THƯ CHO ÔNG SINNETT #2
Thư cho Ông Sinnett (tt)
(PST 61)
Thư 2 – Ngày nhận 19-10-1880.
Thư 1 (PST 60) được cho là do chân sư K.H. viết tại tu viện Toling ở Tây Tạng. Thư 2 dưới đây viết khi ngài đã rời nơi ấy, đang trên đường trong thung lũng Kashmir tới gặp đức Mahachohan (đức Văn Minh) để xin ý kiến về một thư mà ngài nhận được của ông Hume.
Sau khi nhận được thư 1 của Chân sư, ông Sinnett viết đáp lại, nói rằng tâm trí của người tây phương không quá cứng ngắc như ngài đã mô tả; ông đưa ra vài 'điều kiện' mà theo đó ông sẵn lòng làm việc cho công cuộc của các ngài. Ông cũng có đề nghị một việc mà ông và ông Hume đã bàn tính, là thành lập một chi bộ hoàn toàn không bị H.P.B. và ông Olcott chi phối mà trực thuộc với các chân sư, và các ngài chỉ dạy trực tiếp cho hội viên của chi bộ.
Thư Chân sư viết:
Bạn đáng kính,
Chúng ta sẽ có mục tiêu chỏi nghịch nhau trong lúc trao đổi thư từ cho tới khi bạn hiểu rõ là huyền bí học có phương pháp nghiên cứu riêng của nó cũng cố định và ... như các phương pháp khoa học đối nghịch theo cách của chúng. Nếu các phương pháp sau có đòi hỏi của chúng thì cái đầu cũng vậy, và ai muốn vượt qua lằn ranh để đi vào thế giới vô hình ... hơn người lữ khách muốn thâm nhập vào hang động ẩn sâu dưới đất của Lhasa, có thể chỉ đường cho hướng dẫn viên của anh. Huyền học chưa từng, không hề có thể đặt vào tầm tay của công chúng, ít nhất cho tới khi ngày mà triết lý tôn giáo của chúng tôi trở thành phổ quát. Không lúc nào có hơn một thiểu số nắm giữ bí ẩn của thiên nhiên, dù rằng đông đảo người đã mục kích bằng chứng thực tế của điều khả hữu ấy. Vị Chân sư là tinh hoa hiếm hoi của một thế hệ người tìm đạo; và muốn trở thành như vậy, ngài phải tuân theo động lực bên trong của linh hồn mình, bất kể sự suy xét cẩn trọng của khoa học thế gian hoặc sự khôn ngoan của người đời.
Mong ước của bạn là được tiếp xúc trực tiếp với một trong số chúng tôi, không nhờ qua H.P.B. hoặc bấy kỳ người đồng nào. Theo tôi hiểu, ý tưởng của bạn là có được sự liên lạc như vậy hoặc bằng thư từ – như bức thư hiện tại – hoặc bằng ngôn từ nghe được, để được một trong chúng tôi hướng dẫn cách quản trị, và chính yếu là việc chỉ dạy trong Hội. Bạn muốn có hết những điều này, và dầu vậy, như bạn nói, cho tới nay bạn chưa thấy có 'lý do đủ' để từ bỏ 'lối sống' của mình, điều nghịch thẳng với những cách liên lạc như thế. Nó không hợp lý chút nào. Ai muốn nêu cao ngọn cờ huyền học và tuyên bố sự thống trị không xa của nó, phải làm gương cho người khác. Anh phải là người đầu tiên thay đổi cách sống của mình, và bởi việc học hỏi huyền bí học là bước đầu tiên trên thang Hiểu Biết, anh phải tuyên bố lớn tiếng nó như thế, bất kể khoa học chính xác và sự đối nghịch của xã hội. Nhà huyền học Thiên Chúa giáo có nói Nước Trời vào được bằng vũ lực. Chỉ với bàn tay có vũ trang, và sẵn sàng hoặc chiến thắng hoặc chiến bại mà nhà huyền học tân thời có thể hy vọng đạt tới mục tiêu của mình.
...
