ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY
Đời Huyền Bí
của HPB(tt)
The Esoteric Worlds of Madame Blavatsky
Daniel Caldwell
Xem Mục ĐỜI HUYỀN BÍ CỦA BÀ BLAVATSKY
Chẳng bao lâu tôi thấy chẳng những tiếng gõ luôn luôn phát sinh từ bàn mà bà Blavatsky ngồi để có được kết quả ấy, mà mọi giả thuyết có thể nghĩ ra nhằm lường gạt thì mau lẹ bị bác khi so sánh với những thí nghiệm khác nhau mà chúng tôi có thể làm. Để bắt đầu thì không cần có ai khác ngồi ở bàn cả.Chúng tôi có thể dùng bàn nào cũng được trong bất cứ khung cảnh nào, hay không cần bàn nào hết. Khung cửa kính cửa sổ cũng làm được, hay bức tường, cánh cửa, hay bất cứ vật gì phát ra tiếng động nếu đập vào.
Lập tức người ta thấy là một nửa cánh cửa kính khép hờ là dụng cụ rất tốt, vì trong trường hợp ấy ta dễ đứng đối diện bà Blavatsky, thấy đôi tay trần của bà (không đeo nhẫn) đặt bất động trên miếng kính và nghe rõ ràng tiếng động nhỏ sinh ra, giống như mũi nhọn của đầu bút chì đập vào, hay là tiếng của tia điện truyền đi từ nút điện này sang nút khác trong bộ máy.
Một cách khác rất ưng ý để có tiếng gõ - cách thường dùng vào buổi tối - là đặt cái chụp to bằng kính của đồng hồ trên thảm sàn nhà và để bà Blavatsky, sau khi tháo hết nhẫn khỏi tay và ngồi cách cái chụp để cho không phần nào của áo bà đụng vào vật, đặt tay bà lên đó. Ta đặt một ngọn đèn lên sàn phía đối diện và ta ngồi xuống trên thảm, từ dưới bàn nhìn lên ta có thể thấy bàn tay nằm trên mặt kính, và trong điều kiện hoàn toàn thỏa mãn như vậy tiếng gõ vẫn phát ra, trong trẻo và rõ ràng trên bề mặt của cái chụp.
Bà Blavatsky không thể giải thích chính xác cách sinh ra những tiếng gõ ấy. Nhưng sự kiện là tiếng gõ tuân theo ý muốn của người là điều không cần phải tranh luận; theo cách này và với những cách khác dùng khung kính cửa sổ hay cái chụp đồng hồ, tôi muốn một cái tên được viết ra, nêu lên một tên ngẫu nhiên. Xong tôi đọc các mẫu tự và tới mẫu tự nào đúng thì có tiếng gõ.
Hay là tôi ngỏ ý muốn có số xác định tiếng gõ và có số ấy. Hay muốn có một loạt tiếng gõ theo một thứ tự nhịp nhàng định sẵn và tiếng gõ xẩy ra y vậy. Mà không phải chỉ có thế. Đôi lúc bà Blavatsky đặt chỉ một hay hai bàn tay lên đầu của ai đó và làm tiếng gõ vang lên mà ai chăm chú sẽ nghe được, còn ai mà đầu bị chạm vào thì cảm nhận nó mà cũng cảm biết mỗi lần một điện giật nhỏ như thể bị tia điện trong máy điện bắn vào.
Về sau trong cuộc tìm hiểu của tôi, tôi có được tiếng gõ trong những trường hợp hay hơn điều vừa kể, nghĩa là không có tiếp xúc chút nào giữa vật mà từ đó phát ra tiếng gõ và tay của bà Blavatsky. Bà Blavatsky thường sinh ra tiếng gõ trên chiếc bàn nhỏ đặt ở giữa nhóm chăm chú theo dõi, không ai đụng vào bàn cả. Sau khi đặt tay lên bàn một chốc để khởi sự hay để tạo ảnh hưởng lên bàn, bà giữ tay cao khoảng ba tấc bên trên bàn, đưa nó qua lại như thôi miên và mỗi lần như vậy bàn phát ra tiếng động quen thuộc. Và không phải điều này chỉ làm được ở nhà chúng tôi với bàn của chúng tôi. Chuyện y vậy cũng xẩy ra tại nhà của những bạn hữu khác khi bà Blavatsky cùng chúng tôi đi tới đó.
