THỂ TRÍ

Thể  Trí

 

● Tổng Quát

Thể hạ trí hay thường gọi là thể trí có cấu tạo là chất liệu thuộc bốn cảnh thấp của cõi trí. Thể trí có hình trứng thuôn dài giống như thể tình cảm mà to hơn nhiều và ít đậm đặc hơn, với phần lớn chất liệu tụ bên trong thể xác như là đám hơi dầy đặc và quanh đó là màn sương mỏng mảnh hơn. Mầu sắc và tính chất của nó là chỉ dấu tốt đẹp cho sở thích và năng lực trí tuệ của một người, hoặc tiềm ẩn hoặc tích cực, vì đôi khi khả năng mà ta có lúc sinh ra không được thực hiện trong đời. Tất cả những điều này hiện rõ trong thể trí, y như hào quang tình cảm làm hiện chính xác đời sống tình cảm của ta.
Phần thể trí vươn ra ngoài khỏi thể xác được ta gọi là hào quang, và ló ra xa chừng 90 cm. Khác với thể xác chỉ tăng trưởng đến một mức nào đó trong bao nhiêu thế kỷ qua, thể trí nở lớn theo mức phát triển của người. Bán kính tâm linh là một cách nói để đo chẳng những sự phát triển tâm thức mà luôn cả tầm ảnh hưởng của một người đối với chung quanh, và truyền thuyết ghi rằng hào quang của đức Phật bao trùm trọn trái đất.
Các hạt bên trong thể trí chuyển động luôn, không ngừng thay đổi; tư tưởng tốt lành có cấu tạo là chất liệu thanh bai hơn nên trôi nổi trong nửa phần trên của thể, còn tư tưởng xấu như lòng ích kỷ, keo kiệt làm bằng vật chất trọng trược hơn, và có khuynh hướng chìm xuống phần thấp hơn của hào quang. Ở nơi đây có đủ loại tư tưởng bất hảo. Nguyên tắc tổng quát là:
– Tư tưởng càng mạnh thì nó càng sáng, có mầu sắc thanh nhã,
– Tư tưởng càng có nét tinh thần và không ích kỷ, làn rung động càng cao và càng mau.
– Tư tưởng xấu và ích kỷ tương đối có làn rung động chậm hơn.
Ta có ghi là thể tình cảm có tần số rung động cao hơn thể sinh lực, và vật chất cũng thanh nhẹ hơn, thì thể trí cũng cấu tạo bằng chất liệu thanh bai hơn thể tình cảm và chuyển động mau hơn. Dầu vậy, ta nên nhớ rằng thể trí thấu nhập thể tình cảm và thể sinh lực, và thể trí cũng có cấu tạo hòa hợp với hai thể thấp. Thể trí không ngừng tương tác với những sinh hoạt của cái ngã trong suốt đời, và năng lực của nó thấm nhập mọi kinh nghiệm, ngay cả khi ta không hoạt động trí tuệ hay không suy nghĩ một cách ý thức.
Năng lực từ nguồn vô tận ở cõi trí tuôn vào các luân xa thể trí theo cùng cách thức như ở cõi ether và cõi trung giới. Nhưng cái trí phức tạp nhiều hơn tình cảm, nó có khả năng cho ta thấy sự thật mà cùng lúc khiến ta suy nghĩ lầm lạc và tự dối mình. Vì bản chất đa diện như vậy, thói quen và đường lối của cái trí có thể ảnh hưởng bất lợi cho bệnh tật, mà cũng có thể là một lực mạnh mẽ làm thay đổi, mang lại sức khỏe.