Điểm đầu tiên và chính yếu trong việc chúng tôi chấp nhận hay bác bỏ đề nghị của bạn nằm trong động cơ bên trong, cái thúc đẩy bạn muốn chúng tôi đưa ra huấn thị, và theo một nghĩa – muốn có sự hướng dẫn của chúng tôi ... Nào, động cơ của bạn là gì ? ... Chúng là:
1. Ước muốn nhận được bằng chứng tích cực và không chối cãi được, rằng thực sự có những lực trong thiên nhiên mà khoa học không biết chút gì.
2. Hy vọng ngày kia sở đắc chúng – càng sớm càng tốt vì bạn không thích chờ – để khiến bạn có thể:
a. Chứng tỏ sự hiện hữu của chúng cho một số nhỏ người tây phương được chọn lọc.
b. Suy gẫm về đời sống tương lai như là thực tại khách quan, được xây dựng trên hòn đá Hiểu Biết mà không phải là đức tin; và
c. Chót hết, học hỏi – điều này có lẽ quan trọng hơn hết trong số các động cơ của bạn, tuy nó là điều bí ẩn nhất và được canh giữ kỹ nhất – trọn sự thật về các nhóm của chúng tôi và chúng tôi; nói ngắn gọn là có được lời trấn an tích cực rằng các 'Huynh Trưởng' mà người ta nghe nhiều nhưng thấy rất ít – là nhân vật có thật, không phải chuyện vu vơ của một đầu óc rối loạn, hoang tưởng.
Những điều ấy nhìn theo khía cạnh tốt nhất – đối với chúng tôi là 'động cơ' khiến bạn viết thư cho tôi. Trong cùng tinh thần như thế tôi xin đáp trả lại, mong là lòng thành của tôi không bị diễn dịch sai lạc, hoặc bị xem là thiếu tình thân thiện.
Vậy đối với chúng tôi, những động cơ này, chân thành và đáng được cứu xét nghiêm chỉnh theo quan niệm của thế gian, lại có vẻ – ích kỷ. (Bạn phải thứ lỗi cho tôi điều mà bạn có thể cho là ngôn từ thô lậu, nếu ước muốn của bạn thực sự là điều bạn nêu ra – học hỏi chân lý và được chúng tôi chỉ dạy – những người thuộc về một thế giới khác với cảnh đời mà bạn sinh sống.). Chúng ích kỷ vì bạn phải biết rằng mục đích chính của hội Theosophia là phục vụ nhân loại hơn là làm thỏa mãn ước nguyện cá nhân; và chữ, có thể nghịch tai bạn, có ý nghĩa riêng đối với chúng tôi tuy không thể là vậy đối với bạn, và để bắt đầu thì bạn chớ chấp nhận ý nghĩa nào của nó ngoài ý đầu.
Có lẽ bạn sẽ hiểu rõ hơn ý của chúng tôi, nếu được nghe rằng ước nguyện cao cả nhất cho phúc lợi của nhân loại hóa ra có nhuốm lòng ích kỷ, nếu trong tâm tưởng của nhà nhân ái có lấp ló bóng dáng của nỗi ao ước được tư lợi, hoặc khuynh hướng tạo bất công, ngay cả khi họ không ý thức là có những điều này. Thế nhưng, bạn chưa hề thảo luận mà lại chê bai ý tưởng tình huynh đệ đại đồng, đặt câu hỏi về sự ích lợi của nó, và đề nghị tái sắp đặt hội Theosophia theo nguyên tắc một trường chuyên học hỏi về huyền bí học. Điều này, thưa bạn đáng kính – sẽ không bao giờ có !
Đã giải quyết xong 'động cơ cá nhân', nay ta hãy phân tích những 'điều kiện' của bạn để giúp chúng tôi làm chuyện công ích. Nói một cách rộng rãi thì những điều kiện này là:
Đầu tiên, bạn sẵn lòng thành lập một chi bộ mà hai đại diện của chúng tôi sẽ không có tiếng nói nào về mặt quản trị.
