THỂ TÌNH CẢM

Thể Tình Cảm  (tt)

 

Xem THỂ TÌNH CẢM 1

Kích thước

Thể tình cảm có hình bầu dục gồm nhiều mầu thấm nhập và bao quanh thể xác, ló ra ngoài cái sau từ 30 tới 45 cm. Chất liệu của thể rất co dãn nên hào quang có thể nở rộng hơn mức bình thường tới một mức đáng kể, tùy theo năng lực tình cảm tuôn ra nhiều ít. Thông thường, hào quang ló ra khoảng nửa cánh tay tuy người ta thay đổi rất nhiều. Lý do cho việc có khác biệt về kích thước nơi người là vì có kẻ hướng ngoại, và kẻ khác hướng nội nhiều hơn.
Nỗ lực hướng ra và liên lạc với người khác luôn luôn khiến   hào quang nở lớn. Thí dụ trong trường hợp của y sĩ và y tá, họ chú tâm đến và nỗ lực của họ hướng về việc giúp bệnh nhân; thầy cô hướng đến học trò không những về mặt trí tuệ, mà còn tuôn ra năng lực gợi nên chú ý và làm học trò lưu tâm; còn cha mẹ quan tâm đến con lẫn bầy tỏ lòng yêu mến.
Trong trường hợp của nhạc sĩ, kịch sĩ, giảng viên, chính khách v.v. hào quang của họ nở lớn trong lúc trình diễn, dầu vậy lúc nào nó cũng lớn hơn mức trung bình, vì nghề nghiệp khiến họ cần phải liên kết với đám đông. Có thể ai trình diễn tìm cách vươn ra một cách vô thức đến tất cả cử tọa, ngay cả những ai ngồi ở cuối thính phòng. Nỗ lực tiếp xúc này làm hào quang mở rộng. Ở mức nhỏ hơn, tất cả chúng ta làm cùng điều này bất cứ khi nào ta tìm cách liên lạc với người khác, như bầy tỏ ý, kể chuyện hải hước hay chỉ giản dị tỏ tình bạn và lòng thương mến. Thế nên co dãn là đặc tính căn bản của hào quang.
Dầu vậy, nói tổng quát thì có nhiều khác biệt lớn lao nơi người về kích thước hào quang của họ, nên ta không thể nói cỡ trung bình là sao. Ta cần nhớ điều ấy khi xem những hình vẽ hào quang trong sách. Chúng được vẽ có cùng kích thước nhưng chỉ là để cho tiện mà thôi, và không hề là vậy ở ngoài thực tế.
Hào quang mỏng manh ở ngoài bìa, hòa dần dần vào khoảng không bên ngoài và tình cảm tuôn chẩy tự do ra ngoài. Tuy nhiên nơi người đau ốm, sự đau đớn và lo lắng có khuynh hướng làm họ nghĩ nhiều tới mình, năng lực tình cảm phát ra lại quay vào thay vì tuôn chẩy ra ngoài như bình thường, và hào quang làm như có ranh giới nhân tạo ngăn với bên ngoài. Sự việc xẩy ra vì bệnh tật làm họ mất năng lực khiến không còn liên hệ với người khác dễ dàng và tự nhiên như trước. Nói thêm về bìa hào quang thì bìa cứng chắc, gói trọn hào quang cho thấy đó là người có tánh câu nệ thói đời, sống theo quan niệm của đời hơn là có suy nghĩ độc lập.
Hào quang có hướng tức có bên trên và bên dưới, có sự khác biệt giữa phần bên trong và bên ngoài, cũng như phần trước mặt và sau lưng. Nó trong suốt để cho ánh sáng chiếu xuyên qua, nó cũng sáng với ánh sáng từ bên trong chiếu ra, nó tương tự như đám mây ánh sáng có đủ mầu sắc của cầu vồng; hay như ánh trời lúc bình minh hoặc hoàng hôn đầy mầu sắc, nó đậm đặc đủ cho ta thấy nó mà cùng lúc thấy xuyên qua đó.

