THƯ GỬI ÔNG SINNETT
Thư Gửi Ông Sinnett (tt)
The Mahatma Letters to A.P. Sinnett
2-3-4. Ông Sinnett: Tôi không chép lại ở đây đoạn về nạn nhân của tai nạn trích trong thư của tôi ngày 12.8, và có vẻ như đối nghịch với câu sửa lại cho bản in thử bài Letter on Theosophy của tôi. Ngài đã viết ở mặt sau thư của tôi ngày 12.8 về những câu trích này: ‘Tôi có thể hiểu dễ dàng vì sao chúng tôi bị cáo buộc là mâu thuẫn và bất nhất, luôn cả việc hôm nay viết chuyện này và ngày mai bác bỏ nó. Nếu biết cách tôi viết các thư và thì giờ mà tôi có được cho chúng, hẳn bạn sẽ bớt chỉ trích hay đòi hỏi hơn...’
Đoạn này làm tôi nghĩ có thể vài thư ban đầu không chừng là nạn nhân của tai nạn.
Chân sư K.H.: Và bởi tôi nhìn nhận là dường như hay ở bề mặt có sự bất nhất, và chỉ là thế trong trường hợp của ai - như là bạn - hoàn toàn không quen thuộc với triết lý của chúng tôi, đó có phải là lý do chúng phải được xem là mâu thuẫn trên thực tế không ? Giả thử tôi viết trong một thư trước ‘mặt trăng không có bầu không khí’ rồi nói sang chuyện khác; và ghi trong một thư sau cho bạn ‘vì mặt trăng có bầu không khí riêng của nó’ v.v. chắc chắn là tôi phải bị buộc là hôm nay nói đen và ngày mai nói trắng. Nhưng ... người thông thạo kinh Kabal có thấy hai câu đó mâu thuẫn không ? Tôi có thể trấn an bạn rằng họ không thấy vậy. Bởi ai như thế biết là mặt trăng không có bầu không khí giống như của trái đất chúng ta, nhưng có bầu không khí riêng của nó, hoàn toàn khác với điều chi mà các khoa học gia của bạn gọi là không khí; và cũng biết là giống như người tây phương, chúng tôi người đông phương và nhất là các Huyền bí gia, có cách riêng của chúng tôi để biểu lộ tư tưởng thật minh bạch theo hàm ý của chúng tôi, như bạn có cách của bạn.
Lấy thí dụ bạn muốn dạy thiên văn cho một người. Hôm nay bạn nói ‘Kìa, xem mặt trời lặn rực rỡ ra sao, xem nó đi mau thể nào, xem nó mọc rồi lặn, v.v.’ và hôm sau tìm cách làm cho họ hiểu sự kiện là mặt trời so ra thì bất động, và trái đất của ta mới là vật có ánh sáng rồi mất đi theo chu kỳ ngày - đêm của nó; và mười lần như một, nếu học trò của bạn biết suy nghĩ hắn sẽ cáo buộc là bạn mâu thuẫn hoàn toàn với chính mình. Phải đây là chứng cớ rằng bạn không biết gì về hệ thống đặt mặt trời ở giữa ? Và bạn bị cáo buộc là ‘hôm nay viết điều này và ngày mai phủ nhận nó’ thì có công bằng không ? Tuy ý niệm về đúng lẽ sẽ khiến bạn nhìn nhận rằng bạn ‘có thể dễ dàng hiểu’ lời cáo buộc.
