đối với ông Sinnett sẽ có thể làm ông thiệt mạng, vì dân gian vô minh thường có sẵn lòng kinh sợ với thế lực như vậy.

Năng lực chính tạo nên các hiện tượng được kinh sách cổ gọi là Akas hay Akasha, và khi không có hiểu biết trọn vẹn về điều này, tính chất của nó, thì làm sao khoa học có thể mong giải thích được hiện tượng ? Nói về bản tính con người, thư phân tích là giả dụ thí nghiệm như ông Sinnett đề nghị được thành công thì sẽ có đòi hỏi thêm những thử nghiệm khác, cái sau phải tuyệt vời hơn cái trước nó. Chẳng những vậy, cho rằng ai thấy hiện tượng thì sẽ tin, vậy ai không có mặt tại chỗ và không thấy thì sao ? Liệu ta sẽ thành công nếu dành cả đời để thỏa mãn yêu cầu của trọn những ai hoài nghi trên thế giới ?
Trong thư, ông Sinnett phản ảnh tâm tình của nhiều người qua lời trách móc là các chân sư đã che dấu quá kỹ về các quyền năng. Về điều này, thư giải thích ấy là bởi các ngài do kinh nghiệm nhiều thế kỷ dài đã biết đôi điều về bản tánh con người, và hiểu rằng khi trong tâm tưởng khối đông dân chúng còn dấu vết của giáo điều thì người ta chỉ thắng được thành kiến từng bước một mà không thể ào ạt thắng nó ngay. Thí dụ đưa ra là khoa học bác bỏ thuyết trái đất quay quanh mặt trời của Copernicus, và giáo hội kết án nhà thiên văn học Galileo vì đã cổ võ cho thuyết này. Từ ngàn xưa những ai có viễn kiến về tương lai đã bị bách hại, nghi ngờ, và lịch sử cho thấy có nhiều người như thế mà điển hình là Socrates, Paracelsus. Việc giữ kín những hiểu biết bí truyền còn một lý do khác thực tế, chúng là vũ khí lợi hại nếu được mang ra sử dụng trong dân gian, và sẽ gây vong mạng nếu lọt vào tay kẻ ác và ích kỷ.
Bởi ông Hume cũng viết thư ngỏ ý muốn được liên lạc với các ngài, trong thư này cho ông Sinnett đức KH đề cập sơ qua thư của ông Hume. Biện luận trong thư của ông được xem là hoàn toàn hợp lý theo hiểu biết của người đời, nhưng khi ngày giờ tới và ông được cho nhìn thấy suốt thế giới bí truyền với những luật dựa trên các phép tính toán học chính xác về tương lai – và sinh ra hệ quả từ những căn nguyên con người tự do tạo nên nhưng không thể kiểm soát được hệ quả này – khi ấy, cả hai ông Sinnett và Hume sẽ hiểu tại sao với ai chưa hiểu biết, hành động của các ngài đôi lúc thấy như là không khôn ngoan, và ngay cả dại dột.

– Những gì trong thư nói về hiện tượng vẫn còn đầy đủ ý nghĩa ngày nay.
● Hiện tượng được tạo ra không phải như là phép lạ hiểu theo dân gian, mà nó tuân theo các luật trong thiên nhiên.
● Có tái xác nhận sự kiện là các đấng cao cả làm việc tuân theo những luật và phương cách thiên nhiên mà không phải siêu nhiên. Nói khác đi, hành động của các ngài giải thích được theo luật, luật chi phối chúng và như vậy hàm ý những ai mong muốn được tiến đến gần các ngài cũng phải hành xử theo cùng cách.
● Một trong những luật này là luật Nhân Quả, hàm ý công bằng, tức người ta không mong nhận được hơn điều mà họ xứng đáng có được. Ý này sẽ được khai triển thêm về sau.