Mức Đậm Đặc

Có tình cảm ‘nặng’ và có tình cảm ‘nhẹ’ hơn, theo nghĩa mầu cái trước thô trược và mờ đục hơn. Năng lực tình cảm nào có liên hệ mật thiết với thân xác, thí dụ tình cảm về ngũ quan như thèm ăn, uống món gì, ưa thích vật chi, thì ‘nặng’ hơn và có vẻ lợn cợn hơn, cũng như có nhịp rung động chậm hơn. Chúng cũng nằm ở phần thấp nhất của hào quang. Các năng lực này không vững bền mà có thay đổi mau lẹ, chúng ảnh hưởng phần sinh lý như huyết áp làm có thay đổi chỉ trong lúc ngắn ngủi. Tình cảm tiêu cực như giận hờn, ích kỷ và tham lam cũng có khuynh hướng chìm xuống phần dưới đáy của hào quang.
Thể tình cảm có tính năng động, làm nó có thay đổi lẹ làng theo với tâm trạng của người, dầu vậy nó cũng có cấu trúc vững bền. Đa số chúng ta trải qua những lúc giận dữ, lo lắng, thất vọng, buồn thương hay nản lòng, tuy nhiên những tình cảm này thường chỉ thoảng qua và đi ra khỏi hào quang. Chúng rất thật với ta vào phút đó nhưng không làm thay đổi tâm tánh căn bản của ta, trừ phi tái đi tái lại mãi.
Ngược lại những tâm tình quen thuộc của ta lập lại nhiều lần mỗi ngày, sự tái diễn đều đặn ấy có thể thấy trong hào quang như là cái nền cho những tình cảm thoảng qua khác liên tục thay đổi trong ngày. Khuôn mẫu đó cho ta ý niệm về các tính chất căn bản mà một người phát triển trong một kiếp sống.

Mầu Sắc

Mầu sắc là một phần của hào quang mà cũng là chỉ dấu về tâm tánh và đặc tính. Thể sáng nhất và rực rỡ nhất ở chỗ ta hướng tâm và ưa thích; những phần khác không sống động bằng. Khi mầu sắc lan ra đến tận bìa hào quang, điều ấy muốn nói tình cảm đó diễn ra tự do; khi nó nằm gần cơ thể, ở bên trong một mầu khác, nó cho biết tình cảm mà mầu biểu lộ bị ức chế và không có tác dụng trong cuộc sống hằng ngày; hoặc mầu muốn nói tình cảm ấy có trong quá khứ và hiện thời không còn mấy năng lực. Nói khác đi, khi đó là tình cảm lành mạnh, rộn ràng và tích cực, chúng lan ra đến tận bìa hào quang và tuôn lực tự do ra ngoài.
Ta nói qua một chút về nguyên lý cộng hưởng vì nó liên quan tới làn rung động, và rung động là đặc tính cốt yếu của mọi thể. Áp dụng vào tình cảm, nguyên lý này biểu lộ qua việc ai có khuynh hướng về một loại năng lực tình cảm nào sẽ đáp ứng với nó khi nó có đó. Thí dụ khi ai nổi dậy tình cảm mạnh mẽ nào như giận dữ, năng lực sẽ tuôn vào cõi tình cảm làm mạnh thêm lòng giận dữ đã có sẵn ở đó. Hệ quả là ai dễ hờn, dễ bị khêu gợi lòng tức giận có tánh ấy hóa nặng hơn, tình cảm ấy hóa tăng bội.
Trên thế giới, chiến tranh, thiên tai hay ngay cả biến cố như kinh tế sụp đổ sinh ra lòng bất an lan rộng khắp nơi, ảnh hưởng càng lúc càng nhiều người, rồi tới phiên họ tăng cường sự lây nhiễm này. Khi người ta bị cuốn hút vì đột nhiên có sợ hãi hay phẫn nộ, họ thành dễ bị chi phối nơi cõi tình cảm, và cơn bão tình cảm có thể làm đám đông kinh hoảng rùng rùng kéo nhau bỏ chạy gây tai nạn, hay đám đông cuồng nhiệt có thể sinh bạo hành, giết chóc. Đây là nguyên do cho những hành vi tàn phá hay gặp khi khối đông người có chung cảm xúc.
Ta có thể tránh được việc nhiễm các tình cảm tiêu cực, không để mình bị làn sóng tình cảm tràn ngập, giữ cho mình bình tĩnh ngay cả khi có loạn động bao chung quanh ta, và sự vững vàng này có thể làm cơn cuồng nộ tan loãng dần và tiêu tán. Có nghĩa khi đối mặt với lòng giận dữ, ta không nhất thiết để cho mình cộng hưởng với nó trong tâm. Thay vào đó hãy tuôn tràn tâm tình đối nghịch là cảm xúc tích cực như sự bình an, lòng từ bi và thiện cảm. Những tình cảm này mạnh hơn tình cảm tiêu cực, và lảm ta mạnh thêm để đẩy lui chúng.
Chúng ta có thể ảnh hưởng một cách tích cực bầu không khí tình cảm mà tất cả mọi người chia sẻ, và theo cách ấy đóng góp vào phúc lợi chung cho mọi người.
Trở lại mầu sắc trong thể tình cảm, nguyên lý cộng hưởng tác động như sau, mầu sắc không phải chỉ tượng trưng cho trạng thái vào một lúc nào dó, mà còn phản ảnh tâm thức cõi cao. Thí dụ khi trong hào quang có nhiều mầu vàng, nó vừa muốn nói người bạn sử dụng trí năng nhiều, mà mầu cũng vừa tác động như là đường dẫn cho năng lực cõi trí đi vào cõi tình cảm.
Vì vậy, một số mầu trong hào quang biểu lộ tính chất của tâm thức cao, và khi chúng dễ dàng đi xuống, chúng có thể tăng cường khả năng căn bản của đương sự. Khi có điều ấy, nó muốn nói có sự hòa hợp hay cân bằng giữa tình cảm và các tâm thức cao như trí năng, trực giác và tinh thần.