Viết thư như tôi viết, là vài dòng bây giờ rồi hai tiếng sau thêm vài chữ nữa; phải lần trở lại ý của cùng đề tài, và không chừng có hằng chục lần gián đoạn hay nhiều hơn giữa phần đầu và phần cuối của thư, tôi không thể hứa với bạn điều gì được như sự chính xác của tây phương. Cũng y vậy, ‘nạn nhân của tai nạn’ duy nhất trong vụ này là chính tôi. Việc đối chất ngay tình mà bạn đặt để với tôi - và tôi không phản đối - và mục tiêu chủ ý đặt trước về phần ông Hume, muốn bắt tôi quả tang có lỗi bất cứ khi nào ông làm được - là phương thức được xem rất hợp pháp và ngay thẳng theo luật tây phương, nhưng là người Á đông bán khai, chúng tôi phản đối nó rất mạnh mẽ - đã làm các Vị đồng sự và các Huynh đệ khác của tôi tin rằng tôi ưa thích tử vì đạo. Theo cái nhìn của các ngài, tôi đã trở thành một loại thầy tu Ấn - Tây Tạng theo kiểu khổ hạnh tây phương.
Dấu hỏi thắc mắc của chi bộ Simla như cái móc ghim tôi vào đó. Tôi thấy mình bị buộc phải loay hoay, tìm cách giữ thăng bằng trên đỉnh vòng bán nguyệt vì sợ bị rơi xuống phía trước hay phía sau, mỗi lần có chuyển động lửng lơ nào. Đó là tình trạng hiện giờ của thân hữu hèn mọn của bạn.
Suốt từ khi tôi nhận công việc khác thường là chỉ dạy hai học viên người lớn (chỉ ông Sinnett và Hume), với trí não mà phương pháp của khoa học tây phương đã kết cứng trong đó bao nhiêu năm - một người sẵn lòng đủ để chấp nhận giáo huấn mới có đặc tính chống phá giáo điều, mà dầu vậy họ cần được chăm chút cẩn thận; còn người khác chỉ chấp nhận với điều kiện là xếp loại đề tài theo cách họ muốn chúng xếp loại, mà không theo thứ tự tự nhiên của chúng - tất cả các vị Chohan của chúng tôi xem tôi như khùng điên. Họ nghiêm trọng hỏi là liệu việc tiếp xúc trước đây của tôi với ‘người da trắng’ tây phương có làm tôi thành người nửa da trắng, và cũng biến tôi thành nhà truyền giáo ‘dzing–dzing’ hay chăng. Những phản ứng này tự nhiên phải vậy, tôi không than vãn, tôi chỉ kể lại sự việc và muốn việc ấy được ghi nhận, chỉ mong là nó sẽ không bị hiểu sai lần nữa như là sự khuất lấp và thiếu ngay thẳng, để tìm cách thoát khỏi một khó khăn mới.
5. Ông Sinnett: ‘Đa số những người mà nếu muốn, bạn có thể gọi là ứng viên cho cõi Devachan, chết và sinh lại trong Kama loka mà không hồi nhớ... Bạn khó mà gọi là hồi nhớ một giấc mơ của bạn, một cảnh hay nhiều cảnh riêng biệt mà bên trong giới hạn chật hẹp của nó bạn gồm vài người ..., gọi nó là sự hồi nhớ của A.P. Sinnett’.
Chân sư K.H.: Bất cứ một thực thể bốn phần nào đã khuất - dù chết tự nhiên hay vì bạo hành do tự tử hay tai nạn, tâm trí bình thường hay điên loạn, trẻ hay già, tốt, xấu hay lưng chừng - mất mọi hồi ức ngay vào lúc qua đời; bị tiêu hủy về mặt trí não. Họ ngủ giấc ngủ akasha ở Kama loka. Trạng thái này kéo dài từ vài giờ, vài ngày (hiếm khi ít hơn thế), tuần, tháng, đôi khi nhiều năm. Tất cả chuyện này tùy thuộc vào thực thể ấy, vào tình trạng trí não của họ lúc qua đời, vào cái chết của họ có tính cách ra sao v.v. Việc hồi nhớ sẽ từ từ, chậm chạp trở lại với họ vào cuối lúc ngơi nghỉ ở cõi trung giới, với vỏ lại chậm hơn và ít trọn vẹn hơn nữa, và sẽ trọn vẹn cho chân ngã lúc nó bước vào Devachan.