Tới đây, các sách thường đi tiếp sang thư 2 gửi cho ông Sinnett, nhưng ta sẽ làm khác đi một chút là đọc thư 1 gửi cho ông Hume,  nhận được cũng trong khoảng thời gian này. Nguyên do của thư là ông Hume đọc thư đầu tiên mà ông Sinnett nhận được và hết sức thích thú, nên cũng muốn được liên lạc với các ngài. Ông liền viết một thư cho đức KH mà thư trả lời được ghi trong quyển ML töø trang 469.
Chúng ta ghi nhận được rất nhiều điều trong thư nếu đọc kỹ:

1.  Tính chất công bằng, tương xứng của hành động, hay nói khác đi tác động vô tư của luật nhân quả trong thiên nhiên được đề cập dưới nhiều hình thức trong thư. Sau đây là hai đoạn trích ra đã được dùng làm đề tài tham thiền trong quyển 'Chân Lý Hằng Ngày':
– (Ngày 29/11).  Dù dư khả năng, chúng tôi cũng chỉ có thể hứa giúp tương đương với sự xứng đáng của bạn. (Ngày 30/11) Bạn hãy tỏ ra xứng đáng nhiều, chúng tôi sẽ đền đáp lớn lao. Khi ít xứng đáng hơn, bạn chỉ có thể ngóng chờ một sự hồi đáp nhỏ mà thôi.
Hai ý tưởng này được cho biết là nguyên tắc của Thiên Đoàn, không thể được vi phạm.

Sự công bằng này hàm ý một điều khác là không có đặc ân trong đời sống tinh thần.

2. Điểm khác cũng rất đáng nói là lời khẳng định:
– Chúng tôi không thuận 'hướng dẫn' bạn.
Nó muốn nói ta cần tích cực, tự mình tiến bước thay vì thụ động chờ được dẫn dắt. Đây cũng là một luật khác trong thiên nhiên là con người phát triển bằng nỗ lực của chính mình, do công trạng mà họ tạo ra; tuy nhiên trong thư nó còn có ý  là có sự khác biệt lớn lao giữa cung cách suy nghĩ và hành động của người tây phương có tinh thần khoa học vật chất, và các chân sư hoạt động theo các luật tinh thần.

3. Đó đây trong các thư, thỉnh thoảng chúng ta được nghe giải thích những điều thú vị về huyền bí học mà khi ghi nhớ, nhiều hiện tượng và những điều nói tới về sau trong sách trở nên dễ hiểu. Thư này cho chi tiết:
– Vị Chân sư không tạo vật gì mới lạ, mà chỉ dùng và sử dụng vật liệu có sẵn trong thiên nhiên chung quanh ngài, vật liệu này đã trải qua hết mọi hình thể trong vô lượng thời gian. Ngài chọn vật gì mình muốn có và đem nó trở ra thành hình trong cõi vật thể.

4. Một câu hỏi thường được nêu ra và gây nhiều tranh cãi vì người ta không đồng ý về câu trả lời, đó là nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật ? Nay thư cho chúng ta giải thích để tự chọn câu trả lời thích hợp.
– 'Bạn nói rằng không có mấy ngành khoa học mà bạn không có hiểu biết ít hay nhiều, và bạn tin rằng mình làm được việc thiện nhờ học hỏi lâu năm. Không có gì để ngờ việc ấy, nhưng xin bạn cho phép tôi phác họa rõ ràng hơn sự khác biệt giữa khoa học vật thể và khoa siêu hình học. Như bạn biết, các khoa sau không thể nào được kiểm chứng trước một cử tọa gồm nhiều giới khác nhau, và bị khoa học gia Tyndall xếp loại cùng với sự mơ mộng xa vời của thi ca. Mặt khác khoa học thực nghiệm thì lại hiển hiện rõ ràng.
'Đối với chúng tôi, những người nhân ái hèn mọn không tiếng tăm, cả hai khoa học này không có gì đáng lưu ý ngoại trừ tiềm năng cho kết quả đạo đức của chúng có mức độ ra sao, cũng như mức hữu ích của chúng đối với nhân loại. Và khi khoa học hãnh diện đứng cô lập riêng rẽ, còn có gì vô cùng lãnh đạm đối với mọi người và mọi vật, không ràng buộc vào chuyện gì ngoại trừ những đòi hỏi ích kỷ để thăng tiến cho mình, hơn khoa học vật chất của sự kiện ?
'Tôi xin được hỏi là những luật Faraday, Tyndall hay luật khác có liên quan gì với tình nhân ái trong liên hệ trừu tượng của chúng đối với nhân loại như là một khối chung có suy nghĩ ? Chúng quan tâm gì đến Con Người như là một nguyên tử cô lập trong cái khối vĩ đại và hòa hợp này, cho dù đôi khi các luật có hữu dụng thực tế cho họ ?'
Lòng Từ, lòng nhân ái đối với mọi người vì vậy là điều căn bản trong việc làm của các Chân sư và như thế đương nhiên loại bỏ lòng ích kỷ. Tác giả Jinarajadasa có một bài viết sâu sắc về đề tài nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh, nếu thuận tiện xin mời bạn tìm đọc trong các tập sách nhỏ của ông.