Hai Bán Cầu

Về cơ cấu thì hào quang có thể được chia đại khái làm hai bán cầu, trên và dưới. Nửa trên biểu hiện đặc tính bẩm sinh hay tính chất của một người, những tiềm năng mà có thể hay không thể thể hiện trọn vẹn trong đời. Mặt khác ta cũng có thể nói các mầu này tượng trưng phần cốt yếu của một ai, hay điều mà họ có thể trở thành. Ngược lại, bán cầu dưới của hào quang thể hiện kinh nghiệm và hành động, và bị những tình cảm trong đời sống hằng ngày chi phối. Nói khác đi, những tính chất thấy trong bán cầu trên thì sâu xa hơn và bền vững hơn những gì trong bán cầu dưới, chỉ về việc gì xẩy ra trong đời và theo với thời gian, phản ảnh các tính chất và cảm xúc đang linh hoạt trong người vào lúc ấy.
Nói chung, bán cầu trên ít sôi động hơn bán cầu dưới, nhưng nó có thể thay đổi và có thay đổi trong đời. Khi tiềm năng được phát triển, mầu sắc đậm hơn và sáng chói hơn; khi không được vậy, chúng phai lạt và mờ hơn. Nếu đương sự thay đổi hoàn toàn định hướng của mình như bỏ tôn giáo của họ, mầu liên hệ tới lòng sùng đạo sẽ phai mờ, và các mầu khác sẽ bắt đầu thay thế nó.
Ngoài những điều nói ở trên được quan sát thấy trong bán cầu dưới, nơi này cũng lưu giữ thành quả của những kinh nghiệm trước kia của ta, tức những biến cố đã qua trong đời, nếu chúng còn tiếp tục chi phối ta, dù ta biết hay không biết. Mầu sắc hiện ở giữa phần này, tức là từ ngang hông xuống đầu gối, tượng trưng cho những tình cảm ta thường có, còn đi tuốt xuống dưới hào quang, kéo sâu xuống quá bàn chân là những tàn dư thuộc kinh nghiệm quá khứ.
Ký ức về những biến cố dữ dội và kinh nghiệm đau lòng, các nỗi sợ hãi kéo dài, lo âu và sầu não, tất cả những điều này đôi khi vương vấn ở đáy của hào quang, kéo dài nhiều năm và ảnh hưởng hành vi của ta theo những cách tinh tế. Suy nghĩ một chút ta sẽ thấy là quá khứ tự nó đã mất đi, chỉ có cảm xúc ràng buộc với ký ức của ta là còn kéo dài đến hiện tại. Khi hoàn cảnh, mối ưa thích và sinh hoạt của ta thay đổi, quá khứ mất ảnh hưởng đối với ta, và khi ấy dấu vết những ký ức này bắt đầu biến khỏi hào quang.
Bán cầu dưới vì vậy biểu lộ kinh nghiệm của ta, đời sống tình cảm của ta ngày này sang ngày kia, mô tả ta đang cảm xúc điều chi vào lúc này. Tuy nhiên không phải là thể tình cảm thay đổi luôn theo cảm xúc của ta, mà nó có khuôn mẫu riêng theo cá tính mỗi người và duy trì khuôn mẫu ấy. Chuyện có nghĩa sự đột ngột trào dâng của tình cảm mạnh mẽ như sợ hãi, tức giận có thể tạm thời tràn ngập hào quang từ trên xuống dưới; tuy nhiên chúng thường tan biến đi và không làm thay đổi cấu trúc của thể, tức vị trí thông thường của các tình cảm thấy trong thể.
Dầu vậy, khi ta bị mối thương tâm lâu dài hay lòng sầu não chi phối, tình cảm này có thể che khuất một thời gian dài những tình cảm thông thường có trong hào quang, với kết quả là năng lực tình cảm của ta cạn dần và lòng hóa chai đá. Bởi tình cảm nào được lập đi lập lại lâu ngày tạo thành khuôn mẫu cho thể tình cảm, việc dùng óc tượng hình và tham thiền có thể cho lợi ích lâu dài. Khi ta tập có thói quen thường xuyên sinh ra cảm tưởng yên bình, thương yêu và hòa hợp, những cảm xúc ấy thành bản tính tự nhiên, đi tới việc làm chủ phản ứng của ta với thế giới, và với những ai chung quanh.