Và nay, bởi cõi Devachan là trạng thái được xác định và xẩy ra do kiếp vừa xong, chân ngã không rơi đột ngột vào đó mà chìm từ từ qua nhiều chặng dễ dàng. Khi trạng thái ấy khởi sự, kiếp vừa xong diễn lại từ ngày đầu tiên có ý thức cho tới ngày cuối (hay chân ngã sống lại kiếp ấy lần nữa). Từ biến cố quan trọng nhất cho tới không đáng chút nào, tất cả được mang ra diễn lại trước con mắt tinh thần của chân ngã; chỉ có điều là không giống như biến cố của cuộc sống thật, điều thấy lại chỉ là những gì mà con người mới bám víu vào một số khung cảnh và nhân vật, các điều này còn đó mãi trong khi tất cả những điều khác phai mờ dần và biến mất hẳn, hay trở về vật tạo ra chúng, là vỏ.
Nay, hãy ráng hiểu luật công minh và bù trừ rất đỗi quan trọng này, theo hệ quả của nó. Không có gì tồn tại từ quá khứ được khơi dậy ngoài những gì chân ngã có cảm nhận tinh thần - điều chi nó đã sống theo và sống qua, và sống với khả năng tinh thần của nó - hoặc nó thương hay ghét. Tất cả những gì tôi đang cố gắng mô tả thì thực ra không thể mô tả được. Không có hai trạng thái Devachan nào giống nhau, tựa như không có hai người nào, ngay cả không hai tấm hình chụp nào của cùng một người, ngay cả không hai cái lá nào có gân lá giống nhau từng chút một. Trừ bậc đạo sư là người có thể có được trạng thái như vậy trong Devachan định kỳ của họ, làm sao một người mong có được hình ảnh đúng thực về trạng thái ấy ?
6. Ông Sinnett: ‘Chắc chắn khi linh hồn vào cõi Devachan, nó còn giữ lại “trọn hồi ức của kiếp sống vừa qua trong một khoảng thời gian tỉ lệ với đời sống cõi trần”.’ (Trích thư 68 của đức K.H.)
Chân sư K.H.: Vì thế, không có gì là mâu thuẫn khi nói rằng chân ngã một khi sinh vào cõi Devachan ‘giữ lại trong một khoảng thời gian tương xứng với cuộc sống dưới thế của nó ‘trọn hồi ức về cuộc đời (tinh thần) của nó trên trần’. Ở đây lại một lần nữa, chỉ quên có chữ ‘tinh thần’ làm gây ra hiểu sai !
7. Ông Sinnett:’Tất cả những ai chưa rơi vào hố tội ác không thể cứu vãn được và thú tính - thì đi vào Devachan’. (Trích thư 68 của đức K.H.)
Chân sư K.H.: ’Tất cả những ai không rơi vào bầu thứ tám – thì đi vào Devachan’. Chỗ nào có điểm cần nói hay chỗ nào có mâu thuẫn ?
8. Ông Sinnett: ‘Nó (Devachan) là thiên đàng uốn theo ý tưởng của một ai, trong mỗi trường hợp nó là do chính đương sự tạo ra, họ vẽ vời cảnh trí, đặt vào đó tình tiết mình muốn, và tạo ra nhân vật mà họ muốn có trong cảnh hoan lạc đền bù’. (Trích thư 68 của đức K.H.)
