NHỮNG KHẢ NĂNG LẠ LÙNG

 

Những Khả Năng Lạ Lùng

 Xem Mục NHỮNG KHẢ NĂNG LẠ LÙNG 

Quyển Breakthrough to Creativity (1967) có tựa không chính xác lắm. Sách không nói gì về óc sáng tạo, mà có chủ đề là trình bầy những quyền năng còn ẩn tàng của con người chưa giải thích được, phù hợp với mục đích thứ ba của hội. Nội dung lạ lùng, thích thú, có lẽ vì tác giả có sinh hoạt đáng nói. Shafica Karagulla (1914 - 1986) là người viết quen thuộc với bạn đọc của PST, vì báo nhiều lần trích đăng hai sách khác của bà là The Chakras and the Human Energy Fields Through the Curtain. Bà sinh ở Turkey, là y sĩ tâm thần và có nhiều nghiên cứu về lãnh vực này. Tuy nhiên khi hoàn cảnh đưa đẩy khiến phải có chọn lựa, giữa sự thăng tiến trong nghề nghiệp và cuộc phiêu lưu đầy bất trắc vào lãnh vực có chút huyền bí là quyền năng còn ẩn tàng của con người, bà suy nghĩ kỹ rồi chọn lối rẽ vào nơi vô định, không biết sự nghiệp sẽ đi về đâu mà rủi ro thì rất thật. Bởi khoa học rất khắt khe với những gì không thể dùng ngũ quan để lượng xét, và uy tín của ai nghiên cứu có thể bị tổn hại lớn lao.
Đó là cách nhìn bình thường, còn một cách nhìn khác là khi chuyên về một hướng tới mức nào đó, vì các lý do như để tiến bước hơn hay để làm quân bằng sự phát triển, con người đôi lúc phải quay 180 độ đi theo hướng nghịch hẳn với hướng đã có từ trước tới nay. Có dằng co trong nội tâm, có đau khổ nhưng ai khôn ngoan sẽ nghe theo thúc giục trong tâm.
Chẳng những Shafica Karagulla đổi hướng mà còn rất tích cực trong ngành mới, có hoạt động nghiêng hẳn về Theosophy khi cộng tác với Dora van Kunz và Viola P. Neal. Bà lập ra cơ sở tên Higher Sense Perception Research Foundation nghiên cứu những quyền năng này, cùng giảng dạy chúng ở đại học. Như thế, mục đích thứ ba của hội được Shafica Karagulla theo đuổi rất nồng nhiệt, tận tình. PST hân hạnh giới thiệu sách đến cùng bạn, ta đọc sách mà cùng lúc theo dõi hành trình của một linh hồn.
Bài do Thanh Thiên dịch.

 Là một y sĩ chuyên về ngành tâm thần (neuro-psychiatry), não bộ, cơ thể và tâm trí là lãnh vực chuyên biệt mà tôi từng nghiên cứu và chữa trị từ nhiều năm. Biết rằng không ai trong chúng ta có được tất cả những câu trả lời nên tôi vẫn liên tục nghiên cứu trong  bao năm, để có thêm hiểu biết mới về các vấn đề của bệnh nhân của tôi, và về trọn vấn đề của con người và môi trường sống của họ. Tôi cảm thấy là y khoa và ngành tâm thần hợp lại có thể giải đáp một số lớn các câu hỏi mà các y sĩ về tâm trí và cơ thể phải đối đầu.
Qua bao năm nghiên cứu tại Đại Học Edinburgh và Montreal Neurological Institute, tôi đã tạo được tiếng tăm cho mình trong lãnh vực trên. Vài nghiên cứu của tôi được nhin nhận là có giá trị tại cả Hoa Kỳ và Anh quốc. Chính vào thời điểm này tôi gặp những hiện tượng không thể được xem là mất trí, mà cũng không được xếp hạng như là bình thường và lành mạnh.