Thứ hai, một người trong chúng tôi sẽ 'đỡ đầu chi bộ này, liên lạc trực tiếp và tự do với những người lãnh đạo chi bộ' và cho họ 'bằng chứng trực tiếp rằng ngài thực sự có sự hiểu biết thượng thặng về các lực trong thiên nhiên, và những tính chất của linh hồn con người, để gợi cho họ niềm tin tưởng đúng đắn về khả năng lãnh đạo của ngài.' Tôi ghi lại y lời của bạn để việc xác định chủ trương được chính xác.
Vậy theo quan điểm của bạn, những điều kiện này có vẻ rất hợp lý và không gây ra bất đồng nào, và quả thật vậy, đa số người cùng nước với bạn – nếu không muốn nói là người Âu châu – có thể chia sẻ ý kiến đó. Bạn sẽ nói, Còn có gì hợp lý hơn việc yêu cầu vị thầy – nóng lòng muốn truyền bá hiểu biết của mình, và học viên –, cho ngài cơ hội để làm vậy, mang hai bên lại đối mặt với nhau, một bên trưng ra bằng cớ thử nghiệm cho bên kia để chứng tỏ rằng chỉ dạy của ngài là đúng ? Là người sống trong thế giới, thuộc về thế gian và hòa nhịp trọn vẹn với nó, chắc chắn là bạn đúng. Nhưng người của thế giới chúng tôi, không được chỉ dạy cách suy nghĩ của bạn, và đôi khi thấy rất khó mà theo dõi cùng chấp nhận nó, không thể bị trách là không đáp ứng hết lòng với đề nghị mà bạn cho là đáng được vậy
Lời phản đối đầu tiên và quan trọng hơn hết của chúng tôi nằm trong Qui Luật của chúng tôi. Đúng thế, chúng tôi có trường và thầy dạy, có người sơ cơ và bậc đạo đồ, và cánh cửa luôn mở rộng cho ai gõ cửa và là đúng người. Và chúng tôi luôn hoan nghênh người mới tới; chỉ có điều là thay vì đến với họ thì họ phải đến với chúng tôi. Hơn nữa, khi chưa tiến đến mức không thể quay lui trên đường huyền bí học, do việc họ thệ nguyện hiến mình cho đoàn thể của chúng tôi mãi mãi, chúng tôi không hề – ngoại trừ trường hợp hết sức cần thiết – đến viếng họ hoặc ngay cả việc hiện hình đi qua cửa vào nhà họ.
Có ai trong các bạn hăng hái với hiểu biết và quyền năng ích lợi nó mang lại, tới mức sẵn lòng rời bỏ thế giới của bạn vào bước vào thế giới của chúng tôi ? Nếu có thì hãy để họ tới; nhưng họ chớ nghĩ đến việc quay về tới khi nào con dấu của huyền bí học khóa kín môi họ, trong trường hợp yếu lòng hoặc không kín miệng. Hãy cứ để họ tới, như trò đến với thầy, vô điều kiện; hoặc để họ chờ đợi như rất nhiều người khác làm thế, và bằng lòng với những mảnh vụn của sự hiểu biết có thể rơi vãi cho họ.
Và giả thử bạn đến theo cách ấy ... như H.P.B. đã tới và ông Olcott sẽ tới; giả sử bạn từ bỏ hết mọi điều để theo đuổi chân lý, nhọc nhằn ra công nhiều năm tháng trên con đường dốc đứng, không sờn lòng vì trở ngại, cứng rắn với mọi cám dỗ; trung thành giữ trong tâm những bí mật trao cho bạn như là thử thách; làm việc với hết năng lực của mình và rao truyền chân lý không ích kỷ, gợi cho con người biết suy nghĩ đúng đắn và theo một đời sống đúng cách – bạn có nghĩ chuyện sẽ công bằng chăng, nếu sau bao gắng công của bạn, chúng tôi cho 'người ngoài', là H.P.B. và ông Olcott những điều kiện mà nay bạn đòi cho chính mình ?