Cách thí nghiệm khác nữa là như vầy.Chúng tôi thấy là có thể làm cho nhiều người cảm nhận tiếng gõ cùng lúc. Bốn hay năm người thỉnh thoảng chồng tay lên nhau thành khối cao, cái này chồng lên cái kia trên bàn, rồi bà Blavatsky sẽ đặt tay bà lên trên chồng tay và sinh ra luồng điện, hay bất cứ điều gì, để phát ra âm thanh đi xuyên qua trọn chồng tay, ai nấy cảm nhận cùng lúc và dòng điện tự nó cho ra tiếng gõ trên mặt bàn bên dưới chồng tay. Ai đã từng dự phần vào việc tạo chồng tay như vậy hẳn phải nghĩ những giả thuyết mà kẻ khăng khăng hoài nghi đặt ra, nói rằng tiếng gõ là do móng tay ngón cái của bà Blavatsky hay cái bẻ khớp tay sinh ra, là điều ngớ ngẩn.
Tiếng gõ làm tôi có bảo đảm trọn vẹn là bà sở hữu vài quyền năng khác thường.
9E. Damodar K. Mavalankar
Tháng sáu và bẩy, 1880
Sri Lanka và rồi trên tầu về Bombay
Tại Ceylon trong một ngôi làng kia, chỉ có ba người là HPB, ông Olcott và tôi ghé lại một đêm, những người khác trong nhóm đã đi sang nơi khác. Chúng tôi bận rộn tới 12 giờ đêm với việc thâu nhận tân hội viên và thành lập một chi bộ mới của Hội. HPB và ông Olcott đi ngủ lúc một giờ sáng. Bởi chúng tôi ngụ tại làng có một đêm, chúng tôi dùng nhà nghỉ chỉ có đầy đủ tiện nghi cho hai người. Vì vậy tôi phải ngả lưng trên ghế bành trong phòng ăn. Tôi chỉ vừa khóa cửa phòng phía bên trong và đặt mình xuống ghế thì nghe có tiếng gõ nhẹ lên cửa. Tiếng gõ lập lại hai lần trước khi tôi có đủ giờ đi tới cửa. Tôi mở ra và lòng hân hoan tuyệt diệu khi thấy lại Chân sư Morya ! Với giọng thì thào rất nhỏ, ngài ra lệnh cho tôi mặc y phục tề chỉnh và theo ngài.
Cửa sau của nhà nghỉ mở ra biển. Tôi đi theo ngài như được dặn. Chúng tôi đi dọc theo bờ biển khoảng ba khắc đồng hồ rồi quẹo ra biển. Chung quanh tất cả là nước chỉ trừ chỗ mà chúng tôi bước đi thì hoàn toàn khô ráo ! Ngài đi trước và tôi nối gót theo. Đi như vậy khoảng bẩy phút thì chúng tôi đến một nơi trông giống như hòn đảo nhỏ. Trên đầu một tòa nhà là ngọn đèn hình tam giác. Nếu ai đó đứng trên bãi biển, nhìn từ xa sẽ cho đó là nơi hẻo lánh có bụi cây xanh mọc che phủ đầy.
Chỉ có một ngõ vào trong. Sau khi tới đảo chúng tôi đi tới trước tòa nhà thực sự ấy. Phía trước là một mảnh vườn nhỏ và chúng tôi thấy một Chân sư ngồi đó. Tôi đã nhìn thấy ngài trước đây và chỗ này thuộc về ngài. Chân sư Morya ngồi xuống cạnh ngài còn tôi đứng trước mặt hai vị.Chúng tôi ở đó khoảng nửa tiếng đồng hồ, rồi tôi được dẫn đi xem một phần của nơi này. Nó thật dễ chịu làm sao ! Bên trong tòa nhà ngài có một phòng nhỏ để thân xác nằm yên trong lúc tinh thần dong ruổi đó đây. Thật là một nơi thoải mái, thú vị ! Hương hoa hồng và nhiều loại hoa khác ngọt ngào biết bao ! Nửa tiếng đồng hồ trôi qua và gần đến lúc chúng tôi phải rời chỗ này. Vị Chân sư chủ nhân nơi đây mà tôi không biết tên, đặt tay lên đầu tôi ban phép lành, và Chân sư Morya với tôi ra đi trở lại. Chúng tôi quay về gần tới cửa phòng nơi tôi sẽ ngủ và ngài đột nhiên biến mất ngay tại chỗ.