Vào tháng 8 năm 1956 có người bạn hỏi tôi có chịu đọc một cuốn sách hơi khác thường với tinh thần "cởi mở" chăng. Cô biết rằng tôi sẽ hăng hái chụp ngay bất cứ kiến thức mới nào trong lãnh vực của tôi, nhưng cô cũng cẩn thận cho biết là cuốn sách mà cô chọn không hẳn là có tính khoa học. Cô bạn nghĩ nó là sách làm ta đặt câu hỏi mà có thể có hay không có câu trả lời. Nếu đồng ý đọc thì tôi phải hứa là sẽ đọc cho hết dù thích hay không.
Lòng hiếu kỳ nổi lên và tôi chắc chắn tin là mình có tinh thần cởi mở. Tôi đồng ý đọc quyển sách. Đó là một quyết định của số mạng. Kể từ ngày đó tôi cứ tự hỏi mình có nên mở trí vào buổi chiều nóng bức tháng tám đó chăng. Chắc chắn là tôi không hề biết rằng điều đó sẽ  ảnh hưởng sự nghiệp y khoa đang diễn biến tốt đẹp của tôi, lãnh vực nghiên cứu và trọn quan niệm của tôi về cuộc đời. Lòng phấn khởi về viễn ảnh của việc khám phá, hay thăm dò chân lý mới nào đó, luôn luôn thắng mối quan tâm của tôi về sự an toàn tài chánh hay nghề nghiệp. Với quyết định hăng hái chịu đọc sách, tôi đi vào những ranh giới mới về tâm trí con người, và nó làm thay đổi trọn hướng đi về nghề nghiệp của tôi trong ngành y khoa và khoa học.
Cô bạn gửi tôi quyển sách về ông Edgar Cayce với thêm một điều kiện khôn khéo kèm vào. Khi đọc xong cuốn này tôi có hứa là sẽ đọc tiếp dụ ngôn nổi tiếng "The Cave" trong quyển "Republic"  của triết gia Plato không ? Sau khi xong cả hai sách cô rất muốn biết phản ứng của tôi ra sao. Vì tôi là một y sĩ tâm thần (psychiatrist), cô cho rằng ý kiến của tôi về hiện tượng Edgar Cayce hẳn sẽ làm sáng tỏ nhất.
Sự rúng động mà hiện tượng Edgar Cayce gây cho cuộc sống thành nếp của tôi, có thể được hiểu rõ nhất nếu tôi nói thêm một chút đặc biệt về sự nghiệp khoa học của tôi. Tôi đã dành mười hai năm lượng xét và nghiên cứu các bệnh nhân tâm thần, trong đó có hơn năm năm ở Đại học Edinburgh dưới sự hướng dẫn của nhà tâm thần học nổi tiếng của Anh quốc, Giáo Sư Sir David K. Henderson. Tôi nhận được tài trợ đặc biệt trong ba năm để lượng xét trị liệu chạy điện (electric convulsive therapy) cho bịnh nhân tâm thần. Tôi rất quen thuộc với những trạng thái bất thường của tâm trí, đặc biệt là ảo giác và ảo tưởng.
Khi không tìm được câu trả lời cần có về chữa trị bằng cách chạy  điện electric convulsive, tôi quay sang ngành thần kinh học. Lại thêm một quyển sách đưa tôi theo đường hướng nghiên cứu mới. Quyển "The Cerebal Cortex of Man" của Penfield và Rasmussen thuộc Montreal Neurological Institute là một mốc điểm khác trong đời tôi. Sách mô tả lại việc gây ra ảo tưởng và những kinh nghiệm bất thường khác nơi bịnh nhân đang có giải phẫu não  mà tỉnh thức hoàn toàn. Kim điện   đặt vào những chỗ khác nhau của não trong lúc giải phẫu, làm ta có thể xác định những vùng và điều kiện tạo ra trạng thái bất thường có liên quan đến sự điên loạn.
