CÁCH ĐỌC SÁCH (3)
Cách Đọc Sách 3
Đề tài đã được nói tới trong hai bài trước PST 67, 69), kỳ này bài thứ ba sẽ nói riêng về cách đọc những sách của hai tác giả HPB và A.A. Bailey.
Trước tiên ta cần biết mục đích của hai vị khi viết sách, tuy cùng làm việc chung là trình bầy MTTL nhưng hai vị nhắm đến hai mục đích khác nhau, hay nói khác đi mỗi vị có sứ mạng riêng. Nhu cầu tinh thần của nhân loại và hoàn cảnh thế giới vào thời điểm của mỗi vị khiến cho họ có phần việc khác biệt trong công cuộc chung. Với bà Blavatsky, vài điểm trong phần việc của bà là nêu ra ý và chứng minh rằng:
– Có cõi tinh thần bên ngoài cõi vật chất
– Có cơ tiến hóa
– Có triết lý chi phối cuộc tiến hóa.
Và triết lý là điểm chính trong bộ Triết Lý Bí Truyền - The Secret Doctrine (SD), cho con người cái nhìn tổng quát về sự sống, có một ý niệm chúng ta từ đâu đến và đi về đâu.
Với bà Bailey, sách của bà xây dựng trên nền tảng mà bộ SD đặt ra, triết lý trong sách của HPB cho cái khung và sách Bailey thêm chi tiết làm cho khung đầy đặn.
Cách đọc sách thông thường là đi tìm sự hiểu biết. Nói riêng về điểm này thì nó sử dụng nhiều trí hơn là tâm. Lời chỉ dẫn chung về cách ấy là như sau.
– Lần đầu tiên, bạn đọc từ trang đầu tới trang cuối để có một ý niệm sơ khởi về chủ đích của tác giả, ghi ra những điểm nào gợi sự chú ý của bạn.
– Các lần sau đọc theo đề tài, và tìm đề tài ấy trong những sách của cùng tác giả, nhất là với bà Bailey. Với HPB là các bài viết có sẵn trên trang web hay bộ Collected Writings. Kinh nghiệm cho thấy bạn có thể bắt đầu với một đề tài muốn học hỏi, thí dụ thể sinh lực; từ ý này khi tìm kiếm nó sẽ mau lẹ dẫn tới những chi tiết khác có liên hệ ít nhiều, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp như các huyệt đạo, tuyến nội tiết, prana, màng che chở giữa thể sinh lực và thể tình cảm v.v. Việc nghiên cứu do vậy được mở rộng, đặt đề tài bạn chọn vào bối cảnh to lớn hơn, làm bạn nhìn thấy vị trí, vai trò, mối liên hệ của nó trong toàn cảnh, bạn có nhãn quan bao trùm hơn thay vì chỉ chú tâm vào mục đích đã chọn.
Theo cách ấy bạn tìm được nhiều chi tiết hơn, và thường khi việc truy tầm đưa tới các nhận xét mới, nhìn vấn đề theo góc cạnh mới, có khi còn làm thay đổi ý kiến ban đầu, khiến nó hóa sâu sắc hơn, trọn vẹn hơn. Lý do là mỗi sách trình bầy đề tài theo một hướng riêng, và tìm kiếm về nhiều hướng làm cho hiểu biết đầy đủ hơn. Ta bắt đầu từ vị trí là không biết hay biết rất ít về một chuyện, và khi tìm xong trong nhiều sách, hiểu biết được mở rộng đáng kể cũng như có thể sửa lại ngộ nhận.
Bộ sách của bà Bailey đi vào chi tiết nhiều đề tài, nên áp dụng cách đọc này sẽ giúp bạn thu thập cùng xếp đặt có hệ thống nhiều mục, và sẽ là tài liệu học tập đáng quí theo thời gian. Một trong các đề tài bạn nên dành thì giờ tìm hiểu và sắp xếp thứ tự các chi tiết là bẩy cung, và bộ sách hai quyển Discipleship in the New Age cho rất nhiều hiểu biết giá trị.