Chân sư K.H.: Trạng thái Devachan, tôi xin nhắc lại, có thể được giải thích hay mô tả một chút bằng cách mô tả chi tiết và gợi hình trạng thái của một linh hồn được ngẫu nhiên chọn, tựa như đời mọi người có thể được mô tả tập thể bằng ‘đời Napoleon’ hay của ai khác. Có hằng triệu trạng thái khác nhau về hạnh phúc và đau khổ, trạng thái cảm xúc có nguồn gốc của chúng là giác quan và quan năng vật chất cũng như là tinh thần, và chỉ điều sau (có nguồn gốc tinh thần) là còn tồn tại. Một công nhân lương thiện sẽ cảm thấy khác với một triệu phú lương thiện. Trạng thái của cô Nightingale (người sáng lập ra ngành điều dưỡng) sẽ khác biệt đáng kể so với trạng thái của một cô dâu trẻ chết trước khi thành hôn, điều mà cô xem là hạnh phúc. Hai người trước thương yêu gia đình họ; cô Nightingale - nhà nhân ái - thương yêu nhân loại; cô gái trẻ đặt trọng tâm thế giới vào người chồng tương lai của mình; người ưa thích nhạc không thấy có trạng thái hoan lạc và hạnh phúc nào cao hơn nhạc, là nghệ thuật có tính thiêng liêng và tinh thần nhất trong các nghệ thuật.
Devachan hợp chung từ mức cao nhất đến thấp nhất bằng những cấp không đo lường được; từ mức chót của Devachan, linh hồn thỉnh thoảng cảm thấy nó ở trong trạng thái A Tỳ Avitchi nhẹ nhất, điều mà tới cuối việc ‘chọn lọc tinh thần’ các biến cố có thể trở thành cõi A Tỳ thật sự. Xin nhớ là mỗi cảm xúc chỉ tương đối. Không có tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ nào đúng nghĩa. Niềm hoan lạc vút cao và hớn hở của một ai ngoại tình, kẻ mà do hành động của mình giết đi hạnh phúc của người chồng, thì cho dù có bản chất tội phạm cũng được sinh ra không kém phần tinh thần.
Nếu họ cảm thấy chỉ một lần lương tâm cắn rứt (lương tâm luôn luôn phát sinh từ nguyên lý sáu tức Bồ đề tâm) trong lúc có hoan lạc và tình thương tinh thần thực sự, sinh từ nguyên lý sáu và năm dù bị dục vọng của nguyên lý bốn hay Kamarupa (tình cảm) làm ô nhiễm ra sao, thì nỗi cắn rứt ấy phải tồn tại và sẽ không ngừng đi theo những cảnh tượng về tình thương thanh khiết. Tôi không cần đi vào chi tiết, vì ai biết rành về sinh lý học như bạn - theo tôi nghĩ - chẳng cần để cho óc tưởng tượng và trực giác của mình được người quan sát tâm lý như tôi gợi ý.
Hãy tìm kiếm nơi sâu thẳm trong lương tâm và ký ức bạn và xem những khung cảnh nào dễ làm bạn lưu tâm, khi gặp cảnh ấy lần nữa bạn thấy mình sống nó trở lại; và - bị vướng vào đó - bạn sẽ quên hết mọi chuyện - như lá thư này giữa những việc khác, vì khi sự việc diễn tiến mãi về sau nó mới tới trong cảnh bao la bát ngát của đời được sống lại của bạn. Tôi không có quyền nhìn vào cuộc đời đã qua của bạn. Bất cứ khi nào có thể thoáng thấy nó, tôi luôn hướng mắt ra nơi khác, vì tôi phải xử sự với ông A.P. Sinnett hiện thời - (cũng là ‘sáng chế mới’ hơn ông A.P. Sinnett trước) - mà không phải với người cũ.
Phải, chỉ Tình thương và lòng Thù ghét là hai cảm xúc bất tử; nhưng các mức độ nhiều ít dọc theo bẩy nhân bẩy âm giai của trọn phím đàn của đời thì vô số. Và bởi hai cảm xúc này - (hay nói cho đúng tôi có nên làm bị hiểu lầm lần nữa và nói rằng đó là hai cực của ‘linh hồn’ con người, là một tổng hợp ?) - uốn nắn trạng thái tương lai của con người, hoặc là Devachan hay Avitchi, thế thì những loại khác nhau của các trạng thái như thế cũng phải vô cùng. Và điều này dẫn ta đến than phiền sau của bạn.