Khi vừa xong việc làm của tôi ở Anh quốc, tôi sang Canada ngay và là phụ tá cho Dr. Wilder Penftield trong ba năm rưỡi. Là y sĩ tâm thần trong nhóm của ông tôi lượng định các bịnh nhân bị động kinh và các bịnh khác về thần kinh và trí não, tôi hiện diện trong những cuộc giải phẫu óc của ông, ghi lại những trạng thái bất thường do giải phẫu mà có, rồi so sánh và so sánh chúng với những sự bất thường hay gặp nơi ai điên loạn. Trong những năm nghiên cứu và làm việc này, tôi hiểu được rõ ràng sự khác biệt giữa ảo tưởng và ảo giác của người bị điên loạn. Tình trạng độc hại và sự hư hại của bộ óc đã tạo điều kiện để xảy ra các triệu chứng được thấy rõ trong việc chẩn bịnh.
Tôi viết một bài khảo cứu khoa học về việc làm tại Viện Thần Kinh Học với tựa đề "Psychical Phenomena in Temporal Lobe Epilepsy and the Psychoses".  Bài này sau đó được xuất bản chung với Elizabeth Robertson trong British Medical Journal tháng ba ngày 26 năm 1955. Bài viết nhận được sự khen ngợi rất đặc biệt và thuận lợi của chủ bút.
Tôi đọc sách về Edgar Cayce với kinh nghiệm làm việc như thế. Ông không thuộc vào bất cứ phân loại nào của tôi, như người bị điên loạn hay có thần kinh bất bình thường, hay ngay cả cho ai tỉnh táo bình thường. Không dễ dàng gì gạt bằng chứng trong sách qua bên. Có vài điều tôi không thể chấp nhận, nhưng có biết bao chứng cớ được ghi nhận rõ ràng là Edgar Cayce  có những khả năng mà ta không thể giải thích, hay hiểu theo nghĩa của môn tâm lý học hay tâm thần học hiện đại.
Edgar Cayce có thể nằm dài trên ghế, tự đặt mình vào "trạng thái ngủ say" lạ lùng, rồi quan sát và tả về một cá nhân hay bịnh nhân cách xa đó hàng trăm cây số. Người mà ông quan sát thường khi là người lạ mà ông hoàn toàn không biết gì về họ, ngoại trừ tên và nơi họ sống. Ông có thể mô tả căn phòng người này ở trong đó, dung mạo,  y phục, tính tình và thể chất như thế nào, mô tả những phần khác nhau có bệnh trong cơ thể, mức lan tràn của bệnh và sự nghiêm trọng của nó.
Các bằng chứng được cẩn thận ghi chép lại xác nhận những quan sát của ông Cayce, trong khi ông nằm yên kể lại bằng một giọng bình thường điều gì ông 'thấy'. Lúc tỉnh thức ông Cayce thường biết trước nhiều chuyện mà sau đó được xác nhận khi việc xảy ra. Những cộng sự viên làm việc với Cayce ghi lại nhiều tiên đoán này, và có bằng chứng ghi nhận rằng các tiên đóan của ông được ghi chép trước khi chuyện xảy ra. Theo quyển sách ông Cayce còn có mấy khả năng lạ lùng khác mà ông sử dụng nó lúc hoàn toàn tỉnh thức, trong đó có khả năng thấy được những thể thanh của con người và thú vật.
Quyển sách là một thách thức cho trọn quan điểm về y học và khoa học của tôi. Tôi biết khá nhiều về não bộ và hệ thần kinh. Tôi quen thuộc với những triệu chứng khi não bị thương tật và động kinh. Ảo tưởng và ảo giác nơi người điên loạn không thể giải thích được hiện tượng Edgar Cayce. Ông Edgar Cayce làm đổ vỡ hết những lý thuyết tôi có về bản chất của trí não con người. Tất cả những kiến thức mà tôi có được qua bao năm tháng học hỏi, nghiên cứu rồi thực hành, không cắt nghĩa được hiện tượng này. Tôi  phải đối diện với vấn đề, hoặc quay lưng lại với những sự kiện làm hoang mang, hay chấp nhận thử thách là có nhiều người được trời phú cho những khả năng kỳ lạ mà khoa học không giải thích được.