Hai người này, một người đã dâng hiến ba phần tư đời mình, người kia sáu năm ở lứa tuổi thành đạt nhất của ông, cho chúng tôi, và cả hai sẽ xả thân như vậy cho đến ngày cuối đời, miệt mài làm việc cho phần thưởng xứng đáng của mình mà không hề đòi hỏi chúng hoặc thốt ra lời chi khi thất vọng. Cho dù hai người thành đạt ít hơn như sự thực, nếu làm ngơ họ trong một mặt quan trọng của công cuộc TTH thì đó có phải là sự bất công hiển hiện không ? Lòng vô ơn không là tính xấu của chúng tôi, cũng như chúng tôi không nghĩ bạn có ý đề nghị nó ...
Cả hai người không hề muốn can thiệp vào việc điều hành chi bộ dự tính được thành lập, hoặc ra chỉ thị cho viên chức của chi bộ. Nhưng nếu thành lập một chi bộ mới thì tuy có danh xưng riêng biệt, trên thực tế nó phải là một nhánh của Hội chính, giống như chi bộ Anh tại London, và đóng góp vào sức sống cùng sự hữu ích của Hội chính, bằng cách đề xướng chủ trương Tình Huynh Đệ Đại đồng qua mọi hình thức thực tiễn khác.
... Đại diện hữu hình của chúng tôi có thể bất toàn – và đôi lúc rất không làm hài lòng và có khiếm khuyết – nhưng H.P.B. là nhân vật trung gian tốt nhất có được hiện nay ...
... Để kết luận: chúng tôi sẵn lòng tiếp tục việc trao đổi thư từ này nếu quan điểm nêu trên về việc học hỏi huyền bí học hợp ý bạn. Mỗi chúng tôi, dù là nước nào hoặc giống dân nào, đã qua được thử thách đã mô tả ...
Vài điểm trong thư cần bàn:
● Ông Sinnett chú trọng đến hiện tượng, đến sự hiện hữu của các 'siêu nhân' và muốn dùng việc tạo hiện tượng để thuyết phục giới học thức tây phương tin vào chuyện huyền bí và những khả năng bí ẩn của con người; các Chân sư tin tưởng trước tiên vào Tình Huynh Đệ Đại đồng và muốn dùng Hội để quảng bá điều ấy. Quan điểm hai bên như vậy có sự khác biệt lớn lao và ta sẽ thấy rằng tuy Chân sư cố gắng đề cập tới chuyện này nhiều lần, ông Sinnett vẫn cho rằng chủ trương Tình Huynh Đệ Đại đồng không thực tế, và coi trọng mặt hiện tượng và chuyện huyền bí thay vì nỗ lực học hỏi và phụng sự.
● Tâm lý các nhân vật cho ra một số giải thích, giúp ta hiểu tại sao họ lại phản ứng như thế này hay kia. Ông Sinnett người Anh, do bản tính dân tộc ông có sự trầm tĩnh, 'phớt tỉnh Ăng lê'; HPB người Nga, không kềm chế mà biểu lộ tình cảm sôi động, gặp chuyện không ưng ý (như chủ nhân người Anh coi thường văn minh Ấn Độ) là bà lên tiếng chỉnh ngay; cách ăn nói không dè dặt, rào đón này chỏi với thái độ kín đáo của ông Sinnett và xã hội thượng lưu nói chung của người da trắng, nên ta không trách được là ông và ông Hume tin rằng mình là người thích hợp hơn HPB trong việc trình bầy Theosophy cho giới học thức Âu châu, hay ít nhất cho người Anh. Ông Olcott người Hoa Kỳ, có lòng nhiệt thành, thẳng thắn đến mức thiếu tế nhị do bản tính dân tộc còn quá trẻ, khiến người thuộc nền văn minh lâu đời hơn là ông Sinnett cảm thấy cách cư xử có phần thô lỗ. Ý tưởng này chỉ làm gia tăng mặc cảm tự tôn nói ở trên, dẫn đến việc hai ông Sinnett và Hume muốn lập chi bộ độc lập với Hội chính.