Sang phần kế của thư  là diễn giải cụ thể về luật chi phối tư tưởng và việc tạo hình tư tưởng. Sách vở TTH dạy rằng tư tưởng là vật, có sức mạnh hoặc xây dựng hoặc phá hoại của riêng nó, nay thư trình bầy ý tưởng rất tượng hình.
–'... mỗi tư tưởng của người khi được sinh ra và phóng vào thế giới vô hình, trở thành một thực thể chủ động bằng cách liên kết mình, mà chúng ta có thể gọi là hòa nhập, với một tinh linh, là một trong những lực có sự thông minh phần nào trong thiên nhiên. Hình tiếp tục sống như là một thực thể thông minh chủ động, là sinh vật do cái trí sinh ra, dài hay ngắn một thời gian tỷ lệ với sức mạnh trí não ban đầu được dùng để tạo ra nó.
‘Vì vậy, một tư tưởng tốt sẽ sống lâu như một lực thiện, tích cực, và tư tưởng xấu cũng sống như là một hung thần độc ác. Và như thế con người tiếp tục khiến giòng tư tưởng trong khoảng không gian quanh họ có thêm hình ảnh, tạo thành thế giới cho riêng mình, đông đầy các cháu chắt của mơ mộng, ham muốn, khích động và các nỗi đam mê, giòng này sẽ tác động lên bất cứ đầu óc hay tâm hồn nhậy cảm nào tiếp xúc với nó, tỷ lệ theo cường độ động lực của nó. Phật giáo gọi đây là 'Skandha' hay  chủng tử, còn Ấn giáo gọi là 'Karma' hay nghiệp lực.
'Vị Chân sư sử dụng những hình này một cách ý thức, còn người khác tạo ra chúng một cách vô ý thức. Mọi sinh vật trong cuộc sống đều dùng năng lực tạo hình khi sinh hoạt, đó có thể là con ong cái kiến tất bật tới lui, người trí thức nghiền ngẫm bài toán hay con cọp suy tính việc bắt mồi. Tất cả đều lấy mất đi của Thiên nhiên thay vì làm nó phong phú hơn, và tất cả có trách nhiệm về điều này tùy theo mức thông minh của mình.’

– Khoa học thực nghiệm chính xác không can hệ gì tới đạo đức, đức hạnh, lòng nhân ái, thế nên không để yêu cầu được chúng tôi giúp đỡ trừ phi nó hòa với siêu hình học.
Phần thư sau có chi tiết thật thú vị nên xin trích một khúc dài, cho thấy phương cách làm việc của Thiên đoàn đối với hoạt động của con người dưới thế. Trong lịch sử nhân loại nói chung và các nước nói riêng, có những lúc có sự can thiệp của các ngài để ảnh hưởng một  đường lối, một chính sách quan trọng cho vận mạng của một dân tộc hay nền văn minh.
Thư cho ông Hume có đoạn sau:
– Trong số những câu hỏi của bạn, nếu bạn vui lòng thì chúng ta sẽ thảo luận trước tiên thắc mắc liên quan đến điều bạn cho là sự thất bại của Thiên đoàn, 'không để lại một dấu vết nào trong lịch sử thế giới'. Bạn nghĩ rằng các ngài, với lợi điểm khác thường của mình, hẳn phải có thể 'thu hút vào các trường của các ngài một phần đáng kể những đầu óc tài giỏi hơn người thuộc mọi chủng tộc.'
‘Làm sao bạn biết là các ngài không để lại dấu vết nào như thế ? Bạn có biết các ngài đã có nỗ lực gì, những thành công và thất bại nào không ? Bạn có sổ ghi để liệt kê những điều ấy chăng ? Làm sao thế giới của bạn có thể thu thập bằng cớ về việc làm của những vị ... đóng kín những cửa ngỏ nào mà người tò mò muốn cậy ra để đến với các ngài. Điều kiện tiên quyết cho sự thành công của các ngài là các ngài phải không hề bị cản trở hay theo dõi. Các ngài biết mình đã làm gì, trọn những gì mà ai ở ngoài vòng của các ngài có thể nhận biết là kết quả, còn nguyên nhân của chúng bị che khuất không nhìn ra.’

