CÁCH ĐỌC SÁCH (1)

 

 

XXem Bài Liên Quan

Từ khi hội được thành lập năm 1875 đến nay, có rất nhiều sách viết về huyền bí học và các tổ chức bí giáo ra đời; lúc gần đây với internet con số này lại tăng thêm đáng kể, và hệ quả ta bị tràn ngập tài liệu, gây khó khăn không những cho người mới bắt đầu tìm hiểu MTTL hay ai chưa có kinh nghiệm, mà luôn cả cho ai có quan niệm không đúng trong việc học hỏi TTH.
Bài chỉ giới hạn vào vài thái độ mà người đọc nên nhận biết để việc học MTTL có lợi ích, còn thì không đề cập tới nguồn tài liệu nào là thật hay giả, vì bạn sẽ phân biệt được chúng khi có kiến thức nhờ học hỏi và quyết tâm sống theo TTH, bởi sống đạo là việc bắt buộc nếu bạn muốn thấu đáo phần kiến thức thu thập qua sách vở. Với lại mỗi ngày có thêm tài liệu mới xuất hiện cả đúng lẫn sai, lời nhận xét hôm nay tự nhiên trở thành thiếu sót hôm sau, nên lập danh sách tài liệu nào dỏm và tài liệu nào thật là chuyện không đi kịp với thực tế.

1. Thái độ đầu tiên nên tránh là tin vào thẩm quyền của tác giả, của sách để chọn tài liệu nên đọc hay không, hoặc để định giá trị của chúng. Ta có câu 'Quá tin vào sách thì đừng có sách còn hơn', ấy là một cách nói về việc đặt niềm tin không đúng chỗ hoặc quá đáng vào thẩm quyền (authority) của sách, cho rằng hễ điều chi viết ra trên giấy trắng mực đen, và do ai mà ta nghĩ là có thẩm quyền, thì đáng tin. Tuy vậy, một trong những hình tư tưởng nguy hiểm nhất, đứng ngáng trên đường giải thoát của con người là hình tư tưởng về thẩm quyền. Điều dễ thấy là khi được cho hay về ý kiến, chủ trương này hay kia, người ta thường tự động hỏi:
- Ai nói vậy ?  Tác giả là ai ?
Câu hỏi nhắm vào 'ai' thay vì vào sự hợp lý, chính đáng của tư tưởng, cho thấy có quan tâm nhiều đến cá nhân hay nguồn của sách vở, hơn là chính giá trị của nội dung bài viết. Tâm lý ấy dẫn tới thái độ là khi được nghe ai nói rằng Chân sư dạy thế này hay thế nọ, và yêu cầu làm việc chi, thì người ta sẽ mau mắn tuân theo, vui vẻ sẵn lòng làm.
Nhưng sự vâng lời như thế sinh ra ảnh hưởng tai hại và không giúp ích gì cho ai sốt sắng tùng phục. Ai kể là họ có tiếp xúc với Chân sư, và thuật lại lời ngài thì luôn luôn thu hút được công chúng; hoặc cho biết là các ngài muốn điều chi, thì chắc chắn có lắm kẻ tin tưởng đi theo họ. Tuy nhiên ai tuân lệnh và tin lời thì chỉ là người mộ đạo mù quáng, có vâng lời không thắc mắc và sẵn lòng chấp nhận không suy xét điều mà họ được nghe, hãy thử hỏi ai muốn được người khác tuân theo như vậy ?
Ý không nói ra là hễ đó là lời của Chân sư thì đương nhiên đúng, phải được chấp nhận. Tương tự vậy, bộ Secret Doctrine hay những sách vở khác được các ngài gợi hứng thì không cần phải nói, quan niệm trên cho rằng sách chính xác mọi mặt, và phải được nhìn nhận là thế. Sự thực là ý kiến của ai thiếu sáng suốt, nặng lòng sùng bái, gây cản trở và làm giảm hiệu quả việc làm của các ngài hơn là trợ giúp.
Cách xử sự ấy không phải là sự biểu lộ của đời sống tinh thần chân chính, mà nó là sự biểu hiện của việc phàm ngã này đi theo phàm ngã khác. Con người không có được sự tự do ngày nay và nhân loại tiến đến mức này, bằng cách làm như vậy. Mặt khác, các vị huynh trưởng, Chân sư không hề cảm thấy vui thú với sự tuân lệnh, cách chấp nhận chân lý kiểu ấy, cũng như đó không phải là mẫu người trở thành các bậc Chân sư mai sau. Chỉ khi nào con người thoát khỏi thẩm quyền, không còn lòng sùng bái cái ngã của những đấng Cao Cả hay bất cứ vị thầy nào thì mới đạt tới quả vị Chân sư.
Trong thời đại Song Ngư (Pisces) đang tàn dần lúc này, đúng là lòng sùng tín đã dẫn dắt nhiều người vào sự sáng, nhưng nó là phương pháp của quá khứ, và thái độ ấy luôn là phản ứng của linh hồn còn trẻ trên thang tiến hóa. Nay ta nên biết nó không nhằm là phương pháp cho tương lai, và có thể nói chắc trong tân kỷ nguyên đó không phải là đường lối huấn luyện người chí nguyện.
Thí dụ cho việc tin vào thẩm quyền là trong một buổi họp, thính giả hỏi giảng viên rằng ông đắc chứng tới đâu ! Giả thử câu trả lời là cấp một, cách suy luận giản dị sẽ bảo công lực giảng viên chưa thâm hậu, người đạt cấp hai hẳn sẽ giảng hay và đáng tin hơn !  Trong khi sự thực là nếu ai thật lòng khao khát thì có nhiều cách để thỏa mãn khát khao đó, vì 'Kim thạch cũng có thể nói pháp', mà không cần đến người đắc chứng cao thấp ra sao.
Lại còn điều khác là nếu suy nghĩ kỹ, ta sẽ thấy là người hỏi không có cách nào để kiểm chứng câu đáp là thật hay không thật, cũng như ai được hỏi nhiều phần sẽ không trả lời, vậy hỏi để chi. Nó muốn nói câu hỏi phát sinh từ óc tò mò hơn là ý muốn học hỏi, càng không phải từ lòng khát khao chân lý; và do vậy không là thái độ thích hợp trong việc tìm đạo.

