NHỮNG KHẢ NĂNG LẠ LÙNG

Những Khả Năng Lạ Lùng (tt)

Breakthrough to Creativity – Shafica Karagulla

Xem Mục NHỮNG KHẢ NĂNG LẠ LÙNG

 Tâm thần học và ngành y khoa công nhận một số trạng thái tâm thức, hay tình trạng nửa tỉnh nửa mơ có thể được nhận dạng và lượng xét. Nhưng không trạng thái nào có ai luôn cho thông tin chính xác, hết sức rõ ràng về người và sự kiện ở xa. Trạng thái tâm thức của ông Cayce chắc chắn không phải là đang mê, điên loạn hay bị ức chế. Rõ ràng là ông không bị hôn mê hay thôi miên. Sự thực là ông Cayce rất khó bị thôi miên. Trạng thái ‘ngủ’ lạ thường mà theo đó ông tiếp xúc với người khác hay sự việc ở xa là tình trạng ông chủ ý tự tạo cho mình. Trong trạng thái đó ông trả lời câu hỏi trôi chảy và hợp lý, hoặc diễn tả tình trạng về thể chất của bịnh nhân mà ông chưa hề gặp và có thể ở cách đó ngàn dặm.
Bây giờ là năm 1957, và ông Cayce qua đời năm 1945. Hẳn phải có ai khác đang sống có những khả năng tương tự, hay những khả năng khác cũng lạ lùng như vậy. Tôi loại bỏ hẳn con số to tát những người có khả năng tâm linh. Tôi bắt đầu nghĩ rằng phải có những người trí não vững vàng có thể có những khả năng lạ và đặc biệt này, mà giữ kín không lộ mặt. Có lẽ có người không thích muốn ai biết là họ sở hữu khả năng khác thường. Hiển nhiên là ông Cayce, cuối cùng quyết định dùng khả năng trời cho của mình để phục vụ đời, đã có cuộc sống thật xáo trộn, khó khăn. Ông gặp phải hai thái cực, từ thái độ tin tưởng hoàn toàn cho đến ý không tin và chê trách.
Tôi ráng nhớ lại xem mấy năm qua có thảo luận gì về những loại nhận thức khác thường. Rồi tôi nhớ lần đầu tiên khi phương pháp qui củ theo khoa học của tôi thực sự bị thách thức. Đó là năm 1954 ở Ottawa, Canada. Tôi đến chơi cuối tuần  ở nhà của một ông đại sứ và người vợ, vì họ là bà con của tôi. Buổi trò chuyện của chúng tôi gồm nhiều đề tài trải rộng. Ông cứ trở lại ý tưởng rằng có những thực tại mà con người không thể biết tới bằng ngũ quan. Ông khăng khăng là không phải ai thấy linh ảnh hay nghe có tiếng nói trong đầu đều là bị xáo trộn tâm thần. Ông nhắc đến những chữ như linh cảm, thông nhãn.  Tôi tin chắc là mình có câu trả lời cho loại hiện tượng này. Tôi chắc chắn là câu trả lời cho bất cứ hiện tượng nào thuộc loại này có sẵn trong sách, nói về óc bị hư hại do sinh lý hay cơ cấu. Trong thâm tâm tôi cảm thấy sững sờ khi ông đại sứ, với óc thông minh và khả năng mà tôi rất kính phục, lại có thể coi trọng những chuyện như thế.
Ngày hôm sau tôi lại ở nhà một ông đại sứ khác, con trai của ông từng là bịnh nhân của tôi. Ông cũng bàn về việc có những loại nhận thức nằm ngoài ngũ quan. Tôi thấy lạ lùng là hai người đàn ông, với cấp bực là đại sứ đảm đương trọng trách với quốc gia của họ, lại có thể quan tâm đến những chuyện vô nghĩa giống vậy. Tôi cẩn thận không để ý nghĩ lộ ra. Cả hai không nao núng mà còn thích thú,  đề nghị rằng tôi nên quan tâm tới các chuyện này. Họ nói rằng ông McKenzie King, thủ tướng Canada hơn hai mươi năm, đã chấp nhận những khả năng lạ thường của tâm trí là hữu ích và thực dụng.