Cơ Chế Điều Hòa Thể

Với thể xác, ta có thể nói nó đang tắm mình trong không khí bao quanh thân thể, tương tự vậy thể tình cảm cũng nằm bên trong cõi tình cảm. Ở cõi trần ta cảm biết hình ảnh, mùi vị, âm thanh và những lực vô hình ở cõi trần như vũ trụ tuyến, sóng radio v.v. Cũng y thế, ở cõi trung giới ta thường xuyên tương tác với cõi này nói chung, mà còn với thể tình cảm của những ai mà ta tiếp xúc.
Về nhiều mặt, tương tác này có thể làm ta mất năng lực, gây xáo trộn trong lòng, kiệt sức hay còn làm bị mất thăng bằng nếu ta không vững chãi. Có một cơ chế giúp ta được quân bình, giống như hệ miễn nhiễm giúp cơ thể đối phó với sự xâm nhập từ bên ngoài. Cơ chế làm việc bằng cách đẩy ra những tình cảm nào tiêu cực hay bất hảo, và thấy trong thể của mọi người nhưng chưa hề được mô tả trước đây. Bà Dora Kunz quan sát thấy chúng có hình chóp ngược nằm trên bìa của hào quang đối xứng với nhau, có vai trò là trao đổi năng lực giữa cá nhân và bầu tình cảm nơi cõi trung giới. Chúng đem năng lực thuộc cõi này vào thể rồi thải bỏ ra, tựa như bộ phận hô hấp hít vào rồi thở ra nhịp nhàng, kiểm soát diễn tiến hấp thu và thải bỏ.
Nơi người mạnh khỏe, trao đổi này là tiến trình tự động, làm cho năng lực tình cảm luân lưu và làm nó đầy trở lại khi tạm thời giảm bớt vì mệt nhọc. Nhưng có một điểm tinh tế khác trong việc này. Biển năng lực tình cảm bao quanh ta có chứa đựng nhiều điều bất hòa, tiêu cực và bạo hành, ta cảm ứng với những gì tương đồng với tình cảm của chính ta, thế nên ai bản tính vui vẻ, hân hoan sẽ tự động đẩy lui tình cảm tiêu cực như rầu rĩ và lo lắng.
Việc đẩy lui này là một phần của cơ chế điều hòa nói trên, nó ngăn không cho ta bị tình cảm người khác khống chế một cách vô thức, ngay cả khi ta đau ốm hay mệt mỏi. Sự bảo vệ này tự động diễn ra, nhưng khi ta yếu đi vì bệnh tật thì các hình chóp ngược này mở rộng hơn bình thường để mang năng lực vào nhiều hơn. Làm vậy khiến chúng mất sự kiểm soát phần nào. Khi có điều ấy xẩy ra, tiến trình thải bỏ bị hư hại chút ít, cho hệ quả là chúng ta dễ cảm ứng với tâm tình người khác và không dễ thải ra những tình cảm tiêu cực.