2. Thái độ thứ hai là tự giới hạn nguồn tài liệu, thấy rõ qua chủ trương của một số hội viên là chỉ đọc sách của bà Blavatsky và không màng tới các nguồn tài liệu khác cũng hữu ích được đưa ra sau này. Tuy nhiên nếu có thể nói thì vài nguồn tài liệu mà ai tìm hiểu về TTH có thể tin tưởng ngoài HPB là các sách của A.A.Bailey, Cyril Scott, G. Hodson. Khi gạt bỏ tác giả này và chỉ chấp nhận tác giả kia, thái độ ấy là một khía cạnh của việc tôn thờ cá nhân, thường khi là trở ngại cho sự tiến bộ. Ai tôn thờ một người nào sẽ đặt niềm tin quá đáng vào điều mà nhân vật đó nói hay giảng, và niềm tin này dẫn đến khẳng định là chuyện A hay B phải đúng / sai vì nhân vật lãnh đạo đã nói thế.
Như vậy cho bất cứ tổ chức nào, thành viên có thể được phân làm hai nhóm, một là những ai chịu suy nghĩ cho mình, và nhóm kia là những ai để  các nhân vật lãnh đạo suy nghĩ giùm cho họ, và điều sau hoàn toàn đi ngược với chỉ dẫn và tinh thần của MTTL. Bởi nền tảng của nó dựa trên sự tiến bộ, hay sự tiến hóa về trí tuệ, tinh thần của con người. Thực tế là khi ta trở thành sẵn sàng hơn để tiếp nhận thêm, các vị Huấn Sư  sẽ cho ra thêm hiểu biết, hay nói chung khi nhân loại phát triển hơn thì có chỉ dạy mới được đưa ra cho chúng ta.
Về điểm này, HPB viết là mỗi thế kỷ có nỗ lực cho thế giới thấy huyền bí học không phải là chuyện mê tín dị đoan. Khi cánh cửa được phép hé một chút, nó sẽ được mở ra rộng hơn mỗi thế kỷ sau, cho phép đưa ra những điều xưa nay chưa được tiết lộ. Huyền bí học không đứng dậm chân một chỗ, mà ai học hỏi khoa này nhưng có tâm tình cứng ngắc không theo kịp tinh thần, chỉ theo sát nghĩa đen của tài liệu đưa ra, mới là người đứng yên một chỗ.
Tác giả một cuốn sách là ai thì đã sao ? Nếu chỉ dẫn trong sách đưa ra vào lúc này phù hợp với những gì đã được truyền dạy trong quá khứ, thì học viên khôn ngoan sẽ đặt nó vào đúng chỗ và hiểu ra. Mỗi thế hệ sẽ có chỉ dạy cần cho nó để dẫn nó đi bước tới trên đường Đạo, và mỗi thế hệ phải làm như vậy để sự tiến hóa của nhân loại được diễn ra. Trong thiên nhiên không có gì đứng yên một chỗ và không thể chuyển dịch. Những ai tin rằng sẽ không có chân lý nào mới được đưa ra trong thế giới sau HPB, và chỉ có những huấn thị mà bà  trưng ra là đáng học hỏi, sẽ thấy về sau là họ bị sai lầm. Tương tự vậy, ai cho là hiểu biết mới sẽ được đưa ra mỗi trăm năm vào phần tư cuối của thế kỷ, thì cũng lầm lạc và khờ dại như ai không phân biện mà tin hết mọi điều được nghe, bất kể nguồn gốc hay nội dung.
HPB nói đúng khi tuyên bố là không có gì thêm sẽ được đưa ra sau khi bà qua đời cho đến cuối thế kỷ 20, nếu ta đặt lời ấy vào bối cảnh mà bà ngụ ý. Đó là bà muốn nói một trong các chu kỳ của cung một, tức chu kỳ một trăm năm. Ngoài cung một ta nên biết là những cung khác có chu kỳ riêng và sẽ có hiểu biết đưa ra theo chu kỳ của chúng, thí dụ tiến bộ khoa học đương thời. Chúng sẽ đến trong thế giới theo ảnh hưởng của chu kỳ cung năm, về hiểu biết cụ thể. Cung này đã tác động mạnh để cho ra ánh sáng chân lý vào cõi hiện tượng, và mở rộng cửa vào thế giới vô hình. Những vị thầy thuộc cung này đã làm được nhiều như HPB, trong việc phá vỡ ách duy vật mà nhân loại phải gánh chịu.