Lúc chia tay, bạn tôi tặng tôi quyển sách của LeComte de Nuoy với tựa đề, "Human Destiny". Quyển sách làm được một chuyện ở giai đoạn này trong sự nghiệp của tôi. Nó khiến tôi phải dừng lại nhìn vào phương pháp khoa học mà ta ứng dụng. Nói cho sát thì phương pháp có giá trị như ta nghĩ  không ?  Cơ cấu vững chắc và tin được của các sự kiện khoa học xem ra không còn đáng tin cậy nữa. Tuy nhiên, những ngày bận rộn kế tiếp tại Montreal Neurological Institute làm tôi không có giờ để nghĩ về các phương pháp khoa học của ta, vì tôi quá bận rộn áp dụng chúng.
Tôi bắt đầu nhớ lại những chuyện khác xảy ra trong mấy năm qua mà hoặc là tôi không để ý đến, hay trong đầu đã gác qua một bên để về sau tìm hiểu. Nay làm như cần xem lại những chuyện trong quá khứ này theo quan tâm mới của tôi.
Tôi nhớ đến giáo sư Aitken ở đại học Edinburgh. Tôi gặp ông khi làm thí nghiệm về trị liệu bằng cách chạy điện tại đại học Edinburgh năm 1950. Lúc ấy ông đang là trưởng khoa toán học và tôi cần được giúp mặt thống kê trong công việc của mình.
Trong lúc thảo luận về thống kê chúng tôi lan man qua những đề tài khác. Tôi khám phá ra ông có trí nhớ rất lạ lùng, và ông có thể ngồi xuống viết lại nguyên cả một bản hòa tấu theo trí nhớ, sau khi chỉ đọc nhạc phổ có một lần. Ông có thể đọc lướt qua một quyển sách, không cần phải ghi chép những điều cần nhớ, vậy mà ông có thể ngồi xuống đọc cho người khác viết nguyên quyển sách theo hồi ức. Khả năng toán học của ông là điều làm tôi kinh ngạc nhất. Ông có thể giải đáp những bài toán phức tạp nhất ngay tức thì, và ông có thể giải nó nhanh hơn máy điện toán (computer) điện tử.
Giáo sư Aitken rất sẵn lòng cho tôi xem khả năng toán học của ông, và theo đó ngày kia chúng tôi gặp nhau cho việc ấy. Ông đề nghị tôi viết xuống một con số thật dài, hai mươi tới một trăm số hạng hay nhiều hơn nữa theo sự chọn lựa của tôi. Sau đó tôi đọc cho ông nghe rồi ông sẽ cho biết căn số của nó ngay sau khi tôi vừa đọc xong. Tôi viết ra một số có khoảng bốn mươi số hạng rồi đọc cho ông nghe. Ngay lập tức ông cho tôi hay căn số của số này. Rồi sau đó chúng tôi đánh số ấy vào máy điện toán điện tử và thấy là ông trả lời đúng. Đánh những con số này vào máy điện toán mất thời gian dài hơn là tôi đọc cho ông rồi ông cho giải đáp. Ông làm như vậy nhiều lần với những số khác nhau, và ông luôn luôn nói ngay câu trả lời  đúng. Tôi cũng khám phá ra rằng ông có thể nhớ cả ngàn con số sau khi người ta đọc cho ông nghe, và có thể lập lại ngay tức thì theo thứ tự xuôi hay ngược. Người trung bình chỉ có thể nhớ từ tám tới mười số khi đọc ngược lại.
Giáo sư Aitken cảm thấy khả năng trời phú này làm ông không giống ai nên cho đây là điều khó chịu. Ông buồn rầu nói với tôi "Bác sĩ à, nó không bình thường." Trong lúc nói chuyện ông cho hay là hai trong số anh em của ông cũng có tài năng tương tự.
Nay nhớ lại buổi gặp mặt này với giáo sư Aitken tôi tự hỏi tại sao không chịu tìm hiểu kỹ hơn. Đây là người có khả năng thật đặc biệt và không giải thích được. Vào lúc đó tôi chưa biết gì về Nhận Thức bằng Cảm Năng Cao (Higher Sense Perceptive), và công việc của tôi khi ấy tại bịnh viện tâm thần chiếm hết thì giờ, tôi vẫn là một nhà khoa học chính thống, an vị trong khuôn khổ mà khoa học có thể chấp nhận và đầu óc có chút khinh thị về chuyện đó.