Thế nên khi đau ốm ta dễ xúc động hơn hay dễ bị xáo trộn trong lòng, và khó chống lại sự xâm nhập của cảm xúc tiêu cực như rầu rĩ hay lo lắng. Các tình cảm này tới phiên chúng ảnh hưởng khả năng hấp thu sinh lực prana để hoạt động tốt đẹp ở cõi ether. Đây là một lý do tại sao ai đau ốm nằm bệnh viện không nên có nhiều khách đến thăm, gây áp lực cho họ.

Sẹo Tình Cảm

Khi một tình cảm tái đi tái lại, thí dụ như khi ta gặp chấn động hay biến cố trở tới trở lui hoài, nó tạo nên hình ảnh trong thể mà bà Dora Kunz gọi là sẹo tình cảm, là những xoáy năng lực đặc hơn trong hào quang. Vị trí của nó trong thể cho biết mức độ lâu mau của kinh nghiệm này, càng linh hoạt chừng nào tức càng mới thì hình càng gần xích đạo của hào quang. Nếu không vui về điều gì ta hay nghiền ngẫm nó, làm kinh nghiệm vẫn còn sống động; khi nó được tình cảm lập lại mãi tăng cường, những ký ức này có khuynh hướng kết tụ lại thành biểu tượng hay sẹo, trông giống như xoáy hay vỏ sò vì chúng thường quay vào chính mình. Các biểu tượng được ‘nuôi dưỡng’ bằng năng lực tình cảm sinh ra khi ta suy nghĩ mãi về một chuyện đã xong, nên thường thấy có vẻ thật cứng, chắc.
Hình loại này là một ghi nhận về điều gì ta cảm xúc trong quá khứ, lẫn điều chi ta vẫn còn xúc động hiện nay, và chúng thường là kinh nghiệm gợi nên cảm xúc rất mạnh. Tuy nhiên khi biến cố sau cùng được giải quyết, hay khi hoàn hồn sau một chấn động tình cảm, ta không còn triền miên suy gẫm về chúng nữa, và thoát được ký ức đó. Khi việc này xẩy ra, vết sẹo tượng trưng cho tranh chấp bắt đầu chậm chạp tan rã, và năng lực chứa đựng trong đó dần dần tuôn ra ngoài thể.
Điều ngược lại cũng có, ấy là một kinh nghiệm tuyệt vời đã xảy ra lâu rồi mà ký ức không còn sống động, nhưng nó vẫn còn lưu lại như làn hương rơi rớt. Tuy đó là kinh nghiệm vui vẻ và hạnh phúc, nó cũng hiện ra như là một vết ‘sẹo’, một biểu tượng, nhưng loại này nằm ở bán cầu trên của hào quang.
Sẹo tình cảm không nhất thiết chỉ là ảnh hưởng tiêu cực lâu dài. Giả dụ khi đã ý thức chuyện gì làm ta bận tâm lâu ngày, cuối cùng hiểu ra nguyên nhân của nó và vượt qua được, kinh nghiệm ấy có thể rất tốt lành. Ấy là tại sao các tôn giáo đều nhấn mạnh việc tha thứ. Trên thực tế đó là trị liệu rất hay, tha thứ là khởi đầu cho sự tự do, thoát khỏi ràng buộc vào một ký ức đau lòng.