Mỗi thế hệ có những vấn đề mới và đặc biệt của nó, và sự phát triển không ngừng về tâm lý con người đòi hỏi có sự trình bầy mới về chân lý và từ ngữ mới. Tuy nhiên ngày nay, nhiều huấn thị có  giá trị đúng đắn bị lạc mất vì học viên tranh cãi nhau về thứ bậc, con người của vị thầy và họ có chân thực hay không. Người ta quên rằng chuyện quan trọng là nội dung mà không phải cái tôi của người viết, và cũng không nên cho rằng nội dung gợi hứng thì có nghĩa tác giả có địa vị tinh thần đáng kể. Hứng khởi duy nhất mà ta nên quan tâm là cái đến từ chân ngã của chính ta, nó sẽ khiến ta nhận ra được chân lý khi nào và nơi nào ta gặp nó; và địa vị duy nhất mà ta cần chú ý là mức của ta trên thang tiến hóa mà không phải là của ai khác.
Ta có thể kể ra vài điều nữa đáng chú ý theo quan điểm tinh thần.
- Tình huynh đệ đại đồng là điều quan trọng mà không phải là danh tính, hay ngôi thứ cao thấp của một ai trong Thiên đoàn. Ít khi ta có thể xác quyết được điều ấy cho mình, và khi nghe lời ai nói và tin theo thì ta chỉ là người theo đuôi và là kẻ sùng bái, thay vì là người biết suy nghĩ độc lập.
- Tuôn rải sự sáng là chuyện đáng kể và là điều mà thế giới đòi hỏi, mà không phải là việc kẻ mang lại ánh sáng cần được nhìn nhận công lao.
- Sự quảng bá chân lý dưới nhiều hình thức (và nhờ vậy thích hợp cho nhiều trình độ) là điều đáng được ta chú ý, thay vì mất giờ và tổn hơi sức để bác bỏ vị thầy này vì nói không đúng ý ta, hay tán dương vị kia vì ta tin là cần phải khen ngợi họ.
Nói cho sát thì con người và thứ bậc tiến hóa cao thấp của một ai là chuyện của họ, và không phải là chuyện của ai khác. Việc một ai là bậc đạo đồ hay là người chí nguyện sơ cơ thì hoàn toàn chỉ liên quan giữa họ và chân ngã của họ. Tới một lúc nào đó việc có thể liên quan đến vị Chân sư của anh hay với nhóm đệ tử mà anh có  liên kết; họ có thể nhìn nhận thành quả của anh và anh là một người trong nhóm của họ. Tuy nhiên sự việc không có gì đáng nói ở mặt ngoài, và không được thảo luận bên ngoài nhóm tinh thần mà anh thuộc về. Địa vị của một ai được xét theo mức phụng sự và sự hữu dụng tinh thần của họ, và không phải xét theo lời tuyên bố của họ hay ai khác là được mấy lần chứng đạo (initiation). Mức phát triển tinh thần là điều quan trọng mà không phải là ngôi thứ.
Người chí nguyện còn bị tình cảm chi phối thường có tính vâng lời mù quáng, và lòng hiến dâng khờ dại đối với vị Chân sư  hay bậc Guru mà họ chưa thể tiếp xúc. Mà họ không thể có sự tiếp xúc hằng  ao ước đó, bao lâu mà lòng sùng tín đầy cảm xúc chưa được chuyển hóa sang việc phụng sự quên mình cho nhân loại, không phải cho vị Chân sư.
Vậy nếu một cuốn sách trình bầy chân lý làm tiếp nối với những gì đã trưng ra trước đó, nếu huấn thị làm nâng ước vọng từ cõi tình cảm lên cõi trí (là nơi có thể tìm gặp Chân sư ) thì nó đáng tin. Ai nói gì khác đều không đáng kể. Nếu chỉ dạy khiến tâm trí ta đáp ứng, gợi nên lóe sáng trực giác thì nên chấp nhận, mà không được vậy thì không làm.
Mặt khác, khi đọc thấy điều gì chưa hiểu thì không cần phải luôn luôn kết luận là nó sai lạc, mà nên để qua bên và nhận là có lẽ ta chưa có đủ hiểu biết để có quyết định sáng suốt về chuyện. Ngoài ra đừng phí thì giờ chỉ trích nội dung hay bàn tầm phào về cá nhân, danh tính của vị thầy. Nếu ta không thích điều họ nói thì cần nhớ là thế giới có nhiều vị thầy khác có thể giúp ích cho ta. Luôn có chỗ cho nhiều vị thầy trong đời, cho trực giác của nhiều loại tâm trí khác nhau.
Lời dạy là có óc phân biện giữa điều quan trọng và không quan trọng, và việc hàng đầu cho mọi  người chí nguyện là phụng sự nhân loại. Hãy để tình huynh đệ, việc phụng sự và các nguyên tắc tinh thần xác định lời nói và hành động của ta, và không để cho sự phân biệt khờ dại và óc chia rẽ của hạ trí xen vào.