9. Ông Sinnett: Ta cũng không thể gọi đó là hồi ức trọn vẹn mà chỉ là hồi ức bán phần. Lòng thương yêu và ghét bỏ là các cảm xúc duy nhất bất tử, những điều duy nhất còn lại của thế giới vật chất. Vậy thử tưởng tượng ta vào cõi Devachan với những ai mà ta đã thương yêu với tình thương bất tử như vậy, với những khung cảnh quen thuộc mờ ảo làm nền có liên quan tới họ, và sự trống vắng hoàn toàn mọi điều gì khác về đời sống văn chương, xã hội, chính trị trong tâm ta.
Chân sư K.H.: - vì, khi đã loại ai như Ratigans (chủ tờ báo mà ông Sinnett là chủ bút), Reeds ra khỏi đời đã qua của bạn, những người cùng với bạn không vượt qua khỏi ranh giới của hạ trí với vận cụ của nó là kama hay tình cảm, cái ‘hồi ức bán phần’ của một đời là gì. Lằn ranh đánh dấu bằng cây viết chì đỏ nhất của bạn cũng bị loại bỏ. Bởi nay làm sao bạn cãi lại sự kiện là với những nhạc sĩ thượng thặng như Wagner, Paganini, và nhiều nghệ sĩ chân chính khác, nhạc và hòa âm là đối tượng cho tình thương tinh thần sâu xa nhất và lòng tôn kính ? Tôi xin phép bạn không đổi một chữ nào trong đoạn này.
10. Ông Sinnett: ‘Bởi cảm nhận hữu thức về cái tôi trên trần của một ai chỉ là giấc mơ thoảng qua, cảm nhận ấy cũng y vậy cho giấc mơ trong cõi Devachan, chỉ khác là điều sau nồng đậm trăm lần hơn’. (Thư 68 như trên)
Chân sư K.H.: Đáng tội là bạn không có lời phê bình riêng đi theo những câu trích. Tôi không hiểu là bạn phản đối chữ ‘giấc mơ’ theo nghĩa gì. Lẽ tự nhiên niềm hoan lạc và đau khổ chỉ là giấc mơ, và bởi chúng thuần tinh thần chúng được ‘tăng bội’.
11. Ông Sinnett: “…ai sành nghệ thuật dành bao năm tháng mê mẩn lắng nghe các hòa tấu khúc cõi trời do dàn nhạc tưởng tượng và ban đồng ca với giọng hát thiên thần xướng lên”. (Thư 68)
Chân sư K.H.: Đã trả lời
12. Ông Sinnett: Vậy không có trường hợp nào có khả hữu là buổi cầu hồn thu hút được ai khác tới, ngoại trừ ai tự tử và vỏ. Ở ngoài lề tôi nói ‘rất ít khi’ nhưng không hề nói chữ không bao giờ.
Chân sư K.H.: Khi trả lời ý phản bác của ông Hume - người mà sau khi tính toán xác suất với ý rõ rệt muốn đè bẹp chỉ dạy của chúng tôi, khăng khăng rằng nói cho cùng người thông linh học đúng và đa số vong linh trong các buổi cầu hồn là ‘Linh hồn’ - nếu tôi viết ‘ Vậy không có trường hợp nào, ngoại trừ người tự tử và vỏ’, và ai chết vì tai nạn còn đầy đam mê trần thế, có khả hữu nào cho ai khác không v.v., hẳn tôi phải là một ‘giáo sư’ ? Thử nghĩ xem, hăng hái như bạn muốn đón nhận các triết lý đối nghịch với vài điểm quan trọng nhất của khoa học vật chất từ đầu tới cuối, bạn lại thuận theo đề nghị của ông Hume muốn chẻ cộng tóc làm tư chỉ vì một thiếu sót giản dị !