Luân Xa

Nói về các luân xa, ba luân xa cao là đỉnh đầu, giữa hai chân mày (ajna) và tim liên kết với nhau khi có bất cứ nỗ lực sáng tạo nào hay sự biểu lộ cái ngã; còn luân xa cổ họng và tùng thái dương (solar plexus, còn gọi là huyệt đan điền) đóng vai trò quan trọng trong việc biểu lộ tình cảm. Luân xa cổ họng đặc biệt liên quan đến sự tương tác giữa người với người, và với nỗ lực vươn ra liên lạc với kẻ khác; do đó nó đặc biệt nổi bật ở thầy cô, nhạc sĩ, diễn viên và những ai trình diễn bất cứ loại gì.
Tính sáng tạo liên quan đến luân xa ajna không hẳn chỉ giới hạn vào nghệ thuật và khoa học. Đúng hơn là sự sáng tạo biểu lộ như là những cách suy nghĩ mới, ứng dụng thực tế của óc tưởng tượng; óc khéo léo biết vượt ra lề thói rập khuôn và nghĩ ra những cách mới hơn để làm công chuyện. Óc sáng tạo loại ấy có thể biểu lộ gần như trong bất cứ địa hạt nào như kinh doanh, kỹ nghệ, chính trị và giáo dục, cũng như là nghệ thuật, khoa học và kỹ thuật. Khả năng tương giao dễ hợp với người khác, do việc hào quang có thể mở rộng mau lẹ, được tăng lên khi hai luân xa đỉnh đầu và ajna đồng nhịp với nhau, việc ấy cho người ta khả năng phóng chiếu mình ra chung quanh.
Tất cả những tương tác này có sự đáp ứng với nhau. Hoạt động của các luân xa làm sự tự thể hiện có tính sáng tạo được dễ hơn và tự nhiên hơn, rồi việc thực hiện khả năng ấy tới phiên nó kích thích các luân xa. Thí dụ, bởi luân xa đỉnh đầu liên quan chính yếu đến tâm thức, nó mở lớn nhờ tham thiền và thành sáng hơn. Luân xa ajna cũng chịu ảnh hưởng, nhất là loại tham thiền nào dùng nhiều óc tượng hình, hay bất cứ ngành gì đòi hỏi trụ chú ý vào một việc. Như vậy tham thiền khích động ba luân xa cao, và tới phiên hoạt động tăng bội của các luân xa làm các thể năng động và làm hòa hợp chúng, kể luôn thể xác.
Kinh nghiệm về mỹ thuật, tức đáp ứng với mỹ lệ dù trong thiên nhiên hay nghệ thuật, cũng làm mở rộng tâm thức và khiến ta vươn ra với lòng thiện cảm tới điều ta kinh nghiệm. Ở đây, cả hai luân xa tim và ajna đều linh hoạt, ajna vì nó liên kết với cảm nhận, và tim vì bản chất mở rộng của nó làm ta hợp nhất với những khía cạnh khác của thế giới.
Vì có sự hòa hợp giữa các luân xa của hai thể sinh lực và thể tình cảm, thay đổi trong thể tình cảm ảnh hưởng thể sinh lực, và theo cách ấy ảnh hưởng tới thể xác; nói khác đi năng lực tình cảm đi xuống vào thể xác do sự kết nối giữa các luân xa trong thể sinh lực và thể tình cảm.
Sự tương tác giữa các luân xa thật phức tạp. Tuy mỗi luân xa có hoạt động riêng của nó liên quan tới trọn hệ thống là thể, bên trong hệ thống vài luân xa lại có liên kết đặc biệt thân cận với nhau. Thí dụ là ba luân xa tim, ajna và huyệt đan điền; bộ ba khác nói ở trên là tim, ajna và đỉnh đầu.