Suy nghĩ về chuyện này trong apartment của tôi ở New York, tôi quyết định tìm gặp giáo sư Aitken lần nữa. Có lẽ chữ siêu thức (superconcious) hay siêu sáng suốt nên dùng cho người như giáo sư Aitken. Ông có thể là một trong những người nằm trên danh sách của tôi. Thực tế là năm tháng đã trôi qua và giáo sư Aitken đã vào bịnh viện, ông rất yếu và bị bịnh nên không thể hợp tác để làm bất cứ thí nghiệm nào nữa. Ông bị nghẽn mạch và té nhẹ. Tôi đến thăm bịnh viện rồi đi một vòng thăm bệnh với người bạn hy vọng sẽ gặp được ông. Ông nhớ tên tôi ngay lập tức nhưng không khỏe đủ để bàn luận về khả năng đặc biệt của mình, hay không thể trả lời các câu hỏi của tôi.
Tôi sẽ phải tìm ra những người tin cậy được để hợp tác trong việc thí nghiệm. Tôi bắt đầu  dò hỏi trong số bạn bè của mình. Chót hết thì người bạn thân hơn ba mươi năm, người tặng tôi quyển sách về ông Edgar Cayce, đã mở cửa cho tôi. Cô giới thiệu tôi đến với một người có thể hướng dẫn tôi , tránh người  đồng bóng giả hiệu, và những cá nhân bị mê hoặc với khả năng sơ sài hay thường khi với khả năng không đáng tin. Cô giới thiệu tôi đến với cô Kay.
Kay trấn an với tôi là có người sống sở hữu những khả năng lạ lùng và đáng tin cậy, vượt xa hẳn những giác quan bình thường. Cuối cùng hóa ra cô là một trong những người làm việc với tôi mà có tài năng đáng kể và đáng tin cậy nhất. Dần dần cô giới thiệu đến những người khác với khả năng cũng đáng nói như vậy.
Kay là một chuyên viên y khoa. Khi gặp tôi cô có chức vụ với trọng trách, điều khiển việc nghiên cứu tại một tổ chức nghiên cứu. Cô có óc khôi hài rất hay và nhiều bạn hữu. Cô quen nhiều người có Nhận Thức bằng Cảm Năng Cao ở  mức độ khác nhau, và vài người có cảm năng vượt bực. Cô đề nghị tôi nên gặp nhiều người đủ loại khác nhau trong lãnh vực này, ai có khả năng thực sự lẫn ai không chừng giả mạo, bịp bợm. Bằng cách ấy tôi sẽ có thể xét đoán ai thực sự thích hợp cho công việc thử nghiệm.
Nhiều tháng sau đó tôi đã gặp đủ mọi hạng người, một số người tôi cho là "khùng khùng điên điên" Một nhóm khác đông đảo có tài năng chút ít có thể "mô tả" (reading) hay "biểu diễn" (demonstration). Có người khá hơn, nhưng vì lý do nào đó đã cho khách hàng hoặc những kẻ hâm mộ họ điều mà những người này muốn nghe. Kay khăng khăng rằng tôi phải có hiểu biết kỹ về mặt này của lãnh vực, trước khi tôi có thể hiểu rõ giá trị của ai có khả năng xuất chúng và đáng tin, vì nhiều người cẩn thận không muốn ai biết tới là họ được như vậy.
Trong giai đoạn đầu này khi chúng tôi đi gặp các nhân vật, Kay làm tôi  được tiêu khiển với nhận xét dí dỏm và buồn cười về tài năng của chính mình, và về những người khác nhau mà chúng tôi gặp. Sau một thời gian tôi nhận ra dù hay đùa, cô rất tin tưởng vào khả năng  Cảm Nhận Cao. Tôi phải lấy được lòng tin của cô trước khi có thể được cô thuật một cách nghiêm chỉnh, về khả năng của cô với một y sĩ mà cũng là y sĩ tâm thần có óc hoài nghi (là tôi). Sau này cô hợp tác hết lòng trong các kỹ thuật nghiên cứu của tôi.