Tôi quên nói cho bạn hay hai nơi khác mà tôi đã được mang tới. Một chỗ gần Colombo, là nhà riêng của Chân sư Morya, và chỗ kia là thư viện, gần thị trấn Kandy.
Một buổi tối trên tầu của chuyến đi trở về Bombay vào tháng bẩy 1880, chúng tôi xong bữa tối và tôi cho tay vào túi áo như thường lệ và kìa ! ở túi phải tôi cảm thấy có tờ giấy. Tôi lấy nó ra và ngạc nhiên thấy đó là bức thư gửi cho bà Blavatsky. Tôi mang thư lại gần đèn, bì thư được mở ra và trên đó viết hàng chữ mầu đỏ: ’Cho Damodar đọc’. Nên tôi đọc thư. Trong trí luôn nghĩ đến chuyện này, tôi nằm xuống giường và miên man suy nghĩ về nó, rổi tôi giật mình khi nghe tiếng chân bên trong phòng mà tôi đã khóa từ bên trong. Tôi nhìn ra sau và thấy Chân sư Morya trở lại cùng với hai Vị khác ! Buổi tối thích thú làm sao ! Chuyện trò về nhiều chuyện khác nhau về kiến thức và triết lý trong nửa tiếng đồng hồ !
9G. Damodar K. Mavalankar
Tháng chín - 1880
Bombay, Ấn Độ
HPB và ông Olcott rời Bombay đi Simla và những nơi khác miền bắc Ấn vào ngày 27-8-1880. Tôi làm việc một mình trong chỗ dành riêng cho HPB. Một ngày tháng chín khoảng hai giờ sáng lúc đã xong công việc, tôi khóa cửa phòng và lên giường. Chừng hai hay ba phút sau tôi nghe tiếng HPB trong phòng bà gọi tôi. Tôi giật mình ngồi dậy và đi vào. Bà nói ’Có người muốn gặp anh’ và một lát sau thêm vào ’Bây giờ đi ra đi, đừng nhìn tôi’. Dầu vậy trước khi có giờ quay mặt đi, tôi thấy bà từ từ biến mất tại chỗ và ở ngay nơi ấy hiện ra hình dạng Chân sư Morya. Tới lúc tôi quay lại thì có thêm hai người khác mặc y phục mà về sau tôi biết là của người Tây Tạng. Một trong hai người ở lại với Chân sư Morya trong phòng HPB. Khi tôi rời đó trở về phòng mình thì thấy người kia ngồi trên giường tôi.
Ngài kêu tôi đứng yên một lát và bắt đầu nhìn tôi chăm chú. Tôi có cảm giác vô cùng dễ chịu như thể thoát xác ra ngoài. Tôi không thể nói là khoảng cách dài bao lâu từ lúc đó và tới lúc tôi sắp kể đây, nhưng tôi thấy là mình ở chỗ đặc biệt. Đó là phía trên của vùng Kashmir dưới chân dãy Himalaya. Tôi thấy mình được mang tới nơi chỉ có hai ngôi nhà đối diện nhau và không có dấu hiệu có ai sinh sống nơi đó.
Có người từ một trong hai căn nhà bước ra, ấy là Chân sư Koot Hoomi và ngài ra lệnh cho tôi theo ngài. Sau một đỗi đường ngắn chưa tới một cây số, chúng tôi tới một đường hầm thiên nhiên dưới đất và đi một khoảng đáng kể trong đường hầm, tới cuối thì ra một cánh đồng trống. Có một tòa nhà vĩ đại cổ xưa cả ngàn năm. Cổng vào có vòng cung lớn hình tam giác, bên trong có nhiều gian phòng khác nhau. Tôi theo Guru vào Chánh Điện. Vẻ oai nghi và tĩnh lặng của nơi ấy đủ làm người ta sinh lòng tôn kính.