Quyển sách đã tạo nên một lỗ hổng trong trí não khoa học của tôi. Tới điểm này tôi quay lại đoạn văn gợi ý trong "Republic" của Plato. Nó lại là một tiềm năng thách đố khác. Biết đâu chính tôi như người trong hang động của Plato, bị ràng buộc vào một quan điểm cho rằng mình biết hết mọi câu trả lời. Dụ ngôn đáng được kể lại trong sách này.
"Tôi sẽ trình bày một câu chuyện về việc bản chất của ta được sáng suốt, hay không sáng suốt tới bực nào. Hãy tưởng tượng con người sống trong lòng một hang động dưới đất, cửa hang mở rộng để ánh sáng chiếu vào khắp nơi trong hang. Họ đã sống trong đó từ thời thơ ấu. Đôi chân và cổ của họ bị xích lại làm họ không thể di chuyển và chỉ có thể thấy vách hang động trước mặt, sợi xích ngăn không cho họ quay đầu . Bên trên và sau lưng họ ở xa là ánh sáng rực rỡ của mặt trời, giữa mặt trời và tù nhân là một con đường trên cao với bức tường thấp xây dọc theo đó. Bạn có thấy trên con đường đó nhiều kẻ đi qua lại khuân đủ thứ, tượng, hình thú vật làm bằng gỗ và đá hay bằng những chất liệu khác, tất cả hiện ra như những chiếc bóng trên vách của hang động mà tù nhân đối mặt ? Vài tù nhân nói chuyện, kẻ khác thì lặng thinh.
" 'Anh cho tôi thấy một hình ảnh lạ lùng và họ là những tù nhân kỳ lạ', Glaucon đáp lời.
"Như chúng ta, họ chỉ thấy bóng của họ mà thôi, hay bóng mà ánh sáng mặt trời chiếu trên vách đối diện của chiếc hang, về người và những đồ vật được mang theo. Nếu có thể nói chuyện với nhau, liệu họ sẽ cho là điều gì thấy trước mắt là thực tại ? Và giả dụ thêm nữa là chốn hang tù này có tiếng vang vọng lại từ phía bên kia tường. Liệu họ sẽ không cho tiếng nói mà họ nghe là phát ra từ những chiếc bóng xuất hiện trên tường, khi một trong những ngưởi trên đường nói chuyện ?
"Đối với họ sự thật theo sát nghĩa đen không gì khác hơn là cái bóng của hình ảnh.
"Rồi khi có người tù nào được tự do và đứng bật dậy, quay người bước và nhìn về ánh sáng họ sẽ thấy đau nhói và không thể thấy thực tại của hình bóng mà các bạn đồng tù trước đây với họ đã thấy. Hãy tưởng tượng ai đó nói với tù nhân này rằng những gì anh ta thấy trước đó chỉ là một ảo giác. Phải anh ta bị hoang mang không ? Phải anh sẽ tin là hình bóng thấy trước đó là thực hơn những gì anh được cho thấy bây giờ? Nếu bị buộc nhìn thẳng vào mặt trời, hẳn mắt của anh sẽ bị đau nhói và phải quay đầu đi chỗ khác, đúng không ?  Phải chăng anh sẽ trở lại với bóng trên tường, vì anh có thể nhìn chúng và xem đó là thực tại rõ ràng hơn những vật nay anh được cho thấy?
"Anh cần phải làm quen với cảnh tượng của thế giới cao hơn. Sau rốt anh sẽ có thể nhìn thấy mặt trời. Rồi anh tin rằng mặt trời là nguyên do tạo ra bốn mùa cũng như năm tháng, và mặt trời cũng là kẻ giữ gìn mọi vật trên thế gian, và chắc chắn mặt trời cũng là nguyên nhân của mọi vật mà anh và bạn đồng cảnh ngộ đã thấy.