Vicky, người bạn làm xáo trộn sự nghiệp vững vàng về y khoa và tâm thần học của tôi, khi đưa tôi xem quyển sách về ông Cayce, đã theo dõi việc nghiên cứu và thái độ của tôi về vấn đề này trong một lúc trước khi cô chịu hợp tác. Tôi khám phá ra cô bạn này cũng có khả năng khác thường từ hồi nhỏ. Cô là chủ tịch một công ty, có nhiều bằng cấp kể luôn bằng tiến sĩ (Ph.D.). Cô may mắn ở điểm là như được sinh ra với lòng tự tin, vững chãi, không cần gia đình hay bạn bè chấp nhận tài năng Cảm Nhận Cao của mình. Cô không nói gì đến những khả năng này mà cố gắng dùng nó một cách xây dựng. Về sau cô cũng trở thành một nhân vật cho cuộc nghiên cứu của tôi.
(Mãi sau này, có giải thích thêm Vicky là Tiến sĩ Viola Pettit Neal. Bà hợp tác cùng tác giả Shafica Karagulla viết sách Through the Curtain mà PST có bài trích và điểm sách trong số 29 và 45, thuật lại việc khi ngủ, người ta dự những lớp đêm ở cõi trung giới thuộc đủ mọi đề tài.)
Một người quen của Vicky giới thiệu tôi với Diane, một phụ nữ với khả năng và tài năng thật đáng kể. Tôi được nghe là Diane có thể "thấy" tình trạng của các bộ phận trong cơ thể người lúc cô hoàn toàn tỉnh thức. Cô cũng có thể thấy các thể thanh nơi con người, con thú, cây cỏ và ngay cả tinh thể. Tôi nghe nói cô biết ngay lập tức là có hay không một bộ phận đã được giải phẫu lấy ra khỏi cơ thể, và tình trạng sức khoẻ hay bịnh tình của bất cứ phần nào trong cơ thể người. Tôi nóng lòng muốn gặp người đầy ngạc nhiên như vậy, nhưng lòng vẫn còn nghi ngờ đôi chút. Vì Diane là một thương gia thật bận rộn lại là chủ tịch công ty của chính cô, nên phải mất một thời gian để có được buổi hẹn.
(Cũng như trên, Diane sau được biết là bà Dora van Kunz, cố hội trưởng hội TTH xứ bộ Hoa Kỳ, có khả năng thông nhãn đáng nói. Bà cùng với tác giả Shafica Karagulla viết sách về các thể thanh, bệnh tật quan sát bằng thông nhãn mà PST có nhiều bài trích dịch, The Chakras and the Human Energy Fields.)
Khi sau cùng có dàn xếp chọn ngày cho buổi hẹn với Diane, nó có điểm rất khôi hài. Cuộc thảo luận về khả năng của Diane trước khi có buổi hẹn cho biết là Diane còn có thể "thấy" thể tình cảm và thể trí của người, và biết họ đang nghĩ và có cảm xúc gì. Đối với tôi là y sĩ tâm thần, gặp người được biết là có thể "thấy" xuyên thấu tâm trạng của tôi, là sự đảo lộn gây rối cho đường lối thông thường của tôi. Tôi cảm thấy hồi hộp khi đi gặp một người như vậy. Về phần Diane, cô sẽ đi gặp một chuyên gia tâm thần có đầu óc hoài nghi nên cũng thấy lo lắng. Cô nhờ một người bạn là y sĩ biết về khả năng của cô, hiện diện trong buổi gặp mặt. Về sau chúng tôi cười mãi khi nhớ đến buổi gặp gỡ đầu tiên này.
Tôi thấy Diane là người có khả năng rất ngoại lệ với tư cách không gì lung lạc được, và sẵn lòng làm những thí nghiệm khoa học của tôi với nhiệt tình không mệt mỏi. Cô là người có khả năng ngoại lệ nhất trong số những người mà tôi thử nghiệm. Cô trở thành bạn đồng thời cũng là một nhân vật cho sự nghiên cứu khoa học.
Sự kiện Diane có thể thấy được cái gì sai lạc trong cơ thể người, mở ra một khoa nghiên cứu mà tôi có thể nghiệm lại với sự chẩn đoán y khoa. Tôi khám phá là cô có một loạt rộng rãi nhiều khả năng vượt xa những gì tôi được nghe về cô. Sau này khi sắp xếp đường lối nghiên cứu, tôi tin không chút nghi ngờ là cô thuộc hạng người có khả năng tuyệt cao.