Trong lúc đứng ở đó, tôi không biết việc gì xẩy ra nhưng đột nhiên tôi thấy mình ngồi trên giường. Lúc đó khoảng tám giờ sáng. Tôi đã thấy gì ? Ấy có phải là giấc mơ hay là một thực tại ? Rối trí với những ý tưởng này, tôi ngồi yên lặng thì có một mảnh giấy rơi xuống mặt tôi. Mở ra thì thấy bên trong là thư với nét chữ quen thuộc, cho biết nó không phải là giấc mơ, mà tôi đã theo cách bí ẩn nào đó được mang tới nơi hành lễ Chứng Đạo trong thể tình cảm của mình.
10C. A. P. Sinnett
Tháng mười - 1880. Simla Ấn Độ
Một hôm tôi hỏi bà Blavatsky là nếu tôi viết thư cho một trong các Vị Huynh Trưởng thì liệu bà có thể chuyển nó đi cho tôi được không. Tôi nghĩ điều này khó thể làm vì biết thường là ta không thể tiếp xúc được với các Ngài; nhưng bởi bà nói là sẽ ráng thử nên tôi viết một thư, đề là gửi cho ’Vị Huynh Trưởng chưa biết’, và đưa nó cho bà để xem có kết quả gì. Ấy là hứng khởi may mắn khiến tôi làm vậy, bởi từ khởi đầu nhỏ bé ấy đã sinh ra việc trao đổi thư từ lý thú hơn hết mà tôi có đặc ân được tham dự.
... Một hay hai ngày trôi qua và tôi không nghe động tĩnh gì về lá thư của mình, nhưng rồi bà Blavatsky cho hay là tôi sẽ có thư trả lời. Ban đầu bà không thể tìm được Huynh Trưởng nào chịu liên lạc. Những Vị mà bà hỏi xin đầu tiên đã từ chối không muốn can dự vào chuyện. Cuối cùng một trong các Vị Huynh Trưởng cho trả lời thuận lợi. Ngài sẽ nhận thư và trả lời nó.
Một hay hai ngày sau, vào buổi tối tôi thấy trên bàn viết của mình lá thư đầu tiên mà Vị chịu trao đổi thư từ với tôi gửi đến. Ngài sinh quán ở vùng Punjab ... và đã từng du học phương tây ... Ngài được biết có tên là Koot Hoomi Lal Sing, là tên Tây Tạng của ngài.
10E. Alice Gordon
Tháng mười - 1881. Simla Ấn Độ
Nay tôi xin thuật lại một hiện tượng mà tôi là chứng nhân duy nhất với bà Blavatsky. Khi hai chúng tôi cùng ngụ tại nhà ông Hume ở Simla năm 1881, một hôm tôi vào phòng bà mà không báo trước. Bà đang ngồi viết ở bàn, đặt gần một cửa sổ nhỏ. Gian phòng rất ấm, tôi mới đề nghị mở cửa sổ cho thoáng hơi, cửa xoay theo bản lề phía trên. Tôi đẩy cửa từ bên dưới với đôi chút khó khăn, nhưng khi quay ngược lại thì cánh cửa đụng vào miếng gỗ nhằm giữ cho cửa mở, và miếng gỗ đâm xuyên qua mặt kính.
Bà Blavatsky hóa chộn rộn và tôi nghĩ chắc ấy là vì kính bị vỡ, nên nói.
- Không sao đâu, ta có thể thay kính.
Bà nói to.
- Không, không, đứng yên. Tôi thấy có bàn tay, sắp có chuyện xẩy ra.
Tôi đứng gần thành cửa sổ, giữa bà và cửa sổ.Rồi bà nói.
- Kéo màn cửa lại.
Ấy là bức màn nhỏ chỉ buông tới bệ cửa sổ, nhưng tôi vừa kéo màn kín thì bà bảo.
- Mở màn ra.
Và trước mặt tôi là một lá thư gửi cho ông Hume với hàng chữ ’Nhờ bà Gordon trao’, bằng nét chữ của ngài Koot Hoomi mà tôi quen thuộc.