HPB – và các Chân sư – có lý do sâu xa khi phê bình mạnh mẽ giới cai trị người Anh tại Ấn, bởi các vị nhìn thấu qua được lớp sơn văn minh vào tới tâm bên trong của con người, và xét người chính xác qua việc tâm tính được trong sạch và tốt đẹp ra sao. Trong khi đó hai ông Sinnett và Hume giống như đại đa số chúng ta là chỉ có thể nhìn bề mặt và chưa có khả năng nhìn bề trong, và dùng tiêu chuẩn (văn minh cơ khí) khác với tiêu chuẩn của Chân sư (sự phát triển tinh thần) để xét người, đưa tới nhận định khác nhau và sự bất đồng ý kiến là điều gần như đương nhiên không tránh được.
● Từ thưở ban đầu này của Hội cho đến ngày nay, có một điều hay thấy là vài người vẫn coi trọng việc phát triển quyền năng huyền bí, xem chúng như là thành quả trên đường tinh thần. Ý tưởng trong thư cho thấy chuyện không phải vậy, mà điều được những đấng cao cả chú trọng hơn hết nơi ai ao ước được tiếp xúc, đến gần các ngài là ý muốn phục vụ nhân loại hơn là muốn thỏa mãn ước nguyện cá nhân, có được quyền năng.
● Thư khuyên muốn được tiếp xúc với Chân sư thì người ta phải đến với các ngài, nói khác đi là phải tiến lên cảnh giới các ngài hoạt động là cõi trí, mà không thể mong chờ các ngài đi xuống cõi của ta.
Đây là một thư quan trọng vì nó đề cập tới những tiêu chuẩn, chủ trương, đường lối hoạt động mà Chân sư dự tính cho Hội. Các điều này sẽ được khai triển trong những thư về sau.
Thư 3A, 3B và 3C.
Ba thư kế là 3A, 3B và 3C nhận được cùng ngày và có liên quan với nhau, nên cần ghi lại vài hiện tượng xẩy ra trong thời gian HPB ngụ tại Simla được đề cập trong thư, và diễn biến trong ngày để bạn hiểu rõ lời bàn về các thư này.
A. Hiện tượng.
– Tách trà và đĩa lót (3-10-1880): Chuyện xẩy ra trong buổi đi chơi ngoài trời với ông bà Sinnett và thân hữu như đã ghi trong bài HPB, PST số 58.
– Kim cài áo số 1: Việc diễn ra trong buổi ăn tối tại nhà ông bà Hume (3-10-1880), sau buổi trưa đi chơi ngoài trời nói ở trên, với việc bà Hume có lại được chiếc kim cài áo bị thất lạc đã lâu.
– Kim cài áo số 2: Liên quan đến chiếc kim cài áo của bà Sinnett (20-10-1880), PST số 58; được đề cập trong thư 3B.
B. Diễn biến trong ngày là như sau:
– Thư 3A.
Tối hôm trước 19-10, ông Sinnett cảm nhận được đức KH hiện diện trong phòng. Sáng ra, sau khi nói chuyện về việc này, ông nhận được thư trả lời trên bàn ở phòng ngoài. Vật trong phòng ông mà đức KH mang đi, được ngài hứa trao lại cho ông trên đồi trong chuyến đi chơi ngoài trời sáng hôm ấy, như là chứng cớ cho việc ngài đến thăm ông tối qua.
Trước khi lên đường tới chỗ đi chơi ngoài trời, ông Sinnett viết vài hàng cám ơn bức thư đã nhận được, và trao mẫu giấy cho HPB gửi đi theo cách của bà khi thuận tiện. Bà cầm nó trong tay khi cùng với bà Sinnett ra cáng, và dọc đường đã gửi thư đến đức KH. Khi tới chỗ và trong lúc ngồi chơi, chuyện này được bàn luận nên khi ông Sinnett mở gối và tìm thấy một thư trong đó, có người gợi ý là không chừng giấy có trả lời cho mẫu thư mà ông nhờ HPB chuyển đi buổi sáng. Tuy nhiên nội dung thư không nói gì về điều này.
– Thư 3 B.