Ta ngưng ở đây một chút để kiểm lại rằng sách vở có ghi lại vài sự việc như vậy, một là vào thời điểm Hoa Kỳ lập quốc. Khi tới lúc ký vào tờ Tuyên Ngôn Độc Lập, các đại biểu của 13 tiểu bang ban đầu chợt ý thức là họ đều có thể bị chính quyền Anh quốc treo cổ về tội phản quốc nếu ký tên, vì vậy có người do dự. Đột nhiên, ở balcon của phòng khóa kín có một người đứng dậy hùng hồn biện luận, bài diễn văn này vẫn còn được lưu lại trong Library of Congress. Ông nói về quyền tự do tín ngưỡng, tự do của đất nước, về độc lập, và khi ông nói xong mọi người phấn khởi chạy ra bàn để ký. Họ quay lại tính cám ơn ông thì khám phá nhân vật đã biến mất. Người gác cửa nói rằng không thấy ai đi vào hay đi ra. Tính ra các đại biểu cần được thúc đẩy vào lúc ấy để ký tên.

Trở lại thư:
‘Để giải thích cho những kết quả này, trong các thời đại khác nhau con người đã cho là có thần linh can thiệp, ơn trên, số mạng, sao này hay sao kia đắc địa hoặc hãm địa. Không hề có một thời điểm nào trước hay trong giai đoạn có lịch sử mà những vị tiền nhân của chúng tôi không uốn nắn các biến cố và 'làm nên lịch sử', sau đó các sự kiện này luôn luôn bị sử gia làm biến dạng để hợp với thành kiến đương thời. 
'Bạn có thật chắc là các nhân vật anh dũng thấy được trong những diễn biến tiếp nhau thường khi không phải là các con rối trong tay các ngài không ? Chúng tôi không hề giả vờ như là mình có thể lôi cuốn được các nước vào cuộc khủng hoảng này hay kia, bất kể khuynh hướng chung của những liên hệ trong vũ trụ. Các chu kỳ phải đi theo vòng của chúng. Các giai đoạn sáng và tối về trí tuệ và đạo đức nối tiếp nhau như ngày theo sau đêm. Những yuga (chu kỳ vũ trụ) lớn và nhỏ phải diễn cho trọn theo trật tự đã được thiết lập cho mọi điều. Và chúng tôi, bị cuốn theo triều nước vĩ đại, chỉ có thể sửa đổi và điều khiển vài giòng nước nhỏ của nó ...
'Bởi phải làm việc với luật bất biến mà chúng tôi là tạo vật của nó, chúng tôi chỉ làm được điều gì có thể làm và tạ ơn Trời. Có những giai đoạn mà 'một phần đáng kể những tâm hồn giác ngộ' được chỉ dạy trong các trường của chúng tôi. Những thời điểm ấy xẩy ra ở Ấn Độ, Ba Tư, Ai Cập, Hy Lạp và Rome. Tuy nhiên, như đã ghi trong thư của tôi cho ông Sinnett, vị Chân sư là tinh hoa của thời đại ngài, và so sánh thì có rất ít vị xuất hiện trong một thế kỷ ...
'Bạn có thể làm sông Hằng hay sông Bramaputra quay ngược trở về nguồn của chúng chăng; hay bạn còn có thể xây đập để khiến nước bị dồn lại không tràn lên hai bên bờ ? Không, nhưng bạn có thể hướng phần nào giòng nước vào các con kinh, và dùng thủy động lực của chúng cho lợi ích của nhân loại. Thế nên chúng tôi không thể ngăn cản thế giới đi theo hướng đã định của nó, nhưng có thể  chuyển hướng phần nào năng lực của nó vào những đường kinh hữu ích. Nếu bạn xem chúng tôi như thần linh thì lời giải thích của tôi sẽ không làm thỏa mãn bạn; còn nếu xem chúng tôi như người thường – có lẽ được khôn ngoan hơn một chút do kết quả học tập đặc biệt – và nó sẽ trả lời được sự phản đối của bạn.'