● Sinh Hoạt
Bởi thể trí và thể tình cảm liên kết chặt chẽ với nhau, cái trí bị tình cảm nhuộm mầu, tựa như cảm xúc bị tư tưởng chi phối. Đây là tính chất chung, nhưng khi nó mất thăng bằng hay ta mất kiểm soát thì tình trạng có thể thành bệnh tật. Có một trường phái tư tưởng của tâm lý và y khoa cho rằng não bộ sinh ra tâm thức, và chết là hết. Tuy nhiên nghiên cứu của bà Dora van Kunz thấy rằng tuy cái trí tùy thuộc vào não bộ để có sự biểu lộ nơi cõi trần, cái trí còn vượt qua khỏi cơ chế của não bộ và có thể bù đắp cho khiếm khuyết của não tới một mức nào đó. Nó muốn nói chẳng những cái trí không phải là một sản phẩm của hoạt động trong não, mà dường như trí tuệ phát sinh từ mức sâu xa hơn trong con người, còn não là dụng cụ cho trí tuệ ở cõi trần mà không phải ngược lại. Xin đọc thêm bài Não và Tâm Thức, PST 73.
Thể trí thấu nhập cả hai thể sinh lực cùng thể tình cảm. Ai thiên về trí năng hơn là tình cảm thường có thể trí sáng hơn và sinh động hơn mức bình thường, và có chất liệu thanh bai hơn. Khi người như vậy dùng trí não, năng lực đi vào và đi ra các luân xa thể trí di chuyển mau hơn, và trọn thể trí hóa linh hoạt và chói sáng.
Tốc độ mà năng lực đi vào và đi ra các luân xa, độ sáng của mầu sắc, nhịp và mức sáng của những luân xa khác nhau, tất cả cho biết phẩm chất của thể trí và những vùng có phát triển đặc biệt. Khi có tương quan hòa hợp giữa ba thể, từ thể trí qua tình cảm xuống tới cõi ether, luồng năng lực chẩy qua các luân xa có đường lối nhịp nhàng và không bị cản trở. Với những ai có căng thẳng, xáo trộn tình cảm hay tâm tư, những điều này đều cho ảnh hưởng lên thể tình cảm và thể xác.
Năng lực ở cõi trí tuôn ra ở mức mau lẹ hơn và dễ khích động hơn so với năng lực ở hai cõi thấp. Khi năng lực đi ra và đi vào, nó làm sáng lên thể trí bao quanh cá nhân, và điều này ảnh hưởng môi trường của họ theo tỷ lệ thuận với sức mạnh của tư tưởng. Theo cách ấy, ý tưởng có năng lực trí tuệ chi phối mạnh mẽ những cá nhân khác. Điều này không trực tiếp liên hệ đến việc các ý tưởng ấy có đúng sự thực hay không, và ý sai lầm có thể chế ngự đám đông người khi được phóng ra với sức mạnh lớn lao và tin tưởng, như trường hợp của chủ thuyết Nazi ở Đức.
Cũng trên bình diện quốc gia, mục tiêu của đất nước hay dân tộc tính nhiều phần tùy thuộc vào cách dân chúng nghĩ về mình. Với ai nhậy cảm, điều này thấy rõ khi ngồi trên xe lửa đi từ Hòa Lan băng qua biên giới vào Đức. Bạn có thể cảm nhận thay đổi rõ ràng trong tâm thức quốc gia, phút trước là tâm tình vui vẻ, hân hoan, mở rộng, phút sau là nguyên tắc, kỷ luật, nghiêm nghị hơn. Cho cá nhân, quyền năng chuyển hóa của tư tưởng thấy qua việc con người có thể phá bỏ những thói quen lâu đời như hút thuốc, uống rượu, và ta biết rằng điều chi suy nghĩ lâu dài hay mạnh mẽ cho ảnh hưởng lên người của ta.