Hơn nữa, việc trình bầy bẩy cung trong hai quyển này mang tính chất đặc biệt là chú trọng vào phần tâm lý tinh thần, ấy là điều làm soi sáng rất nhiều cho đời sống nội tâm cá nhân, và vô cùng giá trị. Một trong những cách xếp đặt chi tiết tìm thấy trong bộ sách là như dưới đây, nó chỉ là đề nghị mà bạn có thể thay đổi cho hợp với cách học của mình.
1- Đầu tiên ghi tính cách của mỗi cung cho mỗi thành phần nơi con người. Thí dụ cung cho thể trí, thể tình cảm, và thể xác; cung cho phàm nhân và Chân nhân
2- Kế đó là sự tương tác, khi hai thành phần có chung một cung thì cho ảnh hưởng ra sao, thí dụ một trong các thể có chung cung với phàm nhân hay chân nhân. Tìm thì ta thấy:
a- Khi phàm ngã và thể vía thuộc chung cung 1, nó có khuynh hướng làm lòng kiêu ngạo mạnh hơn. Discipleship in the New Age, vol 1, p. 504.
b- Khi ba người có linh hồn thuộc cung giống nhau, nó làm cả ba đặc biệt thân thiết với nhau. Discipleship in the New Age, vol 1, p. 470.
3- Khi các thành phần có cung thuộc chung đường (cung 1, 3, 5, 7 hay 2, 4, 6), tính chất ấy sẽ tác động ra sao nơi con người. Thí dụ:
a- Người bạn có linh hồn cung 1, phàm ngã cung 5, thể trí cung 5, não bộ 7, như vậy tất cả thuộc về đường 1, 3, 5, 7. Nó khiến cho việc làm trong ngành của họ có tính thông minh cao độ, nhưng đổi lại trực giác không được linh hoạt. Bất lợi của sự kiện này là nói chung các thể có phần thiếu quân bình, và nó đòi hỏi họ tạo sự quân bình. Discipleship in the New Age, vol 1, p. 320.
b- Vấn đề của bạn khác là những thể có cung đều thuộc cung chính 1, 2, 3, mà không có cung phụ nào trong thành phần cung của họ. Sự thiếu vắng này tạo nên khó khăn và cũng cho cơ hội to tát. Discipleship in the New Age, vol 1, p. 496.
Đây không phải là đề tài thuần lý thuyết mà có thực dụng, vì các trường hợp nêu ra trong bộ sách là nhân vật thực, và những gì họ gặp phải cũng là vậy cho người đọc, nên rất thực tế và ứng dụng được cho ta. Nhưng đó là cách dùng cái trí có tính nhãn pháp, và còn một cách nữa thiên về tâm pháp hơn; cách sau có tính tổng hợp, cho ta hiểu đề tài bằng cái tâm nhiều hơn.
● Tâm pháp - Đọc bằng con mắt tinh thần.
Các sách của HPB và Bailey rất thú vị nên đôi khi bị lôi cuốn đi quá xa, ta có thể quên đó là sách viết chuyện tinh thần, và cần đọc theo quan điểm ấy mới hiểu đúng ý tác giả và nắm được đúng ý. Nghĩa là sao ? Nghĩa là ta cần diễn giải ý tứ theo tâm lý tinh thần. Lại nữa, cái nhìn của tác giả trải rộng mấy trăm năm, nhiều điều trong sách Bailey viết cho các thế hệ sau hơn là cho người hiện đại, vì thế chẳng những bắt buộc chúng phải khó hiểu, mà chúng ta còn phải bắt buộc nhìn sự việc, cơ tiến hóa theo cái nhìn của tác giả, vị có khả năng ấy mà ta không có ! Hẳn bạn sẽ thất vọng, nhưng Chân Sư luôn sẵn sàng cho ai thành tâm, và lời khuyến khích của ngài ư ? “Rán thử, rán thử !”
Ngoài hai tác giả chính là HPB và A.A. Bailey, bạn nên đọc thêm các tác giả khác để mở rộng hiểu biết, làm cho nó tròn đầy và cũng để có quân bình. Tuy nhiên khi đọc nhiều sách hay nhiều tác giả, chuyện không tránh khỏi là bạn có thể bị rối trí và không hấp thu trọn vẹn.
● Rối Trí.