Phần kế của thư có những tư tưởng đáng chú ý về giáo dục.
– 'Bạn hỏi: Các bạn tôi và tôi có được lợi gì khi học hỏi về những khoa học bí truyền này ? Khi người bản xứ thấy người Anh – và ngay cả vài viên chức cao cấp tại Ấn – quan tâm đến khoa học và triết lý của cổ nhân họ, họ sẽ chịu học chúng một cách cởi mở hơn, và khi họ nhận ra rằng những hiện tượng 'thiêng liêng' thời xưa không phải phép lạ mà là hệ quả có tính khoa học, mê tín sẽ bớt lần. Nhờ đó, điều tệ hại nhất nay đang khống chế và làm trì trệ việc phục sinh văn minh Ấn Độ sẽ theo thời gian biến mất.
‘Khuynh hướng hiện nay của giáo dục là khiến con người có tính duy vật và loại bỏ tính tinh thần (spirituality). Khi có hiểu biết đúng đắn điều cổ nhân họ muốn nói trong văn tự và kinh sách, giáo dục sẽ trở thành điều ân phước, trong khi hiện thời đôi khi nó là điều tai hại ... Thái độ thay đổi này đối với triết lý cổ xưa sẽ gây ảnh hưởng đối với các hoàng thân bản xứ và các nhà hằng tâm hằng sản để mở trường giáo dục sinh viên thành học giả, và các bản thảo chôn vùi từ lâu ngoài tầm tay của người Âu châu, sẽ xuất hiện trở lại, mang theo với chúng chìa khóa giải thích nhiều điều được che dấu trong công chúng từ bao thời đại qua ... Khoa học sẽ được lợi nhiều, nhân loại sẽ được tất cả. Nhờ sự kích thích của Anglo-Indian TS (chi bộ TS mà hai ông Sinnett và Hume dự tính thành lập), theo với thời gian chúng ta có thể  có được một thời đại hoàng kim khác về văn chương Phạn ngữ ...

‘Những nguyên nhân đã làm vật chất hóa tâm trí người Ấn cũng tác động y vậy đối với trọn tư tưởng tây phương. Giáo dục làm thượng tôn chủ nghĩa hoài nghi, mà cầm tù tính tinh thần. Bạn có thể làm điều thiện lớn lao bằng cách giúp để cho các nước tây phương một căn bản vững chắc, hầu tái xây dựng trên đó niềm tin đang sụp đổ của họ. Và điều họ cần là bằng cớ mà chỉ riêng triết lý Á đông mới có để cung ứng. Làm được vậy và bạn sẽ mang lại hạnh phúc cho tâm trí cả ngàn người.
‘Thời đại tin tưởng mù quáng đã hết; nay là thời đại của sự tra cứu. Tra cứu mà chỉ vạch ra lỗi lầm và không khám phá được điều chi để tâm hồn có thể xây dựng trên đó, sẽ chỉ làm công việc đập phá ngẫu tượng. Mà việc ấy, do chính tính hủy hoại của nó, không mang lại điều gì cả; nó chỉ có thể phá bỏ. Nhưng con người không thể mãn ý với sự phủ nhận trơ trụi không có gì thêm. Thuyết Bất Tri (Agnosticism – tin rằng con người không thể biết được điều huyền bí) không gì hơn là sự dừng chân tạm thời. Đây là giây phút để hướng dẫn động lực tái tục chẳng bao lâu sẽ phải tới, và sẽ thúc đẩy thời đại hoặc hướng về thuyết vô thần quá độ hoặc kéo lui nó trở về thái độ sùng tín quá mức ...
‘Kẻ hoài nghi, người Công giáo và phái thông linh học đều mù quáng mà không có ai dẫn dắt họ. Bạn và những bạn hữu đồng sự có thể giúp đưa ra tài liệu về triết lý tôn giáo chung đang cần có cho nhân loại (1); triết lý này không bị sự công kích của khoa học chọc thủng được nó, vì tự triết lý là điều sau cùng của khoa học tuyệt đối, và là tôn giáo xứng với tên của nó vì nó bao gồm sự liên hệ giữa con người vật chất với con người tâm linh, và giữa cả hai với tất cả những gì trên chúng và dưới chúng.
 ‘Điều ấy không đáng với một chút hy sinh sao ? Và nếu, sau khi suy nghĩ bạn quyết định thực hiện việc làm mới mẻ này, hãy cho mọi người biết rằng hội của bạn không phải là hội quán trưng ra phép lạ hoặc lo việc tiệc tùng, không chuyên nghiên cứu về phép lạ (2). Mục đích chính của nó là chấm dứt các điều mê tín dị đoan hiện đang có và chủ nghĩa hoài nghi, và từ núi non lâu đời bị đóng kín có được bằng chứng là con người có thể xếp đặt vận mạng tương lai của mình, và biết chắc rằng mình có thể sống bất tử, chỉ cần họ quyết tâm, và mọi 'hiện tượng' chỉ là sự thể hiện của luật thiên nhiên, và bổn phận của mỗi ai có óc thông minh là gắng hiểu luật. Bạn đã dành nhiều năm trường cho việc làm của mình do thiện tâm xếp đặt và chăm chút thực hiện. Hãy cho đồng loại mình phân nửa sự tận tâm mà bạn dành cho 'các con chim nhỏ' (ông Hume nghiên cứu điểu loại học và có bộ sưu tập chim công phu) của bạn, và rồi bạn sẽ hoàn tất một cuộc đời hữu dụng với việc làm cao quí và to tát.'