3. Cách chót là phân biệt giữa nhãn pháp và tâm pháp. Muốn làm vậy thì nhiều phần là bạn phải dùng đến trực giác. Việc làm thế nào để mở trực giác là đề tài ta sẽ dành cho một bài sau, ở đây ta chỉ đưa ra ý là cần có óc phân biện khi học hỏi. Do trí năng đặc biệt phát triển vào lúc này, nó là quan năng được nhiều tác giả sử dụng hơn là trực giác, và phần lớn tài liệu, sách vở lẫn internet, có tính nhãn pháp hơn là tâm pháp. Trí năng có vai trò hữu dụng của nó, nhưng bạn cần nhận ra giới hạn là khi học hỏi chuyện tinh thần, cái trí chỉ có thể đưa bạn đi xa tới một mức nào đó mà thôi.
Muốn đi sâu hơn để thông suốt vấn đề, bạn phải dùng quan năng khác là trực giác. Có những ý mà lý luận càng nhiều càng đưa tới bế tắc hay sai lầm, bởi giản dị là việc chỉ hiểu được trọn vẹn ở mức cao là tâm thay vì trí. Khi nhìn bằng cái tâm thì chẳng những bạn 'thấy' mà còn 'trở thành' là điều ấy, bạn không tách rời mà nhập một với sự việc, đi thẳng vào tâm sự việc trong khi trí năng chỉ đứng ngoài quan sát, phân tích, mô tả mà không nhận xét từ quan điểm bên trong. Trí năng dùng lời là phương tiện rất thiếu sót khi bàn chuyện tinh thần, đây là phương tiện không đủ khả năng để chuyên chở hết ý, đo đó muốn hiểu trọn bạn phải dùng tâm.
Thí dụ nhìn viên kim cương thì người ta thấy được toàn cảnh, sự chói sáng, trong suốt, các mặt rực rỡ, trọn viên óng ánh đủ mầu; còn nghe ai tả lại thì lời nói chỉ cho ra hình ảnh rời rạc khó làm bạn mường tượng ra đúng vật. Kế đó còn một yếu tố khác là trình độ người viết. Tùy nhận thức của họ mà ý tưởng xác đáng nhiều hay ít, nên bạn cần có hiểu biết rộng cùng cảm nhận trong nội tâm để biết tác giả đang trình bầy nhãn pháp hay tâm pháp, hầu xác định giá trị tài liệu. Nói ngắn gọn là chân lý nhỏ truyền bằng tư tưởng, lời nói từ ngoài vào, còn chân lý lớn hơn không thể truyền được, mà ta chỉ có thể đạt được nó bằng cách nhận thức, cảm biết từ bên trong, trở thành làm một với nó.

Đây chỉ là vài điều sơ khởi, nhắm vào các sai lầm hay thấy nhất trong việc đọc tài liệu TTH, nếu có dịp ta sẽ trở lại vấn đề và thêm chi tiết.

Theo:
- The Beacon, August 1934.
- Esoteric Psychology, vol. 1, A.A.Bailey.