"Khi nhớ lại thói quen xưa và hiểu biết của anh cùng các bạn đồng tù trong hang động, bạn có tin rằng anh sẽ tự khen mình về thay đổi này và tội nghiệp cho họ ? Hãy tưởng tượng thêm nữa ai như vậy bị đem khỏi chỗ sáng và đặt trở lại vào cảnh tối tăm cũ của họ. Phải chăng họ sẽ bị quáng mắt không thấy gì ?
"Nếu có so sánh và anh phải so sánh việc xác định những hình bóng khi mắt anh vẫn còn yếu,với những người tù không bao giờ được ra khỏi hang, có phải anh bị xem là kỳ cục ? Người ta sẽ nói về anh rằng, ‘Anh ta đi lên rồi đi xuống mà không có mắt để nhìn’, và rằng tốt hơn đừng nghĩ đến chuyện đi lên. Nếu có ai tìm cách thả một người tù và dắt họ tới sự sáng, bắt được thì kẻ trước sẽ bị tử hình."

Tôi tự hỏi  " Phải đây là thực tại mà ta chưa biết ?" Cuốn sách về ông Cayce tiếp tục làm tôi điên đầu. Bởi nói cho cùng, những sự kiện trong sách cần được giải thích. Đây là bằng chứng cụ thể về tiềm năng của trí não con người nằm ngoài phạm vi tôi được luyện tập, và kinh nghiệm của tôi. Giả thử tôi bỏ nghiên cứu hiện tại của tôi và việc làm trong ngành thần kinh và tâm thần đã có nề nếp, để học hỏi và lượng xét các hiện tượng này?
Đây là một lãnh vực nghiên cứu chưa được nhìn nhận là có giá trị để áp dụng phương pháp khoa học. Liệu tôi có thể tìm ra phương thức nghiên cứu có thể áp dụng cho loại hiện tượng này? Có lẽ đây là lúc để một khoa học gia và y sĩ  có khả năng nghiên cứu một lãnh vực mới, về kinh nghiệm của con người. Khi nghĩ về vấn đề này, tôi nhận biết rằng không thể mong được đồng nghiệp hay bạn bè khuyến khích, và không chừng tôi phải trực diện với nhiều lời phê bình.
Có ai khác như ông Cayce có khả năng nhận thức vượt quá giới hạn của ngũ quan không ? Có thể tìm ra họ để khảo sát ? Tôi có thể tìm được câu trả lời cho hiện tượng Nhận Thức bằng Cảm Năng Cao (Higher Sense Perception HSP) này không? Sức thu hút của sự thật mới  có thể khám phá  này thật không cưỡng được. Tôi bắt đầu cân nhắc kỹ việc để qua bên thanh danh và nghề nghiệp của mình để nghiên cứu toàn thời những ai có tài năng lạ lùng và kỳ diệu này.
Tôi khởi sự cẩn thận tìm hiểu trong nhóm thân hữu của mình về những ai có khả năng khác thường như vậy. Ban đầu còn ngại ngùng khi nói về quan tâm mới mẻ này của mình, hẳn tôi đã làm bạn bè và đồng nghiệp thắc mắc. Về sau những dò hỏi ướm thử lớn dần thành dự án nghiên cứu khoa học hoàn toàn, và trở thành công việc của đời tôi. Cuốn sách này là câu chuyện là về những gì tôi đã khám phá được. Nó không cho câu đáp, mà cũng không nhằm để trả lời. Nó đưa ra các sự kiện và vài câu hỏi. Những sách khác có thể có thêm sự kiện và câu trả lời. Tôi vẫn luôn giữ một đầu óc cởi mở, thật xui, nên không có đường rút lui cho mình. Đây sẽ tiếp tục là dự án cả đời cho tôi.