Phew ! Thư thật là dài với biết bao ý quí giá cho ta nghiền ngẫm nhiều năm tháng, nếu chú ý ta sẽ nhận ra một số quan điểm trong thư có nối kết với ý tưởng của nhiều thư khác về sau:
(1). Thư hé lộ cho thấy điều mà các Chân sư  nhắm tới khi làm thí nghiệm sáng lập Hội năm 1875.  Nó là vai trò, sứ mạng của Hội mà ta có thể nỗ lực để giúp làm tròn, là quảng bá MTTL.
(2). Đây là lời khuyến cáo cho ông Hume mà nó được đề cập tới một cách xác quyết, mạnh mẽ về sau trong bức Thánh Thư 1881 của đức Mahachohan (mời bạn đọc trên trang web PST). Xin trích lại một đoạn có liên quan đến khuyến cáo này:
'… Chúng tôi không thể mảng lo dạy một thiểu số người Âu châu – phè phỡn với sự sung túc của hoàn cảnh quá ưu đãi – những hiện tượng như tiếng chuông ngân, tách trà hiện hình, sự cách mặt truyền âm và sự cấu tạo huyễn hình, mà lại đành để cho quần chúng vô minh, nghèo nàn, đơn côi, bị bạc đãi, phải tự lo, tự liệu trong kiếp sống này cũng như sau khi chết sao ? Không bao giờ. Thà là Hội Thông Thiên Học mất đi với các sáng lập viên không may của nó, còn hơn là để cho nó trở thành một hàn lâm thần bí hay một huyền linh học viện.
Chúng tôi, là những kẻ chí nguyện phụng sự cái tinh thần nhập thể ấy, cái tình nhân ái triệt để vong kỷ ấy, cái thiêng liêng thánh thiện ấy, cũng như tất cả các mỹ đức cao cả khả dĩ biểu lộ được ở cõi trần này; chúng tôi, là những kẻ phụng sự Đức Hoàn Thiện, vậy đâu có thể có chuyện lạ lùng là để cho Hội Thông Thiên Học đại diện cho hiện thân của ích kỷ, dung túng một thiểu số chưa bao giờ tưởng nghĩ đến quần chúng.'
Hai  điều trên được lập đi lập lại nhiều lần trong các thư cũng như trong sách vở TTH.

(còn tiếp)

 

Xem Thư 2


Tham khảo:
– The Mahama Letters to A.P.Sinnett in Chronological Sequence.
– The Mahatmas and Their Letters, by Geoffrey Barboka
– The Occult World, by A.P.Sinnett
– Talk doesn't Cook the Rice.