Hòa Hợp Các Thể

Tuy mô tả các thể riêng biệt với nhau, ta luôn nên nhớ rằng không thể nào tách rời cảm xúc với tư tưởng, hay việc suy nghĩ với tình cảm. Sự hòa hợp chặt chẽ giữa trí tuệ và tình cảm là việc tự nhiên và bình thường. Nhưng có nhiều người hai yếu tố này không làm việc chung tốt đẹp với nhau, và việc thiếu hòa hợp này gây ra hoạt động sai lạc hay thiếu sót. Thí dụ có người sống thiên nhiều về trí năng và đâm sợ tình cảm, người như vậy thường bị yếu kém về mặt tình cảm.
Nơi một người có cân bằng, có sự đối xứng giữa phần cao và phần thấp của hào quang, mầu sắc thấy ở bán cầu trên có phản ảnh bên dưới, nó cho thấy họ sử dụng đầy đủ mặt tình cảm. Phản ảnh này tùy thuộc rất sát vào khả năng của con người thể hiện các đặc tính này trong đời. Trong trường hợp ấy, mầu sắc đều lan ra đến tận bìa của hào quang, vì tình cảm được biểu lộ tự do. Điều quan trọng hơn nữa là mầu sắc sẽ tụ vào tim, là điểm hòa hợp các thể. Ở nơi đây tất cả năng lực tụ lại với nhau, và con người hòa hợp các phần của mình. Tất cả ai phát triển cao, ai có khuynh hướng tinh thần mà bà Dora Kunz quan sát đều thấy trụ vào tim, như là có ý thức về tính hợp nhất hay mặt tinh thần của thế giới.

Phận Sự

Thể tình cảm có ba vai trò chính.
1. Cho ta có cảm giác
2. Xử sự như là cầu nối giữa cái trí và thể xác.
3. Tác động như là một thể độc lập cho tâm thức

Vài chi tiết khác.
Luân xa ajna: Có vẻ như luân xa này có khả năng đặc biệt là phóng đại theo ý muốn vật ở cõi trần và cõi trung giới tới bất cứ độ lớn nào, tựa như kính hiển vi. Ngược lại, ta cũng có thể dùng nó để nhìn vật có hình ảnh được thâu nhỏ lại.
Thể xác có ngũ quan với cảm nhận riêng biệt, còn chuyện khác hẳn với thể tình cảm; các nguyên tử trong thể chuyển động, trôi chẩy không ngừng và xoáy quanh như nước sôi, tức không có hạt nào chỉ ở trong một luân xa mà đi qua hết mọi luân xa. Mỗi luân xa xử sự như là một cảm quan, có cái chuyên về thị giác, cái khác về thính giác, do đó nói cho sát thì không một cảm quan nào trụ vào, hay giới hạn vào một phần riêng biệt của thể tình cảm, mà đúng ra tất cả những hạt trong thể có khả năng đáp ứng với kích thích từ bên ngoài.
Thí dụ nhãn quan ở cõi tình cảm cho phép người ta dùng bất cứ phần nào của thể để thấy vật chẳng những mặt trước mà luôn cả mặt sau, trên, dưới, bên hông. Những cảm quan khác cũng giống vậy, tức khi ở trong thể tình cảm ta có thể dùng bất cứ phần nào của thể để ‘thấy’, và thấy được đằng trước lẫn đằng sau ta. Nói khác đi những cảm quan ở cõi trung giới linh hoạt như nhau ở mọi phần trong thể.