Tôi quyết định đã tới lúc viết một loạt sách tài liệu về Nhận Thức bằng Cảm Năng Cao (Higher Sense Perception) để khuyến khích lãnh vực nghiên cứu này. Tương lai con người trên trái đất có thể được ảnh hưởng lớn lao nhờ vào việc khám phá và phát triển quan năng nhận thức cao. Thật ngạc nhiên là ngày nay có rất nhiều người sở hữu quan năng như vậy ở nhiều mức độ khác nhau. Tôi không biết những điều này khi bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu mới đầy tính cách khoa học của mình.
Chắc chắn là tôi đến khúc quanh làm thay đổi sự nghiệp của mình. Tôi vừa được mời làm trưởng phòng nghiên cứu khoa tâm thần tại một trường y khoa mới, cộng thêm chức giáo sư khác. Đi theo hướng này thì sẽ đạt nhiều danh tiếng trong ngành của tôi. Có cơ hội tuyệt diệu để nghiên cứu thêm và làm việc trong ngành thần kinh và tâm thần. Tôi ý thức đây là bước ngoặt của đời mình. Hoặc là tôi sẽ tiếp tục vươn lên mãi tới hàng đầu của nghề nghiệp trong những lãnh vực nghiên cứu đã được chấp nhận, hay tôi sẽ lao vào biển hiểu biết mênh mông của con người mà chưa ai biết, chưa có đường lối vạch ra.
Tôi có nên đạt được mọi chuyện và có an toàn nghề nghiệp trong ngành của mình, và bỏ đi nỗi hân hoan tràn ngập cùng lòng phấn khởi của việc theo đuổi điều chưa biết và vượt qua giới hạn của sự thật? Chuyện lạ là khi ấy tôi đã quyết định nhanh chóng không chút ngần ngại trong lòng, và không có tiếc nuối. Tôi luôn có "thái độ không sợ hãi để du hành dù đường mòn chưa được vạch ra." Tôi quyết định rằng nếu cần thì tôi có thể "bỏ mọi việc," hân hoan với thử thách mới là thăm dò trí não của người.
Tôi đã có quyết định. Sao đi nữa, khi ngày giờ đến để đi những bước cuối cùng, tôi có cảm tưởng như đang nhẩy xuống nước lạnh. Tôi từ bỏ lớp dạy ở New York Medical School. Tôi không nhận chức vị đáng kể được mời đảm trách, mà sửa soạn cho CUỘC DU HÀNH VỚI TINH THẦN CỞI MỞ.
Tôi coi lại tài sản của mình, vốn không nhiều cho lắm. Trong nhiều năm, việc dạy học cũng phòng mạch tư của tôi thường hay bị gián đoạn bởi những lúc có nghiên cứu tìm thêm giải đáp. Việc này được trả lương nhờ các tài trợ nhỏ của chính phủ hay chức khảo cứu gia, nó không giúp thêm mấy cho tài chánh của y sĩ, dù rằng công việc có thể cho phần thưởng to tát khi khám phá ra hiểu biết mới.
Dự án nghiên cứu mà tôi sắp đặt chân vào nhiều phần là ban đầu sẽ không nhận được tài trợ hay chức khảo cứu gia. Đa số các tổ chức nghiên cứu không muốn có rủi ro khi đầu tư tài chánh vào một dự án quá "xa vời" như vậy. Ai dám định giá một dự án khi có quá ít hiểu biết về nó? Tôi sẽ phải khởi đầu bằng cách tự lo phần tài chánh cho công việc khảo cứu của mình, cho đến khi tôi tin là nó có giá trị. Có lẽ trong vòng sáu tháng tôi có thể thâu lượm đủ bằng chứng để thu hút được một trong các tổ chức biết nhìn xa hơn, để họ chịu tài trợ. Nếu tôi không chủ ý nắm lấy cơ hội, làm sao mong một tổ chức chịu làm?