Tôi cho rằng việc này được làm để tôi có chứng cớ là thư đến do hiện tượng tạo ra, và tôi chắc chắn là nửa phút trước không có thư ở nơi mà tôi thấy nó, và cũng chắc chắn là không có tay ai bằng xương bằng thịt đặt thư ở đó.
11A. Martandrao Babaji Nagnath
Tháng tư - 1881, Bombay, Ấn độ
Tôi thường xuyên có nhiều dịp tới thăm trụ sở hội tại Breach Candy, Bombay, và có mối liên hệ gần gũi với hai vị sáng lập hội cũng như có cơ hội tốt đẹp để học hỏi Theosophy. Vì thế, để làm chính tôi thỏa mãn và cũng để cho học viên khác được biết, tôi muốn ghi ra đây kinh nghiệm cá nhân về một số hiện tượng mà tôi quan sát trong vài dịp với sự hiện diện của những huynh đệ TTH và người lạ. Tôi cũng có đặc ân hiếm có là gặp mặt những Vị được gọi là các Huynh Trưởng (Mahatma) mà thường là không ai thấy.
Vào tháng tư năm 1881 một buổi tối không trăng, trong lúc nói chuyện với các hội viên khác và bà Blavatsky, khoảng 10 giờ đêm ở ngoài hàng hiên trên gác mở ra bên ngoài có một người đàn ông cao khoảng 1,8 m mặc áo trắng, đầu quấn khăn trắng đột nhiên hiện ra đi về phía chúng tôi băng qua vườn bên cạnh nhà, từ một điểm - là hố nơi không có đường gì cho ai đi. Bà Blavatsky đứng dậy bảo chúng tôi đi vào nhà. Thế nên chúng tôi đi vào, nhưng nghe bà và người ấy trò chuyện với nhau khoảng một phút bằng ngôn ngữ đông phương mà chúng tôi không biết. Ngay lập tức sau đó, chúng tôi được kêu trở ra hàng hiên nhưng Vị Huynh Trưởng đã biến mất.
Sang dịp kế, lúc chúng tôi chuyện vãn ngoài hàng hiên ở trên như thường lệ, đột nhiên một Vị Huynh Trưởng khác mặc y phục trắng được thấy như thể đứng trên một cành cây. Chúng tôi thấy ngài hạ thấp xuống làm như xuyên qua không khí và đứng trên một góc tường hẹp. Khi đó bà Blavatsky đứng dậy khỏi ghế nhìn vào ngài chừng hai phút, và có vẻ như nói chuyện không lời với ngài. Ngay lập tức sau đó trước mặt chúng tôi, hình người biến mất nhưng sau đó được thấy trở lại bước đi trong không rồi xuyên thẳng qua cây và mất dạng lần nữa.
11B. Sorab J. Padshah
Tháng bẩy - 1881, Bombay, Ấn độ
Tôi nhận được tổng cộng hai thư từ Chân sư Koot Hoomi. Thư đầu tiên tôi nhận vào buổi tối ngày 15-7, 1881. Tôi chép lại lời chấp thuận và lập tức ghi lên mặt sau bì thư hàng chữ ’Nhận khoảng mười giờ kém mười, một chút sau khi bà Blavatsky đã đi ngủ và Babula đặt ngọn đèn trên bàn. Tôi vừa viết xong hai hàng một bài thơ soạn ra cho các Vị Huynh Trưởng, và đang suy nghĩ cho xong câu thứ ba thì nghe tiếng động như một con bướm to rơi trên bàn. Đó là thư này. Cửa phòng và cửa sổ đều đóng. Xin cảm tạ.’ ...
Sau khi tôi xem xét căn phòng để coi kỹ là sự việc không phải giả mạo, và xem kỹ là không thể có chuyện ấy, tôi quì xuống nói thầm trong trí mấy câu. Sáng hôm sau tôi đến gặp bà Blavatsky trong phòng làm việc của bà. Sau khi trò chuyện một lát bà cho biết hài lòng về sự tận tụy của tôi đối với Theosophy, vì Chân sư có theo dõi tôi, và bà kể lại hết những gì xẩy ra trong phòng tôi sau khi tôi nhận lá thư, cùng lúc ấy làm tôi giật mình vì bà nhắc lại từng chữ một tư tưởng mà tôi không thốt ra.