Vào thời điểm này tôi có được ba nhân vật rất hay để nghiên cứu ở Hoa Kỳ, và một số người khác trên  trung bình.Tôi quyết định đi Âu Châu để tìm hiểu thêm về một số cá nhân mà tôi có nghe về họ. Kay biết vài người này ở Âu Châu nên cô bằng lòng đi theo tôi. Óc khôi hài của cô đã giúp rất nhiều trong chuyến đi này. Vài người chúng tôi gặp rất là 'quái lạ', ít nhất là như vậy, tôi sẽ chẳng dám viết ra nhiều chuyện được nghe hay thấy  !  Nhưng đồng thời chúng tôi cũng gặp vài người thực sự có khả năng.
Có lần Kay và tôi phỏng vấn một phụ nữ, theo lời giới thiệu thì cô có vài khả năng rất khác thường. Đến khách sạn, tôi hồi hộp khi được biết người phụ nữ mà chúng tôi sẽ phỏng vấn là một cô đồng. Đây không phải là loại hiện tượng hấp dẫn tôi. Tôi luôn tránh xa không muốn dính dáng đến những hiện tượng cầu hồn. Cô đồng này là người tốt bụng nhất định đòi " bói" cho tôi. Tôi ở vào thế thật khó xử. Mang danh là một nhà khoa học, lại để người khác 'bói quẻ' cho mình mà lòng không thuận. Tôi không hề muốn vậy chút nào. May sao tôi thoát, vì máy báo động có lửa cháy (fire-alarm) kêu inh ỏi liên tục làm cô đồng không thể mê man lên đồng được. Nắm lấy cơ hội tôi mừng rỡ chào cô ra về.
Thành phố Edinburgh  nằm trong chuyến du hành Âu Châu của tôi, nơi tôi mong gặp lại bạn cũ cũng như sẽ gặp những người có khả năng đặc biệt là đề tài cho việc tìm kiếm của tôi. Khi đến Edinburgh, tôi lại văn phòng của ông giám đốc Royal Edinburgh Hospital for Mental and Nervous Disorders. Tôi cẩn thận không nhắc tới lãnh vực nghiên cứu mới của mình. Tôi đến văn phòng với một ý khác. Nhiều năm trước trong thư viện thuộc văn phòng của vị này, tôi có đọc một quyển sách với vài chi tiết lạ lùng trong đó. Tôi quên tên sách rồi. Tôi nhớ mơ hồ là tác giả tả những vùng lực quanh cơ thể con người mà ta có thể nhìn thấy bằng một loại màn (screen) có mầu. Thí nghiệm được làm tại một bịnh viện ở London. Tôi muốn tìm lại cuốn sách, lấy tựa của nó và tên tác giả. Tôi bối rối vì không muốn nói cho những bạn đồng sự biết về lãnh vực nghiên cứu mới của mình. Tôi không muốn tả hay bàn luận về cuốn sách với bất cứ ai trong bịnh viện.
Tôi cho Kay hay về cuốn sách và tường bên nào của thư viện có thể tìm thấy nó. Tôi chắc mẩm là chuyện không thay đổi mấy qua bao năm trong một cơ sở lâu đời ở Anh, và cuốn sách vẫn y chỗ cũ. Tôi nói chuyện với ông giám đốc trong khi Kay kín đáo đi tìm quyển sách. Câu hỏi của tôi là làm sao cô có thể tìm sách, nếu cả hai chúng tôi đều không biết tên sách hay tên tác giả? Tôi quên nghĩ đến khả năng đặc biệt của Kay. Cô đi tới kệ sách, quay lưng lại phía chúng tôi rồi ơ hờ rà ngón tay dọc theo kệ.
Tôi nói chuyện với ông giám đốc trong khi cô xem các sách dọc theo tường mà tôi chỉ. Trông cô có vẻ thắc mắc và đi sang bức tường kế. Tôi nhìn theo cô bằng khóe mắt. Tới cái tường thứ ba cô ngừng lại và kéo ra một cuốn sách. Kay hững hờ lật trang sách và đưa cho tôi rồi cô bắt chuyện với ông giám đốc. Nhờ vậy tôi có được vài phút để nhìn vào sách. Đúng quyển đó rồi. Tôi gật đầu đưa lại cho cô, và Kay ghi tựa sách với tên tác giả. Trọn công chuyện làm thật kín đáo nên tôi nghĩ ông không để ý gì về việc này.