Nói về chiếc kim cài áo của bà Sinnett.
– Thư 3 C.
Tối hôm ấy mọi người quay trở về nhà ông bà Sinnett, tại bàn ăn khi ông mở khăn ăn thì một thư nữa rơi ra, nói đến sự thất vọng khi ông thấy thư ban sáng chưa được trả lời lúc nhận được thư hồi âm trong gối vì:
... không có gì cần phải trả lời.
Một chi tiết cho thấy mức độ chuyển thư bằng phương pháp huyền bí nhanh như thế nào:
... Tôi nhận được trong phòng mình khoảng một phút rưỡi sau khi đường lực được tạo cho việc sinh ra thư trong gối được sẵn sàng và hoạt động trọn vẹn.
Thư 4, nhận ngày 27-10-1880.
Hiện tượng thư trong gối được xem là thật toàn hảo nên ông Sinnett viết thư hỏi chân sư xem ngài có thuận cho đăng lên báo. Thư trả lời viết:
- Chắc chắn đó là điều tuyệt nhất, và bản thân tôi xin thành thật cám ơn bạn thay mặt cho thân hữu bị lợi dụng nhiều của chúng ta (tức HPB) ...
Nói thêm thì dư luận chỉ trích HPB nhiều khi chuyện được công bố, cho rằng hiện tượng không có thật mà được dàn cảnh trước.
Thư 5. nhận ngày 3-11-1880.
Sang thư 5, có hai điều cần giải thích.
1. Trước khi nhận được thư này ông Sinnett nhận được một bức điện tín gửi từ Jhelum đến nhà ông tại Allahabad, nội dung ngỏ lời cám ơn về những bài ông viết cho các báo tại Ấn. Bức điện tín đáng chú ý vì nó cho chứng cớ đức KH là nhân vật có thật, và thư của ngài không do HPB viết như quan niệm sai lầm đã đưa ra.
Bức điện này trả lời thư bảo đảm ông Sinnett gửi đi ở Simla, trước khi ông lên đường về nhà tại Allahabad. Ông gửi thư này cho HPB để nhờ bà chuyển đến Chân sư, bà nhận được nó tại Amritsar ngày 27-10 mà không biết ông gửi lúc nào. Theo lệnh của ngài, bà gửi trả phong bì về ông nhưng không biết tại sao:
– Đức KH yêu cầu tôi nhắn lại với ông là giữ lấy phong thư đặc biệt này.
và khi ông nhận phong bì thì cũng không hiểu bà muốn làm vậy để chi; nhưng ông cũng giữ lại vật và sau đó hiểu được ý ngài, khi HPB viết cho ông, tỏ ý là Chân sư muốn ông tìm cách để xin được bản chính của bức điện tín ngài gửi từ Jhelum.
Nhờ một người bạn có liên hệ với sở điện tín, ông được cho xem bản chính này có ghi khoảng 20 chữ, khi đó ông hiểu ra ý nghĩa của phong bì nhận được trở lại. Bản chính của bức điện tín là nét chữ của chính đức KH và là trả lời từ Jhelum cho thư (mà HPB nhận được tại Amritsar cùng ngày với bức điện). Dấu đóng bưu điện trên phong bì HPB nhận được ghi 2 pm cho thấy cùng ngày với bức điện tín được gửi đi. Hôm ấy HPB có mặt tại Amritsar và gặp gỡ nhiều người để lo công việc Hội, trong khi điều không thể chối cãi là điện tín với chữ viết tay của đức KH lại được gửi đi từ Jhellum cùng ngày; và như vậy HPB không phải là tác giả những thư của Chân sư.
Diễn biến là đức KH nhận được thư lúc đang trên xe lửa tới gặp HPB. Ngài nhận được thư trong quãng gần Rawalpindi. Tới trạm kế là Jhellum ngài xuống xe, gửi điện tín cho ông Sinnett. Ngày giờ đóng dấu trên phong bì mà HPB nhận được tại Amritsar, và trên bức điện tín gửi đi từ Jhellum cho thấy thư không thể tới tay Chân sư theo cách thông thường. vượt khoảng cách hằng trăm dặm chỉ trong vài phút. Bức điện tín thực hiện hai điều, nó chứng tỏ đức KH là nhân vật có thực ở cách xa HPB, và cho ông Sinnett thấy phần nào khả năng của ngài và của HPB.