11G. Norendro Nath Sen
Tháng tư - 1882, Calcutta, Ấn độ
... Đối với tất cả người Ấn, bài nói chuyện của ông Olcott vào ngày 6 là bài thú vị nhất mà họ được nghe từ hồi nào đến giờ. Chúng tôi biết nhiều người lắng nghe nó hết sức hài lòng và học hỏi được nhiều từ đó ... Chuyện thật độc đáo và lạ lùng khi nghe một người ngoại quốc - một người da trắng đến từ Hoa Kỳ - nói một cách trân trọng như ông Olcott nói về tôn giáo lâu đời của chúng ta, các thánh nhân thuở xa xưa của chúng ta và những định chế vĩ đại của ta. Người Ấn nên chú tâm hết sức vào phong trào này. Tuy Theosophy là môn học mới mẻ, nó lại là môn lôi cuốn nhất mà cho dù vậy, ai nghi ngờ về nó nên tìm hiểu kỹ trước khi chê trách hay chế nhạo nó. Bà Blavatsky mong muốn là người ta nên quan tâm hơn về bản chất của Theosophy hơn là hiện tượng, và làm vậy rất đúng.Hiện tượng sẽ trông giống như trò ảo thuật và sẽ mang lại ít kết quả thực tế trừ phi phần triết lý nằm bên dưới nó được thông hiểu và thấu đáo hoàn toàn...
Nhiều hiện tượng liên quan đến Theosophy chưa được thấy ở Calcutta, nhưng chúng tôi sẽ mô tả vài chuyện mà mình chứng kiến. Về các tiếng gõ mà người thông linh học làm ra, chúng tôi đã thấy bà Blavatsky tạo ra chúng theo số lần được yêu cầu chỉ bằng sức mạnh ý chí của bà và khả năng về từ lực, thỉnh thoảng còn không cần chạm vào một vật mà chỉ cần phất tay ngang qua vật ấy. Chúng tôi đã thấy bà tạo ra tiếng gõ trên đầu người, trên khung kính cửa sổ và trên những vật khác. Chúng kêu to hơn nhiều so với tiếng gõ mà người thông linh học tạo nên, và có số lần y như bà Blavatsky cho biết, theo yêu cầu của bất cứ ai ở đó.
Hiện tượng sau xẩy ra vào ngày 6 trước mặt nhiều người. Một người ở Lucknow là luật sư tại tòa, gần đây mất vợ và con nên chán sống mà muốn dành đời mình làm việc cho Theosophy. Thế nên người này viết một thư từ Lucknow ghi ngày 1 gửi cho ông Olcott, nói rằng mình đã theo ông tới Allahabad và những nơi khác, mong muốn được gặp ông và hỏi rằng có thể gặp ông ở đâu. Vì họ nghĩ là ông Olcott đã trở về trụ sở hội nên họ gửi thư tới Bombay.
Vào ngày ta đang nói đây, mấy thư do bưu điện mang tới được người giúp việc nhà nơi ông Olcott đang ngụ trao cho ông, trước mặt vài người khác. Trong số các thư này có thư trên. Một thư khác cũng được bưu điện giao cùng ngày đến ngay sau thư trước lúc ông đang đọc nó. Thư sau là tờ quảng cáo của một thương nghiệp tại Bombay gửi cho ông Olcott và ông mở ra xem trước mặt mấy người khác. Viết ngang qua thư này là vài hàng chữ bằng bút chì xanh, ký tên KH (Koot Hoomi), một Vị Huynh Trưởng tại Himalaya; thư cũng có chữ ký của Guru ông. Thư ra lệnh cho ông gửi điện tín cho luật sư tại Lucknow (ghi rõ tên người này) kêu họ tới Calcutta, và ông Olcott hoãn chuyến đi Madras, mà ông đã mua vé trên tầu SS Khandalah và theo dự tính sẽ lên tầu vào ngay tối hôm ấy, tới ngày 19.