Làm sao ý tưởng truyền đi ? Một phần là do chữ viết, lời nói, mà phần nhiều hơn là do cùng chia sẻ viễn ảnh, viễn kiến hay chung quan điểm về tình hình thế giới, dựa trên hình ảnh mạnh mẽ trong trí, gọi là hình tư tưởng. Sự lan truyền của tư tưởng có được nhờ cái trí có khả năng tạo nên hình ảnh hùng mạnh và rõ ràng trong thể trí, rồi hướng nó tới đối tượng với sự hăng say và trong sáng. Khả năng phóng chiếu tư tưởng của mình rõ ràng là một yếu tố quan trọng để giảng dạy thành công, cũng như là cho hoạt động chính trị.
Tuy nhiên, khả năng tạo hình tư tưởng mạnh có thể tác động ngược trở lại vào con người với hệ quả bất lợi, vì nếu quá cứng ngắc, nó có thể bao quanh và giam hãm một người trong thành kiến mà họ tự tạo ra cho mình. Chữ ‘thành kiến’ ở đây rất đúng, vì nhìn ra (kiến) ta chỉ thấy bức tường (thành) là tư tưởng đã tạo mà không thấy gì khác, nó là nhà tù ta tự xây và nhốt mình trong đó, tin rằng ý mình đúng và không màng tới ý của ai khác. Thành kiến ngăn chặn không cho ý tưởng mới và năng lực trí tuệ mới mẻ ùa vào, con người trở thành kẻ cuồng tín, giáo điều, bác bỏ mọi gì khác và chỉ chấp nhận cách diễn giải chân lý của họ.
Một thí nghiệm hay được kể lại về sức mạnh của thành kiến, ấy là biết rằng nhân vật A trọng nam khinh nữ, nhân vật B là người có khả năng cao chủ ý gửi một tư tưởng đòi bình quyền cho nữ giới đến A, tư tưởng ấy bị dội lại B ngay tức khắc, do đụng vào bức tường (theo đúng nghĩa đen) thành kiến của A, là lớp bọc ngoài thể trí người này.
Người có thông nhãn dễ dàng thấy các hình tư tưởng trong thể trí một ai, và nếu đó là người có kinh nghiệm họ cho giải thích đáng chú ý. Bà Phoebe Payne Bendit, mà PST có trích đăng nhiều lần, kể lại trường hợp của người tới gặp bà và nói rằng nhiều nhà soạn nhạc danh tiếng đã qua đời có tiếp xúc với ông, và sự việc được mấy người khác có thông nhãn xác nhận.
Dầu vậy khi quan sát kỹ, bà thấy những hình ảnh này không phải là các nhạc sư chi cả, mà là tư tưởng ao ước của người tới hỏi, được ông tuôn vào đó hy vọng và mong ước của mình. Bà khuyến cáo gia đình người này là ông đang tiến đến việc có rối loạn tâm trí. Vài tháng sau, ông có chẩn bệnh và được đưa vào bệnh viện tâm thần. Khi được hỏi làm sao phân biệt giữa hình tư tưởng của người này và nhân vật thật ở cõi trung giới, bà trả lời.
– Làm sao bạn phân biệt giữa một người sống và một bức tượng ? Không phải là một cái thì sống động còn cái kia khác hay sao ? Chuyện ở cõi trung giới và cõi trí cũng y vậy. Một người thật dù đã khuất, có sức sống trong họ và họ di chuyển, thay đổi và đáp ứng với điều gì xẩy ra. Ngược lại, hình tư tưởng không có sự sống và đứng lặng, và năng lực của nó đến từ thể trí và thể tình cảm của người chứa hình ấy trong thể của mình.
Từ đây, ta dễ dàng hiểu và chấp nhận ý được nhắc tới từ lâu trong nhiều sách vở, rằng tư tưởng là vật mà không phải là điều chi vô hình. Lại nữa, khi ý thức là tư tưởng của ta có khả năng ảnh hưởng người khác trực tiếp, và ta thêm năng lực cho nó bằng tình cảm mình, ta bắt đầu cảm nhận phần nào trách nhiệm của tư tưởng mình sinh ra, cái trách nhiệm trước đây chỉ dành cho hành động. Ý thức này dẫn tới nhìn nhận rằng tư tưởng là một loại hành động, theo nghĩa nó ảnh hưởng hành vi.