Sách viết năm 1911, tác giả Walter J. Kilner, là y sĩ và chuyên gia về tia X tại Bệnh Viện St. Thomas ở London, Anh quốc. Sách tả lại khám phá của ông về vùng năng lực quanh bịnh nhân (tức các thể thanh), và sự thay đổi của vùng năng lực này thấy trong điều kiện bình thường và không bình thường. Cuộc nói chuyện giữa tôi và Diane trước khi rời Hoa Kỳ, đã làm cho tôi rất hứng khởi tìm kiếm về bất cứ khám phá nào về các thể mà Diane có thể nhìn thấy.
Sau đó, lúc ăn trưa khi chỉ có Kay và tôi, tôi muốn biết làm sao cô tìm được sách nhanh như vậy. Chỉ là may mắn hay sao? Kay cười, "Có thể chỉ là may mắn". Tôi ép cô nói thêm vì có cảm tưởng là Kay chưa nói hết chuyện. Thế là chuyện dẫn đến phần thảo luận thích thú, về một trong các Nhận Thức bằng Cảm Năng Cao của Kay (Higher Sense Perceptions) mà cô thường dùng, tới mức không nghĩ là phải xếp loại nó như là một phần của các hiện tượng mà tôi quan tâm. Khi tìm kiếm một quyển sách hay tập san, và đôi khi là vật nào khác hay thông tin nằm trong một hồ sơ, cô mau lẹ rà ngón tay dọc theo kệ sách hay các hồ sơ nằm trong tủ. Khi cảm thấy đầu ngón tay tê nhẹ là cô biết đã tìm ra vật muốn tìm. Ấy là cách Kay đã tìm ra cuốn sách cho tôi. Cô giữ trong đầu lời mô tả của tôi về những gì viết trong sách theo trí nhớ của tôi. Rồi không nhìn vào các quyển sách trên kệ mà chỉ dùng ngón tay rà theo kệ sách, Kay chờ có việc tê nhẹ quen thuộc cho hay, "Nó đây rồi".
Tối hôm sau tôi tới nhà Sir David Henderson, cấp trên khi trước của tôi tại  Royal Edinburgh Hospital for Mental and Nervous Disorders. Tối đó trong lúc trò chuyện, tôi tránh những câu hỏi của hai người bạn tốt là Sir David và Lady Henderson về lãnh vực nghiên cứu mới mà tôi quan tâm. Chúng tôi nói chuyện về Viện Thần Kinh Montreal, việc làm của Dr. Penfield, việc giảng dạy của tôi và các lớp tôi dạy ở đại học New York. Tôi nói quanh về lý do mình có mặt ở Âu Châu, nhưng với đầu óc sắc bén cả hai người bạn này ngờ rằng hẳn tôi phải có trong đầu một lãnh vực nghiên cứu mới và lôi cuốn. Rồi câu việc xoay qua những điều khác, Kay và Lady Henderson bắt đầu nói chuyện với nhau. Tôi thảo luận với Sir David mà cũng để tai về hướng Kay. Tôi sợ Kay sẽ huỵch toẹt nói ra sở thích mới của tôi. Thực vậy, họ đang nói về những giấc mơ báo trước, về trực giác, về sự linh cảm, viễn cảm (telepathy còn gọi là thần giao cách cảm) . Kay không nhắc đến sở thích mới của tôi, nhưng thỉnh thoảng cô nhìn về phía tôi với cái cười mím chi lý thú.
Trong trường hợp đặc biệt này, Kay dùng một Cảm Năng Nhận Thức khác của mình mà về sau, thỉnh thoảng tôi thử nghiệm với những thí nghiệm khác được sắp đặt kỹ lưỡng. Cô có khả năng may mắn hay không may, là hòa được (tune in) theo tình cảm của người khác, và cảm nhận ngay trong cơ thể mình bất cứ đau đớn nào mà họ đang phải chịu. Cô phải ngăn cảm quan này để tránh không bị ảnh hưởng vì cái đau của người khác. Tối hôm ấy cô hòa theo Sir David và bị đau nhói ở một khớp, nhưng không nói gì với ông về chuyện ấy.
Tới khuya khi về lại khách sạn, Kay hỏi tôi Sir David có vấn đề gì với đầu gối của ông. Tôi biết khớp xương đầu gối của ông bị phong thấp, khi trước gây ra nhiều đau đớn cho ông. Tôi không chắc Kay có đoán đúng về chuyện này hay chăng. Nhiều phần là cô đúng, nếu xét theo những kết quả mà tôi làm thử nghiệm với cô sau này.

(còn tiếp)