Màng Lưới Che Chở

Các luân xa của thể sinh lực và tình cảm hoạt động rất gần nhau, nhưng ở giữa chúng và thấu nhập vào chúng theo cách thức không diễn tả dễ dàng là một màng đan chặt chẽ, gồm một lớp duy nhất các hạt nguyên tử ở cảnh cao nhất thuộc cõi trần được ép sát và cho một loại prana đặc biệt thấm qua. Sự sống thiêng liêng bình thường đi từ thể tình cảm vào thể xác qua màng che chở này một cách dễ dàng, nhưng màng là rào cản tuyệt đối cho tất cả những lực nào không thể dùng chất liệu nguyên tử ở cả hai cõi.
Màng lưới này là rào cản tự nhiên, ngăn chặn việc có thông thương quá sớm giữa hai cõi, việc này có thể dẫn tới thương tật. Bình thường nó làm ta không nhớ lại chuyện gì diễn ra trong giấc ngủ, và cũng gây ra việc mất tri thức tạm thời luôn luôn xẩy ra vào lúc chết. Nếu không có màng này, người bình thường có thể bị bất cứ thực thể nào ở cõi tình cảm xâm nhập vào bất cứ lúc nào, và họ không thể đối phó với các lực và bị chúng chi phối. Nếu việc này xẩy ra họ sẽ luôn bị các thực thể ở cõi trung giới chiếm nhập.
Màng lưới có thể bị làm tổn thương bằng nhiều cách:
1. Có chấn động lớn xẩy ra cho thể tình cảm như đột nhiên kinh hoảng có thể làm rách thể và khiến đương sự bị điên loạn. Lòng phẫn nộ dữ dội cũng có thể cho cùng hệ quả, hay bất cứ tình cảm rất mạnh mẽ nào khác thuộc loại xấu có thể làm bùng nổ trong thể.
2. Uống rượu hay dùng ma túy, kể luôn cả thuốc lá. Các thức này có chứa chất liệu mà khi biến thành chất hơi đi từ cõi trần sang cõi trung giới, tràn vào các luân xa theo hướng đối nghịch với hướng đúng ra phải theo. Khi liên tục đi ngược như vậy, chúng gây thương tổn nặng và sau cùng hủy hoại màng lưới mỏng manh.
Việc tan rã hay hủy diệt này có thể diễn ra theo hai cách tùy theo người và tỉ lệ các phần trong thể sinh lực và thể tình cảm của họ. Với một loại người, chất hơi tràn vào đốt cháy màng lưới và do đó mở cửa cho đủ mọi loại lực khác thường và ảnh hưởng xấu xâm nhập. Ảnh hưởng theo cách này gây ra điên loạn, bị ám nhập, mất trí tạm thời trong vài ngày.
Nơi người khác, chất hơi tràn qua làm hạt nguyên tử cứng lại khiến sự rung động của nó bị kềm hãm phần nào và làm suy yếu, nó không còn được loại prana đặc biệt - kết nó vào màng lưới - làm linh hoạt. Đây là kết quả của việc màng bị hóa cứng và thay vì có quá nhiều thông thương từ cõi này sang cõi kia, ta có rất ít việc qua lại. Ai như thế có khuynh hướng là những đặc tính của họ hóa chai cứng, trở thành duy vật thô lậu, hung tàn, nhiều thú tính, mất đi tình cảm thanh cao và khả năng tự chủ. Những điều này dễ thấy nơi ai nghiện thuốc lá.
3. Cách thứ ba gây tổn thương cho màng lưới là việc để cho ảnh hưởng cõi trung giới xâm nhập như ngồi đồng.
Chất liệu cõi trung giới rất thanh nhẹ hơn chất cõi trần, thấu nhập cái sau và di chuyển hoàn toàn tự do giữa các hạt ở cõi trần. Như vậy người ở cõi trung giới có thể chiếm cùng chỗ như người ở cõi trần, cả hai hoàn toàn không biết về nhau, và người này không hề ngăn cản sự di chuyển của người kia.

Theo
The Personal Aura - Dora van Gelder Kunz
Basic Theosophy - Geoffrey Hodson

Xin xem hình vẽ thể tình cảm trong PST 79.