● Làn Sóng Tư Tưởng
Khi tư tưởng phát ra, nó cho ảnh hưởng như là sóng lan trên trong nước, đi từ một tâm và tỏa ra khắp hướng như ánh mặt trời. Các tia túa ra đan chéo nhau với nhau mà không cản trở nhau chút nào, giống như tia sáng ở cõi trần.
Làn sóng tư tưởng trên đường đi của nó chạm vào thể trí nào thì có khuynh hướng gợi nên cùng làn rung động trong đó, tức gợi nên trong trí người nhận ý nghĩ tương tự. Càng đi xa thì tư tưởng càng yếu dần; khoảng cách truyền đi tùy thuộc vào sức mạnh và sự trong trẻo của ý nghĩ ban đầu, như vậy tư tưởng mạnh mẽ sẽ đi xa hơn tư tưởng yếu và do dự hơn. Xem ra sự trong trẻo và nhất quyết có tầm quan trọng lớn hơn sức mạnh.

● Luân Xa Thể Trí
Các luân xa  bên trong thể trí tương ứng với luân xa ở cõi trung giới và ether, chuyển hóa năng lực và là nơi trao đổi với cõi trí. Mỗi luân xa thể trí cũng liên kết chặt chẽ với luân xa tương ứng ở tần số cao hơn nơi cõi bồ đề. Trọn bốn thể thanh tạo nên hệ thống hòa hợp mật thiết trong không gian bốn chiều, trong đó năng lực đi lên xuống giữa các cõi khác nhau và cũng đi ngang giữa các luân xa trong hệ thống. Năng lực nơi cõi trí chuyển động mau lẹ hơn và ở tần số cao hơn so với cõi trung giới, cũng như cõi sau cao hơn cõi ether.
Năng lực cõi trí được hạ xuống thấp hơn khi nó đi vào các luân xa, và theo cách ấy có thể cho ảnh hưởng trực tiếp lên thể xác nếu nó không bị chặn lại ở cõi trung giới; ấy là chuyện đôi khi xẩy ra.
Tần số của năng lực chẩy vào các luân xa tùy thuộc vào sự phát triển trí tuệ của cá nhân. Nếu có xáo trộn ở một trong các luân xa thể trí, năng lực sẽ được truyền sang cõi trung giới và cõi ether, nhưng thông thường hơn thì xáo trộn xẩy ra ở cõi trung giới. Xáo trộn khi có ở cõi trung giới sẽ ảnh hưởng không những luân xa ether, mà cũng ngăn không cho năng lực từ cõi trí đi vào. Trọn diễn trình rất là phức tạp.
Khi có liên hệ điều hòa giữa những thể của con người, năng lực tuôn chẩy từ cõi này sang cõi kia nhịp nhàng và tự do. Nhưng thường khi ấy là điều hiếm có vì con người gây gián đoạn cho sự điều hòa bằng nhiều cách, như căng thẳng, lo lắng, thái độ cứng ngắc, và xáo trộn tình cảm. Khi tình trạng như vậy kéo dài, cuối cùng thể xác bị ảnh hưởng bất lợi. Giống như luân xa thể tình cảm, tốc độ mà năng lực đi vào và đi ra luân xa thể trí, độ sáng của mầu sắc trong luân xa, nhịp điệu và vẻ sáng của những luân xa khác nhau, tất cả cho biết tính chất và năng lực của cái trí, ngành có phát triển đặc biệt hay khả năng đặc biệt.

● Căn Thể (Causal Body) hay Thể Thượng Trí
Ta sẽ đề cập phớt qua về căn thể vì đó thể của chân nhân, nó có tên đó vì một số lý do. Huyền bí học cho rằng thể chứa đựng chủ ý căn bản của chân ngã là ‘Là - being’, và ấy là nguyên do tối hậu cho sự hiện hữu của ta. Đây là con người thật trong mỗi chúng ta, còn hoài qua bao thay đổi thăng trầm của cuộc sống, và cho nó ý nghĩa cùng sự liên tục.
Con người thật này là nguồn gốc cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trong ta, và có thể cho ảnh hưởng mạnh mẽ đối với sự tăng trưởng và chuyển hóa. Những kết quả của kinh nghiệm mà ta đã chuyển hóa thành các đức tính lâu bền, đánh dấu sự tăng trưởng hay tiến hóa của phàm ngã. Chúng được lưu lại kiếp này rồi kiếp kia bên trong căn thể, và cái sau trở thảnh tổng hợp của những tính chất cao tột nhất của chân ngã như khôn ngoan, trực giác, óc sáng tạo, chủ tâm, khao khát về Thượng đế, và tình thương cùng lòng từ thanh khiết nhất.
Nhìn bằng thông nhãn thì căn thể mờ nhạt và thanh nhẹ mỏng manh, với mầu ngũ sắc lấp lánh như thấy trong bọt xà phòng. Nó là sự chói rạng của chân ngã mà đời sống của phàm nhân chỉ là cái bóng mờ. Ở đây chữ ‘căn thể’ được dùng còn là nó thu thập hết mọi thành quả trong cuộc phấn đấu và hy sinh lâu dài của ta, nhằm tăng trưởng để có hiểu biết, và đó là nguyên nhân chân thật cho những gì ta là ở đây và vào lúc này - tức mầm mống cho đặc tính của tâm trí ta. Ở cõi này, chân ngã không bị bó buộc vì những giới hạn không gian và thời gian và duyên cớ, mà có thể kinh nghiệm tính phổ quát của sự sống, và nhận biết ý nghĩa cùng mối tương quan thường khi bị che dấu ta không thấy được trong lúc sống dưới trần.
Căn thể không tan rã mỗi kiếp sau cái chết như ba thể thấp, mà còn hoài từ kiếp này sang kiếp kia cho tới khi con người đạt quả vị La Hán có bốn lần chứng đạo (initiation, còn dịch là điểm đạo). Phật giáo Tây Tạng dạy rằng có những bậc thầy tái sinh nhiều lần và có được ký ức cùng khả năng đã phát triển trong những kiếp trước. Để giải thích thì căn thể chắt lọc kinh nghiệm trần thế và bởi nó còn hoài nhiều kiếp, ai có khả năng có thể sử dụng những kinh nghiệm chất chứa trong căn thể.
Ứng dụng vào việc chữa bệnh, trong vài trường hợp vấn đề nằm ngoài cõi trần, cõi trung giới hay ngay cả cõi của hạ trí, và người ta phải đi vào cõi của thượng trí là nơi của căn thể để mong có được hiểu biết sâu xa hơn và rồi có giải pháp.

Trích
The Chakras and the Human Energy Fields

Shafica Karagulla,
Dora van Gelder Kunz

 

Xem THỂ TRÍ (1)

Xem Bài Liên Quan