Như đã nói, cả hai thư đều do bưu điện mang tới. Chúng có dấu bưu điện như lệ thường và chắc chắn không thể nào thư có chữ viết bằng bút chì xanh từ đức KH được mở ra và sửa đổi khi gửi đi từ Bombay. Chữ viết bằng bút chì xanh là chữ của ngài KH. Chúng tôi nghe là ông Sinnett, chủ bút tờ báo The Pioneer, mới đây có kinh nghiệm tương tự khi một bức điện tín gửi cho ông từ Calcutta nằm trong phong bì của bưu điện, được dán kín theo cách thông thường. Khi phong bì được mở ra, ngoài bức điện tín còn có mẫu giấy rời với chữ viết tay của Guru ông Olcott.
Chúng tôi có ghi rằng việc bà Blavatsky tránh dùng quyền năng của mình để tạo hiện tượng là phải lắm. Bà chủ trương rất đúng rằng nếu Theosophy không thể xác định và duy trì thẩm quyền của nó dựa vào sự hợp lý và tốt lành của các nguyên lý mà nó nêu ra, khi ta tìm cách tăng cường nó bằng việc phô diễn hiện tượng thì chỉ là sự lười biếng, vì trừ khi nguyên nhân và hệ quả được thông hiểu hoàn toàn, hiện tượng có thể được diễn giải thành trò ảo thuật thấp kém. Bà mong ước là Theosophy, khoa học mà bà nỗ lực quảng bá sẽ thành công hay thất bại do chính tính chất của nó. Hy vọng của bà là người có học thức và trí tuệ sẽ đặt Theosophy làm mục tiêu cho việc nghiên cứu cẩn thận và khoa học. Nếu khoa này không làm tròn các hứa hẹn mà nó nêu ra, học viên sẽ dễ bỏ cuộc nghiên cứu khi mong đợi và rồi thất vọng.
Vào sáng ngày 10 chúng tôi đến gặp bà Blavatsky với chủ tâm trọn vẹn là không bầy tỏ ước ao được chứng kiến bất cứ hiện tượng nào. Ngoài bà Blavatsky và tôi trong phòng còn có các ông Peary Chand Mittra và Mohini Mohun Chatterji. Trong lúc chuyện trò qua lại, bà Blavatsky đột nhiên nhìn sững vào một chỗ. Bà kêu ông Mohini Mohun đi ra ngoài phòng và xem có ai ẩn núp trong phòng kế bên. Ông làm theo như được dặn nhưng không thấy ai. Ông vừa ngồi xuống ghế thì có một mảnh giấy nhỏ thấy rõ là do tác nhân vô hình bắn xéo từ một điểm bên trên bình phong bằng gỗ, và nó rơi gần chỗ ông Olcott ngồi, sau đoạn đường bay dài gần bẩy thước. Theo lời yêu cầu của bà Blavatsky, ông Mohini Mohun nhặt tờ giấy lên và nó có nội dung như sau:
- Đừng làm giảm giá trị Chân Lý bằng cách ép buộc nó vào đầu óc ai chưa sẵn sàng. Đừng tìm kiếm sự giúp đỡ của ai chưa đủ lòng ái quốc để làm việc không vị kỷ cho lợi ích của đồng bào mình. ’Ta làm được chuyện gì tốt đẹp ?’ họ hỏi, ’Ta có thể làm lợi gì cho nhân loại hay ngay cả cho đất nước của ta ?’ Quả thật họ chỉ yêu nước lừng khừng. Khi đất nước suy sụp vì thiếu sinh khí, và thiếu các lực mới mẻ tuôn vào, người yêu nước chân chính sẽ bám vào ngay cả điều gì mong manh nhất. Nhưng có ai thực tâm yêu nước ở Bengal ? Nếu có nhiều hẳn chúng tôi đã gửi hai bạn sang đó từ lâu; và khó mà chúng tôi cho phép hai bạn ở trên đất Ấn ba năm mà không viếng thăm Calcutta, thành phố có nhiều trí tuệ lớn lao - mà không có quả tim. Bạn có thể đọc cho họ thư này.
K.H.
Cả bà Blavatsky lẫn ông Olcott đều không biết là có thư như thế đến, và chắc chắn hai vị không quan tâm đến cách bí ẩn mà thư được đưa vào phòng. Chuyện gần như không sao tin được, nhưng dù vậy nó là việc không thể nghi ngờ.
(còn tiếp)