Một gợi ý là nên nghiền ngẫm kỹ đề tài mà ta cảm thấy hoang mang, chưa thấu đáo, cũng như áp dụng phần nào đã hiểu vào thực tế, từ từ sẽ có manh mối hiện ra dẫn ta đến nhận thức sáng sủa. Vậy hãy có can đảm, nhãn quan rộng rãi và uyển chuyển, vẫn giữ ý của mình đến khi biết thêm dữ kiện cho phép có kết luận đúng đắn, và tránh lòng khăng khăng giáo điều. Những tính này được xem là hướng dẫn tốt đẹp nhất trong bước đầu học hỏi của ta.
Sách ghi rằng nhiều người nhờ tham thiền và tiếp nhận các chỉ dạy cao hơn bình thường, đã từ Phòng Học Hỏi - The Hall of Learning bước sang Phòng Minh Triết, như mô tả trong quyển The Voice of the Silence - Tiếng Vô Thinh. Bạn có thể đọc lại sách này để biết thêm tính chất của hai giai đoạn đó. Chỉ ở trong Phòng Minh Triết mà ý nghĩa ẩn kín của nhiều điều trong sách mới được thực sự thấu đáo. Người ta vào được phòng này bằng cách tham thiền, và nơi đây chuẩn bị những bước phát triển kế cho người chí nguyện. Do vậy, hãy chuyên chú hành thiền và đừng xao lãng mục tiêu.
Ta đừng quên tác động của sách vở hay nói chung của huấn thị đưa ra - trong sách mà HPB và A.A. Bailey viết - thường làm nẩy nở thượng trí tức óc trừu tượng, và nhờ kích thích óc tưởng tượng việc đọc sách sẽ phần nào giúp mở trực giác.
● Đọc nhiều lần, đọc đi đọc lại.
Sách MTTL là sách học cả đời, những tác phẩm như Tiếng Vô Thinh là sách theo ta cho đến ngày cuối, vì vậy bạn có thể đọc từ quyển này sang
quyển khác, nhưng nên quay trở lại nhiều lần sách của HPB và A.A. Bailey. Mỗi lần xem lại là bạn đọc sách với kinh nghiệm sống trong thời gian qua, điều không có ở lần đọc trước, do vậy bạn sẽ hiểu sâu hơn, nhận ra nhiều điều mà trước đó vì tâm trí chưa đủ sâu sắc nên không nhận ra.
● Hấp Thu.
Chỉ có một cách duy nhất giúp ta hấp thu những gì đọc trong sách là sống chúng. Có nhiều điều được đưa ra, nhưng thực sự chúng chỉ đưa ra đủ để gợi sự chú ý của học viên, thúc đẩy họ có nỗ lực lớn hơn, học kỹ hơn và tìm kiếm sâu thêm, mà không có gì hơn. Sách không ghi, không nói hết mọi điều vì có những điều không thể ghi, không thể nói mà phải tự mình tìm ra bằng cách này hay cách kia. Kế tiếp, chỉ những gì đã hiểu và kinh nghiệm trong tâm thức, biết chắc như là một sự kiện, mới được kể tới trong sự phát triển huyền bí, về mặt đó lý thuyết và ý niệm trong trí não không có giá trị nhiều mà chỉ làm tăng thêm trách nhiệm. Điều sau có nghĩa khi nhận được hiểu biết, bạn có bổn phận san sẻ, truyền đi điều đã học cho người khác, mang lại thêm sự sáng cho chung quanh.
Chỉ khi các lý thuyết hay điều ghi trong sách được mang ra thử nghiệm, rồi sau đó được biết là là sự kiện trong thiên nhiên; và chỉ khi nào các ý niệm về trí óc được mang xuống chứng thực ở cõi trần thành kinh nghiệm thực tiễn, thì học viên mới ở trong vị thế chỉ đường được cho kẻ khác, đưa tay trợ giúp ai đi sau. Nói rằng ‘Tôi nghe’ có thể giúp ích và khuyến khích; thêm vô đó chữ ‘Tôi tin’ có thể cho sự quả quyết, chắc chắn, nhưng khi nói ‘Tôi biết’ thì đó là ý mạnh mẽ, hùng hồn rất cần trong cảnh đen tối tinh thần. Vẫn còn có ít người biết, nhưng người ta có thể biết được và chỉ cần chuyên chú, thành tâm, kiên trì trên đường.
Tham khảo
Letters on Occult Meditation - A.A. Bailey