Bạn thân mến, cho phép tôi thưa là lý lẽ tự nhiên sẽ khiến bạn nghĩ là ai hôm nay nói ‘không có trường hợp nào v.v.’ và vài ngày sau phủ nhận là không hề nói chữ ‘không bao giờ’, thì chẳng những không phải là vị đạo sư mà phải là kẻ trí não không ổn hay có ’tai nạn’ nào khác. ‘Ở ngoài lề tôi nói ‘rất ít khi’ nhưng không hề nói chữ không bao giờ’ muốn nói đến cái lề của bản vỗ của thư bạn N.II; lề đó, hay đúng hơn để tránh lời cáo buộc mới, là mảnh giấy trên đó tôi viết vài chữ nhắc tới đề tài và dán vào lề bản vỗ của bạn, bạn đã cắt ra cùng với bốn câu thơ. Tại sao bạn làm vậy thì chỉ có bạn biết, nhưng chữ ‘không bao giờ’ nói đến lề ấy.
Tôi xin ‘nhận lỗi’ về một tội. Tội đó là cảm giác bực bội hết sức mạnh mẽ đối với ông Hume khi nhận lá thư đắc thắng có tính toán của ông; bạn thấy câu trả lời cho thư này nhập trong trả lời cho bạn, khi tôi viết cho bạn chi tiết về trả lời của bạn cho thư của ông Khandalawala mà bạn gửi lại cho HPB. Phải chi không bực bội thì chắc tôi sẽ không có lỗi là đã quên chữ. Giờ đó là karma của tôi. Không việc gì tôi phải cảm thấy bực bội, hay mất bình tĩnh, nhưng tôi tin lá thư ấy của ông là lá thứ bẩy hay tám thuộc loại ấy mà tôi nhận được trong vòng hai tuần. Và tôi phải nói ông bạn của chúng ta có thói quen châm chọc, nhất là dùng trí thông minh của mình biện luận theo cách không ngờ nhất để chọc giận người khác, mà tôi chưa hề gặp !
Với cái cớ thuần lý, ông sẽ giả vờ đâm đối thủ vài nhát gươm bất cứ khi nào không tìm được điểm yếu, rồi khi bị bắt gặp và vạch trần, ông sẽ trả lời một cách ngay tình nhất, ‘Nào, đó chỉ là để có lợi cho bạn thôi, và lẽ ra bạn phải cảm thấy biết ơn ! Nếu là vị đạo sư hẳn tôi sẽ luôn luôn biết người viết cho tôi thực sự muốn nói gì’, v.v. Là ‘đạo sư’ về một vài mặt, tôi có biết ông thực sự muốn nói gì, và ý của ông là như thế này: nếu chúng tôi tiết lộ cho ông trọn triết lý của chúng tôi, không có điểm bất nhất nào mà không giải thích, vậy cũng chưa đủ, làm gì cũng không xong. Ông sẽ có phản đối và tranh luận hoài không hết. Giải thích một chuyện và ông sẽ tìm lỗi trong lời giải thích; làm ông thỏa mãn bằng cách chỉ cho thấy là xét kỹ thì lời giải thích hoàn toàn đúng, thì ông sẽ tấn công kẻ đối mặt là nói quá chậm hay quá mau. Đó là chuyện BẤT KHẢ - và tôi đành chịu. Cứ để việc diễn ra cho tới khi quá độ thì nó phải giải quyết lấy...
Tuần sau tôi sẽ xem những câu hỏi khoa học của bạn. Hiện giờ tôi không ở nhà mà ở rất gần Darjeeling tại Lạt Ma viện, nơi mà HPB đáng thương mơ ước đến. Rất có thể tôi sẽ phải đích thân hỏi chuyện HPB nếu đức M. mang bà tới đây. Và ngài phải mang bà đến - hay mất bà vĩnh viễn, ít nhất về mặt thân xác. Và nay xin chào bạn...
Thư 86.
Nhận tháng 9-1882
Thư riêng. Trước đó ông Oxley viết thư gửi báo The Theosophist rằng có gặp Chân sư K.H. và nói chuyện với ngài ở cõi trung giới. Nay Ngài nhờ ông Sinnett viết cho ông Oxley rằng ngài chưa hề đến gặp ông bằng thể vía hay có trò chuyện với ông. (còn tiếp)