2. Nói về việc đức KH hiện diện ở Jhellum vào lúc này, nguyên do là như sau.
Ông Olcott rất phấn khởi với những hiện tượng xẩy ra trong lúc ông và HPB tới thăm ông bà Sinnett, và sự kiện nó chinh phục được các người Anh thế lực có mặt tại Simla, nên viết thư kể lại sự việc cho Damodar là người trông coi việc hội tại Bombay trong lúc hai vị sáng lập vắng mặt. Damodar cũng rất hào hứng nên đem sao bức thư làm nhiều bản gửi cho các hội viên xem. Thư có ghi rõ 'Thư Riêng – For Private Circulation', tuy nhiên một bản sao bị lọt ra ngoài vào tay tờ báo The Times. Nội dung của thư hấp dẫn khiến tờ báo cho đăng ngày 19-10-1880, kèm theo lời bình luận đầy chê trách. Tai hại hơn nữa là trong thư có ghi tên họ đầy đủ các nhân vật người Anh có chức phận mà liên quan đến hiện tượng, như thiếu tá Henderson trong việc tạo ra tách trà và đĩa ngày 3–10–1880, chi tiết này được mang lên mặt báo khiến họ phiền lòng và sinh ra phản ứng bất lợi cho Hội và HPB.
HPB cảm được làn sóng thù nghịch cùng tai hại mà bài báo gây ra cho Hội nên bà bị chấn động mạnh mẽ, phải lên tiếng cầu cứu. Tình cảnh này của HPB được đức KH ghi trong thư số 5.
Trở lại chuyện, bản thảo bức điện tín do chính đức KH viết tay, gửi đi từ Jhelum cách Amritsar (nơi HPB có mặt) khoảng 103 dặm. Tóm tắt các sự kiện ta có:
– HPB cùng ông Olcott rời Simla ngày 22-10 để tới Amritsar, tại đây bà nhận thư bảo đảm lúc 2 pm ngày 27-10-1880 do ông Sinnett gửi từ Simla ngày 24-10.
– HPB chuyển thư bằng cách huyền bí cho đức KH, lúc đó ngài trên xe lửa cách Rawalpindi 30 dặm, trên đường từ trạm Rawalpindi tới Jhelum. Ngài nhận thư 5 phút sau tức 2.05 pm và xuống trạm Jhelum để gửi điện tín cho ông tại bưu điện Jhelum lúc 4 pm.
Rawalpindi nằm trong tiểu bang Punjab, cách Allahabad 879 dặm (một dặm bằng khoảng 1.6 km) và cách Jhelum khoảng 88 dặm, còn Jhelum cách Amritsar khoảng 103 dặm (nơi khác ghi 200 dặm). Dù khoảng cách là bao đi nữa, sự kiện là HPB không thể hiện diện hai nơi Amritsar và Jhelum cùng lúc để có thể viết điện tín gửi đi bằng bưu điện tại Jhelum, sau khi nhận được thư hai giờ trước đó tại Amritsar. Đây là chứng cớ mạnh mẽ cho thấy HPB không viết những thư của đức KH, và Chân sư là người thật hiện hữu nơi cõi trần.
– Ông Sinnett rời nhà nghỉ mát Simla ngày 27–10 để về nhà của ông tại Allahabad, nằm ở phía nam và cách Amritsar khoảng 400 - 500 dặm, và nhận được điện tín của đức KH cùng ngày. Vài ngày sau, ông nhận được thư của ngài là thư 5, viết ngày 29-10-1880 tại Amritsar, nhận ngày 3-11-1880 tại Allahabad.
Ta sẽ đọc thư 5 trong số báo sau.
Xem Thư cho Ông Sinnett 1 (trong mục Sách Dịch)