Khởi đầu tôi đặt một kế hoạch. Tôi sẽ dành vài tháng đọc hết những gì có thể tìm được về tài năng và khả năng lạ lùng thuộc vào loại  "Nhận Thức bằng Cảm Năng Cao". Đồng thời tôi cũng cố gắng hết sức để tìm càng nhiều người  càng tốt ai có khả năng loại này. Tôi sẽ đặt ra thể thức để thử người như vậy. Tôi phải biết thêm về các loại khả năng, và mức mà ta có thể dùng thể thức nhận ra chúng và xác định.
Khi đi sâu vào tài liệu lịch sử của những khả năng lạ thường này, tôi đã thấy nhiều bằng chứng được ghi lại rất thích thú từ hơn hai trăm năm qua hay trước nữa. Tôi đọc các bài tường trình về việc làm tại Duke University. Thực vậy, tôi đọc bất cứ điều gì, và tất cả những gì có thể tìm được mà có liên quan đến đề tài này.
Tìm được người có những khả năng này không phải là dễ. Thoạt tiên nhiều lần tôi muốn rút lui không làm nữa. Tôi phải loại bỏ những ai được gọi là có khả năng tâm linh - psychic, ai có thể có chút khả năng nhưng hoặc là thích làm hoặc cần phải làm, để kiếm tiền bằng cách trưng ra ‘khả năng tâm linh’ với công chúng dễ tin. Nhiều người thật tình và có khả năng thật sự hay tưởng tượng. Vài kẻ là người phỉnh lừa khôn khéo. Vì lý do nào đó tôi tránh xa chữ ‘khả năng tâm linh’ và những người tự cho là mình có khả năng. Tôi không thấy có gì đáng để làm cuộc khảo cứu đàng hoàng trong nhóm người này. Cuối cùng tôi thấy là không thể bỏ hẳn qua một bên nhóm người có khả năng tâm linh kiếm sống bằng lời nhận xét và tiên đoán, nhưng tôi phải tìm người làm đề tài cho khảo cứu của mình ở nơi khác.
Tôi quay lại cuốn sách đã đọc với đầu óc cởi mở, "Edgar Cayce, Man of Miracles", của Joseph Millard. Có lẽ việc tốt nhất để làm là bắt đầu với những hồ sơ của ông Edgar Cayce. Tôi quyết định ở thời điểm này phải nghiên cứu thật kỹ về những hồ sơ của ông Cayce được lưu trữ tại Virginia Beach. Có vẻ ông là người thành thật và thật là nạn nhân miễn cưỡng vì khả năng kỳ lạ của mình, nghiên cứu kỹ càng lượng rất lớn các hồ sơ có thể sẽ cho tôi hiểu biết mới.
Khi đọc qua những hồ sơ này có rất nhiều điều tôi không thể chấp nhận, nhưng tôi tìm thấy bằng chứng về khả năng mà kiến thức ngày nay của chúng ta không thể cắt nghĩa, vì nó vượt ra ngoài khả năng của ngũ quan. Ông Cayce không có triệu chứng gì là có bệnh tâm thần.
Điều làm tôi chú ý nhất trong tất cả các bằng chứng, là khả năng mô tả chính xác của ông Cayce điều ông ‘thấy’ ở xa hằng trăm cây số, khi ông ở trong trạng thái tâm thức nào đó. Những gì ông thấy được xác nhận rất nhiều lần, là rõ ràng và là thông tin chính xác. Nhân chứng là người có tư cách đàng hoàng không thể chối cãi được, nhiều vị có kiến thức về khoa học đã xác nhận thông tin mà ông Cayce đưa ra là đúng thật. Hơn nữa, các tài liệu cho thấy ông đã cho thông tin luôn chính xác, mà không ai hiện diện tại đó có thể có được. Nếu một người có khả năng này thì nó là một hiện tượng có giá trị cho cả nhân loại. Nếu một người có khả năng như thế thì hẳn phải có nhiều người khác giống vậy. (tt)

Xem tiếp  NHỮNG KHẢ NĂNG LẠ LÙNG 2